Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

CÓ MỘT GIÁM ĐỐC XUẤT BẢN TƯ NHÂN

CÓ MỘT GIÁM ĐỐC XUẤT BẢN TƯ NHÂN

CÓ MỘT GIÁM ĐỐC XUẤT BẢN TƯ NHÂN ĐI TÙ….

Chuyện xảy ra cách đây chỉ còn thiếu hai tháng nữa là đúng….60 năm! Có một con người mê văn nghệ và yêu văn nghệ sỹ tới mức….luôn đi theo các bậc "tiền bối", những vị mà ông ta cho là các “trưởng lão” trong làng văn nghệ nước nhà để thực hiện những chuyện…“điếu đóm” cho các “thầy”, và sẵn sàng làm ….”bà đỡ” cho các “đứa con” của các thầy khi chúng đã tới lúc cần cất ba tiếng khóc chào đời! Nghĩa là ông sẵn sàng bỏ tiền túi ra, ứng trước cho văn nghệ sỹ, sẵn sàng chạy nháo nhào bằng chiếc xe đạp cà tàng, từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, vào tận nhà dòng Bùi Chu để kiếm chỗ in bằng được những tác phẩm của các tác giả mà ông …mê.!

Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nhà nước lo đánh giặc, nhân dân lo chạy giặc, cơ quan lo….di chuyển liên tục để ….khỏi rơi vào tay “Tây nhảy dù” Có ma nào lo cái chuyện "đỡ đẻ" cho tác phẩm? Vả lại ,mới cướp được chính quyền, mới thành lập"chính phủ đoàn kết dân tộc", đã có ai nghĩ đến chuyện “quốc doanh hóa” cái nghề xuất bản. Thế là, đi kháng chiến, cứ theo Hiến pháp, ông tự thành lập cái Nhà Xuất Bản tư nhân duy nhất mà ông vừa là giám đốc, vừa là biên tập, tổng biên tập, thủ quỹ, và cả…. loong toong luôn. Còn trụ sở thì…nay đây mai đó, sơ tán trong nhà dân. Ông cứ hay tìm về những nơi nào tập trung nhân tài văn nghệ nhất…để lo cho sự ra đời những đứa con của những người mà ông mến phục Bởi vậy những năm 50-54, sau khi văn nghệ Khu III đã gần như “dạt” cả vào Khu IV hoặc… “dinh tê” về thành, ông lấy Thanh Hóa là nơi hoạt động xuất bản… “tự do như không khí” , chẳng cần phếp tắc, chẳng cần hội đồng xuất bản, ban, bộ, cục kiếc … gì chỉ đạo, chẳng biết nộp lưu chiểu lưu chiếc cho ai.
Vậy mà cái thời khó khăn, gian khổ mà lại…tự do đó, ông đã phổ biến, ít nhất cho cánh tớ một lô tác phẩm có giá trị bằng công sức mồ hôi và tiền bạc của chính ông… Đến hôm nay, chẳng hiểu ai có còn giữ được những tập thơ, tập truyện ngắn, thậm chí cả kịch Lôi Vũ, Nhật Xuất…in trên giấy tự tạo vẫn còn nguyên sợi rơm của xưởng giấy thủ công ở Quần Kênh (Thanh Hóa) Bìa cũng như ruột, chỉ có một thứ giấy, một thứ chữ lem nhem, in từ cái máy minerve quay tay ra…. Ấy vậy mà, các vị trưởng lão trong làng văn đều chào đón nó với cả nhiệt tình và lòng biết ơn vì ít ra nó cũng có công duy trì được cái nền “văn hóa đọc” cho dân mình khi nhà nước chưa thể lo đến cái “thượng tầng kiến trúc” được . Vậy là ông đứng ra lo cái việc mà nhà nước chưa... cấm ông lo…..
Và cứ thế, khó khăn biết mấy, ông cứ tiếp tục “hầu hạ” mấy ông anh văn nghệ sỹ nào mà ông mê nhất….chẳng cần đường lối chính sách, chẳng phân biệt ai là cách mạng thật , ai giả, ai cơ hội, ai nửa vời…Vì ông luôn tự cho Ông là người có toàn quyền chịu trách nhiệm cần đỡ đẻ cho ai, không đỡ đẻ cho ai. Chuyện này, chính ông nói với tớ trong một cuộc gặp gỡ tại nhà kịch tác gia - đạo diễn Lộng Chương ở chợ Neo (Thanh Hóa) khi bàn đến chuyện in vở “Ngưỡng Cửa” của Đinh Ánh. Nhà thơ Nguyễn Xuân Huy có đưa ra ý kiến “Nên in kịch Đoàn Phú Tứ trước! vì….vì….thế này, vì thế nọ. Ông đã buông một câu rất xác đáng: “ Để nhường Đoàn Phú Tứ cho các Nhà xuất bản….trong thành! Trước mắt, tôi chỉ có khả năng "làm Đinh Ánh" đã!”
