Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

"Tuyển Tập Blog Tô Hải tập 1"


Tô Hải’s Blog 1
(thời Yahoo 360)

TÔ HẢI


Nhật Ký VƯỢT QUA NỖI SỢ
(TẬP II “HỒI KÝ CỦA MỘT THẰNG HÈN”)


NHÀ XUẤT BẢN TỰ DO…CHUI
-0-0-0-0-0-

ĐÔI LỜI PHI LỘ

Như trong “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” tôi đã thú thiệt rằng tôi đang còn “Sợ” khi bắt tay vào viết những “dòng Sự Thật” muôn vàn đắng cay về những gì tôi đã Hèn nên đã trót cùng một lũ gọi là “kỹ sư tâm hồn” của bọn cộng sản mà phạm Tội với nhân dân.

Đó là những năm đầu của thế kỷ XXI, sự đàn áp tàn khốc thẳng tay của bộ máy chuyên chính Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ không nương tay với bất cứ ai dám nghĩ khác, nói khác chúng, không đếm xỉa gì đến dư luận quốc tế và càng coi thường dư luận trong nước không ít nhất một chút e dè như ngày nay mà nguyên nhân chính là: Sự phát triển như vũ bão của Internet đã biến thế giới này dù muốn hay không cũng phải sống dưới một mái nhà chung.

Bước vào cái tuổi 81, tôi bỗng thấy mình như trẻ lại. Dù mới chỉ nắm được sơ sơ cái vũ khí Internet cực kỳ lợi hại này, nhưng quyết dùng nó để nói lên tất cả những gì mà trong tập “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” mình vẫn còn ấp úng e dè ….

Và ngày 20 tháng 8 năm 2007 tôi bắt đầu phấn khởi bước vào con đường Blogger không hề một chút sợ hãi với tâm nguyện:

1. Còn nhớ được những sự thật cay đắng bẩn thỉu tội lỗi nào của cái thể chế mà mình đã vì miếng ăn cho vợ con, vì sợ bị thanh toán hoặc tù tội mà đành nhắm mắt đi theo.

2. Quyết thẳng tay phanh phui mọi sự lừa dối, bịp bợp của một tập đoàn tội ác mang hư danh cộng sản nhưng thực sự là một tổ chức maphia bán nước, bán dân, bán cả dòng tộc cha ông ngàn đời để muôn năm cai trị gần 90 triệu con người bàng một bộ máy chuyên chế khổng lồ súng đạn nhà tù được chỉ huy bởi những tên đồ tể khát máu được trả công cực kỳ hậu hĩ mà to nhất là quyền được cướp hết từ ruộng đất, của cải đến quyền được sống, được yêu, được ghét của nhân dân ….

Và suốt gần bảy năm qua, đến nay qua được tuổi 88, tôi thật hạnh phúc vì nhờ sự giúp đõ vô tư và chí tình của bạn bè, tôi đã có lại tất cả các bài viết trên các Blog đã ba lần bị treo “Sinh Tử Lệnh” (hacked) bị xóa hết nay lại được “phục sinh” để tập hợp lại thành tuyển tập những entries tôi dã viết suốt hơn 6 năm qua với hy vọng giúp cho các bạn trẻ được biết thêm một mặt thật của xã hội mà bọn tư bản đỏ luôn che giấu hay xuyên tạc.

Với cuốn ebook này, tôi cũng mong được sự giúp đỡ thêm của bạn bè năm châu bốn biển: Hãy giới thiệu thêm cho nhiều nhiều người nữa đọc nó để thêm phần thương cảm cho đất nước đau khổ này, cho tôi, người chẳng mong gì hơn là góp phần sớm lật đổ bọn “vua quan được thần thánh hóa” này, trả lại Tự Do cho 90 triệu con Lạc cháu Hồng.

Và….nếu có một ai đó có đủ khả năng và tài lực in nó thành sách giấy cho mọi người dù không biết xử dụng Internet đều cùng đọc được thì quả là hạnh phúc với kẻ đã thí mạng cùi với bọn quân-tài-đảng phiệt này!

Tôi nguyện không tính toán gì đến bản quyền, bản lợi./.


Saigon, tháng Chạp Quý Tỵ 2013
Tô Hải

Mục Lục Blog 1


1. Bài Rap số 1: Anh yêu em… Anh nhớ em!, 22/08/2007
2. Bài Rap số 2: Ới em ơi! Anh mất em rồi, 23/08/2007
3. Khai lý lịch thật thà, 24/08/2007
4. Ai bảo rằng đi xế hộp là sướng – Bài Ráp số 3, 25/08/2007
5. Thư ngỏ gửi Lính già, 26/08/2007
6. Lang thang trên mạng buồn ơi là buồn!, 30/08/2007
7. Trả lời một vấn đề đặt ra bởi các friends trẻ mà tôi yêu, 03/09/2007
8. Trả lời các friends tôi yêu quý nhất, 04/09/2007
9. Lại cái chuyện "Nụ cười sơn cước", 05/09/2007
10. Văn hóa âm nhạc, câu chuyện không bao giờ hết, 07/09/2007
11. Tiếp tục câu chuyện khó nghe: Lại nói về cái chuyện Văn hóa, 11/09/2007
12. Thôi thì đành tự comment, 14/09/2007
13. Tiếp tục chuyện "Xe đạp cởi truồng", 15/09/2007
14. Lại nói về những cái "xe văn hóa", 20/09/2007
15. Gĩa từ cái xe văn hóa "made in France", 24/09/2007
16. Tớ đã đạp phải "Tổ kiến lửa"! Bỏ mẹ tớ rồi!, 26/09/2007
17. Giới thiệu một CD tự làm, 02/10/2007
18. Đâm lao tớ phải theo lao…, 16/10/2007
19. Câu chuyện văn hóa âm nhạc của tớ (Bài 2)
20. Tớ đã tồn tại như thế nào? (Bài 3), 18/10/2007
21. Một thời hoàng kim (Bài 4), 19/10/2007
22. Cái Thời Hoàng Kim không trở lại (viết tiếp), 20/10/2007
23. Cái thời Hậu Hoàng kim (viết tiếp cái Thời kỳ Hoàng Kim xa xưa ấy), 22/10/2007
24. Viết tiếp cái thời "Hậu Hoàng Kim", 22/10/2007
25. Có một thời được nếm mùi hạnh phúc!, 06/11/2007
26. Một entry "lạc đề": Tớ tạt sang một lãnh vực mà tớ rất… ghét! 12/11/2007
27. Những năm xưa ấy năm gì?, 17/11/2007
28. Cái mẩu hạnh phúc cỏn con, 25/11/2007
29. Có đi có lại mới khoái làm Blốc-gơ - Một Entry “có vấn đề”, 06/12/2007
30. Tớ đi bầy tỏ lòng yêu nước - TỚ ĐI TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÉP (Báo cáo nóng với các friends), 16/12/2007
31. Tớ tỉnh ra rồi, 18/12/2007
32. Tớ “tỉnh” quá mất rồi! 20/12/2007
33. Hình ảnh về tớ, 21/12/2007
34. Đáp ứng yêu cầu upload - Một bài hát chống “bành trướng” đã bị xếp xó, 22/12/2007
35. Nỗi đau cuối năm. Nỗi đau cuối đời, 26/12/2007
36. Hà Nội... ơi quê hương... - TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG, 07/01/2008
37. Suy nghĩ lẩm cẩm đầu năm - ĐẦU NĂM TỚ TỰ KIỂM ĐIỂM, 16/01/2008
38. QUAN ĐIỂM LẠP XƯỜNG, CÁI ZÌ DZẬY?, 24/01/2008
39. NIỀM VUI TÌM THẤY TRONG THÙNG RÁC! 06/02/2008
40. AI BẢO MÙ THÔNG TIN LÀ KHỔ? 25/02/2008
41. HAI NĂM CHỜ ĐỢI..., 26/02/2008
42. Thần tốc vô Sài Gòn, 03/03/2008
43. Sài Gòn, những cú sốc liên tiếp làm tớ mắc bệnh… ngọng, 04/03/2008
44. Bài 1- Tâm trạng bứt rứt của một người lính ra trận: MỘT BÃI CHIẾN TRƯỜNG KHÔNG TIẾNG SÚNG, 09/03/2008
45. Vào cuộc chiến chống âm nhạc "phản động đồi trụy": TỚ VÀO CUÔC CHIẾN TRÊN MẶT TRẬN VĂN HÓA TƯ TƯỞNG, 09/03/2008
46. Bài 2: Thay thế món ăn tinh thần có dễ không? - THAY ĐỔI CÁI BÌNH ĐÂU THAY ĐƯỢC RƯỢU..., 11/03/2008
47. Viết tiếp bài "Bình Mới Rượu cũ" (bài 2) : CÔNG DÃ TRÀNG CÒN MANG TIẾNG XẤU! (mới bổ xung theo yêu cầu của một số friends), 12/03/2008
48. Đây! Những bài hát bị lên án - Có phải Tô Hải lại quay về con đường cũ? 16/03/2008
49. 2 – 1 = 3! 18/3/2008
50. Đi thực tế miền Nam mới "giải phóng", 24/03/2008
51. Đi thực tế miền Nam mới "giải phóng", 27/03/2008
52. Những thực tế đau long, 03/04/2008
53. Hai cô sinh viên ở lầu 2, 05/04/2008
54. Ba cháu bụi đời xin học nhạc, 15/04/2008
55. Vẫn những chuyện thực tế làm sáng mắt... đau lòng: LỚP NGƯỜI BỊ XUA ĐUỔI, 26/04/2008
56. Tớ đi tìm hạnh phúc - CHUYỆN TÌNH CUỐI CỦA TỚ, 01/05/2008
57. Thông báo không khẩn cấp! 16/05/2008
58. Văn nghệ sỹ hai miền, ai sướng, ai khổ hơn ai? 30/05/2008
59. Ai là người khổ nhất? 13/06/2008
60. Có một Van Gogh Việt Nam ???, 01/07/2008
61. Có một nhạc sỹ thứ thiệt-TẠI SAO CÓ NHIỀU NHẠC SỸ “BỐC HƠI” DZẬY?, 15/07/2008
62. Tớ hắt xì hơi! - 01/08/2008
63. Nếu tớ có quyền - 09/08/2008
64. Nếu tớ lại tiếp tục có quyền… ảo - 10/08/2008
65. Có quyền ảo tiếp tục (lần 3) - 12/04/2008
66. Thư ngỏ gửi "đồng chí" Vũ Cao Quận - 14/08/2008
67. Nếu tớ lại có quyền như anh T.H.R.– 15/08/2008
68. Nếu tớ được làm bộ trưởng ngoại giao... Nhật! - 17/08/2008
69. Tới có thể… từ chức ảo - 06/09/2008
70. Vụ án văn nghệ... oan ức và... tức cười... - 06/09/2008
71. Trở lại với chuyện nóng bỏng - 10/09/2008
72. Văn nghệ “dán tem”?– 02/10/2008
73. Có một giám đốc xuất bản tư nhân đi tù - 04/10/2008
74. Trở lại sau 100 ngày xa em... Blốc! - 31/12/2008
75. Nỗi buồn cuối năm– 12/01/2009
76. Cú điện thoại vui cuối năm– 14/01/2009
77. Làm văn vần cuối năm– 25/01/2009
78. Xuân Quý Tỵ, một mùa Xuân đau buồn– 25/01/2009
79. 17 tháng 2 ngày dzì dzậy? - 17/02/2009
80. Nỗi truân chuyên của một tác giả và tác phẩm của nó, 07/03/2009
81. Nhớ Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy / Nguyễn Lân Hùng, 12/03/2009
82. Bản hợp xướng bị bỏ quên rồi được thay thế, 16/03/2009
83. Gặp lại các “cụ chiến sĩ” còn sót lại thời chín năm, 05/04/2009
84. 50 năm cùng 'Tiếng hát biên thùy', Viết riêng cho BBC từ Saigon, 06/04/2009
85. Là “người của công chúng” ảo khổ ơi là khổ, 18/04/2009

o-o-o-o-o-o-o-o-o-


Entry số 1

Ngày 22 tháng 8 năm 2007

Bài Rap số 1: Anh yêu em... Anh nhớ em!

(đọc theo tiết tấu)!!!!!!!!!!! ---!!!!!!!! ---keyboard đặt tự động ở Style Surf Suffle, Funk Suffle, hoặc Disco Fox, Disco trop tùy ý miễn là tempo phải + hết cỡ (ngoài 200 càng tốt). Tay phải nghỉ khỏe, tay trái cứ hết câu rap lại dùng một ngón trỏ bấm vào một nốt bất kỳ để thay đổi mầu sắc "phối khí"...

Bài rap bắt đầu:

Anh yêu em có khác chi Chí Phèo yêu Thị Nở
Anh nhớ em như nhớ Phở lúc chán cơm
Anh cần em như cửa sổ cần bức tường
Anh thiếu em như Attila, Xì-pê-xì thiếu những con đường cao tốc!
Có phải em ra đi vì anh luôn thay đổi màu bộ tóc
Khi thì xanh, lúc thì đỏ, lúc vàng hoe?
Có phải mẹ cha em phán anh "chẳng ra cái giống gì"
Áo quần như đi mượn, mũ đội ngược, nhảy “bờ rếch đăng” (break dance) muốn gãy cỗ
Ới em ơi! Nếu thế thì bố mẹ em cực kì nhầm!
Thời "hội nhập", thanh niên cần đổi mới
“Ắp tu đết” nếu không thì mang tội (up to date)
Vì không theo kịp với thế giới, bạn bè!
Người yêu ơi! hãy thuyết phục các cụ đi
Hãy rời bỏ những tư duy Khôt-ta-bít!
Nếu không được thì tình ta đành (ô hô hô!)... chết!
Đành chết! đành chết! đành chết!
Thế là hết! Thế là hết! Thế là hết! (quay lại từ đầu cho đến khi nào thấy... mệt)

Khuyến mại thêm một mẩu rap tự giới thiệu

TÔI LÀM “BỜ LỐC GƠ” Ở TUỔI…81

Tôi làm Blogger ở tuổi 81
Ngoài 80, có mấy ai lên Blog
Tớ 81 thành chủ Blog... dở hơi
Cố bước chân theo lớp trẻ, cũng đua đòi
Theo hip hop, grafiti, rắp, riếc
Âm nhạc tớ, âm nhạc thời "rách việc"
Gò lưng tôm cố viết xanh-phô-ny
Nào công-xéc-tô, nào sôi-nát để... cất đi
Cố bắt chước Chô-Panh, Chai-cốc-ky hoặc cụ Bách...
Nhưng kết quả chỉ là: Vứt! vứt! vứt!
Vì cháu con thời hiện đại, nhạc “a còng”
Chẳng cần học 5, 10 năm như tớ
Vẫn nổi danh mà chẳng cần tổng phổ
Vẫn trở thành 'rap sỹ nói"… ngon ơ!
Vẫn có tiền, có xế hộp, có nhà...
Đâu như tớ giầu huân chương nhưng… nghèo kiết xác!
Bét-tô-ven ?, Su-be.?.. thôi! xin chào các bác!
Em ra đi làm nhạc rap từ đây!
Các bạn trẻ! hãy tin lão già này;
Vào Blog tớ, sẽ có ngay... một bài rắp!
Bảo đảm rằng tớ không hề ăn cắp
Vì có tên người "xúc tác" hẳn hoi.
Là tớ đây: "Lão nhạt sỹ dở hơi"...
TooHair 007 (81 tuổi) cư dân mạng từ thời còn là "Cụ Trẻ"
o-o-o-o-o-o-o-o-o-


2. Bài rap số 2: ỚI EM ƠI! ANH MẤT EM RỒI

(bài rap này tớ có sáng kiến là: Đọc theo tiết tấu của điệu "Sẩm soan"!, thỉnh thoảng vấp một nhịp (mà các bậc học giả âm nhạc gọi là xanh-cốp ấy mà!) cho nó có mầu sắc dân tộc.! Keyboard mở tự động Style Rockn' roll hay là theo nhịp "tầu tốc hành chạy trên đường không cua không quẹo". Đọc thành nhóm 4 từ, nhấn vào từ thứ 4 và thứ 1. Nếu có thể, kiếm được một cái mõ nhà chùa, gõ đều đều vào từ thứ 1. Bảo đảm sẽ đậm đà mầu sắc dân tộc).

Nào bắt đầu!

Nhà thơ Xuân Diệu khi xưa làm thơ
/chỉ có ghen đùa với hoa, với gối, với sông, với suối, với biển, với rừng, /
nên ông đâu sợ, mất vợ, mất con?
Có khi vợ ông còn yêu ông hơn vì ông giận, ông hờn nhưng ông ghen đúng cả lý, cả lẽ.
Nếu ông còn sống, chắc phải bó tay vì ghen ngày nay là ghen rất…cụ thể/.
Cái ghen nghệ sỹ, nó rất khác đời! /
Ghen với báo, với Đài, Ghen với "quần chúng"cả bên Tầu lẫn bên Tây/
Nên dù tôi có đúng, cũng phải bó tay./
Vì cái thế giới thời nay, Tôi là thiểu số! /
Vợ tôi? Cái đa số thượng thời họ đã ẵm mất rồi!
/Ới ông Xuân Diệu ơi! Là ông ông Xuân Diệu ơi!
/Ông có biết vì đâu nên vợ tôi bỗng nổi tiếng thành “siêu sao rắp riếc"
/ Do một anh nào, lăng-xê nàng ra /
thị trường chẳng biết? /
Thế là quên hết, bai, bai những kỷ niệm xưa cùng anh thổi co (cor) tôi /
Cái cô hợp xướng viên ở Nhà hát giao hưởng của tôi,
/ Nổi tiếng hát tồi, chán cảnh ngồi chơi đuổi ruồi
/bèn xin thôi việc để… chuyển sang rạp xiếc.! /
Làm lại cuộc đời bằng nghề đu bay xuýt gẫy tay, gẫy cổ!
(chuyển tiết tấu 4 âm một)
Cho đến một ngày/ Có người phát hiện /Tài cô điêu luyện, /
Chính nghề… ngoáy mông./ Thân hình, đường cong /Hợp cho nhạc Rap!
/ Thế là lập tức, / Cô được giao cho, / một băng vidéo./ Snooppy Doggy Dog (đoc là "xi-núp-py đoóc -ghi-đoóc")
Thế là cơn sốt /đoóc-đoóc nổ ra./ Ầm ỹ cửa nhà./ Chỉ vì… nghệ thuật! /
Nhưng điều khổ nhất/ là người tôi yêu, / Bỗng có một chiều /Ra đi mãi mãi!
/ Không một lời nói/ không một lời chào/ Để lại nỗi đau /cho tôi mãi mãi.../
Cho đến một tối /ngồi xem Tivi, / tôi bỗng nhận ra/ mấy cô rắp sỹ /,
Có cô bé tý, / có cô to đùng, / đang nhảy tâng tâng, / chẳng cần bài bản!
/ Và dưới ánh sáng /của tia la de…/ Ai xuất hiện kia?/ Chính là cô ấy! /
Tiếng hô vang dậy./ Hoa vẫy tay quờ…/ Công chúng hoan hô.
/ Cô cười độ lượng./ Thì ra… trời ơi! / Giá trị đảo lộn/ đã phóng cô lên,
/ Cô đã đổi tên, / cô đã sửa mặt./ Cô đã có tất, / ngoại trừ thằng tôi! /
Hết ghen cô rồi /Vì tôi quá dở?, / vì tôi bảo thủ?, / vì tôi quê mùa?
/Không theo kịp cô/ tiến lên hiện đại./ Thôi thì tôi dại, / thôi thì tôi thua,
/ Ôm cái kèn co, / tôi về chốn cũ! / Mặc cô cho gió, / mặc cô cho mưa./
Cho đến bao giờ./ Bờ rếch đăng (breake-dance) xẹp tiệm./
Tôi chẳng kiếm chuyện/ ghen tuông mãi đâu./
Bao giờ bạc đầu, / xụn lưng trở lại./ Tôi không tự ái./ Chìa tay đón cô./
Trở lại ngày xưa./ Ca bài "Lầm lỡ" lỡ… Lầm lỡ, Lầm lỡ, Lầm lỡ!

Thứ năm 23 tháng 8/2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

3. Khai lý lịch thật thà
Tiểu sử cực thiệt thà

Hôm nay tớ xuýt đứt hơi, xụn lưng vì nhạc Rap, vì có cô "phò-ren" (friend) Ho (?) dọa đến học làm rap-pơ.
Tớ quá lo lòi cái dốt ông già.
Nên vội vã mang sáng tác ra thực nghiệm!
Ai ngờ đâu bịa nó ra là một chuyện.
Còn thực hành nó mới khó làm sao.
Quả rap-pơ phải vất vả biết bao,
Vừa phải hát, vừa phải lộn, phải nhào...
Không có sức chỉ có mà...củ tỏi!
Thế mới biết vì sao Rap nổi trội:
Một bé Kim bỗng sáng chói bầu trời.
Được tán dương trên báo chí, trên Đài.
Một thần tượng của các phăng (tê) âm nhạt (à quên âm nhạc).
Thôi thì đã định nổi danh bằng Rap.
Tớ cũng liều, nhưng chỉ viết mà thôi!

Lấy Tình Yêu, Hôn Hít...làm đề tài.
Thề đến chết không dám làm “ráp sỹ”!.
Biết đâu đấy, sẽ có người để ý,
lấy vài bài trên blốc tớ hát chơi.

Và biết đâu có nhà báo, nhà đài...
tung lên sóng, lên khuôn thì thật... tuyệt!

Bạn thấy đấy,
hôm nay dù không viết Rap số 3 nhưng quen viết có vần.

Nghề viết Rap tớ đã bị nhập tâm.
Nên tiểu sử tớ cũng thành bài... Rắp!

Tiểu sử tớ rất chi là "phức tạp".
Chỉ xin khai tóm tắt một vài dòng.
Còn các bạn trẻ có tin hay không.
Thì già này cũng đành lòng cam chịu!...

Tớ sinh ra tháng 9 năm Đinh Mão.
Tính đến nay (81 tuổi ta.)!
Sự học hành rất… thiếu thốn, qua loa.
Vì Đế Quốc chỉ cho học…tà tà vừa đủ.
Một cái bằng ông tú chưa hoàn thành (tú tài 2 chưa có!).
Có nghĩa là bằng trình độ học sinh lớp 11 thời nay, nên tớ dốt hoàn dốt.
Không những thế tớ cả đời bị nhốt trong trường sơ (soeur), trường đạo, trường giòng.
Ở gia đình tớ lại bị “cấm cung”. Cấm đủ thứ, trừ việc đi học nhạc...
Đủ các món nào xướng âm, hòa thanh, sáng tác...
Tớ chán quá nên bỏ ngang tìm đọc, đủ thứ văn chưong, triết học hầm bà làng...
Từ Von-te, Ban Dăc, đến Sa-Găng.
Nên ảnh hưởng đủ thứ ba lăng nhăng trong đầu óc.

Gia đình tớ, một gia đình công chức.
Suốt cả đời hầu ngoại quốc kiếm ăn...
Nên sau này từ cách mạng 45.
Được xếp loại là gia đình theo "Địch"!

Cá nhân tớ sau này trong lý lịch:
Ghi thành phần "tiểu tư sản"rất to.
Có nghĩa là: luôn chao đảo, mơ hồ.
Kém "lập trường" dù đã bỏ nhà theo cách mạng!

Dù đã được kết nạp Đảng rất sớm!
Dù có vài trăm “sáng tác” được khen.
Tớ sống được vượt qua nhiều thành kiến.
Nhờ làm ăn tử tế, nhờ “rặn đẻ” liên miên.
"Tuần chay" nào cũng có nuớc mắt đổ liền.
“Chiến thắng” nào chẳng có tên thằng tớ.

Cho đến ngày 30 tháng tư năm đó.
Tớ được về Thành phố Bác Hồ...
Thì tớ bỗng giật mình rồi nhận ra, công của mình chính là công… con cốc.!
Cái tên mình chỉ gắn độc một bài "Nụ cười sơn cước" viết từ thuở 20.
Còn tất cả... thế thời đã... xếp só!
Tháng 9 mồng 2, nói chung là "ngày giỗ".
Đựợc lôi ra để "cúng cụ" mà thôi.

Chiến tranh qua đi. Nhạc của tớ hết thời...
Tuổi của tớ 60 không còn kịp "cưa sừng làm nghé".
Gặp thời thế thế thời phải thế.
Tớ xoay sang nghề dịch sách kiếm ăn...

Sách tớ dịch sáu cuốn in chạy ầm ầm.
Tớ sống khỏe cho đến ngày... hưu trí.
Về âm nhạc? Vì còn là nhạc sỹ, một vài năm tớ xuất hiện vài lần...
Công xéc tô, sô nát theo com-măng...
Mong vực dậy nhạc thính phòng, giao hưởng.
Nhưng tiếc thay, tất cả là ảo tưởng.
Vì thời nay có lẩm cẩm có điên khùng.
Mới vùi đầu trong tổng phổ suốt năm
để viết ra những thứ chẳng ai nghe ai dựng!

Thế là tớ im re, tớ chịu đựng.
Kiếp sống nghèo nhờ vợ bán bánh mỳ.
Thêm vào lương hưu trí cứ teo đi...
Tớ quyết tâm ẩn danh cho đến chết.

Nào ai ngờ gặp thời Internet.
Tớ tiêu sầu qua các trang web đủ mầu!
Đang chán phè các câu truyện đâu đâu
trên Niu uých, trên Lơ poăng, trên Lô-xờ-ăng- gơ- lét...
Thì gặp ngay một cụ bạn giặc bắn mãi không chết.
"Loại yếu lạp xường” như tớ khi xưa.
Giỏi máy móc, vi tính rủ tớ làm bờ-lốc-ghơ
Mong giúp đỡ lứa “tuổi tin” nhưng lạc lõng bơ vơ
Bước vào đời mà cóc tin vào cái gì xất!.
Và trước mắt tớ lợi dụng cái thể tài.. “nhạc rap”,
Để nói lên điều muốn nói với người đời
Không kể trẻ, già, nam, nữ bất cứ ai
Mê nhạc rap thật hoặc mê theo…thời thượng!

Tiểu sử tớ viết ra mà phát... ngượng.
Nhưng cũng xin lớp trẻ hãy luợng tình...
Tin? Không tin? Tùy mạng mỡ của mình.
Muốn biết thêm xin cứ đến building Miếu Nổi
Bấm chuông phòng 6 lầu 11 gọi to:
Bớ lão già dở hơi Tô Hải!./.

Thứ sáu 24 tháng 8/ 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

4. Ai bảo rằng đi xế hộp là sướng – (Bài Ráp số 3) - Rap theo tiết tấu trống ngũ liên, 3 chữ một, nhấn vào chữ đầu giật cục chữ thứ 2 như tiếng trống hộ đê hay chữa cháy!... Nếu không biết, không nghe bao giờ thì cứ bắt chước bài hát "Vui mở đường" (đoạn hai) của Đỗ Nhuận, Bảo đảm dân tộc 99%
Tùng! tùng! tùng! ---Tùng! Tùng! tùng!...

Có biết bao, / kẻ dở hơi, / không tiếc lời, / chửi xế hộp./
Nào thủ phạm/ gây ùn tắc, / nào reo rắc, / khí "xê ô".
Nào bằng chứng/ kẻ tham ô, / có ô dù, /xài sả láng,
sắm mỗi xe, / mới mỗi tháng, / bằng tiền của/ ô-đê-a (ODA)
: xe tặng quà, / xe cho mượn, / xe cho bồ /xe cho bạn,
xe mượn tạm/, xe cho không, / xe chạy nhông /khắp đất nước!
Để dân đen / đành bắt buộc.
Coi ô-tô/ như "nội thù".
Thấy xe là: / Đấy Pờ-mu!
Mác ô-tô, /mác tham nhũng!
Nhưng tiếc thay /đâu có đúng.
Ở trường hợp/ xe của tôi.
Xế nổ này, / nhờ ơn trời.
Tôi có được/ nhờ... chứng khoán!
Chẳng biết mua, / chẳng biết bán…/
Chẳng qua là/ nhờ chỉ đạo /của một vị//
“kễnh” tay trong.
Và chỉ có/ đúng một tuần, / tôi trở thành /tỷ tỷ phú!
Cảm ơn trời! /cảm ơn chúa! / Nên tôi bèn sắm ô-tô.
Khỏi hồi hộp/ khỏi âu lo/Ngồi xe máy /khi đi lại/. Vì nhỡ ra.../ Tôi nói dại.
Nhỡ gặp phải /vụ xe tông.
Thì Hon da/ hiệu a còng/ tôi vẫn đi/ cũng tan xác.
Thế là tôi/ bèn bàn bạc/ với bà xã /đang ngày đêm /ngủ không yên /vì tính toán.
Ngôi nhà cũ /tôi đã bán./ Tậu vi-la Phú Mỹ Hưng.
Sống mấy tháng /như ông Hoàng./ Đủ tiện nghi /thời hiện đại!
Nhưng có điều/ chưa nghĩ tới/ là xế nổ/ có mua không?
Nay thuận vợ /thuận cả chồng, / phải lên đời, / khỏi tính toán.
Mua xe thì /tôi nhờ bạn./ Bằng lái xe/ có người lo.
Tôi chỉ chi/ mấy ngàn đô./ Thế là xong /ngay tắp lự!
Ai ngờ đâu/ cái xế nổ /đã làm khổ /cái thân tôi!
Học lái nó/ đã khổ rồi./ Quản lý nó /mới vất vả.
Đi đến đâu /cũng lo sợ./ Đậu ở đâu /cũng không yên.
Không phải chỉ /có trẻ em./ Chúng leo lên /chơi đuổi bắt.
Mà có cả/ ngàn con mắt, / đầy thắc mắc /ngó nhìn theo.
Tai tôi nghe /rõ nhiều điều/ đến muốn mang /xe đi bán!
Nào "rởm đời"/ nào "giầu mới", nào ăn cắp! / nào tham ô!
Tiền đâu ra?/ Mà giầu thế?/ Tôi đâu nghĩ /tới chuyện đời.
Từ công dân /loại… hạng 2.
Vì ô-tô /thành "đối tượng" /đáng nghi ngờ/ của hàng xóm, / của bè bạn, / của người thân...
Cho đến hôm /nghỉ cuối tuần /tôi lái xế /đi Thủ Đức.
Một ngày mưa /đầy tức bực./ Đổ lên đầu /cái thằng tôi.
Xe vừa đi /vài dặm thôi./ Bỗng nó lăn /đùng ra... chết!
Chuyện máy móc/ tôi không biết./ Cũng chẳng thể /cậy nhờ ai.
Đang vò đầu /đang bứt tai /thì trời mưa /đổ xầm xập.
Thế là tôi /a-lê hấp /chui tọt vội/ trong xe ngồi.
Chờ trời tạnh /sẽ gọi người /kéo xe tôi /về xưởng sửa.
Nhạc xi-đi/ vặn hết cỡ, / nghe Mỹ Tâm, / tôi mơ màng…
Bỗng giật mình/ nghe cái Đoàng! / Tôi đập đầu / vào kính chắn.
Xe của tôi /đã bị bắn /trên năm mét /xuống ruộng rau.
Cả chiếc xe, / phía đằng sau /đã bị một /ông xe tải /cũng đang chạy/ đường bên phải,
tông tan tành/ cốp phía sau.
Dù bươu trán, / dù bể đầu./ Xe của tôi /vẫn có lỗi.
Dù đậu xe /lề bên phải /nhưng trời mưa /khuất tầm nhìn –
Mà tôi không/biết bật đèn / là xe tôi /đã phạm luật!
Ông xe tải/vừa chửi tục /Vừa giải thích/ cho thằng tôi/
Rằng “nhà quê” /cũng đua đòi/Đúng là loài! /
Thối hăng mà/không biết thối! /
Xe ơi xe! / Từ khi có/ xe đến giờ /tôi trải qua/ bao oan trái.
Vừa mất tiền /vừa bực bội./ Thôi tôi đành /bỏ xe thôi!
Xế nổ ơi! / xế nổ ơi! / Bán mày đi/ tao tiếc lắm.

Thứ bảy 25 tháng 8, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

5. Thư ngỏ gửi Lính già

THƯ NGỎ GỬI CHÚ LÍNH GIÀ?

(hoặc Lính giả, Linga, Lỉnh ra... gì đó)

Mấy hôm nay cứ mỗi lần vào bờ-lờ-ốc, tuổi giả tớ như trẻ lại... 60 năm. Bạn bè gần xa, già, trẻ, Bắc Nam... Từ những cái "thời oánh nhau" oanh liệt. Té ra vẫn còn nhiều thằng chưa chết. Gọi điện, Y-meo, blốc bliếc động viên. Thằng thì khen, thằng thì chửi, thằng thì khuyên... Lo cho cái sự tớ khùng hay điên mà lên bờ-lốc. Không những thế tớ lại còn làm nhạc (à quên) làm lời rắp. Góp tay làm… hư cả bọn trẻ thơ ngây... Tớ đành lòng, gác làm rắp, viết thư ngỏ hôm nay để giải (tùy) thích cái sự quay 180 độ. Gửi cho các cháu, các bác, các cô, các cụ... Để giãi cái bầy tâm sự đắng cay... Chuyện rắp riếc của tớ là thế này:

(Bài này tớ cũng viết theo kiểu... Rap-Chuyện tâm sự riêng của một ông bố nhưng có thể là chung với khối người đấy! Các rapper cứ rắp thử mà xem. Nội dung bảo đảm không ai phê phán được đâu!)
Làm cái chuyên... thiên hạ cười thối mũi!
Nếu các bạn có đọc báo thì đều biết,
Tớ nổi danh "vua bảo thủ" trên mọi diễn đàn,
Từ các báo, các Đài đến các hội nghị ở trung ương.
Bảo vệ quan điểm, bảovệ lập trường của cái Thật, cái Hay, cái Đẹp.
Không bao giờ tớ đây chịu thua, chịu lép, chấp nhận những cái Thiệt bị cái Giả đánh lập lờ.
Trên bao bài "tham luận bỏ bom", trên hơn trăm bài báo viết mấy chục năm qua.
Tớ đều bị coi là: "giảng kinh trên sa mạc"...
Đồng nghiệp khen Hay! vỗ tay đôm đốp (Đại hội nhạc sỹ lần VII, lần VIII).
Văn bản cấp trên nghe xong, phấn khởi nhận liền (Ông Đào Duy Quát)
Hội Nhạc Trung Ương, ngoài "giải thưởng nhà nước",
huy hiệu, bằng khen. Còn trao tớ thêm "Giải nhất về... báo chí (2001).
Thì ra những gì tớ nói, xem ra đều có lý.
Nhưng cái "sự đời hôm nay" nó có lý hơn tớ nhiều nhiều..
Nghệ thuật thời nay nó xanh tốt "Mỹ miều" hơn (nên hiểu là... "americanisation")
Ba vạn chín ngàn lần những điều tớ nói ra nghe… xám xịt...
Chả thế mà ngay trên diễn đàn chuyên nghiệp (Tập San Âm Nhạc)
Có một ông "nhạc-sỹ-viết" chúa sợ nhạc chính quy, tuyên bố xanh rờn mà
chẳng sợ ai phê:
Ở cái thời đại "mác-xít lẫn mác-sê" (marché) này âm nhạc gì gì cũng chỉ là hàng hóa!
Cái gì quần chúng" (?) không mua, không nghe, không hiểu là: đồ bỏ!
Dù có ai gọi nó là nghệ thuật chăm phần chăm!
Cái gì quần chúng thích, quần chúng ham...
Là tuyệt đỉnh! Chớ nên "coi thường quần chúng",
Đã “cổ hủ” lại còn lên án nào lai căng, nào mất gốc.
Và thế là... Mọi quy định về tóc tai, váy dài, váy cộc...
Mọi phương châm "dân tộc, hiện đại" "ngoại phục nội", "cổ phục kim".
Tất, tất cả đều trôi đi trong tiếng trống tiếng kèn
của một thời "nhạc âm" nghĩa là... không cần học nhạc!
Ai cũng có thể tự mình sáng tác, tự hát lên, rắp lên những "triết lý bá láp" của mình.
Đại khái "Dù sao em vẫn cứ yêu anh dù em biết là anh... lừa dối"!
hoặc "Tối nay, ký túc xá vắng người, chúng nó đi hết cả rồi, yêu nhau đi em hỡi!”
Cũng tưởng rằng chỉ là những câu nói nghe qua rồi bỏ.
Nhưng ai ngờ lại thành "bét xeo-lơ" (best-seller).
Nó vang lên ngay phòng ngủ của mọi nhà.
Vì đã được tung ra làm băng, làm đĩa.
Khổ thân tớ, nhà chỉ có một con bé.
(Tớ có con muộn vì 60 mới tái hôn).
Mới lên 5 đã được tớ dạy đàn (piano).
Suốt 10 năm chỉ có biết Bét tô ven Suman, Mô-da, Sô-panh, Su-be, Bach, Litz...
Ấy vậy mà chỉ có mấy tháng trời do tớ không hay, không biết,
Nó vào Internet, nó chát, nó meo, nó blốc bliếc khắp hoàn cầu.
Áo nó mặc toàn vẽ những xương trắng... đầu lâu.
Còn trên Blog nó khai là Fan rap! Thảo nào đàn piano cả tháng trời nó đậy nắp!
Nó chán phè các bài tập "đoát-tê" (doigter).
Ngày nó học, tối nó đi. Tớ cứ tưởng trường bắt học thêm Ăng-lê hay vi tính...
Cho đến một ngày tớ lên tăng xông mẹ nó ngã bệnh.
Khi biết con mình đã quyết định bỏ đàn.
Theo graffiti, theo Hip-Hop, Break dance.
Hỏi nó tại sao nó nói: "Bố mẹ lầm!
Cả trường con đều theo grafiti, hip hop!”
Chẳng có ai như con cứ ngồi mọp trước cây đàn/ tập mãi những thứ... chẳng ai nghe, chẳng ai ham! Thôi bố ơi! đã cho con được tự do chọn nghề thì cũng cứ cho con được tự do chọn âm nhạc!
Miễn làm sao con vẫn học hành thật tốt.
Còn thích gì, rốch, ráp, pốp... cứ kệ con.
Giận thì giận thương thì vẫn thương...
Sau mấy ngày buồn tôi quyết tâm... làm "nhạc rap!”
Dùng "rượu cũ" trong "bình mới" chúng đang dùng...
Nói là làm, không lý luận chung chung.
Không có chịu phải "Chết trong im lặng"
Dù chỉ một lần tớ cũng quyết tỏa sáng!
Không ở năm châu, không trên 4 biển,
không ở Tinh-vi, không trên báo Đảng.
Thì ít nhất cũng trong lòng bạn bè, đồng nghiệp - "phai-tơ" (fighter)
Bằng chứng là từ ngày tớ viết blốc đến giờ.
Tớ đã có đuợc khối blôc-ghơ tán thưởng.
Vì Rap tớ là thứ rap có...Định hướng!
Rap Việt nam, Rap dân tộc (!) rõ ràng.
Rap tớ làm đều có gốc… chèo, tuồng.
Rap cải lương, Rap chèo đò, rap Bá Trạo...
Nói thật đấy đã bao lần trên nhiều báo.
Tớ vạch ra Xuynh, Xập, Xun, pop, rock đều... học ở xứ ta (Swing, Suffle, Soul).
Tớ còn dám viết cả: "Cụ Pi-cát Xô, chú Basqiat kể cả ông Bê cơn, Văng-Gốc (Picasso, Basquiat, Bacon, Van Gogh).
Nếu còn sống, đến thử chùa Tây Phương,
xem tượng Phật, có "nghìn mắt nghìn tay" chắc sẽ phải bàng hoàng.
Khi thấy được trên đất nước Việt Nam này:
mỗi bàn tay từng đã có một con mắt So với Ghéc-ni-ca, Đô-ra-Ma-a... Ăp-sờ-tờ-re, Áp-xờ tờ-rắp (Apstrait-trừu tượng).
Trên đời này ai đã có trước ai? (Guernica, Dora Maar).
Và hỏi xong cũng là đã trả lời!
Nghệ thuật gì trên đất này, nếu kiếm tìm cũng có!
Giữ gìn được hay là đánh mất nó…
Chính là nhờ những thế hệ mai sau.
Chỉ tiếc rằng có không ít cái đầu (đầy bã đậu)
tưởng Rock, Rap là tuyệt vời, tuyệt cú! Hội nhập rồi thì cho... măng-giê tú (manger tout).
Không cần chi đến hậu họa, đến tương lai.
Không dính dáng politic là... cứ xài!
Chẳng luật lệ cấm đoán chi cho rách việc.
Và cứ thế nền âm nhạc chuyên nghiệp.
Phải ra đi và... đi biệt có ngày.
Cho nên tớ, ngứa ngáy lại ra tay.
Nhảy vào cuộc, bằng chính con đường Nhạc Rắp!
Dùng mỡ nó để tớ lại rán nó.
Rót vài ly Chân, Thiện, Mỹ ngàn đời, vào cái bình đang mới với con tôi.
Những giọt rượu Cũ nhưng Cực Kỳ Vô Giá!
Câu chuyện rap của tôi là thế đó.
Mong các bạn phai-tơ (fighter) cũ của tôi.
Hãy hiểu cho: Tai Hổ này đâu làm rắp để chơi! (*)

(*) Và quả là hiệu nghiệm! Tivi nhà nước đã đến tận nhà phỏng vấn, thu rappơ Tô Hải đưa lên sóng!
Chỉ sau đó một tuần, báo chí cũng viết bài khen ông già gân, Blogger già nhất nước thời thượng chịu cả nhạc rắp! Số viewers sau 3 entries đã lên đến 5 số 0 (!), thúc đẩy tớ tiến vào mục đích chính!

Chủ nhật 26, tháng 8/ 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

6. Lang thang trên mạng buồn ơi là buồn!

Mấy hôm nay, tớ thấy buồn vì... chẳng hiểu sao mà buồn? Có thể do bạn bè lo kiếm cơm, lo công việc, hạnh phúc hay vô phúc hơn tớ (?) nên chỉ thỉnh thoảng con cháu nó có nhường cho dăm phút ngồi vào ky-bo, ki-bót, lách cách vài câu cho đỡ… "mót", đỡ thèm. Chứ đâu được như tớ cứ suốt ngày suốt đêm. Đọc và đọc, viết và viết cho đến khi mỏi lưng, xái cổ. Kể ra cuộc đời, mê cái gì cũng khổ. Nhưng mê Internert còn khổ gấp trăm. Đọc đủ thứ hầm bà làng, chẳng có mất tiền nhưng lắm lúc muốn nổi khùng vì gặp quá nhiều chuyện rất buồn, rất bực.
Chỉ tính riêng mấy bố viết về âm nhạc trên mạng đã làm mình muốn nổi khùng. Mấy ông tiến sỹ (dỏm) giáo sư (phụ) thì... lặn mất tăm. Để diễn đàn cho mấy chú "lang băm âm nhạc". Nào Su-be làm gì có Sê-rê-nát? Nào Bờ-ram lại có pát-tô-ran (symphonie pastorale?). Rồi lại thêm một "đại nhạc sỹ" đàng hoàng. Mặc sức "nổ" tràng giang đại hải. Dám bình luận một Pa-tê-tích (pathéthique) Trai-cốp-Ky theo kiểu mới. Bằng cách gọi tên nó là Giao hưởng số 5! Thì ra ông ta... bé cái lầm. Khi chỉ học (lỏm) đuợc ai nói về Tchaikowsky với bản "symphonie bi thương" số 6! Thế là khi được mời viết bình loạn, ông ta mới láu táu. Bê nguyên xi số sáu vào số 5! Ông tưởng rằng với loại nhạc hàn lâm. Giao hưởng nào mà chẳng là giao hưởng! Ông cứ tán (như làm thơ), ông tưởng tượng... Đủ thứ hay, hay tuyệt về giao hưởng số 5 bằng những gì thế giới đã bao lần, nói và viết về... giao hưởng số... 6! Ấy vậy mà, tuyệt nhiên trên đài, trên báo. Chẳng một ai dám (hay thèm) vạch mặt ông ra nếu không có trang Web Tá-lả-oa (Talawas). Nó cải chính nhưng bằng... chửi cha con nhà nhạc. Chuyện như thế làm sao mà không tức!
Riêng tớ thì chẳng bực Tả-là-oa. Mà bực ngay cái giới nhạc "phe ta". Câm thin thít chẳng ai lên tiếng cả! Rồi lại đến cái chuyên đề "nhạc trẻ". Một ông Tây có họ thuốc đánh răng, tên Jason họ Gibbs lên diễn đàn. Tại hội thảo tận thiên đường Hawai (nước Mỹ). Nói về vì sao ở Việt Nam có hình thức "Nhạc trẻ" - Bằng một bài rất chí lý "The way to Rock & Roll in Vietnam"! Ông ta kể về quá trình một con đường mà từ nhạc kích động-nhạc rock-pop, ca khúc chính trị ở Việt Nam đã trở thành Nhạc Trẻ. Ông dẫn chứng cả lời Garcia Marquez (năm 79 khi gặp ông tại Sài gòn) đã cho rằng "Cách ăn mặc, tóc tai, âm nhạc vui chơi... của đất này vẵn sặc mùi Mỹ quốc!"
Xem ra lịch sử nước ta ông rất thuộc. Khi ông kể tên từ Lưu Hữu Phước, Văn Cao... từ ca khúc trữ tình, chiến đấu thuở nảo thuở nào. Cho đến thời Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Chó Điên (Crazy dog) ông biết tuốt... Cho đến thời "ca khúc chính trị" mà vô... chính trị bị dẹp tiệm. Là cái thời "Nhạc Trẻ" lên ngôi. Vẫn đít-cô, vẫn rốc, pốp thế thôi. Nhưng "đổi mới" nhờ những tên tuổi mới. Ông khẳng định sự phát triển do chính từ Hà nội. Như "lò xo bị ép đã lâu ngày". Nay bung lên có Nhạc trẻ tiếp tay. Có Trần Tiến, Từ Huy, Thanh Tùng... những "cây ngay không có sự chết đứng!."…
Và "nhạc trẻ", nhạc sỹ trẻ, ca sỹ trẻ, khán giả trẻ... luôn luôn được ca tụng. Như một phát minh chưa hề có trong tự vựng âm nhạc loài người. Chỉ có điều Encyclopédie, Larousse... chưa định nghĩa nổi mà thôi. Nên chưa ghi vào là một phong trào? một đối tuợng? hay một forme musicale? nên đành... chịu chết!
Đấy! chỉ mới hai bài đọc trên web đã làm tớ buồn, tớ chán mấy ngày liền. Nhưng rồi nghĩ tới nhiều bạn trẻ new friends, tớ lại ngồi vô ky-bót viết tiếp
.
Thứ năm 30, tháng 8/ 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

7. Trả lời một vấn đề đặt ra bởi các friends trẻ mà tôi yêu

VĂN HÓA ÂM NHẠC? Ở ĐÂU MÀ RA?
(kể từ đây sẽ cố gắng nghiêm túc bứt ra khỏi xi-tai (style) viết rap)


Hôm nay bác muốn đáp lại những tình cảm vô cùng quí giá mà một số đông Blogger trẻ đã viết cho bác, yêu cầu bác "giúp đỡ" để có thể đứng vững trên lập trường của cáí Hay, cái Tốt, cái Đẹp, đặc biệt là những nhận thức đúng đắn trước tình hình "thị trường âm nhạc xô bồ, bát nháo, hay dở - dở hay lẫn lộn, lý luận bị bóp méo, tùy tiện như hiện nay.
Bác chẳng có học vị TS, GS. Bác cũng chẳng phải nhà ný nuận, ný sự gì. Nhưng bác có 81 năm sống ở trên đời, qua 5 chế độ chính trị... Bác được trải nghiệm bằng công việc, bằng sáng tác, bằng học tập làm nghề và làm người... Bác đã nếm đủ mùi vinh quang và cay đắng khi tự mình đi vào con đường âm nhạc, khi thả lòng mình vào những câu "dệt thơ, tìm những cung yêu thương, tặng lòng trinh trắng của những bông hoa rừng đời đời không tàn với nhạc lòng tôi" ("Nụ cười sơn cước" - viết năm 1947- ở tuổi 20) khi thơ văn không đủ sức nói lên nỗi lòng mình nữa (bác làm thơ rất sớm và đã được giấy mời đến lãnh tiền bản quyền của tờ báo nổi tiếng thập kỷ 40 với cái tên Thái Bình Dương - Thư đề ("À monsieur Thai binh Duong, 11 Miribel, Thái Bình").
Nhưng cuối cùng bác đã chọn con đường âm nhạc sau khi được học hành tử tế ngay những ngày đầu hết chiến tranh chống Pháp. Lớp "nhạc sỹ bất đắc dĩ" trưởng thành trong khói lửa các bác đều nhận ra là: Đã hết thời cái giai đoạn sáng tác bản năng, hết thời cái giai đoạn "hét lên những khẩu hiệu", "hô lên những nhiệm vụ" cũng trở thành "tác phẩm âm nhạc" rồi!

Âm nhạc là một nghệ thuật đồng thời là một khoa học! Không những thế, âm nhạc đâu chỉ là ca khúc! Vì vậy người ta phân biệt rất rõ composer và song- writer. Một composer có thể nổi tiếng cả về ca khúc (trường hợp Schubert). Nhưng không bao giờ một người viết ca khúc có thể composer được một tác phẩm nhạc không lời, một nghệ thuật dùng âm thanh để nói lên, hỷ nộ, ái, ố, hoan, lạc... và dùng nó để đi sâu vào trái tim người nghe, rồi từ trái tim lên khối óc và đôi khi tác động trực tiếp vào tư duy, vào hành động của con người!
Các sách “Lịch sử âm nhạc” của bất cứ nước nào mà các cháu đã được đọc, được học qua cũng là lịch sư âm nhạc không lời là chính. Ca khúc chỉ chiếm một phần hết sức nhỏ, thậm chí không được nói đến. Đơn giản vì ca khúc hay, còn lại với lịch sử đã trở thành dân ca và nằm ở mảng folklore. Tên tác giả nhiều khi cũng bị Nhân dân chiếm luôn!
Một "Kéo thuyền trên sông Volga", một "Il était un petit navire", một "Santa Lucia", "Adíos muchasos" và cả đến những "Paloma", "Guantanamera" sau này đôi khi cũng được giới thiệu là "dân ca" Nga, Ý, Pháp, Cuba!!! mà chẳng sao.
Đấy là cái giá trị vĩnh cửu của những ca khúc mà lịch sử đã dành cho nó! Sung sướng biết bao, khi trong những kho tàng dân ca Việt Nam sau này lại có những bài "dân ca mới" của các song - writer của những song-writter Việt Nam đã qua đời hoặc đang còn sống.
Nhưng, thật là đau lòng khi Lịch sử Việt Nam nước ta chỉ dừng lại ở ca khúc, dù ca khúc có đi vào lịch sử đi chăng nữa. Vì vậy lớp nhạc sỹ già các bác, ngay từ khi im tiếng súng lần đầu (1954) đã thấy được: Không học hành tử tế là chết! Và trong muôn vàn khó khăn, không dấu dốt, hàng loạt các nhạc sỹ nghiệp dư đã quyết tâm lao đầu vào học, học và học.
Một số, ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, dù đi bộ, cũng vượt cả ngàn cây số sang Tầu, sang Tây (Hoàng Vân, Huy Du, Chu Minh, Nguyễn Đình Tích, Phạm Đình Sáu, Hoàng Nguyễn, Hoàng Đạm...) và sau này nhiều nhiều nhạc sỹ có tâm huyết (và có điều kiện) đều xuất ngoại để học nhạc thực sự.
Một số không có điều kiện thì học ở trong nước bằng cách đóng cửa dạy nhau, hoặc mời chuyên gia có uy tín đến giảng dạy trong các trường nhạc, lớp bổ túc ngắn hạn, dài hạn.
Cho đến nay, mở cuốn "Nhạc Sỹ Việt Nam cận đại" ra, bác đếm được trên 60 người đã được đi đào tạo chính quy ở nước ngoài và trên 200 người đã được ghi là "tốt nghiệp nhạc viện Hà nội hoặc thành phố HCM". Nên nhớ là Bulgaria, theo lời của giáo sư Goléminoff, (thầy của Hoàng Việt) mà bác đã nói chuyện trực tiếp thì: Âm nhạc chuyên nghiệp Bulgaria, một nước lạc hậu hạng nhất châu Âu ("Européens aux pieds nus") chỉ thực sự bắt đầu từ thập kỷ 50 và chỉ do có SÁU vị! (tất cả đều từ nước ngoài trở về). Trước đó, nước ông cũng chỉ có ca khúc và... ca khúc.
Vậy mà cả gần trăm vị nhạc sỹ Việt Nam đành bó tay, lắc đầu trước tình hình "quay trở về với thời kỳ sáng tác nghiệp dư" (bài của NS Đặng Hữu Phúc viết trên Talawas gần đây). Đành bất lực trước tình hình xuống cấp đến thê thảm của thị trường âm nhạc gần đây hay sao?
Có nhiều cách giải thích nhưng một điều quan trọng bậc nhất mà, theo bác, đó là trình độ văn hóa nói chung và trình độ văn hóa âm nhạc nói riêng của quần chúng cũng như bản thân người lãnh đạo, người sáng tạo nghệ thuật nước ta, quá thiếu thốn (để khỏi dùng chữ "đặc biệt dốt") về văn hóa âm nhạc. Trước những gì gọi là tuyệt tác ngàn đời của di sản âm nhạc thế giới, tuy không đến nỗi lên án là "văn hóa tư sản" là “văn hóa phục vụ quý tộc, phục vụ vua chúa phong kiến", không đến nỗi đốt tổng phổ của Beethoven, Bach, Haydn, Mozart …đánh gãy tay nghệ sỹ piano,,.. như ở bên Tầu thời “cách mạng văn hóa” mà rất vô văn hóa, một tội ác khủng khiếp với lịch sử nhân loại..
Nhưng, đầu tư vào việc nâng cao trình độ văn hóa âm nhạc lên cho toàn dân Việt Nam thì... ngay những người được giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này cũng không có nồi một sự hiểu biết tối thiểu về “văn hóa âm nhạc”. Thậm chí, một lần có một ông…”to”, khi thăm nhạc viện Hànội đã “liều lĩnh” đặt vấn đề: “Tại sao Ta không học xừ, sang, cống, líu... của Ta mà lại cứ phải học đồ rê mi của Tây…”? Còn trên một tờ báo danh tiếng tại Sài Gòn, có một nhà báo đã viết một bài đề nghị xét lại chương trình giảng dạy tại Nhạc viện vì thành phố này xưa nay là "thủ đô của nhạc trẻ Đông nam Á (!?) ".
Vì vậy dạy viết sonate, giao hưởng, opera... dạy kèn cor, trombone, tuba, contre-basse... là... vô ích! Đáng buồn hơn là ngay trong giới nhạc, không ít người, do mị dân, do cơ hội hay do quá dốt nát về âm nhạc cũng lại đề cao vai trò của cái gọi là quần chúng mà tự dìm mình cũng như dìm quần chúng vào cái "ao tù muôn thuở của ca khúc", đề cao ca khúc là "đặc thù", là "thế mạnh", là "đặc điểm nổi bật", là "không thể thay thế" của âm nhạc Việt Nam. Họ dựa trên những tác phẩm hiếm hoi nhạc không lời của Việt Nam chưa thật sự có tiếng vang để đi đến kết luận là "Không được công chúng hưởng ứng, không có người nghe, không có người xem là một nghệ thuật chết!” Và thế là, xuân thu nhị kỳ, có sự tài trợ của một sứ quán nước ngoài hay của một công ty Toyota, Henessy... nào đó, một số tác phẩm âm nhạc đích thực của thế giới (mà tác giả là người xuất xứ từ nước tài trợ) được ra mắt công chúng Việt Nam một lần.
Mấy nhạc sỹ (mà đa số đều là các vị đương chức đương quyền) cũng nhờ đó "dây máu ăn phần" bằng một vài tác phẩm của mình! Thật tội nghiệp cho Giao hưởng của Hoàng Việt, của Hoàng Vân, Chu Minh, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Đình Tấn, Đàm Linh... và còn bao nhạc sỹ trẻ khác, học xong, tác phẩm chỉ biết... bỏ ngăn kéo vì tiền đâu để dàn dựng, ai dàn dựng để rồi bán vé chẳng ai mua, mời chẳng ai đến!
Tội nghiệp cho các vị như Rostropovich, cho Daniel Safran... mà bác đã có dịp được chiêm ngưỡng sự thất vọng của họ khi họ "bị" điều… “nhầm” đến Việt Nam biểu diễn!
Một Shakepeare, một Voltaire, một Hugo, môt Lermontov, một Tchékov, một Heine không ai đọc (mà có đọc cũng chỉ đọc qua bản dịch), thậm chí có đọc cũng không thấy nó hay ở chỗ nào thì hỏi sao mà hiểu nổi một Bach một Beethoven chứ chưa nói đến những Bruckner, Stravinsky, Chostakovich… sau này.
Tất cả là do VÔ VĂN HÓA ÂM NHẠC mà chính thế hệ bác cố gắng tự bổ khuyết cho cái vốn liếng âm nhạc quá ư nhỏ nhoi, què quặt những năm cuối thế kỷ thứ XX và đầu thế kỷ XXI này. Vậy làm sao để tự bồi dưỡng cho mình cái vốn vô tận và ngày càng nhiều, càng mới lạ, càng phức tạp hơn những điều mà các cháu đã học được ở nhà trường, ở nhạc viện, để miễn nhiễm với các hiện tượng âm nhạc rối rắm trong thời đại "kỹ nghệ giải trí" đã "điều kiện hóa " (conditionner) được cái "đa số tối thiểu" (majorité minimale-ví dụ cứ cho là 15 triệu trong số 85 triệu đi!) đang bị cuốn hút vào pop-rock-rap thì nâng cao trình độ văn hóa âm nhạc lại cần phải đặt ra cấp bách, càng phải đầu tư thật nhiều. (Vấn đề này bác đã trình bầy trong 'Hội nghi Nâng cao sáng tác và biểu diễn âm nhạc" tổ chức tháng 3/2006 tại Hànội nhưng xem ra cũng vẫn chỉ là một phát súng chỉ thiên chẳng trúng vào đâu cả)

Trước mắt là: mỗi cháu hãy tự đầu tư cho mình cái vốn âm nhạc không bao giờ đầy đủ của các cháu. Hãy sử dụng những lợi thế của thời đại vi tính này mà nghe, mà đọc thật nhiều những trang nổi tiếng về âm nhạc, về các tác phẩm âm nhạc cũ và mới để biết thêm những điều mà chỉ cách đây ít năm thôi, các điều phân tích về tác giả, tác phẩm, thậm chí cả về tiểu sử của các vĩ nhân âm nhạc đều... lạc hậu (do tài liệu quá cũ kỹ).
Thật đáng thương cho các bậc trưởng lão do hạn chế về ngoại ngữ, do không biết sử dụng computer, đã không cập nhật được cái vốn âm nhạc của mình nên mang danh là giáo sư, tiến sỹ nhưng đều nhai lại những gì mà các thầy ngoại đủ mầu sắc đã phán những gì mà người ta đã phán từ thế kỷ 18, 19!
Các cháu ngày nay hãy cố gắng mỗi ngày bỏ ra một thời gian để trau dồi ngoại ngữ. Không những biết một, mà biết 2, biết 3 càng tốt... Các cháu sẽ có điều kiện hơn để đi vào một thế giới âm nhạc cực kỳ kỳ diệu mà trong đó Chân Thiện Mỹ vẫn là cái Đích vươn lên của mọi nền văn hóa âm nhạc của loài người./.

Thư này đã dài, bác sẽ còn đề cập đến cái đề tài này trong thư sau bằng cách kể chuyện cho các cháu nghe việc trau dồi văn hóa âm nhạc của chính bản thân bác như thế nào? Bác sẽ trả lời trong phạm vi có thể, mọi câu hỏi cụ thể của các cháu. [Ở trên] Bác post lên tấm ảnh bác chụp với các nhạc sĩ Anh, Pháp, Liên Xô, Bungari trong một hội nghị trao đổi về Le bien, Le beau, Le vrai.

Thứ hai 3 tháng 9/ 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

8. Trả lời các friends tôi yêu quý nhất

NIỀM VUI BẤT NGỜ CỦA TÔI

Thật là bất ngờ khi bài của bác (không viết hoa chữ B đâu nhé), mới viết được có một nửa, post vội lên để ăn cơm xong quay lại viết tiếp đã có 3 comments! Mà 3 comments đều là những vấn đề bác dự định sẽ nói dần trong những lần entries sau, chừng nào còn có những ý kiến hưởng ứng, động viên, thậm chí cả phản đối, chửi thẳng vào Blog của bác đi nữa. Đây là việc bác sẽ làm cho đến lúc nhắm mắt, xuôi tay. Bác sẽ tiếp tục với 3 gợi ý của Holan, Aisso và Lisieux.

1- Đầu tiên là ý kiến của Holan - HL cho rằng "nhân tài" hiếm nên chỉ nghe Beethoven, Chopin... thôi! Thì đây chính là cái đoạn sau của bài viết của tôi đấy! Nhân tài nhiều và càng ngày càng nhiều đến mức nếu không cập nhật thì trình độ văn hóa của chúng ta sẽ đứng nguyên tại chỗ tức là lạc hậu, là thụt lùi ngay! Tuy nhiên, thích những gì HL thích, đó đã là có văn hóa âm nhạc rồi đó. Nhưng hãy cứ thử nghe một bài có tên là "cách mạng" hẳn hoi như étude "Révolution" (số 12-opus 10) của Chopin đi! Hoặc "sặc mùi chiến tranh" như Bản giao hưởng Leningrad của Chostakovich mà cả thế giới đều tranh nhau dựng khi tổng phổ của nó vượt được vòng vây 900 ngày sang tận Pháp, Anh, Hoa Kỳ. Chú ý là phải "cắn răng, nhắm mắt, chống tay lên cầm mà nghe", mà thả hồn mình vào những tưởng tượng, bay bổng lên cùng những âm thanh, tiết tấu, hợp âm... đôi khi "nghịch nhĩ" đến bất ngờ,... để đến lúc phải thốt lên: "À ra thế! Âm nhạc nó kỳ diệu đến thế đấy!”. Nó không phải chỉ như định nghĩa máy móc của môt Tự Điển nổi tiếng (Larousse) là: "Nghệ thuật phối hợp các âm thanh để làm khoái lỗ tai!” (L'art de combiner (?) les sons d'une manière... agréable à l'oreille!) Và khi tìm ra được cái hay của một Stravínsky, một Bruckner, một Oliver Messian... tức là điểm về văn hóa âm nhạc của HL đã vượt lên trên của khối nhạc sỹ có thẻ Hội viên Hội N.S.V.N. rồi đó.
Nếu không có điều kiện, thời gian, hay bận bịu chồng con, chạy chợ, chạy... bão lụt thì cứ duy trì ở cái mức "văn hóa âm nhạc trên trung bình" đó đi. Đừng để con đường nó cao hơn cái nền nhà làm khổ cả nhà và cả... bà con hàng xóm!
Riêng cái vấn đề "giao hưởng ẩm ương" của một vài tác giả Việt Nam nào đó thì... tốt nhất là... đừng có dại mà đi nghe! Tôi đã có viết một bài báo "Giao hưởng còn đó nỗi buồn" đăng trên Saigon giải phóng, nói về những lý do làm cho giao hưởng Việt Nam không có khách. Hai lý do mà tôi đề cập (chạm tự ái của nhiều tiến sỹ, giáo sư) đó là:

1-Nhà hát giao hưởng của một quốc gia, một thành phố không phải là nơi để tiêu thụ các tác phẩm của các nhạc sỹ, của các quốc gia, thành phố đó. Nó phải là nơi để công chúng đến thưởng ngoạn những tác phẩm hay nhất của mọi thời đại. Nó phải là nơi để công chúng làm quen (initiation) với một thứ âm nhạc cao cấp hơn, bác học hơn. Mọi sự lợi dụng nó để biến nó thành một "thư viện" chỉ lưu trữ chủ yếu là những tác phẩm Việt Nam (nhất là lại là nơi dành riêng để giới thiệu những thứ "ẩm ương" của các "quan nhạc sỹ") chỉ làm cho công chúng đã chưa quen, chưa thích, muốn tìm hiểu... đâm... phát sợ mà... good bye hoặc farewell luôn giao hưởng.
Cho nên, HL dại nên "nghe phải" những thứ ẩm ương của những sáng tác gia đã không chịu nghe nhà văn-đại tá Nguyễn Minh Châu trong bài "Lời ai điếu cho một thời văn nghệ minh họa" nói gì, trước khi ngồi vào đàn hay cầm bút!” Những tác giả đó tuy có kỹ thuật, được du học nước ngoài, có đủ thứ học vị nhưng không viết theo tiếng nói của trái tim mà vì... gì gì đó nên tác phẩm không đi nổi vào lòng HL là đúng quá rồi! Tất cả chỉ là một màn tung hứng kỹ thuật học của các thầy ngoại mà chưa "tiêu" hết nên nghe nó giống chỗ này, chỗ kia của tác phẩm này, tác phẩm nọ mà giới chuyên môn có học thì gọi là réminiscence hoặc plagiat, còn những người tranh ăn ghét ở thì ghép thẳng nhau vào tội... ăn cắp! Thật đáng buồn cho nền âm nhạc nước ta! Đối với loại "giao hưởng" này xin phép HL, tôi được tặng 7 điểm, nếu đến giờ nghỉ, HL tìm cách… ra về!

2- Ý kiến về cái "gu" của Aisso - "Gu" sự thật xuất phát từ chữ "gout" (có dấu ^ trên chữ u) của Pháp dùng để chỉ những sở thích nếm náp (gouter). Nó luôn gắn với một tính từ "bon" hay "mauvais". Gu "bon" hay "mauvais" không phải là một thứ tiền định, trời cho hay di truyền. Một người rất có thể "bon" về mật này nhưng rất "mauvais" về mặt khác trong hưởng thụ nghệ thuật. Thậm chí có những gu đối lập dữ dội nhau nữa.
Tớ có quen một họa sỹ "đại phá phách" trong chính nghề của anh ta đến mức anh phải "mời nghỉ việc" vì những gì anh ta dạy sinh viên ở Đai Học Mỹ Thuật chẳng giống những gì anh đã học từ thầy Tô Ngọc Vân! Vậy mà về âm nhạc gu của anh ta lại là: Ngoài trường phái lãng mạn cổ điển ra, anh ta không nghe bất cứ cái gì khác.
Còn như tớ đây, ngoài nhạc nghiêm túc nghe để suy nghĩ, để phát hiện, tìm tòi... gu của tớ trong những rảnh rỗi, lúc ăn cơm, kể cả lúc tiếp khách bao giờ tớ cũng cho máy chạy nhè nhẹ một transcription của P. Mauriat, một sáng tác mới của Kitaro,... và cả những ca khúc pop, rock (trừ rap) của một P.M. Cartney, một J. Lennon, cho đến một Bjỏrk (Abba), một Elton Jones vì, có điên mà trong ngày sinh nhật lại chạy đĩa DVD "Con chim lửa" của Stravínsky, hoặc giao hưởng "Anh hùng" hay “Định Mệnh” của Beethoven!...
Vậy thì gu "bon" hay "mauvais" (riêng về lãnh vực âm nhạc) chính là do cái vốn văn hóa nói chung và văn hóa âm nhạc nói riêng nó hình thành và tự hoàn thiện trong mỗi một con người trong một môi trường có hay không văn hóa!
Lại còn cái chuyện bon gout, mauvais gout nữa chứ! ”Bon" đối với anh, nhưng lại "mauvais" đối với tôi! Anh thích nhạc cổ điển, tôi thích nhạc pop, rock (phổ thông, bình dân = pop). Anh thích tranh De La Croix, tôi thích Picasso! Mà xét cho cùng thì ai cũng có cái đúng của mình vì đã gọi là "gu" thì triệu người triệu gu, chẳng ai giống ai. Bắt ai cũng phải theo cái gu của mình đâu có được! Chỉ có điều chữ gu chỉ dành cho người hưởng thụ. Còn không ai viết: "cái gu của ông Mozart, ông Beethoven là thế này là thế nọ. Hoặc gần đây, một số gọi là nhạc sỹ ở nước ta bị lên án là viết theo cái gu thấp kém của quần chúng".
Còn trong giới sáng tác, bọn tớ chỉ hay nói là cái gu ăn, gu mặc của bố Nguyễn Tuân là rất kén chọn, hoặc Họa sỹ L.C.N vẽ thì hay nhưng ăn mặc lại rất... mô-ve gu!
Riêng với cái "gu" của Aisso tớ xin phép cho điểm ngang HL... Cứ thế mà tiến lên, đừng bị ô nhiễm những thứ mauvais gout đang lộng hành trên "thị trường âm nhạc... không định hướng" hôm nay nhé!. Xem ra, giữ vững và hoàn thiện được cái bon gout cho những người hưởng thụ âm nhạc còn gặp nhiều khó khăn trong nhiều năm tới...
(Post lên thêm một tấm ảnh tớ đi họp về “Âm nhạc cận đại” (Musique contemporaine) để tìm hiểu avant gardiste (tiền phong chủ nghĩa) trong âm nhạc nó là cái gì? Cuối cùng isme gì thì isme cũng không thể bỏ qua Le Bien Le Vrai và le Beau! Tớ đứng thứ hai- từ bên trái của các bạn tức là bên phải của các ông nhạc sỹ Anh, Pháp, Mỹ, Balan, Liên Sô đó)

Thứ ba 4 tháng 9 / 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

Đính chính về Nụ cười sơn cước

hình bìa nhạc phẩm"Nụ Cười Sơn Cước", xuất bản tại miền Nam 1952 by "Nhóm Âm Nhạc Đồng Nai"

trang trong nhạc phẩm"Nụ Cười Sơn Cước"

9. Lại cái chuyện "Nụ cười sơn cước"

Hôm nay, ngồi vào computer thấy mất tiêu đâu bài hát này, phục hồi lại để người nghe bản chính gốc thì lại mất tiêu đâu một phần chính của bản thuyết minh. Đành viết lại có bổ xung thêm một số đau khổ mới khi vào Google gõ cái tên tớ và tên bài hát đó... vì những bài tán láo về nó.
Rằng thì là: 1- Tớ cầm guitar hát lên (chứ không phải "viết lên" như cô bé Kim-rap-pơ tuyên bố viết (?) nhạc rap trên Tinh vi đâu?).
Sự thật là thế này này:
Cái ngày đông rét mướt năm đó Tây nó đánh dữ dội lắm... Bộ Tư Lệnh III mà tớ làm "lính kiểng" lúc đó phải rút vào tận Kim Bôi (Hòa Bình). Tớ đóng quân trong nhà một cô con gái có tên Đinh Thị Phẩm, 24 tuổi đời. Thích thì có thích nhưng chưa biết "tán gái" mà chỉ biết làm thơ, làm vài câu thơ rồi ngâm nó lên theo kiểu riêng của tớ gọi là ca khúc (như các cụ ngày xưa khi hát "Chèo lên trên núi thiên thai..." ấy mà.) Chẳng qua là.., trước khi rời rừng núi về học Lục Quân Trần Quốc Tuấn tớ muốn nói lên mối "tình câm" của mình bằng... vài câu thơ có giai điệu... Thế thôi! Như tớ đã viết trong bài "Khai lý lịch thật thà" trên Blog, tớ là một kẻ đã bị tiêm nhiễm từ bé bởi những bài ca ở trường sơ, trường giòng, rồi sau này, làm "sói con ("louveteau), "hướng đạo" (scout) bị các thứ âm nhạc đủ loại nó ăn sâu vào đầu óc, vào trái tim. Tớ hát và thuộc lòng đủ thứ, từ a capella nhà thờ "Gloria in excelsis đê… ê, ề... ồ", đến "Laissez moi vous aimer", "Oh! Rose Marie I love you!”, "But where are you?" rồi đến đến cả "Maréchal nous voilà" (thời chính phủ Vichy) sau đó là "Aikoku", "Shina no yoru" (thời Nhật lật Pháp). Nghĩa là tớ hát tất cả, thích đủ thứ âm nhạc chứ chẳng bao giờ chú ý đến cái "nhời" nó nói cái quái gì. Tóm lại tớ là một thanh niên yêu nước, ghét Tây, mê âm nhạc (mélomane) "... không có định hướng!
Cho nên, sau này, đi lính, bí bài hát cho bộ đội nghe, tớ cứ "bịa" ra đủ thứ ca khúc, rập khuôn theo các bài hát đã hát để tự hát, tự xuất bản bằng mồm. Sáng tác của tớ đều ảnh hưởng của Nhà thờ, của Tây, của Nhật và đặc biệt của Mỹ với Bing Crosby, Bop Hope,... với các nhịp điệu, tiết tấu của swing, blues... rất thịnh hành những năm 40. Tớ với Ngọc Bích là "vua swing" ở sư đoàn 304 và Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn...
Chẳng có biết dân tộc, hiên đại là cái quái gi! Ấy vậy mà bài nào mới "bịa" ra cũng được "quần chúng" hoan nghênh ra phết! Những lần xúc cảm về chuyện gì tớ đều "bịa" ra những "câu thơ có giai điệu", nhưng theo một khuôn khổ, hình thức nhất định mà tớ nhặt nhạnh được trong quá trình hát lên cho mình, cho bạn bè, đồng đội nghe... cho vui. Thế thôi!
Nào ngờ... "Nụ cười sơn cước" lại được hoan nghênh đến thế và Ngọc Bích, Canh Thân, Hoàng Thi Thơ… khi trút áo "lính cụ Hồ", thôi làm "đồng chí", đã mang nó vô thành (dân gian gọi là "dinh-tê") phổ biến khắp nơi. Để cho nó được chấp nhận bởi các cơ quan kiểm duyệt, họ xếp tớ vào loại tác giả tiền chiến! Và tư đó "Nụ cười sơn cước", một trong những "tình ca thời kháng chiến" của bọn tớ sống nhờ cái mác nhạc tiền chiến đến ngày nay! Lại còn cái chuyện "địch" thu đĩa 78 vòng (chung với "Dư âm" của Nguyễn Văn Tý) nữa chứ!

Tớ bị "đánh hội đồng" khắp nơi, nhất là tiền bản quyền thu đĩa (đúng một chỉ vàng) được gửi từ trong thành ra lại rơi vào đúng tay một CUV cùng chi bộ, "đồng chí" (nhưng không đồng hướng) đã nhận được từ tay bà chị hắn chuyên làm kinh tài cho khu ủy Liên khu III, ra vào Thành như đi chợ! Tớ không mang tội "liên hệ với địch" là nhờ có hàng trăm "bức tranh cổ động bằng âm thanh" động viên lính chiến đấu trường kỳ có hiệu quả!
Từ đó một loạt bài "thiếu tính chiến đấu" của tớ (sau này có được thu thanh trong cuốn băng cát-xét "Nửa trái tim tôi" mà tớ đã chuyển sang CD nhưng chưa biết cách làm thế nào để các friends nghe thử???) đều bị cấm bằng mồm, mặc dầu các tướng, tá lớn, bé trong Quân Đội vẫn nhớ tớ với những bài hát đã làm các vị ấy xúc động một thời. (Tháng 5/007 vừa qua, có một ông tướng mê nhạc của tớ, trước lúc qua đời, có thu thanh 3 bài của tớ trong một đĩa VCD, và dặn lại rằng "Thôi Nụ cười..." vì cần giới thiệu những cái "cấm" khác hơn - Ông tướng này chỉ lên có đến Thiếu thôi, có lẽ vì cái "lập trường văn nghệ" của ông ta thiếu... vững vàng chăng? (VCD này tớ đang giữ nhưng cũng "ngu lâu" về computer nên chả biết làm sao để các friends nghe và xem được! Có ai đến giúp được tớ không?)

Trở lại với "Nụ cười sơn cước". Nó ra đời như thế đó. Tình thì có, nhưng mà là tình câm, tình nhát (vì sợ kỷ luật) đã có gì đâu mà nhiều người viết về bài hát này cứ thêu dệt ra lắm chuyện, thậm chí còn đặt cả những cái tên Lò thị nọ, Nông thị kia ra rồi thay cả địa điểm, nơi sinh, ngày sinh của nó nữa mới khổ tớ chứ! Làm bà xã cứ trách tớ: "Có thế mà anh cứ giấu em!” Tớ định kiện báo vì "vi phạm luật báo chí" "xâm phạm đến đời tư không được phép"của tớ mấy lần.
Nhưng đọc đi, đọc lại thì thấy: họ đều xuất phát từ tình yêu đối với một sáng tác của tớ đã bao năm tưởng chết nay lại hồi sinh, từ tình yêu đối với tớ. Đặc biệt có nhiều đồng đội cũ, nay về già, nghĩ về quá khứ tươi đẹp đã qua, đã viết về "Nụ cười sơn cước" như để tranh thủ viết về một thời thanh xuân đẹp nhất của chúng tớ mà thôi. Vì vậy tớ lại lặng im… (trừ một lần tớ lên tiếng phản đối và được xin lỗi và cải chính trên báo An Ninh Thế Giới do quá nhiều điều bịa đặt không có lợi cho gia đình (cũ và mới) của tớ mà thôi).

Tuy nhiên cái "sự tam sao thất bản" thì kiện ai? Hội Nhạc Sỹ VN, rất nhiều Nhà Xuất Bản đã công bố bản chinh thức của tớ trên các "Tuyển tập ca khúc trữ tinh"... "Ca khúc vượt thời gian"... đăng đi, đăng lại trên báo chí...
Vậy mà, các ca sỹ thời nay vẫn không chịu hát theo bản nhạc của tác giả! Trừ 2 người là Lê Dung và Đông Đào. Còn trên Tivi, trong các tiệm cà phê-ca nhạc, họ tha hồ "phiêu" bất tử, ngắt câu, ngắt đoạn tùy thích, nhất là bôi mỡ, đánh bóng các nốt nhạc nghe đến rợn người (Ánh Tuyết).
Ngay trong câu "Và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời..." của tớ, bà Lê Dung vẫn còn "nhịu" ra "mơ" (?) hơn ở ngoài trời"... nữa là! Huống hồ những vị ca sỹ không biết xướng âm thì làm sao sửa được những gì đã trót hát sai qua bản... truyền khẩu.

Tớ chán quá nhưng lại nghĩ: Ôi dào! thời buổi này họ nhắc đến tên mấy ông nhạc sỹ già đã là may lắm rồi! Cứ kênh kiệu mãi họ cho cả tác phẩm lẫn người vào sọt rác lịch sử như đã từng xếp xó cả hàng ngàn bài ca ra đời cái thời "Tiếng hát át tiếng bom" cho biết mặt!
Thua! Thua! Xin chào thua!

Tiện đây xin post lên bài báo của Thanh Niên viết về cái chuyện “Nụ cười sơn cước” tương đối chính xác vì có sự thông qua của "khổ chủ"

Nhạc sĩ Tô Hải với hồi ức buồn về “Nụ cười sơn cước”
ThanhNien 22: 21: 38, 28/05/2007
Hà Đình Nguyên

Nhân dịp đến dự lễ trao tặng xe lăn các tướng lĩnh và cán bộ có công do Báo Quân Đội Nhân Dân tổ chức, tôi thật sự xúc động khi thấy một ông già quân phục chỉnh tề, huân chương đỏ ngực, chống gậy lập cập lên nhận xe. Đó chính là nhạc sĩ Tô Hải, tác giả ca khúc nổi tiếng một thời "Nụ cười sơn cước"... Sau buổi đó, tôi đã đến gặp ông tại nhà riêng.
Nhà của ông là căn hộ tập thể tận tầng lầu thứ 11 của chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh - TP.HCM). 81 tuổi, đi đứng khó khăn do từng bị hoại tử khớp xương hông phải thay xương chậu, xương đùi bằng chất liệu titan do Pháp chữa trị... vì những lý do đó nên nhạc sĩ Tô Hải rất ít xuất hiện nơi này, nơi nọ.
Thế nhưng, dù không đi đâu ông lại biết rất nhiều những sự kiện đang diễn ra trên toàn cầu. Với khả năng thông thạo 3 ngoại ngữ, mỗi ngày ông dành từ 10 đến 12 tiếng để đọc tin tức trên internet. Cô Lâm Ái, vợ ông, khoe: "Chỉ một mình anh ấy đọc nhưng sau bữa cơm trưa hoặc tối là tôi và con gái Tô Lâm Phượng (sinh năm 1993) đều biết hết mọi chuyện xảy ra trên thế giới...".
* Thế ông không còn cảm hứng để viết nhạc?
- Đã hơn 20 năm nay tôi không còn làm âm nhạc, vì âm nhạc của lứa chúng tôi không còn đất sống. Thời buổi bây giờ chẳng ai sử dụng ca khúc của lớp già chúng tôi: Chu Minh, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Hồ Bắc, Doãn Nho... trừ những ngày lễ lạc gì đó họ mới hát lại! Bọn chúng tôi trở nên lạc lõng, hỏi tên chẳng ai biết. Thôi thì, tự an ủi là bọn tôi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với một thời kỳ lịch sử.
* Ông đến với âm nhạc từ lúc nào?
- Thời tiểu học, tôi học hát và tham gia ban đồng ca Saint Joseph, từng đoạt giải thưởng âm nhạc Chim Sơn Ca của Hướng đạo sinh toàn Đông Dương. Đang học dở tú tài 2 thì tôi nhập ngũ ngày 19.8.1945. Tôi viết ca khúc đầu tay Trở về đô thành (1946) rồi Nụ cười sơn cước (1947) đều do bản năng và mê nhạc mà thành. Tôi luôn tự cho mình là một người lính làm nhạc cho mình, cho đồng đội mình hát.
Chỉ đến năm 1951, khi về Đoàn văn công Khu 4, tôi có dịp gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Được ông động viên khuyến khích, tôi thấy tự tin hơn để chuyên tâm vào sự nghiệp âm nhạc. Khi hòa bình lập lại, tôi được tham dự lớp sáng tác 18 tháng đầu tiên của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (1957-1958) do các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên dạy. Cùng lớp với tôi có các nhạc sĩ: Trọng Loan, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Lưu Cầu, Vũ Trọng Hối, Lương Ngọc Trác, Văn Chung, Nguyên Nhung, Vân Đông...
Năm 1958, tôi là người đầu tiên viết bản giao hưởng đại hợp xướng gồm 4 phần (thể loại cantale) Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy. Dạo ấy, ở nước mình làm gì có trống định âm (Timpani), hạc cầm... nhưng tôi vẫn cứ viết. Bản giao hưởng này được biểu diễn năm 1959 và được hàng loạt giải thưởng. Có lẽ vì thế mà trong Bách khoa từ điển của Pháp (Encyclopédie de la Musique) xuất bản năm 1960 có tên tôi, họ ghi là "nhà soạn nhạc" (compositeur) cùng với 11 người viết ca khúc (chansonnier) thời ấy...
* Ca khúc Nụ cười sơn cước đã được ông sáng tác trong hoàn cảnh nào? Và "Ai về sau dãy núi Kim Bôi..." là ở đâu vậy?
- Kim Bôi là một dãy núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Dạo đó đơn vị tôi ở nhờ một làng dân tộc Mường. Tôi được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp, nàng tên là Phẩm. Cũng chỉ là "để ý" thầm vậy thôi! Khi đơn vị tôi chuyển quân, với tình cảm lưu luyến hết sức chân thành tôi đã: "hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh với nụ cười nàng quá xinh!” và chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung những bông hoa rừng mà tôi đã từng gặp.
* Sau này có bao giờ ông gặp lại nàng "sơn nữ" này?
- Có, và đó là nỗi ân hận của tôi. Năm 1973 hay 1974 gì đó tôi có lên Hòa Bình tìm lại "người xưa" dù biết rằng cô ấy đã có chồng con. Sau dãy núi Kim Bôi đã biến thành vùng công nghiệp khai thác suối nước nóng, đường sá mở rộng, người miền xuôi lên ở nhiều. Cô Phẩm ngày xưa giờ đã là một thiếu phụ luống tuổi, ăn mặc theo kiểu người Kinh và... chẳng biết tôi là ai cả! Nhắc lại chỉ thêm buồn... Biết vậy, cứ hãy sống với kỷ niệm xưa.
* Đã ở bên kia ngưỡng tuổi 80. Nhìn lại hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, ông có điều gì muốn tâm sự?
- Phương châm sống của tôi hiện nay là hãy quên đi quá khứ (để khỏi tiếc nuối, kể công với lịch sử), hãy sống với hiện tại (để luôn vui với những gì mình đang có) và đừng nghĩ đến tương lai (để khỏi thấy mình quá già, sắp chết). Tôi có một valy tác phẩm chưa hề sử dụng. Tôi dặn vợ: khi tôi chết hãy vẫn cứ để chiếc valy ở đấy cho đến khi nó có "duyên" tìm được tri kỷ hoặc có ai cần nghiên cứu về cái thời đẹp nhất đã xa xưa của lũ nhạc sĩ già chúng tôi thì cho mượn... Nhược bằng chẳng ai rỗi hơi "tìm về quá khứ" thì con gái tôi (Tô Lâm Phượng - chơi piano tàm tạm) sau này có điều kiện sẽ dựng lại... cho cháu chắt tôi nghe vậy!
          Hà Đình Nguyên
Wednesday September 5, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

10. Văn hóa âm nhạc, câu chuyện không bao giờ hết

VĂN HÓA ÂM NHẠC, (Tâm sự 1 của một người suốt đời đi tìm ý nghĩa của 4 chữ đó)
Mấy ngày nay, các Blogger quen thuộc của tớ bị chìm đắm trong các bài "viết cho nhau đọc" về vụ cái ông Tổng Báo TN cảm ơn các quan chức thấp, cao của Đảng và chính phủ đã chia buồn, phúng điếu mẹ mình bằng cả một trang chính của tờ báo mà mình đứng đầu, (ố là là!) nên chỉ nhận được vài cái comment và message viết về các Entries của tớ. Cho nên tớ để cho các "cây ngay không sợ chết đứng" này thi gan cùng “Khế ngọt”, “Khế chua "cho đã" đi vài ngày...
Hôm nay tớ lại bàn về cái sự "thiếu văn hóa âm nhạc" của dân ta hiện nay... nên cái hay cái dở bị đánh lộn sòng, giá trị bị đảo lộn dẫn đến sự đảo lộn cả giá trị cuộc sống (valeur de la vie) là lẽ đương nhiên. Đây là một vấn đề làm đau đầu biết bao nhà xã hội học, tâm lý học, triết gia, chính trị gia trong nhiều nước trên thế giới chứ không phải chỉ riêng ở nước ta, một nước từ "đóng kín mít" cửa tới mở toang toàng toàng cho mọi giá trị đang ùa vào. Tớ hay lẩm cẩm tìm đọc những trang về văn hóa (culture) ở các "báo chí tư bản" suốt 20 năm ở ngay sát nách Thư viện văn Pháp. Nay xa nó thì tớ lại có Internet và rất dễ dàng vào các "trang văn hóa" để tìm hiểu xem tuần này, thậm chí hôm qua, nước Anh, nước Pháp, nước Mỹ, nước Nga, nước Tầu... đang có sự kiện văn hóa gì mới xảy ra. Tớ chọn lọc và đưa tin kèm theo vài gợi ý chủ quan để giới thiệu với người đọc trong cái mục có tên "Chuyện lạ văn hóa thế giới" suốt 2 năm trời trên "Tập San Saigòn thứ bảy" ký tên Kính Viễn Vọng. Gói gọn lại trong hơn 100 bài (mà tớ đang lưu giữ được) cũng chỉ nhằm giúp đỡ (những ai kém hơn tớ) nâng cao thêm trình độ văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng. Nhưng kết quả thật là thảm hại! Tớ như bác Đông-kỳ-Sốt đánh nhau với cối say gió mà thôi! Tổng biên tập ủng hộ tớ ra đi, Tổng mới tới, xếp luôn cái trang "đứng mục" của tớ hàng tuần và thay nó bằng một trang "hòa nhập" hơn!
Cái mà quần chúng đang "chết mệt" đang coi là "Ai-đôn" thì cái cha KVV này lại vạch ra là "đồ dỏm", là đồ "đĩ ngựa" (trường hợp Madonna, Michael Jackson, Kurt Cobain...) mà tớ có ghi rõ là ai viết, trích ở báo nào, ngày nào hẳn hoi (có cả ảnh kèm theo). Thế mà! Than ôi! than ôi! một anh thợ nề muốn nhặt nhạnh ít gạch, ít gỗ (cũng đi nhặt nhạnh thôi) đây đó để xây lên một ngôi đền văn hóa bỗng dưng bị người ta xóa đi để cho những kiến trúc sư thời Đổi Mới "sáng tạo" ra những ngôi nhà văn hóa "xứng với tầm thời đại" như hôm nay...
Thế là tớ chán nản, kiên quyết rút lui vĩnh viễn nhìn thế cuộc!... Cái gì tớ học được đành "khoái trí một minh". Từ ngày lên Blog, gặp nhiều bạn tri âm trẻ, già, trai gái, lão bà, lão ông... động viên, tớ lại quyết trở lại "nghề viết báo tự do", kiêm luôn Tổng Biên Tập, kiêm luôn Nhà in, kiêm luôn phát hành...: Lên Blog! Tớ sẽ kể về tớ đã làm cách nào để chỉ là một anh học sinh thời nô lệ chưa học hết lớp 12 (tú tài toàn phần) mà lại có thể đọc được tiếng Tây, viết được tiếng Anh (như đã trả lời bằng 2 thứ tiếng này cho các friends thích thể nghiệm ngoại ngữ). Làm thế nào tớ chẳng có bằng Đại học âm nhạc của bất cứ một conservatoire nào lại dám viết cantate (giao hưởng-hợp xướng), concerto, sonate... lại có thể hiểu và yêu Stravinsky, Chostakovich, Messiaen, Boulez.., lại có thể dám lên Đài Tp HCM diễn thuyết về cái hay cái đẹp của giao hưởng tới 7 buổi, lại có thể dịch sách kỹ thuật âm nhạc của M.Goléminoff..., sách văn học của Hugo, Steinbeck và cả đến sách văn học giải trí của Exbrayat, J.H.Chase, đầy những từ "lóng" (argot-slang)! Kinh nghiệm "học để cập nhật văn hóa cho mình", với các friends trẻ ngày nay có nhiều thuận lợi hơn tớ nhiều.
Sáng nay nghe ông nhà văn già Quân Đội Hồ Phương phát biểu trên Tivi thì tớ thấy ông ấy rất đúng và thật thà một cách... tội nghiệp! Ông ấy tự nhận là ông ấy không có thuận lợi bằng lớp trẻ hôm nay vì lớp nhà văn của ông không… có ngoại ngữ! Và quả là như vậy: Nhà văn không có ngoại ngữ thì học ở đâu? Mài mãi cụ Nguyễn Du ra mà ăn sao? Chính nhờ văn học Pháp mà nước ta có những Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Cũng như thế, nhạc sỹ mà không biết Bach, Beethoven, Mozart, Schubert… thì bác đều cho là nhạc sỹ...dỏm! Những chuyện "thâm cung bí sử" về văn nghệ nói chung và âm nhạc nói riêng, tớ sẽ dần dần tâm sự với các bạn. Một niềm vui mà Internet cho tớ lúc cuối đời!
Bài sau tớ sẽ đưa ra quan niệm của tớ: Thế nào là có văn hóa và có văn hóa âm nhạc

Friday September 7, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

11. Tiếp tục câu chuyện khó nghe:
Lại nói về cái chuyện Văn hóa.

không tin được! Cũng phải tin! Cụ Văn thiền thật đây này.
Mấy hôm nay ở ngay cái building tớ "tu tiên", một cái xã hội Việt Nam thu nhỏ, đã xảy ra một số chuyện làm tớ không thể nào "tu" được thành chính quả.Té ra, ngay từ ngày tự nguyện làm Blogger là tớ đã phá giới rồi còn đâu! Thôi thì lấy ngay các điển hình sẵn có để nói chuyện văn hóa với các friends trẻ vì lý luận chung chung chắc chẳng có ai thèm ngó vào Blog của tớ chứ chưa nói đến chuyện comment.

Hôm qua có hai ông bạn fai-tơ cũ đến thăm, bấm chuông mãi không có ai mở cửa vì tớ đang mê mải với tờ "Le point" trên computer. Chưa kịp đứng dậy đã nghe thấy một câu chửi thề: "Đ... m... lão già này chết đâu rồi không biết! ?" Tớ vội mở cửa mời vào và đáp lại: "Tớ đang cố sống bằng những món ăn không mua được ở xứ ta đấy. Chính các bác mới đang "tự chết" thì có"... Và tớ đọc 2 câu thơ cuối cùng của bài "Hoàng hôn" của Hugo: "Ông già nhìn măt trời đang đi ngủ/ Mặt trời nhìn ông già đang… tự chết". Cả 2 đều cùng học với tớ ở primaire superieur thời xưa...
Tất cả đã làm lính chiến rồi về hưu, từ thời bao cấp nên cụ nào cụ nấy đều... trong sạch... đến tận tim gan! Một cụ (tạm gọi là cụ 1 đi kẻo chưa xin phép dã đưa tên các cụ ra công khai, bị các cụ kiện thì chết), ở Saigòn 12 năm không hộ khẩu vì cụ về hưu ở Tiền Giang lại cứ tưởng rằng hai vợ chồng già đã 40, 50 tuổi Đảng cả, ở đâu chẳng được (?!). Ka-tê ba tới tận bây gìờ! Công an khu vực đến "mời" đi làm hộ khẩu theo chủ trương mới, cụ cũng nhất định không đi! Cụ cho biết lý do: "Hộ khẩu bây giờ chỉ còn độc một cái quyền lợi... là được chôn ở mới là... nghĩa trang thành phố! Khốn nỗi, tớ đã dùng hộ khẩu cũ, xin Trường đại học Y-Dược được về làm "phụ giảng" ở đấy sau khi chết rồi! ?"
Một cụ (tạm gọi là cụ 2), ở Hànội nhưng có con chẳng làm to nhưng... giầu to, (chẳng tiện hỏi vì sao nó giầu vì chắc rằng bố nó cũng chẳng tiện hoặc dám hỏi) có cái nhà cũng to ở Saigòn nên mua vé máy bay, mời cụ vô chơi ít ngày. Bạn bè "Tây đánh không chết", "Mỹ đánh không chết" và có một cụ cả "Ta đánh không chết" (thời Chỉnh Đảng") nên chuyện vui rôm rả suốt cả một buổi sáng... Tớ tóm tắt vài câu đối thoại "điển hình" của ba anh lính già "gọi là có học" để các friends commment nhé:!
Lính già 1: (nói tiếng Tây sau câu thơ Tây tớ đọc) : "Không! Chúng ta không tự chết mà đang… rơi tự do vào cõi chết!”...
Lính già 2: "Thôi! thôi! Xin các bố cứ ôm mãi cái vốn tiếng Tây ra để tự huyễn hoặc mình làm gì. Tớ bây giờ chẳng đọc sách, chẳng nghe Đài, chẳng chú ý gì thế sự... Tất cả, chẳng để làm gì... Học Thiền đi, Ông Giáp, thằng T.M.Q (cùng khóa V với bọn mình) nhờ... Thiền mà sống thảnh thơi đến ngoài 80, 90 cả đấy!.".
Lính già 1: "Nói như ông chán bỏ mẹ! Cả nước đều thiền thì... thì... thì...."
Tớ vội nhảy xổ vào cuộc: "Ơ!... ơ! ơ! Các bác đường xa đến thăm tôi mà chưa hỏi gì khổ chủ đã tranh cãi về cái "la vie" là thế nào! Này tớ cho nghe cái VCD của thằng thiếu tướng Bắc Việt, khóa VI Trường Lục Quân TQT chúng mình. Nó đã cố gắng thu đĩa thu hình trước khi chết, trong đó có 3 bài của tớ mà các cụ đều biết cả đây! Và cả ba, chúng tôi đều im lặng lắng nghe....
Cụ 1: Cái thằng này thật liều, ngay trong kháng chiến, khi nó còn là tiểu đoàn trưởng ở trung đoàn tớ, nó cũng chỉ hát toàn "nhạc vàng", chẳng sợ ai cả! Thế mà nó cũng leo được lên cấp tướng!”
Cụ 2: "Công nhận là nó chẳng biết nốt nhạc nào, thế mà nó hát cả "Ave Maria", "Sombreros et mantilles", "La vie en rose" cho bọn tù binh nghe cứ bravo, bis, bis… hơn cả Trần Khánh, Quốc Viễn mới là lạ chứ!
Cụ1: "Các ca sỹ thời nay cứ là sách dép cho hắn! Bỏ cái micro và bộ loa đi thì chỉ có mà,...
Cụ 2: Đúng vậy! Ở nhà con tớ, mỗi lần lũ cháu nó "vặn" nhạc lên, tớ chỉ muốn về Hànội cho sớm, Thương bà xã vất vả buôn bán lại còn lo cho đứa cháu của thằng út, hai vợ chồng nó bỏ nhau... Vợ nó lấy chồng Đài Loan. Nó thì đi xuất cảng lao động tận Qatar!....
Câu chuyện còn xoay quanh nhiều vấn đề... "tế nhị" mà không tiện kể cho lớp trẻ nghe... Vả lại chẳng dính líu gì đến chủ đề chính là văn hóa hôm nay. Nhưng lúc ra về, cái mô-típ cũ lại tái hiện khá đậm nét! Thế này nhé: Trước khi chia tay, cả hai cụ đều dặn dò tớ rất chi là "tình đồng chí": "Hãy cố gắng giữ sức khỏe. Téc nét, téc niết vừa vừa thôi! Kẻo còng lưng gãy cổ có ngày!. Cụ 2 còn thêm: "Nhà thằng con tớ 2 máy tính và một lắp tốp chỉ dùng để lũ cháu chơi ghêm, ngoài ra là chít, chát với bạn bè… Báo chí được biếu đầy nhà bố con nó cũng chỉ đọc qua loa rồi... vứt, kèm theo câu: "Chán bỏ mẹ! Báo nào cũng giống báo nào!” Ngoại ngữ thì không biết nên cả thằng bố chúng nó cũng chỉ ù ù cạc cạc mọi chuyện, ngoài chuyện... kiếm tiền thì nó hót như khướu"!...
Thế đấy! ”Câu chuyên văn hóa số 1" của bác lại là cái "bi kịch thời đại" mới diễn ra ngay nhà bác sáng thứ bảy 8/9 vừa qua. Các Friends trẻ tha hồ comment nhé. Bác sẽ đưa ra ý kiến của bác và tổng kết ở entry sau..

Tuesday September 11, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-


12. Thôi thì đành tự comment

Mấy hôm nay chờ mãi chỉ có 12 comment mà nặng về "khen và động viên". Chẳng thấy có ai bình luận gì về mấy ông già sắp chết này cả. Thôi thì tớ đành tự comment cái chuyện văn hóa của 3 ông già này vậy. Để còn đi sang cái chủ đề văn hóa âm nhạc chứ!
Ba ông già này đều cùng một trình độ giáo dục học đường (Tây nó gọi là niveau d'éducation) ngang nhau, cùng xếp bút nghiên lên đường tranh đấu một ngày 19 tháng 8 năm 45, cùng có bằng cấp, học vị... dở dang như nhau nhưng rõ ràng trình độ văn hóa rất khác nhau! Vì sao thế? Tớ xin thưa:
Trình độ được giáo dục ở nhà trường, bằng cấp, học vị... (mà tớ chỉ nói đến bằng cấp học vị "thật" thôi đấy nhé) theo tớ chẳng qua như chiếc “xe đạp... cởi truồng”! (miền Bắc, cái thời gian khổ, hay gọi đùa như vậy cho vui những chiếc xe không chắn bùn, chắn xích, không thắng, không phanh nhưng vẫn chạy tốt...). Nhưng chạy như thế nào? chạy trên con đường nào? Cho dầu cho mỡ thường xuyên hay không? Thậm chí sơn lại nó mầu sắc mới, lắp cho nó thêm cái đèn, đôi thắng... lắp cho nó cái xên, cái trục, cái líp... xịn... để nó luôn đưa chủ nhân của nó đến những nơi cần đến nhanh hơn lại là chuyện của người chủ của chiếc xe đap ấy!

Trường hợp ba người faitơ già này tuy xuất phát ra đi bằng ba chiếc xe giống nhau nhưng, do họ mải mê chinh chiến, sống sót trở về đã là may lắm rồi. Họ không được may mắn như tớ và... liều như tớ vì tớ cũng tốt nghiệp võ bị Trần Quốc Tuấn như họ nhưng số phận lại đưa đẩy tớ đến con đường hoạn lộ làm... “quan văn” chứ không làm “quan võ”!
Tớ cũng may mắn được sống cùng với nhiều nhân vật gọi là có văn hóa thời gian tớ phụ trách các Đoàn Văn Công Quân Đội như Lộng Chương, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Vĩnh Cường, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Xuân Huy, Thi Thi Tống Ngọc, Hoàng Linh... để thấy được ai là người văn nghệ sỹ nhưng văn hóa thì ai cao, ai thấp và ai văn nghệ sỹ... dỏm!
Có một điều rất chung là ai cũng ham mê đọc. Mà đọc những gì càng "hiếm", càng "độc" thì càng... khoái hơn! Tớ nhớ có lần đến biểu diễn ở E101, một C trưởng có tên là Trình đưa cho tớ một bó sách chiến lợi phẩm và nói rằng: "Các nhà văn nghệ mang về xem có cái gì hay không thì đọc, dở thì đốt đi kẻo rồi lại khai là thằng Trình này nó đưa thì... bỏ mẹ tớ!”
Thì ra ông Trình này không đến nỗi không biết là ở trong gói sách đó có "Giờ thứ 25" và "Từ số 0 đến vô tận".! Ông ấy có "đọc giấu" qua loa rồi, thấy hay nên giữ lại tìm người để lưu truyền kẻo... mang vạ! (Chính sau này, 5 năm sau hòa bình, sống sót, về hưu với cấp bậc đại tá khi gặp lại tớ đã thú thật như thế). Mấy cuốn sách này được chúng tớ chuyền tay nhau đọc đến nát bìa.
Phùng Quán là người không biết một chữ Pháp nào cứ ngồi ngẩn ra nghe ông Thanh Tịnh, hoặc tớ hoặc Vĩnh Cường dịch tóm tắt từng chương mà chậc lưỡi luôn miệng. Kể từ đó, P.Quán quyết tâm học tiếng Pháp và thật là không ngờ..., lần cuối cùng vào Saigòn, đến thăm thủ trưởng cũ là tớ, P.Q vừa bắt tay tớ đã phát ra một câu thơ của Apollinaire! (câu này không tiện viết ra) Thì ra trong những năm "khó khăn" anh chàng thiếu sinh quân, mới học xong lớp 5 ấy đã đọc và hiểu được thơ của những nhà thơ rất khó đọc như Ẩragon, Prévert... và còn định dịch cả Camus và Sagan nữa! Trình đô văn hóa của một con người như Phùng Quán mà ai cũng biết nhưng không mấy ai biết "cái xe đạp" của anh ta đi, mới đầu nó "cởi truồng" đến như thế nào đâu! (Chuyện nghe như bịa có phải không? Nhưng tớ xin lấy danh dự ra mà thề: Nói láo chết liền! (Chuyện đến đây tạm nghỉ, bà xã gọi ăn cơm, mai kể tiếp)

Friday September 14, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

13. Tiếp tục chuyện "Xe đạp cởi truồng"

...Những mẩu chuyện vừa kể, "người thật việc thật" 100% có thể kéo dài đến... khi tớ đã chết được 100 năm mới hết... Nhưng thôi, bây giờ ta quay lại với ba ông già điển hình nhé!
Sở dĩ tớ phải lấy cái xe đạp của tớ và Phùng Quán ra. Chính là để các friends có ít nhất 2 cái "mốc" để comment, và cho điểm. Riêng tớ thì phán và tự phán như sau:

I/ Ông già 1 - Ông già 2 - Ông già 3 là tớ đều được điểm 5 vì cùng được..." phát" một chiếc xe cởi truồng y hệt nhau

II/ Ông già 1 hơn Ô.G 2 ở chỗ: Tuy đi "uýnh nhau" suốt 30 năm trời nhưng vẫn còn nhớ bài thơ của Hugo học ở chương trình lớp 8 của các bạn bây giờ (nghĩa là cách đây đúng... 53 năm!) Ông không những nhớ nó mà còn có những suy tư, vận dụng nó vào ông, vào cuộc đời bằng cách sửa đi hai câu cuối của bài thơ bằng câu; Le soleil regarde le vieillard qui "se tombe" à chute libre dans la mort" (nguyên văn là "le vieillard qui se meurt". Ở đây có thể hiểu là "ông già đang chết hoặc tự chết" Nhưng không ông già 1 lại sửa là "tự rơi" (se tombe, một động từ không ai viết thế cả) mà là rơi tự do nhé... vào cõi chết! Các bạn thấy không? Tha hồ mà tán bởi cái câu thơ của Hugo bị "xuyên tạc" này! Vì thế, về phương diện văn hóa tớ cho ông 6 điểm! Nhưng xét về quá trình dùng văn hóa để tìm ra cách ứng sử với cuộc đời hiện tại (tuy có nhiều điểm "tiêu cực"!) tớ vẫn phục ông và cho ông thêm một điểm nữa! Tổng cộng ông có 12 điểm!

III/ Ông già thứ hai: Về trình độ giáo dục học đường cũng có 5 điểm. Tuy nhiên, ông là một người "chán đời", quyết vứt bỏ quá khứ (vốn liếng học hành, thành tích chiến đấu… (sau "chỉnh đảng" bị thi hành kỷ luật "khai trừ lưu Đảng một năm"). Để tỏ ra đã giác ngộ lập trường, ông theo chủ nghĩa "kêméisme", ngậm miệng ăn tiền, cho nên chỉ có một năm ông lại được phục hồi và được về hưu với lương hưu cấp thiếu tướng (nhưng không được phong tướng.) Tóm lại ông là một người, chính vì bị "đánh" oan nên mới cố gắng tiến bộ để được hưởng những quyền lợi vừa vừa và có được một hoàn cảnh cuối đời cũng kha khá, chẳng cướp đất, cướp nhà của ai, chẳng ăn tiền đút, tiền lót của ai.

Tóm lại: Ông là một người "trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì chẳng mấy ai bằng mình"… nên ông chẳng muốn dây dưa vào mọi chuyện lằng nhằng gây phiền hà cho cái đầu óc thoải mái của ông lúc cuối đời.

Cái xe đạp cởi truồng của ông vì thế ông tự nguyện vứt nó đi để đi... bộ cho nó khỏe! Nhưng đâu ông có khỏe!”Bi kịch gia đình" nó lại rơi vào chính gia đình ông.! Vào Saigon thăm con, ông lại chỉ muốn ra Hanội giúp vợ trông cháu!...
Cuộc đời của ông như thế là... chấm hết (dù ông chưa chết!) Vì thế tớ trừ cái điểm giáo dục nhà trường của ông đi 2 điểm, còn 3! còn cái điểm văn hóa thì riêng cách ứng xử của ông với gia đình, với xã hội bằng cách "kệ mẹ chúng nó", không để ý đến bất cứ cái gì, ngoài gia đình thằng út, chẳng cần biết thằng cả vì sao có lắm tiền. Tuy nhiên, ông vẫn không chịu được lũ cháu ông "vặn nhạc" rock-rap mà biết khen giọng hát trời cho của thằng bạn thiếu tuớng Băc Việt nhưng chẳng ai lăng-xê", biết nhận xét... "ca sỹ thời nay cứ mà sách dép".
Vì thế, tớ cho ông thêm 1 điểm về văn hóa! Tổng cộng là ông có... 4 điểm! Nghĩa là cái xe đạp cởi truồng của ông ngày hôm nay đã hết "đát". Đành chờ bán ve chai mà thôi! Các bạn có đồng ý hay không?
Nhân đây tớ cũng đề nghị các friends cho điểm luôn nhà thơ Phùng Quán. Chú ý: các tiểu thuyết và những bài thơ của cụ ấy vừa rồi đã được nhà nước truy tặng giải thưởng Nhà Nước đấy! Bài sau tớ sẽ kể chuyện về những chiếc xe không cởi truồng nhưng đã dẫn chủ nhân của nó đi theo những con đường cực kỳ lắt léo, phức tạp, thậm chí lộn cổ cả xe lẫn người xuống vực thẳm của sự ngu dốt! Toàn là những chuyện... không nói láo vì những người tớ đua ra làm điển hình xấu, tốt đều cùng tớ ăn cùng mâm, nằm cùng giường ít nhất một năm như Lộng Chương, Nguyễn Xuân Huy, Hoàng Thi Thơ..., hoặc ba, bốn năm như Thanh Tịnh, Phùng Quán! Nói láo chết liền!... theo các cụ ấy!

Saturday September 15, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

14. Lại nói về những cái "xe văn hóa"

Đáng lẽ ra hôm nay, tớ kể sang chuyện những chiếc xe... không cởi truồng. Thế nhưng, không ngờ bài về những "con xe cởi truồng" lại được nhiều bạn trẻ quan tâm và đặt ra những câu hỏi thật lý thú. Cũng có một vài friends hơi hiểu hoàn cảnh của những chiếc xe này có tí... không thật rõ ràng lắm. Cho nên, tớ lại có một cái "vĩ thanh" về những con xe này.

Nói tới cái thời thằng Tây mà đi học Trường Tây thì bất cứ người nào đã mang thân vô đó kiếm tí chữ Tây đều rất dễ phân biệt.

1/- Con cái nhà nghèo thường cố gắng cho con đi học được đến "xép-vi-ca" nghĩa là học được 6 năm. Đỗ xong bằng này, vác nó đi xin việc là có thể được OK cho làm thầy ký rồi. Cái vốn văn hóa lúc ấy cũng chưa thể gọi là một cái xe đạp cởi truồng đươc. Tiếng Tây, dù bắt buộc phải học từ năm lớp 4 (xưa gọi là Moyen 1) nhưng sự thật cũng chỉ đủ dùng để vào các công ty, các xưởng thợ của Tây để "uẩy me-xừ, méc xì me-sừ" (như “yes sir”, “Thạnk you very much” ngày nay ấy mà!) Chú ý chi tiết rất quan trọng này: Loại học xong "xép vi ca", tính cho đúng đến tháng 8/1945 đều ở độ tuổi 13, 14.

2/- Vào được đến bậc trung học như ngày nay thì: phải là con cái những gia đình có của ăn của để vì cả Bắc kỳ lúc ấy trừ Hànội ra, chỉ có 4 tỉnh có Trường Primaire superieur. Đó là Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn và Hải Phòng. Có nghĩa là ai có con muốn theo học hết lớp 10, đều phải lo sao cho con đi thi, đi ở trọ, lo 4 đồng bạc Đông Dương đóng học phí nếu con trúng vào các trường danh tiếng (thời điểm đó 4 đồng có nghĩa là... 4 tạ gạo đấy! Sợ chưa?)
Vậy thì khi cách mạng tháng 8 nổ ra, nếu anh nào dưới 18 tuổi đều chưa được thằng Tây cấp cho bất cứ cứ con “xe cởi truồng” nào đâu. Mọi sự khai lý lịch phóng đại về học vấn của mấy ông tiến sỹ chưa học hết cấp 2 ngày nay đầy rẫy ra đó mà họ đâu có ngượng vì cứ tưởng lớp người cùng thời với họ…chết hết cả rồi!!

3/- Tất cả những vị tú tài toàn phần, cử nhân (của hiếm thời ấy) đều phải ở cái tuổi... ngoài 20 và bây giờ... chắc cũng… ngỏm củ tỏi hết trừ một vài hiện tượng lạ như đ/c Võ đại tướng!
Đặc biệt những cái danh hiệu như thạc sỹ hay tiến sỹ (agrégé - docteur) thì nghe cứ như người trên sao hỏa lạc xuống trần gian anamít vậy. Vả lại, các vị này (kể cả phần đông các ông tú, ông cử...) đều bị bọn Tây nó khoác cho cái trách nhiệm và cho hưởng nhiều quyền lợi quá nên đều... "tự nguyện theo địch" và đứng về "phe nó" cả.

Lác đác có vài cụ Nguyễn Mạnh Tường, Trần đức Thảo... có đứng vào "phe ta" nhưng do ăn phải bả văn hóa phản động "thâm căm cố đế" quá, nên sau này cũng rất khó "cải tạo" nên ra sao thì... cả nước đã biết! Ngay trong cái thành phần được trang bị cái “xe đạp cởi truồng nhưng đi tốt” đó cũng chia thành 2 cánh quân rõ rệt. Chưa ai thống kê, nhưng bọn 75-80 chúng tớ ngồi ôn lại quá khứ bằng cách điểm danh những thằng bạn học cũ thì... chỉ không quá 20% là đi theo cách mạng đến cùng! Mà theo cách mạng, có làm lính thì chỉ có hai thằng leo lên được cấp trung tướng (Hoàng Phương và Nguyễn Quốc Thước). Còn lại thì... đại tá là hết nước! Còn cái số có xe đạp cởi truồng đi theo "phe nó" thì hầu hết đều... thoát được quân dịch! Bọn này (khôn bỏ mẹ đi!) hầu hết đều theo con đường tiến sỹ luật hoặc y khoa, chẳng dính líu mấy đến ông Diệm, ông Thiệu..... Làm chính trị “phe nó”, nhưng “nửa đường đứt gánh” có chủ tịt hạ nghị viện VNCH Nguyễn Quang Luyện!
Thế đó! Cái lớp trai trẻ tuổi 18 đôi mươi đuợc Tây trang bị cho cái xe đạp cởi truồng nhưng không biết sử dụng hoặc sử dụng "bậy bạ" thường rơi vào cái khoảng... "chân không đến đất, cật chẳng đến trời."... cả ở hai phe chứ chẳng phải chỉ ở phe ta bị Mác xếp loại là "thành phần bấp bênh, không rõ lập trường, hay hoang mang, giao động"... đâu!

Tóm lại, trong cái đoạn vĩ thanh này, tớ muốn nói đến một vấn đề hết sức "tế nhị" mà các nhà phụ trách tổ chức không hề để ý (hoặc có biết nhưng giả vờ không biết?), đó là: Những chiếc xe đạp cởi truồng nhưng đi được, chạy tốt chỉ có ở trong tay những người tham gia cách mạng 45 mà đã ở cái tuổi trên 18! Còn lại tất cả những người nào sinh sau đẻ muộn mà khai lý lịch "u xọe" như "thành phần bần cố nông"... trình độ văn hóa: "tốt nghiệp phổ thông".... tham gia cách mạng, bộ đội năm 45 đều là..."bíp... bíp... bíp nặng bịp!”

Tớ đã từng khổ với việc phải chứng nhận cho nhiều "đối tượng cần chiếu cố" là... "đã tốt nghiệp trung học phổ thông" để đi Liên Xô, đi Bun, đi Ru, đi... đủ mọi nơi để hoàn tất thủ tục đi du học! Đặc biệt là đi học ba cái thứ rất chi là... "trừu tượng" như chỉ đạo nghệ thuật, như đạo diễn, như sáng tác, nhất là môn lý luận văn nghê thì chao ôi! Có trời mà dám cãi mấy ông ấy khi các ông ấy trở về sau khi được trang bị một lô lý luận về văn hoc nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Các ông ấy đã nói ra chỉ có... Đúng!
Bởi vậy khi nhà lý luận số một về VHNT HXT viết trên báo rằng... thì là: "Beethoven là người sáng lập nền ca kịch cổ điển Đức" (?) hoặc một vị thứ trưởng khẳng đinh trước cả ngàn văn nghệ sỹ là "xã hội ta không có bi kịch mà chỉ có anh hùng ca" (!?) cũng chẳng có một vị "anh hùng văn nghệ" nào dám có ý kiến ngược chiều!

Tuy nhiên trong số đi du học cũng có một số ít, do có được con xe cởi truồng nên... "nhận thức bị lệch lạc" và luôn là những đối tượng "phải uốn nắn!” Liều mạng nhất phải kể đến các bác B.T, H.N.H, M.T.L, sau này đều đuợc xếp vào loại... "xét lại"!
Còn tớ, sau khi thấy có một tay nguyên “phó... rạp” đuợc cử đi học... đạo diễn (cùng với một tay chuyên lo phông màn, hậu đài,..), một tay đánh đàn contre-basse (vào loại...ở Việt Nam không ai dám nhận!) được cử đi "nghiên cứu sinh", đã anh dũng phát biểu thẳng với một vị thứ trưởng phụ trách văn hóa về cái sự “ngu xuẩn”.
Vị thứ trưởng “có văn hóa nhất” mà tới nay tớ thấy được trong bộ máy lãnh đạo cao nhất nhưng nhưng chưa bao giờ được giữ cái chức bí thư đẩng đoàn để quyết định hết thảy như cái ông tuyên bố “nước ta không có bi kịch” nói trên! Cho đến cuối đời, khi được về hưu, ông vẫn đến tớ trao đổi đĩa hát nhạc classique và cùng tớ nhắc lại những chuyện xưa.... Khi ấy tớ thẳng thắn hỏi ông: -"Làm gì thiếu người tới mức phải" vơ bèo bọt tép đi học đến vậy"... Rằng thì là: "Tại sao không cử ai khác mà lại cử một anh văn hóa lớp 3 trường làng đi nghiên cứu về... Bertold Brech!” v.v... và v.v... Các friends có biết ông ta trả lời tớ như thế nào không? "Chúng ta sẽ trả giá đắt cho những sai lầm cố ý này" bằng... tiếng Pháp. Và ông khuyên tớ: "Đừng có đúng sớm vì đúng sớm sẽ sai lầm!” cũng bằng tiếng Pháp!
Tớ nhìn nét mặt chịu đựng của ông mà thông cảm cho cái khó của ông nhưng vẫn phải buộc lòng xếp ông vào loại ông già 2! Và quả là như vây. Ông sống yên lặng cho đến khi lìa đời tại Thủ Đức, không bị dính vào xét lại, xét đi... nhưng cũng chẳng bao giờ vào được đến Trung Ưong hay lên Bộ Trưởng, mặc dầu ông tham gia cách mang ngay từ những năm 30, ông xây dựng cơ sở CM ở Thailand trước khi cụ Hồ về đó!
Phải chăng cái xe đạp cởi truồng của ông không giúp gì cho ông leo giốc mà chỉ dừng lại tại chỗ hoăc tụt lùi, han rỉ và bị bỏ quên ở... ngoại thành t/p HCM?
Đối với tớ, ông ấy là một người có một cái xe đạp đã có thêm chắn xích, chắn bùn… Tiếc thay chiếc xe đạp tốt đó lại bị thay thế bằng chiếc... ô-tô Lada (chưa bao giờ ông có tiêu chuẩn Volga) nên cái xe của ông đành... xếp só!
Cái thời "khai láo" về cái xe đạp cởi truông của mình tớ bảo đảm là: Nếu có một cuộc rà soát vô tư và đơn giản là hãy trình làng văn bằng hoặc bản sao tú tài của các vị du học sinh, các vị tiến sỹ, giáo sư cái thời 60, 70 ra cho coi thì... chắc chắn 90% các vị đều nói "Do chiến tranh đã đánh mất" hoặc "Có thủ trưởng cũ chứng nhận" (Trong đó có tớ đã từng chứng nhận "theo chính sách" không ít hơn...10 người!)
Những cái xe cởi truồng ở nước ta trước cách mạng và trong kháng chiến nó còn lắm bí mật lắm nếu những nhân chứng sống như tớ không còn ở trên đời này để vạch ra rằng thì là: "Cái tên nhạc sỹ X, Y, cái tên đạo diễn A, B sở dĩ hôm nay được phong giáo sư, tiến sỹ... thật ra chỉ mới học có lớp 5 hoặc thậm chí lớp 3!”... Rằng thì là... Những điều hắn phán là sai bét bè be với thực tiễn của nền văn nghệ mở cửa ngày nay... Rằng thì là... các điều ný nuận chung chung hắn hay rao giảng chẳng qua là những điều hắn học được ở các nước mà họ đã tự mình viết lại lý luận cho con cháu họ từ lâu rồi... v.v... và... v.v…
Thế nhưng,... tớ vẫn nhớ cái ông thứ-trưởng-có văn-hóa nọ khi ông ấy nói: "Ceux qui ont raison trop tôt ont tort" mà đành im lặng chờ lúc, bên kia thế giới ông ấy thét vọng về: "C'est l'heure! c'est l'heure!” (đã đến giờ!” Chẳng biết có còn sống được đến lúc "bật mí" nhiều điều tế nhị mà tớ là nhân chứng không? Vì ngày 25/9/007 này tớ đã đặt chân vào tuổi 81 Tây (và 82 Ta) rồi đó!

Tớ xin nhắc lại: Đây là những loại thanh niên chúng tớ được trang bị chiếc xe cởi truồng "made in France" đã vì lòng yêu nước, ghét Tây mà đành "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu" hoặc xếp... "tranh đấu trở về bút nghiên"! Còn những người tham gia cách mạng vào giờ 25, 26, 27... thì họ đã được trang bị chiếc xe văn hóa "made in V.N.D.C.H", đã trở thành những "ông tú, ông nghè" đủ loại, (dỏm có, thiệt có, tự phong và phong cho nhau theo kiểu "úm ba la ba ta cùng tiến" như thế nào... lại là một tấn bi-hài kịch dài dài... nhiều tập, mà tớ sẽ kể ở những entry sau nếu còn các friends yêu cầu và comment nhiều vào hoặc... "khen nhiều vào cho lão ấy chóng... chết!”...

Thursday September 20, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

15. Gĩa từ cái xe văn hóa "made in France"

Vậy là tớ đã "bật mí" những điều bí mật mà ai đã sống cùng thời tớ… đều biết!... Chỉ có điều vì lý do "tế nhị" hoặc vì nhiều mục đích gì gì đó mà chẳng ai muốn... bật cái mí ấy ra mà thôi... Chuyện bí mật cả triệu người biết này coi như tạm ngưng... Để đi vào cái giai đoạn "phúc tạp" gấp ngàn lần hơn. Đó là những chiếc xe văn hóa made in VNDCCH!!!
Cái thứ văn hóa thực dân đế quốc chỉ có thể xâm nhập vào lớp thanh niên chúng tớ đến ngày 19/8/45 là chấm dứt. Điều này cũng có nghĩa là: Từ khi cách mạng tháng 8, các thứ tú tài, cử nhân... dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã không còn nữa!
Toàn bộ hệ thống giáo dục từ cấp hai (thi diplôme) và cấp 3 (baccalauréat) đã bị xóa sổ... Đặc biệt là hệ thống giáo dục 12 năm đã được thay thế bằng hệ thống... 9 năm! ? (gọi là "trung học chuyên khoa". Các cuộc thi hết cấp đều đuợc thay thế bằng "chứng nhận tốt nghiêp" của các trường phổ thông (hoặc sơ cấp).
Khôi hài hơn nữa là: Giấy chứng nhận tốt nghiệp có thể do thủ trưởng một cơ quan, một đơn vị có dấu đỏ loét đóng đều được công nhận...! ? Chính đây là cái thời "nhiễu nhương" nhất của cái sự học thời 'oánh nhau với Pháp", cái thời mà các trường cấp 2 (chỉ có ở 4 tỉnh) và các trường học lên tú tài phần 1, rồi phần 2 (chỉ có ở HàNội) đã bắt buộc phải... tản cư về những nơi như Đào Dã (Phú Thọ), Phúc Nhạc, rồi Yên Mô (Ninh Binh) dưới những cái tên Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khuyến, Đào Duy Từ v.v..
Tại vùng tự do khu 4 thì có trường Huỳnh Thúc Kháng (Châu Phong-Hà Tĩnh), Trường Bạch Ngọc (Đô Lương-Nghệ An). Một cuộc đại đảo lộn (gọi là tan tác cũng được) về tổ chức, về tinh thần, về tư tưởng, về sinh hoạt, về đời sống của cả thầy lẫn trò... dẫn đến cái sự phân hóa... giai cấp, giầu nghèo thật quyết liệt. Nhất là các thầy, chúng tớ kiểm điểm lại... chỉ có một thầy dạy... Pháp văn là thầy Phương đi theo cách mạng! Còn lại, tất, tất cả đã ở lại "vùng địch", hoặc có theo CM thì nhiều lắm cũng chỉ là 1, 2 năm rồi... "dinh tê" về lại giảng đường cũ!

Thế mới biết cái thằng Tây nó thâm độc đến mức... ai cũng biết! Nó đã cho phép gọi "danh chính ngôn thuận" ngay các giáo viên cấp 2 là professeur (giáo sư)! Nó lại trả lương mấy giáo sư này đủ để... nuôi vợ, nuôi 5, 6, 7, 8 con và còn nuôi thêm cả 4, 5 ô-sin trong nhà. Còn với các vị cử nhân được giao nhiệm vụ đào tạo ra các quan tham (commis chứ không phải là quan tham... nhũng đâu nhé!) thì khỏi nói! Cuộc sống tinh thần và vật chất của họ thì... Tây cũng phải thèm! Điều này giải thích khá đơn giản tại sao họ không thể rời bỏ được "bơ thừa sữa cặn" của thằng Tây!
Cũng phải nói thêm để khỏi mang tội với họ (mà trong đó có nhiều người từng là thầy của tớ) họ đều chỉ muốn "làm việc-trả lương-và... làm việc". Hầu hết, họ chẳng muốn dính líu gì đến chính trị, chính chọe cả. Nhưng ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, các trường ở Ha Nội phải chạy bom Mỹ, (nhất là sau vụ chợ Hàng Da), trường mới "tản cư" thôi, điểm danh đã thấy mất tiêu đâu không ít professeur rồi!

Một vấn đề khá quan trọng nữa là... các thầy bắt đầu thấy... bất lực khi... không được giảng dạy bằng tiếng Pháp nữa. Những công thức toán, lý, hóa... nay không những phải dùng những từ mới (của cụ Hoàng Xuân Hãn thì phải) đã làm các vị "giáo sư cũ"... cứng họng vì quá quen lên lớp, phân tích, tổng kết bằng tiếng "nước mẹ" rồi. Bên cạnh đó là thư viện, phòng thí nghiệm... để lại Hà Nội nên bắt buộc các cụ phải "dạy chay"... diều mà các cụ chưa từng làm bao giờ. Hoàn cảnh các cụ đúng là hoàn cảnh của các bác tài xế đang lái xe limousine bỗng dưng phải đẩy xe cút kít để chở văn hóa cho các "ông phán, quan tham...cách mạng" tương lai! Sức mấy mà chịu nổi!

Cho nên, ngay những ngày đầu kháng chiến, tớ đã nghĩ: "Các thầy ấy "theo địch" cũng là... hợp lý thôi!” (Nghĩ thôi, chứ bố bảo tớ cũng chả dám nói ra vì thế nào cũng bị chụp cho cái mũ "lập trường địch, ta không rõ ràng"!)

Còn tình hình học sinh, sinh viên (cái tên gọi này đã bị thay thế bằng "học sinh đại học" - để... giảm bớt giá trị hoặc để bọn này... đỡ kiêu căng hay sao tớ chẳng biết) thì sao? Có thể nói là "đại xẻ đàn tan nghé"! Một số lớn theo gia đình và các thầy về thành (dinh-tê), một số có điều kiện (tiền bạc hoặc do cha mẹ đang còn theo cách mạng) đành bấm bụng học chay với các "thầy mới" được phân công làm thầy (do thiếu thầy).
Chính trong những năm cách mạng long trời lở đất này mà xuất hiện những giáo sư xuất phát điểm là... đủ loại... Đặc biệt có các nhà ný nuận chính trị Mac-xit nhưng có chiếc xe văn hóa cởi truồng của Pháp được điều về các truờng trung học cấp 2, cấp 3 và sau này có cả trường Sư Phạm Cao cấp (?) ở Thanh Hóa... Đó là các cụ Trần Văn Giầu, Hoàng Xuân Nhị, Trương Tửu, Nguyễn Thúc Hào, Phó Đức Tố, Đặng Thai Mai… thậm chí có cả một cụ có tú tài Tây nhưng chưa hề tốt nghiệp sư phạm (école normale superieure) đã từng làm tham tá đầu tòa Pháp (!) cũng được "vơ vét" (như "vơ vét công tố viên" thời nay ấy) về giảng dạy ở một truờng Trung Học Chuyên Khoa! ?!
Nói tóm lại, Trường chẳng ra trường, lớp chẳng ra lớp mà thầy cũng chẳng ra thầy, trò cũng chẳng ra trò. Cho nên: Học trò, một số, cũng do hoàn cảnh gia đình, "come back to Hanoi" (trong giới nhạc của tớ cũng có một vài người như Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Quỳ là dinh tê sớm nhất).
Một số, bỏ ngang... đi lính nhưng đi lính kiểu có học, nghĩa là: vào trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn, nơi tập hợp nhiều nhất thanh niên có tí chút văn hóa thời bấy giờ mà lại mặc áo lính. Học xong ra làm sĩ quan chứ không chịu tòng quân đi làm lính trơn! Nhưng cũng chính nơi ấy đã đẻ ra một loạt cán bộ quân sự sặc mùi... "tạch tạch xè", làm cách mạng mất công "cải tạo" mãi không xong sau này.
Tóm lại, tất cả hệ thống tổ chức giáo dục của địch đã bị phá tan tành! Chỉ riêng cái hệ thống "13 năm thành ông tú" bị đổi thành trung học chuyên khoa (?) 9 năm để rồi sau đó chỉ có một con đường vào một cái trường "trên chuyên khoa" (không gọi là tú tài nữa) là trường Su Phạm Cao cấp của cụ Trần Văn Giầu (chính các g/s Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo,... các Nhạc sỹ Trọng Bằng, Phan Thanh Nam, đạo diễn Bạch Diệp... đều học ở cái trường cao nhất nước này!)
Ở Việt Bắc có Trương Y (thời ấy cũng chưa được gọi là Đại học cũng như Trường Mỹ Thuật của cụ Tô Ngọc Vân), do các cụ Hồ Đắc Di, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Tôn Thất Tùng, cũng cố gắng dạy... chay và dạy... chạy (chạy bom vì quân Pháp lúc này cứ nhằm "đầu não kháng chiến" mà nện!..).
Thế rồi... "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về....", cả một hệ thống giáo dục địch vẫn duy trì như thời Pháp trong 9 năm, tới năm 54 đều bị hoàn toàn dỡ bỏ! Cũng chính thời gian này, một loạt các thầy cũ của tớ lại "nghe theo lời dụ dỗ" của bọn thực dân, đế quốc, di cư vô Nam để… tồn tại và tránh bị... đấu đá (Cải cách ruộng đất đã xảy ra và "tiếng vọng" của nó đã về tận nội thành!).

Thời gian 300 ngày tự lựa chọn theo Hiệp Nghị Genève đã dành cả cái cảng Hải Phòng cho các thầy và các trò ở lại hay mang chất xám của mình đi... bán cho địch khá là dài để suy nghĩ và quyết định. Cuối cùng, kết quả ra sao cả thế giới đều đã biết. Lại là:... "một lũ có quyền lợi dính chặt với Đế Quốc, bám đít, liếm gót giầy thằng Tây, thằng Mỹ (kẻ thù mới) không chịu ở lại miền Bắc cùng toàn dân xây dựng nền giáo dục vô sản ưu việt nhất loài người!”
Dù sao, miền Bắc vẫn cứ "tiến lên XHCN..., chiếu cố (?) Miền Nam."... Chỉ riêng cái chuyện giáo dục thôi, lúc này là cả một mớ bòng bong tưởng chừng vô phương giải quyết! Ấy vậy mà chỉ dưới sự chỉ đạo của một nhóm đứng đầu là cái cụ "Việt Nam ta không có bi kịch", (Nói thẳng ra là tên Hà Huy Giáp) mọi sự đâu cũng vào đấy, tuy không thật êm re! (Hiện tượng "Đất Mới" ra đời cùng thời với "Nhân Văn" là một dẫn chứng mà tớ không dám "xía vô" vì nó... chính trị quá!) Đơn giản là cái gì khó như Trường Luật thì... giải tán là xong việc. Còn lại là cái gì Ta có thì... cho sáp nhập cái của Địch vào.
Nhưng thầy bà thì, để khỏi phải cảnh giác, cứ điều đi công việc khác, cho hưởng lương "lưu dung". Đặc biệt cái ngành Y thì phải rà soát kỹ nhất. Chẳng cứ thầy mà ngay cả trò, nếu có "dính líu gì về lý lịch" phải cương quyết gạt bỏ. Nhỡ ra sau này trao con dao mổ cho kẻ thù của cách mạng thì... nguy vô cùng! Chính trong thời gian này mà hàng loạt sinh viên đã học xong Y3, Y4 đều bị "cho nghỉ học" không thương tiếc!
Nhưng theo tớ cái thiệt thòi nhất cho giới chữ nghĩa thời ấy chính là sự đập bỏ toàn bộ hệ thống giáo dục 12 năm mà thay vào đó hệ thống 10 năm. Nghĩa là chỉ bằng chúng tớ ngày xưa....\ mới đỗ diplôme đã được vào Đai học! (chưa nói đến chất lượng đâu đấy nhé!). Sau này lại cải tiến như... cũ (lại 12 năm!) thì... hỡi ơi! Y hệt một cái xe đã cởi truồng lại còn thiếu cả bàn đạp lẫn ghi-đông, xên, nhông Liên Sô, vỏ, ruột Trung Quốc!!! Cái sự đảo lộn triệt để và toàn diện từ tổ chức, tư duy lẫn con người trong giáo dục này đã đẻ ra hàng loạt những căn bệnh trầm kha mà theo tớ chỉ có... phép mầu mới giúp bác Tiến Sỹ Nuyễn Thiện Nhân. giải quyết được.
Đó là;
1/- Chất lượng thực của các giáo sư, giáo viên trong tay Bác có Thật không? Có tình trạng "giáo sư chiếu cố", tiến sỹ một chữ ngoại ngữ bẻ làm đôi không biết hay không?
2/- Học sinh, sinh viên, người chủ tương lai của đất nước này có giáo dục, có văn hóa thật sự hay không? Còn tình trạng lớp 6 mà chưa biết đọc biết viết hay không?
3/- Có dám bắt chước nền giáo dục của một nước "nhỏ mà không nhỏ" như Singapore, tổ chức lại toàn bộ hệ thống giáo dục, chương trình giảng dạy mà đừng có "sáng kiến, tối kiến" gì thêm vào những cái mà họ đã thành công không? Có nghĩa là dám rứt bỏ (hoặc đập bỏ) từ tổ chức, tư duy, chương trình giảng dạy, thậm chí cả xử lý những con người không thể và không đáng đứng trên bục giảng, không thương tiếc không?
4/- Và cuối cùng là làm sao để thay đổi tư duy "học để đi thi", "học để có bằng", "có bằng để... khi lên Tivi, khi viết báo có hai chữ (tắt) T.S!” Có bằng để "dễ tiến thân", để dễ "lấy le", để được "ăn trên ngồi trốc" và từ đó... "bằng bất cứ giá nào phải có bằng!”

Chao ôi! Tớ viết ra đây mà tớ chẳng tin ai có thể giải quyết được cái "chợ trời văn hóa khổng lồ" chưa từng có trên thế giới này. Tớ cũng mừng thay cho các vị học giả "thật" đã qua đời mà không phải chứng kiến và tham gia góp ý giải quyết cái vấn đề "ai cũng biết mà nói ra chẳng ai nghe" này! (Tội nghiệp g/s Hoàng Tụy!)

Cái "xe văn hóa" thời nay xem chừng nó phức tạp, lủng củng, xộc xêch, thậm chí như xe ma trơi mờ mờ, ảo ảo, ẩn ẩn hiện như trêu ngươi! Rằng thì là: Văn hóa này nó thế đấy, nó đã giúp dân tộc này đánh thắng hết kẻ địch này đến kể thù kia. Văn hóa này sẽ đưa dân tộc này đến thiên đường xã hội chủ nghĩa, một "quy luật tất yếu của lịch sử loài người"... là cái chắc! Mọi khó khăn ta sẽ vượt qua! Đứa nào nói văn hóa nước ta là kém, là tụt hậu chẳng qua là bị ảnh hưởng các "thế lực thù địch bên ngoài"
Nghĩ tới đây là tớ muốn tịt ngòi nên bèn… Thôi.!.. Còn cái chuyện "văn hóa thời kỳ Mỹ Ngụy" ra sao? Sau 75, nó hòa nhập hay bỏ chạy? chết, sống thế nào? Tớ không có may mắn làm nhân chứng sống nên mong được các papa, maman, grand papa, grand maman các friends chỉ giáo...

Monday September 24, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

16. Tớ đã đạp phải "Tổ kiến lửa"! Bỏ mẹ tớ rồi!

Môt loạt bài về "cái xe văn hóa cởi truồng" made in France và made in VNDCCH đến hôm nay vậy là đã đánh động được lương tri và... tự ái của một số người. "Gây sự" mãi mới được có một Blogger con lên tiếng hộ bố (do bố là giáo sư nhưng không thích computer). Ngoài ra là các cú téléphone chửi tớ thẳng thừng vì đã phủ nhận "cả một tầng lớp trí thức của chế độ ta!” Chết cha tớ chưa! Buộc lòng tớ lại phải viết tiếp…

1/- Tớ mong các cụ có "xe văn hóa" hãy cố gắng đọc cả 3 bài viết về đề tài này, đừng có đọc có cái bài cuối cùng rồi nổi tự ái! Đặc biệt các chú, các em, các cháu có những cái xe văn hóa do các chế độ khác nhau (như "Mỹ-Ngụy" chẳng hạn) trang bị cho thì hãy thông cảm cho tớ! Tớ đã nhận là "không dám lạm bàn vì... không phải là nhân chứng sống" rồi mà!

2/- Tớ xin lỗi 3 cụ ngoài 80 còn sống, bạn đồng khóa, đồng niên của tớ (dù các cụ chưa chửi tớ... có lẽ vì con cháu nó không báo cáo lại cái gì đã phát hiện ra trên Blogg của lão già Tôhải đại lẩm cẩm này) rằng: Tớ chỉ kể chuyện cái sự học của chúng tớ "nửa đường đứt gánh" ra sao và những gì đã xảy ra trong chiến tranh đã gây tai họa cho những cái xe văn hóa cởi truồng ra sao mà thôi! Tóm lại tớ chỉ muốn nêu ra một vấn đề cơ bản, một nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho những chiếc "xe văn hóa cởi truồng" của ba thế hệ bị xộc xệch, tuột xích, thậm chí bị... xếp xó ra sao: ĐÓ LÀ CHIẾN TRANH!

3/- Tớ cũng đã nói ngay trong bài 1 và bài 2 là: nhà trường (ở bất cứ chế độ nào) cũng chỉ trang bị cho người học một "chiếc xe cởi truồng". Cái xe ấy chạy tốt hay tồi, có được bơm thêm dầu mỡ hay không lại là do CON NGƯỜI LÀM CHỦ CHIẾC XE đó. Tớ cũng đưa ra hai ông già điển hình bạn tớ (có thật) và chú thiếu sinh quân Phùng Quán để dẫn chứng là không phải có một trình độ giáo dục học đường ngang nhau là văn hóa ngang nhau... Ở đây, do sợ nói dài, nói dai dễ thành nói... dại, tớ đã không kể đến những tên tuổi (mà tớ rất bái phục), đã từ những cái xe cởi truồng đó (được trang bị trong mọi thời gian, thậm chí tự trang bị chẳng cần trường lớp nào cả) đã vượt lên cả những chiếc xe dỏm hàng... trăm năm ánh sáng.

Chỉ đơn cử nhà Văn Hóa Hữu Ngọc, (một vị hơn tuổi tớ nay còn sống). Các giáo sư Cao Xuân Hạo, Trần Quốc Vượng, Phan Đình Diệu,... và nhiều người nữa mà tớ không quen biết... Riêng về giới văn nghệ thì tớ có thể [kể] hàng chục cái tên mà theo tớ là đã tự trang bị cho cái xe của mình đủ động cơ để đi tới... nhiều nơi xa hơn, cao hơn những người đồng niên, đồng khóa rất nhiều. Chắc các bạn ham đọc sách, đọc báo có biết qua những cái tên như Dương Tường, Xuân Oanh, Thụy Ứng,... Đặc biệt là Cao Xuân Hạo, người "chỉ" tốt nghiệp ở cái trường Sư Phạm của ông Trần Văn Giầu mà đã có những công trình ngôn ngữ học nổi tiếng trên thế giới! Cả 4 vị này đều tự học mà đã làm được những việc mà mọi người đều biết...