Và quả là “ông bảo như thần bảo”, một năm sau, gặp ông ở Kim Tân, ông hể hả nói với tớ: Cậu thấy chưa? Cỡ ông Đ.P.Tứ đâu cần đến cái thứ “xuất bản du kích” của tớ! Phen này, về thành rồi, ông thiếu gì người chạy theo xin xuất bản! Nói thật tớ chỉ mê mấy anh sáng tác …. nghèo! Giúp đỡ để họ có tác phẩm cho đời là mục đích của tớ khi làm cái công việc mà chẳng mấy ai chịu làm vì làm thì chỉ có nước….lỗ vỡ mặt! Chỉ mong sao, sau này, chẳng đóng góp gì được bằng tác phẩm thì ít nhất, người đời cũng còn nhắc tới tớ.
Nhà Xuất Bản Minh Đức, và nếu hiểu chữ Nhà theo kiểu nhà báo, nhà,giáo, nhà văn cho thì… cũng là vinh dự cho tớ lắm rồi vì tớ có bao giờ có ....Nhà! Bọn tớ, úc ấy cũng đánh giá ông như ông nghĩ : Ông chính là người đầu tiên , dưới chế đọ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa , đã làm cái công việc “đỡ đẻ” cho tác phẩm, không vì kinh doanh lời lãi. Ông dám tự mình đứng ra chịu trách nhiệm trước nhân dân về các xuất bản phẩm mà ông đã góp sức tạo ra. Đặc biệt nhất, ông là người tôn trọng, thậm chí tôn sùng những con người mà theo ông là đặc biệt nhất, là vĩ đại nhất là có tài nhất trong giới văn nghệ. Vì họ, ông sẵn sàng hy sinh cả tài sản, cả quyền lợi bản thân , chỉ mong sau này có những tác phẩm xuất sắc nhất ra đời lại có tên ông : ”bà đỡ đẻ” Minh Đức….
Cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm kết thúc, ông trở về Hà Nội tiếp tục làm nghề xuất bản tự do…….một cách vất vả .. vì lúc này các Nhà Xuất Bản của “địch” để lại đã nắm thế thượng phong do có nhiều tài lực và nhân lực và biết cách đối xử (có người sau này gọi là…”mua chuộc”!) hơn ông rất nhiều lần! Tuy nhiên, ông vẫn nắm vững phương châm hoạt động “xuất bản không phải là cách kiếm sống” mà là chọn đưa tới người đọc những gì là “của ngon vật lạ” nhất để họ thưởng thức….. Từ ngôi nhà ở nhờ một người bạn tại ô Quan Chưởng ông chuyển trụ sở về 25 Phan Bội Châu….. Và chính “ngôi nhà định mệnh này”, nơi ông thường tổ chức các cuộc “tao ngộ chiến” trên bàn rượu , đã đưa ông đến với những Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Văn cao, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Thụy An… và ông lại quyết tâm làm "bà đỡ" cho những người mà ông vô cùng cảm phục này. Số phận của ông từ đầu năm 56 đã được ông tự quyết định, không tính toán, không ân hận; Sẽ …vinh quang hay…"mạt rệp" cùng những con người này, dù ông chưa từng trực tiếp cầm ngòi bút, chưa hề có cao vọng lớn như các bậc tiên chỉ, đàn anh mỗi khi phát biểu hay viết lên giấy trắng mực đen! Nói chính xác : ông chỉ là người thực hiện phổ biến không quá 3 tập của Giai Phẩm và Đất Mới! Nghĩa là trong vụ Nhân văn-Giai Phẩm , ông chỉ có xoay sở cho ra mắt bạn đọc được có phần …Giai Phẩm. Còn Nhân văn, đã có ông bạn cùng quê Nguyễn Hữu Đang, với uy tín sẵn có,nhiều lính tráng cũ đang nắm các nhà in, lo cả!. Đầu năm 1959, sau các vụ đấu tố, xử lý cho đi cải tạo, cấm sáng tác, cấm xuất bản hàng loạt văn nghệ sỹ …thì vụ án gián điệp thông qua một số văn nghệ sỹ và xuất bản Minh Đức do De Bon Fils (cái tên “Con trai tốt “này thật dễ nhớ!) chỉ đạo , qua gián điệp Thụy An , được mang ra xét xử…bí mật!. Không có thông báo, không có “mời dự” như vụ Toán Xồm….Không biết nội dung diễn tiến cuộc xét xủ. Tất cả đêu làm kín.Văn nghệ sỹ lại càng không có nhiệm vụ gi ở cái “vụ án gián điệp” này mà phải thông báo. Duy nhất chỉ có một vị Nghệ Sỹ Nhân Dân (nay còn sống ) được mời đến để “đối chứng” nhưng tới nay ..."thà chết cũng không xì ra nửa lời"!?