Họ không những "tự cải tiến chiếc xe văn hóa" của mình mà còn góp phần đẩy mạnh những chiếc xe văn hóa cho bao con người bị thiệt thòi vì không biết một chữ ngoại ngữ nào (hoặc nếu có cũng chỉ là vài câu... 'Pa-xi-bồ… tavarich'"! Chính nhờ họ mà trong kháng chiến những Shakespeare, Dostoevsky, Tolstoi, Dickens, Thackeray, Balzac, Marquez... đến được với những con người chỉ biết có văn hóa Việt! Họ đều tự trang bị cho mình, trong muôn ngàn khó khăn, cả một "cỗ xe văn hóa đồ sộ" mà không một trường đại học nào có thể dạy họ được. Hầu hết họ đều nắm vững trong tay ít nhất ba, bốn ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Tầu). Cá biệt có người có đến... 6 ngoại ngữ (ba để giao dịch, 3 để nghiên cứu và chuyển ngữ (translation) như nhà ngoại giao-nhạc sỹ Xuân Oanh!

Riêng nhà văn hóa Hữu Ngọc (chẳng ai phong giáo sư-tiến sỹ) còn viết và nói đuợc cả tiếng... Thụy Điển nữa đấy! Còn... (không nhiều lắm) những cái tên mà tớ không quen, không biết, nhưng chỉ... "nghe đâu" cũng khá là "xịn" nên tớ không dám nêu tên kẻo "nói dzậy mà không phải dzậy" thì lại bị chửi đến phải bỏ Blog mất!
Chưa kể đến những cái tên học hành kém tớ vài ba lớp, nhưng đã tự trang bị cho mình tới 3, 4 ngoại ngữ để rồi đọc nhiều, đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều… nên đã... phát điên lên vì biết quá nhiều đến nỗi phải... bỏ luôn cả vợ con, đất nước, bỏ luôn cả nghề Tổng biên tập, bỏ luôn cả quân hàm đại tá QĐND như nhà báo họ Bùi!, nhà "Pa-u-tốp-xky học" họ Vũ! để được trút hết những sự hiểu biết của mình ra mà không bị đi tù!

Ở đây, tớ xin phép được "Nói lại cho rõ" là: Cái tình trạng giáo dục nhốn nháo trong chiến tranh... rồi chia cắt giữa hai miền, đã ảnh hưởng tai hại thế nào đến cái sự dạy, sự học của bản thân và của hai thế hệ con cháu tớ ngày nay mà thôi! Mong các chú, các em... học sau tớ 5, 10 năm, các bác cùng đồng niên, đồng khóa, nếu còn sống, đừng... chửi tớ tội nghiệp!

4/- Cuối cùng là tớ muốn các friends trẻ hãy bỏ chút thời giờ comment hai cái comment khá lý thú này:
a- Một friend cho là tất cả các chuyện tớ kể ra (và thề sống thề chết là không "phịa") chỉ là... "hiện tượng"chứ không phải là... "bản chất"??? Tớ già rồi đọc một lô lý luận của bạn ấy mà tớ học cách đây 55 năm nên chẳng nhớ, chẳng hiểu gì hết. Chỉ nhớ câu cuối cùng khi friend ấy hỏi: "Đứng trước quả trứng và con gà, bạn sẽ phải làm gì?" tớ bèn dùng cái thứ đia-lếch-tích thế kỷ XXI ra mà reply rằng: "Tớ sẽ... luộc quả trứng lên ăn và bỏ con gà vào... nồi nấu cháo khao bạn bè" Chẳng là... tớ hơi bị... bi sắc quá nên trả lời liều như vậy! Các friends nào về phe tớ hãy lên tiếng lý luận lại cho coi!
b- Một friend tận London thì khuyên tớ rất lịch sự rằng "Bác đừng bi quan! Nuớc nào giáo dục trong chiến tranh chả như thế" Rằng thì là: chương trình Georges Soros đã tài trợ và đang tài trợ cho một số nước Đông Âu, Trung Á (thuộc Liên Xô cũ) cải tổ nền giáo dục để bắt kịp trình độ giáo dục tiên tiến trên thế giới! ? Và...Việt Nam mình chỉ cần 5 năm (!?), nếu có quyết tâm (ai quyết tâm?) và có độ 20 người "có trình độ", cộng với một số "khúc ruột ngàn dặm" được cho phép về nước tham gia xây dựng thì... chắc chắn những điều bác lo sẽ được giải quyết!”trong...5 năm???

ỚI ông Soros ơi! Chắc tôi phải đi theo ông mà báo cáo: Chương trình của ông, tôi mang theo đây, để ông gửi lên... Thiên Đường hoặc xuống Địa ngục mà tài trợ cho quỷ sứ hay thiên thần! Ở nước tôi, nó không thể chấp nhận vì nó không... đi theo "lề bên phải!”

Các bạn hãy tham gia comment về 2 cái comment này! Vui và... cũng bực đáo để!

Wednesday September 26, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

17. Giới thiệu một CD tự làm

1) Nụ cười sơn cước (1947) - Lê Dung
2) Đứt dây đàn - (1948) Mai Loan
3) Gặp em giữa mùa xuân - (1950) Ngọc Ánh
4) Tình anh và biển - (1960) Thanh Long
5) Cung đàn nhắc lại làm chi - (1956) Lệ Thu
6) Trở lại đô thành - (1947) Lê Dung
7) Khi tình yêu đến - (1961) Ngọc Ánh
8) Không lời - (1951) Lê Dung
9) Tình ca buồn phiền - (1958) Hoài Sơn
10) Tiếng hát người chiến sỹ biên Thùy (1957-1958)

CHƯƠNG I: Núi rừng hùng vỹ của Tổ Quốc - Nhà hát giao hưởng và hợp xướng VN
CHƯƠNG II: Trên đường biên giới Chỉ huy: Đỗ Hồng Quân
CHƯƠNG III: Tiếng gọi quê hương solist: Mạnh Chung
CHƯƠNG IV: Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc

Bắt chước Tuấn Khanh, tớ tự xuất bản, tự phát hành một đĩa hát mà chẳng ai cho phép cả.

Chú ý: Bài 1 là đã được sử dụng nhiều lần do nhiều ca sỹ hát tha hồ phịa, trên tivi mà chưa hề trả tớ một xu nào. Còn lại, tất cả đều coi như "những bài ca trong tủ lạnh".

Chú ý bài cuối cùng là một hình thức cantate (viết cho giao hưởng và hợp xướng lớn đã được sử dụng nhiều thời kì hoàng kim của âm nhạc nghiêm túc, nhưng tới nay chỉ có tớ là còn giữ được băng....)

Tớ sẽ còn gửi thêm cho các friends nghe nhiều bài không có "đầu ra" nữa vì tớ là "nhạt sỹ bảo thủ" mà (nghĩa là âm nhạc vừa nhạt, (tức là thiếu "iu đương hôn hít"), bảo thủ vì hát lên.... "khó nghe bỏ mẹ".
Các friends nghe rồi comment nhé vì chất lượng upload ko được chuẩn lắm, nên nếu muốn nghe chất lượng hơn thì các bạn dowload về sẽ tốt hơn là nghe trực tíếp...

Thú thật là tớ chỉ biết dùng computer để đọc sách, báo, và mail cho bạn bè thân thuộc trong và ngoài nước thôi. Còn cái chuyện "đao" "ắp"… gì gì nữa thì tớ không còn nhiều quỹ thời gian để đi học... Toàn là nhờ sự giúp đỡ của mấy tay Blogger trẻ thương tớ nên đến nhà tớ làm hộ... Vậy là quý lắm rồi! Tớ còn giữ được nhiều băng cassette thu từ cái thời mono, nhũng sáng tác tâm huyết "vừa học vừa làm", những tác phẩm thật sự nhưng chỉ dám "phổ biến nội bộ", mong được sự giúp đỡ của bạn bè bốn phương... Đặc biệt là có hai cái VCD (cũng tự làm chuyển từ băng hình vidéo) thì chưa biết làm cách nào để các bạn trẻ xem lại "cái ngày tháng ấy năm gì" mà tớ dám ăn nói liều mạng như thế trước nhĩ mục quan chiêm.

À quên! Các friends trẻ chú ý khi comment là hãy đừng quên về cái khoản "Duy vật biẹn chứng và duy vật lịch sử" đã đuợc học ở Đại học nhé! Tức là chú ý về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm... thời gian, bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh của tác giả là văn nghệ sỹ mặc áo lính, ăn lương lính và tư tưởng... "tạch tạch xè" đang nặng căn lắm nên mới có chuyện bài hát cả 60 năm "bỏ tủ lạnh". (! ?) hoặc bản cantate viết cách đây đúng 60 năm (1957) nghĩa là ra đời từ lúc nước Việt Nam chưa hiểu cái dàn nhạc giao hưởng nó là cái gì, nhạc sỹ VN, chưa biết tư duy trên 24 giòng tổng phổ, chưa hề nhìn thấy tờ giấy viết tổng phổ (partitur) nó ra làm sao.?
Bản thảo của bản cantate này tớ phải dùng những tờ giấy chép bài hát dán lại rồi dùng, nay vẫn còn giữ được như một kỷ niệm về cái thời bác sỹ phải cưa chân chiến sỹ bằng cưa thợ mộc vậy! Các friends sẽ thấy ngày nay, lớp trẻ hạnh phúc biết bao và cũng dễ dàng biết bao nếu muốn làm âm nhạc đích thực. Vậy mà...

Tuesday October 2, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

18. Đâm lao tớ phải theo lao…

Hai tuần nay, tớ bắt đầu thấy chán vì các friends bỏ tớ, (kể cả friend trẻ cũng như friend già) để lao theo ba cái chuyện thúi tha, kinh tởm, vô lý mà... rất có lẽ (!) như Khế chua-Khế ngọt-Trà chanh, Việt Dart-Tr… Lờ... Nguòi chết ở vụ cầu xập, trong vụ bão lụt, ý kiến về các vụ "kiểm soát Blog, cấm giúp đỡ, ủng hộ cá nhân cho người bị nạn v.v... và... v.v… đều biến mất trên các trang Blog... Và những gì tớ viết theo yêu cầu (ví dụ vụ "Nụ cười sơn cước") hai tuần chỉ có một comment! Vậy thì mất công làm gì, nghỉ cho khỏe.! Nhưng hai hôm nay, nhận được sự động viên của hai friend trẻ ở rất xa muốn tìm hiểu thêm về văn hóa âm nhạc của nước nhà hiện tại, tớ đành đâm lao nên phải theo lao.
Thế nào là có "Văn hóa âm nhạc"?
Tớ không có thể và không muốn chìm vào cả một núi lý luận về cái cụm từ này. Tớ cũng chẳng nhớ hết và chẳng mất công đi tìm trong tủ sách những gì các cụ, kỵ Khổng Tử, Tuân Tử, Aristote, Shakespearre, Tolstoi, R.Rolland, Djanov, Lénine, Chostakovich, Xkhor... bình luận và viết sách về vấn đề này. Tớ chỉ đua ra những tình hình thực tế của nước Việt Nam ta qua 80 năm tớ đã sống để các friends suy ngẫm và viết comment, để thấy được là mọi lý luận đều chỉ là sự tổng kết (synthèse) mọi phân tích (analyse) của cái thực tế mà CON NGƯỜI MUỐN VẬN DỤNG NÓ VÀO MỘT MỤC ĐÍCH NÀO MÀ MÌNH MUỐN! Tớ không nhai lại câu "Lý luận màu sám xịt, chỉ có cây đời là xanh tươi" bởi vì có ai cấm một friend nào đó phệt tớ một câu "Lý luận của Bác mầu sám xịt, cây đời âm nhạc xứ ta đang rất xanh tươi đấy chứ. Cứ ra cửa hàng CD, DVD mà coi! Có thua gì bên Califorrnia, ? còn Thúy Nga Paris thì... cứ là... sách dép! Chưa bao giờ nước ta có nhiều NHẠC SỸ, nhiều ca sỹ, nhiều sao, siêu sao, nhiều Ai-đôn? nhiều "phen cuồng " như thời đại này....
Cho nên những câu như... "nhạc mà bất nghiêm, hiểm hóc, thì dân sa ngã và bỉ tiện, loạn lạc và tranh giành, mà nước đã loạn thì binh yếu, thành bị xâm phạm, bách tính không an cư lạc nghiệp... Cho nên khi lễ nhạc suy thì tà âm dấy lên. Đó là gốc của nguy cơ mất nước và bị sỉ nhục. Cho nên tiên vương quý lễ nhạc mà khinh rẻ tà âm... (trích luận về âm nhạc của Tuân Tử) " và còn cả một lô lý luận của các cụ Bach, Haendel, Beethoven... để lại, sẽ làm cho các friend nhức đầu, thậm chí cho tớ là cổ hủ!... Thôi! Đã nói là không lý luận mà lại sa đà vào lý luận. Cái tuổi già nó làm tớ lẩm cẩm thế đấy.
Tớ xin bắt đầu băng câu chuyện văn hóa âm nhạc ở ngay cái gia đình tớ cách đây gần một thế kỷ, để các friend suy nghĩ và phân tích nhé:
Tớ chính là một người bị ảnh hưởng nhạc Tây, nhạc Mỹ, nhạc nhà thờ... sâu sắc nhất từ thuở còn thơ. Tớ sinh ra ở Hanội, nhà tớ ở phố Bảo Khánh, rẽ trái 100 mét là Nhà thờ lớn, nhìn sang bên kia hồ Hoàn Kiếm là nhà kèn (vườn hoa I.Ghandi bây giờ). Tuần nào tớ cũng được bà vú em bế đi nghe dàn nhạc harmonique của Parmentier chơi "Chợ Ba Tư'", "Sông Đa-Nuýp Xanh", "Calife thành Bagdad"...
Lớn lên là vào "Sói con", lớn chút nữa vào "Hướng đạo" toàn hát những bài dân ca Pháp. Vào nhà thờ tớ mê mẩn với tiếng đàn orgue với những hợp âm thuận-nghịch-thuận (dù tớ không theo đạo) thật tuyệt vời và thần thánh biết bao... Thế là tớ đăng ký thi tuyển vào ban hợp xướng Nhà thờ... Tớ say mê với những câu hát tiếng Latinh mà chẳng hiểu "Gloria in excelsis Deo" lắm về nội dung. Chỉ biết âm nhạc của nó khi hòa 4 giọng với nhau nó tạo nên một cảm xúc thật linh thiêng, trang trọng, tin yêu...
Và cứ thế, tớ vào sói con (louveteau) vào Hướng Đạo (Scout), tớ đi học thêm ký xướng âm, hòa thanh... ở các cha, các thầy... Có thể nói: Trong tớ chỉ hấp thụ có một thứ âm nhạc ngoại 100% (chưa kể những năm 44, 45 lại còn phong trào chạy theo Bing Crosby, Bop Hope, Nelson Eđdy, Setsuko Hara nữa)

Trong khi đó Ông Già nhà tớ lại là một công chức Pháp mê cải lương đến cuồng nhiệt! Chiếc máy hát quay tay chạy đĩa 78 vòng/phút của ông chỉ vang lên những giọng ca Năm Châu, Năm Phỉ, Tư Sạng, Phùng Há...
Ngoài ra ông còn là một nghệ nhân rất... tài tử về đàn nguyệt, đàn bầu… treo rất trang trọng trên tuờng phòng khách. Tuy nhiên vì đã nhét tớ vào trường sơ, trường giòng cho hết quậy, ông cũng phải làm quen với cái thứ âm nhạc mà ở những năm 30 của thế kỷ 20, ông cho là... bắt chước, là… "lọ", là "thối không chịu được" nhất là khi nghe những bài hát "Ta theo Điệu Tây" do ca sỹ Ái Liên hát!
Cho đến ngày, một loạt các hãng đĩa nhập vào nhũng bài hát Tây thứ thiệt do các danh ca Rina Ketty, Joséphine Barker, Maurice Chevalier, Tino Rossi… hát thì ông đã chiều tớ mà mua bổ xung vào tủ đĩa một loạt những đĩa hát Tây "xịn", kèm theo những đĩa Tây nhạc không lời như Reverie của Schuman, Le beau Danube bleu cua J.Strauss...
Thế là trong nhà tớ hai nền văn hóa âm nhạc song song tồn tại...! Hai cái "gu" âm nhạc cùng chung sống hòa bình. Tuy nhiên Ông già thì bắt đầu thích nghe nhạc Tây thứ thiệt, nhưng tớ thì... không sao chịu nổi những thứ ề a, ý a… và 5 cung Rề pha son la đô rế của ông cứ kéo dài mãi cả tiếng đông hồ!

Thế rồi cách mạng tháng 8 nổ ra,... Tớ mang cả một hành trang âm nhạc đó vào bộ đội... Nhiều năm, gối đất nằm sương, buồn tình tớ "bịa" ra mấy câu hát chơi cho vui hoặc cho thêm... buồn.! Tất cả đều là làm theo bản năng sẵn có! Nào ngờ một số bài lính thích quá cứ hát mãi thanh ra xuất bản bằng... mồm bay đi cả sang Tầu!.... Cái đám lính trọc đầu Lục Quân Trần Quốc Tuấn không ngờ đang đưa tớ lên "dàn hỏa" khi dám ngoáy mông, ngoáy đít hát theo nhịp Swing "Trường Lục Quân đang cần lính đánh Tây, Tớ vội vàng bỏ nhà ra đi ngay... Bao công việc ấm ớ phó thác cho bu mày..." giữa lúc Mao Chủ Tịch ở Diên An đang lên án mọi thứ văn hóa tư sản! Thế là một loat bài của tớ bị dẹp ngay tắp lự!
May mà bản thảo (in lithô) và cái VCD do thiếu tướng Bắc Việt (mới đột ngột qua đời năm 2006) mới được "cho thu lại" có ba bài của tớ nay đang còn trong tay tớ đây để làm tang chứng!
Kể từ đó là tớ luôn phải cải tạo tư tưởng, kiểm điểm lập trường, hết chỉnh quân, chỉnh Đảng đến chỉnh... nhau về cái vốn văn hóa âm nhạc của tớ là có lợi hay có hại cho cách mạng. Thú thật là do tớ hơi bị nhát (như nick name tớ đã tự nhận) nên trước sức ép của tập thể, tớ đã phải "hạ quyết tâm từ bỏ mọi thứ tớ đã bị Đế Quốc nhồi sọ trong đầu." Sau đó hứa hẹn sẽ làm âm nhạc đúng phương châm Đại Chúng-Dân tộc-Hiện Đại của một đ/c lãnh đạo!
Và từ đó tớ cho ra đời hàng trăm bài hát dễ hát nhất, ngắn gọn nhất, và dân tộc nhất (đối với tớ, tung hứng năm cái âm... "hồ xừ sang cống líu"... hoặc nhét mấy cái ối a, ỳ a... bắt chước quan họ, ca trù... là... dễ ợt!) Và khối bài được giải thưởng đấy. Tuy nhiên đến bây giờ tớ chẳng còn nhớ nó bắt đầu ra sao? 500 bài, 700 bài? hay 1, 200 bài như có bố khai văng mạng trên tivi thì tớ chẳng dám. Tớ chỉ nói thẳng trên HTV là những sáng tác đó, dù có được giải thưởng, tớ cũng chỉ coi là những "bức tranh cổ động bằng âm thanh". Nó đã làm xong cái nhiệm vụ phục vụ tuyên truyền động viên có hiệu quả ít nhiều một thời điểm nào đó. Nay chính thời thế đã xếp nó lại rồi! Vậy nên, tớ chỉ xin kê khai “số lượng tác phẩm của tớ là … từ 20 đến 25 mà thôi! (băng đĩa còn cả đây, nói láo chết liền)
(còn tiếp vì mỏi lưng quá rồi)

Tuesday October 16, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

19. Câu chuyện văn hóa âm nhạc của tớ (Bài 2)

Sáng nay, hết đau lưng, định ngồi vào Blog gõ tiếp thì một tin buồn cho tớ và cho giới gọi là có văn hóa ở nước ta ập tới... Giáo sư Cao Xuân Hạo, (người mà tớ đã giới thiệu trong một entry) đã qua đời ở cái tuổi... chưa đáng chết: 78! Gọi điện khắp nơi cho bạn bè, bàn bạc nhau cách đi tiễn biệt một nhân tài đất nước đã có một quá trình bị vùi lên dập xuống cho đến nay lần đầu tiên thấy CXH được giới thiệu là "Học giả-Giáo sư" mà thấy vừa vui lại vừa buồn vì học trò của CXH thì cả một lô tiến sỹ, còn thầy thì mãi khi về hưu mới được phong giáo sư với lý do... "không có bằng cấp chính thức nào về ngoại ngữ" (!) mặc dầu đã từng đoạt giải nhất về dịch thuật! Thế đấy, cái sự đánh giá con người nó còn mù mờ lâu dài... lắm... Buồn! Và chán lại kéo đến ám ảnh tớ... nhưng tớ bỗng thấy vui thiệt thà khi nghĩ tới: khi mình nằm xuống có ai đó phong cho mình danh hiệu "Blốc-gơ già nhất nước" thì cũng... cực khoái chứ chả chơi đâu. Vậy là tớ lại ngồi vào keybord viết tiếp..

Vậy là tớ phải từ bỏ cái nền văn hóa âm nhạc hình thành trong tớ từ lúc còn thơ tới những năm ở tuổi 25.26 gì đó!. Nói là nói dzầy thôi (cho nó có vẻ thành khẩn cải tạo) chứ có thánh mà biết được trong óc, trong tim tớ đang vang lên những âm điệu, nhịp điệu, tiết tấu gì... ngoài những gì tớ cố gắng "đại chúng hóa âm nhạc" theo chủ trương của... Trên.
Tớ vẫn viết khối thứ nói riêng về mình, về những người mình thương, mình nhớ (nghe CD tự làm). Cái thời gian tức cười nhất cho nền âm nhạc nước nhà là thời gian người ta phát động một phong trào "làm nhạc không son-phe", (mà "đầu têu" là cái bố Nguyễn Đình Phúc)!
Với những nhận định như... "Quần chúng là sức mạnh vô biên, cái gì quần chúng cũng có thể làm được, quần chúng là người trọng tài vô tư nhất, là giám khảo thậm chí là người thầy sáng suốt nhất", chúng tớ phải về từng đại đội hướng dẫn... quần chúng làm nhạc! Nghĩa là: Cả đại đội, ngồi xuống! Ngồi! Sau đó một hạt nhân văn nghệ do chúng tớ chọn ra mào đâu ra một câu... Ví dụ: “Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến...." rồi cả đại đội hát đi hát lại câu hát đó tới khi có một ai hứng chí lắp thêm vào câu 2,... rồi câu 3... Thế là đêm đó, mỗi đại đội đều có một bài hát mới do... TẬP THỂ SÁNG TÁC!!!
Chính ở cái phong trào "quần chúng làm nên tất cả" này mà... một lô "nhạc sỹ vô sản" ra đời. Đặc biệt bài hát "Thời cơ đã đến" đã được tặng giải nhất cho... tập thể chiến sỹ F... (hình như 308 thì phải). Đứng trên cả Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát... trong một cuộc thi âm nhạc toàn quốc năm 51-52 gì đó tớ không nhớ!
Một nền "văn hóa âm nhạc mới" xuất hiện đầu tiên trong lịch sử văn hóa loài người: "Văn hóa âm nhạc công nông binh" của gió Đông đang thổi bạt gió Tây! Nền "âm nhạc vô sản đại nghiệp dư" dã thắng nền "âm nhạc tư sản chuyên nghiệp"! Nhiều nhạc sỹ "từ quần chúng mà ra" đã được "phát hiện" thời gian này. Một số còn được "bồi dưỡng", o bế trở thành nòng cốt lãnh đạo nền âm nhạc nước nhà mãi nhiều năm sau...!
Một số biết thân biết phận đã tự biến mất trong hàng ngũ nhạc sỹ (tác giả "Vì Nhân dân quên mình" là một ví dụ điển hình!). Có văn hóa âm nhạc? Không có? Lộn nhào một cục! Thậm chí có trường hợp 2 nhạc sỹ cùng được ưu tiên đi học Liên Sô về đã chẳng ngại ngần mà ghép nhau vào tội... đạo nhạc (Việc này cả nước đã biết).
Còn tớ? nằm trong cái cơn bão cách mạng tư tưởng "à la Mao" này tớ làm gi, sống và làm việc như thế nào để tồn tại... Tớ sẽ kể trong bài sau./. (nghỉ ăn cơm cái đã nhé!)
Wednesday October 17, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

20. Tớ đã tồn tại như thế nào? (Bài 3)

Cái khổ lớn nhất và dai dẳng nhất cho một anh thanh niên 25 tuổi đời như tớ là phải sống trong... đối phó và luôn luôn sợ hãi về những nỗi ám ảnh bị đấu tố, bị kết án về những "tội" mang trong đầu: "những tư tưởng của giai cấp thù địch" (?) mà những "đồng chí" của mình luôn sẵn sàng chụp lên đầu mình khi có cơ hội dành... điểm "có lập trường tư tưởng vững vàng"! Trung Ương thì xa, mà "quan nhà" thì sát nách...
Chỉ cần một "giai điệu lạ", một tiết tấu giông giống nhạc jazz, nhạc blues, thậm chí một cái syncope, contre temps... cũng có thể bị mấy ông "nhạc sỹ công nông chủ nghĩa" mang ra mổ xẻ và quy kết là: "Chưa rứt khoát rứt bỏ những nọc độc của văn hóa Đế Quốc"!!!
Chính trong thời gian này mà một loạt những Ngọc Bích, Canh Thân,... những "tay tổ" về dùng nhạc swing, rumba... để phục vụ chỉnh huấn, chỉnh quân một cách rất vô tư (y hệt ngày nay người ta dùng R& B, Pop, Rock, rap xả láng) đã đành bó tay rồi tìm cách... về thành.. (dinh-tê).
Tớ đang còn giữ cả một tập nhạc phục vụ quân đội NDVN bằng nhạc blues, swing... của Ngọc Bích gửi từ Mỹ về cho tớ trước khi qua đời với bức thư thanh minh về sự "phản bội Tổ Quốc bất đắc dĩ" của anh và tớ nhớ nhất câu "Giả thử nếu "người ta" có cái nhìn về swing, blues… như bây giờ người ta cho bùng nổ rock, pop,... mà chẳng bị đấu tố gì thì có lẽ... chúng mình vẫn còn bên nhau". Anh hứa sẽ về Việt Nam "đổi mới" lần cuối cùng để gặp lại bạn bè và sẽ tâm sự dài dài về cái sự ra đi miễn cưỡng của anh...
Nhưng mộng chưa thành, anh đã qua đời bên Mỹ,... Còn nhiều chuyện "nửa đường đút gánh" của nhiều nhạc sỹ mà theo tớ là thật sự có tài nhưng bị "đánh" quá nhiều nên cương quyết bỏ nghề đi theo những con đường ít gai góc, ít... trừu tượng và ít bị phê phán tùy tiện, bố láo hơn!
Có thể kể vài cái tên mà các bạn trẻ ngày nay chắc ít biết đến. Đó là Việt Lang, là Hữu Hiệp, là Cao Thưởng, là Cao Xuân Hạo (vừa mới qua đời cách đây 2 hôm).

Ấy vậy mà tớ không những đã bảo toàn được sinh mạng lại còn nổi trội lên trong làn sóng âm nhạc phục vụ công nông binh.!”Mẹo" của tớ như thế nào bài trước tớ đã nói sơ sơ...
Bây giờ nói tiếp nhé. Cấp trên có chủ trương phát động sáng tác văn nghệ, hỗ trợ quần chúng đấu tranh giảm tô (giáo đầu cho cải cách ruộng đất)! Thế là tớ soạn ngay một bài... "nhời" về cái chủ trương đó có tí văn chưong, một chút hình tượng... Ví dụ... "Tư ngàn vạn đời xưa rồi/ Cha ông chúng ta nghèo đói/ Mạt đời tăm tối, sống không khác kiếp ngựa trâu! / Không manh áo che thân, tháng ngày ngâm mình dưới bùn sâu..." Các bạn để ý cái ngôi thứ nhất (số nhiều hay số ít) luôn được tớ dùng trong các bài loại này để tỏ ra là tớ đã "đứng hẳn", đã "hòa mình" vào "quần chúng nông dân" rồi đấy nhé...

Còn lại cái phần âm nhạc thì... dễ ợt! Với cái vốn nhạc lý học được sơ sơ ở nhà chung, ở sách vở, việc đầu tiên phải làm là tìm cho nó một cái tonalité (điệu thức) dân tộc nghĩa là 5 cung, hoặc 6 cung là cùng.... Thế là... ề a hát lên, bịa ra xong câu nào, dạy ngay câu đó cho quần chúng...
Sau một buổi tập hát thế là tớ... hoàn thành một sáng tác kịp thời phục vụ chính trị!... Không ít nhạc sỹ thời ấy đều "viết" theo kiểu ề a theo điệu thức 5, 6 cung này. Thậm chí Đỗ Nhuận còn có cả một nhạc kịch (tạm gọi) "Sóng cả không ngã tay chèo" cả tiếng đồng hồ nằm chết dí trong cái khung rề, pha, son, la, đô, rế... nữa cơ đấy.

Cái thời mà một số "đờ mi-nhạc sỹ" mỉa mai là thời âm nhạc "rê mi-nơ" (do chưa hiểu được là "còn lâu mới được gọi là ré mineur)! Nó nghèo nàn, nhạt nhẽo và giống nhau đến mức có thể hát bài này nối sang bài khác một cách hết sức... lô-gích! Điều này giải thích vì sao tới hôm nay chẳng ai nghe, chẳng ai biết nó là cái giống gì cả.
Một lần nữa bài "Lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa" của nhà văn - đại tá Nguyễn Minh Châu viết trước khi chết là... có cái lý muôn thuở tự ngàn đời. Nhưng đối với tớ thì tớ đã biết tỏng tòng tong ra rằng: Tất cả những gì tớ viết trong cái thời kỳ ấy chẳng thể nào tồn tại. Đơn giản vì: Tất cả đều thiếu cái Chân, cái Thiện và cái Mỹ!

Đặc biệt là âm nhạc với đặc thù là "tốc ký của tinh cảm" (Tolstoi) thì mọi sự khiên cưỡng trong tình cảm đều... chẳng thể nào đi vào lòng ai cả! Người viết cũng nói dối ngay với chính mình thì hỏi rằng còn truyền cảm được cho ai chứ? Viết để tồn tại, viết sau khi dự một cuộc đấu tố, viết sau khi chứng kiến những cảnh tòa án nông dân bắn bỏ tại chỗ những người từng cưu mang, giúp đỡ mình, từng sinh hoạt chung với chi bộ mình,... viết theo com-măng, chỉ thị... may thay, đến hôm nay không còn mấy ai chịu làm nữa. (Tuy nhiên vẫn không ít người vẫn chỉ làm văn nghệ vì... cấp trên, vì cái ghế, vì hư danh, và nhất là vì... kiếm tiền, thật nhiều tiền đang còn diễn ra hàng ngày xung quanh ta đấy!)
Cái thời gian âm nhạc bị "biến tướng" đó, theo tớ là một thời gian văn hóa âm nhạc xuống cấp ghê gớm mà hôm nay chỉ tớ mới lần đầu tiên nói thật với các bạn! Vả lại chính "Thời thế" này, những người nắm "chính quyền âm nhạc" đương thời cũng đã khai tử hết cả hàng ngàn cái gọi là tác phẩm âm nhạc phục vụ công nông binh kịp thời kia rồi! Hơn nữa người ta đã cho phép cả những tác phẩm một thời từng bị lên án, bị cấm được sống lại trên Đài, trên Báo, trên Tivi... Ngọc Bích, Canh Thân, Việt Lang, Hữu Hiệp... đã xuất hiện trở lại bằng những tác phẩm của mình... và cả những nhạc sỹ, ca sỹ từng bị lên án là... "phản động", là "bám đít Đế Quốc..." trở về trình diễn, in sách, in đĩa tùm lum... thì hỏi làm sao tớ cứ... nhát sỹ mãi...
Vì vậy “Nhát Sỹ Bạo Thử” thử đánh bạo viết lên Blog những điều mình đã... phải "làm để tồn tại", những "Tội" mà mình đã đóng góp vào sự xuống cấp của văn hóa âm nhạc một thời gian khá dài (của nhân dân cũng như của chính mình) trước khi từ giã cái la vie tưởng cũng bổ ích cho các nhà viết lịch sử âm nhạc... nếu họ không muốn xuyên tạc lích sử mãi bằng những câu "âm nhạc cách mạng thời kỳ 45-75, là... đỉnh cao, là thời kỳ hoàng kim nhất của lịch sử âm nhạc nước nhà!”
Tuy nhiên, một thời kỳ Hoàng Kim đó cũng có thật. Đó là sau năm 54, khi về thành phố, các nhạc sỹ hay nói đúng hơn là các nhà viết ca khúc (song writer) từ từ nhận ra là "không học thì chết". Thời thế đã không cho phép cứ "bịa" ra mấy cái lời lẽ tuyên truyền, hô khẩu hiệu có âm thanh nữa rồi. Văn hóa âm nhạc kể cả kỹ thuật trong âm nhạc nếu không được nâng cao thì... người hưởng thụ sẽ bỏ anh mà đi! Thế là, một phong trào học như điên nổi lên! Và cũng là thời gian mà những quan điểm đối chọi nhau về vấn đề này cũng nổ ra ngay trong giới lãnh đạo. Ông Võ Nguyên Giáp học piano, ông Lê Liêm cũng sáng tác nhạc và sinh hoạt với Hội Nhạc Sỹ... Người ủng hộ, người phản đối,...
Riêng giới nhạc cánh tớ cứ dựa vào những... "lỗ hổng về lý luận văn nghệ cách mạng" đó mà tiến lên... kiếm chác ít nốt đồ rê mi... qua những lớp nhạc, qua những chuyên gia nước ngoài, thậm chí qua cả các cô giáo piano, kém mình vài ba tuổi và... xinh như mộng! Chỉ những anh dấu dốt và "học tử tế không vô" mới đứng ngoài dè bỉu rồi lên án bọn tớ là "chuyên môn thuần túy", là "kỹ thuật thuần túy", là "vọng ngoại", là "ảnh hưởng văn hóa tư sản", là... đủ thứ v.v... mà thôi!...
Cho đến ngày cái nghị quyết số... mấy ấy (tớ chẳng bao giờ nhớ nổi) chống xét lại ra đời!... Ông Mao, ông Kim lại thắng... Văn hóa âm nhạc lại bị xuống cấp một vài bậc nữa. Cái đoạn trường này, chỉ có những người như tớ có qua cầu mới hay sẽ được kể ra như một số chuyện "cười ra nước mắt", nhỏ nhưng chẳng bé tí nào vì nó ảnh hưởng nhỡn tiền ngay đến nền văn hóa âm nhạc pop-rock-rap ngày nay ở những entry sau!
(xi-i-u-ê-ghen!)

Thursday October 18, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

21. Một thời hoàng kim (Bài 4)

(Từ trái sang): Trọng Loan, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Hải, Vân Đông, Nguyên Nhung, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Hà Huy Hiền (phiên dịch), Lưu Cầu, Văn An, GS Triều Tiên Mao Vĩnh Nhất, Vũ Trọng Hối, Văn Chung, Lương Ngọc Trác

Trước khi bước vào gõ bài 4, tớ xin phi lộ vài điều như sau:
1- Tớ không thể viết quá dài nên có nhiều chi tiết không thể đi sâu như một số friènd yêu cầu được. Lý do: Đây là Blog chứ đâu phải sách. Vậy ai muốn biết thêm chi tiết xin cứ đến hỏi tớ tại c/c Miếu Nổi Lầu 11, Phòng 6 Lô G.
2- Friend nào thích cái "tâm sự thật thà" cuối đời của lão nhát sỹ bạo thử này xin hãy vui lòng mất công đọc cả loạt entry của tớ vì chúng có liên quan mật thiết với nhau đấy… Đừng có nhảy xổ vào một bài đã vội khen, chê… (kể cả các chú C.A.Mạng)
3- Tớ rất cảm ơn sự chú ý của các friend đã dành cho tớ và hoàn toàn tin yêu các friend muốn tim hiểu về những trang... "dã sữ âm nhạc" mà tớ là nhân chứng sống hiếm hoi còn tồn tại đến hôm nay. Điều này như truyền cho tớ thêm sức mạnh để tiếp tục... Nào tiếp tục!...
Phải nói thật rằng: chính cái thời gian "khủng hoảng về lý luận" này mà giới nhạc chúng tớ đã được những đầu óc có văn hóa, có nhận thúc "tiến bộ" và đặc biệt là có tiếng nói nặng ký trong các cơ quan đầu não mà, chẳng những giới nhạc mà các giới khác cũng được "tát nước theo mưa"...
Đó là những năm 54-60... Đặc biệt là sau Hội Nghị các Đảng cộng sản họp tại Bucarest, khi mà... "Vô sản toàn thế giới" đã... không còn liên hiệp lại nữa!
Sau ông Tito, là các ông Kim, ông Mao, ông Hodja (Albania), ông Khrutxev... và còn loạn các ông cộng sản Ý, Pháp, Tây Ban Nha... bắt đầu từ đấu đá nhau về lý luận, khép nhau vào các tội nào là "bảo thủ", "giáo điều", là "xét lại, xét đi", nghỉ chơi với nhau bằng cách từ cắt quan hệ ngoại giao đến xua xe tăng, đại pháo vào nhà nhau để dạy cho nhau những bài học!!! Giai cấp vô sản thế giới đã thực sự "loạn to"!

Ấy vậy, mà ở cái nước Việt Nam bịt kỹ như hũ nút này, chẳng mấy ai biết gì ngoại trừ mấy thằng có ngoại ngữ ngày nào cũng áp sát tai vào nghe mấy cái đài "địch". Riêng với những ai thạo tiếng Pháp thì đều lùng kiếm cho được mấy tờ Nouvel obs, Paris Match, Le Monde, Le Figaro... (tớ là loại này) tuồn ra từ Đại Sứ Quán Pháp ở sát nách Hội Văn Nghệ! Đọc để khỏi thiếu thông tin nhưng đọc để hiểu những điều cực kỳ nguy hiểm cho những ai hiểu rằng: Đây là bắt đầu của một sự kết thúc!!
Đọc để hiểu thêm là "Các cụ" không thể "ba phải", không thể "thống nhất tư tưởng", "trên dưới một lòng" như xưa được nữa rồi!... Là cuộc đấu đá nội bộ sẽ (và đã) xảy ra đến nơi rồi... Là vòng quay của bánh xe lịch sử đã quay đến những khúc đường tất yếu của nó! Kệ cho các bố chính trị thì cứ đấu đá nhau về chính trị (cho đến khi ra cái "nghị quyết chống xét lại").
Bọn tớ cứ dựa vào "mấy ông" (mà lúc đó chúng tớ coi là "ân nhân" mở đường cho chúng tớ đi vào khoa học kỹ thuật) mà tranh thủ tiến lên! Chính trong những năm cuối của thập kỷ 60 này mà dân Việt Nam có được cái Trường Nhạc chính quy (dù chỉ là dạy hết chương trình trung cấp) có được cái Trường Múa, Nhà hát này, Nhà hát nọ... Và cũng chính cái thời gian này, lần đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của Bí Thư Tổng Quân Ủy Võ Nguyên Giáp, một lớp bổ túc âm nhạc dành riêng cho các nhạc sỹ quân đội (các nhạc sỹ khác chỉ đến dự thính) ra đời sau nhiều cuộc đấu tranh nảy lửa chỉ để bàn "Cần hay không cần" có những kiểu lớp học âm nhạc này dành riêng cho Quân Đội, do Quân Đội tổ chức?
May thay, phe Cần thắng thế! Phe "cần" thì cho rằng: Quân đội phải đi tiên phong trong mọi lãnh vực, Quân đội cần phải mạnh về khoa học kỹ thuật để khỏi bị bọn tư sản nó lừa bịp, cần phải "mạnh" về văn nghệ mới có thể đối phó với mọi "tư tưởng phi vô sản" nảy sinh ngay trong lực lượng văn nghệ quân đội, ở ngay cái nhà số 4 Lý Nam Đế này! (Ý nói đến phong trào Nhân Văn bắt đầu từ những Tử Phác, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán... đều nằm ở phòng Văn Nghệ Quân Đội cả!)!
Giữa lúc những cuộc cãi vã (à quên tranh nuận) về chuyện "mặt trời mọc lúc 14 giờ" đang còn công khai hoặc... "nội bộ" xảy ra thì... Chúng tớ nhận được lệnh triệu tập về số nhà 13 Lý Nam Đế để bồi dưỡng, mài sắc thêm "vũ khí đấu tranh giai cấp" bằng... "âm nhạc tử tế" do chính các chuyên gia âm nhạc, múa "phe ta" giảng dạy! Vậy thì đúng đường lối quá đi rồi còn gì nũa! Khốn nỗi họ có biết đâu được rằng "phe ta" cũng có đến cả trăm ngàn đường phe ta ấy chứ! Thôi! Dẹp ba cái vụ cãi nhau, tranh luận của những người mù + điếc lại! (hoặc giả vờ điếc + mù)
Chúng tớ, lần đầu tiên trong đời, đuợc ở nhà lầu, 1, 2 anh một phòng, có piano, có máy radio Orion + quay đĩa điện, có cả một ông quản trị Trần Du, một violoníst rất dễ thương và... dễ tính luôn thỏa mãn những yêu cầu của chuyên gia đề ra như sách giáo khoa, đĩa hát, tổng phổ của các nhạc sỹ nằm trong chương trình học hoặc cần tham khảo, có cả người phục vụ suốt 18 tháng (trừ 1 tháng rưỡi phải nghỉ học để tập trung "nội bất xuất-ngoại bất nhập" ở lăng Hoàng Cao Khải để đấu "Nhân Văn" và... đấu nhau). Xướng thế mà tại sao lại không biết tận hưởng nó chứ!
Nhưng... số phận của những người chủ trưong cần phải học, người học và cả người dạy sau này ra sao tớ sẽ viết tiếp trong những entry khác.
Đầy nụ cười và nước mắt đấy! (Nghỉ ăn cơm cái đã...)

Friday October 19, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

22. Cái Thời Hoàng Kim không trở lại (viết tiếp)

Thế là giữa lúc "các cụ" đang đấu đá nhau chưa phân thắng bại, chúng tớ, nhờ những vị lãnh đạo trực tiếp lúc ấy đang có tiếng nói nặng ký mà ủng hộ quan điểm "không nắm vững khoa học kỹ thuật lúc này là... chết!” cứ lươn lẹo mà tiến lên! Tuy nhiên, qua sàng lọc, sát hạch tiêu chuẩn (hồng+chuyên), chỉ còn lại Lương Ngọc Trác, Trọng Loan, Vũ Trọng Hối, Văn An và... tớ Tô Hải! Ngoài ra, Tổng Cục cũng đồng ý cho nhận thêm một số do Đảng Đoàn Hội Văn Nghệ gửi sang gồm các vị Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Vân Đông, Lưu Cầu, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý dự thính (nghĩa là không phải làm bài, trả bài như bọn "cốt cán" tớ). Trong Quân Đội cũng có hai vị Đỗ Nhuận và Nguyễn Đức Toàn cũng được dự thính để chuẩn bị hành trang đi du học Liên Sô. (sau Hoàng Việt, Hoàng Vân, Huy Du... cũng là nhạc sỹ mặc áo lính cả.)

Chúng tớ bắt đầu bước những bước đi đầu tiên vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp từ đấy... Từ việc chỉ ề a theo mấy cái "nhời đã được đinh hướng", chúng tớ bắt đầu với việc phải tư duy âm nhạc thực thụ (nhạc sỹ cơ mà!) Phải biết thế nào là chủ đề âm nhạc, phải học cách phát triển nó ra sao, phải tư duy nó trên 2, 3, 4, 5... rồi 24 giòng nhạc không chỉ bằng giọng người mà bằng các thứ nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng...
Ôi! càng học càng thấy, cái thằng Đế Quốc nó "ngu dân… nhạc" chúng tớ biết mấy! Nó chỉ cho chúng tớ học mỗi cái khóa son và trao cho chúng tớ có những tờ giấy chép nhạc chỉ có một portée, dìm chúng tớ trong cái u mê, tự mãn với cái nghề "nhạc sỹ mà chỉ biết viết bài hát" (kể cả bài hát hay tuyệt đi chăng nữa!).
Thế là, chúng tớ học đêm, học ngày. Hết làm bài tập hòa thanh, phức điệu, đến sáng tác các hình thức mới như variations, rondo, sonate... giao hưởng... Riêng cái khoản piano bắt buộc phải học để có thể nghe chứ không phải "vẽ" các bài tập hòa thanh, để phân tích tác phẩm của các cụ Bach, Beethoven, Mozart, Prokofieff... thì chao ôi là... cực và ngượng!
Anh nào anh nấy đều ở cái tuổi tay cứng... như nòng súng rồi mà phải bắt đầu méthode Rose, Classique favoris, với mấy cô giáo Minh Thu, Lê Liên, Thái Thị Sâm... (đều ở vùng địch và do Địch đào tạo cả!) thì có… "nguy hiểm" không cơ chứ! Vậy mà tớ hết sức phấn khởi và chẳng ngại ngùng gì vì:

1- Tớ đã có vợ và sắp có con thứ 2, - chẳng lo ăn phải … "đạn bọc đường" nữa!

2- Tớ cũng học qua qua thời còn ở nhà bằng cái đàn piano Mouterie của thằng Định, con ông cai Tý gần nhà tớ ở phố Nhà thờ. Từ thuở lên 10... tớ đã tự mình "mò" ra bài Beau Danube bleu của J.Strauss mà chẳng biết cái bản thảo ông ấy viết ở ton gì!! Riêng cái mục piano này thì Lương Ngọc Trác là tay "số dzách" trong đám nhạc sỹ ở rừng về vì anh đã từng đánh đàn tại các bar-dancing từ thời Pháp thuộc

Và cứ thế, chúng tớ lo "nuốt" cho trôi mỗi tuần đủ món khúc thức học, hòa thanh, nhạc khí pháp, phối dàn nhạc, phân tích tác phẩm và gò lưng tôm luyện bài piano mà cô giáo giao cho trên cây đàn piano công cộng duy nhất (đã được chia giờ cho từng anh như phân công gác cổng trại ấy!). Vậy mà tất cả đều say mê và bảo nhau "Đã mang thân đi "học tắt" thế này thì đành cắn răng mà học. Quyết không sĩ diện, dấu dốt!”
Tuy nhiên, học kỹ thuật trong nghệ thuật đâu có phải ai cũng nuốt nổi và "tiêu hóa " nổi như nhau! Chỉ độ một tháng thôi, sự phân hóa đã rõ ràng. Kết quả như thế nào "Sơ thảo lịch sử âm nhạc Việt Nam" đã thống kê những gì đã tồn tại sau cái lớp học "khai sơn phá thạch" đó. Kể ra cũng đáng phàn nàn cho mấy bạn tớ, do mất căn bản quá sức tưởng tượng nên chẳng sao viết nổi một phần đệm piano cho chính bài hát của mình đến tận cuối đời!

Câu chuyện "cái xe cởi truồng" trong văn hóa nói chung tớ viết trong một entry trước, lại càng rõ trong lãnh vực âm nhạc. Xe đã chẳng có thì có trao cho cái xích, cái líp, thậm chí cả cái sườn, cái vành cũng chẳng đi được đến đâu!... Nhưng cái sự phân hóa về chuyên môn này không có gì là lạ đâu! Cái đáng tiếc nhất lại là sự phân hóa trong tư tưởng do... một vài kẻ cơ hội chủ nghĩa đã tìm cách "hạ bệ" bớt mấy ông, mà theo họ, có thể trở thành "lãnh tụ âm nhạc mới" trong quân đội! (mặc dù cả mấy anh nhạc sỹ mặc áo lính được lựa chọn, đều là đảng viên từ những năm 48, 49, 50 cả)
Thế đấy! ”khỉ lại... vặt lông khỉ" nhờ dựa vào thế của mấy anh "to vừa", mới đi tham quan nước bạn chuẩn bị... "cách cái mạng văn hóa" về. Thế là đủ thứ xì xào, lên án từ giáo sư đến học trò... Nào là: Lệch lạc, nào là chạy theo đường lối âm nhạc tư sản... nào là... đủ thứ...
Tuy nhiên, dù bị đình chỉ hơn một tháng để đi đấu "Nhân Văn" và... đấu... nhau, được sự ủng hộ của mấy "ông to" hơn, lớp học vẫn kết thúc và một cuộc báo cáo kết quả học tập bằng những sáng tác "có nghề" trước lãnh đạo và cán bộ chủ chốt đã được tổ chức! Có mặt đủ các cụ Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị. Chỉ thiếu có cụ Hồ!... Có lẽ vì: chỉ trước đó ít ngày, Cụ đã đến thăm tận nơi chúng tớ và Đoàn Ca Múa Tổng Cục đang tích cực dàn dựng những tác phẩm âm nhạc và múa (do các chuyên gia Mao Vĩnh Nhất, Chu Huệ Đúc và chỉ huy Triệu Đại Nguyên từ nước bác Kim sang mở lớp) Vỗ tay! Hoan hô! Bằng khen! Cảm ơn! Đầy đủ...

Tác phẩm tớ ra đời được qua những ngày gian khổ cả về vật chất lẫn tinh thần là bản cantate viết cho đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng (chắp vá, thiếu thốn đủ thứ… vì truớc năm 60 làm gì đã có ai nhìn thấy cái dàn nhạc giao hưởng nó là cái giống gì?) cũng được ra đời trong dịp này... Tớ được bạn bè, đồng nghiệp khen ngợi, lính tráng khắp nơi yêu cầu Đài Phát Thanh phát đi phát lại cả năm, thậm chí có các chiến sỹ biên thùy "thứ thiệt" viết thư thẳng về cho Tổng Cuc CT đề nghị tặng huân chương ngay cho tớ nữa mới làm sôi máu mấy anh kiên định chủ nghĩa văn nghệ công nông binh chứ! (nghe trong "đĩa CD tự làm" tớ đã nhờ người up lên rồi đấy! Nhưng cũng từ đó, một tương lai không mấy sáng sủa đang chờ tớ... Tớ sẽ viết tiếp ở những entry sau...
Gút nai! Gút bai, Xi-i-u-ê-ghen!

Saturday October 20, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

23. Cái thời Hậu Hoàng kim (viết tiếp cái Thời kỳ Hoàng Kim xa xưa ấy)

...Thế là, mỗi anh một cái "xe đạp văn hóa âm nhạc"... cởi truồng nữa lao vào cuộc hành trình bất tận với hy vọng viết lên những trang sử mới về âm nhạc Việt Nam (ngoài lịch sử ca khúc)... Trước 1960, những Chu Minh, Hoàng Vân, Huy Du, Hoàng Nguyễn, Nguyễn Đình Tích... vẫn còn đang ở nước ngoài chưa về mà trong nước thì các Nhà Hát, Các Đoàn ca múa, cả đến Quân nhạc nữa đều "phình" ra về tổ chức một cách... vô tổ chức! Người ta "cộng" nhiều đoàn lại để thành lập các Đoàn "mạnh", một cách giản đơn đến... tức cười! Đoàn Văn công Quân khu là tập hợp lại tất cả các Đoàn Văn Công Sư Đoàn, Đoàn Ca múa Trung Ương là tập hợp một số văn công tỉnh lại! Hậu quả là... một sân bóng có lúc có tới 100 cầu thủ cùng tranh bóng! Đoàn văn công Quân khu IV "đầu cầu giới tuyến" của tớ được tăng cường Đoàn của sư 308, sư 325, sư 367 (có bác "LinhGia-đa-jê-năng" mà cac friend cho là Blogger già nhất khi tớ chưa xuất hiện đấy!)
Ôi thôi thì đủ các "tài tử nửa mùa, tài tử bất đắc dĩ, múa sĩ bất đắc dĩ" (lùn như bác Linhgia mà lại là "múa sỹ" có hạng, hợp ca có hạng và sau này là đạo diễn có hạng dưới cái tên "Giòng sông phương Nam" (?) Nam Hà nổi tiếng một thời đấy!) Còn nhạc công, nhạc cụ thì đúng như một cái chợ trời bát nháo đủ loại: Violonist, trompettist, trombonist... và đủ thứ "íst" đều chưa bao giờ phải đánh theo một partitur (tổng phổ) có chỉ huy nào.

Lý do đơn giản là: Từ trước đến giờ họ chỉ đánh... unisson theo bài hát. Ví dụ: "Vì nhân dân quên mình" thì họ đánh "đồ mi son mi rê đồ",... Đoàn quân Việt Nam đi... thì thổi: "rề mi rề son son la sòn sí sí...." Anh nào đang có những nhạc cụ trầm như fagot, trombone, contre basse... thì cứ tự động hạ xuống 1, 2 bát độ hoặc bớt đi những nốt không thể lên hoặc xuống được! Còn các bác cor, saxophone thì cứ tự động đổi tông...
Sở dĩ có tình trạng đào tạo vô quy hoạch này vì lúc đó "thừa thắng xông lên" cái Trường nhạc Quân Đội tiền bối của hai ông Trần Du và Phúc Minh, (được sự mách nước của cánh tớ mà đầu têu là Lương Ngọc Trác) đã vì "yêu cầu của các chuyên gia" mà mở ra đủ các lớp chỉ huy, nhạc cụ đủ loại. Tất cả đều tuyển từ các sư đoàn lên, và thầy bà thì... nghe thấy ai đã từng chơi nhạc cụ gì thời tạm chiếm là đều mời đến số 13 Cao Bá Quát để giảng dạy tuốt. Riêng cái bộ đồng thì lệnh cho các cây kèn khá nhất của Đoàn quân nhạc cụ Quản Liên lên! Chẳng lo cái khoản cat-xê, cát xiếc gì cả!
Dù sao, tớ cũng cảm ơn cái thời "tát nước theo mưa" này vì không có những cây đàn, cây kèn tự tạo này thì lấy ai mà dàn dựng được cái tổng phổ tớ viết cho giao hưởng và hợp xướng lớn như các bạn đã nghe ở cái entry "CD tự làm" chứ! Tớ rất cảm ơn những Thuần flute, những Lâm oboie, những On cor, những Phùng Trombone, và bộ giây gồm những Thanh, Quế, Thành, Thưởng, Lê Lan cello, Cương Contre basse, và đặc biệt chỉ huy Lê Đóa (sau này đã thay chuyên gia Triệu Đại Nguyên chỉ huy những tác phẩm của tớ được ít năm nữa!).

Ngày hôm nay, một số đã ra đi hoặc còn sống nhưng chẳng được ai nhắc đến tên tuổi, thành tích gì... Nhưng, đối với tớ, họ là những người đầu tiên mê say đi vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp bằng cả trái tim và nhiệt tình… mà thế hệ hôm nay không phải ai cũng sánh kịp!

Cũng chính trong cái thời "tập trung lấy được" các thứ văn công mà quân đội, như bắt buộc phải giải quyết cả nhưng mớ hỗn độn nghệ sỹ múa, hát, kịch, chèo, cải lương (của các Đoàn miền Nam tập kết) để thành lập các Đoàn riêng mà tớ được tiếp cận với vốn dân tộc một cách khoa học của người làm nhạc chuyên nghiệp. Tớ có dịp nghe và học dân ca quan họ và hát chèo "thứ thiệt" và trực tiếp bởi các cụ Năm Ngũ, bà cả Tam, bà Nguyễn Thị Hồ... và lần đầu tiên, nhờ học tập âm nhạc tử tế, nhận ra rằng: Người nhạc sỹ chân chính (cả các nhà nghiên cứu chân chính nữa) không thể chỉ yêu vốn dân tộc như mọi người thưởng thức cải lương, tuồng, chèo bình thường được. Họ phải yêu một cách khoa học, yêu bằng con mắt, đôi tai và trái tim có hướng dẫn bởi những phân tích khoa học. Đặc biệt, đối với nhạc sỹ sáng tác, không hiểu, không ngấm vốn dân tôc thì... suốt đời anh chỉ là một anh bắt chước. Tớ nhận ra điều hết sức quan trọng này qua cả một quá trình, nghe, đọc tổng phổ và phân tích tác phẩm của rất nhiều nhạc sỹ nổi tiếng thê giới... và nhận ra rằng: Sở dĩ một Chopin, một Rachmaninoff, một Smetana, một Dvorak, một Stravinsky dù sống và chết ở nuớc Pháp, nước Mỹ nhưng họ tồn tại như một nhạc sỹ Ba Lan, Nga, Tiệp. Trong toàn bộ tác phẩm của họ, cái hơi thở của dân tộc họ luôn được đưa vào từ giai điệu đến khúc thức hòa thanh, phối dàn nhạc...

Còn các cụ Mozart, Beethoven, Litz, Grieg... thì lại dùng những chuyến đi xa (bằng xe ngựa thôi nhé) để thu thập những gì hay nhất đẹp nhất của nước ngoài về làm phong phú thêm cái chất dân tộc của quê hương mình!... Đặc biệt là những nhạc sỹ cận đại, họ không thể cứ đi theo con đường mà những "người khổng lồ" trước đã đi qua.

Và muốn không bị những quả núi lớn che khuất, việc tìm tòi để thoát ra khỏi cái bóng của "9 quả núi lớn" (ý nói 9 bản giao hưởng của Beethoven) những Bruckner, những Stravinsky, Prokofief, Chostakovich.... và gần hơn những O.Mesiaen, Boulez... phải ra công tìm tòi, sáng tạo... Hiểu được thêm một tác gỉả rồi "mê" họ luôn, theo tớ chính là tự trang bị thêm cho cái "xe đạp âm nhạc cởi truồng" những chiếc đèn, còi, thậm chí thay cả bộ khung là cái việc không một conservatoire, một giáo sư, tiến sỹ nào dạy được.

Con đường tự trang bị cho cái xe âm nhạc của tớ đang mày mò trong âm thầm (và nhiều khi phải trả giá đắt, rất đắt…) đang tiến hành thì... cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược lại nổ ra.!!! Tất cả lại... lên đường, nhưng hỡi ơi! con đường lần nay phải "đi bộ" tới 11 năm (64-75) nghĩa là tớ đã 49 cái xuân xanh, và lại đúng vào năm... hạn! Giai đoạn này, âm nhạc Việt Nam tiến lên hay... thụt lùi...? Tớ sẽ kể trong những entry khác.

Monday October 22, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

24. Viết tiếp cái thời "Hậu Hoàng Kim"
Lần đầu tiên được ngồi trước cây đàn của riêng mình
THỜI HẬU HOÀNG KIM KÉO DÀI ĐẾN BAO LÂU?

Mấy hôm nay nhiều chuyện buồn xảy ra, nhất là thân già lại phải hầu vợ ốm... Blog bliếc bị bỏ quên nhưng hôm nay lại được sự động viên và nhất là sự chú ý của những lớp trẻ muốn nghe tớ "Nói Thật về những gì mà chưa ai dám nói" thúc giục. Tớ lại ngồi vào ky-bót...
Như trên tớ đã kể, cái thời "Khủng hoảng về lý luận", tranh cãi, ghép tội "ai là thế nọ", "ai là thế kia", đó, cứ thế mà kéo dài... cho tới một ngày một loạt các "ông nặng ký" bị loại khỏi vòng chiến, kẻ sứt đầu, mẻ tai, người "biến mất trên danh sách lớn", thậm chí có ông tăng-xông, lên máu mà chết tức tưởi tại Nhà Hát Lớn! (D.B.M)... Những cái tên như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Vịnh, Ưng Văn Khiêm, Lê Liêm… mãi sau này chúng tớ mới được biết là đã bị loại ra khỏi Đảng, thậm chí có cả bố to như Hoàng Văn Hoan chuồn thẳng sang cái xứ "đại giáo điều" cũng đều được xử lý "bí mật cực kỳ"... (mà ai cũng... biết cả!)...
Tình hình "ai thắng ai" này nó càng kéo dài thì cánh văn nghệ sỹ chúng tớ càng dựa vào cái khoảng thời gian "ai cũng có thể đúng, ai cũng có thể sai" mà... kiếm chác chút "vốn" cho nghề nghiệp. Trừ bọn khốn nạn - cơ hội - dốt nát thì nắm lấy thời cơ này mà săm soi tác phẩm, săm soi cả đến đời tư của những anh em nào mà chúng thấy cần đánh sập cả uy tín nghề nghiệp lẫn danh dự cá nhân. (Tớ đã báo trước cái "bi kịch" này trong một entry trước và sẽ có vài ba bài riêng)
Tớ rất ngại sự khập khiễng của mọi so sánh nhưng tìm mãi không ra câu nào hay hơn nên đành dùng câu "Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi... béo" để nói đến riêng cái thân tớ thôi vì tớ là… ruồi mà! Một anh Trung Úy quèn mới được phong quân hàm năm 1957 chẳng là "ruồi" trong con mắt của mấy nhà chính trị lớn hay sao? Vả lại, trên Blog này tớ chỉ nói đến cái kiếp văn nghệ sỹ... ruồi của cá nhân tớ mà thôi. Xin các đồng nghiệp (chết cũng như sống) lượng tình tha thứ nếu thấy mình to hơn con ruồi!
Vậy thì tớ đã kiếm chác được cái gì, được và mất những gì cái thời mà chỉ tớ mới dám đặt tên là "khủng hoảng lý luận", thời kỳ "bắt đầu của một sự kết thúc".
Lại quay về với cái đời của một trung úy-nhạc-sỹ-đảng viên (được phong ngay tại lớp học nói trên) nhưng rất... apolitique náy nhé (Tớ không muốn dịch thành "vô chính trị" mong các friends hiểu ngầm cho nhé). Đáng cái lý của những nhà chủ trương "tiến lên chính quy hiện đại", "tiến vững chắc, tiến sâu vào khoa học kỹ thuật" thì cái Đoàn Văn Công lớn nhất nước của T.C.C.T lúc bấy giờ, (với dàn hợp xướng và dàn nhạc đang tiến lên giao hưởng gần 200 người) thì người phải ở lại để "cung cấp thức ăn" (tiết mục) cho nó phải là những người học viên xuất sắc (có giấy chứng nhận và bằng khen của... Cục Tuyên Huấn hẳn hoi) phải có tớ cùng Lương Ngọc Trác..., hai người mà, trước khi về nước, hai chuyên gia Triều Tiên (mà bác Kim tiếp quản của chế đô đế quốc thực dân Nhật) đã góp ý kiến là "đủ sức đưa cái tổ chức... đông vui mà không mạnh" này lên!
Vậy mà... đùng một phát, tớ lại phải nhận cái "quân lệnh như sơn": ...Điều động Trung úy Tô Hải (không có nhạc sỹ nhạc xiếc gì cả) về "Quân Khu đầu cầu giới tuyến": Quân khu IV! Đồng nghĩa với việc: Cấm anh toan tính làm ăn gì "ra trò" từ nay đấy! Nghe chi bộ đả thông thì "Đảng tin cậy đ/c nên giao cho đ/c một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng" rằng thì là... Quân Khu IV cần phải mạnh về mọi mặt,... Quân Khu IV có cả một giải Trường Sơn đang đối mặt với bọn phản động Suvana Phuma, Coong-Le...
Hơn thế nữa,... đang ngày đêm đối mặt với kẻ thù trực tiếp đang phá hoại hiệp nghị Giơ-ne-vơ và âm mưu xâm lược miền Bắc... đang hàng giờ dùng loa cực mạnh phát sang bên này đủ thứ thuốc độc, phản tuyên truyền, chúng ta... cần phải bịt mồm chúng lại bằng nền văn hóa ưu việt XHCN v.v… “Chao ôi! Nghe mà có tình, có lý đi quá, nghe mà thấm thía cái chiếu cố đặc biệt có một không hai này đối với anh trung-úy-nhạc-sỹ là tớ quá đi chớ!

Nhưng... cái điều làm tớ câm hẳn cái miệng "trình bầy lại nguyện vọng của mình với cấp trên" đó chính là khi tớ được nghe cái "góp ý chân thành" của đ/c bí thư chi bộ Vũ Trọng Hối và đ/c Bí Thư Liên Chi (Phòng Văn Nghệ Quân Đội) Chính Hữu... Rằng thì là: Đ/c có còn là đảng viên không mà đã không chịu chấp hành ý kiến của Quân Đội lại còn cứ chạy sang vận động anh Liêm, anh Phước, anh Lành (Tố Hữu) một cách vô tổ chức như vậy?
Thú thực là đến đây thì tớ mới thấy... rét! Chỉ còn một cách... tự cứu mà thôi! Và ý tưởng phải rời khỏi cái tổ chức quân đội này sớm ngày nào hay ngày ấy bắt đầu hình thành... Cái chuyện tớ "bỏ của chạy lấy người" của tớ không được êm thắm như Huy Du, Hoàng Vân, Hoàng Đạm... ra sao tớ sẽ kể trong những entries sau. (Cứ như những truyện thriller made in Viêt Nam vậy)
Và thế là tớ lại ba-lô lên đường, "sẵn sàng chiến đấu "nhưng khác với những lần xuất quân trước là... quyết tâm rời bỏ quân đội một cách êm ả nhất và... "kín võ" nhất vì tớ quá rành cái chuyện quản lý cán bộ của Tổ chức Quân Đội: Những loại cấp úy như tớ không thuộc quyền quản lý của Tổng Cục nữa mà thuộc về Quân Khu. Chỉ cần một chữ ký của một ông Đại tá trưởng phòng Tổ Chức Quân Khu là tớ "biến" không kèn không trống ngay tắp lự!
Thế nhưng ở đời nhân định không thắng nổi thiên định! Về tới Quân Khu tớ phải đụng đầu với tên Đoàn trưởng kiêm bí thư Đồng Ngọc Vân, một tay tổ giết văn nghệ, (cánh tay phải của một ông tướng có tên là Hoàng Minh Thi mới về nắm toàn bộ Tổng Cục Chính Trị nổi tiếng với vụ nhốt văn nghệ sỹ vào chuồng trâu và hỏi thẳng anh em: "Trong các anh, ai muốn về thành xin mời!”) Chu Ngọc, kịch sỹ khá nổi tiếng, cùng bị giam chuồng trâu, sau này đã đặt tên con trai là tên ông ta để mỗi khi uất ức cái gì thì réo lên mà... chửi.
Chính cái tên "gác đờ co" của gánh cải lương Ánh Hồng (chính thức ghi trong lý lịch) này đã được ông tướng Thi điều từ đơn vị chiến đấu về quản lý văn nghệ sỹ thời 304 (sau thời tướng Nguyễn Sơn) nay lại được ông nhớ ra và giao về phụ trách cái tổ chức "văn nghệ đầu cầu giới tuyến" lúc tớ về nhận nhiệm vụ! Thế có bỏ mẹ tớ không chứ! Tớ quyết định không nhận một nhiệm vụ gì ngoài sáng tác vì rất sợ phải cãi nhau với... lưu manh!
Thế là khỏi phải họp hành, hội ý Ban Chỉ Huy, Chi Ủy Chi Iếc gì xất! (mà hắn cũng có vẻ rất khoái cái "đề nghị chân thành" này của tớ và luôn tán thành "để dành thời giờ cho đ/c Tô Hải (ôi hai chữ đ/c) lo tiết mục cho Đoàn!” (cả khi tớ được bầu vào chi ủy với 98% số phiếu mà tớ biết chắc 2% không bầu là của hắn và của... tớ!).
Và thế là tớ đạt được nguyện vọng... trốn cái trách nhiệm "lãnh đạo toàn diện" mà xin nhường nhiệm vụ nặng nề và cao cả đó cho 4 ông Đồng Ngọc Vân (Đoàn Trưởng kiêm bí thư, Mẫn (anh nuôi), Chiểu (y tá) và Phúc (Quản trị)!!! Họ cũng chẵng biết lãnh đạo tớ thế nào cho đúng đường lối của Quân Khu ủy vì tớ có viết cái nhời nào đâu mà săm soi! Toàn nhạc không lời không à!
Thỉnh thoảng có một bài hát thì lại quá đúng với gì cấp trên đề ra. Ví dụ: Thời gian bộ đội đang luyện tập tiểu đoàn tấn công thì tớ cho ra một bài "Con bê sa hố" nói về một chú bê con bị lạc giữa bãi tập và thụt cẳng xuống chiến hào, rống lên "be! be! be!” hàng giờ, nhưng không làm chùn bước tiến lên của "quân đỏ" đang đẩy lùi "quân xanh!” Bài hát vui nhưng "có nghề" và châm biếm vui đáo để này ra đời đúng yêu cầu phục vụ bộ đội lại được nhiều đoàn lấy làm tiết mục! Thế là tớ được yên ổn, vẹn cả ba bảy đường!! Chỉ thỉnh thoảng tớ bị góp ý xây dựng lặt vặt về sinh hoạt như: "Nên quan tâm đến đạo đức tư cách của anh T, cô H... hoặc "không nên bỏ giờ thể dục buổi sáng chung với anh em vì anh em thấy nó chướng sao ấy khi người ta thì tập còn đ/c thì lại ngồi đánh đàn!” (Thực ra là tớ phải tranh thủ luyện ngón (doigter) trên cái piano Zimmerman mà Tổng Cục mới phát cho mỗi Quân Khu một cái nhưng nơi bầy nó thì lại là cái hội trường duy nhất kiêm phòng tập, phòng họp, phòng học văn hóa (một năm... 2 lớp theo chỉ tiêu cơ đấy!), không tập đàn vào giờ thể dục đồng nghĩa với bỏ không cây đàn!

Cho phép tớ tự đề cao một chút cái thời văn nghệ Quân Khu này! Tớ là người khai sơn phá thạch cho một "nghệ thuật phối dàn nhạc không theo \... tĩnh năng nhạc cụ mà theo... khả năng nhạc công!!!” Chắc chưa nhạc sỹ sáng tác nào mà phải viết cho một dàn nhạc gồm một clarinet, 1 fagot, 1 cor, 1 trompette, 4 violon, 1 cello và 1 contre basse (mà tất cả đều học truyền khẩu, truyền tay không quá 2 năm!) Nghĩa là nhạc công của tớ "chê" hoặc "óec" các nốt mà ngày nay các học sinh nhạc viện đều chẳng coi là cái đinh gì!
Vậy mà tớ dám viết cả ba-lê (ba-lết thì đúng hơn) do cái lão Blogger LINHGIA (Nam Hà đấy) "bịa" ra và tự đóng luôn với ba-lơn-rin Hồng Nga (chả là hai người đều tốt nghiệp lớp múa của Chu Huệ Đức, Kim Tế Hoàng cũng từ nước bác Kim sang). Tớ sửa cả tổng phổ của tớ cho phù hợp với nhạc công rất chi là... mẹo vặt! Miễn là "Tiếng hát biên thùy" của tớ có thể mang lên các đồn biên phòng và giới tuyến ra mắt bà con, (dù chỉ được phép hát có hai chương 2 và 4 đằng đằng khí thế chiến đấu! (kệ mẹ yếu tố đối tỷ - đối tiếc!)

Còn Sỹ Lộc, (cũng tốt nghiệp lớp chỉ huy của Triệu Đại Nguyên) thì còn "liều" hơn nữa là sửa luôn tổng phổ Carmen của Bizet (khúc mở màn) để anh em luyện tập kỹ thuật cho đỡ... nhớ những gì đã được thầy dạy!

Thế mà chúng tớ cũng tồn tại được một thời gian do tớ khôn hơn trước nhiều. Tớ luôn ghi nhớ làm theo mhững gì là "chỉ đạo" của ông Tư Lệnh... (cái gì... Đề ấy - tớ quên béng cái họ của ông ta rồi) là: "Các đ/c phải nắm thật chắc phương hướng hoạt động sau đây: Chúng ta là Văn Công Quân Đội, Nhưng Quân Đội Nào? Đó là Quân Đội Quân Khu IV.! Nó không phải là quân đội quân khu 3, Quân khu Việt Bắc! Quân Khu Ta đang làm gi? Đang bảo vệ đầu cầu giới tuyến, đầu cầu của phe xã hội chủ nghĩa...
Cho nên mọi sáng tác biểu diễn PHẢI xoay quanh phương hướng và nhiệm vụ này! Ngoài ra, không có làm cái gì khác!
Và tớ... thì chỉ có cúi đầu xuống phục tùng theo kiểu... tó! Nghĩa là: Tiếp tục, theo lệnh, đưa ra quần chúng "măng giê" những món ăn rẻ tiền và dễ dãi nhất nhưng luôn đúng cực kỳ với chỉ đạo của ông Đề! Thời giờ tớ dùng vào nghe và... nghe tất cả những gì mà do bọn tớ "tát nước theo mưa" mà có được... (đĩa hát 33 vòng/phút chứ đâu có xê đê xê điếc như bây giờ). Sai lầm của tớ rất khó thấy vì ba-lê đâu có phải của tớ, tớ chỉ là anh viết "nhạc đệm" thôi mà! Trừ một vài bài hát sau này bị xếp vào loại "xét lại" thì tớ... đã tự tháo cũi sổ lồng ra khỏi tổ chức quân lệnh như sơn cả năm rồi!.
Thời gian tớ làm kiếp Câu Tiễn này may mắn là nó không kéo dài vì các biến cố chính trị đang xảy ra ở tận bên Liên Sô, Trung Quốc đã càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Xu hướng Cách cái mạng văn hóa đang có chiều hướng thắng thế và ở ta, cú quyết định lần này là Đại Hội Đảng (VI thì phải).
Để chào mừng Đại Hội lần này nhiều chương trình văn nghệ hoành tráng được chuẩn bị thật rềnh rang. Lại đùng một phát lệnh của Tổng Cục điều Đội Nhạc Quân Khu IV và đ/c Tô Hải về Đoàn Kịch Nói Tổng Cục (do Đào Hồng Cẩm phụ trách) để tham gia dựng vở "Trước giờ chiến thắng" phục vụ Đại Hội Đảng. Tớ lo quá! Lại về Tổng Cục, lại sinh hoạt chi bộ với Liên Chi Phòng Văn Nghệ! và nhất là lại chạm trán với mấy tay cơ hội - ngu dốt mà tớ cực ghét! Làm sao mà chạy trốn bây giờ đây?
Nhưng không ngờ chính lần trở về Hà Nội này mà tớ vĩnh viễn "tạm ra" khỏi cái tổ chức rất dễ sai lầm chết người hay rất dễ bị quy kết đủ thứ tội tình mà tớ chả có bao giờ! Sở dĩ tớ nói là "tạm ra" vì cho đến ngày tớ về hưu (1986) tớ mới trả lon, trả sao, trả vạch lại cho Sở Lao Động TB&XH t/p Ho Chi Minh trên cương vị một quân nhân biệt phái tới... 25 năm mà quân đội "bỏ quên" không đề bạt, không thăng cấp, không gọi về, không tăng lương!
Và cũng vì cái sự bỏ quên (mà tớ rất lo họ sẽ nhớ ra) này mà tớ được chiếu cố về vườn với mức lương đại tá không lon! Cái trường hợp cán bộ quân đội biệt phái tăng cường cho cái ngành văn hóa thời kỳ hậu nhân văn (báo Văn) và thời kỳ xét lại này, nhiều người gặp may phát triển được nghề nghiệp nhưng cũng có người thì khốn nạn như Hà Minh Tuân (tác giả "Vào Đời"), tịt ngòi như Hà Mậu Nhai... tớ không tiện kể ra vì không phải là chủ đề của tớ muốn trò chuyện cùng các "phen" làm gì!

Tóm lại sau khá nhiều mưu mẹo, giả ngây, giả nai, tớ đã đạt được nguyện vọng: Ra khỏi quân đội để được "làm nghề" tử tế, kiếm tiền thoải mái và nhất là có dịp triệu tập lại cái gia đình 5 người (1vợ, 3 con) lâu nay tứ tán khắp nơi về dưới một mái nhà... (Ôi! cái mơ ước rất "người" ấy tớ chỉ trở thành hiện thực với tớ đúng có... 3 năm thì ngày 3 tháng 8/64 nổ ra cuộc chiến tranh chống Mỹ Cứu nước... và lại tan đàn xẻ nghe tới tận ngày nay (sẽ kể chuyện riêng tư ở một loạt entries khác).
Nhưng cuộc đổi đời lần này lại không do tớ quyết định mà do cái... số tớ nó gặp may sau khi người ta bỗng dưng nổi hứng giải tán béng cái đoàn văn công đầu cầu giới tuyến của tớ, để thay thế vào đó Đoàn Quân Khu V, cùng đóng quân tại Nghệ An, một Đoàn Văn công mới mà thành phần thì "cốt cán" hơn nhiều, "dân ca bài chòi = đậm đà bản sắc dân tộc" hơn nhiều, ít chuyên môn chuyên miếc hơn nhiều, đặc biệt là cùng quê hương với tư lệnh Đề nên dễ... chỉ đạo hơn nhiều!
Quân khu V trở thành Quân Khu IV cả về mọi mặt từ đấy. Đặc biệt tên đồ tể Đ.N.V thì được điều về Tổng Cục, "bom-bác-đê" lên chức Tổng Đoàn Trưởng (!) phụ trách một lúc "lãnh đạo toàn diện" cả 4 đoàn ca múa, kịch nói, chèo, cải lương... Tên này cùng tướng Thi phá tan các Đoàn ra sao xin nhường cho các vị Lương Ngọc Trác, Huy Du và anh chị em diễn viên còn sống kể tội nếu có gan nói thật một lần rồi chết! Trong cảnh "tan đàn xẻ nghé" đó, người ta đã vô tình (hay cố ý?) quên béng cái bộ phận dàn nhạc của Đoàn Q.K IV và... tớ, đang lênh đênh khắp nơi với vở "Trước giờ chiến thắng" mà bây giờ đố ai nhớ được nó là cái giống gì! Trừ tớ đang còn cả tờ progamme có tên tớ và bản "tổng phổ viết theo khả năng nhạc công" để làm kỷ niệm những ngày có thể gọi là cực vui cũng như cực buồn này! Cũng vì thế tớ chẳng muốn chìa nó ra làm gì để cãi lại mấy ông, bà tiến sỹ của Viện Âm Nhạc (cũ) rằng thì là: Không phải chú Đ.L đâu! Chính tớ mới là người đầu tiên viết âm nhạc phụ họa cho kịch nói từ năm 1960 cơ đấy. Chương trình, tổng phổ còn cả đây! Nhưng cãi nhau về cái gì đáng giá thì hãy cãi phải không các "phen"?
Entry này qua dài rồi, ngừng tạm ở đây nhé!

Tuesday October 30, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-


25. Có một thời được nếm mùi hạnh phúc!

Lần đầu tiên biết thế nào là gia đình
MỒT THỜI HẠNH PHÚC NGẮN NGỦI

Đó là những năm 1961 đến 1964, thời kỳ tớ đã cởi bộ quân phục để lần đầu tiên được mặc bộ com-lê cà-vạt tớ tự sắm do chính đồng tiền tớ kiếm ra bằng nghệ thuật đích thực. Có thể nói thẳng với mấy bác chống cộng vung xích chó là: "TRONG HÀNG NGŨ LÃNH ĐẠO CÓ TIẾNG NÓI NẶNG KÝ" KHÔNG ÍT NGƯỜI CÓ CÁI NHÌN KHÁ TIẾN BỘ VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT. Họ ủng hộ cánh tớ hết mình, đánh giá tài năng không hề "thành phần chủ nghĩa"và không ít người trong số họ đã phải trả giá khá đắt sau này...

Không ít người đã không chấp nhận cái thứ "lettres & arts militaires" (mà cụ Nguyễn còn dùng cái tính từ "soldatesque" nặng nề hơn nữa) để phản đối cái kiểu lãnh đạo văn nghệ theo kiểu "ba cùng" đưa văn nghệ sỹ, diễn viên về nằm ở Đại Đội, ở Hợp tác xã để cải tạo tư tưởng!

Hơn thế nữa cái không khí "sau Sửa sai", cái phong trào quá điên khùng của Đại Cách Mạng Văn Hóa bên Tầu, cái "Chủ nghĩa cộng sản có bộ mặt người" đang thừa thắng xông lên ở bên Liên Sô, không thể không làm cho các vị có đôi chút văn hóa không suy nghĩ lại...
Và nếu không có cuộc chiến tranh chống Mỹ nổ ra (5/8/64) thì... chẳng hiểu trong "nội bộ" sẽ lại xảy ra chuyện gì đây?! (Mục này tớ sẽ kể chi tiết hơn trong phần "Tiếng hát át tiếng bom" sau này... Chúng tớ cũng lại nhờ sự không rứt khoát "ai đúng ai sai" của các cụ mà... âm thầm tiến lên! Chính trong thời gian này mà chúng tớ được xem "Đàn sếu bay qua", "Người thứ 41", "Bầu trời trong sáng", "Bài ca người lính"... được đọc Hồi Ký của Erhenburg, đọc thơ của Esenine, Eptouchenko… song hành cùng những "tác phẩm" của Lôi Phong, Giang Thanh (cái gì… "đỏ" ấy chuyển thành ba-lê 4 màn-bố ai mà nhớ tên những… "đống rác văn nghệ" ấy được!)... và nhận ra là mình đâu có... ngu! Phải biết chọn con đường mà đi... làm gì mà sống, sáng tác làm sao để khỏi tụt lại thời "âm nhạc không son-phe".
Và thế là hết nhiệm vụ với quân đội! Từ đây, tớ chọn cái nghề sáng tác, và chỉ có sáng tác mà thôi! Ngay cả khi bị điều về nông thôn lao động cải tạo cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, tớ cũng vẫn làm cái nghề của mình là chính. Mỗi sớm ra đồng đắp đất, be bờ thì tớ cũng theo gương cụ Nguyễn, bao giờ cũng có một hộp ruốc thịt (chà bông) đem theo để giờ nghỉ... nhấm nháp với mấy củ khoai lang luộc mà nhà chủ gói cho... Ngon ra phết!
Còn việc lãnh đạo đã có mấy ông như thứ trưởng Mai Vy cùng đi lo hết. Buổi tối, lại góp tiền nhau, nhờ chủ nhà ngả ra vài chú gà Tò (cái vùng chúng tớ đi lao động cải tạo lần đáng nhớ nhất là vùng Gà Tò, Lợn Tó nổi tiếng mà!) Tối đến, đèn đóm tù mù là lúc tớ nghĩ ra đủ thứ bài hát... Chỉ riêng cái đề tài thủy lợi thôi tớ có đến ba, bốn bài... Lại còn được giải của Bộ Thủy Lợi của ông Hà Kế Tấn cấp bằng khen nữa cơ đấy!
Họ có biết đâu là buổi chiều, không đi lao động là tớ bò ra phản mà chấm cho xong các tổng phổ đã nhận "com-măng" của các nhà hát chứ đâu có phải viết bài phục vụ... Thủy Lợi mà tớ đã hoàn thành nhiệm vụ "sẵn" rồi!!

Cũng cần nói thêm về cái thời hạnh phúc của tớ này như sau:
1- Tớ ra khỏi quân đội gặp ngay Thiên thời-Địa lợi-Nhân Hòa!... Thiên thời thì tớ đã nói ở trên vì tớ luôn nghĩ chẳng có Thiên nào, ngoài... "các cụ".

2- Địa lợi là tớ được sống và làm việc ngay tại Hà Nội, nơi đang bùng nổ các Đoàn nghệ thuật lớn mà đoàn nào cũng đang thiếu... thực phẩm (tiết mục) trong khi những Huy Du, Hoàng Vân… chưa "vinh quy bái tổ". Các đạo diễn tốt nghiệp từ Tiệp Khắc, từ Liên Sô, Trung Quốc trở về đều muốn cùng tớ làm ăn một cái gì đó cho nó... "tử tế" một chút. Thế là tha hồ cho tớ "luyện tay nghề". Từ một bộ phim hoạt hình "Thỏ và Rùa" đến những vở kịch lớn, những bộ phim truyện đại... dở như "Luống khoai xanh", "Độ giốc",... phim tài liệu như "Chiến thắng trận đầu", "Đất rừng Hướng Lập",.... tớ đều viết cho dàn nhạc giao hưởng tuốt!
Liên hệ dàn dựng, thu thanh... đã có lệnh của Bộ cho các Nhà Hát có nhiệm vụ cách mạng… "Phải" làm. Đâu có cái cảnh phải lo lót, trả tiền, cát-xê-cát-xiếc cho các đơn vị biểu diễn như bây giờ! Các đạo diễn Dương Ngọc Đúc, Nguyễn Tích, Phạm Lệnh, Ba Kỳ... đều khoái tớ (riêng D.N.Đức đã mời tớ viết nhạc tới 6 vở trong đó có "Hoa và Ngần" của Nguyễn Đình Thi, "Đêm mưa" của Tất Đạt bị... xóa bỏ mất tích!
Thế là Hoa và ngần biến thành... Ngân và... Hòa... nghĩa là lấy tiền xong là... hòa cả làng! Có thể tóm tắt một câu như sau mà không sợ mang tiếng là nói phét: Chưa bao giờ một nhạc sỹ ở Việt Nam (tính đến những năm 61-63) mà kiếm được nhiều tiền như tớ. Các “phen” có biết không? Một bát phở tái có 1/4 đồng bạc mà tớ được lĩnh một phát tới... ba ngàn ba trăm đồng chỉ riêng có hai sáng tác là "Chiến Sỹ Biên Thùy" và "Câu chuyện Iếc Kút"! Tớ chẳng biết dùng tiền làm gì khi đã mua lại cái piano Gaveau của trường nhạc dân lập còn xót lại từ thời kỳ tạm chiếm (do cụ Bộ Duyệt làm giám đốc) còn khá tốt mà chỉ mất có 700 đồng!!! Ngoài ra, còn có cái gì ở Mậu Dịch Quốc doanh để mà... mua!! Trúng mánh về cái khoản địa lợi quá chứ còn gì!

3- Còn về cái khoản Nhân Hòa thì đúng là tớ trúng số độc đắc! Số là, khi được Ban Tuyên Huấn Trung Ương điều về tăng cường cho "Mặt Trận Văn Hóa Tư Tưởng ngoài nhân dân???!!”, một loạt cán bộ đủ loại đã đổ bộ về mọi Cục, Vụ, Viện, Nhà Hát, Trường, Sở để nắm quyền lãnh đạo.
Tên tuổi họ đến hôm nay tớ còn nhớ hết nhưng tôn trọng con cái họ, thương hại cho họ phải làm cái nghề "trái khoáy" mang tiếng để đời, khi phá tan những cái tổ chức đang đà vươn lên... nên tớ cũng chẳng thống kê ra làm gì.
Tuy nhiên, trong số họ có những người, do có đôi chút hiểu biết, nhất là những người có đôi chút văn hóa thời "Đế Quốc sài lang", không phải là họ không đóng góp gì cho chúng tớ trong sự nghiệp. Tớ là người trúng số độc đắc khi được nhận nhiệm vụ tăng cường cho Nhà Xuất Bản Mỹ Thuật và âm nhạc (chú ý: "và âm nhạc" thôi nhé). Ở đấy giám đốc là ông Nguyễn Đình Tính, một ông trung tá địch vận chuyên hỏi cung tù binh Pháp.
Còn Trưởng Phòng Âm Nhạc là Thượng Úy pháo binh (!) Nguyễn Đình Quý (đều cùng được quân đội " tăng cường" về!) Nghĩa là tớ nằm dưới quyền "sinh sát" của mấy ông hoàn toàn... điếc đặc và mù tịt về đồ rê mi! Mới đầu thì cũng hơi lo vì nhỡ lại chạm trán phải những tên Đồng Ngọc Vân mới thì... bỏ mẹ! Nào ngờ hai vị cấp trên này rất "thực sự cầu thị" và tỏ ra hết sức mừng rỡ và thú thật: "Chúng tôi đang mong chờ đ/c từng ngày! Bọn này có biết cái mẹ gì đâu mà duyệt bài hát! Thôi! Ông cứ lo mỗi tháng ra một tập nhạc (ca khúc), ngoài ra thì cứ... viết thật nhiều "Tiếng Hát Biên Thùy" đi! Từ nay không lo với những lời dèm pha "Ignorance au pouvoir" nữa!”

Trúng số thật rồi! Tớ cùng mấy anh em Xuân Giao, Thái Cơ, (Văn công T.C.C.T bị ông tướng H.M.Thi "giảm biên" hàng loạt), An Chung (cũng ở F308 tăng cường sang) - sau này đều trở thành hội viên Hội Nhạc Sỹ V.N cả, không những "cho ra một mà còn đến 2, 3 tập ca khúc một tháng, mà thỉnh thoảng còn có vài bản hợp xướng như "Sóng cửa Tùng" của Doãn Nho, "Lửa rục cháy" của Hồng Đăng, thậm chí cả những tập bài hát có phần đệm piano, những tập sách làm quen với dàn nhạc giao hưởng, nhạc khí pháp, nghệ thuật phối dàn nhạc v.v... đều được thông qua nhờ sự ủng hộ tích cực của những vị lãnh đạo tương đối có văn hóa này, mà đứng đầu khối xuất bản là thứ trưởng Nguyễn Đúc Quỳ, cái ông thứ trưởng "nợ nần vì mê mua đĩa hát giao hưởng" mà tớ đã giới thiệu trong một entry trước.
Những "xuất bản phẩm cao cấp" này, đến bây giờ, nếu tìm trong thư viện lưu trữ, gần như 99% đều có tên tớ biên tập hoặc... tự mình viết hoặc dịch. Tuy vậy, thời giờ để làm việc của cơ quan chỉ chiếm không đầy 5% (!). Còn lại 95% tớ được "chiếu cố" giảỉ phóng sáng tác hết! Thậm chí tớ được phép chỉ có mặt ở cơ quan buổi sáng thứ hai giao ban đầu tuần và buổi duyệt bài mỗi tháng 2 lần mà thôi! Thế có xướng cái thân đời tớ không cơ chứ!
Cũng phải nói đến những thay đổi khá là tích cực (chẳng biết từ đâu?) rất có lợi cho sự... " âm thầm tiến lên" của bọn tớ. Đó là chính sách "giải phóng sáng tác cho văn nghệ sỹ" mỗi năm ba tháng! (vì anh nào cũng phải nằm ở một biên chế nhà nước để hưởng lương cán sự, chuyên viên). Đó là chính sách "bản quyền tác giả thay thế chế độ thù lao" làm cho đời sống của cánh tớ khấm khá hơn trước! Tất cả đều được in trên "Công báo" của nhà nước (số 21 năm 1961). Cũng có cơ quan không chấp hành viện cớ "không có người thay thế", "thiếu người giảng dạy" v.v... Riêng cơ quan tớ thì hai ông lãnh đạo trực tiếp đều ủng hộ tớ hết mình vì thấy tớ giúp đỡ các ông ấy cực kỳ hiệu quả.
Chính cái tên Dihavina là do tớ đặt ra từ khi bắt đầu có giao dịch Telex, nhờ in đĩa vớí hãng Supraphon (Tiệp Khắc) đánh dấu một thời vàng son của xuất bản âm nhạc khi tách ra khỏi Mỹ Thuật...

Còn nhiều chuyện vui, buồn, trong giai đoạn này nhưng nhìn chung, tớ thấy đó là thời kỳ hạnh phúc. Không phải là vì lần đầu tiên, tớ được xum họp gia đình. Cũng không phải là tớ kiếm đuợc nhiều tiền... Cũng không phải là tớ viết được nhiều tác phẩm mà chính là tớ đã được hưởng hai chữ TỰ DO đúng nghĩa ở cái thời điểm mà không mấy ai có được.
Và đây là điều quan trọng nhất tớ muốn nhấn mạnh. Đó là phải biết SỐNG CHUNG VỚI DỐT! Chính hai cái ông thủ trưởng đã thú thật với tớ là dốt và yêu cầu giúp đỡ họ nên tớ "tâm phục khẩu phục" mà làm việc, cộng tác với họ hết sức chân thành...
Tớ thật tâm lo ngại cho những người có tài, có thiện chí ngày nay phải làm việc với những "cái đầu đại dốt" nhưng lại được dán nhãn hiệu tài giỏi hơn người với những bằng cấp thật nhưng kiến thức "dỏm" Và tớ cầu mong cho họ gặp được người lãnh đạo dốt mà có thiện chí còn hơn là những kẻ "hãnh tiến- cơ hội" chẳng cần nghe ai, học ai... vì họ cứ tưởng là họ giỏi hơn, ưu việt hơn mọi người với những cái học vị, danh hiệu mà một đêm ngủ dậy, họ... "vớ" được!!
Cuộc đời của tớ hưởng hạnh phúc như thế đó. Nó được hơn 3 năm rồi chấm dứt! Tại sao? Tớ sẽ kể tiếp trong những entry sau!

Tuesday November 6, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

26. Một entry "lạc đề": Tớ tạt sang một lãnh vực mà tớ rất… ghét!

Mấy hôm nay nhận được khá nhiều mét-sịch, i-meo và các cú tôlôphôn thắc mắc, gợi ý, thậm chí cho tớ là già nua nên lẫn cẫn quên mất nhiều điều, "tô hồng", "phóng đại" nhiều về cái thời hạnh phúc ngắn ngủi của cánh tớ, những người được hưởng ơn trên một cách... trời cho mà quên đi tất cả những ngày "gạo 13 cân, thịt 3 lạng, 5 mét vải/năm rồi hay sao? Vì vậy tớ đành phải gác cái chuyện văn nghệ văn gừng mà tạt sang cái bối cảnh xã hội những năm nửa nước có hòa bình. Và tất nhiên, nó động tới lãnh vực... xã hội mà tớ rất ngại động chạm tới vì... chẳng thể nào nói đến xã hội mà không nói đến... chính trị! Thôi thì lại... bạo “thử” một phen... nói sơ sơ một chút về bối cảnh lịch sử của cái thời tớ coi là có hạnh phúc vậy...

SẠCH BÓNG QUÂN THÙ RỒI... LÀM GÌ ĐÂY?

Trong cái đầu óc ngây thơ và ngây... ngô của cánh tớ, anh nào cũng nghĩ là hết chiến tranh rồi thì là xây dựng, mà xây dựng văn hóa- văn nghệ là "thượng tầng kiến trúc" chắc chắn sẽ được những cái đầu đỉnh cao trí tuệ của loài người phải quan tâm lắm lắm chứ!
Có anh trở về thủ đô, gặp được gia đình, bạn bè... cứ tưởng bở, nhảy tót ra khỏi biên chế nhà nước, có anh lại tiếp tục đi học... Cũng có anh, lợi dụng khu vực 300 ngày "tự lựa chọn nơi sinh sống, làm ăn" (theo hiệp nghị Giơ-ne-vơ) mà giông tuốt vô Nam.!..
Trong số những đồng ngũ, đồng đội, đồng nghiệp cũ của tớ, khối người đã trở thành những nhà văn, nhạc sỹ, luật sư, giáo sư và cả tướng tá trong quân đội miền Nam Việt Nam sau này vì họ đã "tỉnh" ra khi chính gia đình họ đã hoặc sắp trở thành "đối tượng cần đánh đổ" của cách mạng!...
Khối nguời hiện nay đang còn sống ở Mỹ, ở Pháp, ở Canada... (Chỉ xin đơn cử 2 "nguyên đồng chí" Vệ Quốc Đoàn, đồng trường, đồng khóa với tớ là 2 ông chống cộng nổi tiếng cùng họ Đinh, một ở Cali, một ở Canada - 2 nhân vật này chắc các bạn năm xưa của tớ ở hải ngoại quá rành, tớ chưa được phép của họ nên không dám nêu rõ tên).
Cũng có anh, do tiếc của, tiếc nhà, tiếc... tình mà ở lại, thậm chí cứ chạy đi, chạy lại giữa Hànội - Hảiphòng mà... bị vô tù vì tội "âm mưu phản bội"... Cuộc di cư thứ nhất này (trong đó có toàn gia đình tớ, không sót một ai) hình như ít người nhắc đến, viết lại vì nó bị cuộc đại di cư năm 75 lấn át mất.
Riêng cá nhân tớ, hy vọng trở về, nhờ vả gia đình để tiếp tục đi học bị tan thành mây khói... Hơn thế nữa, một bà vợ và một thằng con trai 3 tuổi, sống sót sau cải cách ruộng đất đang chờ tớ về mang đi khỏi cái làng Thượng Thọ, huyện Thanh Chương, Nghệ An, nơi tớ nhờ một gia đình tốt bụng cưu mang bữa khoai, bữa cháo qua ngày. Cho nên tớ đành bấm bụng bám vào biên chế Nhà nước mà tồn tại..
Và muốn tồn tại cùng vợ con thì... tớ đành sống cuộc đời mà tớ đã kể trong các entry trước.

NHỮNG NHẬN THỨC MỚI TRƯỚC THỜI CUỘC

Như tớ đã viết trong những entries trước, chẳng ai có đôi chút ngoại ngữ trong cánh tớ mà không tìm hiểu mọi biến chuyển chính trị trên thế giới để tìm ra một cách sống riêng cho mình cho… "phải đạo". Nếu "cải cách ruộng đất" mà chúng tớ đã chứng kiến (thậm chí "buộc" phải tham gia như bác Tô Hoài) đã cảnh tỉnh chúng tớ về nguy cơ đến lượt các giai cấp khác bị "lên mâm" thì hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư sản công thương nghiệp, nhà đất,... cải tạo văn hóa văn nghệ tư sản,... diễn ra sau những ngày im tiếng súng ở miền Bắc là điều chả làm chúng tớ ngạc nhiên.
Chỉ có điều các cuộc "đấu tranh giai cấp" lần này không có mấy "kẻ thù giai cấp" nào mất... mạng mà chỉ mất cửa, mất nhà, mất máy móc, nhà xưởng và... tiền của mà thôi! Mà chúng tớ, đặc biệt gia đình tớ, có còn cái gì ở Hànội đâu mà... cải tạo!
Cả một thành phố Hànội với "hàng Đào tíu tít, hàng Đường, hàng Bạc, Hàng gai" (Ng Đ.Thi) như vậy mà chỉ có vài tuần, tất cả đều đóng cửa... các xưởng thợ đều im tiếng máy để công nhân tập trung học tập chuyển thành công tư hợp doanh, xác định lại mình là giai cấp lãnh đạo và sẽ trở thành những ông chủ mới.
Còn nhà nào tuơng đối cao, cửa tương đối rộng thì... xin mở cửa cho các gia đình cán bộ và nhất là các vị tập kết trong Nam ra, vào ở chung! (Có nhà tới 21 hộ) Lạy chúa!
Cũng nhân dịp cải tạo công thương nghiệp này mà tớ được ông Nguyễn Minh Sơn, Bí Thư Quận Hai Bà Trưng ký "cho" vào ở ngay cửa hàng Bazar Bình Minh 26B phố Huế của vợ chồng nhà thơ Hồ Dzếnh... đấy!
Những chuyện "cải tạo" mà chẳng cải, chẳng tạo thêm được cái gì sau này người ta đã công khai mỉa mai trên báo chí mà chẳng làm sao xất!
Điển hình là 2 vụ mất hết của 2 ông tư sản "Núi Điện" và ông Chẩn - "Vua dép lốp" (Nghe đâu sau "Đổi mới" hai ông lại trở thành 2 nhà "tư sản được phép" trở lại thành tư sản như cũ thì phải!)
Tình hình đất nước, sau khi im tiếng súng thì lại vang lên tiếng... kêu than!
Nông dân vừa được đóng cọc, cắm bảng tên mình nhận ruộng được chia, thì lại... tịch thu (à quên tập trung) lại cùng với trâu bò, cái cày, cái bừa để một ban quản trị phân công làm việc theo... kẻng,... và được chấm công, ăn điểm gọi là Hợp tác xã!
Công nhân thì được làm việc dưới sự lãnh đạo của những ông chủ mới và quan trọng nhất là... chẳng có việc gì mà làm nên đồng lương bình quân... không nuôi nổi bản thân. Bệnh viện cũng do mấy ông bà giám đốc, bộ trưởng, bộ phó không biết viên thuốc aspirrine nó viết thế nào! Điển hình nhất là bà bộ trưởng Bộ Y Tế Đinh Thị Cẩn, người đã chiếu cố đến sự “tiến bộ về tư tưởng cho các nhà khoa học Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ... đi thực tế trong B để được… "Tổ Quốc Ghi Công" mà không có cáo phó công khai! Các khẩu hiệu, các phong trào ba nọ, bốn kia... như "Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba nhất", như... "Một mo cơm, ba quả cà, tiến lên đồi trọc xây dựng chủ nghĩa xã hội!”... như "Mỗi người làm việc bằng hai", "Ngày làm không đủ, tranh thủ làm đêm, đốt đuốc làm đèn, lấy lửa trong tim đi xây dựng CNXH"... càng ngày càng... đại ngôn!...
Để đáp lại, nhân dân và sĩ phu Bắc Hà đã phản ứng lại bằng nhiều chuyện tiếu lâm và ca dao, hò vè mà có đến tết Công-Gô (?) kể ra cũng không hết! Tớ chỉ kể một bài vè nó phản ảnh tình hình xã hội ở Hà Thành mà thôi.
Số là tình hình lương thực thực phẩm, hàng hóa sau cải tạo nó cạn kiệt đến mức phải chia ra ba loại tem phiếu cung cấp... (bước đầu báo hiệu sự phân chia quyền lực, quyền lợi và giầu nghèo).
Nó được tổng kết như sau: "Tôn Đản là chợ vua quan/ Nhà Thờ là chợ Trung gian nịnh thần/ "Con phe" (chuyên buôn bán tem phiếu thịt, dầu, đậu phụ…) chiếm chợ Đồng Xuân/ Vỉa hè là chợ... Nhân Dân Anh Hùng!”

Tóm lại tình hình đất nước, lòng dân lúc này làm sao không thể có những lương tri bình thường không quan tâm? Và mỗi người có một kiểu sống và làm việc sao cho thích hợp!

Riêng giới văn nghệ cánh tớ, ngoài những anh được sổ Tôn Đản, Nhà Thờ (rất hiếm) thì im lặng là... vàng! Một số công khai đấu tranh để đi đến phong trào Nhân Văn, Đất Mới... Còn số đông thì... "phục xuống sáng tác"... cái gì ra gạo, ra cơm! Và bắt đầu cái chủ nghĩa Kémeism hình thành miễn là không bị... "sờ gáy"! Gần như, chẳng mấy ai viết lách gì ca ngợi mấy cuộc "cách mạng mới" vừa nói trên cả! (Khác hẳn với thời cải cách ruộng đất)
Tớ thuộc loại "Hèn-kê-me-ít" này vì tớ tin chắc mọi sự phải đến sẽ đến! Mà những người có đôi chút lương tri mà có quyền lực gấp 100, 1000 lần tớ sẽ phải nói, phải làm...

Và quả là như vậy. Một bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc dám giao (chui) lại ruộng đất cho nông dân, một Lê Liêm, một Võ Nguyên Giáp... ủng hộ cánh tớ tiến quân vào khoa học kỹ thuật không phải không đóng góp cho cái công báo số 21/1961 ra đời. (Tớ đang còn giữ làm... kỷ niệm đến hôm nay).
Không ít đồng nghiệp tớ "sống sót" cũng nhờ nó, mặc dầu ngay lúc nó được công bố, tớ đã phải bật cười vì nội dung của nó và thương hại cho những người làm ra nó.
Ví dụ: Tiền bản quyền âm nhạc tính theo... độ ngắn dài, tranh tính theo kích thước, tác phẩm văn học tính theo số chữ được in, kịch tính theo thời gian diễn! ? Chính vì những cái sai lầm (hay dốt nát) này mà khối anh được nhờ đấy! Ví dụ: Một bài hát hay mà ngắn gọn, dù được xếp loại A cũng chưa bằng 1/4 tiền bản quyền một bài hát vừa dài, vừa dai vừa... dở được xếp loại C!”Tiếng hát biên thùy" của tớ đếm mơ-duya (cả phần dàn nhạc) tới hơn... 1000 mơ duya, "Câu chuyện Iếc Kút" hơn 700 mơ duya lận! làm gì mà tớ chẳng lãnh tiền ngàn trong khi các tác giả viết ca khúc tuyệt đỉnh nghệ thuật cũng chưa được biết ký đến số tiền nào quá... 60 đồng!
Chỉ phải cái phiền là thời đó, hễ lãnh tiền nhà nước quá 200 đồng là đều lãnh bằng "séc", nộp vào ngân hàng (mà không được làm chủ tài khoản như bây giờ đâu nhé!) Mỗi khi cần mua sắm cái gì thì đi xem giá ở Mậu dịch Quốc Doanh rồi "làm đơn xin" Ngân Hàng Nhà Nước chuyển khoản cho cửa hàng nhà nước.
Muốn lãnh tiền mặt thì phải nói rõ lý do, vợ ốm, con đau, cháy nhà, cha mẹ qua đời... (có chứng thực). Cho nên, có tiền nhưng chưa hẳn làm chủ đồng tiền như bây giờ đâu.

Thôi! xìtốp một phút tếu táo lại để quay lại cái chủ đề dễ gây tranh cãi.

Tớ muốn nói rộng ra một chút về tình hình nhận thức chính trị của mấy ông "lãnh đạo có cỡ" sau khi... đất nước thống nhất... Vì tớ là người đuợc tăng cường cho Ban Tuyên Huấn Trung Ương cục của ông Trần Bạch Đằng ngay từ những ngày đầu tiếp quản Saigòn nên tớ đã đuợc mắt thấy tai nghe nhiều điều phải quấy của các vị... không ưa gì mấy ông chóp bu miền Bắc.
Tớ đã từng được nghe, được trao đổi cùng nhiều vị về "con đường gian khổ mà miền Bắc phải trải qua quyết không thể để xảy ra ở miền NamViệt Nam". Cho phép tớ không kể tên họ ra vì tớ... sợ con cháu họ đưa tớ ra tòa. Người đã chết thì nhiều, người còn sống thì quá ít, người trước kia nói "trắng" bây giờ lại nói "đen", trước "chửi" sau "ca", cũng còn đó một vài cái mặt trơ, trán bóng ù lỳ "ngồi xe lăn hưởng lộc "trời"...!
Trong giới văn nghệ cũng vậy! Không ít kẻ được ưu tiên chiếu cố, hưởng đủ mọi quyền lợi ở cái đất Bắc nghèo khổ, khi về miền Nam, ngự trên những lầu son, gác tía, chiếm được những cái ghế ngon lành, đáng lẽ lên án những cái đại sai lầm chết người ở miền Bắc thì lại chửi tuốt những gì có dính líu tới Bắc cờ! Thậm chí có ông "bài hát sỹ" còn tuyên bố "không tiếp một thằng nhạc sỹ Bắc Cờ nào hết!” Họ không hề biết: không có những sự đau khổ, mất mát, khuynh gia bại sản của miền Bắc, liệu nông dân Miền Nam Việt Nam sau 75, có thoát khỏi cảnh đấu tố, liệu nhà cửa của nhân dân xì-gòn có thoát khỏi cảnh bị mấy ông, mấy bà ở đẩu ở đâu, cầm quyết định của ban quân quản, chiếm lãnh ngay giữa thanh thiên bạch nhật tài sản của họ không? (Lẽ tất nhiên không nói đến những gì "không hay" xảy ra cho những "khúc ruột ngàn dặm" khi bỏ lại nhà cửa ra đi hoặc những người đi cải tạo cả chục năm trời! Vậy mà bây giờ họ được mời chào về quê hương "xóa bỏ hận thù", "hòa giải", được đón tiếp, thậm chí vinh danh hơn cái kiếp mấy thằng tớ nhiều nhiều!

Tất cả những sự "sửa sai không tuyên bố" này đều có sự góp sức nhiều khi rất đắt giá của những người mà tớ đã thực tình "đề cao, tô hồng" họ! Hãy hiểu cho tớ: cũng như nhân dân Nga ngày nay nhớ ơn Gorbachov, Eltsine... mặc dù mấy ông mà tớ biết ơn còn lâu mới bằng hai ông này vì họ chỉ mới dám phá rào mà chưa dám... vượt rào!

Cái đề tài sặc mùi chính trị này, tớ dám nói ra vì tớ đã được "Đổi mới", đuợc "thực tế lịch sử" chứng minh, được "kinh tế thị trường", được "hòa nhập"… và nhất là được các nhà lãnh đạo đương thời đang cố gắng làm cho mọi sự trở về... như cũ, như mọi xã hội khác trên thế giới... Họ đang "làm mà không nói" đấy! Cứ xem trên VTV3, trên các báo chí, nghe qua và xem qua những sáng tác cực kỳ đổi mới của rap-pơ Kim, của phim "Gái nhảy", "Trai nhảy", "Đàn ông có bầu",... xem những chương trình nghệ thuật sắp đặt toàn là các bộ xương, đầu lâu treo lủng lẳng khắp các phố tại festival Huế, những ông họa sỹ đóng khố, vẽ xanh đỏ lên người chạy biểu diễn công khai trên đường phố Hà Nội mà chẳng hề hấn gì... thì đủ biết là "Thời thế văn nghệ" đã thay đổi cực kỳ nhanh nhanh nhanh, mới mới mới... lắm rồi đó! Chỉ có điều Mới đó có thật là mới, có phải là Tốt hơn cái cũ không? thì lại là chuyện... khó vô cùng vì sẽ chỉ là các cuộc "cãi nhau giữa những người... điếc đặc!” hoăc là vấp phải sự thờ ơ của những nhà "cao đạo" muốn "ngậm miệng ăn tiền", thậm chí "không muốn dây dưa với... hủi!”
Chỉ có điều... con đường xây lại những cái gì đã đập phá đi, có lắm vụ xập nhà, gãy cầu, … Trong những đống xà bần khổng lồ từ Nam ra Bắc có lắm kẻ cơ hội, lưu manh vớ bở, làm bậy thì... chỉ tại... cái "tướng số" đất nước mình (theo nhà sử học kiêm tử vi- tướng số gia có cỡ Trần Quốc Vượng), theo bản đồ nó... "thắt đuôi chuột" quá đấy thôi!
Làm gì? Làm thế nào? cần phải có nhiều cái đầu, nhiều trái tim và nhiều... bộ gan to hơn các ông Trần Độ, Lê Liêm... mà với một người như tớ, ở cái thời điểm 60-70, thì những người như Nguyễn Đức Quỳ, Nguyễn Đình Tính, Hoàng Hữu Nhân... quả đã là "quí hiếm" lắm rồi đó! Đừng rủa tớ là vẫn chưa thoát khỏi cái tệ "bưng bô", "tô hồng lãnh đạo" mà tội nghiệp cho họ và cho... tớ! Các bạn trẻ liệu có dám làm một cái gì đó hơn bọn già hết thời chúng tớ không?
STOP chuyện politic!

Monday November 12, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-


27. Những năm xưa ấy năm gì?
Văn Cao, Tô Hải, Bùi Xuân Phái, hai người nghệ sỹ nghèo và một người "không nghèo" vì "gặp may"

NHỮNG NĂM THÁNG MAY AI NẤY SỐNG

Đó là những năm, trước chiến tranh chống Mỹ (61-64), những năm hậu chống "xét lại", những năm mà ở ta, theo con mắt mù mờ về "chính trị nội bộ" của tớ là "Các cụ" đang cố gắng dĩ hòa vi quý giữa hai ông anh cả, anh hai... càng ngày càng công khai kình chống nhau kịch liệt! Lý do rất cụ thể là: Chủ trương giải phóng miền Nam bằng... 3 mũi giáp công (tức là có cái mũi "oánh" bằng súng đạn) đã hình thành bằng nghị quyết (số mấy thì tớ... chẳng nhớ).
Vậy thì, đi theo ai dứt khoát thì lấy gì mà oánh Mỹ? Thực tế đã trả lời là: Sau khi nghị quyết chống xét lại ra đời và sau khi chúng tớ đã được "học tập, thu hoạch và kiểm điểm" thì... chỉ có một số vị bị "xử lý nội bộ" như Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Ưng Văn Khiêm, Nguyễn Văn Vịnh... Trong giới văn nghệ thì chỉ có Vũ Thư Hiên, Lê Huy Vân, Duy Cương... là đi cải tạo dài ngày cùng ông "đầu têu xét lại" học ở trường Đảng cao cấp ở Liên Sô về là Hoàng Minh Chính mà thôi! Còn lại là chỉ kiểm điểm nhận thức lệch lạc về đấu tranh giai cấp, về diễn biến hòa binh... ở ngay trong tác phẩm của mình, rồi xin tình nguyện rút lại tác phẩm! Những "ný nuận ra", nhất là về văn nghệ, thế nào là xét đi? thế nào là xét lại? càng lúng túng như thợ vụng mất... cưa!

Người ta kiểm duyệt một nửa phòng tranh (toàn là sơn dầu) của họa sỹ Lưu.Công.Nhân chỉ vì họa sỹ này vẽ một anh công nhân áo quần xộc xẹch, nằm tênh hênh trên võng, tay đánh ghi ta, miệng ngoác rộng mang tai, "hát cái gì chẳng biết?
Người ta bỏ vở kịch "Giáo sư Hoàng" (Bửu Tiến) vì có cái cảnh nội các miền Nam (ngụy) họp đề cử ông Bộ Trưởng (Đào Mộng Long đóng), thì ông này lại giãy nảy người lên mà nói: "Thôi! thôi! Có cho tôi làm... thủ tướng thì tôi nhận, chứ làm bộ trưởng thì tôi... có biết chuyên môn gì đâu mà làm!”
Nhưng nguy hiểm nhất là mấy tay cơ hội-cầm quyền lãnh đạo văn nghệ khi họ cố tình "bới bèo ra bọ" bằng những nhận định chết người như: Cảnh nhà Giáo sư Hoàng, họ muốn nói gì đây khi chính giữa bàn thờ họ cố tình vẽ 3 chữ nho to tướng "Đức Thọ Đường"! (Phạm húy mà lị)
Khổ thân mấy bác đi học Nga về, làm cái gì ra cũng bị soi đi, soi lại xem nó.. có xét lại xét đi không mặc dầu chính các nhà lý luận mắc xít cũng chẳng thể nói được thế nào là xét lại và cũng chẳng bao giờ lại tự nhận mình là... bảo thủ cả!
Nói cho ngay thì cũng có một số nhà lý luận có tầm tương đối dám viết một số bài bảo vệ chủ nghĩa xét lại... (nhờ nhờ thôi) như Hoàng Ngoc Hiến, Mai Thúc Luân, nhưng cũng bị "oánh tới tấp". Đặc biệt có nhà viết kịch Bửu Tiến, học xong chống chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ, ông cương quyết "bảo lưu" ý kiến của mình là: "Đai Hội XX của Đảng Cộng Sản Liên Sô đã mở ra cho sân khấu một hướng đi vô cùng tươi sáng với việc công khai chống chủ nghĩa sùng bái cá nhân cụ Sít!”.
Hơn thế nữa, giữa nhà, B.T còn treo một tấm chân dung lồng kính to tướng và... duy nhất là... Khrút Xép! Chẳng ai dám làm gì ông cả vì... các nhà lý luận muốn nói gì cũng phải nghĩ tới... hàng đoàn xe kéo tên lửa Sam, hàng đoàn tầu chở đầy A.K, Mig 16, 18, 20, 21... Kalachnikhop, T54,... đang ùn ùn, đêm đêm kéo vào giúp ta đánh Mỹ chứ! Nhất là khi ông "anh hai phương Bắc" chơi cái cú cắt luôn con đường xe lửa chở vũ khí qua đất nuớc Tầu (để bảo vệ chủ quyền?!) đến nỗi "ông anh cả" chỉ còn một con đường biển để cung cấp vũ khí, xăng dầu cho bọn chống xét lại là... TA! Cặp được cảng Hải Phòng tức là phải đi dưới tầm quan sát của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ. Đặc biệt là khi Mỹ phong tỏa, rải thủy lôi khắp vịnh Bắc bộ thì sự giúp đỡ này (đã có lần phải trả bằng sinh mạng và máu) thì sự "hy sinh cứu bồ" của bọn... "xét lại" này càng lên giá!! Thì ra cái bọn xét lại vẫn... có ích!...
Vì vậy mà cánh tớ mới có dịp đọc và xem nhiều cái... xét lại triệt để mà các "quân sư quạt mo" xem xong cũng gật gà gật gù,.... ngậm hột thị! Chính cái thời gian "đi hai dây" này mà những tác phẩm của Soljenitsyne, của Pasterrnak, những bộ phim như "Sám Hối", "Người cùng thời đại"... những sách báo xét lại (?), âm nhạc xét lại (?)... được công khai nhập vào thị trường rất "nhi nhô" về ný nuận này! Nhưng nhìn chung thì, cái "xu thế xét lại" (nếu nó có thực sự?!) trong văn nghệ đang... dần dần chiếm thế thượng phong!

Tớ chỉ xin đưa ra một ví dụ điển hình để thấy được là... lãnh đạo văn nghệ nó cực kỳ khó cho các cụ ra làm sao: Đó là những năm 62-64, sau khi đã "dẹp"xong bè lũ xét lại ở trong nước, các chuyên gia Liên Sô đầy đầu óc... xét lại (!) về văn hóa vẫn tiếp tục được chào đón!
Tớ cũng có dịp làm việc nghiêm túc ba tháng với Monakhov, một đạo diễn sân khấu nổi tiếng. Ông ta dựng vở "Câu chuyện Iếc-Kút" của Arbuzov, một vở diễn đã từng được hoan nghênh ở Albanie, ở Trung Quốc nhưng sau bị dẹp vì nó... “xét lại” quá!
Vậy mà, khi ra mắt trước công chúng Việt Nam, nó được chào đón như chưa từng thấy bao giờ: Người ta (kể cả diễn viên) xếp hàng cả đêm để sáng hôm sau được mua hai cái vé cho bạn bè, người nhà đi xem! Báo chí viết bài ca ngợi hết lời! Đặc biệt chính bố Tố Hữu đã gặp mặt đạo diễn và những người làm ra vở đó (trong đó có tớ) nói rất dài về cái Hay, cái Đẹp, cái "tính tư tưởng" tuyệt vời của nó.
Tớ nhớ nhất cái ý ông ấy nói: "Câu chuyện Iếc Kút xảy ra trên một công trường thủy điện lớn nhất của Liên Sô, nhưng đâu cần có những cảnh công trường, xe máy ầm ỹ... Vậy mà nó vẫn đề cao phẩm chất con người cộng sản một cách rất nghệ thuật. Chính trên cái công trường này mà số phận của một "Valia rẻ tiền" đã được một người cộng sản như Sergei cảm hóa và cải tạo bằng tình yêu và cả sự hy sinh. của chính mình v.v... và v.v... Nghĩa là, theo ông, người đứng đầu mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật lúc bấy giờ, thì "Câu chuyện Iếc Kút" là đỉnh cao của một sân khấu hiện thực xã hội chủ nghĩa! Vở này còn mở ra cho một số vở "xét lại" khác như Platon Khrexet, Erostrat,... sau đó ra đời êm thắm...
Vậy mà... chỉ có một lần, sau khi đi khảo sát chiến trường B trở về, có một vị "to hơn ông Tố Hữu", tức ông đại tướng Nguyễn chí Thanh sau này, đã lập tức tới xem! Ông rất khó chịu và phán một câu: "Cả vở chỉ nhằm đề cao một... con đĩ"! ? Thế là... dẹp và dẹp luôn cho đến bây giờ! (tuy ở Saigòn cũng có dựng lại nhưng cũng chỉ diễn được dăm ba buổi rồi xếp xó, nhường chỗ cho "Chuông đồng hồ điên Krem-li"... chắc ăn hơn! Chuyện khôi hài này đối với tớ, chẳng có gì là lạ vì tớ đã "thực mục sở thị" rất nhiều cảnh "ông nói gà bà nói vịt" với một tác phẩm văn học nghệ thuật rồi!
Số là, cái thời tớ được đi học chuyên môn, tớ lại được sắp xếp ở ngay sát nách nhà cụ Lê Chưởng (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Tri, Nguyên Phó Bí Thư Quân Ủy T.Ư, nguyên Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng...). Cửa sổ phòng tớ mở ngay ra cách phòng khách của cụ không đầy 5 mét. (Nhà tớ ở là số 13, nhà cụ Chưởng là số 11 Lý Nam Đế) Ở đấy, các cụ hay trao đổi (đôi khi hơi to tiếng nên cánh tớ nghe thấy mà… vừa… buồn… vừa... cười) Ví dụ 'Tấm Cám' có nên thay Hoàng tử bằng anh nông dân tên Điền không? (Chính Đặng Đình Hưng là người đóng vai anh Điền) hoặc…
Nội dung vở chèo "Lưu Bình Dương Lễ" xét cho cùng chỉ là đề cao cái anh chàng... thừa vợ nên cho đi theo bạn, là khuyến khích chuyện... đa thê! Cần phải dẹp!” (Và sau đó Đoàn Chèo Tổng Cục của bác Cao Kim Điển phải dẹp cả vở lẫn cả... Đoàn thật!) Các cụ ham xem văn nghệ nhiều như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan (khi chưa... vượt biên theo Tầu chống bọn "xét lại Việt Nam"!! !), cũng là các cụ lắm ý kiến trái ngược nhau trước một tác phẩm cụ thể nhất!

Còn nhiều chuyện tớ nghe lỏm được thuộc các lãnh vực không phải văn nghệ nhưng tớ chẳng hơi đâu nói ra cho rách việc. Tớ chỉ nói đến cái lãnh vực khó, rất khó cho những ai muốn lãnh đạo văn nghệ đi đúng con đường (thậm chí đúng một lề đường) mà mình muốn họ phải đi thôi là... bất khả thi vì làm sao bắt ngay con cháu trong nhà mình chỉ được ăn những gì mà mình thích ăn, nghe, xem những gì mà mình cho là hay. Huống hồ muốn tất cả những ai cầm bút phải viết theo những gì mà họ không muốn viết, nghĩ những gì mà họ không hề nghĩ và huara những gì họ không muốn huara!

Thế đó! Xem ra các cụ còn lúng túng dài dài với những cái "nhà máy tư nhân sản xuất ra các mặt hàng đặc biệt" này lắm! Cứ xem những gì đang diễn ra quanh ta về văn chương, nghệ thuật, những triển lãm tranh ảnh nude, những "Giòng sông hủi", những "Bóng Đè", những "I'm đàn bà", những vụ nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn gây xi-căng-đan ở Hà Nội, Huế... những bài hát "tự sản tự tiêu" nói năng, tục tằn, bừa bãi mà báo chí trong và ngoài nước đã phải bêu riếu là đủ thấy…” Lãnh đạo văn nghê khó lắm các cụ ơi!”

Trở lại với những năm mà tớ và bạn bè vừa khóc vừa cười nhưng vẫn sống và làm việc theo… công báo số 21. Phải nói: Đó là những năm... "may anh nào anh đó sống,... không may thì... không chết nhưng sống dở chết dở"! Đó là mấy ông họa sỹ vội vàng ra khỏi biên chế như Phan Thông, Trần Đông Lương... không sao bán nổi một bức tranh vì... ai có tiền mà mua tranh, nếu không là bán rẻ cho nhà sưu tập giầu nhất và độc nhất Hànội là ông Đức Minh, hoặc đổi vật liệu lấy tranh cho mấy nhà sưu tập bất đắc dĩ!
Đặc biệt nổi tiếng là có nhiều tranh giá trị cho tới bây giờ là ông Lâm Toét chủ tiệm... cà phê (phố Phan Thanh Giản sau bị đổi là Nguyễn Hữu Huân) nơi tụ hội của giới văn nghệ Thủ Đô (như kiểu "Golf Drouot" nơi mà các họa sỹ Paris thường đến uống cà phê rồi trả tiền bằng... tranh!).
Cũng chính cái thời gian “đúng-sai-sai-đúng này mà các số phận khác nhau giáng xuông đầu rất nhiều dân văn nghệ!
Một số đạo diễn dựng xong vở nào là... đổ ngay vở ấy (Trường hợp "Hoa và Ngần", "Con nai đen", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", "Đêm mưa", "Cơ sở trắng"...). Tiểu thuyết thì có "Đống rác cũ" (Nguyễn Công Hoan), "Vào đời" (Hà Minh Tuân)... và nhiều thứ nữa mà tớ không sao nhớ hết! Những tác gia này "chết oan" vì chính cái nhìn tù mù về nghệ thuật của mấy chú cơ hội-mà tớ nói ở trên.
Chỉ riêng cánh nhạc sỹ chúng tớ (chỉ nói đến những composer thôi đấy) thì mỗi anh ít nhiều cũng sống được bằng nghề của mình! Trừ những anh chỉ biết viết bài hát... vẫn phải "Vì Miền Nam tiến lên!” thì thu nhập... có chút eo hẹp. Còn những người như tớ thì chẳng ai tìm thấy trong các tổng phổ viết cho các nhà hát, các bộ phim, vở kịch nó mang tính chất xét lại xét đi gì được. Ngoài ra đâu cần bài hát là bọn tớ có ngay một ca khúc (mà Văn Chung gọi đùa là "lương khô")! Đủ cả đề tài nông nghiệp, công nghiệp, sẵn sàng chiến đấu, thậm chí cả đề tài ngân hàng, khách sạn, hố xí hai ngăn (do công ty vệ sinh com-măng (!) Riêng cái đề tài này thì tớ... chào thua!)

Tớ sống vẹn cả đôi ba đường! Vừa phục vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, vừa nâng cao nghệ thuật cho "xứng tầm thời đại" (!) bằng các tác phẩm có nghề nghiệp hẳn hoi (khối cái được mang đi khắp nơi thậm chí sang cả Cuba, cách Maiami có 100 km để chửi Mỹ!) Nói tóm lại, những năm 61-63, làm một anh "nhạc sỹ ăn lương nhà nước", tớ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không bị tai bay vạ gió gì!

Để kết thúc cho giai đoạn này tớ xin kết luận là: Những năm tháng "chẳng dễ sống" ấy, tớ là người gặp may hơn nhiều ban bè! Tớ cảm ơn Trời Phật, cảm ơn Chúa Trời, cảm ơn thánh Allah và đặc biệt cảm ơn cái sự tù mù trong lãnh đạo văn nghệ thời đó, đã tạo cơ hội cho tớ tồn tại cho đến... những ngày... hết hạnh phúc mà tớ sẽ kể trong các entries sau!

Saturday November 17, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

28. Cái mẩu hạnh phúc cỏn con....

VÌ ĐÂU TỚ MẤT CÁI MẨU HẠNH PHÚC CỎN CON?

Tớ sẽ chẳng dại gì mà đi vào định nghĩa "thế nào là hạnh phúc". Tớ chỉ xin nôm na đặt tên cho cuộc sống của tớ những năm 61-64 là “có hạnh phúc” hơn nhiều người. Thế thôi! Từ một chàng trai 18 tuổi, tháng 8 năm 1945 ra đi "giải phóng quê hương", cho đến mùa thu 1961, tớ mới biết nếm mùi cái gia đình nó thế nào.
Đơn giản là có một cái phòng hình thang 24 mét vuông, nơi đó, tớ lần đầu được sống với một bà vợ và 3 đứa con sau 15 năm sống trong quân ngũ. Tập hợp được cái tiểu gia đình của tớ lại là cả một kỳ công mà tớ có thể viết ra thành một cuốn tiểu thuyết dày cả 500 trang! Đủ cả hỉ, nộ, ái, ố, hoan, lạc, đầy những tình tiết bi, hùng, hài hước và tất nhiên không thiếu những màn éo le, gay cấn, hồi hộp, những hành động dũng cảm, mưu mẹo và đôi khi cũng có cả lừa đảo mới vượt qua được những hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" của cái gia đình không may của tớ!
Chỉ xin nhắc các friends nào chưa đọc các entries trước của tớ là: Tớ là một anh chàng... tự tảo hôn quá sớm (1949) nên rơi trúng vào làm rể một gia đình bị "quy oan" là địa chủ. Cho nên, con tớ, do nhờ ông bà ngoại nuôi, cũng trở thành "địa chủ con" luôn! Vậy mà tớ đã kéo chúng ra khỏi cái vòng vây nghiệt ngã ở cái đất Nghệ An để trở thành công dân Thủ Đô Hà Nội... hoàn toàn chỉ nhờ vào cái chức... Nhạc Sỹ thôi đó! Đến cửa nào tớ cũng có sẵn một đĩa 45 tua "Tiếng hát biên thùy" chìa ra ký tặng với lời (nói dối) phân trần: "Tôi quanh năm ở biên giới, hải đảo, không sao có thời gian về quê làm khai sinh cho các cháu!” Vậy là... Ô Kê! Xong ngay!
Ngay cả cái bazar Bình Minh méo mó ở góc đường Trần Quốc Toản, phố Huế cũng được giải quyết với câu phê của ông Lê Minh Sơn "chiếu cố hoàn cảnh gia đình ly tán và công việc sáng tạo của đ/c... nên..." Và lần đầu tiên trong đời, tớ được nếm mùi không khí gia đình nó là thế nào như vậy đó!
Thì ra hạnh phúc với tớ lúc đó chỉ là... 24 mét vuông nhà được cấp.! Hạnh phúc thêm tí nữa là... mua được một... cái giường cho 4 người nằm (rất hiếm, trừ những người có đăng ký kết hôn). Lại thêm một chút hạnh phúc nữa là mượn được cơ quan một cái bàn và một cái giường cá nhân dành cho ông con lớn, đã 7 tuổi, nhưng vẫn hay tè dầm. Còn cái hạnh phúc xum họp gia đình xung quanh một bữa ăn thì... vẫn... chưa tới vì gần hai năm trời cả gia đình tớ vẫn sách bát đũa ăn cơm tập thể ở nhà ăn Bộ Văn Hóa tức rạp Ái Liên cũ cách nhà tớ không đầy 30 mét! Ôi! cái mẩu hạnh phúc cỏn con tầm thường mà hôm nay… "cho không" cũng chẳng mấy ai thèm nhận ấy, đối với tớ lúc đó nó thật như một giấc "mơ tiên", mà hôm nay, mỗi lần nghĩ lại, thấy càng... rùng mình!

Tuy nhiên, như một entry trước tớ đã viết, tớ quyết ra tay phen này để giải cứu cả gia đình và... "cho bọn mất dạy định hại tớ biết tay" bằng chính thực lực của mình. Kết quả như thế nào, tớ đã nói và post lên vài tấm ảnh: Tớ không những không chết mà còn sống, sống hơn bọn “cơ hội” cả trăm, ngàn lần. Tớ trang bị cho tớ những gì là tốt nhất, mua piano, mua xe đạp, (làm gì có xe máy, có ô tô, có nhà mà mua?)
Tớ còn thỉnh thoảng kéo cả gia đình vào khách sạn Rex, số 1 Bà Triệu dành cho khách Quốc Tế (có thẻ riêng dành cho một số văn nghệ sỹ). Phải nói thiệt tình là tớ đã cố tình "chơi trội" để trả lời cho cái bọn cơ hội là "Tao đang được tự do đây!”, "Tao đang hạnh phúc đây!” chứ ăn uống ở nơi này đâu có ngon bằng chim quay Tiểu Lạc Viên Tạ Hiền hoặc... bún Lờ... ngõ Tạm Thương!... Cứ tưởng cuộc sống cứ thế mà tiến lên, tiến đều, tiến mãi... Nào ngờ!...
Cuộc chiến thứ hai lại nổ ra, ác liệt hơn, dài ngày hơn và... chết chóc hơn! Cuộc chiến chống Mỹ! Cụ Hồ đã ra hịch: "Này Giôn Xơn!....Dù Hànội, Hảiphòng... dù phải đánh 15 năm, 20 năm hay... lâu hơn nữa..."
Vậy là, mọi kế hoạch riêng tư, mọi vun vén gia đình, tất cả đành... xếp lại! Lên đường chống Mỹ! Ba đứa con tớ phải... lên đường trước tiên!
May mà 2 đứa nhỏ nhất được ở một nơi (trại trẻ của Vụ Nghệ Thuật nơi nuôi dưỡng con cái nghệ sỹ), vợ một nơi, thằng lớn theo trường ở một nơi. Còn tớ thì thề chết sống với Thủ Đô nên... chẳng đi đâu cả (!) vì tớ vững tin là Hànội không thể trở thành bình địa được! Đi sơ tán đây chẳng qua chỉ là một đòn chính trị để tỏ cho "thằng Giôn Xơn" biết là "tao quyết hy sinh chiến đấu đến cùng" đây mà thôi! Sức mấy mà dám thả bom vào gần trăm cái sứ quán nước ngoài đang vẫn hàng đêm sáng đèn, nhẩy đầm tắc xình xình, chỉ cách nhà tớ chưa đầy 100 mét!

Vả lại tớ còn phải làm nhiệm vụ "con thoi", tiếp tế cho vợ, cho con ở 3 địa điểm khác nhau. Trung bình mỗi tuần cái xe Spouních của tớ phải đi 300 cây số, vượt sông Hồng bằng phà ở bến Phà Đen (những ngày cầu Gia Lâm bị đánh gãy) Tối um,... hồi hộp... đứng tim khi nghe tiếng còi báo động cất lên đẻ… tắc lưỡi... mặc kệ số phận... chứ biết làm gì? Chả là, tuần nào tớ cũng có nhiệm vụ tảỉ đồ tiếp tế cho ba nơi, đủ thứ gạo, dầu, thậm chí cả mấy cái bóng đèn hột vịt cho con để có cái đêm đêm học tập, làm bài! Đâu nào có thiếu dũng cảm như mấy anh lái xe trên đường vô tuyến lửa khu IV? Phải chăng vì cái "hy sinh, anh dũng" này ít được nói đến chỉ vì nó nhằm mục đích "không cao cả": hy sinh liều chết chỉ vì... cho gia đình?

Riêng các nhà hát, trường nhạc chạy tuốt lên tận Bắc Giang. Piano đặt trong hầm, tập tành thì không dám vì dân sợ không nghe được tiếng máy bay, nhất là mấy ông contre basse, cello, tuba... cứ cất tiếng lên là bà con chạy tóe loe, tưởng "Thần sấm", "Con Ma" đã tới!

Tóm lại Hànội, Hảiphòng và nhiều thành phố khác tuy chưa tan nhưng các nhà hát các cơ sở văn hóa thì tan... tác.! Riêng cơ quan tớ, chỉ vì xin lên xin xuống một cái xe chở đĩa hát mới in ởTiệp về không xong mà mất tiêu cả một toa tầu toàn đĩa hát bạn mới "in cho" đang còn tắc ở ga Giáp Bát!

Cái cảnh gia đình tan tác, mỗi người mỗi nơi này nó kéo dài cho đến hết năm học 1972-73, nghĩa là con tớ từ mẫu giáo đã học xong cấp 2 toàn ở nơi sơ tán, nghĩa là biết viết… trên đầu gối (do làm gì có ghế, có bàn nên chữ học sinh sơ tán xấu hơn gà bới!! !) Còn thằng lớn thì đã đỗ tú tài (hệ thống 3 cấp 10 năm nên không được gọi là cậu tú)! Khiếp không cái bước chân vô cảm của thời gian! Lão Kissinger tuyên bố "push the North Viêt Nam to the stone age" có thể hôm nay không còn nhớ là mình nói gì. Nhưng tớ thì... tớ nhớ (! ?) vì tớ thấy cái cuộc chiến này, tuy không thể đẩy cả cái dân tộc này về thời kỳ đồ đá đúng với ý đồ của ông ta nhưng (chắc là ông ta không tính đến đâu), nó đã vô tình (hay bắt buộc?) đẩy không ít dân miền Bắc vào con đường phải có những trái tim... đá thật! Và đó cũng là nỗi Đau nhất của những ai, đang cùng tớ, vẫn giữ nguyên được nhịp đập của trái tim Người!...
Tớ thật là sững sờ khi tới thăm con bé út nhà tớ ở nhà trẻ nơi sơ tán. Mới 6 tuổi đầu mà nó đã dám... cắt cổ một con gà do cô bảo mẫu giữ chặt hai chân và 2 cánh! Tất cả những đứa bé xa cha mẹ đều tự túc với mọi "khả năng tiềm tàng" (?) để tồn tại và biết làm mọi công việc mà, giá như ở nhà với cha mẹ, không phải đi sơ tán cả 7, 8 năm trời, chúng không bao giờ phải làm. Không một đứa nào đòi về theo cha mẹ khi có dịp cha mẹ đến thăm vì chúng thừa biết là có đòi cũng không được! Không có sự chăm chút của cha mẹ, đối với chúng dần dần trở thành điều tất nhiên! Rung động, khóc lóc trước những mất mát, những cuộc chia ly đối với chúng gần như quá nhàm chán. Tớ càng bị ảnh hưởng mãi với cái việc "đá hóa trái tim" này khi có nhiều dịp đi về các vùng nông thôn miền Bắc. Ở đấy không còn mấy đàn ông, nhà nào cũng có người hy sinh nơi mặt trận (miền Nam là chính), nhà nào cũng có treo 1, 2, thậm chí 3 bằng "Tổ Quốc Ghi Công".
Vậy mà, tớ nghe thấy toàn... tiếng cười. Mà đau hơn là những tiếng cười của một đám phụ nữ khăn trắng trên đầu, đang truyền tay nhau vật liệu, (ngồi tít trên mái nhà), lợp lại cái mái tranh đã cũ nát! Còn ở dưới sân, cũng toàn phụ nữ, đang thui một chú chó vàng, chuẩn bị liên hoan, cũng cười vui như nắc nẻ!
Chuyện này, cánh tớ đã thực mục sở thị ở cái làng Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Đông, nơi có bà chủ tịch tên là Chị Mười, ngoài ba mươi, khá xinh đẹp nhưng vẫn chưa làm sao có nổi một tấm chồng! Phải chăng có quá nhiều lần truy điệu chồng con, có quá nhiều nước mắt đổ ra nên trái tim phụ nữ đã thành... đá?
Tớ càng đau hơn khi hỏi bà mẹ Soan ở cũng cái thôn có cái tên lạ lùng mà rất hợp cảnh, hợp người là... Đông Lỗ ấy rằng: "Mẹ có tin gì về con trai mẹ lên đường đánh Mỹ không?" Có biết bà đã trả lời thế nào không?: "Ôi dào, nó đã đi Bê thì còn mong gì nữa mà mong!!! Cả cái thôn này, có ai về đâu!”
Thế đấy, con người chấp nhận cái chết như một định mệnh không thể cưỡng lại. Cho nên, buồn, khóc hình như tớ gặp rất ít... mà ở đâu tớ cũng chỉ thấy tiếng cười... "lạc quan cách mạng"! Điều này tớ càng ghê rợn khi có dịp đi vào đường 559 (đường Trường Sơn).
Triết lý sống của những con người trên con đường này là: "Đánh chưa chắc đã trúng, Trúng chưa chắc đã chết, Chết chưa chắc đã mất xác!”.
Và thật là như thế! Biết làm gì khi nhiệm vụ được giao là phải cắm chốt tại chỗ (đã có tọa độ ghi trên bản đồ của không lục Hoa Kỳ), chịu đựng mỗi ngày 9 đợt bom B52 rải thảm! Hết đợt bom là chui ngay ra khỏi hầm hộ tống sửa lại đường cấp tốc cho xe qua?! Tớ mà cứ phải nằm ở cái cua chữ A đó vài ngày thì tớ cũng trở thành... anh hùng là cái chắc! Sức mấy mà bỏ chạy, mà... Bê quay!
Cái Tiểu Đoàn 2 công binh trên Binh Trạm 12 đó hỏi còn làm sao rung động nổi với cái chết khi cái chết đối với họ chỉ là... trò đùa! Tớ càng đau khi thấy lúc đi thì còn Mẹ Suốt, còn 10 cô gái Đồng Lộc, lúc về thì... tất cả đã hy sinh. Biết được tin này, chẳng ai trong bọn tớ nhỏ được một giọt nước mắt và càng không một ai sau này trở về, viết một dòng nào về họ!
Thì ra những "kỹ sư của tâm hồn" cũng đã bị "đá hóa" trái tim đến mức không thể rung động trước những cái chết mà mình đã biết truớc cả này! (Vậy mà vừa qua, Hội Âm Nhạc t/p HCM tổ chức cho các nhạc sỹ đi tham quan... tượng đài 10 cô gái Đồng Lộc chết đã hơn 30 năm. Chỉ có nghe kể chuyện thôi mà có một nữ nhạc sỹ, sau một tuần đã rung động tới độ... "cho ra" một phát tới... 10 ca khúc! Làm gì mà bọn tớ chả phải... bỏ nghề!