Sau này, tại phòng họp A, Bộ Văn Hóa, Bí Thư Đảng Đoàn Hà Huy Giáp phổ biến về mọi “âm mưu thâm độc của kẻ thù” mới được rõ là : Đây không hề là một vụ án văn nghệ mà đơn thuần chỉ là một vụ án gián điệp Riêng Nhà Xuất Bản Minh Đức thì bị coi như là người "nắm tài chính của kẻ thù cung cấp " để phá hoại tư tưởng ngay trong đội ngũ những văn nghệ sỹ của Đảng!!! Toàn tuyên án riêng Giám Đốc Nhà Xuất Bản Minh Đức Trần Thiếu Bảo 11 năm tù giam…Thế nhưng, chẳng hiểu sao (có lẽ bận việc chạy bom Mỹ? hay… do không cải tạo tốt?) mãi đến tháng 4 năm 1973, ông mới được trở về với gia đình. Vẫn đam mê với sách báo, ông mở một xạp hàng bán sách báo cũ tại số 5 Bát Đàn ….Và chính ở cái sạp sách báo nhỏ xíu này mà tớ thường hay lui tới thăm hỏi nên "xuất bản gia" Minh Đức Trần Thiếu Bảo đã phổ biến cho tớ cũng như nhiều đồng hương,”đồng chí” cũ (Tớ sinh tại Hà Nội nhưng quê hương gốc gác lại chính là Tiền Hải Thái Bình) tất cả những gì là áp đặt, là vô căn cứ, là mớm cung trong cái “vụ án gián điệp chết người” mà nhóm các ông bị kết án. Thậm chí cả đến việc ông cùng Nguyễn Hữu Đang tổ chức Hội văn Hóa Cứu Quốc cũng bị “quay” thành “âm mưu xâm nhập vào mặt trận văn hóa tư tưởng”!? Ai ra lệnh cho Trần Thiếu Bảo mời những tên này tên kia vào Hội Văn Hóa Cứu Quốc? Tiền ở đâu mà dám đăng cai cả một cuộc “luận chiến văn nghệ” tại đình làng Khuốc ? (Cổ Khúc –Tiên Hưng-Thái Bình) ăn nhậu , nói bậy cả 3 ngày, lại còn có cả món…. “Nàng tiên nâu” cho các cụ trưởng lão. Rồi đi kháng chiến, ”Bazar Minh Đức” của ông anh Trần văn Rư bị tiêu thổ kháng chiến sạch sành sanh, vậy tiền đâu mà ông em Trần thiếu Bảo vẫn đứng vững trên nghề xuất bản.? Nhưng gay go nhất là bị hỏi về những mối quan hệ với nhóm nhân văn giai phẩm…Ai cung cấp thuốc phiện, bàn đèn cho Hoàng Cầm, Tử Phác…Tiền ở đâu mà tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm, nhậu nhẹt ở 25 Phan Bội Châu? Toàn những câu hỏi mà ông Minh Đức chỉ lỡ miệng một chút, là được…“cho đi dựa cột” ngay. Ông nói;” Chết thì chết, tớ không bao giờ nhận cái tội phản bội Tổ Quốc, phản bội dân tộc. Tớ cũng khai ra các ông Việt Minh cỡ bự nào đã được gia đình tớ chăm sóc, nuôi dưỡng….Tớ chỉ kiên trì một ý; ”Tôi chỉ phục vụ những văn nghệ sỹ mà tên tuồi và tác phẩm đã nổi tiếng khắp trong nước và thế giới… Nay mấy ông này không làm các vị vừa lòng, tại sao các vị lại giận cá chém….. thớt là cái thằng làm xuất bản nghèo kiết xác như tôi…
Những câu hỏi, những bản kiểm điểm "trước sau như một" chẳng có gì thay đổi, đã bị trại giam xếp Trần Thiếu Bảo vào loại “ngoan cố, không chịu cải tạo” suốt 13 năm…. Cho đến cái ngày đầu tháng 4/1973, NHÀ XUẤT BẢN TRẦN THIẾU BẢO được trả tự do trước sự ngỡ ngàng xen chút mừng vui cho ông.mặc dầu bản kiểm điểm hàng tháng của ông vẫn chẳng có gì là….”tiến bộ”! Ông nói với tớ; ”Chắc có lệnh mồm từ đâu đó chứ mấy đời những vụ án chính trị này lại được giải quyết “không kèn không trống” thế này. Ông không bị quản chế, không bị theo rõi….