Phải chăng vì chúng tớ đã gặp gỡ, đã vui đùa với hàng trăm cô gái Đồng Lộc khác trên đường Trường Sơn, những cô gái tuổi mới chỉ 18, 20 mà đã mất hẳn... kinh nguyệt, mà đầu vú đều teo tóp (hiện tượng này đã được nêu trên báo chí), da dẻ xám xịt, tóc rụng gần hết... trên các ngầm Cà Ròn, Ta Lê... Và đau hơn nữa các bạn ơi! Những con người vừa nói chuyện tếu táo với chúng tớ đó, vừa cấu nát cánh tay của nhạc sỹ H.Đ, vừa thú thực với tớ và nhạc sỹ V.D là "bọn em sẽ ở đây cho... đến chết!? Chứ về quê, ai thèm lấy con gái Trường Sơn, khỉ chẳng ra khỉ, người chẳng ra người!” thì... hai hôm sau, khi trở lại... tất cả đã... "bốc hơi", không một dấu vết, sau mấy đợt bom B52! (Tội nghiệp chỗ họ không có điều kiện đào hầm hộ tống như ở tiểu đoàn 2-công binh! Còn lại chỉ là mấy... "nấm mồ tượng trưng" với những cái tên ghi nguệch ngoạc trên một miếng gỗ tháo từ thùng lương khô Trung Quốc! Thú thực với các friends rằng: chính cái cuộc "đi thực tế"... phũ phàng này đã làm tớ phải suy nghĩ nhiều đêm dài và... tự dưng thấy dị ứng với mọi sáng tác ca ngợi người đã chết, dù là cái chết đẹp đẽ, anh hùng, biết mấy đi nữa! Nhất là khi viết về những cái chết có tên, có tuổi, có địa danh... thì tớ luôn có phản xạ tức thì trong tâm hồn: "Làm sao những nam, nữ anh hùng vô danh mà tớ đã gặp kia, chỉ một đêm "bốc hơi" tất cả trên các ngầm, các khe (mang những cái tên chẳng Việt Nam tí nào) lại... thiệt thòi quá vậy?
Làm sao họ có thể bị quên lãng nhanh chóng và lạnh lùng đến thế? Thế rồi, từ "làm sao", chuyển thành "thế nào"? chuyển thành "vì sao"? nó cứ luẩn quẩn trong đầu, làm tớ mất dần cái "phương hướng sáng tác" để rồi tự... tịt ngòi luôn cho đến ngày 30/4/75 (mà tớ sẽ kể ở các entries sau)

Tóm lại, với cái cuộc chiến thứ 2 này có lẽ, có lúc, lịch sử sẽ phải phán xét... lại, sẽ phải tổng kết... lại về sự tổn thất, hy sinh ghê gớm của dân mình. Nhưng dù con số mất mát có to lớn đến đâu, thì mọi sự đã qua rồi! Riêng cái nỗi đau "đá hóa của trái tim con người" thì, theo tớ, nó còn ở lại, dai dẳng trong mọi con người, di hại đến cả vài ba thế hệ... sống trơ trơ giữa những đau khổ của đồng loại, sống không cần tình thương yêu, sống liều mạng, sống không có ngày mai... THỦ PHẠM CỦA MỌI SỰ ĐÁ HÓA NÀY CHÍNH LÀ CHIẾN TRANH… mà mọi cuộc chiến tranh theo tớ, dù chính (hay tà) cũng chỉ là theo ý đồ của các nhà chính trị! Còn đối với cả tỷ, tỷ dân trên trái đát này thì chiến tranh, chỉ có nghĩa là mất mát, là tang tóc, là máu chảy, xương rơi, là đầu óc, gan ruột, tim phổi, phèo... nát bấy dưới mưa bom bão đạn, là vợ mất chồng, cha mất con, là cửa nát, nhà tan... Còn đối với văn hóa thì chiến tranh đồng nghĩa với hủy diệt... Không thể có một cái "chân thiên mỹ" nào tồn tại trong các tác phẩm ca ngợi sự đâm chém, bắn giết dù đâm chém một con lừa hay một con bò cả!

Và nguy hại hơn nữa là khi con người đã chai lỳ với những cuộc chém giết, khi tâm hồn và trái tim đã hóa đá đến mức phun ra những thứ triết lý chiến tranh kiểu "Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân" hoặc "Đi đánh Mỹ vui như là đi trảy hội"... hoặc lãng mạn hoá chiến tranh kiểu "Đường Trường Sơn ta qua... mà vẫn đầy đủ "nai vàng ngơ ngác (! ?) để rồi ngắt một đóa hoa rừng mà cài lên mũ ta đi!”... Văn nghệ kiểu này, sau khi đi Trường Sơn về, tớ thấy là... Tội Ác, là đánh lừa người không biết mùi chiến trận, là cười cợt trên cái chết của hàng trăm, hàng ngàn người mỗi ngày, là ru ngủ một cách vụng về, thậm chí ác độc trước những nỗi đau của các bà mẹ, của những người vợ đang khăn tang trắng làng tớ, làng anh, làng bạn,... làng chúng ta, từ Nam ra Bắc! CHIẾN TRANH! CÁI CON QUỶ PHÁ HOẠI "CÁI THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ CUỐI CÙNG" TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ CỦA CÁC NHÀ CHÍNH TRỊ MONG SAO KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI TRÊN MẢNH ĐẤT KHÔNG MAY MẮN NÀY NỮA!

Vì chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc của mọi con người, trong đó có "mẩu hạnh phúc cỏn con" của gia đình tớ

Sunday November 25, 2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

29. Có đi có lại mới khoái làm blốc-gơ -
MỘT ENTRY "CÓ VẤN ĐỀ"
(Bản này có sửa chữa và bổ xung một bài thơ của cụ N.Đ.Thi)
Tô Hải – 06/12/2007

Kể từ khi bài "Vì đâu tôi mất cái mẩu hạnh phúc cỏn con" lên được blốc, tớ đã dành khá nhiều thời gian để trả lời các Email, các messages, các cú điện gọi đến từ khắp nơi! Tớ thật sự... " khoái tỷ" vì không ngờ, mới lên Blog có hơn ba tháng mà đã có trên 14.000 views mà đại đa số những "comments có chất xám" lại là ở các bạn trẻ, từ khắp nơi kể cả ở châu Âu, châu Mỹ, Úc, Đại Hàn...
Trong những comments đó, tớ vui mừng nhất là thấy có những bạn trẻ chất vấn lại tớ... Tại sao? Thế nào? Có thật như thế không? Nó chứng tỏ lớp trẻ ngày nay không còn ngây thơ và... ngây ngô như cánh tớ cách đây 62 năm nữa! Tớ đã cố trả lời vắn tắt trong các reply nhưng không sao thỏa mãn nổi và câu hỏi cứ đến càng ngày càng nhiều. Cũng phải nói về chuyện nực cười của mấy bố "già ù cạc cạc", cỡ... "em em" tớ, thì lại được dịp chửi tớ "Càng ngày càng... Mất lập trường!!!”
Thậm chí có bố còn gọi điện xui tớ "bỏ ngay cái trò blốc-bliếc đi, kẻo..." Tớ cứ buồn cười cho cái sự... "lo cho bạn" của mấy ông già mắt càng mù, tai càng điếc, và não càng nhũn bét từ khi được nhận thêm một tấm huân chương hay cái thẻ công nhận 4, 5, 60 năm tuổi đảng! Buồn thì ít mà cười thì nhiều vì... lập trường của các ổng đâu có phải là lập trường của các chú lãnh đạo ngày nay? Vậy thì tớ là cái anh CHẲNG CÓ CÁI LẬP TRƯỜNG GÌ CẢ NGOÀI CÁI LẬP TRƯỜNG CỦA TỚ TỰ ĐẶT RA CHO MÌNH thì... anh nào bảo tớ mất lập trường, tớ sẽ kiện ra tòa về tội... vu cáo tớ cầm nhầm lập trường của người khác đấy! Tớ hiểu cái từ stand point là như vậy. Stand point của tôi là của riêng tôi. Ai không thích quan điểm của tôi thì... xin mời đi chơi chỗ khác! Thế thôi!
Bây giờ tớ lại xin phép nhai lại "cái món khó nuốt".

Vì đâu tớ mất cái mẩu "hạnh phúc cỏn con" này một lần nữa:
1- Các friends chú ý cho tớ ở hai chữ "Vì đâu" chứ không phải... "Vì ai"... Tớ muốn nhường cái câu hỏi "vì ai" này cho các vị tiến sỹ, giáo sư (thứ thiệt) về sử học của toàn thế giới (đặc biệt các nghiên cứu sinh có dòng máu Việt ở nước ngoài) vì tớ không được may mắn "sờ tận tay day tận mặt" những tài liệu top secret mới được bạch hóa trong các kho lưu trữ của các cơ quan chính phủ có dính líu đến hai cuộc chiến tranh 45-75 ở Việt Nam này (đặc biệt các tài liệu của KGB và STASI). Tuy nhiên, với bản chất hay tò mò tìm hiểu những "cái gì đang xảy ra sau ổ khóa" (???) từ thưở luôn biết đặt câu hỏi "tại sao" trước mọi vấn đề của xã hội, tớ cũng cố trang bị cho mình một ít lý luận rút ra từ thực tế để có niềm tin mà tự tạo cho mình một cách sống, một cách đối nhân xử thế phù hợp...
Bởi vậy, mới có cái chuyện tớ dám công khai lên án CHIẾN TRANH (nói chung) và phủ nhận những "thành tích" "Không cho chúng nó thoát", "Đánh đích đáng" "Nếu chúng bay thò tay lên đất này, ta chặt ngay"... "Các anh đánh hay hung! Hú"… của miền Bắc cũng như "Cung khúc Võ Đại Tôn", "Khoác áo màu đen", "Một hai ba chúng ta là lính" hoặc tệ hại hung hăng, khát máu hơn nữa như "Vì gia đình tôi phải giết, phải giết/ Giết mười người, giết mười người/ Vì xóm làng tôi phải giết, phải giết/ Giết ngàn người, giết ngàn người... (trích "Nhân danh"... của ông nhạc sỹ P.D).
Mà cũng chẳng cần phải tớ lên án! Lịch sử đã sang trang, tất cả những thứ gọi là "âm nhạc đánh nhau" đó, cả hai miền Nam Bắc, có ai thèm nhớ đến nó. Và những người làm ra "Không cho chúng nó thoát" bây giờ nghĩ gì khi "chúng nó" đang, đã và sẽ còn đàng hoàng đến giữa thủ đô HàNội, giữa tiếng hoan hô với cờ huê phấp phới. Và đại nhạc sỹ P.D nghĩ gì khi, hôm nay trên trang quảng cáo thường xuyên của báo Tuổi Trẻ, ngày nào cũng có có dòng chữ "NS P.D kính mới" (trên mẩu quảng cáo của phòng trà Tinh ca, 1A, Phổ Quang, Tân Bình), khi chính những người được "kính mời" đó lại là những người mà P.D hô giết! giết! bằng... âm nhạc! ?
Vậy thì, cái vấn đề... "có vấn đề" của tớ là phủ nhận những thứ văn học nghệ thuật ca ngợi chiến tranh, lãng mạn hóa chiến tranh không phải bỗng dưng mà có! Thực tế lịch sử đã phủ nhận nó. Thực tế âm nhạc "hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc của Đổi Mới" hôm nay, qua các chương trình vinh danh các sao, siêu sao, các "ai-đôn"... (mà quyền lực cao nhất là các ông bà ở VTV3) đã vứt nó vào sọt rác từ khuya rồi. Tớ có vu oan giá họa cho ai đâu!

Tớ chỉ nói lên cái "ĐAU" của riêng tớ vì đã mất quá nhiều công sức, thậm chí suýt mất mạng nhiều lần mà ngày hôm nay, cái "hạnh phúc cỏn con" cũng mất nốt. Còn ai kia, không thấy có nỗi đau gì thì... Một là: ông (hay cụ)... nói dối vì nói dối đã thành bản chất của ông hay cụ rồi. Hai là: ông (hay cụ)... "vớ bở" được hạnh phúc "Trời" cho hay con, cháu trở thành "đảng viên-giám đốc-tư sản mới" cho! Ba là: Các vị sợ mất cái "lạp sường" đã mốc meo từ ngày những cái xưởng chế tạo ra cái thứ lạp sường đó đã phải đóng cửa! Nhưng ở nước ta, chưa có phép nên phải giữ vững cái lạp sường đó trong tủ lạnh để... chờ thời!

Riêng với tớ, lập trường trước sau KHÔNG BAO GIỜ NHƯ MỘT, tớ cho là đúng nhất, nên tớ cứ nói thẳng nói thật về cuộc đời khốn lịn của tớ ra. Vả lại toàn những chuyên thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thời kỳ Đảng Lao Động Việt Nam cả. Chẳng ai nỡ ghép tớ vào tội Chống phá nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hay chống lại đường lối hiện hành của Đảng Cộng Sản Việt Nam Thế Kỷ XXI cả đâu! Các friends đừng có lo cho tớ! Tớ biết phải làm gì và sẽ phải làm gì!

2- Một thắc mắc tớ cần "nhắc lại cho rõ" là: Vậy thì tớ phủ nhận hết những gì của văn nghệ chống Pháp và chống Mỹ à? Xin thưa: Tớ chỉ phủ nhận những tác phẩm, tác giả nào đề cao, ca ngợi sự chém giết, hô hào người ta đi vào chỗ chết cứ như đi vô chỗ không người,... đã đi là.... tha... ắng!! B52 là "Bê quăng sai"...trăm trận đánh là trăm trận thắng! Vì đó là không biết gì về chiến tranh và không hiểu biết gì về chuyện... cứ mỗi ngày người ta đang mặc cả nhau về hình dáng cái bàn đàm phán ở Paris, về một điều khoản, một chi tiết nhỏ về bản hiệp định sẽ ký, là có bao nhiêu thây người tan xác...
Chính tớ là tác giả những "Sẵn sàng! Bắn" những "Bài ca đánh thắng giặc Mỹ" những "Từ trận đầu đánh thắng"... đã phải tự... tịt ngòi ngay khi một lần đi vùng "Cán Chảo" và một lần đi đường 559, khi chứng kiến tận mắt "bộ mặt thật" của chiến tranh. Rồi lại chứng kiến chính Henry Kissinger đàng hoàng đổ bộ vô HàNội rồi lại... còn sống đến hôm nay để nhìn thấy ông Bush... "áo gấm về làng"!
Vậy thì lý luận nào đây về cái trò biến văn nghệ thành... vũ khí, biến văn nghệ sỹ thành những kẻ giết người bằng ngòi bút, bằng tiếng hát, bằng thơ ca? Cái tật... KHÔNG CÓ LẬP TRƯỜNG TRƯỚC SAU NHƯ MỘT ĐÂU CÓ PHẢI TẠI TỚ? Kiên định lập trường mới là chuyện bất bình thường chứ!

Xin phép mấy vị tiên chỉ như Văn Cao, Vũ Cao, Nguyễn Văn Thương, Hữu Loan, Trần Hữu Thung... những gì là nghệ thuật đích thực các vị để lại cho đời qua hai cuộc chiến tranh đều là... của quí nhưng... lại hơi bị... hiếm quá! Không phải vì các vị không có tài. Nhưng một tấm gương bị đánh đấm tới tấp của "Màu tím hoa sim" đến mức cứ thấy... hoa sim là... "rét" rồi là có thật!
Cho nên để tránh chuyện chữ "Tài" mang đến chữ "Tai" tức thì,... nên các vị đó đành dừng cái tài ở một vài tác phẩm "thiếu tính chiến đấu" mà thôi! Giới nhạc cũng có "Tình ca" của Hoàng Việt dám hô to: "đập tan chiến tranh đẫm máu", Đoàn Chuẩn với "Gửi người em gái miền Nam", Hoàng Hiệp có "Câu hò bên bến Hiền Lương", Nguyễn Tài Tuệ có "Xa khơi", một thờì được sống, một thời... xuýt chết vì các nhà "ný nuận văn nghệ cách mang" đấy!
Chính tớ được nghe ông Trần Lâm UVTU Đảng, người nắm cái đầu ra độc nhất của nền âm nhạc Việt Nam thời đó là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát biểu tại 58 Quán sứ, trước hàng trăm các nhạc sỹ, già có, trẻ có chuyên nghiệp có, nghiệp dư có, rằng: "Viết về miền Nam, bây giờ không thể quên cây... tờ rông-pét! Tiến lên! chiến đấu và... chiến thắng! Hãy xếp mọi thứ nhớ thương, du dương, uỷ mị lại.!”
Và quả là như vậy, những bài viết từ gan ruột các nhạc sỹ tớ kể trên đã một thời gian dài bị "lưu kho" là có thật cả đấy!̀ Thì ra, cái gì nói đến sự rung động của trái tim con người, cái chất "nhân văn" của văn nghệ đã bị người ta coi như (hoặc tưởng là)... nhân văn theo kiểu... chống phá cách mạng của Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt cả!

Cho đến hôm nay, cần cho lớp trẻ bị... "quáng gà lịch sử" biết bao những bài thơ, những bút ký, hồi ký, thậm chí "những lời thú tội" kiểu "Tôi?Ai?" hay "Trừ đi", hay "Bánh vẽ" của bác Chế; như...

"Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng/ Chỉ có một đêm, còn sống có 30?Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?/ Tôi, tôi người viết những câu thơ cổ võ/ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong/ Một trong 30 người kia, ở mặt trận về sau 15 năm/ Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ, Quán treo huân chương, đầy mọi cỡ, Chả huân chương nào nuôi nổi người lính cũ/ Ai chịu trách nhiệm vậy? lại chính... Tôi! Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời... Tôi ú ớ! Người ấy nhắc những câu thơ làm người ấy xung phong/ Mà tôi xấu hổ/ Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ/ Giữa buồn tủi, chua cay vẫn có thể...cười!

hoặc "thơ di cảo" của bác Nguyễn Đình Thi viết ngày 18 tháng 4 năm 2003, trước khi qua đời, tại ngay giường bệnh:

(Trích...)"Tất cả Người tôi còn nhiều bùn tanh/ Mặt tôi nhuốm xanh, nhuốm đỏ/ Tay tôi vương nhiều đồ bỏ/ Nhiều giây nhợ tự buộc mình/ Thôi! xin tha cho mọi lỗi lầm/ Quên cho những dối lừa khoác lác/ Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác/ Và ngu dại còn nhiều lần hơn/ Mong anh em hiểu, đừng cười/ Tôi gửi lại đây chìa khoá cửa nhà tôi đó/ Ngổn ngang... qua tạm cuộc đời...(đang còn phổ biến rất ít ỏi trên mạng vì tác giả đã dặn lại con trai Nguyễn Đình Chính là chỉ phổ biên rộng rãi vào năm 2014!?)

Tớ được biết còn nhiều những "confessions"đã, đang và sẽ xuất hiện bằng mọi hình thức để các tác giả "nhận tội" trước lịch sử... và để họ... nhắm mắt được chặt khi từ giã cuộc đời điên đảo này. Thế thì̀, việc tớ lên án và tiếc nuối cho cái thời làm văn nghệ chiến tranh mà không hiểu chiến tranh là gì, đâu có đến lượt tớ là người đầu tiên nói... thật?, đâu có tác dụng gì hơn bài thơ của cụ Chế, sâu sắc gì bằng bài thơ của cụ Nguyễn!

Cho nên các friends yêu quý ơi! Tớ sẽ còn viết, còn kể ra mọi sự thật... chẳng sợ một sức ép nào. Hãy đọc và động viên lão "già mà ham" này thêm nhiều nữa vào!

o-o-o-o-o-o-o-o-o-

30. Tớ đi bầy tỏ lòng yêu nước

TỚ ĐI TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÉP
(Báo cáo nóng với các friends)
Tô Hải – 16/12/2007

Cả tuần nay, lòng yêu nước bẩm sinh bỗng trỗi dậy... Không làm việc được... Không ngủ được. Không ăn được. Càng không thể ngồi vào computer "kể chuyện xưa" cho các friends nghe nữa... Ôi! cái thân già ngoài 80 lúc này thấy bất lực đến thảm hại... Nghe mọi lời kêu gọi trên các Blog, khắp nơi tham gia biểu tình chống bọn Tầu cướp đất mà thấy nôn nao trong lòng. Định chỉ hưởng ứng bằng... keyboard, ủng hộ các cháu, các con bằng lý lẽ thì bỗng dưng qua khe cửa ai đã nhét vào một tờ giấy in vi tính hẳn hoi (như một lời đe dọa) : "Không tham gia mọi cuộc biểu tình do bọn phản động, bọn khủng bố Việt Tân (?) bọn này, bọn khác..”.
Tóm lại, ai đi biểu tình ngày 16 tháng 12 này sẽ là bị bọn phản động đủ mọi mầu sắc... lợi dụng và sẽ có nguy cơ ra tòa lãnh án không phải chống chính phủ Trung Quốc mà là chống chính phủ và Đảng Việt Nam là cái chắc!...

Thế là tớ không còn nén được nỗi uất hận nữa. Tớ vùng lên khỏi giường bệnh, mặc quần áo quân phục (lúc nào cũng ghim sẵn cả đống huân chương) và... quyết tâm lên đường. Nhưng khi nhìn vô gương, tớ thấy tớ... vô duyên và xấu giai dễ sợ. Cái anh lính cụ Hồ cách đây hơn nửa thế kỷ trông thảm hại và... hết khí thế, thậm chí trông lạc lõng đến thế này ư? Thế là tớ cởi phăng cái áo lính để được mặc vào cái áo dân thường vì biết đâu cái áo dân thường sẽ làm tớ gần gũi hơn với mọi người hơn là cái áo lính đầy huân chương của một phía?

Đúng 9 giờ tớ có mặt tại ngã tư Hai Bà Trưng - N.T.M.Khai! Eo mẹ ơi là cá lớn, cá nhỏ, hàng rào ngăn chặn đường vào tòa lãnh sự của ông Anh! Tớ càng nổi khùng,... cứ tập tễnh, chống gậy quẹo phải... Một con cá non choẹt hỏi tớ: "Bác đi đâu?" Tớ điên tiết trả lời "Đi yêu nước!” và cứ lừng lững tiến về hông nhà Văn Hoá Thanh Niên, sẵn sàng gây xì-căng-đan nếu mấy tên này cấm đường đi lại của công dân!
Có lẽ thấy cái lão già sắp chết này cũng chẳng mấy nguy hiểm cho an ninh quốc gia nên họ đành lờ. Tớ hiên ngang (nhưng hơi lập cập!) cứ nhằm chỗ nào có nhiều người gác, chỗ nào có nhiều bọn chỉ điểm tay luôn bấm điện thoại di động mà không bị bọn mặc cảnh phục "ý kiến" là xông tới!
Tớ vào thẳng cổng chính Nhà gọi là Văn Hóa Thanh Niên (tức Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn cũ, số 4 Duy Tân) để định chất vấn hẳn chú Nguyễn Thành (chưa) Tài về tại sao chú nuốt lời hứa “sẽ tổ chức biểu tình đàng hoàng, trật tự” …hay chú nhận được lệnh của Hànội cấm không cho biểu tình theo như chú hứa tuần trước.
Lập tức có hai tên "cánh tay phải" của Đảng ra trả lời thẳng thừng... "Không có gì trong này hết! Mời bác đi tới, đi tới đi! Đi!... Đi!”
Có một điều hơi lạ là: Có rất nhiều chú Tầu con, mặc đồ xi-vin, đứng rải rác 4 góc cái nhà văn hóa đó, liên tục gọi nhau dưới sự "cho phép rõ ràng" (hoặc đồng lõa) của lực lượng an ninh Việt! Sở dĩ tớ dám chắc là bọn an ninh Tầu hoặc nhà báo Tầu vì bọn này có lẽ coi thường thằng già ở cái... huyện Việt Nam này không biết tiếng Tầu (!) nên chúng cứ nói oang oang thoải mái!...
Tớ lại vịn vai bà xã lết đến bãi cỏ xế Sở Ngoại Vụ. Đây là chỗ tập trung đông nhất vì nó đã khá xa nhà các quan Tầu. Anh chị em sinh viên hô khẩu hiệu, hát hò chẳng qua là để... tự nghe, tự xướng mà thôi! Tuy nhiên, ngay cái đám đông này, với con mắt của một đệ tử của Conan Doyle, J.H.Chase, Peter Cheyney..., tớ đã nhận ra ngay... một nửa là những... "cá, mú chống biểu tình", bảo vệ tình hữu nghị Trung Việt đến cùng!
Tớ theo dõi một con đĩ trạc 35-40 tuổi nó dắt một chú công an trang bị đủ thứ công cụ đàn áp (súng, dùi cui, còng số 8...) đến từng người mà nó yêu cầu "dẫn đi" (hầu hết là những người trong tay có khẩu hiệu rất biết điều như "TS, HS là của Việt Nam"... nhưng không làm vừa lòng các đồng chí Tầu vì các đồng chí đó vừa được Quốc Vụ Viện thông qua là của các đồng chí đó!)
Tớ chờ đến cuộc "dẫn đi" thứ ba và tớ bắt đầu la lớn lên!”Tại sao lại bắt người yêu nước!” Cái con mụ này, từ nãy nó chỉ điểm bắt ba người rồi đồng bào ơi!” Thế là đồng bào vây tới. Bọn chúng vớt vát... "Ấy!... ấy có bắt bớ gì đâu bác! ? Chỉ giải thích để họ đừng làm khó cho việc ngoại giao của nhà nước thôi mà"...
Thế là, tớ được dịp được nói lên tất cả những gì ấm ức trong lòng mình... Tớ nói rất hăng về quá khứ của cánh tớ đi bảo vệ tổ quốc đâu có phải để ngày hôm nay mất dần mất mòn vào tay bọn kẻ thù ngàn đời phương Bắc.

Nhưng cái tớ muốn để mọi người nghe nhất lại là cái tuyên bố mới nhất của thăng Tần Cương, cái trang web của Bộ Ngoại Giao Tầu mới tung ra mọi văn bản mà Đảng và chính Phủ Việt Nam đã "lỡ ký" khi đang còn chung một lý tưởng đỏ hóa khắp thế giới này, dù phải hy sinh 500 triệu người dân Trung Quốc (Nghĩa là đất nào khi không còn biên cương, đều chả là của giai cấp vô sản toàn thế giới chứ! Ai quản lý nó chẳng được)
Tớ cũng nói lên cái ý nguyện của lớp trẻ ngày nay quyết không chấp nhận những ký kết bất bình đẳng đó... Tớ cũng không quên gọi tên những đồng chí của tớ đã chết để tổ quốc quyết sinh ra... tớ đập ngực tớ bình bịch… và tuyên bố: "Hôm nay tôi đến đây để... chết tại chỗ, để bị bắt cùng đồng bào yêu nước của tôi!
Tớ hăng quá đến nỗi mất tự chủ và không thở được nữa, thần kinh hoàn toàn mất điều khiển, chỉ còn nhớ có gương mặt bà xã, từ nãy đến giờ đúng lẩn trong đám đông, xuất hiện cùng cô Thục, báo SGGP, ở cùng chung cư, dìu tớ vào một phòng nào đó của nhà văn hóa T.N. Có một anh "Sáu gì đó" ra định đối thoại với tớ nhưng tớ không thèm nói chuyện với bọn nhãi nhép! Và tớ đành nghe lệnh bà xã lên xe... về nhà... để lại cái dư âm gì đây cho cuộc "tụ tập đông người" này không biết?...
Cuộc tham gia "tụ tập không có phép" này, tớ chỉ làm được có thế. Tuổi già, sức yếu, chân què... cuối đời mong đóng góp tí chút cho lớp trẻ về lòng yêu nước, tớ chẳng mong được cái lợi lộc gì, ngoài cái... nửa ngày nằm không thở được, không ăn được cho đến bây giờ... 5 giờ chiều, ngồi dậy là mở máy viết báo cáo này gủi các friends yêu quý rằng: NHÁT SY BẠO THỬ đã có... tí ti tiến bộ mà chẳng cần ai kích động, mà chẳng để kẻ phản động này lợi dụng chống kẻ phản động kia cả!

Và biết đâu đấy, từ hôm nay, trong sổ đen của An Linh Quốc Gia, chẳng có tên tớ đứng cùng 100, 1000 loại phản động đủ mọi mầu sắc rồi?
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

31. TỚ TỈNH RA THẬT RỒI
Tô Hải – 18/12/2007

Hôm nay, sau một ngày năm bệt vì "quá sức chịu đựng", tớ ngồi dậy đọc các comments về bài tường trình cuộc di "tụ tập đông người không đuoc phép" của tớ mà thấy lòng mình phơi phới tuổi sắp... 82! Hơn 90 comments cho một entry nhận được trong có một ngày! Mà toàn là của các cháu, con khắp năm châu bốn bể. Thế này thi chết cũng... xướng rồi. Tuy nhiên, tớ cũng cần "nói thêm cho rõ" về một số nhận định của tớ về cái chuyện biểu tình bị ngăn cản ngay từ trong trứng nước của tớ!

1- Có một chủ trương "Không để mất lòng các đồng chí xâm lược Trung Quốc" từ "Trên Cao" thật là rõ ràng. Chứng cớ:

a/tất cả các con đường vào Tòa Sứ Tầu ở Hanoi cũng như Saigon đều bị cấm ngặt không ai được phép bén mảng, trừ lực lượng an ninh của cả hai phía (tớ đã phát hiện trong entry trước).

b/từ ngày 12, 13... các tổ dân phố (không hiểu có phải là tất cả không?) đã phát các tờ rơi "Thông báo khẩn cấp về tình hình an ninh" (tớ đang còn giữ làm kỷ niệm và tang chứng kẻo có con của một tên việt gian bán nước nào lại nói là tớ "Nói Láo!”. Friend nào cũng có cái thông báo ấy mà có Scan thì up dùm lên cho cả làng biết là việc "ngăn chăn từ đầu" này là... có thật.

2- Người ta mang con ngoáo ộp "phản động", "khủng bố", Việt Tân, Việt Cựu, Tám bốn không sáu, không bảy gì gì đó (Khiếp! ở đâu ra mà lắm thế không biết) ra để dọa lớp trẻ hôm nay (có học có cái đầu và trái tim hơn hẳn bọn tớ ngày xưa), rằng: "Chúng mày mà đi biểu tình sẽ bị coi như tiếp tay bọn phản động kể từ hôm nay đấy!” Chắc không ít cha mẹ, người yêu các friends định đi tụ tập không có phép ngày 16/12 này cũng thấy hơi rét mà... chùn chân chăng?

3- Chính vì cái ný nuận sắc bén "phản động lợi dụng" để... dọa trẻ con này mà tớ nổi tự ái "ông già sáng suốt" lên, nên tớ mặc quần áo đi ngay ra xem cái mặt mũi bọn phản động nó ra sao mà giỏi điều khiển lớp trẻ hôm nay từ chống Trung Quôc xâm lược sang chống... chính phủ TA... thế? Và nếu có, dù sức có yếu mấy tớ cũng xông vào bảo vệ cho được mục tiêu đấu tranh mà anh em sinh viên, trí thức yêu nước đề ra là Văn Minh, Lịch Sự, Không Manh Động và nhất là không để xảy ra "thành tích Thiên An Môn" lần hai ở ngay đất nước này!

4- Tiếc thay, chả thấy cái thằng phản động nào, chỉ thấy toàn những anh chị em sinh viên hiền khô với những khẩu hiệu mà theo tớ còn quá ư lịch sự, bị lực lượng an ninh đông gấp 10 lần anh em, đủ mầu sắc phục và không sắc phục dồn về mấy bãi cỏ xa tít mù tắp với Lãnh Sự Tầu rồi tự hô, tự hát và tự xướng! Tớ thấy thật buồn cho đất nước này khi người ta chỉ bằng mọi cách làm vừa lòng ông Anh, chấp hành chỉ thị của chú Tần Cương hơn là chấp hành ý nguyện của hàng triệu "ông chủ" của đất nước, trong đó có tớ.

5- Tớ đã định trở về khi thấy chẳng có cuộc tụ tập có phép hay được phép nào xảy ra thì cái chuyện "con đĩ chỉ điểm" xảy ra ngay trước mặt tớ. Mà nó chỉ diểm "lôi đi" (không xích tay) toàn những anh em có trên tay khẩu hiệu hiền khô nhưng chạm đến chủ quuyền huyện Tam Sa mà Quốc Vụ Viện chúng nó đã chính thức phê chuẩn là CỦA CHÚNG NÓ! Vậy thì cái con mặc com-lê mầu cà phê sữa (mà cả hàng trăm con người đều biết đó), hôm nay tôi xin lỗi không gọi nó là con đĩ nữa mà gọi nó là "Con Việt Gian Đặc Vụ chỉ điểm cho Trung Quốc Xâm Luợc! Gọi như vậy có thiếu văn hóa, có mất lập trường yêu nước không các bạn? Cho nó chửi tớ, tớ càng sống lâu!

Cuối cùng là việc trả lời lại một số tên... "việt gian yêu tổ quốc Trung Hoa" (con cái hoặc chính chúng) về các thứ lếu láo, vô lễ, vô học... thì tớ thấy chả cần thiết. Ví dụ: Chúng nó bảo tớ là Cựu chiến binh "dỏm" là Lính cụ Hồ sao ăn nói hầm hố (?) như thế, hoặc là tớ nói láo về các "thông cáo khẩn cấp về an ninh", về vụ tịch thu khẩu hiệu "TS, HS là của Việt Nam"... v.v… thì đã có các friends giúp tớ đưa những clip, những ảnh, khẩu hiệu, cả giấy tờ cấm đoán cảnh cáo đuổi học nếu tham gia biểu tình không được phép của một vài trường, những chuyện công an bắt người vu cáo cho là mang... ma túy sau cuộc biểu tình (trường hợp Hoàng Hải, Tạ Phong Tần...) thì cả thế giới đều được chiêm ngưỡng "chiến thắng vẻ vang" của lực lượng an ninh rồi.

Bọn chúng cố nhắm mắt, bịt tai để vu cáo, lên án tớ và các friends, (hoặc im thin thít) chẳng qua là bọn chúng thi hành nhiệm vụ của trên: KHÔNG ĐỂ MỘT AI LÀM ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÌNH HUYNH ĐỆ 16 CHỮ VÀNG bằng bất cứ giá nào mà thôi!

Hôm nay, Huy Du, một nhạc sỹ cựu chiến binh, bạn rất thân của tớ nữa lại nằm xuống. Tháng trước thì một loạt các Vũ Cao, Chính Hữu, Phạm tiến Duật,... tháng trước nữa thì Cao Xuân Hạo, Bắc Việt... Tất cả đều là đồng chí, đồng ngũ, đồng khóa, đồng đơn vị của tớ. Họ sẽ không phải chứng kiến cái cảnh con cháu họ đi đòi lại đất nước mà lại bị quy là phản động "hoặc" bị bọn phản động lợi dụng". Còn sót lại có 2 người ngoài 80 (chỉ tính những văn nghệ sỹ cựu chiến binh thôi) là Trọng Loan (1923) và tớ... Chẳng biết ở ngoài kia mấy bác Nguyễn Đúc Toàn (1928), Văn An (1929), Lương NgọcTrác (1928), sắp sang tuổi 80 có nghĩ như tớ không?
Tớ print bài này gửi cho các bạn ấy (vì tớ đã biết là các bạn tớ chẳng ai rách việc lên mạng lên miếc làm gì. May ra... được sự tán thành, gật gù cái đầu thôi, thì cũng vui cái bụng vì tớ tự thấy... tớ là cái loại "nhạc sỹ- cựu chiến binh chẳng giống ai". "Ông già mà đi đánh đu với con nít". Một ông đại tá chiến đấu từ thời đường số 4 tới Điện Biên rồi vô Nam, đi K, vừa nhắc đùa tớ hôm qua như thế đấy!... Ối giời ơi! Các cụ cựu chiến binh ơi! Các cụ ở đâu, mà để tôi "lạc lõng" quá thế này!

Dù sao thì qua lần đi... "xem phản động" lợi dụng anh chị em thanh niên, sinh viên, trí thức lần này cũng làm tớ... TỈNH RA nhiều điều.
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

32. TỚ "TỈNH" QUÁ MẤT RỒI!
Tô Hải – 20/12/2007

Khổ cái thân già, hai hôm nay "tỉnh"... táo quá nên chẳng sao chợp mắt được... Ngồi dậy, mò tới cái computer thì chóng mặt, lưng đau... Đầu óc lúc nào cũng suy nghĩ lung tung về những gì các friends yêu quý khắp nơi gửi về... Tớ cố gắng viết thêm một entry nữa trước khi đóng Blog đi vắng ít ngày (giá mà có laptop mang theo thì tớ cũng chẳng chịu yên lặng đâu).

Cái chuyện mất ngủ của tớ nó có những nguyên nhân thế này:

1/ Ngày 17, tại Hội Nghị C.A toàn quốc, chú Mạnh lại nhiệt liệt khen ngợi các lực lượng an ninh đã dẹp tan những vụ gây rối (?) Chẳng biết vụ nào?

2/ Thằng Tần Cương lại đe dọa chính phủ Việt Nam lần thứ 2 về các cuộc "tụ tập" (dù TA – chú “cát-xét” Lê Dũng – đã tuyên bố là “không được phép” và lần này các toà đại sứ được bảo vệ còn hơn… hàng rào Mac Namara!)

3/ Rõ ràng là các cuộc biểu dương tinh thần yêu nước của anh em sinh viên lần này đã bị cô lập và xé lẻ để biến thành những cảnh pích-ních hát hò vui vẻ nội bộ... vô hại cho tình "hữu nghị môi hở răng lạnh", nhờ đông đảo lực lượng (10 chống 1 theo con số mà nhiều Blogger đã quay phim, chụp ảnh post lên mạng cho cả thế giới biết)

4/ Điều làm tớ mất ngủ nhất là... có quá ít người, đặc biệt là giới trí thức có tên tuổi, nhà văn, nhà báo,... nghệ sỹ nào "dám" tiếp sức cho lớp trẻ xuống đường đả đảo lũ bành trướng Bắc Kinh! Lẻ loi có nhà thơ Bùi Minh Quốc kêu gọi Hội Nhà Văn bầy tỏ thái độ, nhà báo Lê Phú Khải kêu gọi 10.000 đồng nghiệp lên tiếng và nhà văn Nguyễn Khắc Phục gửi thư "tâm sự" với các đông nghiệp Trung Hoa... Nhưng tất cả chỉ là….suy nghĩ và.. kêu gọi


Hình ảnh về tớ
lúc đang tố cáo con mụ chỉ điểm với anh em biểu tình
5/ Riêng với các cựu chiến binh lớp cánh tớ (để khỏi nhầm với các cựu chiến binh, tướng tá... chưa biết mùi bom đạn ngày nào) thì than ôi! Tớ phải nói lại là tớ quả là "người lạc lõng"! Họ đều chấp hành nghiêm chỉnh LỆNH TRÊN như xưa.

Tớ đến một nhà một chiến sỹ Nam tiến, từng chiến đấu ở Cầu Thị Nghè những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, nay ở ngay ngõ 131 Hai Bà Trưng, chỉ cách Nhà Văn Hóa T.N chưa tới 100 mét, nghỉ mệt và định lôi kéo ông ta đi ủng hộ anh em thì ông ta như người trên cung trăng rơi xuống, hỏi tớ: "Cái gì? Biểu tình à, biểu tình ở đâu? Tại sao biểu tình?"
Và sau khi nghe tớ kể lại cái gì đã xảy ra thì ông ta phán một câu: "Thôi! Đừng dại dính vào "ba cái vụ" chính trị chính chọe này làm gì! Sống còn được bao lâu nữa mà...".... Đến hôm sau, chẳng biết nghe ai mách, ba đồng chí… (hai nguyên đại tá, một nguyên trung tá) đến thăm tớ để.... can ngăn... Tuy nhiên, có một ông nói một câu làm tớ thấy... "Tỉnh cả người" thật.
Ông ta nói: “Thế cậu không thấy cái khóa V Lục Quân Trần Quốc Tuấn chúng mình, từ khi tách một nửa sang Côn Minh về đến giờ mất mẹ nó tên rồi sao? Bây giờ người ta chỉ còn gọi là Lục Quân 1, Lục Quân 2 thôi!”
Tớ ngớ người chưa kịp hỏi lại thì ông ta lại nói tiếp: "Cái nước mình, chẳng theo Tầu thì theo Mỹ à?!” Thế đấy! các cụ ấy đều an phận với số mệnh đất nước như vậy đó!

Quả là bưng bít thông tin có tác dụng ghê gớm thế nào đến chuyện "điều kiện hóa" (conditionner) tư tưởng con người...

Cho nên, các bạn trẻ ơi! Đừng trông mong gì vào cái lớp cựu chiến binh già này, nhất là các ông cựu chiến binh mà hôm nay có nhà cao cửa rộng, có con cái làm ăn kinh doanh phát tài...

Hãy hun sôi lòng yêu nước, sẵn sàng theo gương người xưa, khi lại xảy ra một vụ "dạy cho Việt Nam một bài học" lần thư 2... Còn hôm nay, theo tớ:

a/ Đừng để các lực lượng chống "gây rối" xé lẻ ra rồi biến các bạn thành những bọn trẻ đi pic-nic, hoặc như một Blogger đã đưa tin: một an ninh không mặc cảnh phục, biết tiếng Anh đã trả lời một nhà báo nước ngoài là: Họ chuẩn bị... "chạy việt dã!”

b/ Hãy biến những nơi được tụ tập có phép như công viên Đầm Sen, Kỳ Hòa... (phải trả tiền) làm nơi đưa mọi thông tin về việc mất đất mất biển vào tay Tầu cho nhau, đưa các hình ảnh, bản đồ, (lấy từ trên mạng) mà Tầu mới công bố ra cho nhiều người biết.

c/ Biến nhiều cuộc pic-nic "đột kích" bất thình lình thành những diễn đàn yêu nước của thanh niên..., kiến nghị tập thể, có chữ ký đàng hoàng gửi các nhà đương cục... Mặc cho các lực lượng canh gác, dựng ba-ri-e xung quanh những điểm "nhạy cảm" bị... cảm nắng, cảm mưa luôn! Thái độ vẫn là lịch sự văn minh, có học, bất bạo động, không để "kẻ xấu lợi dụng" hoặc vu oan giá họa các tội hình sự như đã từng xảy ra với Hoàng Hải, Tạ Phong Tần....

Trước khi đi Hànội chữa bệnh, tớ có một vài ý kiến với các friends yêu quý sau khi bị... tỉnh ngủ mấy đêm nay. Tớ thú thật là hết sức buồn về thái độ của "đám đông im lặng" mà tớ vừa nói ở trên... Thôi thì đành tự an ủi bằng câu "Cái gì phải dến, sẽ đến!”

Bye! bye!
Tô Hải – 21/12/2007
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

34.Nhân ngày kỷ niệm 22 tháng 12 (do một friend giúp tớ upload Score "Hát Tiếp Bài Ca Chiến Thắng")
Tô Hải – 22/12/2007

MỘT BÀI HÁT CHỐNG "BÀNH TRƯỚNG" ĐÃ BỊ XẾP XÓ

Đến giờ phút này, tớ đã sẵn sàng đi Hà Nội nhưng chưa cầm được vé máy bay, tớ lại lên Blog viết gởi cho các "friend" một bài hát tớ viết những ngày bị Đặng Tiểu Bình "dạy cho Việt Nam một bài học".
Báo chí, xuất bản đã in, đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đã phát nhiều lần rất "hoành tráng", nhưng... "thời thế" đã xếp xó.
Hôm nay, post lên mạng, ước gì có friend nào biết son-phe làm sao để nó trở thành âm thanh, động viên anh em mình tinh thần yêu nước càng ngày càng thêm sôi sục, vì tớ chắc rằng băng thu thanh "người ta" đã xóa đi rồi!

Chú ý: Bài này tớ viết không hề với tư tưởng "phục vụ kịp thời" mà tớ luôn nghĩ sẽ phải sử dụng "lâu dài" nên tớ lưu lại trong tài liệu riêng. Chẳng biết có bị quy là bị "bọn phản động lợi dụng" không? (ngay những banner treo ở trên các con đường gần lãnh sự Tầu, nhắc nhở người Việt phải thuộc lịch sử Việt theo Blogger Ósin cũng đã có lệnh gỡ bỏ hết rồi mà! ?) Tớ tiếc rằng không có băng audio nên chẳng biết cách gì gửi tiếng hát đã làm cho bao đồng bào chúng ta nhớ lại lịch sử đuổi Hán, diệt Thanh... Có thể Chaien tìm cách giúp các friends nghe được đấy...I-tờ về computer khổ thế đấy!


NỖI ĐAU CUỐI NĂM, NỖI ĐAU CUỐI ĐỜI?
Tô Hải – 26/12/2007

Bài này tớ viết đã xong, đã post lên và được 22 comments, một friend đến thăm và có sáng kiến đua tấm ảnh anh Văn đang "thiền" lên để thuyết minh cho bài viết (vì tớ rất dốt cái khoản này). Nào ngờ thao tác thế nào tớ không biết, khi up được tấm ảnh lên lại mất hết cả bài viết. Bây giờ đã là 10 giờ đêm, mai tớ phải bay sớm rồi. Có friend nào thương tớ mà copy bài này (như Sommai da copy bài... của tớ) thì báo cho tớ biết. S.O.S!

Nằm thao thức mãi không ngủ được, tớ vùng dậy, kiên quyết tóm tắt lại nội dung bài viết như sau:

Cả cuộc đời tớ, chỉ còn 3 ngày nữa là 81 tuổi Tây, 82 tuổi Ta rồi, có lẽ chưa bao giờ tớ thấy buồn, thấy bực, thấy tủi, thấy nhục, thấy lẻ loi, thấy bất lực như mấy ngày qua:

1/ Định đi Hanội để được "tắm mình vào không khí yêu nước đích thực" của lớp trẻ ngoai ấy đúng vào hôm 23/12 thì cái bệnh đau bao tử (cũng là thần kinh thôi) bỗng trở lại hại tớ. Thế là đành phải hoãn.

2/ Nằm nhà nhưng vẫn theo rõi tình hình tiến triển ra sao ở cả Saigon và Hanội thì thấy:

a./ các cuộc biểu lộ lòng yêu nước và ghét kẻ xâm lược đã bị kiên quyết ngăn chặn để vừa lòng anh Hai phương Bắc và chấp hành nghiêm chỉnh lời cảnh cáo của thằng Tần Cương!

b./ để lập nên "chiến công vang dội" này, người ta không ngại huy động một lực lượng "chống bạo động" 10 đánh một, 20 đánh một, xanh lè và vàng khè khắp mọi ngả đường.

c./ người ta đã không từ một hành động bạo lực nào, trừ nổ súng vào đám đông (mà có đám đông nào đâu mà nổ súng?). Nào ngăn chặn mọi ngả đường, nào rải quân ra khắp phố, giải tán các nhóm người dù chỉ ngồi uống cà phê, quán cóc bên lề đường chẳng cần biết có định biểu tình hay không, bất chấp pháp luật!

d. /với những anh chị em nào mà họ đã điểm mặt ghi hình, chụp ảnh qua 2 cuộc biểu tình lần trước thì... chẳng cần lệnh tòa án, chẳng cần dựa vào chỉ thị, nghị định nào, họ ra lệnh ngầm: quản chế tại nhà, hoặc mời lên C.A “làm việc” (?) cho đến tận nửa đêm, cảnh cáo "không được ra khỏi nhà", "sẽ bị đuổi học" (?) thậm chí phân công cả lô đặc nhiệm theo rõi 24/24 giờ (! ?) chẳng khác gì những người tù mới dược thả nhưng đang trong thời gian quản chế!

Chao ôi! có nơi nào trên trái đất này lại có cái chuyện cai trị theo kiểu này không? Tớ cứ phát khùng lên khi xem những tấm ảnh, những đoạn vidéo clip, những bản tin được loan trên các Blog về các vụ vô cớ bắt người, cướp máy ảnh, bóp yết hầu, tịch thu khẩu hiệu, áo, cờ, đề- can, banner, khẩu hiệu của các Blogger Điếu Cầy, Trang Hạ, Tạ Phong Tần, … mặc dù họ không hề có một hành động hay lời nói nào chống Đảng và Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa, không hề là Việt Tân, Việt Cựu gì...!
Càng không phải là bất kể một kẻ "khủng bố" nào, ngoài chính họ, những người thành tích bảo vệ đất nước cùng mình, đang bị những kẻ không một thành tích gì đang ra tay khủng bố họ không nương tay! (Đ.C là cựu chiến binh sống sót từ chiến trường K về, Tạ Phong Tần từng là Đại úy Công An Nhân Dân, Trang Hạ đang là phóng viên tại chức của tờ báo Tiền Phong, cánh tay phải của Đảng...)
Càng thấy buồn và bực làm sao khi thấy những "khúc ruột ngàn dặm" thì được tha hồ tự động biểu tình rầm rộ phản đối sự công khai xâm lấn đất nước mà chẳng bị ai chặn đường cấm cản, bắt bớ (cả phía cầm cờ đỏ, phía cờ vàng!)
Nhưng điều làm tớ thấy vừa tủi, vừa nhục, vừa lẻ loi nhất chính là Mấy ông cựu chán binh và trí thức văn nghệ sỹ nhà tớ biến đi đâu hết mà... câm tịt cái miệng lẽ ra rất có gang, có thép... Chán ôi là chán cho các bố "mũ ni che tai" hoặc "an phận thủ thường", chấp nhận bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào bảo mình phải làm gì, nói gì, không được làm gì, không được nói gì.
Ít nhất đã có hàng chục vê-tê-răng (rụng) khuyên tớ "kệ mẹ sự đời" đừng dính vào làm gì cho rách việc! Thế đấy!

Không còn những Nam Khánh, những Đồng Văn Cống, những Tô Ký... nữa rồi... Có lẽ những cụ tướng, cụ tá thời ba cuộc chiến trước (người ta hay cố tình quên cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 79 đấy) lúc này đang ngồi thiền gíông anh Văn chăng?
Hay là các cụ vẫn cho là MẤT LẬP TRƯỜNG NẾU CHỖNG TRUNG QUỐC, và kiên quyết bảo vệ 16 chữ vàng (mĩ kí) bằng bất cứ giá nào!... Nếu thế thì thôi! Từ nay tớ sẽ chẳng bao giờ kéo các cụ vào cái lớp "mất lập trường" không phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh CẤP TRÊN nữa!
Tớ sẽ cố gắng đứng về phía những người đòi lại những gì tổ tiên, cha ông để lại đã bị mất vào tay bất cứ kẻ thù nào mà chẳng cần có các cụ! Tớ lại cũng xin chào thua các vị "trí... ngủ", các vị văn nghệ sỉ (nhục), các nhà báo (cô), cùng các sĩ phu (phen), cho đến giờ phút này vẫn chưa ai dám hé môi, cầm bút hưởng ứng lời kêu gọi của một Bùi Minh Quốc, một Lê Phú Khải...
Và tớ xin gọi các vị đó là Đồ... À thôi! Để lịch sử sẽ gọi tên gì khi tớ đã chẳng còn ở trên đời này nữa, đỡ phải nghe mà ngượng thay trước tầng lớp intelligentsia thế giới.
Thế đấy! Làm sao tớ chẳng muốn chết ngay cho khỏi bị chứng kiến những cảnh ngang tai chướng mắt, lý luận cù nhầy, giá trị đảo điên này. May thay tớ còn được sự động viên của nhiều friends cực giỏi, cực tốt nên cũng đành phải cố gắng sống để chờ mong một ước mơ từ lâu sẽ sớm trở thành sự thật. Đó là: Chính từ ở cái nơi chúng ta đang đả đảo đó sẽ xảy ra một vụ Gorbachev, Eltsine (mà Triệu Tử Dương đã là một tín hiệu) 60.000 vụ đấu tranh năm ngoái sẽ thành 100.000, 1.000.000 và... chỉ một đêm những tên Ceacescu mới sẽ đền tội. Lúc đó nước Tầu sẽ như nước Nga. Còn Việt Nam sẽ như Latvia, Estonia,... của mồ ma Liên Sô cũ! Khỏi phải biểu tình biểu tiếc gì cho mệt... trừ khi họ lại coi ta là một... Chetsnya!

Chẳng biết tớ có ný nuận cùn không chứ tớ tin như thế từ lâu rồi. Biểu tình dù có to như bên cái nước độc tài quân phiệt Myanmar chẳng qua cũng chỉ là một vài lạng sức ép, giúp chính phủ Việt Nam có chỗ tựa để đàm phán (nếu có đàm phán?) Chứ sức mấy mà họ chịu nhả ra cái miếng ăn thèm thuồng đã nuốt trôi ngang cổ họng rồi! Chẳng biết chị Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng giỏi tiếng Tầu có mặt đúng lúc này ơ bển đó, có đòi lại được cái gì không hay là lại báo cáo về "thành tích đập tan những cuộc tụ tập đông người không được phép" chống Trung Quốc và lại được các thồng chí Tầu khen rối khen rít "Nị hảo! Nị hảo! Nị...ve-ry hảo!”

Bây giờ là 6 giờ 46 phút ngày 27/12/2007. Tớ tắt máy đi ra sân bay đây. Không kịp đọc lại, lỗi chính tả, lỗi đanh chữ, câu cú có thể còn nhiều. Nhưng thôi... đành chịu hết giờ rồi! Ở Hanội ai muốn liên hệ với tớ cứ gọi 0962850322. Sẽ biết tớ đang lang thang ở đâu. Trừ sáng thứ sáu 28.
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

36. Hànội... ơi quê hương...

TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG
Tô Hải – 07/01/2008

Mười ngày sống xa Saigon, hôm nay lại được về với cái hang núi tầng 11... tu tiên cùng chiếc computer, xa các friends yêu quý khắp thế giới vì ra Hanội, chẳng có ông bạn già nào còn sức, còn ham muốn, còn... "dám" lang thang trên mạng làm bạn với cả những người chẳng biết mặt mũi, lý lịch gốc gác, trình độ... ra sao. Nghĩa là các cựu... chán binh, các văn nghệ sỹ lớp tớ (75-80) vẫn cứ tự mình bưng bít thông tin, kệ mẹ sự đời, sống nốt những ngày còn lại mà... thở dài cho thế sự. Suốt 10 ngày, chỉ có một việc làm tớ vui... một cách chẳng vui vẻ gì là đi ra mộ hoặc đến tận từng nhà thắp hương cho ba thằng, một thiếu tướng, 2 đại tá bạn học cũ, trong đó chỉ có một là "có tí tên tuổi". Đó là Huy Du, mộ còn tươi mầu đất mới. Còn ba cái tên khác như Huy Thái, Lê Toàn, Trịnh Minh Quát có gọi lên cũng chẳng ai biết là ai? làm gi? Công, Tội đến đâu? thì chỉ... có tớ nghĩ thầm và điểm lại trong đầu mà thôi!

Ngoài ra, 10 ngày, nhờ ơn Nhà Nước chi tiền tầu bay, khách sạn để tớ có dịp thăm lại cảnh cũ người xưa (trên danh nghĩa là nhân dịp "50 năm thành lập Hội Nhạc Sỹ", mà tớ là Hội viên sáng lập), đi đến đâu, gặp ai tớ chỉ thấy... buồn và... buồn! Ngoài việc nhờ Blogger Linh Gia tớ được gặp mặt một số friends mà tớ không thể tưởng tượng được là họ lại trẻ trung, nhiệt tình, thông minh năng động và dễ thương đến thế. (Có bạn còn mang cả laptop đến báo cáo thành tích đi làm việc thiện tận Hà Giang Mã Pì Lèng. Tất cả đều tự túc, tự phát chẳng cần ai tổ chức cả! Kính phục quá! Gần như 90% đều ở thế hệ 7x, 8x. Tất cả đều có những suy nghĩ "không sách vở nhà trường" tí nào. Tất cả đều mong chờ một ngày Tổ Quốc Việt Nam sẽ thực sự cất cánh, thực sự độc lập, thực sự tự do, thực sự hạnh phúc!
Và cũng như suy nghĩ của lão già Nhát Sỹ này, họ đều tin tưởng vào cái quy luật đang được thời gian vận hành trong cái vũ trụ không gian phẳng này là cái gì phải đến sẽ đến! Tớ thật là phấn khởi vì thú thật, có lúc tớ cũng lo tương lai đất nước này sẽ do... "72% người đang theo học tại Hoa Kỳ trở về sau 10 đến 15 năm nữa quản lý?!”... (lời của ông tân đại sứ Hoa Kỳ!)
Không phải tớ không tin vào nền giáo dục Mỹ, nhưng tớ hoàn toàn nghi ngờ về những ai "được" đi học Mỹ? (nếu không phải đa số đều như Việt Dart!) Nhưng đến hôm nay thì tớ hoàn toàn tin ở lớp trẻ mà các friends ở trong Nam cũng như ngoài Bắc là đại diện.
Khó ai có thể "xui trẻ ăn cứt gà" mãi được rồi! nhất là kẻ xúi bẩy lại là những kẻ kém họ cả một cái đầu và một trái tim! Ai-đôn của họ không thể dùng... điện thoại di động hoặc mấy cây bút lông... vịt "đôn lên" được nữa rồi! Chuyên vui chỉ có thế, còn chuyện buồn thì quá nhiều, tớ sẽ kể dần những câu chuyện buồn của những người phai-tơ- (lơ-mơ), những vê-tê-răng- (rụng) làm quà cho các friends trong các entries sau. Hôm nay, sau một đợt 10 ngày chịu đựng "rét hại" (?) tớ đang còn ho và xổ mũi, kèm đau lưng... cho phép tớ nợ đã nhé!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

37. Suy nghĩ lẩm cẩm đầu năm.
ĐẦU NĂM TỚ TỰ KIỂM ĐIỂM
Tô Hải – 16/01/2008

Hôm nay, ngày 15 tháng 1 năm 2008, tớ chính thức bước sang tuổi 81 tây và 82 ta. Sau một chuyến đóng Blog đi xa thăm thú cảnh cũ người xưa lần cuối cùng (vì sẽ chẳng bao giờ còn được hưởng cái "lộc dân" đi tầu bay Boeing, ở khách sạn free như lần kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhạc Sỹ Việt Nam này lần thứ hai nữa đâu), tớ trở về “hang” để... ốm luôn một tuần vì... buồn, vì chán, vì giận, vì bực thì nhiều chứ vì khí hậu thời tiết thì ít. Đêm nằm, trằn trọc nghĩ ngợi về những gì mình đã viết, đã hành động mấy tháng nay xem mình có phải là một "thằng con nít có râu" không?...
Mình "khôn" hay "dại" khi chường cái mặt mình ra, khai cả cái số mobilphone của mình trên Blog giữa cái thời điểm khá là nhậy cảm này? Và cuối cùng mình quyết định: Trở về với con đường làm Blog kể chuyện xưa cho các bạn trẻ bị "quáng gà về lịch sử" đọc mà thông cảm cho lũ già chúng tớ cũng như nhân dân Pháp đã thông cảm cho một Garaudy, một Sartre khi bị lên án là phản bội (trahison) đã định nghĩa lại cái từ đó là "đi tim một sự trung thành mới" (à la recherche d’une nouvelle fidèlité). Cánh tớ, khi bỏ nhà, bỏ sách, bỏ học đường ra đi giữa những ngày dân Việt Nam chết đói đầy đường, giữa lúc một thằng cò Pháp có thể tát tai một ông chủ sự bưu điện như bố tớ nào có bao giờ hát bài ca "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng"?...
Và thực tế chỉ sáng mắt thật sự khi thấy rõ là nước ta đã bị "Tầu hóa" từ khi mọi lãnh vực từ văn hóa, chính trị, kinh tế, đời sống của đất nước này đều bị sao lục như bản chính của đất nước Tầu từ khi bác Mao nắm quyền...

Cụ thể và sát sườn nhất là biến văn hóa nghệ thuật thành một vũ khí đấu tranh giai cấp, biến người nghệ sỹ thành những kẻ giết người bằng ngòi bút, bằng lời ca, điệu hát... Ai không chịu thì chỉ có một con đường... tìm về với phía đối địch mà thôi! Còn lại, những ai vì lý do này khác vẫn phải tồn tại thì chỉ có biết cách sống sao cho “phải đạo”, sống sao cho thoát khỏi cảnh cải tạo, tù đầy, sống sao cho ít phải sám hối như hai bác Chế và Nguyễn mà tớ đã giới thiệu "hai bài thơ di cảo".
Hơn thế nữa, tớ cũng vẫn hy vọng: quy luật lịch sử sẽ làm thức tỉnh lương tâm toàn dân Việt Nam, kể cả những người lãnh đạo thuộc thế hệ sau tớ, sẽ "sáng mắt sáng lòng", sẽ nhìn nhận ra những gì mà các vị tiền nhiệm họ đã sai phạm mà sửa sai, kể cả đổi tên, đổi cương lĩnh, đổi luôn cả tổ chức, con người... để thực sự hòa nhập vào thế giới văn minh, khoa học và tiến bộ.
Riêng về văn hóa, những động thái gần đây như phục hồi, khen thưởng những nhà văn từng bị lên án, từng bị đi cải tạo, bị đuổi ra khỏi biên chế, bị cấm xuất bản. Tiếp đó là cho phép được in lại, rất trang trọng các tác giả "đại phản động" (Bị thủ tiêu ngay nhũng ngày đầu tháng 8/45) như Phạm Quỳnh do chính con trai Phạm Tuyên, (người nhạc sỹ có nhiều bài hát ca ngợi Đảng-Bác nhất), sang tận Mỹ lấy bản thảo về!
Còn gì nữa? Lần trở về Bắc vừa qua của tớ càng làm tớ khảng định là: Không thể nào dẫn dắt đám văn nghệ sỹ thời đại @ này đi theo bất cứ lề đường bên phải hay bên trái nào nữa rồi! Đúng là một cuộc nổi loạn thực sự về tư duy, về sáng tác, về biểu diễn, thậm chí cả về đá bóng, về tennis và đặc biệt là về ný nuận mà đọc xong... cứ thấy như lạc vào rừng nguyên thủy!!... Chẳng biết lối ra ở hướng nào nữa???
Và lạ lùng hơn, chẳng ai "uốn nắn", chẳng ai phải đi cải tạo vì những bài thơ kiểu "Nhà Xuất Bản Giấy Vụn" tung ra và được tái bản bằng giấy hoặc bằng mồm khắp đất nước! ? Vậy thì cái gì đang xảy ra dưới dòng nước tưởng đang phẳng lặng, yên bình đây?...
Vì vậy, dù muộn, tớ cũng "tát nước theo mưa" mà thanh minh cho giới gọi là nhạc sỹ cánh tớ: Vì sao hết đời chẳng có mấy tác phẩm để lại cho đời nếu không phải là những gì viết thời tiền chiến. (cả tiền chiến thiệt và tiền chiến dỏm)! Những lý gio, lý trấu này chính là những sự lên án cả một thời văn nghệ bị Mao lãnh đạo... mà các vị thi hành chính sách Mao ở đất này chẳng còn sống ở trên đời. May ra, tớ nhắc lại: May ra, có ai đó dám làm một cái gì hơn cái việc tặng giải thưởng cho Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, hơn cái việc cho in lại các tác phẩm của Phạm Quỳnh, Phan Khôi… hay không?
Và tớ tiến hành kể chuyện làm văn nghệ thời xưa nó khổ sở và... hèn hạ như thế nào cho lớp trẻ nghe... Nào ngờ Blog của tớ lại được nhiều các cháu hoan nghênh động viên và thông cảm (cũng như thương cảm) cho đến thế! (hiện nay đã có đến hơn 55.000 views rồi)
Thế rồi, cái chuyện Trường sa-Hoàng Sa, biểu tình, biểu tiếc xảy ra, sẵn lòng ghét Tầu làm hại đời tớ hơn 60 năm qua, tớ bị "dính" luôn bởi không chịu được cảnh các friends ruột của tớ bị "làm khó" (dù chưa ai bị bắt), tớ trực tiếp ra khỏi "hang" để góp sức với lớp trẻ hôm nay một vài hơi thở cuối cùng.
Vậy mà cái entry "Tớ đi tụ tập đông người không được phép" không ngờ được quá nhiều tờ báo mạng của nhiều nước đăng tải (kèm theo cả cái clip có cái mặt tớ), dẫn tới một buổi phỏng vấn của một “đài địch” giữa bữa cơm nhà Blogger LinhGia...
Tớ đâu có muốn làm chính trị gia qua điện thoại di động! Vậy mà, dù đã cố né tránh những vấn đề có thể gây rắc rối, người ta vẫn có thể khai thác được những câu trả lời không đầy đủ và không cụ thể của tớ để khép tớ vào loại Trịnh Công Sơn out of date!
Tớ biết rằng đối với họ, một Trần Độ, một Hoàng Minh Chính, một Vũ Thư Hiên, một Bùi Tín hoặc ngay cả Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Vũ Bình, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Hồng Sơn, Lê Quốc Quân, Nguyễn Tiến Trung... khối 8406 và tất cả những ai đã có một thời đi theo cộng sản đều là đồ "dân chủ cuội" thì việc tớ thò cái mặt ra vào cái giờ thứ 25, đối với những người chỉ muốn... chọc tiết tất cả những thằng cộng sản cũ (dù dissident hay không) sẽ chỉ là một... đồ bỏ, cần thanh toán mà thôi!
Chả trách vừa rồi ra Hà Nôi, một ông phai-tơ-lơ-mơ đã thành thực khuyên tớ: Nên trở về sống ở đây an toàn hơn! Trong ấy, nhỡ "xảy chuyện gì" những tên cực đoan nó chẳng tha mạng già đâu! Thế đấy! Cái "hận thù nhân tạo" này chẳng biết sẽ giải tỏa bằng cách nào đây.

Tớ quyết định như sau:

1- Kiên quyết từ nay không trả lời phỏng vấn phỏng viếc cho bất cứ báo chí ở bất cứ nước nào nữa để đỡ bực cái mình.
2-Chỉ kể chuyện làm văn nghệ thời xưa cho lớp trẻ nghe để họ thấy được những nỗi nhục của một nghệ sỹ phải làm theo những ý tưởng và trái tim của người khác như thế nào.
3- Các friends hãy coi thời gian qua tớ hơi... bị nhập vai "thằng con nít mọc râu" mà thứ lỗi vì đã bỏ Blog văn nghệ đi làm chánh trọe nửa mùa!

Hẹn gặp lại trong entry tới
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

38. QUAN ĐIỂM LẠP XƯỜNG, CÁI ZÌ DZẬY?
Tô Hải – 24/01/2008

Như tớ đã khai trong entry "Khai lý lịch thật thà" (click vào bài này trên highligted post), cách đây... 62 năm, tớ là một anh chàng thanh niên mà lý luận mác xít xếp vào loại “thành phần bấp bênh, hay giao động, lúc thế này lúc thế khác”...
Tóm lại là... khó tin và luôn cần theo dõi, cải tạo không ngừng! Điều này, riêng đối với tớ thì ông Mắc (mà chả hiểu có phải của cái ông Tây râu xồm đó có nói không nữa?) đã phán trúng phóc! Các đồng chí thân yêu của tớ đã mất khá nhiều công sức để giáo dục tớ mà tớ cứ chẳng sao "kiên định lập trường" nghĩ và hành động theo các đồng chí đó được.
Cả quá trình đi theo Việt Minh đánh Tây tớ cùng nhiều bạn bè đồng trang lứa mới đầu chỉ có cái lập trường đánh thằng Tây xong lại trở về tiếp tục đi học... Hăng máu vịt ghê lắm! Chả thế mà tớ kiên quyết theo nghề võ (tốt nghiệp hai trường quân sự nổi tiếng Quân chính Nguyễn Huệ và Lục Quân Trần Quốc Tuấn).
Còn nguyên bằng cấp tớ giữ làm kỷ liệm đây nhé! Giá mà không có cái "năng khiếu vặt" làm thơ, viết báo, " ề a vài ba câu thơ có âm thanh tiết tấu" được lính xuất bản bằng mồm tùm lum (bi giờ gọi tuốt là... nhạc sỹ cả đó) hát cho đồng đội nghe, cho đỡ buồn... tình khi ở tít Kim Bôi, Hạ Bì thì cái nghiệp Võ nó đã đưa tớ hoặc về với... đất từ khuya hoặc lên... sàn đấu CCRĐ như mấy thằng bạn lý lịch "có vấn đề": "gia đình địa chủ hoặc phản động theo địch" là cái chắc! Tớ bị theo nghề "Văn" bỏ nghề "Võ" từ năm 1950 âu cũng là điều may mắn chúa ban cho vậy!
Nhưng cái lạp xường "đi theo Đảng giải phóng quê hương" của tớ nó bắt đầu "teo" lại kể từ khi, đường lối văn nghệ Diên An nó bao trùm sang cái nghề "kỹ sư tâm hồn" mặc áo lính của tớ. Các thứ tớ đã làm "mất tinh thần chiến đấu của quân đội" (click vào "Một đĩa CD tự làm") hoặc "ảnh hưởng văn hóa Địch" (toàn swing, rumba, blues..) bị "oánh" chết tươi.
May mà Ngọc Bích, Canh Thân khi "dinh tê" còn tung ra được một bài "Nụ Cười Sơn cước" dưới cái mác "nhạc tiền chiến" để đến hôm nay còn có mấy cụ già nhớ lại và tạm coi tớ là... nhạc sỹ. Chứ nếu không "Tôi chẳng biết cái ông Tô Hải này là ai mà dám..." như một comment đã viết là hoàn toàn có... cơ sở! Chính tớ khi kiểm điểm lại tất cả những gì tớ đã được tặng Giải thưởng nhà nước ngay đợt đầu cũng thấy là... con số 0 to tướng! Kể ra, các vị nắm "đầu ra" của Âm nhạc hôm nay đã loại trừ ra khỏi đời sống âm nhạc ba cái thứ “chủ trương đường lối có âm thanh” ấy ra, cũng có cái lý của họ!
Mà chính tớ cũng đã công khai nói trên Tivi t/p Hồ chí Minh: "Các "bức tranh cổ động bằng âm thanh" của tớ đã hoàn thành nhiệm vụ. Xin cất nó đi! Cả cuộc đời sáng tác của tớ, còn lại không quá 25 cái gọi tạm là tác phẩm...". Tớ thú thật: Chẳng vui gì khi thấy nhân ngày kỷ niệm này, lễ lạt nọ, người ta lại "bới" ra mấy cuốn băng thu từ thời "mono" để... "cúng cụ" đâu! Chắc các bạn cũng chẳng thấy "nghệ thuật” gì khi nghe lại "Sẵn sàng bắn!” của tớ mở đầu chương trình ca nhạc mừng "Chiến Thắng Điện Biên Phủ trên không" vừa rồi!

Đấy! không kiên định lập trường ngay với những đứa con tinh thần của mình nó biểu hiện không chỉ với "Sẵn sàng! Bắn!” mà với toàn thể những gì tớ đã viết ra thì tớ đã viết ở entry "Vì đâu tớ mất mẩu hạnh phúc cỏn con". Chính cái bài này được quá nhiều comments, được copy ở nhiều trang Blog và web trong và ngoài nước đã phải làm nhiều người quan tâm, đặc biệt, số views tăng vọt vì cái "quan điểm nguy hiểm không thể chấp nhận được" của tớ về "Tội Ác" của những người dùng ngòi bút cổ võ chiến tranh, (trong đó có tớ) này. Có các bạn già, đồng nghiệp thẳng thắn góp ý là: "Tớ đi quá xa rồi đó! Hãy tốp lại!”
Có vị còn nói là: "Ông Chế, ông Nguyễn (2 bài thơ tớ đã post lên) "xám hối" sau khi đã chẳng còn ở trên đời này! Còn cậu (tớ) đang còn sống nhăn răng (giả) ra đấy! Không thể mất cái lập trường, phủ nhận quá khứ của ngay chính cậu như thế được!”

Và tớ đã trả lời họ như thế nào?Xin tóm tắt 1, 2, 3... như sau:

1-/Tớ rất chi là "lập trường" những năm, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ đèn, bỏ sách, ra đi chống Tây, dành Độc Lập Tự Do cho đất nước!
2-/Kể từ khi cải cách ruộng đất nổ ra rồi sau đó tiếp quản thủ đô, hàng triệu người bỏ nhà cửa ruộng đất mồ, mả ông cha chạy cộng sản vào Nam, ròi cải tạo tư sản, đấu tố văn nghệ sỹ, đấu tố xét lại, xét đi... làm hàng vạn con người phải mất mạng hoặc đi cải tạo... thì cái lạp xường của tớ không những teo đi, mất đi, mà... chính tớ đã vứt mẹ nó đi chẳng cần phải ai nhắc nhở cả!
3-/Để tồn tại, để cứu vợ, cứu con, tớ đã phải sống hèn, sống tủi nhục: Hoàn thành mọi công việc "Trên" giao một cách đầy đủ để giành thời giờ học tập chuyên môn, ngoại ngữ... Sẵn sàng "lương khô" có ngay khi cần giao nạp.
Đó là thời kỳ "lạp xường tiền trên hết". Sống được, sống sót là may lắm rồi.
4-/Dến thời kỳ chiến tranh chống Mỹ thì tớ đã sớm nhìn ra cái gì đây (?) để có một cái lạp xường rất liều mạng: "Rằng đây là một cuộc chiến tranh ý thức hệ" (guerre idéologique - Cộng sản đánh nhau với Chống cộng) mà người dân Việt Nam, đại đa số chẳng theo một cái thứ ý thức hệ nào, không may phải "chịu vạ" chứ chẳng phải ai chiếm đất chiếm nhà của ai cả! Lạp xường này lúc ấy nói ra là... phản động là... đi trại cải tạo trên Lào Cai, Yên Bái mút mùa! Bọn tớ, nghe được "đài địch", đọc được "báo địch" kể cả đài xét lại, bảo thủ (?) của "hai ông anh chửi nhau rồi oánh nhau bằng súng đạn hẳn hoi) đều bị... mất lạp xường nghiêm trọng "Lạc quan cũng sai/Bi quan cũng sai? Hoang mang là... đúng nhất!” chính là cái "lạp xường con chong chóng" của ngay các nhà chính trị cỡ bự lúc ấy đấy!
5-/Đến ngày hai miền thống nhất thì tớ chẳng còn biết xoay cái lạp xường của tớ vào đâu nữa vì thống nhất mà... chia rẽ trong tư tưởng càng sâu sắc ngay trong hàng ngũ nhân dân, trong lãnh đạo ngày càng trầm trọng. Chuyện Campuchia, chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc... Những "cái bẫy" của Tầu khựa giăng ra đã đưa đất nước vào chỗ bị bao vây kinh tế. Nhũng người ủng hộ ta như Joan Baez, Jane Fonda, J. De Lacouture... cũng lên án "Ta" thẳng thừng... Kinh tế nguy ngập... Dẫn đến... Đổi mới... gần như cũ!.

Tóm lại thời gian này, chính từ các vị lãnh đạo, lúc theo Nga lúc theo Tầu phải thay đổi lạp xường Địch-Ta xoành xoạch... Cho tới khi cả hệ thống Nga Sô xụp đổ... Thế là mọi con đường để tồn tại của "Trên" còn có con đường nào khác ngoài con đường... nhờ mấy anh Bắc Kinh? Các Bác ấy còn thay đổi lạp xường xoành xoạch, huống hồ ba anh văn nghệ tép riu như tớ.
Cho nên thời kỳ này tớ xin tự nhận là thời kỳ "lạp xường bát nháo nhất trong lịch sử" hoặc là thời kỳ lạp xường đã bốc mùi... mốc! Bọn "vô lạp xường" chúng tớ thì chỉ vui vì khi gặp nhau, anh nào anh nấy đều hỏi "Có gì mới không?" và đều bảo nhau: "wait and see" Và see quá nhiều... điều MẤT LẬP TRƯỜNG mà lại được ngợi ca là... sáng suốt và đúng đắn! Tự do buôn bán, kinh doanh. Tự do làm giầu... kẻ nào mà nêu ra mấy điều này trước đây độ 20 năm chỉ có mà đi tù rũ xương!

Mới sáng nay, ông Nguyễn Sinh Hùng còn tuyên bố (báo TuổiTrẻ) : "Bây giờ cứ giữ nhau lại bảo anh phải sống ở đây và chỉ được sống như thế thôi là không có được" (về những người không chịu làm việc cho nhà nước mà ra làm cho tư nhân vì đồng lương nhà nước trả quá ít!)
Ô Hùng sẽ bị đi tiêu luôn chức phó thủ tướng vì khuyến khích cán bộ chạy theo đồng tiền, nếu ông nói câu này cách đây 10 năm. Còn trên mặt trận văn nghệ thì hiện nay, qua đợt tham quan Hà Nội vừa qua của tớ, chỉ lướt qua những galerie tranh, mấy hàng bán đĩa CD, VCD, DVD, với những danh sách những bài về "Tình", về "Yêu", về "Kiếp"... mà mới chỉ đọc lên đã muốn... buồn mửa!
Lướt qua một vài phòng triển lãm, một vài cuộc gala hiphop, break dance, rock your passion,... nhìn qua một vài cuốn sách của các tác giả "có vấn đề loại nặng ký nhất" lại được các nhà xuất bản của Đảng cho phép in,... cũng đã thấy lạp xường văn hóa "hiện thực xã hội chủ nghĩa", "phục vụ công nông binh", "đại chúng-dân tộc"... nó... đã chuồn lẹ từ bao giở, bao giờ rồi... Không có sự thay đổi lạp xường cố ý của "mấy ảnh", sức mấy mà các giám đốc trung tâm, các nhà xuất bản dám làm cái việc "mất lạp xường" như thế!
Xem thế mới biết cái chuyện lạp xường không phải là bất di bất dịch! Thậm chí quay ngược 180 độ có khi lại là đúng đắn nhất! Các anh trên chắc ít có thì giờ vào Internet, cũng chẳng hơi sức đâu mà nghiên cứu những thông tin lấy ngay từ kho lưu trữ của KGB (Đảng Công Sản Liên Sô), STASI (Đông Đức),... của các chính phủ có dính líu đến hai cuộc chiến tranh Việt Nam như trung tâm lưu trữ tài liệu hải ngoại (CAOM) của Pháp (ở Aix en Provence), mà còn thay đổi lạp xường đến thế huống hồ lũ già ham đọc, ham tìm hiểu xem mình đã bị bưng bít những gì suốt gần thế kỷ qua như tớ!
Cho nên tớ xin nhắc lại: Đừng ai dựa vào bất cứ lạp xường gì mà khen hoặc chê tớ vì:
1- Tớ là một kẻ lạp xường vô cùng bất định, chẳng biết hôm sau có còn giống hôm trước nữa hay không nữa đấy!.
2- Tớ chẳng sợ gì thay đổi lạp xường vì cuộc đời tớ, dù còn ngắn ngủi trước mắt, biết đâu lại chẳng có nhiều biến chuyển bất ngờ hơn, ngoạn mục hơn để thay đổi cái lạp xường "đợi chờ -chờ đợi là đúng nhất" trong lúc này!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

39. NIỀM VUI TÌM THẤY TRONG THÙNG RÁC!
Tô Hải – 06/02/2008

Mới bổ xung thêm một bài báo rất khiêm tốn về hình thức nhưng rất "nặng ký" về nội dung: Một bài báo với cái tên tác giả lạ hoắc, nhưng rất mạnh dạn ca ngợi các cuộc biểu tinh tự phát của sinh viên và thanh niên chống sự xâm lược của Bắc Kinh và phê phán thẳng thừng thái độ "dấu diếm và giả vờ không biết" của báo chí nhà nước. Bài báo đi hẳn sang lề đường bên trái, ngược vối đường lối ngoại giao hiện hành. Thế mà cũng được Báo Bộ đăng cơ đấy! Ai ngại đọc cả xin đọcl từ mục e/ thôi!
-o-o-o-o-o-o-

Mấy hôm nay, virus hay hacker phá máy tớ không sao viết và đọc được cái gì cuối năm. Gọi SOS khắp nơi nhưng các "friends ruột" giỏi computer đều "về quê ăn Tết". Thế là tớ buồn quá, đành ngồi đọc một chồng báo Xuân Mậu Tý mà bà xã đã khuân về từ... thùng rác công cộng của lầu 11 chung cư tớ ở. Tết chưa đến mà vị nào đó đã thanh toán hết cả hơn một chục tờ báo xuân cực kỳ hoành tráng và đắt tiền (mà tớ chẳng có gan mua bao giờ) vào thùng rác công cộng! Thôi thì đủ loại nhưng cùng một... giống. Tớ dùng hết can đảm để lướt qua vài tờ và bỗng dưng thấy mình quả là quá thành kiến với nghề báo thời nay. Sự thật thì Báo Xuân vẫn có những khuyết điểm cố hữu làm người ta... ngán. Đó là:
1- Giống nhau về nội dung. Nghĩa là thế nào cũng có những bài chúc Tết rất vô cảm của các nhà lãnh đạo từ cao đến thấp nơi tờ báo đang hành nghề (kể cả lãnh đạo của tờ báo ấy "thay mặt Ban biên Tập") nữa!
2- Thế nào cũng có "tổng kết tình hình tiến lên vượt bực của nền kinh tế và những khó khăn thách thức trước mắt... Gi-đi-pi năm nay cao hơn năm trước”... Những bài này chắc chắn đã được viết trước cả mấy tháng chỉ chờ những con số Trên giao là... thêm vào!
3- Quảng cáo phải chiếm ít nhất 1/2 hoặc 1/3 cho các hãng các công ty chịu chi, chịu chơi... và cả những công ty mà tổng giám, phó giám sắp ra tòa!
4- Cho thêm phần vui tươi nhí nhảnh thế nào cũng có chuyện cổ tích về con này, con nọ. Có một điều con nào cũng phải báo hiệu tốt cho mọi người. Ngay con chuột năm nay, đề tài cho các "ngòi bút không cong" tha hồ mà chửi bới những con "chuột người" chuyên đục khoét đất nước này thành "chuột nạn" hơn cả dịch tả thì cũng chỉ thấy toàn là ca ngợi... chuột là... chuột quí, chuột vàng, chuột có nhiều tác dụng thâm chí là món khoái khẩu, Tây cũng thèm nữa!
5- Thêm rau, thêm mùi là mấy câu tuyên bố vớ vẩn của mấy ngôi sao ca nhạc, danh hài năm nay ăn tết vất vả ở đâu? tiết mục gì (cũng là quảng cáo mà không đăng ở "special advertísing section" như Tuổi Trẻ hàng ngày chơi tới 36-40 trang lận thôi)
Thế nhưng, tớ thực sự vui mừng khi được đọc một tờ báo Xuân của chính Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch. Ngay trang bìa mắt tớ đã bị... "bắt" về mấy cái tên Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyên Ngọc, Trần Văn Thủy, Bửu Ý, Phạm Xuân Nguyên, Việt Linh, Bùi Minh Quốc và đặc biệt của nhà "đại ca khúc sỹ" (big song writer) Phạm Duy, với bài viết và bản nhạc mới toanh không cần... xin phép "nhỏ giọt" như mấy tháng trước!
Càng đọc tớ càng thấy: những gì tớ nhận định "liều mạng" trong các entries trước là hoàn toàn có cơ sở. Cộng với việc "tha tại tòa" nhà văn - nhà báo Trần Khải Thanh Thủy nữa thì tớ xin phép được nhắc lại: "Không có sự thay đổi lập trường của "mấy ảnh" (anh nào đây thì chưa biết?) sức mấy mà mấy ông Tòa, ông giám đốc trung tâm, mấy ông Tổng biên tập dám cho in những thứ "phi xã hội chủ nghĩa" như thế chứ?

Sau đây là những nỗi mừng nho nhỏ của tớ qua sự thay đổi đáng mừng trên một tờ báo do chính Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch chủ trì:
a/ Các nhân vật "có vấn đề đặc biệt" nay không những được in lại toàn tập, trang trọng và hoành tráng mà còn được các tác giả xếp vào "NHỮNG CON NGƯỜI KHỔNG LỒ" của văn hóa và văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại và đương đại nữa. Hãy tìm đọc mau kẻo hết vì hiện nay đang còn ế rất nhiều trên các xạp báo (vì nó vừa bị thành kiến hoặc bị chê... quá đắt so với nhưng gì cần mua để cúng ông bà, tổ tiên!), nhất là lỡ có ai đọc được Blog của tớ đổ xô đi mua!

Tớ chỉ xin trích vài câu mà Nguyên Ngọc sẽ... bị bắt liền, nếu viết ra cách đây 5 năm thôi: "...cuộc sống đã bắt đầu trả lại sự công bằng-muộn mằn và chậm chạp...cho một số tên tuổi lớn từng bị soi rọi nhiều chục năm dưới những nguồn sáng chẳng lấy gì làm đẹp đẽ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của,... Tác giả đã dám vạch thẳng cái "ánh sáng chết người" (mà ta rất hiểu là từ đâu? từ ai? tỏa ra để dìm chết những "con người khổng lồ" được nêu đích danh, bị quy kết là "Đại Việt gian, tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp"! Có thể nói: Chưa bao giờ tôi thấy Nguyên Ngọc "sòng phẳng" với lịch sử như hôm nay (dù tính cách nhỏ nhẹ, tế nhị, yêu cầu người đọc anh đọc qua các khe hàng chữ (interlignes) vẫn cứ tồn tại.
Chỉ riêng những cái tên "Việt Gian, Bán Nước, Chống Cộng Mù Quáng, Bồi Bút Tay Sai"...) được anh trân trọng gọi tên, được anh sắp xếp vào những công thần số một của văn hóa và văn học Việt Nam, và càng kinh ngạc hơn là anh đã công khai tuyên bố: HỌ LÀ NHỮNG NGƯỜI KHỔNG LỒ CÁCH ĐÂY MỘT THẾ KỶ, và gọi thế kỷ thứ XX là "Thế kỷ vàng", "Thế kỷ của những người khổng lồ!” Các bạn trẻ tốt nghiệp đại học sẽ thấy ĐỔI MỚI THỰC SỰ trong tư duy khi đọc xong bài này và đối chiếu với những gì mình đã được "nhồi" ở giảng đường Đại Học thì sẽ thấy: có khối những người mà người ta đã dạy là khổng lồ cực kỳ thì té ra... chẳng khổng lồ tí nào!
b/ Bên cạnh đó là những bài viết về Hoàng Cầm, bài viết rất độc đáo của Huỳnh Thúc Kháng về Hoàng Sa (!), bài viết khá là sâu sắc và "thâm" (tuy chưa sâu) của Trần Văn Thủy, tác giả của "Chuyện tử tế'", "Hanội trong mắt ai", bài đề cao nghệ thuật phi hiện thực xã hội chủ nghĩa trong tranh Lê Thiết Cương, bài "Người đa tài lận đận", đầu đề của một luận án cực kỳ "bạo phổi" của nhà báo -đại tá quân đội Yên Ba, (mới trình trước Hội Đồng khoa học trường ĐHXHVNV để lấy bằng thạc sỹ).
Trong luận án này YB đặt Nguyễn Văn Vĩnh là "người đi đầu trong làng báo chí Việt Nam"! Cùng với Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, NVV làm báo gắn liền với các vấn đề xã hội mà các bài viết của ông, ĐẾN NGÀY NAY VẪN CÒN GIÁ TRỊ VÀ VẪN... MỚI! (ví dụ bài viết về tệ đốt pháo mà ông đã không ngần ngại viết: "thậm dã man, nên dứt bỏ hẳn đi"…).

Và điều làm tôi cũng thêm bất ngờ nữa là:
c/ một bài có tính chất... "hồi ký" của một nhà thơ đang bị... "quản chế" tại Đà Lạt: Bùi Minh Quốc, một cây bút đã bị "treo" nhiều năm bởi các báo, các nhà xuất bản!
d/ một bản nhạc mới toe của Phạm Duy kèm theo bài viết tố khổ về chuyện phải xin phép phổ biến tác phẩm (đã sửa lời) nhỏ giọt để Bộ Văn Hóa xem lại! (và việc cho đăng toàn bộ tác phẩm và bài viết đã là câu trả lời tích cực của Bộ, nếu tớ không hiểu lầm)
e/ một trang về người đẹp Việt Nam rất độc đáo cách đây một thế kỷ mà toàn là ảnh nude 1/2 hoặc 2/3 mới lạ chứ!! Chắc là tờ báo muốn khảng định là: Khỏa thân nghệ thuật đã có ở Việt Nam từ ngay đầu thế kỷ XX rồi cơ đấy!
g/ một bài bình luận chính trị rất kín đáo về hình thức, nhưng rất công khai về nội dung: Đó là việc biểu dương những hành động dám tỏ bầy lòng yêu nước, phản đối hành động xâm lược công khai Trường Sa và Hoang Sa của nhà cầm quyền Bắc Kinh đồng thời lên án thái độ "lập lờ, hay giả vờ như không có chuyện gì xảy ra" về các vụ xuống đường của thanh niên-sinh viên mới chính là việc "mang đến hoang mang trong quần chúng và càng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc" (trích nguyên văn). Một bài viết ngược hẳn chính sách ngoại giao hiện hành của Đảng và Nhà Nước! (không đưa tin, không bình luận, trừ ông Lê Dũng!) Bài báo ký một cái tên lạ hoắc: Trung Bảo, nhưng rất "nặng ký" dù chữ nhỏ li ti và ở một góc rất khuất, khiến tớ đã bỏ qua nên nay phải bổ xung cho nó thêm phần "mới lạ"!

Còn khá nhiều bài mà đọc xong, nếu nhìn và ngẫm nghĩ qua các khe dòng đều nhận thấy có cái... mới tí ti với người viết, người đọc, trên tờ báo Xuân của chính Bộ Văn Hóa hôm nay?

Làm sao không mừng chứ khi thấy con đường văn hóa văn nghệ bao lâu nay bị "cái thứ ánh sáng gỉ -ánh sáng gì" mà Nguyên Ngọc vẫn cứ tế nhị không chịu gọi đích danh ra, lại được một tờ báo cầm cương nảy mực của Nhà Nước cho phép giới thiệu với bà con lâu nay vẫn ù ù cạc cạc về những cái tên "Việt Gian, bồi bút tay sai" đã bị lịch sử chính thống lên án nặng nề, và bị vùi sâu (nhưng chôn chưa chặt) này (hoặc bị xuyên tạc hoặc lên án nặng nề đối với các cháu sinh viên).
Hoan hô đổi mới!! Tớ thực sự hoan hô, dù có đổi một tí cũng cứ hoan hô, huống hồ đây là đổi mới 180 độ! Mong có nhiều tờ báo dũng cảm và đổi mới theo tờ DU LỊCH của Bộ lắm thay! Ước gì Tết sang năm có nhiều tờ báo mang tin vui cho tớ không phải từ... những cái thùng rác!
Phải chăng tớ tuổi Mèo nên năm con chuột có khả năng và triển vọng làm chuột sợ?
Hép pi niu ia!

Entry này là cả một kỳ công, viết vài dòng, máy đứng, viết xong bài… post lên, không lên! Quay lại từ đầu! lLại quay lại từ giữa khi được khúc nào post lên khúc nấy. Đến khi viết xong muốn edit để sửa lỗi chính tả thì không save được! Giao thừa đến nơi rồi mà chưa cúng ông bà, bà xã an ủi: "Thôi! Người ta đọc trên các khe dòng vậy!”
Chúc các friends và gia đình năm mới tư duy luôn đổi mới để không bị bất ngờ và xin mượn câu kết của Nguyên Ngọc trong bài viết nói trên để chúc và mong ước ở các bạn: "Mùa xuân này, hãy thử cùng nhau nhớ lại, ngẫm lại và NGHĨ TỚI!

Nhiều ý nghĩa qua các khe dòng lắm đấy!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

40. AI BẢO MÙ THÔNG TIN LÀ KHỔ?
Tô Hải – 25/02/2008

Không! Mù thông tin sướng lắm chứ! Ngất ngưởng ngồi trên xe lăn, tai nghe loa hót: Xuân đã sang. Mắt nghếch pháo hoa trên trời đỏ...Lúc nhúc dưới đường “nồi cơm điện chuyển động đón giao thừa... Trong cảnh "mừng đảng mừng xuân đó, Tớ, chẳng ai chúc, chẳng ai mừng! Cũng thấy thảnh thơi và vui thú,... Tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!
Đó là cảnh tớ những ngày Tết vừa qua! Đúng đêm giao thừa là cái "máy đi đến thế giới phẳng" của tớ nó không chịu làm việc nữa! Anh-téc-nét trở thành Bác-tù-mù! Mấy ngày Tết chẳng có thể liên lạc được với ai, ngoài cái lô phôn để bàn! Chẳng biết có chuyện gì xảy ra trong nước và thế giới! Không một nơi nào chịu cứu tớ trong những ngày "Mừng Đảng mừng xuân" này cả.
Mãi ngày mồng sáu Tết mới có nhà cho thuê Internet của nhà nước cho người "xuống" dù cho tớ ở cao hơn họ tới 10 tầng lận!! Mặc dầu tớ sẵn sàng phong bì, lì xì đẹp cho các chuyên viên ngoài luồng nhưng chẳng có nơi nào có người chịu đi làm trước 10 tết cả!
Thôi cũng đành nịnh bợ mấy anh Nhà Nước để các anh hỗ trợ 24/24 theo hợp đồng... Nhưng cuối cùng là... không có vấn đề gì ở đường giây ADSL, không có vấn đề ở CPU mà là trục trặc ở cái modum! Lại tháo modum về xem xét! Hai ngày sau nhận được một cú lô phôn: "Không chữa được! Vậy xin bác đi mua cái Modum mới rồi chúng cháu xuống cài đặt lại cho Bác! VNPT không có bán!” Thế là bà xã lại đi đến mấy nơi gọi là "trung tâm" máy tính để kiếm cái gọi là modum mà bả chẳng biết nó tốt xấu thế nào!
Cuối cùng mua được một cái modum Tầu mà lại phải trả bằng 35 đô-la... Mỹ! (thà chết không nhận tiền Việt Nam!) Và hôm sau đúng mười một tết, máy tớ mới trở lại bình thường. Ôi! nửa tháng bị bưng bít thông tin tớ bỗng cảm thấy như những người sắp chết khát đến nơi trên sa mạc bỗng gặp được giếng nước. Tớ lao vào ngay cái "lề bên trái" của sa lộ vì đã ngán đầy cổ những món ăn bầy bán bên lề phải... Và tớ cứ thế ngấu nghiến hàng trăm trang web.
Trước tiên là các trang mà tớ cho là "Thực sự khách quan", thục sự nhanh chóng và thực sự chính xác! (viết bằng hai thứ tiếng mà tớ đọc được và rất dễ vào chẳng cần proxy proxiếc! Sau đó là các trang "nửa dâu-nửa nho" và cuối cùng là các trang "chống cộng cực kỳ"... như có cộng sản thứ thiệt đang tồn tại trên trái đất này!

Tất nhiên là tớ chỉ lướt qua các cái tít, cái nào có vẻ hấp dẫn thì tớ mới click vô vì làm gì có thời gian. Ấy vậy mà sau 5 ngày đọc lại những gì tớ bị "đứt mạch", với một núi thông tin trong đầu, tớ bỗng giật mình thấy ra là:
1-/ Mình đã tự hành hạ mình cho đến tận cuối đời vì cái bệnh nghiền thông tin, nhất là thông tin từ bên lề bên trái! Bao nhiêu đồng nghiệp, đồng môn, đồng khóa với mình có mấy ai cần đến mấy cái "tổ con chuồn chuồn" của cái sự cho in như một mẩu tin vô tư, cụt lủn "Ông Hoàng Minh Chính đã qua đời" của mấy tờ báo của Đảng! Mới hôm mồng ba Tết, một vị giáo sư-tiến sỹ-nhạc sỹ còn hỏi tớ "Này! Tớ cứ tưởng ông này được "phục hồi" rồi chứ! ?" Thế đấy! cái thứ dân trí (mà mấy Nhà Viết tràng giang đại hải kêu gọi "hãy nâng cao dân trí rồi hãy đòi hỏi dân chủ"??! !) kiểu này thì... tiến sỹ cũng là đồ vứt đi! hoặc tớ xin đặt tên là..."tiến sỹ mà không có dân trí". Ấy vậy mà họ vẫn sống đàng hoàng, sống thảnh thơi, phè phỡn là đằng khác.
2-/ Nắm được thông tin mà chẳng biết xử lý thông tin như thế nào, nhằm mục đích gì thì đúng là "ôm rơm nặng bụng"! Tốt nhất là chỉ ăn vừa đủ no, đủ sống nghĩa là: Từ nay, tớ sẽ chỉ khoanh vào mấy cái mỏ thông tin mà tớ đánh giá là có quặng thứ thiệt... và đối với tớ sẽ chỉ khoanh lại những thông tin về văn hóa-văn nghệ có lẽ còn có thể biến quặng trở thành vàng hơn là cái gì cũng đào vào để cuối cùng thấy mình là thằng tham lam nên chết vì bội thực!
Entry này, tớ gõ riêng cho các friends thắc mắc: "sao lâu nay tớ bị ốm đau, chết chóc gì mà chẳng có cái gì mới". Sự thật là tớ đã, do đói thông tin nên đã đi tìm kiếm suốt cả tuần trên khắp thế giới mạng nên mới tỉnh người ra là:
Ai bảo là lắm thông tin là sướng. Không! Lắm thông tin khổ lắm đấy! Nào chuyện choảng nhau lung tung trên mạng! Nào chuyện ông A bị bắt, bà B được tha! Nào chuyện "Duyên Dáng VN", giữa Bắc Kinh trình diễn Việt Nam -Trung Hoa! (núi liền núi sông liền sông, chung một biển Đông... mà thấy... muốn nổi khùng!).
Ở trong nước thì cấm đi đưa ma người chết. Ở ngoài nước thì tung ra vidéo "Hoàng Minh Chính, tên Việt Gian Cộng Sản đang nói láo"! Các nhà chính trị thì đang gài nhau vào các thế cờ hiểm độc... (vụ Kôsovo).
Rồi biểu tình 600.000 người ở 4 tỉnh bên Tầu, rồi các nhà trí thức Tầu (đặc biệt có cả giám đốc trường Đảng cao cấp của Đảng) ra tuyên bố phải có tự do dân chủ, tự do báo chí,... rồi giới tư bản đỏ Tầu hoan nghênh luật tư hữu đất đai (vì họ bây giờ nắm hầu hết đất đai từ tay nông dân mà!) rồi... ông tổng thống vừa được bầu cử của nước Pháp đã bị xuống "xề" thảm hại, bị đưa lên mạng có cả tiếng ông chửi thề một nông dân không chịu bắt tay ông! thua xa nhà thơ Dương Tường trong nước quấn thơ và mở thơ viết trên một cuốn "Kiss me" quanh người! (mà vẫn được quay phim đưa lên trang web nhà nước hẳn hoi nhé).
Chỉ riêng cái tít dài dằng dặc về những "elite" (trên cả trí thức Tầu) được Guardian.co.uk.world2008/feb/19 nêu trong câu mở đầu "Elite chinese tank urges political reform and press freedom" với những cái tên tuổi lớn hàng đầu nhu Wang Guixui, giám đốc học viện khoa học xã hội Trung Quốc đã làm tớ mất cả hàng giờ để đọc và thêm cả nửa ngày "âm mưu" xử lý thông tin hiếm có này để chứng minh cho cái lập luận của tớ là "mọi sự tốt lành của Việt Nam chỉ đến sau khi Trung Quốc đã tốt lành trước" là đúng!..
Nhưng chỉ phải cái là luôn luôn theo sau độ... vài ba năm! hoặc bớt bớt đi để khỏi phải mang tiếng là bắt chước Tàu! ? Như chẳng hề mang một tên ăn cắp có cỡ nào ra sân vận động cho dựa cột bao giờ như ở bển!... Và và và và... đủ thứ buồn, vui, rắc rối trên cái lề bên trái này!
Có thánh cũng chẳng xử lý nổi dù chỉ 1/100 các thứ thông tin đó! Vậy mà tớ, cứ thấy khoái cái thông tin nào là lập tức bị nó cuốn hút tới mức mất ngủ vì nó cả đêm vì định phát biểu đôi điều khen hay chê nó! Thế có chết cha thằng lắm thông tin không cơ chứ! Có lẽ chỉ còn cách duy nhất đúng là "coi như không có", (phương pháp mà lâu nay người mình cứ kêu than là "bị bưng bít thông tin").
Qua cuộc "bội thực thông tin" vừa qua, tớ xin hứa với các friends: từ đây, tớ sẽ lại tiếp tục kể chuyện cuộc đời tớ làm thân "công chức nhạc sỹ bất đắc dĩ", nó đắng cay và tủi nhục như thế nào (tức là tiếp tục bài "Vì đâu tớ mất cái mẩu hạnh phúc cỏn con")
Ngay ngày mai tớ sẽ tiếp tục làm cái công việc của NHAT SY BAO THU
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

41. HAI NĂM CHỜ ĐỢI...
Tô Hải – 26/02/2008

Vậy là sau trận bom, ồn ào nhất của các cuộc chiến tranh: 12 ngày đêm dùng B52 dội bom rải thảm xuống miền Bắc với tâm điểm gây chú ý nhất là Hà Nội và Hải Phòng, Hiệp nghị có cái tên dài dằng dặc về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký để rồi... (theo hồi ký của De Gaulle) những bên ký kết bắt đầu... phá!... Thời gian và phương cách phá đó thì bên ông Thiệu chết là cái chắc (vì bên ông chưa có ….gan và….truyền thống!!!)
Nhất là người Mỹ đã lộ rõ ý đồ rút chân ra khỏi con đường hầm quá tốn kém tiền của và sinh mạng! Còn phía miền Bắc thì lấn tới, lấn tới... chỉ là ba cái chuyện lẻ tẻ! Ngay năm 73 thì bọn tớ đi thực tế đã gồm cả những vùng theo hiệp nghị Genève năm 54 đâu có thuộc miền Bắc? Và càng buồn cười hơn những đợt đi sáng tác của các đồng nghiệp tớ về Thành cổ Quảng Trị, về A Lưới, A Sầu, Khe Sanh... về đang ngồi trao đổi với những gì vui, buồn, cảm nhận được sau một chuyến đi thì bỗng oang oang trên một cái loa đầu phố lời phủ nhận của ông nào đó về chuyện vu cáo của chính quyền Saigon rằng thì là miền Bắc đã cho quân xâm nhập miền Nam!

Nói tóm lại, sau khi hiệp định được ký kết, rõ ràng người Mỹ đã bật đèn xanh để... nhử ông cộng sản miền Bắc vào xơi thử cái miếng mồi khó ngoạm là miền Nam! Cái giá của miền Bắc phải trả thì trên giấy tờ là... Không còn cái khoản bồi thường chiến tranh và... Nhưng không ghi trên giấy tờ là... vài vạn sinh mạng nữa khi ông Thiệu kiên quyết bốn không! Còn tất cả trên giấy tờ đều y nguyên như khi ông Kissinger sang Hanoi!

Tớ còn nhớ như in thái độ của ông Hoàng Tùng khi phổ biến những điều khoản trong hiệp nghị cho văn nghệ sỹ tại Nhà Hát lớn: Ông đưa hai nắm đấm của ông lên trước ngực, cụng hai nắm đấm vào nhau, và tuyên bố: Cuộc đụng đầu lịch sử giữa chủ nghĩa tư bản bản và chủ nghĩa cộng sản toàn thế giới đến đây "Ai thắng ai" đã rõ! Chúng ta hãy dừng bước ở đây để củng cố lực lượng và nếu đủ sức (?!) chúng ta chẳng ngại gì mà chẳng tiến thẳng đến... Ấn Độ!” Thế đấy! niềm tin chiến thắng của "phe ta", ở các vị cách mạng cộng sản cuồng tín nó vững vàng một cách khó lay chuyển đến thế đó, cho dù "phe ta" ngay lúc ấy cũng đã chia rẽ năm bảy đường, còn hai Ông Anh thì chỉ tìm dịp chơi nhau những đòn hiểm đến cạn tầu ráo máng!

Sự thật thì, chẳng cần ông Trưởng Ban Tuyên Giáo hiểu dụ, giới trí thức Bắc Hà cũng đều tin tưởng là chuyện chiếm gọn miền Nam chỉ là vấn đề thời gian! Chỉ có điều nguyên nhân của Thắng Lợi này thì không phải ai cũng nghĩ như ông Tùng mà thôi!
Với tớ thì:
1- Chỉ cần Mỹ rút quân, với khẩu hiệu "Còn cái lai quần cũng đánh" (còn liều mạng và... bình dân hơn "Dù có phải đốt hết giải Trường Sơn..." nhiều!) Miền Bắc sẽ tiến hành công cuộc giải phóng bằng chiến tranh ngay, dù hy sinh đến bao nhiêu con người nữa cũng được!
2- Chỉ cần hai ông anh dù xét lại hay bảo thủ, dù cứ kình chống nhau đến mấy cũng được, miễn là Sam này Sam nọ, Mig này Mig kia, xăng dầu, lương thực, đạn, pháo, xe tăng, ô tô, lương khô bột ngọt, dày dép, áo quần, nịt lưng, mũ cối... cứ tự do thoải mái đổ vào giữa ban ngày, chẳng lo "Thần sấm, Con ma" nào nữa thì sức mấy mà bên kia chống lại nổi với cả hai quân đội: một mũ tai bèo, một mũ cối!
3- Riêng về khoản CON NGƯỜI thì quả thật là khó vì như entry tớ viết trước, ở nông thôn, hầu hết chỉ còn lại người già và đàn bà trẻ con. Cho nên chính thời gian chuẩn bị công khai tiến về Saigon này mà thanh niên thành thị, đặc biệt là cả thầy lẫn trò các trường đại học, trung học đều được "tình nguyện xung phong" tòng quân giải phóng miền Nam lũ lượt! Và đứng trước những cảnh đi B bằng... tầu hỏa, ô-tô và ngay trên đường số 1 đã kích động không biết bao con người tình nguyện!
Chính những năm, "Mỹ cút nhưng Ngụy chưa nhào" này mà miền Bắc đã có thêm hàng loạt sư đoàn tân binh có văn hoá nhất và... thèm được "Tiến về Sài gòn" nhất! Riêng gia đinh nội ngoại tớ đã đóng góp trong những đợt này tới 7 người gồm 1 thầy, 3 sinh viên và 3 học sinh còn 3 tháng nữa mới tốt nghiệp lớp 10 nhưng đều được đặc cách chứng nhận đã tốt nghiệp!
Tiếc thay! Việc đánh giá phía "bên kia" cũng như chủ trương thi hành hay phá tan cái Hiệp Nghị đã ký nói trên lại vấp phải nhiều rắc rối từ ngay lãnh đạo cao nhất của hai ông Anh, ảnh hưởng đến ngay các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Lao Động Việt Nam...
Nên đánh hay nên tiếp tục thương lượng ở camp David? Có thật cần có ba bên, bốn bên? Và thế là một lô một lốc vị này vị nọ bỗng biến mất khỏi vũ đài chính trị, thậm chí... qua đời một cách rất chi là... nhiều dấu hỏi!... Trong khi đó ở Miền Nam, với khẩu hiệu xóa sạch vùng da beo, "Quân Đội phía bên kia" càng ngày càng mở rộng "vùng không cộng sản" đến mức Thanh Trúc, trưởng đoàn Văn công miền Nam sách đoàn chạy ra miền Bắc phải nói với bọn tớ, đang tập hợp bàn thế sự tại nhà Chu Minh là: "Còn cái con mẹ gì đâu ngoài cái thị trấn Lộc Ninh!” Tất cả những tình hình sau Hiệp Nghị… ở miền Nam, bọn tớ ít nhiều cũng có trong tay những tờ báo Tây, những đài "địch" để theo rõi... Nhưng tội thay, cả chục triệu người nào có biết gì ngoài những tin của Đài T.N.V.N qua những chiếc đài galène và báo Nhân Dân, Quân Đội...
Họ nửa muốn được yên bình làm ăn mà không có tiếng còi báo động máy bay, nửa muốn "oánh thì oánh luôn đi" cho sớm chấm dứt cái cảnh "tiễn anh lên đường mà có mong chi đâu ngày trở về" đã kéo dài gần nửa thế kỷ!
Và cuối cùng, không thể để kẻ thù giai cấp cướp lại thành quả chiến đấu, không thể chia hai, chia ba cho bất cứ thành phần nào, NGHỊ QUYẾT OÁNH đã được thông qua! Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đích thực giữa một bên cộng sản và bên không cộng sản... bắt đầu!

Vai trò của anh văn nghệ nhà nước lúc này là gì đây? Địch là ai? Gọi nó bằng gì? Bằng giặc? Bằng tay sai Đế Quốc? Bằng bọn Quốc gia chống cộng? Hay là Tàn dư của Đế Quốc Mỹ? Khó thiệt đấy! Nhất là những người như tớ, đã gặp những "thằng địch" hiền khô, bị bắt và giam ở Hỏa Lò, đã cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, Tạ Tấn... vào tận trại giam để biểu diễn, nói chuyện, động viên họ và cũng để tìm xem có người thân nào là địch không.
Riêng tớ có 3 thằng em, 2 ruột đại tá, một rể trung tướng, đều là "địch ra địch"cả! Tớ sẽ nghĩ gì, làm gì nếu chẳng may, trong trại lại gặp một trong ba đứa? May mà chẳng có ai! Tuy nhiên, như những entry trước tớ đã mạnh dạn phủ nhận mọi sự sáng tạo nghệ thuật ca ngợi chiến tranh thì trước cuộc tổng tiến công và... bỏ chạy này, tớ thấy lương tâm mình cắn rứt trước cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vì một lý tưởng không phải của ông bà tổ tiên họ để lại...
Tớ công khai nhận mình là không có lập trường vô sản như các nhà văn nghệ sỹ tiến bộ của Đảng vì, thiệt tình trong đầu tớ còn đầy những thứ "văn hóa tiểu tư sản bấp bênh luôn chao đảo" đến bản thân tớ cũng bất ngờ... và vì vậy tớ... tự tịt ngòi! Cái nghề âm nhạc không cho phép tớ biện luận, đả kích, phê phán, chế riễu hoặc chửi bới cái gì hay ai...
Cho nên, tớ quyết tâm... bỏ nghề làm "âm nhạc có nhời", sau một bản solo baryton+Choeur+Dàn nhạc giao hưởng trong đó tớ... khóc về những người đã chết! Bản này có tên "Những người trẻ mãi" do NSND Quí Dương và Hợp xướng cùng Giao Hưởng thu thanh rất xúc động người nghe kể cả tớ và người biểu diễn. Tiếc thay, phát được có vài lần thi bị phê là: "Ghê rợn!” Có ông "biên tập lập trường" còn nói "Chẳng hiểu sao, cứ mỗi lần chiến thắng cái ông TH này lại tung ra một bài... lâm khốc!
Nói tóm lại, sau vụ đi thực tế đường 559, sau những vụ mặc cả nhau bằng máu của các nhà chính trị, tớ càng ngày càng thấy khả năng mình không còn để tiếp tục làm anh "bài hát sỹ nhà nước" nữa nên suốt hơn hai năm chờ đợi ngày về gặp lại gia đình, ngoài việc tiếp tục kiếm ăn bằng viết nhạc cho một lô phim truyện, tài liệu, hoạt hình... để kiếm sống, tớ dành toàn bộ thời gian... đi học "tiếng Anh chính qui và tử tế" (tuy vẫn bị middle... câm và... điếc trong khoản nói và nghe, do điều kiện vật chất và thời gian học lúc đó) và cuối cùng cũng nhận được cái bằng chứng nhận tốt nghiệp trường Gagarin! Để làm gì các friends có biết không? Để được chọn ngay vào những người đầu tiên sẽ "tiếp quản" những gì là cơ sở, là con người của nền văn hóa "thực dân mới" ở miền Nam.

Và cuối cùng nguyện vọng của tớ đã đạt được. Nhưng chuyện đời đâu có như tớ tưởng. Tại mảnh đất Saigon đầy đủ điều kiện để phát triển văn nghệ nói chung và âm nhạc nói riêng, tớ đã vấp phải muôn ngàn trở ngại khi muốn bảo vệ ba chữ Chân Thiện Mỹ muôn đời đúng của lịch sử văn hóa loài người! Mà sự cản trở đó lại xuất phát từ ngay những cái đầu đầy bã đậu của những kẻ luôn ngồi trên đầu tớ! Thế mới bi, mới hài chứ... Tớ sẽ kể để các friends đọc dần dần trong những entries sau.
Bye! Bye!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

42-Thần tốc vô Xè-Gòn

Tô Hải - 03/03/2008

XÈ GÒN ĐẸP LẮM! XÈ GÒN ƠI! XÈ GÒN ƠI!

Câu hát này của Y Vân, mấy năm chắc chắn sẽ "Tiến về Saigon" là một trong những đề tài tranh luận khá rộn ràng của đủ kiểu lập trường về cái Đẹp ở ngay sa-lông nhà tớ khi "quân ta" đang thần tốc tiến về Sài gòn!
Có anh, nhập tâm câu nói của đại tá Bùi Tín khi ở camp David ra Hà Nội cho biết là "Sài gòn ngày nay là cái rốn của mọi sự văn minh và phản văn minh nhất của thế giới" thì cho là: Vậy thì cứ vứt cái phần phản văn minh đi, giữ cái gì văn minh nhất thế giới lại! Ngọc là ngọc, phân là phân! Tại sao bị dính phân, ngọc lại bị coi là ngọc giả (phồn vinh giả tạo).
Còn với người sáng tác, anh ta có quyền ngợi ca một xóm nghèo đói khổ, một thành phố ở đó có những con người anh yêu, dù anh ta chẳng được thành phố đó ưu ái anh ta cái gì.
Coi sáng tác của Y Vân là một hành động đánh bóng cái phồn vinh giả tạo của Sài gòn, nhất là không kết nạp Y Vân vào Hội Âm Nhạc Thành Phố (chứ chưa nói đến Hội Nhạc sỹ T.Ư) cho đến bây giờ, tớ vẫn cho là một thiếu sót, một quan niệm hẹp hòi chuyên gây sự thêm thù bớt bạn của một số những người tưởng mình có... quan điểm lạp xường!
Và cũng với cái nhìn về con người như thế, tớ đã không ít lần tranh cãi đến nổ máu mắt với mấy tay ný nuận ba xu về không ít tác phẩm và tác giả ở miền Nam. Cũng cần nói thêm là những năm 73, 74, 75, số lượng báo chí và ấn phẩm của trong ấy được đưa ra miền Bắc không chỉ bằng con đường chính thức (rất hạn chế) nữa mà bằng đủ ngóc ngách. Nhất là "giải phóng" đến đâu, văn hóa miền Nam được tuồn thêm nhiều ra miền Bắc đến đó, báo hiệu cuộc đấu tranh "ai thắng ai" không phải là... dễ dàng! Chính trong thời gian này mà tớ có được trong tay gần như toàn bộ sáng tác của Trịnh Công Sơn (trong 2 cuốn băng cối) của Chính Ủy Quân Đoàn IV, Lê Linh, (một ông Trung Tướng Việt Cộng nhưng rất mê nhạc Trịnh! ?) gửi tặng, sau khi chiếm xong Huế.
Bên cạnh đó là rất nhiều những sáng tác khác đủ thể loại của các tác giả mà tớ cho là VÀO ĐẾN SÀI GÒN PHẢI TÌM GẶP NGAY ĐỂ BẮT TAY BÁI PHỤC! Tiếc rằng, quá nhiều người đã sớm di tản để khi vào tới nơi, tớ chỉ còn gặp được có hơn chục người. Người đầu tiên là nhạc sỹ Lê Thương rồi qua ông, tớ đến thăm rất nhiều nhạc sỹ có chủ trương "ẩn dật" khác như Hùng Lân, Dương Thiệu Tước...
Nhưng có lẽ là đáng nhớ nhất là cuộc đến thăm "Động Hoa Vàng" của Phạm Thiên Thư gồm Lưu Trọng Lư, Hà Mậu Nhai và tớ! Tớ nhớ mãi thái độ bái phục của tác giả "con nai vàng ngơ ngác" khi đọc lại những câu mà Phạm Thiên Thư tả Thúy Kiều đánh đàn lần thứ 6, 7, 8...,.... sau khi Nguyễn Du đã tả 4 (hay 5 lần?) mà chẳng hề làm biến mất phong cách Nguyễn Du trong "Hậu Đoạn Trường Tân Thanh" (mà chúng tớ đã chuyền tay nhau đọc ngay những năm đầu 70 ở miền Bắc!).
Với tớ cũng như nhiều anh em văn nghệ sỹ miên Bắc thì anh em trong Nam có nhiều ưu điển và thuận lợi hơn bọn tớ như sau:
1- Ngoài những người đã tự khẳng định mình từ khi chưa di cư thì một số mới nổi lên cũng không bị lệ thuộc vào Đảng phái hay nhà nước của miền Nam. Họ hoàn toàn viết TỰ DO những gì họ muốn viết, thậm chí viết nhiều cái làm đau đầu chính quyền. Ngay dịch những tác phẩm của "phía bên kia" họ cũng chọn toàn tác phẩm có cầu chứng tại tòa bằng giải Nobel hẳn hoi như "Sông Đông Êm Đềm" của Cholokhop, "Bác sỹ Dzivago" của Pasternak, "Quần đảo ngục tù" của Sojelnysine.
Tóm lại họ được thực sự làm văn nghệ. Còn lại những ai định tập tọe biến văn nghệ thành vũ khí chống cộng sản đều... thất bại thảm hại (những bài hát chống cộng, ca ngợi Ngô Tổng Thống, vinh danh anh hùng tên Quốc... chiến dịch Phượng Hoàng, v.v… đều bị sớm "trả lại"! Và những tác giả đó đã thấy ra sai lầm của mình nên một lần trót lỡ không bao giờ lầm nữa! Họ dành cả thời gian và tim óc cho những vấn đề CON NGƯỜI. Bởi vậy, chưa giải phóng miền Nam mà tại miền Bắc đã vang lên từ các gia đình cán bộ đến quán trà đầu phố những tiếng hát Thái Thanh, Lệ Thu, Hà Thanh, Elvis Phương và nhất là Khánh Ly, cái giọng ma quái đã hút hồn kể cả những nhà lãnh đạo "có cỡ" bằng những ca khúc của Trịnh Công Sơn, chẳng ủng hộ ai mà cũng chẳng chửi ai cả!

2- Họ cũng giống như văn nghệ sỹ miền Bắc là KHÔNG HỀ SỐNG ĐƯỢC BẰNG CÁI NGHỀ SÁNG TÁC CỦA MÌNH, nhưng họ không bị "bao cấp" về tư tưởng cũng như về đời thường. Nghĩa là họ không lo bị cắt lương, đuổi ra khỏi biên chế, cấm xuất bản nên họ không cần bẻ cong ngòi bút, chẳng cần ai cởi trói, tháo gông cho cả. Nói tóm lại họ viết lách cứ... như bên Tây vậy!

Cho nên, tớ càng thấy mến phục những nhân tài thật sự của miền Nam bao nhiêu thì lại càng... thương cho mấy bác văn nghệ bị ăn quá nhiều lạp xường ở miền Bắc bấy nhiêu... Cứ tưởng Đảng ta thắng về quân sự phen này thì văn nghệ của Đảng cũng đại thắng ở vùng mới giải phóng... Sự thật ra sao ?, cho đến ngày hôm nay, sang năm con chuột mậu (chưa dịch) này từ con nít cũng biết Văn Nghệ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa đã tự động "hô biến" trên thị trường!

Diễn biến của cuộc đấu tranh “ai thắng ai” trên mặt trận văn hóa văn nghệ này là cả một quá trình trên 30 năm, trong đó có tớ tham gia 11 năm rồi …tự nguyện …"bỏ của chạy lấy người" (về hưu năm 1986) vì... tớ... ĐÚNG SỚM quá mà Tây nó đã bảo rồi "Ai đúng sớm quá là người ấy sai" (Ceux qui ont raison trop tôt ont tort). Quá trình này nhiều rắc rối và bi hài, tráo trở, đểu cáng, vô học... thế nào tớ sẽ kể dần dần qua từng mẩu chuyện có người thật việc thật trong những entries sau.

Như entry trước tớ đã viết: Vô Sài gòn chỉ còn là vấn đề thời gian, nên toàn thể các cơ quan, tổ chức, nhà nước đều có những bộ phận được giao chuẩn bị tiếp quản... Riêng mấy anh văn nghệ sỹ, mấy cái nhà hát to tổ đùng cả trăm diễn viên thì cứ như say chiến thắng trong việc ra quân lần cuối cùng này với mục tiêu "đánh thắng phía bên kia" trên mặt trận văn nghệ sau khi thắng trên mặt trận quân sự và chính trị!! Nói nôm na là phải cho văn nghệ sỹ và dân trong ấy biết thế nào là nền văn hóa ưu việt của giai cấp vô sản! Phải cho các người biết: Đây không phải là "bọn răng đen mã tấu", không phải là bọn sống trên rừng mọc răng nanh, 7 thằng đánh đu một cọng đu đủ không gãy đâu nhé! Cái niềm tin chiến thắng này nó to lớn, nó lãng mạn, thậm chí nó ngây thơ một cách quá ư... trong sáng và dễ thương đến mức những người có cái máu hay đặt ngược vấn đề như tớ lắm lúc thấy tồi tội chỉ biết nhìn nhau... cười, im lặng nhưng trong bụng thì vang lên câu: "Để rồi xem!”

Phải nói là cuộc tổng tấn công trên mặt trận văn nghệ lần này là toàn diện, toàn lực thiệt! Hơn chục Nhà Hát, hơn 30 Đoàn Văn Công trong và ngoài Quân Đội, trung ương và địa phương, đều được lệnh củng cố, nâng cao những gì là hay nhất, hoành tráng nhất từ xưa đến nay để về Nam "phục vụ đồng bào". Riêng 3 cái xưởng phim truyện, thời sự-tài liệu và xưởng phim quân đội thì gần như... đóng cửa, bám theo gót quân ta từ biên kịch đến đạo diễn quay phim diễn viên... nên ngay sáng 30/4/75 đã đổ bộ vào... khách sạn Caravelle, anh nào anh nấy đều mặc đồ quân giải phóng, mũ tai bèo, cứ như ta đây là quân giải phóng thứ thiệt! Riêng số lượng diễn viên chèo tuồng cải lương ca nhạc, giao hưởng hợp xướng với dụng cụ phông màn cồng kềnh được bố trí đi tầu thủy, một số chuẩn bị đi ô tô theo đường số 1. Riêng bọn tớ cái nhóm của nhà xuất bản GIẢ...I PHÓNG thi may mắn hơn vì được đi máy bay đàng hoàng! Một chiếc DC4 do tổ lái "ngụy" 100% đưa chúng tớ trước khi tiến về Sài Gòn còn được lượn quanh Saigon để anh nào anh nấy nhốn nháo nhìn qua cửa kính mà nghĩ về cái câu "Sài Gòn đẹp lắm Saigon ơi! Sài gòn ơi" mà... cãi nhau lần nữa!

Đẹp thật hay đẹp giả vờ thì... trong entry sắp tới, các friends sẽ biết được quan điểm của tớ.

Tô Hải
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

43. Sài Gòn, những cú sốc liên tiếp làm tớ mắc bệnh... ngọng
Tô Hải - 04/03/2008

SÀI GÒN TRONG MẮT AI
SÀI GÒN TRONG MẮT TỚ
Vậy là tớ đã THẬT SỰ đặt chân lên mảnh đất bao năm hằng mơ ước được có mặt, hơn cả Paris, London, Matxcơva...
1- Vì ở nơi đó có cả gia đình tớ gồm bố, mẹ và 6 đứa em ruột, chưa kể nội ngoại ba đời dâu, rể có đến vài trăm người đã ba chục năm trời, vì số mệnh đã phải ly tán, kẻ biến thành "ta", người biến thành "địch" một cách rất chi là... trời ơi, đất hỡi!
2- Vì khi đến được nơi đó, chính là lúc không còn tiếng súng, không còn cảnh chiến tranh tàn khốc mà nạn nhân chủ yếu là những người Việt Nam chân lấm tay bùn, có được dăm ba chữ thì cũng chưa đủ đọc nổi cái tên Vladimir Illich Lénine (nên khi viết tắt đều đọc là ông Sáu La mã Lê-lin!) chứ đừng có nói đến isme này isme nọ. Nói trắng ra rằng chấm dứt cuộc chiến tranh bằng súng đạn huynh đệ tương tàn giữa hai bên cộng và chống cộng trên mảnh đất chữ S mang tên Việt Nam. (Còn chuyện chiến tranh lạnh thì ngay ở miền Bắc, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, vấn đề "ai thắng ai" cũng chẳng luôn được xảy ra thường xuyên đó là gì?)
3- Vì chỉ có ở đó, tớ mới có điều kiện "làm nghề" thực sự, không để bất cứ cái biên chế nhà nước nào giữ nổi chân tớ. Chỉ cần với những gì tớ đã tích lũy được cùng với một thùng sách giáo khoa, tổng phổ, đĩa hát, mang theo cùng chuyến máy bay DC4, tớ quyết trở thành những người đầu tiên bổ xung vào nền ca khúc của Miền Nam một nền âm nhạc kinh viện với những cantate, oratorio, sonate, concerto, symphonie... độc đáo tính dân tộc và hiện đại.
4- Vì ở đó, tớ sẽ chấm dứt hẳn cái cảnh ăn ở chen chúc, 5 người trên 24 mét ca-rê, và sợ nhất là cái... hố xí hai ngăn dùng chung cho 4 hộ trên hai chục người mà đến nay viết lại vẫn thấy lợm giọng! (Xin lỗi các friends nếu tớ đã quá thiệt thà khi khai ra cái nỗi khổ quá tầm thường mà dân Bắc cờ chúng tớ đã phải chịu đựng.)
Phải nói thẳng ra rằng: Tớ yêu Sài gòn, yêu miền Nam chẳng vì bất cứ cái lý tưởng chính trị nào mà chỉ thèm được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, bè bạn và được sống, ăn, ở, mặc, đi lại ít nhất cũng bằng bác cai Thư, chuyên làm loong toong sai vặt cho Sở của bố tớ trước 45!
Nói trắng ra rằng: Tớ hoàn toàn tin tưởng ở cuộc sống vật chất của miền Nam hơn hẳn miền Bắc ngay từ những khi còn đi học, huống hồ 30 năm viện trợ Hoa Kỳ đổ vào, lẽ nào vô Sài gòn tớ không có cuộc sống vật chất gấp 100 lần khi còn ở miền Bắc sao?
Với niềm tin không thể lay chuyển đó, tớ đổ bộ xuống sân bay Tân Sơn Nhất mà người cứ lâng lâng như say rượu, cứ ngơ ngơ ngác ngác, luống ca luống cuống khi leo lên chiếc xe Ford 8 máy ra tận máy bay đón bọn tớ! Có lẽ cậu lái xe (cháu nhà văn Nguyễn Văn Bổng) muốn khoe Hòn Ngọc Viễn Đông để "hù" mấy anh văn nghệ miền Bắc nên anh đã cho xe chạy đi khắp cả những con đường đông vui nhất, nhiều nhà hàng, khách sạn nhất... trước khi đưa bọn tớ về cái building 83 Phan Kế Bính, nơi tạm đặt trụ sở của Nhà Xuất Bản Giải Phóng!

Người đầu tiên gọi "anh Hải" làm tớ sững sờ một giây chính là chú em thứ hai sát tớ: Tô Hiền.! Đúng 28 năm trời xa cách không gặp nhau, chẳng biết nói gì chỉ biết nắm tay nhau mừng mừng tủi tủi... Gần như cả nhà, trừ vợ Hiền, ai cũng có mặt để xem cái ông anh cộng sản mặt mũi bây giờ ra sao và tất cả cơ quan đều ồ lên cười khi Hiền nhận xét về tớ: "Ôi! Anh ăn mặc râu ria thế này mà cũng được phép à?" Có gì đâu, để quần chúng (Sài gòn) hóa, tớ đã chuẩn bị tỉa lại bộ ria Clark Gable có sẵn lâu nay và một lô áo chim cò, chữ nghĩa, đề tài tranh cãi nhi nhô của mấy vị bảo thủ và thông thoáng khi Mậu Dịch nhập về hàng lô những áo pull, quần bò làm đảo lộn cả gu thẩm mỹ vốn có lâu nay của miền Bắc XHCN. Và tớ thì cứ thích là mua dùng, chẳng cần đợi ai cho phép cả! Phải chăng tớ đã làm được một công tác tư tưởng cho ông giáo sư trường Nguyễn Huệ Quận 4 là: "Yên chí đi! Cộng sản cũng là người, cũng thích ăn, cũng thích diện như ai thôi!” Và ngay sau đó, tớ bỏ cơm cơ quan, dắt cả nhà Hiền đi bộ ra ngay đầu đường Đinh Tiên Hoàng khao một chầu Phở Bắc!

Và chính trong cái hàng phở này mà tớ nhận được những cú electrochoc nhớ đời:

1- Hiền cho biết tin chẳng lành: Cả gia đình tớ trừ Hiền, do chưa bao giờ dính dáng tới chính quyền "ngụy" nên ở lại chờ tớ. Còn lại, tất cả đã ra đi vì sợ bị... trả thù. Bà mẹ tớ ngoài 70 tuổi chân què cũng được chúng nó khiêng lên máy bay cho sang Mỹ tụng kinh một mình vì bố tớ đã chết. Phần mộ ông nằm ngay ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, sát ngay mộ thống tướng Lê Văn Tỵ! Cú sốc này làm tớ chưng hửng đến mấy ngày nhưng chỉ một tuần sau thì sốc trở thành... niềm vui vô hạn vì hàng loạt bạn của lũ em tớ (hầu hết là sỹ quan cấp tá) được khuyến cáo lên đường học tập và "học tập" nó ra làm sao, bao nhiêu lâu... thì các friends, dù còn ít tuổi cũng thừa biết, tớ chẳng cần nói thêm! Tớ thoát khỏi cái nhiệm vụ bất khả thi là... “đi chuộc” anh em ở các trại cải tạo về (như Hoàng Mãnh, Nguyễn Tài... và nhiều nhiều những bác "cán bộ cách mạng" khác sau này trở thành đối tượng trực tiếp ngồi nghe các thứ chửi rủa trực tiếp của cha, mẹ, anh em về cái tội nói một đằng làm một nẻo của mấy ổng lớn chứ đâu phải của mình!
Số là mọi gia đình có con em đi theo cách mạng trở về đều quá tin vào mấy lời tuyên bố đầy phấn khích của mấy vị có trách nhiệm đứng ra lấy lòng quần chúng vùng mới giải phóng! Đó là lời ông Trần Văn Trà, Trưởng Ban Quân Quản như: "Tất cả chúng ta đều chiến thắng. Chỉ có Đế Quốc Mỹ là thua thôi!” hoặc "Gia đình nào có một người đi theo cách mạng đều được coi là Gia Đình Cách Mạng".
Chắc khi tuyên bố hùng hồn như thế, ông chẳng nghĩ tới mấy thằng cán quèn sẽ bị rơi vào tình trạng bị gia đình cho là không có tình cảm đối với gia đình, chứ mấy ai nghĩ là các ông trên nói dzậy mà không phải dzậy!

Thế là nổ ra mâu thuẫn nội bộ trong hàng trăm gia đình mà ông Trà gọi là "gia đình cách mạng"! Có người, đã về chung sống cùng gia đình, rốt cuộc, nghe chửi mãi, chịu không nổi đành thu giọn, trở về nơi ở tập thể (trường hợp Hoàng Mãnh tức Võ Đức Quý, con Nhạc Sỹ Võ Đức Thu). Rất nhiều gia đình mâu thuẫn tới ngày chia tay vĩnh viễn! Nghĩa là, khi vượt biên hoặc đi H.O, thì... Xa nhau mãi mãi. Farewwell!!! Farewwell!!! Không thư từ, không liên lạc! May cho tớ, không lâm vào cái cảnh gặp lại gia đình mà phải nghe đi nghe lại câu chửi rủa: "Đúng là cái quân cộng sản vô nghĩa, vô tình!”

2- Cú sốc thứ 2 làm tớ bỗng tỉnh người ra là khi tớ vừa thanh toán tiền cho ông chủ quán (tất cả chưa đến 10 đồng tiền Bắc, vì những ngày đầu giải phóng đó, chẳng hiểu tin ở cái quy luật kinh tế nào mà ba Tầu Chợ Lớn đẩy giá tiền Bắc lên một đồng ăn một ngàn tiền Nam!) thì chú em tớ nhận xét rất vô tư: "Cán bộ cộng sản anh nào cũng triệu phú cả!” Tớ bỗng thấy mình ngu lâu quá! Tại sao tớ lại chấp hành chính sách đi B bằng tầu bay là chỉ được phép mang theo 200 đồng tiền Bắc quá ngu dại như vậy? Có mấy thằng bên Ngân hàng, bên Thương nghiệp nó biết mang theo cả nửa va ly tiền cụ Hồ cùng đi một chuyến bay mà có ai khám xét bắt bớ gì đâu! Trong lúc chỉ với 200 đồng tiền Bắc, sau này tớ đã nhờ chú em sắm cho một chiếc Honda Dame, một tủ lạnh, một dàn máy Teac tạm nghe được là… hết sạch!
Cùng lúc đó thì không biết bao kẻ "thức thời", ngồi xổm lên chính sách, đã mua và được các cấp chính quyền 30 tháng 4 duyệt “phân phối” cho biết bao nhà cửa, xe hơi, tài sản của hàng triệu gía đình công chức, sỹ quan “ngụy” bán đang lo sợ của cải sẽ bị... cộng hết! Thì ra, cuộc đấu tranh để phá tan cái nền kinh tế tư sản, để thay thầy đổi chủ những tư bản giả tạo,... đã bắt đầu mà những người có lợi nhiều nhất không phải là mấy chú lính mới tò te, đạn chê, đang chẳng biết làm gì ngoài việc thay nhau "đi tầu bay" bằng mấy cái thang máy! Chỉ riêng giới văn nghệ, do "khôn ngoan", kệ mẹ chuyện đấu tranh với "văn nghệ thực dân mới" (?) cho anh nào muốn leo cao trên con đường hoạn lộ, một số nhà nọ, nhà kia,... một số tập kết ở miền Bắc về, một số mới xâm nhập tự do... bằng đủ mọi con đường,... đêm ngày đi săn lùng hoặc đi lo sang tên nhà cửa xe cộ,... của anh, em, chú, bác, cô, dì...
Những vị này đều, kẻ sướng quá hóa rồ, nhậu nhẹt chơi bời xả láng nên sớm về chầu trời do ung thư gan, phổi, cổ họng, thậm chí chết đột tử ngay trên giường nhà bồ nhí,... kẻ khôn ngoan giã từ luôn nghề đạo diễn, nghệ sỹ, quay phim, sống ẩn dật an nhàn,... bằng những "chiến lợi phẩm chẳng đánh mà có" của mình cho đến hết ba đời con cháu sau này. Tên tuổi họ, tớ có cả một danh sách dài dằng dặc...

Nhưng thôi! So với những vị đi cải tạo công thương hay "tiếp quản" những nhà máy của địch, họ cũng chỉ là những con tôm, con tép vì ở miền Nam lúc đó, làm gì có mấy cơ quan văn hóa văn nghệ của Nhà Nước mà tiếp quản, mà xâu xé! Nhưng chính cái câu nói của chú em tớ "Té ra các ông Việt cộng đều là triệu phú cả!” đã làm tớ suy nghĩ tới chuyện biến chất chẳng còn mấy xa xôi của không ít người trước đồng tiền dễ kiếm, gái đẹp rẻ ê hề và luật pháp đang nằm trong tay những kẻ chẳng bao giờ biết hay đọc tới hai chữ đó.
Ấy là chưa kể luật pháp được giao vào tay mấy tên giả danh "cách mạng", mới theo chân bộ đội vô Saigon, quen được chú Năm, anh Tư thời kỳ 9 năm (chống Pháp) nên được giao bừa cho làm Bí Thư, Chủ tịch phường này quận nọ, giám đốc sở này, trường kia. Điển hình là môt tên bác sỹ, tù thường phạm, vừa ra khỏi nhà giam, bỗng thấy xuất hiện trên cương vị... Bí Thư Đảng Ủy Trường Đại Học Y Dược! (Chuyện này đã được đăng công khai trên báo Tia Sáng khi nội vụ được phát hiện). Tóm lại tớ sớm nhận ra, trước những cám dỗ của mảnh đất "cái rốn của văn minh và phản văn minh” (?), cuộc đấu tranh giữa CON và NGƯỜI đã bắt đầu.

Ở đây, tớ cũng lại gặp may, được... thoát khỏi danh sách những kẻ bị tha hóa do... tớ chẳng còn xu nào ngoài cái đồng lương 95 đồng tiền mới đổi! Đối với tớ, một thân một mình, mà được có một căn hộ đầy đủ tiện nghi, "tiếp quản" đúng nghĩa của hãng phim Paramount tại building 23 Gia Long, một dàn máy nghe băng, nghe đĩa, một chiếc Honda dame để đi lại là quá đủ, quá sướng cho đến bây giờ rồi! Kệ mẹ các bác các chú lắm tiền, ăn chơi nhậu nhẹt... kệ mẹ các bác đạo diễn, chủ nhiệm phim, quay phim trở thành chủ trang trại, chủ cửa hàng, tổng giám đốc tổng công ty này, nọ... "Ở hiền thì gặp lành. Sống lươn lẹo thì có ngày chết vì lươn lẹo." Tớ đã từ lâu tâm niệm như thế và không ít các vụ ra tòa, chết bất đắc kỳ tử đã làm tớ, cho tới hôm nay vẫn có thể khẳng định: "Có nhân - có quả" là muôn đời đúng!...
Những năm sau, hàng loạt những vụ chơi nhau đã đưa ra ánh sáng không ít vụ Người biến thành Con! Tớ hoàn toàn miễn nhiễm trong cuộc đấu tranh giữa Con và Người này cho đến lúc về hưu (1986) "vô sản đích thực", không một xu trong tài khoản tiết kiệm, không một cái nhà được cấp sổ đỏ, sổ hồng,... (Gần đây, theo chỉ thị 61 bán nhà đang ở cho người ở thuê, bà xã tớ đã phải vay bố mẹ, bạn bè để được tiến hành làm thủ tục).
À! nhân tiện cũng tiết lộ một "chiếu cố đặc biệt" của chế độ đã ban cho tớ mà tớ quên không kê khai: 27 Tết vừa rồi, bà xã tớ đã thay mặt tớ lên phường 3 Quận Bình Thạnh để nhận trợ cấp Tết cho diện xóa đói giảm nghèo"! Được lãnh gạo, dầu ăn, đường, bột ngọt rất chi là đầy đủ! Té ra trần xìn lương hưu tớ chia cho ba người, tớ là người nghèo nhất tổ dân phố! Nào! Đã thấy Sài gòn đối với tớ đẹp tuyệt vời chưa?