Thậm chí ông còn được vào Sài Gòn năm 1988, thăm bạn bè, người thân… Và có một diều khá kỳ cục chưa có tiền lệ là.: Con gái đầu lòng của ông, Trần thị bảo Châu (sinh năm 1952) lại đựoc …kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam (với cái lý lịch….."Bố bị tù về tội gián điệp”hay sao?) Gặp ông lần cuối tại Sài Gòn, tớ nhớ mãi cái câu nói :”Xét cho cùng, chằng có cái Nhà Xuất Bản nào hiên nay “sứơng” bằng tớ, tự do bằng tớ Ông vui vẻ, hoạt bát hẳn lên và không muốn ai nhắc tới cái vụ án “nhận tiền nước ngoài phổ biến những tài liệu chống Đảng” mà ông đã bị làm… “cái thớt” để hù dọa những “con cá” Nhân văn-Giai phẩm! Ông tin rằng lịch sử sẽ được viết lại và những vụ án kiểu như ông bị tòa khép tội, sẽ đuọc làm sáng tỏ.
Tiếc rằng sau chuyến Nam Du đó, ông bị ngã bệnh và qua đời vào lúc 4 giờ sáng ngày 25/9/1986 ! Cái mộng suốt đời “bưng bê” cho các nhà văn , nhà tư tưởng lớn , làm “bà đỡ” cho các tác phẩm giá trị của ông không thành mà còn mang đến cho ông biết bao tai họa…. Mong rằng ngày nào đó, khi nước ta có tự do xuất bản (ít nhất cũng được như thời Pháp thuộc!), có một nhà xuất bản nào đó sẽ lấy cái tên Minh Đức để đặt tên cho cái “nhà” của riêng mình.
Riêng đối với tớ, sau này do gắn bó với nghành “xuất bản có chỉ đạo” hơn 30 năm, mỗi lần có những chuyện "vô lý không có lẽ" xảy ra trong các khâu, xét duyệt, phổ biến tác phẩm, tớ lại nhớ đến cái thời “xuất bản tự do”của ông Minh Đức, và ước mơ được làm một “Xuất Bản Gia”, thấy thích, thấy hay thì cứ việc bỏ tiền túi ra mà phổ biến cho mọi người, chẳng lo bị ai đè đầu, cưỡi cổ, bị xét duyệt mà “kẻ xét” thường là những những kẻ “vô đạo” so với người “bị duyệt”.Ước muốn không thành này tớ dồn vào các trang blog,thoải mái viết lại những gì tớ chứng kiến trong quá khứ và hiện tại chẳng lo ai sửa chữa, cắt xén,……..
Ấy vậy mà người ta lại đang lo sốt vó với mấy cái blog bằng việc sáng chế ra một cái cơ quan có tên dài nhất thế giới : Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử” để tiến tới khóa miệng luôn mấy anh blogger Việt Nam! Rồi đây, chắc sẽ có khối "trại cải tạo blogger" nếu anh nào biến blog của mình thành nơi thông tin, phát biểu những tư tưởng, tình cảm về đất nước, về nhân tình thế thái,…. Tớ lại nhớ đến câu nói của ông Minh Đức: Xuất bản thời tớ là….sướng nhất! mà buồn cho những gì đang và sẽ diễn ra trên cái lề bên phải của sự nghiệp xuất bản, báo chí nước nhà ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.