Nhân tiện tớ cũng trả lời một comment chất vấn tớ "Có phải những gì tớ đang có hôm nay chẳng do chế độ này mang lại cho hay sao?"... hoặc "nếu tác phẩm của tớ vẫn được đề cao, tiếng tăm tớ vẫn nổi như cũ liệu tớ có viết những entry "đánh đu với con nít" như vừa qua nữa hay không?"
Tớ xin trả lời thẳng thừng như sau: "Tớ chẳng "Được" cái gì mà chỉ có "Mất", "Mất hết" mà thôi! Trước hết là Mất cái cuộc sống để trở thành tiến sỹ này, giáo sư nọ, thậm chí Tướng này, Tướng nọ... ngay những ngày đầu 1945. Sau nữa là mất cả tuổi xanh, mất cả gia đình, mất cả tài sản (tính cả Hà Nội và Sài gòn gia đình tớ mà tớ là con cả, đã mất ít nhất 4 cái biệt thự mà những kẻ tiếp quản nó nếu hôm nay mang ra bán trên thị trường địa ốc định hướng xã hội chủ nghĩa vừa qua cũng phải vớ được cả tỷ tỷ đồng! Nhưng quan trọng nhất đối với tớ là MẤT TỰ DO, KHÔNG ĐƯỢC NÓI LÊN NHỮNG GÌ LÀ CON TIM VÀ KHỐI ÓC TỚ MÁCH BẢO mà chỉ chuyên đi viết những gì mà Quân Đội và Đảng yêu cầu, vì tớ Hèn, tớ Sợ (đến cụ Nguyễn Tuân cũng còn phải nói: "Sở dĩ tớ tồn tại vì tớ biết... SỢ" nữa là!)
Còn về tác phẩm của tớ ngày nay, nói cho vui, nếu có ai đó ra lệnh đề cao thì tớ cũng "Xin Đừng Tố Khổ" em nữa! Vì sự thật thì thời buổi này Nhạc sỹ đâu còn là nghề của bọn tớ! Với những gì thời chiến tranh xa xưa thì đến tớ nghe cũng còn chối tai nữa là các bạn trẻ thời kinh tế thị trường, thời mở cửa toang toàng toàng và hội nhập chăm phần chăm: cái gì bên Los Angeles có hôm trước là hôm sau đã có ngay tại Sài Gòn! Vả lại tớ đâu có đòi hỏi ai đó trả công xứng đáng gì đâu khi tớ kể truyện đời tớ cho lớp trẻ nghe... cho vui và nếu họ rút được cho mình một kinh nghiệm sống nào đó thì... "xin mời!” Thế thôi!
Những câu chuyện tớ đã sống, đã... bị đánh đấm, bị... xuýt chết những năm vô Sài gòn vì tớ quá ảo tưởng rồi đi tới chỗ rút lui (về hưu sớm một năm) ra sao sẽ được tớ dần dần tiết lộ với các friends trong những entries tới. Nhiều chuyện vỡ mộng, lạc đường, thậm chí "bỏ của chạy lấy người" của ba anh văn nghệ sỹ Bắc cờ cứ tưởng Sài gòn... đẹp và dễ ăn như một miếng bánh Givral! Thế nhưng, khối người bị hóc những khúc xương tổ bố do chính những cái đầu đại ngu đã vô tình hay cố ý gài họ xuống huyệt!

Tô Hải
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

44. Bài 1- MỘT BÃI CHIẾN TRƯỜNG KHÔNG TIẾNG SÚNG
Tô Hải – 09/03/2008

Tớ phải dùng cái cảnh tưởng có vẻ máu lửa này vì trước khi lên đường "thâm nhập công khai" miền Nam, qua các bài lên lớp, động viên, dặn dò của các vị "nắm tình hình của trận địa văn nghệ miền Nam" cao nhất là: phải giữ vững lập trường, phải kiên định đường lối văn nghệ vô sản. Rằng thì là đây là một trận địa vô cùng phức tạp, rằng thì là các thứ triết lý phản động của chủ nghĩa thực dân mới được Đế Quốc Mỹ khuyến khích đang ăn sâu vào nhận thức và tình cảm của "bà con"... rằng thì là... chỉ có mang những gì là ưu việt nhất của văn nghệ cách mạng vào mới có thể đánh bật được những thứ phản động, dâm ô, đồi trụy... rằng thì là... đây là một cuộc chiến lâu dài khó khăn, cần phải kiên trì liên tục...
Và cả mấy ngàn con người “chiến sỹ không cầm súng” được huy động vào cuộc chiến này, trong đó có tớ hăm hở đổ bộ vô Sài Gòn, nhưng… mỗi anh đều có trong đầu những mục tiêu "chiến đấu"... khác! Riêng tớ với những mục tiêu riêng tư, (đã thú thật trong entry trước), tớ cũng có một mục tiêu hoàn toàn tích cực: Quyết tâm lao vào việc bồi dưỡng những kiến thức khoa học âm nhạc đích thực cho các bạn bè quen biết hoặc sẽ quen biết bằng cách mở những lớp dạy tác khúc, hòa thanh, phối dàn nhac... để miền Nam sớm có một nền âm nhạc không chỉ có ca khúc mà thôi. Tớ cho rằng ca khúc thì miền Nam thừa sức để có những Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Miên Đức Thắng... nhưng để có những cantate, oratorio, sonate, symphony... thì rõ ràng là miền Nam chưa có gì, (kể cả Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn cũng không có khoa sáng tác). Do đó, khi lên chiếc DC4, tớ khuân theo cả 2 va ly sách giáo khoa, tổng phổ, đĩa hát cần thiết nhất vô cái mảnh đất mà tớ sẽ là một trong những người đầu tiên đặt cái nền móng cho "âm nhạc đích thực" này. Chuyện ảo tưởng của tớ, sau ba lớp nhạc tại Sài Gòn và Cần Thơ thất bại ra sao, tớ xin phép kể sau. Bây giờ hãy quay về với chuyện cuộc chiến về xuất bản âm nhạc của tớ nó diễn biến thế nào!
Cơ sự là thế này: Trong lúc chân ướt chân ráo tới "thủ đô của Văn Nghệ thục dân mới" thì cơ quan tớ mắc ngay vào cái vấn đề muôn thưở còn tồn tại đến ngày nay. Đó là thủ tục hành chánh! Chúng tớ sẽ trực thuộc Tuyên Huấn Trung Ương Cục Miền Nam (ô Trần Bạch Đằng túc Tư Ánh) hay thuộc chính phủ lâm thời CMMN (ô Lưu Hưu Phước) ? Sinh hoạt phí và kinh phí hoạt động ai rót cho?
Và chắc phải nhiều cuộc họp hành, tranh cãi về tổ chức kéo dài nhiều ngày cho nên bọn tớ tha hồ lang thang đi tìm hiểu tình hình "phe địch". Riêng tớ, ngoài việc thăm hỏi họ hàng, bạn bè, người thân còn làm được một việc mà tới bây giờ, tớ lắm lúc thấy mình cũng hơi... "hâm", hơi không "thức thời" vì không biết đi kiếm nhà, kiếm xe hơi (như nhiều vị mà tớ đã kể trong entry trước).
Đó là đi sưu tầm các hiệu sách như Khai Trí, những quán, sạp sách bên đường để mua với giá rẻ như bèo các tác phẩm mà ngày xưa có nằm mơ cũng chẳng thể có.
Đó là những tác phẩm văn học cổ điển của Dostoevsky, của Tolstoi,... và cả những gì mà, khi ở miền Bắc, khối người chỉ mới được nghe qua lời phán của mấy nhà ný nuận văn học vô sản là... sặc mùi "phản" động của những tác giả như Camus, Sartre, Sagan, A.R.Grillet!...
Thế là, cứ một đồng tiền Bắc một cuốn chúng tớ mách nhau ào ào đi mua về "làm vốn" đọc dần kẻo lại như mấy nhà ný nuận, tốt nghiệp trường Đảng Liên Xô, Trung Quốc về, tha hồ múa mép về "hiện sinh- hiện đẻ" mà chính họ cũng chỉ được học tù mù qua các các ông thầy cũng... mù tù... lên án nó là thế này thế nọ chứ... cả thầy lẫn trò, ở mấy cái xứ sở viết chữ... ngược (slave) có mấy người biết đủ ngoại ngữ để có thể đọc hết những tác phẩm của mấy tên "phản động cầm bút" viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh!
Chắc sẽ có bạn hỏi tớ sao không sưu tầm nhạc cổ điển, nhạc ngụy? Xin thưa: Tớ đã đi mỏi cẳng mà không sao tìm ra đĩa hát cổ điển kể cả cái tiệm danh tiếng như Hoàng Anh nằm ngay trong thương xá Tax. Hơn thế nữa cái mốt chơi băng cối lúc này đang thời thượng còn đĩa hát 33 vòng/phút đã hết mốt từ lâu rồi. Mà băng cối thì không ai dại gì đi thu concerto, sonate vì... bán cho ai?
Còn “nhạc ngụy” ư? Chẳng biết lệnh từ đâu, tất cả các cửa hàng, các gia đình ai có băng nhạc ngụy phải giao nộp hết cho cách mạng, ai không giao nộp hoặc còn tiếp tục sử dụng sẽ phải chịu tội chống phá cách mạng! Thế là cái trận địa mà cánh tớ đang tìm hiểu, chưa nghĩ phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu thế nào thì... từ đâu đó đã ra lệnh: CẤM TIỆT! Đơn giản và gọn nhẹ như cứ thấy quần ống loe là mời váo cắt cái rụp. Thế thôi! Những chuyến xe ba gác, cyclo, chở đầy băng nhạc, sách báo, từ điện, sách giáo khoa, về Sở Văn hóa về các phường, khóm mới thành lập, thậm chí về cả nhà riêng các cán bộ văn hóa xã, phường (chẳng biết từ đâu ra nữa?), để cho xe lu nghiền nát, cho vào lò lửa cháy đùng đùng... làm các bố ra lệnh cứ tưởng là cuộc chiến chống văn hóa nô dịch đã làm được một... "cú đấm chết tươi"!
Nhưng thật là tai hại! Chính những cái mà các vị đang ra lệnh tịch thu, không những không chết mà lại có cơ hội chui tọt vào nhà không biết bao vị... "cán bộ cách mạng có cỡ" lẫn dân thường ở cả hai miền Nam, Bắc!!! Hoàn toàn free! Cho tới nay, nếu ai có dịp đến thăm bất cứ nhà của một vị lý luận văn nghệ của Đảng nào cũng thấy la liệt tầng cao, tầng thấp toàn những tác phẩm "độc hại" bị thu hồi để... hủy (!) thời gian này.
Có vị có nhiều quá, đến mức từ cái nhà một tầng, đành phải "chạy" kiếm bằng được cái nhà, hai, ba tầng để... cất giấu không cho ai thấy "chiến lợi phẩm văn hóa" lên tới cả gần ba vạn cuốn của mình. Điển hình là nhà lý luận số 1 N.P, nhà và thư viện riêng, ở... Điện Biên Phủ, người bí thư riêng đã từng mách nước cho ông Hà Huy Giáp viết nên những bài lý luận văn nghệ đọc "phát phì cười" như "Việt Nam ta không có bi kịch mà chỉ có anh hùng ca" hoặc "Beethoven, người sáng lập nền ca kịch cổ điển Đức!”.
Còn về âm nhạc thì cả cái thị trường tràn ngập máy Akai, Teac... chuyên chạy băng cối, băng cassette rẻ như bèo bỗng dưng chấp hành lệnh quân quản, chuyển sang chơi toàn nhạc nhẹ của P.Mauriat, Caravelli,... thỉnh thoảng có vang lên tiếng Thanh Lan trong cuốn băng bài ta theo điệu Tây "beng... beng" ở vài cửa hàng bán máy! Vậy thì tất cả các băng tịch thu để... hủy đó nó đi đâu?
Xin thưa: Ngoài một vài mớ bị xe lu nghiền nát làm... phép, nó công khai và oang oang trong nhà các... cán bộ cách mạng! Và một điều các vị chuyên lãnh đạo văn nghệ bằng thủ pháp CẤM không ngờ! (vì cái các vị cấm lại chính là cái mà con người bình thường thích tìm hiểu nhất).
Đó là: hàng vạn "trái cấm" đó, nó đã ào ào chạy ra miền Bắc bằng đủ mọi con đường, được sang lại, nhân bản bán chạy như tôm tươi và chẳng mấy chốc nó đã thay thế hẳn những bài ca cách mạng toàn hừng hực khí thế oánh nhau, chuyên "hô hào đánh mỹ, diệt ngụy", đã như một định mệnh, thực sự... hết thời.!
Dân Bắc cờ, một phần, do lâu nay đã ăn mãi cái món ăn khẩu hiệu nay vớ được món lạ đâu có dễ tuân lệnh triệt để (vì sợ chính quyền) như dân miên Nam mới được "giải phóng"?
Phần khác, chẳng mấy ai ở miền Bắc không có cán bộ, đảng viên không làm to thì làm nhỏ, chẳng hề sợ gì "lệnh cấm nghe nhạc ngụy", nhất là lệnh của Quân quản miền Nam chứ đâu có phải lệnh của miền Bắc! Và cứ thế nhạc của các vị cấm cứ đàng hoàng tồn tại và được chính thức công nhận cho tới ngày hôm nay, kể cả các vị chống cộng khét tiếng cũng được cùng tác phẩm thoải mái trở về "nước mẹ", làm ăn đàng hoàng, báo chí đề cao, chạy show mệt nghỉ, tiền bạc rủng rẻng! Quên đi quá khứ! Hết chuyện địch ta!

Thế là: Chúng tớ... hết việc phải lo "làm gì"? mà chỉ lo "làm thế nào" để cả triệu cái máy nghe nhạc của cả nước "có cái để nghe" trong những ngày sắp tới đây và cả cơ quan tớ cũng không ngồi chơi xơi nước mía mãi được!

Thế thì...! hết cái để "chống" thì tập trung vào "Xây" vậy. Nhưng xây cái gì, xây thế nào ở cái đất Xi-Gòn đã quá quen với Rock-Pop là cả một cuộc chiến tư tưởng ngay trong nội bộ chúng tớ và ngay cả ở cấp lãnh đạo địa phương lẫn Trung Ương, không kém phần ác liệt, trong đó có một vài vị lãnh đạo, một số anh em và tớ lại bị một cú rơ-ve nổ đom đóm mắt về cái tội "mặc áo ngụy cho tác phẩm cách mạng".

Chuyện khôi hài cười ra nước mắt này nó thối như cái... kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chảy quanh nhà tớ: 7 năm trời cải tạo vẫn thối hoàn thối ra sao, tớ sẽ viết trong entry sau.
Sunday March 9, 2008
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

45. Vào cuộc chiến chống âm nhạc "phản động đồi trụy" mà thua to là cái chắc!

Một số lời phi lộ bất đắc dĩ - Sở dĩ tớ phải viết những giòng sau đây làm phi lộ vì hàng loạt entries tớ sẽ viết sau đây:

1-/Chắc chắn sẽ có lắm người đọc xong chửi tớ là: lão già cuối đời còn không biết an phận hưởng lộc “Trời” (tức là theo đảng Ta, thề chết quyết đi theo lý tưởng mấy ông Tây vạch ra!) cho mà còn liều mạng nói những điều mà trước đây 30 năm sao không dám nói!

2-/Liệu ông già còn được đề cao, còn "vi tín"như ngày mới đổ bộ xuống Xì-Gòn, ông có còn suy nghĩ và viết lách như dzậy không.

3-/Hoặc tệ hơn nữa là: Chẳng qua, tớ chỉ là loại "theo đóm ăn tàn", thấy phong trào đòi hỏi dân chủ trong văn nghệ nay đang... có mòi phát triển nên liều "tát nước theo mưa"

4-/Tệ hại hơn là có thể có mấy ông kiên định lập trường chống cộng cực đoan lại xếp tớ chung một rọ với bọn "dân chủ cuội" hoặc cơ hội, bất mãn... nhân dịp có "giờ vàng" thứ 25, nhảy ra làm tí chính trị mà quên đi quá trình tội ác như bọn Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Trần Dần... ("Đàn chim Việt"ngày 9/3/008 cũng có kẻ xếp Trần Dần vào loại thơ thì "chẳng có gì gọi là hay" và lý lịch thì là... cả một quá trình bưng bô cộng sản đấy!)

Vì những lý do trên, tớ phải ra tuyên bố:

1- Chính Tớ là một trong những người sớm nhận ra cái "con đường chết" của cái thứ "văn nghệ công nông binh", cái thứ gọi là "âm nhạc không son-phe" và cái đường lối biến văn nghệ thành một thứ "vũ khí, một bánh xe trong cỗ máy chuyên chính vô sản" (có bạn nào giỏi vi tính giúp tớ up lên một đĩa CD có hình và tiếng nói của tớ công khai phủ nhận tất cả những gì tớ đã làm nghề tuyên truyền, phục vụ kịp thời hơn là làm nghệ thuật suốt cả 30 năm trời)
2- Về những tác phẩm văn nghệ ra đời ở miền Nam, thì ngay từ những ngày đầu vào Xìgòn, tớ không hề bị bất ngờ đến mức phải ngồi xuống hè đường mà... khóc (vì thấy mình bị... lừa?) như nhà văn D.T.H một tí nào cả vì tớ có đầy đủ tang chứng và lý luận để khảng định từ rất sớm là Ở Miền Nam, văn nghệ sỹ được cái quý báu nhất của cuộc đời làm nghề. Đó là họ được TỰ DO SÁNG TÁC, được tự do viết bất cứ cái gì mà họ cảm thấy, nhận thấy, kể cả những cái làm ông chính phủ của họ phải đau đầu. Tóm lại: Họ được tập trung hoàn toàn vào công việc sáng tạo nghệ thuật. Hay hay chưa hay chỉ là do họ chưa "với tới" mà thôi! Không có cái chuyện "trong thơ phải có thép" hoặc bị khoác cho cái chức vị "người chiến sỹ (?) cầm bút, cầm đàn, cầm cọ" như ở miền Bắc. Và hầu hết, họ đều không sống nhờ vào quỹ lương của một chính phủ, một đảng phái chính trị nào. Nói cách khác Họ không làm chính trị trong văn nghệ! (Tất nhiên cũng có một số nào đó ca ngợi Ngô Tổng Thống, ca ngợi anh Quốc, ca ngợi chiến sỹ áo đen trong Chiến Dịch Phượng Hoàng, cũng có những hành khúc "Quyết tâm diệt cộng" v.v... Nhưng rõ ràng, ngay người dân miền Nam cũng chẳng bao giờ coi nó là "sáng tạo nghệ thuật" cả! Cho nên, đến bây giờ, tớ muốn sưu tầm tìm hiểu nó còn khó hơn cả tìm... chim trời!

Nói tóm lại Văn nghệ miền Bắc chẳng có cái gì Là ƯU VIỆT, là ĐỂ LÀM GƯƠNG cho văn nghệ miền Nam hết, ngoài mấy cái nhà hát to đùng, do nhà nước bao cấp với một số chương trình rầm rộ lúc đầu định "đánh phủ đầu" nhưng đều đánh vào... chỗ trống vì người miền Nam đâu có cái "gu" xem và nghe free ở ngoài trời những cái mà miền Bắc vẫn thường xuyên được nghe và... xem!

Với niềm... chẳng tin tí nào trong công cuộc đấu tranh "ai thắng ai" trên mặt trận văn nghệ này, tớ được bổ xung vào cái đội quân "xuất bản giải phóng", phụ trách riêng mảng âm nhạc thì... thua là cái chắc! Và đến hôm nay, cứ đọc "The way to Rock & Roll in Hanoi" hoặc "How does Hanoi Rock" của tiến sỹ Jason Gibbs (San Francisco) hoặc cụ thể hơn là ùng oàng, chát chúa khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam này những Rock, Rap đủ kiểu, những "Yêu một người là dại", những "Tình một đêm", những "Anh chấp nhận là người thứ... ba" thậm chí cả đến "Ăn bánh trả tiền", "Trời cho, trò chơi", "Kiếp đỏ đen", đều được "Đổi cũ"... hơn cả Cũ trên thị trường ca nhạc định hướng XHCN bởi những nhà "nắm đầu ra"của âm nhạc thì: Trong cuộc đấu tranh "ai thắng ai" trên mặt trận âm nhạc này âm nhạc miền Bắc và cả Miền Nam trước 75 đã thua toàn diện! Nhạc không phải của miền Bắc cũng chẳng phải của miền Nam đang rút lui không kèn không trống!

Tớ sẽ kể chuyện tớ đi "cải tạo âm nhạc thực đân mới" nó vô duyên và khôi hài ra làm sao, không hề thêm, chỉ có bớt hoặc quên (vì tuổi già) cho các friends nghe. Chỉ sợ tớ không còn đủ sức thôi! Nào bắt đầu...
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

46. Bài 2: Thay thế món ăn tinh thần có dễ không?
THAY ĐỔI CÁI BÌNH ĐÂU THAY ĐƯỢC RƯỢU...
Tô Hải – 11/03/2008

Vậy là, sau gần hai tháng, cái Nhà Xuất Bản Âm Nhạc Giải Phóng gồm trần xìn 3 người: Hoàng Hiệp làm "Giám Đốc", Thành Lang phụ trách nhạc in, và tớ phụ trách nhạc thu băng, dưới sụ bảo trợ của Bà Sáu Liên, Giám Đốc hãng Asia (với phòng thu thanh tuy chật hẹp nhưng máy móc khá hiện đại) ra đời.
Đây là công lớn của ông Tư Ánh (Trần bạch Đằng) do thời kỳ hoạt động nội thành ông đã dùng chính gia đình bà Sáu Liên làm cơ sở. Tuy là giám đốc sản xuất 100%, vì bà đã bỏ ra toàn bộ công sức tiền nong, và một khối lượng băng trắng khá lớn đang còn trong kho ra "phục vụ cách mạng" (vì NXBANGP tớ đâu có xu nào? đâu biết tính toán, biết kinh doanh trong cái nghề thu băng này bao giờ), nhưng chưa bao giờ bà có tên trong 9 cuốn băng "nhạc giải phóng" mà bọn tớ đã cố gắng làm ra để phục vụ hàng vạn cái máy đang câm nín, hoặc phát không... có tiếng (nghe bằng headphone) đang hiện hữu ở khắp miền Nam!
Tớ không một chút nghi ngờ gì về sự cộng tác chân thành của bà Sáu Liên, cũng như của các anh em nhạc sỹ, nhạc công "tại chỗ", như Võ Đức Xuân (organ), Cao Phi Long (trompette), An (Sax, Cla), Lạc (Guitare lead), Lý (Bass), Thoại (trống), Duy Hải, Y Vân... đã cùng tớ ăn ở ngay tại phòng thu Võ Di Nguy để mong sao sớm có "cái gì đó" để chiếm lãnh thị trường âm nhạc đang bị... câm nín hoặc toàn phát ra bài... Tây hoặc bài "Ta theo điệu Tây"...! Cùng với Thanh Tùng, Hữu Bích, Trần Mùi, Hoàng Mãnh,... bọn tớ lao vào cuộc chiến dành dật lại trái tim của người yêu âm nhạc Miền Nam bằng... pop, rock hóa âm nhạc... miền Bắc!
Sở dĩ có cái "sáng kiến" khá táo bạo này vì:
1-/ Với những người có tí lý luận âm nhạc thì: Rock hay Pop, hay Blues, hay Bosanova, Suffles, Saoul... chỉ là khái niệm của BIỂU DIỄN. Ngay ở miền Bắc, những năm trước 75, chúng tớ cũng đã từng cãi nhau về vấn đề này khi có một đoàn nhạc Rock của Tiệp Khắc sang Hà Nội, chơi cả "Tiến quân ca", "Giải phóng miền Nam" thành Rock & Roll, và Sunhasaba nhập về hàng loạt đĩa hát mà các ban nhạc XHCN chơi cả Beethoven (ode de la joie), Verdi (Traviata) thành nhạc nhảy, nhạc rock mà vẫn chả ai cấm đoán gì! -
2-/ Chúng tớ, chỉ là "ăn theo" những gì mà Ban Nhạc Ngọc Chánh, trong Đoàn Kịch Kim Cương đã làm và đã được các "bậc cao nhất" trong các vị lãnh đạo Miền Nam "phúc khảo và cho phép", trình diễn công khai ở Sài gòn ngay từ đầu tháng 7 năm 75! (Tớ cũng là một thành viên trong Ban Phúc Khảo). Một chương trình rock hóa các bài hát cách mạng như "Tiếng đàn Ta lư", "Cô gái vót chông", thậm chí cả những bài hát rất chính trị của Xuân Hồng... đều được thông qua và... hoan nghênh nhiệt liệt...
Và rock-pop hóa những bài hát cách mạng đã là cứu cánh cho những con người chưa biết làm thế nào để chiếm lãnh thị trường âm nhạc miền Nam. Lúc này, xin nhắc lại là chưa có Đổi Mới Đổi Cũ gì hết. Và việc nên hay không nên thống nhất ngay lập tức hai miền hay để nguyên một nước hai chế độ (như kiểu Trung-Quốc Hongkong) đang là đề tài khá giằng co giữa các vị lãnh đạo của miền Bắc với Miền Nam... (một vấn đề chính trị thuần túy vô cùng quan trọng mà lịch sử sau này sẽ có người phải ghi chép thật trung thực cái đúng cái sai mà tớ không dám lạm bàn).
Thôi thì, cứ làm những gì mấy vị lãnh đạo cao nhất ở miền Nam cho phép làm. Và để chắc ăn, tớ tìm trong ký ức có những gì dễ rock-pop hóa nhất của miền Bắc và của các nhạc sỹ "R" như Phạm Minh Tuấn, Lư Nhất Vũ, Xuân Hồng... là giao cho nhau đi kiếm bản thảo, thậm chí phải bay ra bay vào Hà Nội-Sài gòn cả chục lần, để hòa âm, phối dàn nhạc (Thời gian này các nhạc sỹ sống trong vùng "thực dân mới", kể cả các nhạc sỹ "Nhân Văn", cũng như các tác phẩm "đồi trụy, ủy mị", "không có lập trường", "đảng tính" đang ở miền Bắc như Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác hoặc những tác phẩm trước 45 của Đặng Thế Phong, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương... đâu đã được phép "đề cao"?

Cuối cùng một danh sách bài hát được, bảo đảm 100% "không có vấn đề" gì về nội dung (vì theo như các vị "cầm cân nảy mực thì nội dung chỉ là ở cái... nhời! ?) đã được đệ trình và đã được Ban Tuyên Huấn Trung Ương Cục Miền Nam thông qua! Đó là những "bài ca cách mạng" mà tớ thấy:

a-/ Giai điệu đẹp, có hình tượng, cấu trúc gọn gàng, không dây cà ra dây muống.
b-/ Ngôn ngữ âm nhạc tương đối mới lạ, có mầu sắc dân tộc, độc đáo.
c-/ Lời ca "nhẹ đô", ít hò hét, ít tuyên truyền sống sượng và không gây tự ái, mặc cảm cho những người nghe vì đối tượng của các băng nhạc giải phóng này rõ ràng chỉ nhằm vào những người ở bên phía... "bị cải tạo" về phương diện thẩm mỹ, chứ đâu nhằm mấy vạn cái máy ở miền Bắc, đã lâu rồi, tha hồ nghe các thứ từ dở nhất đến hay nhất của miền Nam, đặc biệt là khi được biết Trịnh Công Sơn không di tản thì... gần như không một nhà nào có máy mà không có gần như toàn bộ tác phẩm của Trịnh Công Sơn, do Khánh Ly hát!...

Và thế là, công cuộc "mặc áo mới", thay "bình mới" cho các "bài ca cách mạng" được bọn tớ gắng sức bắt đầu! Ngoài những ngươi đã say sưa, hy sinh cả quyền lợi cá nhân như tớ đã kể ở trên mà cho tới hôm nay, tớ vẫn vô cùng cảm phục và biết ơn họ, còn phải kể đến những đóng góp, tìm tòi, sáng tạo của các anh Lê Yên, Thanh Tùng, … đã cùng tớ cố gắng tìm cách "Việt Nam hóa" rock bằng cách đưa vào những thủ pháp phối khí, sử dụng mầu sắc mới như bên cạnh nhạc cụ điện tử có dùng cả sáo tre, tr'ưng, thập lục... và đặc biệt, lần đầu ở Sài gòn, các nhạc công phải đánh theo tổng phổ (partitura) có chỉ huy đàng hoàng chứ không đánh theo kiểu improviser tùy ý như trước nữa!

Và 7 cuốn băng "âm nhạc giải phóng" trong đó có một cuốn nhạc không lời (lấy ở các bài mà lời ca hát lên sợ "không ăn khách")! Cộng với hai cuốn băng cải lương thu các vở "vô thưởng vô phạt" chẳng dính gì đến "Mỹ cút ngụy nhào" nữa (vừa băng cối vừa cat-xét nữa) là 9 cuốn,... thì... thi... thì thì... chuyện gì xảy ra?

Xin để entry tới, tớ mệt quá rồi.
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

47. Viết tiếp bài "Bình Mới Rượu cũ" (bài 2)
CÔNG DÃ TRÀNG CÒN MANG TIẾNG XẤU!
(mới bổ sung theo yêu cầu của một số friends)
Tô Hải – 12/03/2008

Công việc rock hóa nhạc miền Bắc và nhạc "Rờ" tưởng cứ cái đà này... êm trôi mãi mãi... Bà Sáu Liên đã chi tiền cát xê cho anh em diễn viên, nhạc công ngày một tăng thêm. Sau buổi tập hoặc thu thanh xong, đã có thể giắt nhau ra tiệm cơm thố chợ cũ ăn uống, nhậu nhẹt chút ít... Những tác giả có tên trong các cuốn băng đã có thể tới 83 Phan Kế Bính lãnh tiền bản quyền... Trong các rạp chiếu bóng, các tiệm kem, ở các loa công cộng đã có vang lên những "Cô gái Sài gòn đi tải đạn" những "Đường chúng ta đi", "Bài ca hy vọng", "Nhớ", "Bóng cây K'nia" được biểu diễn hoàn toàn khác với... miền Bắc! Bà Sáu thì báo cáo: Tình hình kinh doanh rất thuận lợi! Không chỉ ở Sài gòn mà cả ở các tỉnh miền Đông, miền Tây cũng lên lấy hàng, không sao đủ bán!
Thậm chí có không ít nghệ sỹ tại chỗ, muốn "lấy điểm" với cách mạng còn tâng bốc: Nhạc cách mạng đúng là hay thật, ưu việt thật, độc đáo thật, chẳng qua chỉ là cách hát, cách đệm đàn..."cao" (?) quá nên công chúng chưa thích mà thôi! Nay hát và đàn như thế này thì... đâu có thua gì Crazzy dogs!
Cũng chẳng thiếu gì tác giả, ca sỹ "phe ta" cũng bỗng dưng phê phán cách hát, cách hòa âm, phối khí trước kia là khó nghe do học kiểu phát âm nhả chữ, sách vở kinh điển của Liên Xô, của Tầu... Muốn sống ở cái đất "Thủ Đô của nhạc nhẹ Đông Nam Á" này hãy từ bỏ các giáo điều nhạc viện phương Tây mà quay lại "hát như nói" vào tai người nghe, chứ đừng có gào lên, rú lên như mấy ông ca sỹ opéra, opêvào! Dân miền Nam nghe không quen! Điều này, nếu chỉ là vấn đề kỹ thuật thì... dễ ợt. Với một bài hát mà âm vực không quá rộng thì chỉ việc hạ xuống 1, 2, thậm chí 3 giọng là xong ngay!
Do các ca sỹ "tại chỗ" chưa được phép sử dụng nên cánh tớ lấy toàn dân hát bè phụ trong các dàn hợp xướng nghĩa là lấy toàn alto và baryton làm solist. Nào ngờ khối ca sỹ trước kia ở miền Bắc chẳng ai biết tên tuổi bỗng nổi lên trong cái đợt rock pop hóa nhạc Bắc, nhạc Rờ này!
Thì ra con đường trở thành nổi tiếng trên thị trường âm nhạc không phải là chỉ do có tài. Mà còn do cái "thời", cái "thế" và cái "may" nữa! Sau này, để hợp thị hiếu ở cả hai miền, khối các ca sỹ được đào tạo hát theo kiểu giao hưởng thính phòng, không ít các pianist đã qua năm 2, năm 3 Đại học, không ngần ngại "trả lại thầy tất cả những gì em đã học" để em đi kiếm ăn bằng Pop-Rock, (nhưng vẫn giữ nguyên cái danh vị "đã tốt nghiệp nhạc viên X, Y khoa này khoa kia! ?" khi cần đến)

Trở lại với cái lò sản xuất master tape của cánh tớ, đang hừng hực khí thế vươn lên chiếm lãnh thị trường thì... thi... thì... bỗng có lệnh (ở đâu chẳng rõ), tạm nghỉ một thời gian để... chấn chỉnh tổ chức! Với kinh nghiệm bản thân và cái đầu luôn chuẩn bị đón những cú sốc lớn nhỏ, tớ lập tức cho ách ngay mọi công việc, động viên anh em nhạc công "bên ngoài" tạm về "nghỉ khỏe" để lao vào tìm hiểu "cái lõi của vấn đê", cái "nguyên nhân của mọi nguyên nhân"...
Và qua mấy người bạn chí thân nhưng do không làm văn nghệ nên làm khá to trong hệ thống lãnh đạo, (kể cả làm bí thư riêng cho ông to nhất nước nên tớ hay nắm được nhiều chuyện mà khi họ "nói riêng" cho tớ biết đều là chuyện "sắp có bão giông trong cung đình" cả. Và tất cả mọi chuyện đều đúng, không hề "kiếm chuyện làm quà"! Có những chuyện thì đã "ra công khai", có những chuyện động trời, cho tới nay chưa được phổ biến trên bất cứ phương tiện thông tin đại chúng, tiểu chúng nào...
Còn cái chuyện nó ảnh hưởng quyết định nhỡn tiền đến mấy anh em "âm nhạc giải phóng" chúng tớ thì đến nay, ai cũng biết, nói ra thì ai cũng đã nói, nhưng tải lên Blog cho các cháu, các em thấy được một khúc quanh lịch sử rất quan trọng của đất nước những năm sau giải phóng có lẽ tớ là một anh già liều mạng nhất! Đó là việc Trung Ương hợp bàn về chuyện thống nhất nhanh đất nước, giải tán sớm nhất cái gọi là "Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam", với một lô, một lốc các bộ trưởng, thứ trưởng... đang có mòi tưởng mình đang lãnh đạo và quản lý miền Nam "mới giải phóng"… thật!!! Bên Đảng cũng không kém phần đối lập nhau trong chủ trương giữa một phe "hãy từ từ xã hội chủ nghĩa hóa miền Nam" theo kiểu miền Bắc. Nghĩa là không nên vội vàng đẩy mạnh cải cách ruộng đất và đánh tư sản ở miền Nam.
Nhưng cái bên kiên quyết không thể kéo dài, không thể chần chừ vì càng kéo dài ngày nào càng phân hóa trong nội bộ ngày nấy, quyền lực không thể để phân tán, của cải không thể chia đôi... đã thắng! Riêng về văn hóa văn nghệ, lãnh vực mà tớ đang ngụp lặn trong đó thì quả là khác biệt đến không thể điều hòa về nhận thức và về tình cảm giữa các vị trực tiếp lãnh đạo ở miền Nam và ở Hà Nội ngay cả cho đến ngày hôm nay. Tớ đã từng nghe trực tiếp một vị khá to gọi các vụ Z này, Z kia là "hành động của kẻ cướp mà ngu si!” Bọn tớ đã phát phì cười khi, cũng vị này khi "bị" mời đi xem Văn Công Tổng Cục Chính Trị về phát biểu bô bô giữa cơ quan tớ rằng "xem Văn Công Tổng Cục thì... bực hơn là... bóp vú đàn ông!”
Và còn nhiều câu nói, nhiều chuyện "tiếu lâm thời hiện đại" rất cay chua được phát ra từ chính những con người trực ngôn, với thành tích cách mạng đầy mình, với tuổi Đảng có khi thâm niên hơn những người ra chỉ thị cho họ cả chục năm!
Nói tóm lại, việc thống nhất đất nước hóa ra lại làm chia rẽ khá sâu sắc hàng ngũ lãnh đạo mà theo tớ, thì phía miền Nam cởi mở, thông thoáng bao nhiêu thì phía miền Bắc lại càng khắt khe, giáo điều, (không thực sự cầu thị không chịu rút ra những bài học sai lầm trong quá khứ,... cho mình là muôn đời đúng") bấy nhiêu!
Và kết quả của các cuộc tranh luận (hay tranh cãi?) trong nội bộT.Ư, Bộ Chính Trị ra sao? Cả nước đã biết. Ngày 25 tháng 4/76 cả nước đi bầu cho một chính phủ thống nhất, Quốc Hội mới đổi tên cả nước là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, một quốc ca, một lá cờ!
Chính phủ ông Huỳnh Tấn Phát rút lui không lời từ biệt bà con miền Nam mới được "giải phóng". Hàng vạn lá cờ nửa xanh nửa đỏ biến thành khăn lau bàn, lau xe! Và quan trọng nhất: Đảng Lao Động Việt Nam từ nay, hiên ngang chính thức trở thành Đảng Cộng Sản Việt Nam, mặc cho các chú tư bản, ba Tầu, trí thức miền Nam lo sốt vó... kiếm đường di tản!
Có cả vị Bộ Trưởng vượt biên (như Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Trương Như Tảng), có Bộ Trưởng được giáng chức xuống làm cục trưởng, có vị được mời về Hà Nội ngồi chơi xơi nước. Riêng ông Trần Bạch Đằng, một "ngôi sao sáng" nhất về nhiều mặt, không những chẳng được vào T.Ư lại còn phải điều về Hà Nội nhận cái chức "chuyên... đi chơi" là Trưởng Ban Dân Vận! (câu này do chính ông nói khi treo ấn từ quan về làm nhà nghiên cứu, làm thơ, viết tiểu thuyết, cải lương, kịch bản phim trinh thám-gián điệp và đặc biệt chuyên viết xã luận dạy người đời và... dạy cả lãnh đạo).
Sở dĩ tớ đi lạc sang vấn đề tình hình miền Nam những năm cuối 75 đầu 76 hơi dài vì bọn tớ là cả một lũ... "ruồi muỗi", sống chết đều do mấy ổng húc nhau đến cỡ nào! Và kết quả là, mất anh Tư Ánh, mất cái dấu hình chữ nhật "Ban Tuyên Huấn Trung Ương Cục" thế là cái "Nhà Xuất bản Âm Nhạc Giải phóng ba người" của bọn tớ... đi đâu? về đâu? làm gi? Và bà Sáu Liên nào có biết mấy ông Bộ Văn Hóa ở Hà Nội là ai mà chịu bỏ tiền, bỏ của ra giúp cách mạng? Chưa chừng lại bị nghi ngờ là mua chuộc cán bộ mà nhận cái án như bà Cát Thành Long ở Thái Nguyên hồi nào thì... bỏ bà! Thế là... GIẢI TÁN!
Chuyện thống nhất hai chính phủ này tuy nhiên không phải ở đâu cũng xuôn xẻ. Người được điều ra Bắc, cũng chưa phải đáng điều ra, người được bổ xung vô Nam cũng chẳng phải là người đang cần vô.

Tóm lại là một sự đại lộn xộn mà trong đó các thứ ranh ma của con người đều được phát huy đến cao độ! Tớ có thằng cháu, khi được bổ xung vô Sài gòn từ cán sự 4 bỗng nhảy tót lên làm giám đốc một nhà máy, một anh công nhân bậc 3 bỗng trở thành tổng giám đốc một công ty với hàng loạt nhà máy khắp miền Nam, một anh phó nhòm chuyên đi theo một ông to để... chụp ông ta, bỗng trở thành Tổng Giám Đốc hàng loạt cửa hàng buôn bán máy ảnh, phụ tùng, giấy ảnh. Nhưng cũng có những tay bị "khớp" hoặc "non giơ" vừa mới vô đã bị "Thank you, mời về!” (Phó giám đốc Khoa được tăng cường cho Sở Văn Hóa Saigon là điển hình nhất...).

Riêng tớ thì quả thật: thà xin về hưu tại chỗ chứ thà chết không trở về với cái... hố xí hai ngăn ở miền Bắc nữa. Nhất là khi tớ biết được ngoài kia bọn "khỉ lại đang vặt lông khỉ". Chúng đang bịa ra các thứ "tội" của tớ. Nào là: Hữu khuynh, nào là bị bọn tại chỗ mua chuộc ăn nhậu (cho tới nay, tớ không hề đụng tới một giọt bia, rượu bao giờ)... Nhưng qua 7 cuốn băng tớ trực tiếp làm, bọn chúng dám nói bậy là: Tớ đã "mặc quần áo rằn ri của ngụy cho âm nhạc cách mạng!”
Còn những sáng tác tớ vừa có hứng khởi viết lại thì chúng phang cho một gậy là: "Lại quay trở về văn hóa đồi trụy "Nụ Cười Sơn Cước ngày xưa!” Tớ ghét căm cái bọn khỉ đột đó nên có dịp họp hành là tớ dùng lý luận và thực tế để vạch mặt cơ hội chủ nghĩa, lập trường giả vờ của bọn chúng trên mọi diễn đàn, trên mọi báo chí nếu có dịp. Người yêu tớ cũng lắm, kẻ ghét tớ cũng nhiều. Nhưng tớ luôn đứng vững trên quan điểm nào mà tớ thấy đúng, không vì bất cứ một tí ti quyền lợi nào mà nói trắng thành đen. Ngay về những cuốn băng nhạc tớ trực tiếp làm (cho đến hôm nay chẳng biết nó biến đi đâu cả (???) đến tớ cũng chẳng còn lấy một cuốn nào), tớ cũng công khai nhìn nhận:
1-/ Đây chỉ là những việc làm có tính chất "đối phó". Để có thể phục vụ "tạm thời" giữa lúc, diễn viên, tác giả "tại chỗ" còn đang bị cấm hành nghề, trong tay không có một xu, nhà máy, phòng thu, băng trắng... đều được có người ủng hộ cách mạng... biếu không! 7 cuốn băng đó tuy không thật sự hay, chưa đạt đến nghệ thuật mong muốn nhưng rõ ràng nó là công sức, là nhiệt tình của cả mấy chục con người vì... nhân dân phục vụ đích thực!
2-/ Tớ rất biết là nội dung và hình thức trong âm nhạc là không thể tách rời. Với cách viết phần đệm cho một bài hát như "Tiếng Đàn Ta Lư", "Cô gái vót chông" sử dụng R&B hoặc cả Rock &Roll còn có thể chấp nhận nhưng... "Quốc Ca", "Ca ngợi Hồ Chủ Tịch", thậm chí cả đến "Đường chúng ta đi",.... thì Rock & Roll đánh lên chẳng khác nào... trò đùa nếu không gọi là... bố lếu!
Cho đến hôm nay, người ta vẫn đang có vẻ hùng hồn khi tuyên bố "hiện đại hóa rock Việt" nhưng xem chừng cái "chai" vẫn chỉ là cái chai cũ như xưa, không thể ăn nhập được với những loại rượu kiểu ý a, ề, ê, hứ hự của hát xẩm, hát cô đầu được mà nó chỉ có thể ăn khớp với những thứ như: "Bà già bắn máy bay/ Không may đứt thun quần! Bọn Mỹ nó ùa ra xem!..." mà thôi
Tóm lại, cái chuyện điều hòa nhiều nền văn hóa âm nhạc, nhất là giữa hai miền Nam Bắc nước ta, tớ đã cố gắng làm nhưng cho tới nay thì... có Thánh cũng chả làm gì nổi khi cái "gu" của lớp trẻ ngày nay về âm nhạc đang tiến triển theo con đường... đi xuống... mà theo tớ thì rõ ràng: (chỉ nói lại ý của cụ Nguyễn Xuân Khoát thôi đấy nhé) : "Mất Nước về âm nhạc" là cái nguy cơ nhỡn tiền!
Tớ… thất nghiệp, bị dẹp tiệm,! Vậy làm cách nào để tồn tại cho tới ngày nay? Nhiều chuyện oánh nhau về nghệ thuật mà anh nào cũng cho là mình đúng sẽ là những entries tới...

Bổ xung thay trả lời comment:

1-/ 7 cuốn băng đó có thật không? -Xin trả lời: Mang tiếng là Nhà Xuất Bản nhưng sự thật chỉ có trần xìn mình tớ làm quần quật với các nhạc sỹ, nhạc công. Hoàn thành được master tape là đều giao cho văn phòng hãng Asia do hai chị em bà Sáu Liên lo từ bao bì, nộp lưu chiểu rồi phát hành. Xong rồi là lại lo thu master tape khác. Chẳng có văn phòng, chẳng có marketting, chẳng biết lỗ lãi ra sao! ? Thỉnh thoảng bà Sáu chỉ báo cáo thẳng ông Tư Ánh (nhà ở ngay sau lưng) về chuyện làm ăn lỗ lãi. Cũng có không ít lời đồn chẳng hay ho gì về cái động cơ "nhiệt tình cách mạng" của hai chị em bà. Nhưng rõ ràng là các cuốn băng nhân bản hàng loạt với bao bì không hề thua thời kỳ trước, được bầy bán ở khắp nơi, với những báo cáo về kinh doanh của bà Sáu là... "hàng không có mà bán" hoặc "băng ra đến đâu hết sạch đến đó" thì... chẳng có lý gì mà bọn tớ nghi ngờ là 7 cuốn băng đó đã không hiện hữu trên thị trường.
2-/ Cũng có ý kiến là số lượng băng không nhiều như bà Sáu Liên báo cáo (lần nào cũng cả 2 đến 3 ngàn) nhưng bọn tớ cũng chẳng quan tâm vì ít hay nhiều, lỗ hay lãi chẳng hề dính dáng gì đến việc tham nhũng, bớt xén gì của công như thời nay.
3/- Cũng có ý kiến phán rằng: Chúng tớ đã làm một công việc dã tràng se cát vì tất cả các cuốn băng đó đã đều bị mua về để… in đè lên những chương trình ca nhạc khác!!! Nhất là Băng trắng của hãng Asia đều là loại băng "xịn" loại Sony, Maxell. Riêng tớ, đều có lưu trữ làm tài liệu, nhưng do bỏ xó quá lâu nên, sau gần 20 năm, lúc về hưu, mở ra đều bị mốc và hỏng hết! Công dã tràng mà! Có thể nay chỉ có Tô Lan Phương, và bà vợ của NSND Quốc Hương là còn giữ lại vì đó là 2 cuốn băng thu récital riêng của từng người, nếu họ biết sớm chuyển sang CD
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

48. Đây! Những bài hát bị lên án
Có phải Tô Hải lại quay về con đừơng cũ?
Tô Hải – 16/03/2008

Xin giới thiệu với các friends 2 bài hát mà sau khi trở về Sài Gòn, tớ đã muốn thay đổi cách viết để hợp "gu" người nghe hơn, nào ngờ "khỉ vặt lông khỉ", những "ông quan âm nhạc" ở Hà Nội phán 1 phát: Lại trở về con đường ủy mị, lãng mạn của "Nụ cười sơn cước"!!! Đây là trích từ cuốn băng VCD của đài truyền hình Sài Gòn phỏng vấn tớ nhân dịp tớ 70 tuổi, trong đó tớ có phát biểu ít câu về những bài tình ca trong kháng chiến có một thời bị lên án là... "tạch tạch xè", là..” thiếu chiến đấu tính”, là thiếu đảng tính…vv. Tớ muốn phục vụ đồng bào Sì Gòn nên cố gắng đưa 1 chút kỹ thuật đã được học hành tử tế vào những bài tình ca mới. Nhưng cuối cùng cũng bị "ếm" bởi các "người nắm đầu ra" nên không có dịp ra mắt đồng bào lần thứ 2.
Âm thanh không được tốt lắm, nghe tạm nhé!

1/. Em và quê hương (7-1975)

2/. Khi tình yêu đến (10-1976) (hai bài này, sau “đổi mới” có được Nhà nước do đảng lãnh đạo cho phép dùng công khai và cả hai miền đều oang oang lên băng nhạc “Nửa trái tim tôi” của tớ …nhưng sau bị “yêu môt người là dại “Ứ ừ em không thích đâu” vv… đẩy vào bóng tối vì yêu đương kiểu…cổ lỗ sĩ không up to date!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

49. 2-1=3?
Tô Hải - 18/03/2008

Thế là mọi tổ chức có gắn cái đuôi "giải phóng" tự động... hạ biển! (Riêng có tờ báo "Sài gòn giải phóng" cho tới hôm nay chẳng hiểu sao người ta vẫn không chịu cắt đuôi thì... xin hỏi mấy ông Ban Biên Tập còn định giải phóng ai, giải phóng cái gì lần nữa đây!)
Trung Ương chỉ có Một chứ không hai Trung Ương nữa, nghĩa là từ Cà Mâu trở ra Quảng Trị, mọi tổ chức Đảng và chinh quyền sẽ phải photocopy y như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lào Cai... Từ đây sẽ nhận chỉ thị và báo cáo "chỉ với Hà Nội mà thôi! Trung Ương Cục hết nhiệm vụ!
Nhưng... riêng với Sài gòn được mang tên mới thì... không đơn giản. Hàng trăm cơ quan ngang Trung Ương và hàng ngàn cơ quan chính quyền ngang Bộ miền Bắc với biên chế được phình ra cả ngàn người trong có hơn một năm trời bây giờ điều đi đâu?
Lại còn cái chuyện do các cơ quan gọi là "Tổ Chức", nhưng ù cạc cạc về tổ chức gây ra là: Bắt chước miền Bắc, các Vụ Trưởng, Cục Trưởng, Tổng nọ tổng kia, Giám này, Giám nọ trót lỡ đề bạt (mạng) lên, ăn lương ngang hàng với các vị đồng chức vụ ở Trung Ương... bây giờ sẽ tính sao đây? Chỉ nói đến các vị đã có tiêu chuẩn "chiến lợi phẩm hợp pháp" như các ngôi biệt thự, các căn nhà phố mặt tiền... và nhiều thứ của chìm khác nữa thì... thà chết cũng chẳng rời bỏ cái mảnh đất "phồn vinh giả tạo" này!
Bởi dzậy, cái bệnh viện "Vì Dân" của bà Thiệu để lại đã là nơi "nghỉ dưỡng" cho khá nhiều người mắc cái bệnh... "sợ phải ra Hà Nội" (chứ không phải là do "quá trình chiến đấu ác liệt nên cần được an dưỡng chữa trị các bệnh nan y")... kéo dài tới lúc... được về hưu! Tớ có thể kể ra hàng trăm các vị "sợ Hà Nội" này! Tiếc rằng trời cho tớ cứ sống nhăn răng trong khi họ cứ sướng quá nên chết dần chết mòn cả. Gọi tên cúng cơm họ lên tớ thấy hơi tàn nhẫn với các con cháu họ hôm nay cho nên cho phép tớ "nói nhỏ" qua telephone nếu ai tò mò muốn biết là tớ có "phịa" hay không.
Cũng nhờ một số các vị thà chết không về Trung Ương này đã đấu tranh để đưa tất cả Nhà Xuất Bản Giả...i phóng về Nhà Xuất Bản của Thành Ủy, (chuyên in tư liệu, văn kiện) nay cần có một Nhà Xuất Bản Tổng Hợp cho Ban Tuyên Huấn, tiếng nói của Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh, (bên cạnh tờ Saigòn Giải Phóng), mà hai thằng tớ được tồn tại đúng nguyên tắc tại Saigòn: Hoàng Hiệp được điều về Hội Âm Nhạc thành phố còn tớ: chuyên viên âm nhạc của "Nhà Xuất Bản Tổng Hợp", mà giám đốc là một ông... khá to ở Rờ, lương đã được nâng lên cấp bộ trưởng và có biệt thự to đùng ở đường Bùi Thị Xuân, có tài xế riêng hàng ngày lái chiếc Mẹc cho ông đi làm, đi họp và... đi chơi! Thây kệ! Tớ biết là không phải về hưu non bất đắc dĩ là được rồi! Tớ cứ tranh thủ đi "thăm nghèo hỏi khổ" họ hàng, bạn cũ, đặc biệt là thâm nhập vào các giới văn nghệ "tại chỗ" mà tớ sẽ kể trong các entries sau…
Trở lại với các cuộc đấu trí, luồn lách, mưu sâu, kế độc của một số nhân vật vẫn tìm cách bảo vệ tối đa Quyền-Thế của mình mà không cần ra Hà Nội. Đó là phải tạo nên một địa vị, một quyền lực riêng biệt cho thành phố mang tên Bác này. Riêng chuyện quá trình hình thành cái Thành Ủy Sàigòn và Ủy Ban Nhân Dân đầu tiên trực thuộc Trung Ương là cả một quá trình đấu tranh gay go, phức tạp thế nào, tớ cũng "nghe được" khối chuyện bi, hài và... lắm mưu mô, lừa phỉnh, gài bẫy nhau rất... "đời thường". Nhưng tớ xin nhuờng cho các vị "lão thành" trong cuộc kể lại kẻo lại mang tiếng "bắc nồi trõ nghe hơi"! Tớ chỉ xin khoanh vào cái giới văn nghệ sau khi thống nhất nó thế nào thôi.
Nếu các friends để ý thì tới ngày nay trong làng văn nghệ Xì-Gòn, 2-1 không phải là 1 đâu mà có thể là 2, là3, là 4 đấy! Chỉ nhìn vào tổ chức bên ngoài thôi ta đã thấy 2-1 không phải là 1 rồi! Này nhé: Nếu tất cả các tỉnh thành phố chỉ có một Hội văn nghệ, (trong đó có các chi hội hoặc phân hội nhà văn, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu...) thì tại Sàigòn, Hội Nhà Văn, Hội Điện Ảnh, Hội Sân Khấu, Hội Âm Nhạc.... đều được thành lập riêng biệt dưới sự lãnh đạo của Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật thành phố Hồ Chí Minh! Nghĩa là Trung Ương có gì Sàigòn có cái đó, và dứt khoát không phải là "cấp dưới" của các Hội ngoài đó! Tất cả đều dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành Ủy t/p Hồ Chí Minh!
Và đã hơn 30 năm qua, cái sự "lách" khỏi T.Ư vẫn phát huy cả về mặt tích cực và tiêu cực của nó như thế nào, riêng các bạn yêu âm nhạc có thể thấy rất rõ trong các phong trào "ca khúc chính trị", rồi "nhạc trẻ", rồi các chương trình "unplugged" hát toàn tiếng Anh, tiếp theo là các nhóm "Đại Dương", "Ra khơi"... tái xuất giang hồ kéo theo cả trăm nhóm nhạc pop-rock ở mọi nơi kể cả ở miền Bắc cũng ồ ạt "ăn theo" thì mới biết âm nhạc theo gu của Sàigòn cũ đã "cải tạo" gu của giới trẻ cả nước như thế nào.
Trên danh nghĩa là thống nhất về chính trị nhưng về cái gu thẩm mỹ thì tớ thấy không bao gìờ hai miền có thể thống nhất được. Nếu miền Nam mê cải lương, miền Bắc mê chèo, nếu giới trẻ miền Nam ưa pop-rock-rap, miền Bắc khoái nhạc thính phòng, giao hưởng thì có hại gì cho dân tộc không nhỉ mà cứ để cho Bộ này, Cục nọ, Ban kia phải lo uốn nắn, chỉ đạo, cấm đoán... trong khi cá nhân các ông đi uốn nắn mọi người chưa chắc đã uốn nắn nổi vợ, con ông là không nên xem cái này, nên nghe cái kia! ?
Và quả là như vậy, sau hơn ba muoi năm, nếu có dịp ra Hà Nội, tớ đều phải ngạc nhiên về sự thay đổi ghê gớm về bộ mặt âm nhạc của thủ đô! Một dẫn chứng hùng hồn nhất mà không ai có thể chối cãi là: Gần như 99% các bài hát được chấm giải, được bầu chọn, được vinh danh trong mấy năm gần đây của chương trình "Bài hát Việt" đều... không phải là những sáng tác của các Hội Viên Hội Nhạc Sỹ Việt Nam, mặc dầu năm nào Hội cũng có "giảỉ thưởng cho những sáng tác trong năm" của Hội mà chẳng ai được nghe thấy bao giờ!
Còn ở Saigòn? Chỉ đọc qua những cái tên của "Sàigòn rock club" mới được quảng cáo trên báo Thanh Niên ngày 19/3/008 cũng đủ thấy "âm nhạc Saigòn" là không có cái gì tồn tại được dưới "tiếng sấm rock rung động triệu trái tim người" (quảng cáo của báo Thanh Niên) nữa rồi. Này nhé: "Saigonmetal", "Rock alpha", "Lazee dolls", "End of Road", "Black infinity, "Microwave", "Titanium", "Disgusted", "Negative"... sẽ được cùng các nhóm rock "khách mời" như "Black friday", "Silent", "Nuranium" (toàn là tên Anh, Mỹ mà dịch kiểu nào cũng được) cùng "quậy" chung một đêm tại vườn Tao Đàn thì chắc chẳng thua gì "Rock your passion" vừa làm cả "trăm ngàn trái tim phải bùng nổ" ở Sân Vận Động quân khu 9 tháng trước!
Có cho xem free cũng chẳng mấy cháu teen chịu chui vào nhạc viện nghe Bùi Công Duy biểu diễn concerto cung Rê của Tchaikovsky, trong khi ở những sân chơi này chẳng nhũng free mà lại còn được xem những gì... giống Mỹ, Anh "up to date" nhất! Chả thế mà một tờ báo có uy tín nhất của Đoàn T.N.C.S còn nâng cấp thành một "Woodstock Việt Nam" nữa cơ đấy! Tóm lại, sau khi hai miền thành một, theo tớ, riêng về văn nghệ tớ thấy không hề thống nhất. Đăc biệt về âm nhạc thì "ai thắng ai" đã rõ như ban ngày! Chỉ có điều … "phe thắng" trong âm nhạc này có phải đã tạo nên một bước tiến của nền văn hóa Việt hay không thì hãy... wait anh see!.

Và rõ ràng 2-1 đâu có là ….1!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

50. Đi thực tế miền Nam mới "giải phóng" (1)
Tô Hải - 24/03/2008

Đi Thăm...Giàu Hỏi... Sướng!

Tớ lợi dụng một loạt entries sau đây để giải đáp một số câu hỏi đặt ra về những vấn đề so sánh văn nghệ giữa hai miền mà người đọc chưa rõ, về sự đánh giá chưa chính xác của tớ về sự khác biệt giữa hai miền trong lãnh vực âm nhạc, về cái "gu" thẩm mỹ "không thể thống nhất" v.v... và v.v... Vì thế, nếu có dông dài... các friends chịu khó đọc nhé. Blog chứ có phải viết tiểu thuyết, hồi ký, hồi kiếc,... gì đâu!

Có một điều cơ bản nhất của chủ trương "đi thực tế sáng tác" mà các nhà lãnh đạo văn nghệ vô sản không tính đến: Đó là những phản tác dụng mà bọn tớ còn gọi là "phản ứng ngược" mà rất nhiều những Thực Tế Thật (vérité vraie) đã vả vào mặt anh em văn nghệ những cái tát tỉnh người! Đó là những thực tế không giống hoặc hoàn toàn trái ngược với thực tế mà các vị ngồi một chỗ, tưởng tượng ra qua các báo cáo... láo!
Khỏi nói đến Cải cách ruộng đất, đi thực tế để viết được ra một sự thật nhỏ (rất nhỏ) như "Ba người khác" của Tô Hoài, hoặc những bài thơ như "Tôi? Ai?", "Bánh vẽ", "Trừ đi" của Chế Lan Viên hoặc như "Nỗi buồn chiến tranh", "Mảnh đất lắm người nhiều ma" thì có lẽ các nhà chủ trương "xua" văn nghệ sỹ đi về với công nông sẽ... ra lệnh stop liền! Buồn thay, chỉ vì... "sợ" (chữ của cụ Nguyễn Tuân) nên những thực tế thật đó đều phải chờ cả gần nửa thế kỷ mới được phản ảnh thật (tuy chưa đến lúc thật 100%) lên giấy trắng mực đen...

Riêng tớ thì đã có lần viết một entry khá dài "Vì sao tớ mất cái mẩu hạnh phúc cỏn con" được nhiều người comment, được nhiều Blog copy, được đăng lại trên cả những website của nước ngoài và cả trên "Ngôi sao net" nữa! Chính cái thực tế gớm ghiếc của cải cách ruộng đất và của cuộc chiến ghê rợn trên đường Trường Sơn đã làm tớ không sao tiếp tục viết láo, viết để "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" được nữa mà chỉ viết những gì rung động của trái tim mình. Thế rồi nào các phong trào xây dựng hợp tác xã cấp cao, nào "Sóng duyên hải", "Gió đại phong", "Cờ ba nhất", rồi "cải tạo tư sản"...
Tất cả đều được động viên đi vào thực tế, nắm bắt thực tế để có những tác phẩm "xứng tầm thời đại"... Nhưng hôm nay đây, có ai in lại "Mùa lạc" hay "Hòa Vang" của Nguyễn Khải, "Cái sân gạch" của Đào Vũ, hát lại "Miền Nam đau thương và anh dũng", "Không cho chúng nó thoát", "Tiến về Sài gòn"...? Lịch sử đã chôn vùi hết những gì là văn nghệ phi nhân bản mà chính các tác giả của nó cũng phủ nhận và nhận "tội" lúc cuối đời như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi và rồi đây theo tớ được biết, sẽ còn nhiều người nữa viết nhiều sự thật THẬT như những câu: "Ai chịu trách nhiệm về 2.000 người đó/ Tôi! tôi người viết những câu thơ cổ võ/ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong/... Ai chịu trách nhiệm vậy?/ Lại chính tôi/ Người lính kia cần một câu thơ giải đáp về đời/ Tôi ú ớ..." (xem toàn bài thơ trên entry nói trên).
Và tớ tin hoàn toàn vào những gì mà các bạn trẻ hôm nay và mai sau sẽ còn được đọc nhiều "những trang đời" rất thật của nhiều tác giả khác nữa sau này... trong đó có tớ!

Tóm lại là, như tớ đã viết trong một entry, văn nghệ sỹ miền Bắc chúng tớ, so với anh em ở miền Nam thì... thua đứt đi cái Tự Do Sáng Tác! Họ không phải viết theo yêu cầu của một cơ quan, đảng phái hay một tổ chức, nhà nước nào, không ăn lương của ai để làm văn nghệ! (tất nhiên không thể tránh được cũng có một số nào đó dùng văn nghệ để kiếm chác tí chính trị).
Nhưng phải khẳng định là họ tự do, tự do và tự do... kể cả tự do làm... hại cái chính thể mà họ đang phải sống! Có người còn mang tiếng "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản! ?" (Tội nghiệp Trịnh Công Sơn, cho đến nay vẫn bị gán là "Đặc công Đỏ" mà chết rồi vẫn chưa được Đỏ tặng cho một danh hiệu, một giải thưởng gì so với các nghệ sỹ cải lương Phùng Há, Diệp Lang, Bạch Tuyết!)
Cái thứ quý nhất trên đời đối với người nghệ sỹ là Tự Do, tớ sẽ kể dần dần trong những lần bọn tớ tiếp xúc với anh em "tại chỗ"! Vì thế một loạt entries sau này có cái tên chung là "Thăm giầu hỏi... sướng"!! Và cũng chính vì những cái thực tế hiện hữu ở khắp nơi đang diễn ra trên khắp các ruộng đồng, nhà máy hiện nay ở cả hai miền đất nước mà gần đây, chẳng thấy mấy đoàn văn nghệ sỹ được tổ chức đi thực tế sáng tác như xưa nữa. Thậm chí, càng mong các nhà "kỹ sư tâm hồn" càng tránh xa thực tế càng... tốt! Dẫn chứng gần đây nhất là nhà báo (có thẻ đàng hoàng) Tùng Quang của báo Đại Đoàn Kết đi thực tế viết bài ở Quận 2, đã không những không được mời mọc, chiêu đãi như xưa còn bị chính quyền hạng bét nhất ở địa phương tịch thu luôn cả phương tiện hành nghề, câu lưu tại chỗ!! ?!
Phải chăng thực tế THẬT đã khiến cho những người đang nhân danh cách mạng làm những điều hoàn toàn trái ngược với luật pháp, chẳng coi người cầm bút là cái... cục phân gì? Thôi! Bỏ đi mấy cái chuyện nhức đầu thường ngày ở phường, ở quận,... trở lại với "chuyện xưa" để đọc mà... ngẫm nghĩ cái sự đời "Xưa Sai Nay Đúng, Xưa Đúng nay Sai", nó đã "làm loạn" trong đầu biết bao người như tớ!

Thế là... sau khi dẹp tiệm "Nhà Xuất bản âm nhạc giải phóng", tiện có Đoàn nhạc sỹ của Trung Ương do chủ tịch Nguyễn Xuân Khoát và Tổng thư ký Huy Du vào, tớ có dịp nhập bọn đi thực tế miền Nam, đi sâu vào từng gia đình, họ hàng bà con, bạn bè cũ, mới. Tớ đi ra tận đất mũi Cà Mâu, ăn dầm nằm dề cả tháng ở Đồng bằng sông Cửu Long... Và đi đâu tớ đều thấy cái THỰC TẾ RÀNH RÀNH là miền Nam sướng gấp trăm lần miền Bắc, dù tiếng súng chỉ mới im lặng sau miền Bắc có hơn 2 năm trời (chỉ tính từ khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc).
Hàng hóa, thực phẩm từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng thấy thừa mứa, rẻ rề. Trong khi ở miền Bắc, miếng đậu phụ, lạng thịt cũng phải có phiếu thì ở miền Nam, bác ngư dân, Hai Tường, ở Cà Mâu có thể ngồi tại nhà quờ tay xuống nước vớt lên cả một cần xé cá, tôm đang còn giãy đành đạch, chiêu đãi đoàn nhạc sỹ cánh tớ nhậu suốt một ngày!
Buồn cười Huy Du, có tiếng là thật thà, còn hỏi nhỏ bác chủ nhà: "Ba bữa nhậu ngày, một bữa cháo rắn hổ mang đêm, thế này, có làm bác tốn kém lắm không"? Bác ta cười ha hả trả lời "Tôm cá dưới sông, rắn nằm trong bụi, có mất tiền mua đâu mà tốn với kém!” Nói rồi, bác cầm bao "555", rút một điếu, xé giấy, vứt đầu lọc, nhồi thuốc vào... nõ điếu thuốc lào, rít một hơi dài, rồi nói thêm trong khói thuốc: "Các chú thế là chưa biết gì về miệt Cà Mâu này rồi! Chim trên trời, cá tôm dưới nước, thiên nhiên này nuôi sống chúng tôi bao đời nay! Chẳng lo phải thiếu miếng ăn đâu mấy chú ạ! Bây giờ hòa bình rồi, tha hồ mà đi khơi, đi lộng, chẳng lo tên bay đạn lạc, lo tàu Hải Quân xục sạo tìm Việt Cộng, cản trở làm ăn, thế là sướng rồi! Nào! nhậu đi mấy chú!”
Thế đấy, một người ngư dân bình thường đã "tuyên truyền" về cái sướng vật chất (và có lẽ cả tinh thần?) hơn hẳn của miền Nam bị" kìm kẹp", cho chúng tớ quá đơn giản nhưng cực kỳ... thuyết phục!
Tớ không đến nỗi bất ngờ mà phải "ngồi xuống vệ đường mà khóc vì thấy mình bị đánh lừa" như Dương Thu Hương. Trái lại tớ lo, lo cho tương lai của bác ngư dân này khi "bị" vào hợp tác xã, phải bán sản phẩm cho Mậu Dịch, phải cấm cả miệng mình ăn một con tôm do chính tay mình câu lên, (một trong những điều cấm của các hợp tác xã đánh bắt thủy hải sản ở Đồ Sơn, ở Cát Bà, Cát Hải mà Sở Thủy Sản Hải Phòng đã tổ chức cho một Đoàn nhạc sỹ chúng tớ đi thực tế để... trái tim thấy nhiều lần nhói lên về cái thực tế phũ phàng này!)
Trên đường về, trên xe, một trong những đề tài thường được chúng tớ tranh luận là: Miền Nam có thể nào đi theo con đường tiến lên XHCN kiểu miền Bắc không? Và gần như ai cũng nhận thức được "Cái mảnh đất giầu có trời cho", cái con người miền Nam sống Tự do như dân vùng Cà Mâu này khó có thể chịu cái cảnh sống của ngư dân Đồ Sơn, Cát Hải được! Trở về thành phố, lại lang thang đi khắp chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ... anh nào anh nấy đều ù tai, hoa mắt về những hàng hóa, về những câu chào hỏi "1 đồng (tiền mới) một mét mua dzô!” Còn vào đến Chợ lớn thì... cứ như... lạc sang Tầu! Đặc biệt ngon và rẻ thì có lẽ không anh nào đã được hưởng cái thú ăn cơm Tầu như ở đây!
Huy Du, 5 năm học bên Tầu cũng chưa bao giờ được hưởng những món sang trọng mà lại rẻ rề đến thế! Bữa ăn có cả bào ngư, kim tiền kê mà đứng lên trả tiền, 4 vị chỉ mất có 4 đồng rưỡi!... Một giấc mơ? Một ảo giác? Không thực sự là như vậy! Tuy nhiên, đêm đó tại căn hộ của tớ cũng nổ ra một cuộc tranh luận về đề tài: Liệu "Ta" có cải tạo tư sản, có cấm buôn bán, liệu có đóng cửa hết mọi cửa hàng ăn, các cafeteria, các bar như Rex, Givral, Maxim's... không? Chỉ riêng tớ là dám nói: "Sẽ cấm!” Còn tất cả đều ngờ vực... Vì tớ là một anh ăn nói liều mạng nhất nên tớ dám phát ngôn "vô trách nhiệm" là... Trong tay ông X, ông Z thì... mười Chợ Lớn các ông ấy cũng phá tan như không! Chủ nghĩa xã hội đâu chấp nhận cái cảnh giai cấp trung gian (tức là thương nghiệp), đâu có chấp nhận công cụ sản xuất (nhà máy) nằm trong tay bọn tư sản!...

Nhân đây cũng xin kể một chuyện vui mà có thật 100%.
Em ruột tớ, nhân dịp các văn nghệ sỹ miền Bắc vào cũng có ý "khoe" tớ và đám bạn bè tớ cho mấy anh em trí thức văn nghệ sỹ miền Nam, bèn tổ chức một bữa tiệc mừng tại Biệt Thự Tĩnh Tâm của bố tớ để lại. Trong lúc Tô Hiền đang còn dài giòng giới thiệu chưa xong thì họa sỹ Lưu Công Nhân, bạn học của Hiền thời kỳ Pháp thuộc, bỗng cầm cốc rượu Napoléon lên, đứng phắt dạy, ngắt lời: "Này thôi thôi! Mời các vị nâng cốc uống mau đi, kẻo ít nữa chẳng có... đéo gì nữa mà tiệc với tùng đâu!!” Cử tọa lặng người vì câu nói quá "bá láp" của cái ông họa sỹ cộng sản này! Kể ra LCN nói cũng thiếu... văn nghệ một chút nhưng những điều anh nói ra rõ ràng là sau này trở thành sự thật (!) khi nhu yếu phẩm, từng lạng thịt, thìa bột ngọt cũng phải chia về cơ quan, khối phố!

Cũng xin nói thêm sau này chính anh là người thứ hai, sau Dương Bích Liên xin ra Đảng và còn cười giỡn và nói: "Tao vào Đảng sau mà lại được ra trước, khối thằng vào trước tao mà cũng chưa được ra!” Chuyện này trong giới văn nghệ miền Bắc còn kể cho nhau nghe mãi về sau... khi anh đã không chịu "lệnh trục xuất" về Bắc của ông Bảy Bảo Định Giang mà sẵn sàng ra khỏi biên chế để được ở lại miền Nam làm một anh "họa sỹ tự do" cho đến năm 2007 thì qua đời ở Đà Lạt. Thực tế ở miền Nam nó phản tỉnh vào tâm hồn con người văn nghệ sỹ bằng nhiều cách nhưng nói chung là mọi nhân sinh quan, mọi lập trường, quan điểm nó đảo lộn tất cả trong mọi cái đầu và trái tim của những người đã từng làm văn nghệ minh họa (mà đại tá nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết lời ai điếu).
Dẫn chứng gần nhất là lời tuyên bố của nhà văn nổi tiếng là.. “khôn”, Nguyễn Khải, trên giường bệnh lúc sắp giã từ cuộc đời được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 11/1/2008 là: "Miền Bắc cho tôi Độc Lập, miền Nam cho tôi Dân chủ và Tự do", thì đủ biết THỰC TẾ MIÊN NAM đã giải phóng cái đầu và trái tim tụi tớ như thế nào! Và... chẳng phải một mình giới văn nghệ, giới chính trị cũng phải nhận thức ra "Không thay đổi cách nhìn, cách lãnh đạo là...nguy to! Và... "Đổi Mới" đã ra đời... Cả hai miền đã đuợc... "cởi trói" tiến vào kinh tế thị trường nhưng...khốn nỗi! đang còn vướng cái đuôi… XHCN????
(Còn nữa)
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

51. Đi thực tế miền Nam mới "giải phóng" (2)
Tô Hải - 27/03/2008

TỚ ĐI THĂM NHỮNG NGƯỜI... KHÔNG CHIẾN BẠI

Mới đầu, tớ chỉ coi những người không trực tiếp cầm súng ở miền Nam chống lại quân đội miền Bắc là những người không chiến bại... vì theo tớ, họ có vào sân đá banh đâu mà bảo họ thua...?
Cho nên, giao tiếp với những gia đình, bạn bè không có con phải đi "học tập" nó làm tớ thoải mái hơn cả. Đỡ phải trả lời những câu hỏi mà chính các bố "tuyên bố một đằng làm một nẻo" cũng chẳng đủ sức trả lời!
Tớ thấy những phương châm dặn dò của Ban Thống nhất khi tiếp xúc với đồng bào, nhất là văn nghệ sỹ miền Nam là luôn ở "tư thế của kẻ chiến thắng", là "cần đoàn kết nhưng kiên quyết, cởi mở, nhưng cảnh giác" không để sa vào những “cám dỗ vật chất của chủ nghĩa thực dân mới” v.v... và v.v... bằng một thái độ duy nhất: Đến với mọi người với cả một tấm lòng trung thực nhất, không bao giờ tỏ ra một người ở phe thắng tới với phe thua! Tớ không thể hiểu nổi các nhà làm ra những câu như "thế ta là thế đứng trên đầu thù", những người chủ trương vừa tiếp quản thanh phố đã bắt toàn dân "treo ảnh lãnh tụ, treo cờ Tổ Quốc", đã đêm đêm bắt các em nhỏ phải đi tập trung học hát "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ!” có một chút nghĩ suy gì về tình cảm con người không chứ chưa nói đến tâm lý học.
Làm sao mà người ta có thể bị áp đặt phải yêu những thứ mà người ta không những không thích mà còn sợ hãi, thù oán nữa? Làm sao mấy em nhỏ có bố đi "cải tạo" chưa có ngày về lại có thể mơ thấy gì ngoài bố chúng nó chứ! Tớ phải cố quên đi những lời hợm hĩnh kiêu binh (sufisance) trên Đài, trên báo, trên những khẩu hiệu giăng đỏ đường để có đủ can đảm bước vào những gia đình mà tớ biết trước sẽ phải đối diện với trăm ngàn thắc mắc đủ loại...
Tớ không đến nỗi vào loại nói dối ngu ngốc là: "miền Bắc có cả trăm máy lạnh mắc ở công viên Lê Nin"! Tớ cũng không đủ can đảm để nói miền Bắc sống sung sướng vì... không bị "kìm kẹp" dù không có tủ lạnh, tivi, xe máy..., dù miếng ăn nào cũng phải có phiếu có tem! Tớ muốn chửi cha cái thằng dám viết báo nói rằng "phong cách trẻ em khoanh tay, cúi đầu khi chào người lớn ở miền Nam là... rơi rớt từ chế độ phong kiến!” Đặc biệt là đối với giới trí thức miền Nam, tớ luôn tâm niệm là: Họ có được cái đầu và trái tim phóng khoáng, tự do hơn chúng tớ nhiều.
Hơn thế nữa họ có nhiều điều kiện để trau dồi trí thức, được đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều hơn hẳn mấy anh lý luận văn nghệ mà chỉ được đọc tác phẩm qua bản dịch, học lý luận qua các tổng kết triết học-chính trị-kinh tế học từ cuối thế kỷ thứ XIX!
Và một điều tớ cho là văn nghệ sỹ miền Nam hơn hẳn mấy anh văn nghệ sỹ miền Bắc ở chỗ: 10 anh thì 9 anh dùng được từ 1 đến 2 ngoại ngữ để tự trau dồi kiến thức của mình. Điều này ở miền Bắc tỷ lệ dùng được ngoại ngữ là ngược lại 1/10! Mà hầu hết cái số 1 đó lại là ngoại ngữ học từ thời Pháp thuộc. Còn lại trí thức từ 50 tuổi trở xuống (tính đến năm 1975) thì... đều trông chờ vào sách dịch nhỏ giọt mỗi năm dăm bảy cuốn. Ấy vậy mà các vị "kiêu binh văn nghệ" đó vẫn dám tổ chức tọa đàm, hội thảo đủ mọi thứ nghe có vẻ... "người lớn" ra phết: Nào "Sự khác biệt giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa", nào "Ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới tới văn học nghệ thuật miền Nam"... nào Hiện Sinh, Ca Muýt, Bôn Sác, tùm lum cứ như ta đây đã biết thừa "ba cái thứ bậy bạ" đó từ lâu rồi!

Tớ nhớ mãi một buổi hội thảo về văn học nghệ thuật tại 190 Phan Đình Phùng mà mấy vị “hãnh tiến chiến thắng’ đứng lên ăn nói bậy bạ đã bị anh em phản đối bỏ ra về! Riêng tớ cũng đứng dậy ra về theo vì cũng cảm thấy bị xúc phạm luôn nhất là kẻ xúc phạm mình lại là một thằng Ngu! Ai đời phân tích một tác phẩm của phía mà anh ta cho là "người thua", mời người ta tới mà lại nói là: "Anh có bao nhiêu cái đầu để tạ tội với cách mạng?" (Phan Khắc Lập phê phán cuốn "Tiền Đồn "của Thế Uyên).

Còn về âm nhạc thì còn có ông tệ hơn nữa, dám phát ngôn một câu là: "Âm nhạc miền Nam là âm nhạc... vô học". Tớ nhớ mãi truyện này vì chính sau đó một hôm, nhạc sỹ Phạm Đình Chương, người tớ đã quen biết từ thời kháng chiến chống Pháp đã đến gặp tớ ở 23 Lý Tự Trọng để nhờ phản ảnh sự bất bình của anh em "tại chỗ" về thái độ lời ăn, tiếng nói của một số "cán bộ cách mạng".
Tớ đã nói chuyện với n/s PĐC gần 3 tiếng đồng hồ về những gì chúng tớ đã trải qua để tồn tại đến ngày hôm nay,.... Rồi cuối cùng... Các bạn có biết tớ đã khuyên ông ấy cái gì không: Anh Chương ạ! Tôi khuyên anh... nếu còn khả năng, hãy..."ra đi" đi! Sớm ngày nào hay ngày ấy! Các anh không thể sống an lành với thái độ thẳng thắn này đâu. Hơn nữa, với cái đầu và trái tim quen với tự do rồi, các anh không thể làm nghề sáng tác được dưới thể chế chính trị này đâu!
Và cũng chính với cái bài thuyết phục tích cực một cách cực kỳ... tiêu cực này tớ đã chỉ sửa đi mấy chữ "không thể buôn bán", "không thể hành nghề", "không thể phát triển tài năng" v.v... mỗi khi đến đâu gặp những người thân đang có vấn đề bế tắc trong tư tưởng, đời sống, vật chất hay tinh thần... Có thể nói, gần như cả gia đình nội ngoại xa, gần nhà tớ, từ bà cô, bán phở Bắc ở chợ An Đông đến ông giáo sư Đại Học Trường Y Dược, sau này ra đi, đều có công "thúc đảy" của tớ ít nhiều. Riêng giới nhạc, những người còn ở lại do còn lấn cấn vấn đề vợ con, tài sản hoặc còn hy vọng điều gì đó thì, sau cuộc cải tạo tư sản đều ra đi hàng loạt.
Riêng cái dàn nhạc đã từng cộng tác với tớ suốt những ngày đầu tiên cố làm nên một thứ "âm nhạc giải phóng" thì... ra đi không sót lấy một người! Riêng đối với Nghiêm Phú Phi, một người tớ đặc biệt quan tâm, theo giới thiệu của Pham Trọng Cầu, tớ đã từng gặp để trao đổi nhiều về vấn đề có thể đẩy mạnh nền âm nhạc kinh viện (accadémique) ở Sài gòn này không thì ông cho biết: Ông đã có giấy tờ chính thức ra đi, không thể ở lại được, dù lúc đó người ta đã "cơ cấu" ông vào Ban Chấp Hành Hội Âm nhạc thành phố sắp được thành lập. Tớ mừng cho ông vì những thứ ông học mà tớ đã được biết, (được xem và được nghe qua một cái quartet cho đàn giây) quả là hiếm hoi ở đất Sài gòn này nhưng ông sẽ chịu sao nổi sự lãnh đạo của mấy ông đáng tuổi con, tuổi em ông đang sắp từ Liên Sô, Trung Quốc... trở về với cả một hệ thống tư duy về thẩm mỹ (và cả kỹ thuật nữa) hoàn toàn khác biệt, nhất là cái đầu óc hợm hĩnh (sufisance) mang từ "cái nôi của cách mạng tháng 10" về thì... chỉ có làm ông tăng-xông mà chết sớm!
Một làn sóng văn nghệ sỹ, diễn viên ở cả hai miền di tản, vượt biên càng tăng lên khi có vụ "Nạn Kiều". Hàng loạt diễn viên của Nhà hát giao hưởng (cả gia đình họ hàng nhà Coóng (Trombone), Đài Phát Thanh (Vân Khánh, Mộng Dung, riêng Ngọc Tân... bị bắt, ở tù rồi được thả).
Nhà hát Kịch (Giáng Hương, Phạm Bốn). Trường Nhạc (vợ chồng pianist Hàn-Vy-Hoa... V.Hiệp...) thậm chí cả sau này gia đình nghệ sỹ Nhân Dân Thái Thị Liên-Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh... theo tớ chẳng qua cũng chỉ là một thứ "di tản chính thức", được chấp nhận để họ có đủ điều kiện phát triển tài năng mà thôi! Còn họ phục vụ nhân dân được cái gì thì ngay cai "nhăn răng" tớ đây cũng chẳng được ba vị "nghệ sỹ lớn" quanh năm sống ở nước ngoài cho nghe lấy một nốt nhạc nào! Tớ chỉ ân hận có một điều là không giúp đỡ "giải thoát" được cho chính em ruột tớ: Tô Hiền.
Một phần vì bản thân em tớ nó quá yếu đuối cả về tinh thần lẫn thể xác, một phần nó cũng hơi có tí... "cách mạng" hơn cả ông anh vì nó cũng đã từng trải qua những ngày sống với "cách mạng" thời học tú tài ở trường cấp ba Nguyễn Thượng Hiền, trong vùng kháng chiến.
Phần nữa nó quá lo cho cuộc sống càng ngày càng khó khăn của một anh "giáo sư cấp ba" và một bà vợ giáo viên cấp 2 làm sao nuôi nổi 6 con ăn học trước tình hình ngày càng xuống cấp trầm trọng của xã hội những năm 76-77.
Có thể nói gia đình Tô Hiền, em tớ là điển hình cho một lớp trí thức tiểu tư sản thành thị bị "chết lây" bởi các phong trào cách mạng đánh vào... người khác! Thoạt tiên là bán đổ bán tháo cái ô-tô hàng ngày, giáo sư dùng để chở vợ con đi dạy, đi học và chở mình đến lớp! Sau đó là tậu ngay... 8 cái xe đạp, mỗi người một cái, ngày ngày cọc cạch đạp từ hẻm Long Vân Tự (Bình Thạnh) đi khắp các Quận đề học, để lên lớp, giảng bài! Mỗi lần tớ về thăm lại thấy thiếu đi một cái gì đó, thậm chí đến 3 cái quạt trần cũng từ từ đội nón ra đi. Bữa ăn thì toàn bo bo, bột mì... rau xanh là chính. Các cháu sinh ra ghẻ ngứa, mặt mày đứa nào đứa nấy ngơ ngác chẳng còn hột máu!

Mỗi lần về, qua chợ Bà Chiểu, tớ luôn xách theo cân thịt lợn, thịt bò về để bồi dưỡng cả nhà. Đang tính chuyện bán nhà để có "cây" vượt biên thì...., ngay trên bục gỉảng tại trường phổ thông cấp 3 Nguyễn Huệ Quận 4, giáo sư Hiền đã gục xuống, đứng tim và không bao giờ tỉnh lại nữa! Đó là ngày 24 tháng 10 ta năm 1976, sau đúng có hơn một năm trời cố gắng làm anh giáo sư cấp 3 XHCN!... Và vợ Hiền, sau đó ít năm, cũng chết vì tăng-xông luôn... 6 đứa con nay đã trưởng thành, chẳng nên ông nên bà, có chức danh to lớn gì, nhưng cũng sống được, một phần vì có ba đứa đã quyết tâm làm "boat people" (may không đứa nào bị cá ăn thịt), hiện đang sống bên Canada, bên Mỹ, hỗ trợ ít nhiều! Đúng là tớ có cái "số" sống cô độc, không bà con họ hàng để luôn luôn có thời giờ mà... nghĩ ngợi, mà buồn chán cho cuộc đời, mà trao đổi với bạn bè những tình cảm, nghĩ suy... như tớ đang giải sầu bằng Blogging hôm nay đây.

Trở lại với cuộc đi lang thang với nhạc sỹ Lê Thương (không có ông rất khó tiếp cận với các loại "sống ẩn" như Dương Thiệu Tước) tới rất nhiều các nhạc sỹ đang còn ở lại. Tớ luôn ca ngợi cái tự do của họ và nhận hết những gì mà người khác làm sai như của mình làm sai. Xong xuôi rồi, bao giờ tớ cũng tìm cách nhắn nhủ một cách tế nhị "Nên chọn con đường "ra đi" là tốt nhất vì các anh không có đủ sức chịu đựng được những gì chúng tớ đã chịu đựng đâu!” Trừ một số anh quyết tâm ở lại vì đã quá già, trong đó có anh Lê Thương, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước... tất cả những người trẻ, trong đó có cả Duy Quang, trước khi ra đi đều đến chào tớ rất cảm động, chân thành. Tớ chỉ thương có một mình Y Vân, một con người nghệ sỹ quá tình cảm, quá bình dân và quá... nghèo, không sao có khả năng tìm đường "tự cứu" được. Ngay những năm 75, 76, anh cũng tự mình cuốn lấy thuốc hút, ăn mặc xuềnh xoàng. Anh thường đến tớ chơi trao đổi nhiều điều rất tâm tình (chuyện gia đình, chuyện vì sao anh làm ở Đài Mẹ Việt Nam... Anh không được phổ biến tác phẩm, không được kết nạp vào Hội cho đến ngày anh qua đời...)

Đối với tớ, không có nhạc sỹ phe ta hay phe nó gì hết. Chỉ có một cái chức danh đáng tự hào NGHỆ SỸ VIỆT NAM mà số phận đã bị các nhà chính trị đẩy họ đến chỗ phải cầm đàn, cầm bút, cất cao tiếng... chửi nhau, gây nên chia rẽ, thù hằn cho mãi đến bây giờ vẫn chưa sao mà xí xóa đi cho được! Vài năm gần đây, thỉnh thoảng có người trở lại cố hương, găp lại tớ, thấy tớ vẫn sống có phần thoải mái tự do, lại còn lên net, gõ Blog hàng ngày, gặp bạn bè, mét xịch khắp bốn phương, tuy không có được nhà lầu, xe hơi nhưng vẫn vui tươi trong cuộc sống hoàn toàn tự do, thoải mái, tớ đã không ngần ngại tuyên bố: "Ngày xưa các bạn sống xướng hơn tớ nhiều! Còn bây giờ thì đến phiên tớ được bắt đầu tự tạo ra cái sự... sướng đây! Chỉ phải cái chữ "giầu" thì có lẽ không bao giờ tớ có được ở cái nền... kinh thế (!) thị trường quái đản này! Thôi thì, cứ tạm vui bằng...cuộc "thăm cái lão già nghèo mà sướng này vậy"!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

52. Những thực tế đau lòng
Tô Hải - 03/04/2008

Từ đây trở đi, tớ sẽ kể về những gì tớ đã tai nghe, mắt thấy, cảnh thật, việc thật, người thật... suốt thời gian 10 năm, tớ vẫn là một anh "văn nghệ sỹ cách mạng", phấn đấu góp phần nhỏ bé của mình đem lại chút ít chân thiện mỹ cho đời... Nhưng... không thể được vì càng cố gắng thì càng vấp phải nhiều thực tế phũ phàng nó cho tớ những cái tát tai tỉnh người và làm tớ... sáng mắt nhưng không thể nào sáng lòng được!
Cuối cùng, năm 1986, tớ xin về hưu (sớm 1 năm) để khỏi dính líu tới mọi chủ trương chính sách, khỏi phải sinh hoạt liên quan đến bất cứ một hệ thống tổ chức nào, ngoài cái dính líu cuối cùng: hàng tháng lên phường lĩnh đồng lương hưu vừa đủ sống làng nhàng cho một thân mình,... TỚ CHỌN TỰ DO, TỰ DO HOÀN TOÀN, để được sống thật, sống cho mình..
.
1001 cái thực tế đau lòng

Xã hội Saigòn sau 30/4/75 thu nhỏ trong một cái building

Đó là một tòa cao ốc 23 Gia Long (sau đổi là Lý tử Trọng), từ thời kỳ Pháp thuộc, chủ sở hữu là Nhà Chung, do một quản lý (gérant) có tên Lô-vợ đầm chỉ huy cả một bộ phận công nhân từ điện nước, mộc, nề tới gác dan, vệ sinh quét dọn.
Nhà Thờ đã dùng tòa nhà này để kinh doanh nuôi Nhà Thờ? Chỉ biết là khi chấp hành chính sách, "tất cả những ai bỏ nước ra đi thì nhà cửa, tài sản để lại sẽ phải báo cáo lên ban Quân quản", một số căn hộ ở building này, có hợp đồng cho thuê mà chủ đã chuồn trước 30 tháng 4 ra nước ngoài đã được phát hiện.
Và thế là riêng Nhà Xuất Bản Giả...i Phóng chúng tớ gồm Phó Giám Đốc Huỳnh Minh Nhật, Trưởng Phòng Quản Lý Nguyễn Văn Long và chuyên viên âm nhạc Tô Hải bỗng dưng được "thả dù" vào một xã hội Sài gòn thu nhỏ 100%! Nghĩa là có đủ thứ văn minh lịch sự, hiện đại nhất cũng như đủ thứ đĩ điếm, ăn chơi, đủ loại Tây, Mỹ, Tầu, Ta..., nhà báo, nghệ sỹ... đang còn kẹt lại.

Và tớ đã phải sống chung với sự "đi xuống" không ngừng của cái building này suốt 18 năm trời.! Nó điển hình cho sự vô lý của việc..."biến tư thành công", cha chung không ai khóc. Nhưng nó cũng điển hình cho sự xuống giốc nhanh chóng của CON NGƯỜI kể cả phía "bên này" và phía "bên kia".

Như trên tớ đã kể, tuy cái building này có từ thời Pháp thuộc nhưng nó được thiết kế và tổ chức rất là khoa học. Em tớ đến thăm cho biết: Trước đó chỉ có những người ngoại quốc làm việc lâu năm ở Việt Nam, những nhà kinh doanh cỡ lớn, những tỷ phú, tướng lãnh lắm tiền thuê riêng làm nơi du hí và đặc biệt là nơi làm ăn của rất nhiều "điếm loại sang". Trước tòa nhà là hàng loạt xe hơi, hàng quán bán suốt 24/24... Và em tớ không khỏi lo cho tớ lạc vào cái thế giới này liệu có giữ được mình không? Tớ trả lời nó thế nào các friends có biết không? "Yên chí đi! Chỉ ba tháng nữa đến đây sẽ biết!”
Và quả là như thế, khi (nghe nói) Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã "hiến cho cách mạng" (?) đồng loạt với một số tòa nhà nào đó khác thì... một Ban Nhà Đất đã được hình thành, mà quản lý nó là một ông cán bộ tập kết, khi ở miền Bắc chuyên làm việc... phân phối vé đá bóng của Tổng Cục Bưu Điện (Khi gặp ông để ký hợp đồng thuê nhà trả tiền tớ đã gặp ông ta và ông thì nhận ra tớ (vì tớ là dân mê đá bóng) còn tớ thì chịu và cũng chẳng cần hỏi lại tên ông ta làm gì cho chặt chỗ cái bộ nhớ của mình! Dưới sự "lãnh đại và quản ný" của mấy ông này thì cái building đang sang trọng, lịch sự và quy củ như mọi building văn minh trên thế giới bỗng nhanh chóng "vô sản hóa" theo trình tự như sau:

1- Cho Ban Quản Trị nghỉ việc chỉ giữ lại có 4 người gác-dan vì ở đấy còn cần bảo vệ một số cán bộ!

2- Ngừng ngay thang máy và các máy điều hòa nhiệt độ để tiết kiệm điện! Khốn khổ cho ông phó giám đốc nhà tớ mỗi ngày 4-6 lần lội bộ vì ông thích ở lầu trên cùng cho khỏi bị ai ở trên đầu mình! (có 7 lầu thôi) Có lẽ vì thế mà ông đau tim "đi" trước cánh tớ khi được điều về làm Tổng Biên Tập Báo Văn Nghệ Thành Phố (mới được "bầy" ra cho nó không thua báo Văn Nghệ Trung Ương!) Cái thang máy này, mười mấy năm sau cũng không thể chữa nổi vì là thang máy của Pháp, bỏ lâu không dùng nên các linh kiện đã hư hỏng hết!
Cho đến gần đây, tớ mới biết: thì ra người ta đã có "kế hoạch" ỳ ra không thèm sửa chữa để "kinh doanh bất động sản" ở một địa điểm vàng giữa quận 1. Căn hộ của tớ, nếu chịu đựng gian khổ cố ở tới giờ có giá tới... 14 tỷ VNĐ khi một công ty xây dựng nước ngoài định phá nó đi để xây nên một tòa nhà cao tầng mới!

3- Để chắc ăn, Ban Quản Lý Nhà đất còn cho người tới tháo tất cả các máy lạnh đi, để lại những lỗ hổng toang hoác mời gọi lũ chuột đang ngày một phát triển do khoang rác ở tầng trệt có khi cả tuần chẳng ai đến giọn đi!

4- Tiền thuê nhà với bọn tớ thì như... cho không nghĩa là chỉ tính có 5% lương. Nhưng tiền điện, tiền nước thì đôi khi cầm tờ hóa đơn mà phát lạnh người! Tiền điện công cộng gấp 10, 20 lần tiền điện của căn hộ. Nghĩa là bắt đầu có sự lưu manh, ăn cắp, câu điện... của nhiều gia đình... cán bộ lương ba cọc ba đồng! (Hiện tượng chưa từng có những tháng đầu khi tớ mới đến ở). Thế là chậm trả, Ông Điện cứ thẳng tay cắt điện. Mà ông Điện cắt Điện tức là cắt nước luôn vì cần điện để bơm nước từ tầng hầm lên nóc nhà!
Chao ôi! sống giữa "Hòn ngọc Viễn Đông", xung quanh toàn là Tây, Đầm xì xồ, nước hoa thơm phức hành lang, mà không có điện nước thì... ở trên rừng có lẽ còn sướng hơn nhiều! Thảm cảnh cao ốc không điện nước này, khi các ngoại kiều đã rút đi hết, nhường chỗ cho một cái công ty Vegetexco thì càng thêm phức tạp! Anh nào có thế, có chỗ quen biết thì "xin" kéo ngay một đường giây điện riêng về thẳng căn hộ mình. Sau đó mua một cái máy bơm riêng bơm nước lên nhà mình. "Mình vì mình kệ mẹ mọi người". Cái máy bơm lớn của chung nằm đấy cho đến lúc hỏng hẳn chẳng ai thèm quản ný cả!

5- An ninh trật tự, những ngày đầu, khi tớ mới đến phải nói là tuyệt đối, thì càng về sau càng thêm phức tạp. Chính nơi này đã xảy ra các vụ giết người, đâm chém nhau, đánh bạc, đĩ điếm mà điển hình là vụ Triệu Bỉnh Thiệt ở lầu 5! Thì ra, từ lúc bắt đầu có công an khu vực, từ chú Thoan, chú Sơn, chú Tư nhỏ, chú Cao... mà tớ còn nhớ rất rõ không sót một ai, (hầu hết là lính mới tò te miền Bắc mới được chuyển vội sang công an)... cùng tổ dân phố quản lý, thì... chẳng ai quản cái building này nữa! Nhậu nhẹt, chửi bới oánh lộn, chẳng kể giờ giấc... Vệ sinh, nước xả, vỡ ống chảy cả xuống những hộ dưới. Có vị cán bộ chạy được nhà riêng, trước khi đi đã tháo luôn cả lavabo, WC... để đến khi có nước, nước chảy ra ngoài, chui vào thang máy nổ đánh oàng như lựu đạn giữa thời bình, cho đi tiêu hẳn ba cái thứ văn minh thực dân mới!

Chỉ riêng câu chuyện thực tế quản lý một cái building có 7 tầng thôi, tớ muốn nói đến cái "tài" phá của ba ông gọi là cốt cán của cách mạng và sự cố tình phủ nhận phương pháp quản lý có bài bản khoa học của "giai cấp tư sản" thực sự làm chủ tài sản của mình! Tớ nhớ mãi lời tạm biệt của bác Sáu già, người được cách mạng giữ lại điều khiển ban bảo vệ, khi gặp tớ lần cuối cùng: "Tôi chẳng làm gì được nữa khi "người ta" (?) chẳng những không bảo vệ được cái gì mà còn phá, phá sạch trọi cái cao ốc này, nơi tôi đã gắn liền với nó trên dưới 20 năm! Buồn lắm nhạc sỹ ạ! Chúc nhạc sỹ sớm có nơi ở mới!” Nơi ở mới? Ông già này muốn gợi ý gì cho tớ về ba chữ "Nơi ở mới" đây?

Sự thật thì tớ cũng đã "bỏ của chạy lấy người", nhưng nơi ở mới của tớ không thể thoát khỏi cảnh cao ốc XHCN, c/c Miếu Nổi Quận Binh Thạnh! Vì tớ không có thế, chẳng có tiền và cũng chẳng có anh Tư, anh Năm, anh Sáu nào đỡ đầu cả!

Đấy! Một trong hàng ngàn tấn bi hài kịch về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tay những kẻ vô trách nhiệm, vô lương tâm, cơ hội chủ nghĩa nó thể hiện cụ thể, kéo dài suốt 18 năm ngay trước mắt, trên đầu, dưới chân tớ. Nó tác động đến trái tim và khối óc tớ như những "dấu ấn đen" không thể nào tẩy rửa được... Tớ sáng mắt thêm ra, nhưng lòng thì tối xầm lại vì một lần nữa thực tế cái chuyện building này chính là cái "building lý tưởng" nó đã xụp đổ trong tớ từ lâu rồi!

Bài tới "Hai cô sinh viên Đại Học ở lầu 2"
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

53. HAI CÔ SINH VIÊN Ở LẦU 2
Tô Hải - 05/04/2008

Thư ngỏ gửi 2 cháu H và M... (thay lời giáo đầu)

Cho tới hôm nay, đã gần 30 năm không gặp lại hai cháu, Chú mạn phép hai cháu, kể lại một mẩu đời ngắn ngủi của hai cháu cho lớp trẻ hôm nay biết được các cháu đã phải trải qua những tháng năm khủng khiếp như thế nào do "những người bên phía chú" gây nên. Chú cầu mong, lạy Phật, lạy Trời, lạy Chúa lòng lành, lạy Thánh Allah:
1- Các cháu đang còn sống ở một nơi nào trên trái đất này đọc được những điều chú viết đây để một lần nữa các cháu tin là: Những người "nghệ sỹ có trái tim người" như chú đã có, đang có và còn có để đứng vào phía các cháu, luôn chia xẻ những niềm đau, nỗi buồn với các cháu trong quá khứ, hiện tại và tương lai.... và vẫn hy vọng sẽ có một ngày Chú Hải và các cháu lại gặp nhau, kể lại cái câu chuyện "nửa đêm gõ cửa xin Mì Tôm và vài giọt nước mắm" ngày xưa!
2- Nói "phỉ phui" là... lỡ các cháu đã trở thành cát bụi, rục xương ở một vùng kinh tế mới nào đó hay đã làm mồi cho cá mập đại dương thì chú cầu chúc cho oan hồn các cháu... đừng siêu thoát! Hãy cùng hàng chục triệu linh hồn oan khuất đang còn vất vưởng khắp hoàn cầu về đây, về Việt Nam này, hiển linh, báo mộng cho lớp trẻ hôm nay về cuộc đời "đầu thai nhầm thế kỷ" của các cháu, để đất nước ta, không bao giờ còn có cảnh CÁI ÁC THẮNG CÁI THIỆN nữa!
Tên của hai cháu, chú còn nhớ cả, nhưng chú xin phép gọi tắt là H và M... vì lỡ may ra các cháu đang có cuộc sống ổn định ở nước nhà hay bên trời xa mà đọc được những dòng này thì cũng coi đó là chuyện thật của ngàn vạn người khác, chẳng nên buồn gì về cái thời 23 Lý Tự Trọng đã qua mà ông già 82 tuổi này vẫn còn lẩm cẩm kể lại..
.
Căn hộ của tớ được phân phối chỉ cho phép tớ được quan sát có hai phía, qua cửa sổ có hai lớp rideau dày cộp và một lưới sắt chống muỗi. Các ông bà Tây đen có, Tây trắng có, Đài Loan, Phi Luật Tân, Pakistan... đủ loại tớ đều chạm trán hàng ngày, giữa hành lang hay ngay cầu thang máy...
Tất cả, tớ đều "kính như viễn chi" vì tớ luôn cảm thấy mình không phải là đối tượng có thể bắt chuyện với họ... được. Tuy nhiên, sau những ngày đánh vật ở phòng thu hay đi họp hành về, tớ cũng có dịp để quan sát cái thế giới "Saigòn nhỏ" đó bằng cách nhìn qua lưới chống muỗi để phán đoán xem họ là loại người gì? Họ có nguy hiểm gì cho tớ không?...
Khỏi nói đến những phán đoán vu vơ của tớ, họ dần dần cũng ra đi gần hết. Chỉ còn xót lại mãi đến những năm 80, 90 một cặp vợ chồng Phi Luật Tân và một cặp Tầu Đài Loan. Tuy nhiên, chỉ cách cửa sổ phòng khách của tớ chưa đầy 30 mét, có một cánh cửa sổ luôn luôn không kéo rideau bao giờ.
Mỗi khi đi thu thanh khuya về, tớ thường không bật đèn, nhìn thẳng vào cái căn hộ đó như nhìn vào một màn hình 32 inch với tâm trạng thật... êm ả và thanh thoát!
Các friends có đoán được tớ đã thấy gì không? - Xin thưa: Dưới chân một chiếc bàn thờ nho nhỏ (mà tượng Chúa tớ chỉ nhìn thấy có một nửa), có hai người thiếu nữ hàng ngày quỳ đọc kinh rất khuya....
Tuy không nghe được lời cầu nguyện nhưng tớ "thấy" được tất cả những gì là thiêng liêng, là chân thật, là tin yêu nhất ở hai cô gái này... Tớ là một học sinh trường sơ, trường dòng, học nhạc père Rangel, thầy Bích, thầy Quảng nên biết khá nhiều các bài thánh ca... từ hồi còn nhỏ, nên tớ bỗng nảy ra ý định;
Để góp thêm vào cái không khí thiêng liêng ấy của hai cô, tớ đặt lên máy hát điện cái đĩa 33 vòng/phút, nhẹ nhàng cho đọc lên bản "Magnificat" rồi đến "messe en si mineur" của J.S.Bach mà tớ mang từ Hà Nội vào.
Ngày nào cũng vậy, tớ vừa được thư giãn bằng nghề nghiệp vừa giúp thêm cho sự bay bổng của niềm tin yêu của cả hai cô lẫn của tớ... Cái chuyện hòa đồng không cần ngôn ngữ này cứ thế diễn ra mỗi tối kéo dài cho tới cái kết trọn bởi một hợp âm chủ đầy đặn và ngân dài của Bach thì ngừng lại cùng với động tác làm dấu thánh cuối cùng của hai cô...
Nó cứ thế diễn ra như một chương trình đã định sẵn... Chẳng ai nói với ai điều gì. Chỉ có điều khác là: lúc trước khi gặp nhau giữa hành lang hay cầu thang máy, hai cô thường khép nép tránh sang một bên, nhường bước, im lặng thì nay, cả hai đều khoanh tay cúi đầu lí nhí trong miệng hai tiếng "chào chú!”

Cho đến một buổi tối, trời mưa nặng hạt, tớ cùng họa sỹ LCN đang ngồi nghe "Sacre du pringtemps" của Stravinsky thì có tiếng chuông... Tớ mở cửa thì... hai cô gái, áo dài trắng toát hiện ra trước như trong một giấc mơ! Thú thật là từ thuở bé, tớ chưa bao giờ tiếp khách đàn bà mà lại ăn mặc lịch sự chỉnh tề như thế... nên cũng hơi có tí luống cuống, mặc dầu năm ấy tớ đã đúng 49 tuổi! Hai cô rụt rè bước vào và tự giới thiệu: "Bọn cháu ở tầng dưới, hôm nay không được nghe nhạc của Bach nên tìm lên các chú nghe nhờ!” Chết chưa! Hai cô gái Sài gòn mà biết cả đến Bach thì đâu phải là người bình thường! Và chắc rằng các cô cũng đánh giá ba thằng "nghệ sỹ Việt Cộng" chúng tớ mà ngồi nghe những thứ "khó nghe" như "Khổ nạn Thánh Mathieu" thì chắc cũng phải là loại "Việt Cộng chơi được" nên các cô bàn nhau lên làm quen! Và thế là... tớ trở thành "Chú Hải" của hai cô từ đấy!
Thì ra, H và M đều từ Đà-Lạt xuống Sài gòn, H học Đại Học Y-Dược năm thứ 2, M học Đại Học Hành Chính (?) năm 2. Cả hai đều là con cưng của hai gia đình công giáo "có cỡ" và đều cùng là học sinh trường dòng. Do quen biết hay họ hàng gì đó với cha Bình nên được bố trí một phòng để trọ học không mất tiền ở cái Building này! H còn nói thêm: "Bố cháu đã tử trận tại Quảng trị năm 72. Mẹ cháu đang dạy học trển!” Còn M thì cho biết: "Bố cháu không đi lính nhưng là quan chức ngành ngoại giao của chính quyền, nay vừa về nước hết nhiệm kỳ thì... "giải phóng". Hiện nay đang phải đi học tập. Liệu có được về sớm không chú?"... Tất cả những gì hai cô cháu giãi bầy tâm sự với hai chú chỉ làm cho hai chú biết ậm ừ hoặc lắc đầu, ngậm hột thị! Hình như hai cháu cũng biết tâm tư của hai chú nên các cháu cũng tế nhị trước, chuyển sang hỏi han về âm nhạc, về mỹ thuật với một trình độ hiểu biết hơn hẳn mấy ông nhạc sỹ chưa hề học nhạc ngày nào!

Cũng tưởng rằng mọi chuyện vui buồn của cuộc đời xảy đến rồi qua đi như ngàn vạn chuyện đời khác nhưng nào ngờ... câu chuyện về hai cô sinh viên này đã ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của con người tớ cho mãi đến ngày này.
Số là:
1-/ Sau khi cao ốc Gia Long được giao cho (hay hiến cho?) nhà nước thì tất cả đều phải trả tiền. Nếu loại cán bộ được phân phối như tớ chỉ mất có 5 đồng tiền mới /tháng thì các vị "tại chỗ" xin cứ chi ra: Trước 25-50 nghìn thì nay là 250 hoặc 500 đồng tiền mới (lương tớ chỉ có 95 đồng).
Khổ thân hai cô sinh viên, một cha tử trận, mẹ đi làm giáo viên, một cô bố đi học tập cải tạo, mẹ đang lo bán đổ bán tháo mọi đồ đạc tiêu dùng trong nhà đi thăm nuôi chồng, hỏi làm sao có thể kham nổi những số tiền quá lớn vừa tiền nhà, tiền ăn ở, tiền học cho hai cô? Điều băn khoăn này, chỉ riêng có M, một tối nhân lên tớ "xin ít nước mắm về ăn cơm nguội" đã tâm sự cho biết... Ngồi nhìn con bé nước mắt đọng trên hàng mi dài, cong, nước da không phấn sáp mà vẫn hồng mầu Đà Lạt, tớ bỗng thấy mình... dại vô cùng! Bỗng dưng lại tự biến thành nơi "giải đáp về sự đời" cho mấy cô sinh viên không quen biết!
Không những thế, tớ còn tiên đoán đến mọi tai họa mới sẽ còn giáng xuống đầu hai cô nhiều nhiều nữa! Tuy nhiên, tớ cũng không sao không tìm cách giúp đỡ hai cô được phần nào hay phần ấy. Trước tiên là giúp làm đơn có chứng nhận của Nhà Chung, coi hai cô như những nhân viên cũ (đang còn được tạm thời lưu lại)... mà người làm chứng là tớ!
Chỉ riêng việc này thôi, tớ đã bị không biết bao điều tiếng là "Ách giữa đường mang quàng vào cổ" hoặc có kẻ ác ý hơn còn cho là tớ đã "có tí kiếm chác" được gì ở hai cô bé này. Chính những dư luận khốn nạn đó đã làm tớ nổi tự ái, thúc đẩy tớ công khai ra mặt bảo vệ hai cô đó khi bị dọa trục xuất ra khỏi cái cao ốc nay đã thuộc nhà nước. Kết quả là hai cô còn được "ở... chịu để xét đơn" cho đến tháng 10/75!... Nhưng tai họa mới lại chụp xuống họ...

2- Ngày nhập học, cả hai cô đều không có tên trong danh sách sinh viên năm học mới! Với hai cái lý lịch như trên vừa nói, việc "không đủ tiêu chuẩn" của hai cô là điều tất nhiên rồi! Tớ đã đoán trước được cả! Tuy nhiên, đưa ra một lời khuyên gì bây giờ đây cho các cô sau hai cú đánh "nhà ở" và "học hành" thì tớ... ngọng! Chỉ có một con đường khuyên các cô "trở về với gia đình", tìm công ăn việc làm chờ thời thế xoay vần tính sau thì... chính các cô lại nói ra: "Về địa phương bây giờ còn nguy hiểm hơn nhiều! Các gia đình tướng, tá, quan cách ở trển đang bị o ép đủ kiểu, kể cả đưổi đi Kinh Tế Mới để lấy nhà, lấy đất!”

Tớ thật sự thương cảm và lo cho số phận hai con người chẳng hề dây mơ dễ má gì... ở giữa cái cảnh bế tắc này... thì... một lớp sáng tác được tổ chức cho các nhạc sỹ trẻ đồng bằng sông Cửu Long đã kéo tớ "khuất mắt thông qua" cái cảnh đau lòng này... Tuy tớ tập trung vào việc giảng dạy nhưng cứ lúc nào rảnh rỗi lại nghĩ về hai cháu sinh viên không may mắn M và H.
Sau gần hai tháng có dịp trở về lại Cao Ốc 23 Lý Tự Trọng, tớ thật sự ngạc nhiên khi M và H vẫn... tồn tại! ? Ngay buổi đầu tiên gặp mặt, M đã cho biết "Cả hai đã có công ăn việc làm!” và tiền nhà đã thanh toán đầy đủ. Tớ mừng cho hai đứa và càng ngạc nhiên hơn khi chiều về, H lại còn mang theo cả một bịch các thứ ăn, mua ở chợ cũ, kèm theo mấy lon bia mang lên nhà tớ... "mời chú ăn liên hoan!”
Tớ để ý thì thấy cả hai ăn mặc có vẻ đã à la mode, mắt có quệt mascara, môi, má đã có điểm chút son hồng! Đến đây tớ đoán là các friends đã nghĩ tới một kết cục hết sức tầm thường và phổ biến là các cô này đã sống bằng "vốn tự có" chứ gì? -Không phải, hoàn toàn không phải... Chính các cô đã sống được nhờ những tấm lòng của những con người nghệ sỹ chân chính.
Tuy thời gian chúng tớ gây được tình cảm tốt đẹp với các cô không kéo dài được lâu nhưng ít nhất, đã hai lần cả H và M đã thú thật "Có lúc bọn con đã nghĩ tới tự tử vì hết chịu đựng nổi lời dèm pha của người đời rằng tụi con tồn tại được nhờ... làm điếm! Cảm ơn các chú đã vạch cho chúng con một cách sống sạch sẽ, trước khi ra đi mãi mãi khỏi mảnh đất không dành cho tụi con này!”
Các friends có biết 2 cô sinh viên đó đã làm gì không? Thì ra trong thời gian tớ ở dưới Cần Thơ, giao căn hộ cho ông bạn họa sỹ LCN quản lý, ông ta đã giải thích về sự cao quí và công lao của những người mẫu trong sự nghiệp của các danh họa từ cổ chí kim... Họ đã làm sao, làm gì, làm thế nào, để góp phần lưu lại cho đời sau bao bức danh họa... Và cả hai cô đều đã trở thành NGƯỜI MẪU DÀNH RIÊNG CHO NHỮNG HỌA SỸ TỬ TẾ!
Rất nhiều các họa sỹ miền Bắc (và cả ở Rờ ra) đã nhờ hai cô mà có nhiều tác phẩm... mà tớ cũng chẳng ngại gì không kể đến một vài tên tuổi lớn như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... Cả hai chỉ vào Saigòn có một lần và đều vẽ H và M ở ngay nhà tớ một cách rất say sưa và thoải mái (Ở miền Bắc, muốn kiếm một người mẫu đích thực không phải là chuyện dễ dàng gì, chưa kể đến những trường hợp có họa sỹ đang vẽ người mẫu với đầy đủ áo quần cũng bị "quần chúng" phát hiện là... dâm ô đồi trụy phải lên Đồn "làm việc" hết sức rầy rà! - trường hợp họa sỹ S.V).
Thường thì mỗi buổi ngồi mẫu các cô đều được trả 50 đồng. Tuy nhiên cũng có người vừa vẽ vừa hỏi chuyện hai cô, thấy thông cảm (có lẽ là thương hại nhiều hơn) đã không ngần ngại chi trả cả gấp đôi, gấp ba... Cần phải nói thêm là: rất nhiều người do không hiểu hội họa nên cứ nói đến người mẫu là nghĩ đến... người mẫu cởi truồng!

Nhưng chính tớ đã chứng kiến, Bùi Xuân Phái chỉ vẽ có khuôn mặt và mớ tóc thôi đã mất cả một buổi. Tớ nhớ tất cả các buổi vẽ ở tại sa-lông nhà tớ, người mẫu đều mặc áo dài, áo kimono, một thứ "của hiếm" ở miền Bắc những năm chiến tranh.
Và cứ thế, một đồn 10, 10 đồn trăm, H và M trở nên người mẫu thân quen của nhiều họa sỹ ở miền Bắc mỗi khi có dịp vô Sài gòn! Cả hai, sống thoải mái, đắt khách, thậm chí có ông đạo diễn còn mang ra cả Hànội giới thiệu cho một số họa sỹ ngoài ấy! Kể ra hai cô cũng chẳng phải là tuyệt thế giai nhân gì. Được nhất chính là: mặt mày nhẹ nhõm và nhất là tính chất trong trắng, ngây thơ ở trong con mắt, nụ cười cộng thêm cái vốn có văn hóa trong giao tiếp nên rất "ăn khách"...
Thế là từ hai sinh viên, hai cô đã bỗng chốc đổi nghề thành... người mẫu tử tế chuyên nghiệp.
Riêng M, do có trình độ văn hóa âm nhạc tương đối cơ bản tớ đã bầy cho cách thi vào trường "Cao Đẳng Văn Hóa". Mới đầu M đã quyết tâm nộp đơn nhưng đến ngày thi thì không muốn thi nữa vì vẫn không tin vào cái lý lịch quá nặng căn của mình. Tớ phải đến tận phòng thúc giục, rồi chở đến tận trường. Gặp rất nhiều người quen, lính tráng cũ, tớ đều nhận là "cháu, con chú em", mặc kệ dư luận đàm tiếu.
Kết quả M đỗ điểm cao, trúng tuyển nhưng... không muốn rời bạn, không chịu làm tiếp thủ tục, hồ sơ... Thì ra... trong lúc đi làm việc nơi này nơi nọ, cả hai đã được một "nghệ sỹ mả mẹ" nào cùng quê rủ rê chung tiền mua bãi vượt biên. Cả hai đứa đã về Đà Lạt chạy đủ hai cây mỗi người đóng góp cho hắn để rồi... chưa xuống bến đã bị tóm cổ hết vào tù... Còn hắn ta thì, ôm được một mớ cây, sau này đi thoát và đang "làm nghề" tại Mỹ!
Chuyện này mãi 2 năm sau tớ mới biết khi có việc đang chạy Honda qua cầu Chà Và thì có tiếng gọi "Chú Hải! Chú Hải!” Dừng xe giữa cầu, tớ ngạc nhiên vô cùng khi có một người đàn bà nhỏ thó, ốm yếu trong bộ đồ bộ nhàu nát, đang lội bộ qua cầu, tay ôm một chồng bao xi-măng che khuất mặt.
Giở nón ra thì... trời ơi! Chính là cháu sinh viên H ngày xưa! Gần hai năm tù đã biến cô gái Đà Lạt điển hình năm xưa thành một điển hình thanh niên vô sản thất nghiệp thế này đây! Dắt cháu vào một quán cà-phê gần đó, tôi ngồi nghe kể chuyện vượt biên thất bại, chuyện ê chề tủi nhục khi ở tù và chuyện khốn nạn, đểu cáng hơn nữa của một tên "văn-sỹ-kịch sỹ cách mạng" có tên... (thôi! nó chết rồi, cho nó được nằm im dưới địa ngục) khi gặp cô mới ở tù ra, đã do quen cô qua LCN, mà hứa hươu, hứa vượn,... giúp đỡ qua loa, quít lít được tí tiền còm... rồi biến về Bắc với bà vợ già cùng 4 đứa con, để lại cho cô cái bầu gần 3 tháng! Cô chưa biết cách xoay sở thế nào thì hôm nay gặp tớ.
Hỏi về mẹ cô thì cô cho biết mẹ cô đã đi bằng đường Nha Trang nên đã thoát nhưng... có đến được nơi nào chưa thì cũng còn cầu Chúa lòng lành! Riêng M thì đã trở về Đà Lạt giúp mẹ buôn bán kiếm sống qua ngày vì với cái thân hình tàn tạ, sau khi ở tù ra làm sao còn có thể tiếp tục kiếm ăn bằng nghề người mẫu được nữa! Tớ giận điên lên với cách hành xử của thằng nhà văn-kịch sỹ mất dạy và không nỡ để H trong hoàn cảnh khó khăn do "người mình" gây ra, nên hẹn H... đúng sáng sớm mai có mặt ở bệnh viện Từ Dũ.
Tớ có quen một bác sỹ ở miền Bắc mới vào, tớ sẽ nói với ông ấy lấy dùm cái thai ra. (Thời đó việc đi nạo thai đâu có dễ ợt như ngày nay). Mọi việc đều tiến hành êm ả mặc dầu tớ biết trong ánh mắt của ông bác sỹ và mấy cô y tá, chẳng sao tránh được ý nghĩ: "Tác giả cái thai này là chính tớ chứ của ai nữa!”
Mặc kệ ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, buổi chiều tớ vẫn đến chở H bằng Honda về bên kia cầu Chà Và, nơi cô đang giúp việc cho một gia đình... trước kia từng làm... vú em nuôi H, khi bố H còn là sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Công Hoà, một giáo dân miền Bắc di cư mà ngồi nói chuyện một lúc tớ cảm thấy ngay đây là những con người còn tình thương để sống với nhau.
Tớ yên tâm trở về sau khi rút ví lấy một số tiền nho nhỏ đặt vào tay H, gập lại và nói: "Chú chẳng có gì, chỉ có tấm lòng thôi! Cháu cố gắng chịu đựng chờ tin má!”... Tin má liệu có không? H có đi được theo diện gia đình tử sỹ không? Tớ không bao giờ còn gặp lại H và M nữa.
Nhưng khi nào nghĩ đến hai cháu H và M thì tớ luôn cầu chúc cho họ sớm vượt qua những cay đắng tủi nhục của cuộc đời. Tớ nguyền rủa cái tên "nghệ sỹ mả mẹ" và cái tên Văn-sỹ-kịch-sỹ ma cô! Cả hai đứa sống trên hai trận tuyến mà lòng dạ chúng đều mất dạy, đểu cáng giống nhau.
Tớ cũng giận tớ luôn vì tại sao mình có một trái tim không đen tối, một cái đầu không đến nỗi u mê mà chẳng làm gì được hơn những chuyện "vá víu vặt những mảnh đời bất hạnh" để rồi đến lúc sắp gần đất xa trời, bỗng thấy mình quá ư kém cỏi, quá ư hèn nhát, quá ư lạc lõng, quá ư yếu thế để có thể làm được một "cái gì đó" to tát hơn, giá trị hơn là những bài entry rút ra từ phần "hồi ức bi thương" của chính tớ mà, mỗi chữ tớ gõ lên máy như đều mang theo từng giọt nước mắt khóc cho nỗi đau, nỗi khổ do những con người "tính bản ác" đã và đang còn gieo rắc, đọa đầy, hủy diệt... những CON NGƯỜI "tính bản thiện"!

Bao giờ mới hết những số phận oan khiên của những H, những M... và hết cái cảnh "sáng mắt nhưng tối lòng" như tớ đã phải trải qua?
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

54. Ba cháu bụi đời xin học nhạc
Tô Hải - 15/04/2008

Đúng 13 hôm rồi, không sờ đến ki-bót... Rất cảm động về những lời thăm hỏi của các friends từ khắp 4 phương trời lo cho sức khỏe của tớ. Cái chuyện sinh tử của ông già 82 là chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào... Tớ đã chuẩn bị một "bài ca từ biệt" để khi chuyện ấy nó xảy đến thì bà xã sẽ pót lên và đóng cửa Blog vĩnh viễn. Nhưng có lẽ còn... lâu đấy! Vì tớ tin rằng tớ còn đủ năng lượng để sống mà kể thêm nhiều chuyện đời tớ cho lớp trẻ ngày nay nghe mà thương cho cái lũ "vừa là nạn nhân vừa là tòng phạm" bất đắc dĩ mang danh nghệ sỹ mà tâm hồn chẳng thấy thanh thản gì đến tận cuối đời... Nào tiếp tục...

Mưa Sài gòn bất chợt đổ xuống... Để bảo vệ mấy đĩa hát mới nhận từ tay Huy Du kiếm được sau chuyến đi họp ở Ba Lan về gửi cho, tớ chui vào cái hiên nhà đầu đường Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng... quẳng cái xe Honda C50 ngoài trời... Đang dùng mùi-xoa lau vội những giọt nước mưa đang còn đọng trên vỏ đĩa hát thi bỗng nghe tiếng con nít: "Ối! ông này có đĩa ABBA chúng mày ơi!”
Ngẩng đầu lên, tớ bắt gặp 6 cặp mắt đang nhìn mấy chiếc đĩa 33 vòng/phút của tớ một cách thèm thuồng.Tất cả chỉ là 3 đứa con nít thực sự. Đứa thứ nhất, nhỏ con nhất còn mang áo có biển hiệu "Trường Thiên Phước", đứa thứ hai, ăn mặc diêm dúa hơn, mập mạp hơn có vẽ tí quầng mắt và có cả tí... son môi. Đứa thứ ba rất đặc biệt vì 99% có máu Mỹ đen, mặc một bộ đồ bộ nhầu nát.
Cả ba đang chuyền tay nhau một bao Capstan, mỗi đứa rút ra một điếu rồi phì phèo, rít khói vào thở khói ra một cách điệu nghệ. Tuy hơi khó chịu, nhưng tớ vẫn hỏi: "Sao các cháu biết ABBA? (năm 75 ABBA chưa thực sự được phổ biến ở Saigon).)
Một cháu trả lời: "Cháu đã được xem Eurovision qua tivi Mỹ! nhưng đi tìm mua băng hay đĩa hát thì không đâu có cả... Chú mua ở đâu đấy... chỉ dùm cháu..." Tớ trả lời: "Không có đâu! Cái này cũng từ nước ngoài mới gửi về đấy!” Thế là, cả ba tỏ ra tiếc nuối ra mặt.
Chúng xin phép tớ đuợc xem hình và đọc vanh vách những tên bài hát trên mặt sau của bìa đĩa... Cả ba đều có vẻ mê âm nhạc ra mặt... Tớ bỗng thấy thương hại chúng và bỗng nảy ra một ý định "Thử tìm hiểu đôi chút về cái bọn con nít muốn làm người nhớn" ở cái thời mới "giải phóng" này chúng sống và suy nghĩ gì về cuộc đời hiện tại và tương lai… thế nào? Và thế là tớ liền đưa ra ý kiến: "Nếu các cháu thích nghe nhạc ABBA thì đến chú nghe... chỉ có điều, khi qua thường trực các cháu hãy vứt thuốc lá đi đấy!”Ô kê! Ô kê! Ô kê!”... Một lô ô kê kèm theo những tiếng "cảm ơn chú" rối rít vừa phát ra xong thì trời ngừng mưa. Thế là tớ leo lên xe, 3 đứa một xe chở nhau theo tớ về nhà chỉ cách đó có 50 mét...

Vừa mở cửa căn hộ 346, cả ba đứa như đi lạc vào một thế giới xa lạ, nhất là khi nhìn lên tường thấy tấm hình tớ chụp từ thời kỳ làm lính được phóng to lồng kính treo giữa nhà! Một cháu bật nói: "Ới! Ông này là...Vi xi!”... và thái độ đứa nào đứa ấy tỏ ra mất tự nhiên ra mặt! Cứ như là chúng đã bị lừa vào hang hùm động rắn vậy! Tớ vừa đặt đĩa vào máy, vừa nói: "Vi-xi cũng có ba bảy đường vi-xi. Vi-xi mà dám mời 3 cháu về nhà cùng nghe ABBA thì là vi-xi xài được đó!” Và khi những bài hát "Mama mia", "Fernando", "Money, money, money"... cất lên thì chúng đã hết cái vẻ lúng túng ban đầu mà gần như chỉ thả hồn vào những giai điệu mà chúng thích thú... Tớ nghĩ chắc nghe xong đĩa hát này là chúng sẽ sớm cáo từ và vĩnh biệt chú vi-xi mãi mãi...
Nào ngờ, cái cháu mập mạp bỗng có ý kiến: "Xin phép chú cho cháu về nhà lấy cái đầu thu đến thu lại cái đĩa này lần sau khỏi làm phiền chú nữa". Tớ bắt đầu thấy "tụi nó" có cái gì đó dễ thương và có văn hóa nên muốn tìm hiểu sâu thêm đôi chút về những gì khác lạ trong 3 đúa này.
Và đây là tiểu sử tóm tắt của tụi nó:
1- Con bé ốm có tên là Ng sinh năm 1960, nghĩa là vừa đúng... 15 tuổi học sinh lớp 9 trường Thiên Phước Tân Định. Bố (đã chết) từng là cấp tướng trong binh chủng không quân của quân lực miền Nam CH nhưng do được đào tạo từ thời kỳ Pháp, nên sau này tuy không nắm chức vụ gì lớn nhưng vợ và 3 con vẫn được tiếp tục ở trong một biệt thự trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Và cuộc đời của bà vợ tướng cùng ba con xuống giốc không phanh từ ngày có lệnh "giải tỏa không cần giải thích" (nói nôm na là: "đuổi cổ") tất cả các gia đình tướng tá "ngụy" nằm trong khu quân sự đặc biệt này. 4 mẹ con lếch thếch dọn dẹp về ở nhờ một căn gác gỗ ọp ẹp của một bà cô trong một con hẻm đưởng Trần Quốc Toản...
Hai bàn tay trắng, hết tiền tử tuất... bán đồ đạc dần để sống qua ngày. Con cái đều bỏ học bắt buộc... Ng trở thành một đứa học sinh... bụi đời sống hôm nay chẳng biết ngày mai... Có lần kéo nhau đi chơi Vũng Tầu cho đến khi hết tiền thì chui vào lô-cốt ngủ, không chịu về nhà!

2- X là một đứa may mắn hơn cả. Sinh ra trong một gia đình buôn bán có thương hiệu trên mặt tiền đường Catinat. Mẹ X là một người nổi tiếng là đẹp, đặc biệt là thân hình ngoài 40 trông vẫn như một... cây đàn ghi-ta.
Ông chồng là người Pakistan đã qua đời nên người đàn bà góa này nghe nói, ngay những năm trước 75 đã có khá nhiều quí ông mon men kiếm chác... Nhưng tất cả đều bị thất bại vì mẹ X biết rằng chẳng có anh nào muốn lấy bà làm vợ làm gì mà chỉ nhằm vào cái cửa hàng to tướng của bà mà thôi! Ấy vậy mà, bà đã... rước về một cái "của nợ" (chữ của X), một "cán bộ cách mạng", chả biết làm gì mà lúc nào cũng cặp da, dày đen, thỉnh thoảng mới đến cơ quan thì đều có xe đưa đón? Mâu thuẫn giữa hai mẹ con đẩy X đến con đường "phá chơi"bằng cách … lấy tiền nhà, rủ bạn bè đi ăn nhậu, có khi đi cả tuần không về, đỡ phải nhìn thấy cảnh ngang tai chướng mắt. (Sau này, cái chuyện "nhà báo chưa hề viết được một bài báo nào" bao giờ tên Th. "cua" được bà X.T. Đồng Khởi đã một thời gian dài làm chuyện đàm tiếu của ngay dân nhà báo, nhất là khi thấy ông ta hãnh diện trong bộ pyjama, chiều chiều bắc ghế ngồi đọc báo ngay trên vỉa hè trước cửa hàng của "vợ" để mọi người thấy được "chiến lợi phẩm" đáng nể của ông ta. Cho đến ngày, mọi sự bịp bợm của ông ta bị vạch trần. Ông ta chỉ là dân... chạy vặt ở Đài Phát Thanh T.Ư. nhưng đi đâu cũng có cái cặp đen đựng... bánh mỳ (!) và cái miệng nổ tía lia khiến các bà cứ tưởng ông ta sẽ là chỗ dựa vững chắc khi có chuyện cải tạo, tịch thu v.v... (Hiện nay, ông này đang còn sống ở Hànội sau một loạt scandal khác do ông gây ra!).

3- Đây là một hoàn cảnh rất đặc biệt. B không biết mình là ai? Không cha? Không mẹ? Không ngày sinh tháng đẻ rõ ràng, trừ bản lý lịch của một Ấu Trĩ Viên của Mỹ, khi bị đuổi khỏi khu vực Trần Quốc Toản nối dài (khu vực T.Ư. còn bị bịt kín cho đến cuối thế kỷ XX). Người ta trao B cho một gia đình nhận làm con nuôi. Giấy tờ chỉ là có 5, 6 dòng chữ: Tên: Catherine B, Sinh ngày 20 tháng 12 năm 1960. Bố Mỹ (chết) mẹ Việt nam (không rõ). Chính cái động cơ nuôi con lai Mỹ để mong đi theo diện con lai này đã làm cho B sống không Tổ Quốc, không gia đình, không có tình thương của bất cứ ai nên dễ bị lao xuống vực thẳm khi có kẻ xấu nào chỉ cần đẩy nhẹ một ngón tay út!

Nghe hai đứa khai sơ sơ về hoàn cảnh gia đình của ba đứa đang nhiều điều hấp dẫn bi hài thì X trở về. Ngoài cái đầu deck Sony thu phát cassette thì còn có một túi to đùng đồ ăn thức uống mà X nói "Lấy ở nhà đến!” Bầy lên bàn, thôi thì đủ cả bơ, fromage, pa-tê, xúc xích, bánh mỳ jăm bông... và đặc biệt có cả một chai "Giô Ny Uân Cơ" mà tớ chỉ ngửi thôi đã thấy say rồi!
Tớ giả vờ hỏi ngây thơ: Thế các cháu biết uống rượu, hút thuốc từ khi nào vậy? X trả lời rất hồn nhiên: Nào bọn cháu có biết uống biết hút bao giờ đâu! Ghét cái lão "cán bộ", từ ngày về ở chung với mẹ cháu, ngày nào cũng khề khà nổ đủ thứ, nên cháu lấy cắp bớt đi một vài chai, uống chơi cho biết thôi! Cứ tưởng "các chú ai mà chẳng thích rượu"! Tớ lợi dụng ngay lời thú tội đó để gợi ý: Vậy thì thế này nhé: Từ nay trở đi, cả ba đứa mỗi khi muốn đến thăm chú, nghe nhạc, chú chỉ yêu cầu: Thứ nhất ăn mặc đúng như khi các cháu còn đang đi học, không vẽ mắt tô môi. Thứ hai - không hút thuốc. Thứ ba - không mang rượu-bia bọt gì đến nhà chú cả. Cả ba đứa phải luôn nhớ: Mới có 14, 15 tuổi cả, đừng tự làm mình thành những bà già vội... Chú sẵn sàng tiếp các cháu mỗi tuần một lần vào sáng chủ nhật và nếu đứa nào thích học nhạc chú sẽ dạy đàng hoàng cho!
Cả ba đều ồ lên thích thú như đang đi trên sa mạc bỗng gặp được giếng nước đầy! Nhìn những nụ cười và đôi mắt chúng nó, tớ bỗng thấy mình đang dấn thân vào một việc mà người ta nói thì nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu thậm chí toàn là làm... ngược lại! Đó là cải tạo và cảm hóa con người.

Hơn một năm trời trôi qua... ở cái building 23 Lý Tự Trọng, hàng tuần lại vang lên tiếng xướng âm đồ rê, mi... tiếng tớ giảng về cách nghe một bản nhạc không lời... Tiếng lành đồn xa... khối người xin đến học nhưng tớ đều từ chồi viện cớ không còn thời gian vì mục đích của tớ lần này không chỉ là dạy nhạc mà qua âm nhạc muốn quan sát tâm lý, đạo lý của mấy đưa trẻ 15 đang trong cơn hoảng loạn tâm hồn, đang muốn tìm một con đường thoát rất... nguy hiểm...
Và nếu chúng bỏ dở nửa chừng là tớ thất bại. May thay, không đứa nào trở thành bụi đời, không đứa nào không mê âm nhạc và đọc sách. Thậm chí có những buổi không học nhạc, lẻ tẻ có đứa còn mang đến cho tớ khi tô cháo lươn nhà nấu, khi khúc cá thu nhà chiên.
Bạn bè tớ, ngoài Bắc, trong Nam, gặp lũ nó đều thấy dễ thương và cảm thông cho số phận của chúng nếu không gặp tớ mà gặp phải thằng ba bị nào đó... thì khốn nạn mười mươi!
Và từ đó đến ngày... chúng ra đi, bốn chú cháu tớ đã trở thành những người thân thiết. Những bài học về âm nhạc tớ truyền cho chúng không chỉ là những bài đồ rê mi mà truyền cho chúng cái văn hóa âm nhạc chân thiện mỹ của dân tộc và của cả loài người.
Hiện nay, X đang ở Úc, đã có gia đình và có một con. Bà mẹ vẫn còn sống và đã rút được kinh nghiệm qua lần mang hận với lão "nhà báo" bố láo tên Th, nên chỉ còn biết... đi chùa. B, cuối cùng cũng được ra đi theo diện con lai (sau khi thoát khỏi cái gia đình muốn lợi dụng B để ăn theo), hiện cùng chồng và một đứa con (lấy nhau ở Việt Nam) đang sống hạnh phúc ở Mỹ, bang Connecticut.
Riêng Ng thì được chính phủ Mitterand bảo lãnh cho đi theo chương trình cán bộ cao cấp do chính phủ Pháp đào tạo nên cả gia đình đều được lên máy bay ra đi đàng hoàng. Hôm đưa tiễn có cả tớ và một số bạn bè tớ... Ai cũng khen là chuyện của ba đứa đều có hậu. Nhưng ít người biết được là: Trừ trường hợp X... có điều kiện tự thu xếp, còn lại 2 trường hợp, tớ đã phải năm lần bảy lượt thảo đơn cả bằng tiéng Anh lẫn tiếng Pháp kèm theo ảnh chụp chứng minh là "B không phải là người Việt Nam" và chưa bao giờ người Việt Nam nhận B là công dân nước họ cả, (không hộ khẩu, không chứng minh thư, không khai sinh)
Đơn tớ gửi đi mọi cơ quan ngoại giao đang có mặt khi đó tại Sàigòn (trừ Mỹ vì Sứ Quán Mỹ lúc đó vẫn chưa có) Riêng trường hợp của Ng thì tớ phải nhờ hai người bạn vào loại công an cỡ khá bự, (đã từng gặp và biết hoàn cảnh của mấy cô học trò của tớ) chui hẳn vào bộ phận ngoại kiều để khui ra hồ sơ bảo lãnh của chính phủ Pháp.

Thì ra người ta đã xếp só để... làm gì không biết gần hai năm trời! Ngay sau đó có hai tuần, có người của Sở Công An xuống tận nhà báo: “Chuẩn bị một tuần nữa lên đường đi Pháp!” Không tốn một điếu thuốc lá, một tách cà phê! Ôi! cái thời sáng trong và sạch sẽ đó, bao giờ mới trở lại!

Riêng tớ, tớ còn rút ra được một điều: Có thể nào dùng âm nhạc để cảm hóa những con người có tâm hồn âm nhạc!
TB: Lần này không còn phải kêu "buồn quá ông ơi" hoặc phải khóc nữa nhé. Để dành lần sau.
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

55. Vẫn những chuyện thực tế làm sáng mắt... đau lòng:
LỚP NGƯỜI BỊ XUA ĐUỔI
Tô Hải – 26/04/2008

Cho đến bây giờ, tớ vẫn không hiểu nổi: Tại sao chính quyền gọi là vô sản nhưng lại thù ghét một lớp người 100% vô sản, mà sự tồn tại của họ không những chẳng làm hại ai mà chỉ làm lợi cho cuộc sống bình thường của một thành phố. Đó là lớp dân nghèo thành thị. Vì đói khổ, họ phải bỏ làng, bỏ xóm ra đi, lên thành phố để “hầu” mọi ai cần họ, từ việc làm ô-shin đến đạp cyclô, nấu bếp, trông trẻ… Từ đội thúng xôi đến đẩy chiếc xe bánh mỳ, quẩy gánh bún bò, …
Tất cả đều như những bánh xe nhỏ của một bộ máy lớn khởi động mỗi ngày, làm nên hoạt động của một thành phố. Ấy vậy mà, họ luôn là “cái gai” trước mắt những nhà “quản ný”. Dưới mắt mấy vị này, họ luôn là “thành phần phúc tạp” nào là “ăn bám”, nào là “tư thương”, gian thương, là thành phần trung gian, buôn đi bán lại, không sản xuất ra của cải xã hội (?) …
Nói chung là “thành phần phức tạp”, làm xấu bộ mặt thành phố…?. Và người ta tìm mọi cách để dần dần loại bỏ họ ra khỏi đời sống xã hội bằng những quy định này, chỉ thị kia.

Ở Hanội, trước 75, đã một thời gian dài, vắng bóng những người phụ nữ nông thôn hiền lành, sáng sáng đội trên đầu những chiếc thúng, thoăn thoắt trên đường tiếng rao lanh lảnh “Ai cốm vòng đây!”, “Bánh cuốn Thanh Trì, chả quế đây!” Tất cả ai muốn ăn sáng thì xin cứ đến Mậu dịch xếp hàng, trả tiền, lấy phiếu rồi nhận một bát bánh phở đã bốc sẵn, đi qua một ô cửa chìa vào để cô mậu dịch đổ cho một môi nước (gọi là nước dùng), thế là xong!

Ôi! nghĩ lại mà khủng khiếp cái thời ăn chui, uống chui mua chui, bán chui, … cái thời muốn ăn một bát phở bò thứ thiệt phải đi vòng vo qua bao con hẻm toàn hố xí thùng, để đến được với cái quán phở Tạm thương, y như những kẻ ăn cắp, ăn trộm cả người mua lẫn kẻ bán! Nghe nói trong cuộc triển lãm “cái thời bao cấp” ấy năm ngoái, có anh nào đó định chưng lên tấm ảnh mấy cụ Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu… ngồi bệt ngay xuống đất ở “Chuồng Cọp” (Nguyễn Bỉnh Khiêm), uống bia hơi “chui”, với vài củ lạc rang, của “tư nhân”, nhưng tấm ảnh này sau bị hạ xuống vì… trông nó… “dã man” quá! Chỉ vì tác giả đã thu được vào ống kính cả một pha rất điển hình: một chú áo vàng đang túm ngực áo một phụ nữ gầy gò tay dằng lại can bia chui bị tịch thu, tay che ngực, miệng khóc mếu trước mặt mấy vị “kỹ sư tâm hồn” tiếng tăm thế giới mà chẳng ai dám giơ một ngón tay út can thiệp!
Những cảnh rượt đuổi, tịch thu, thậm chí, đập, phá, đá, đổ, tạt tai, đá đít… diễn ra cứ như có tà ma, voi dữ về thành phố vậy là chuyện diễn ra thường xuyên một cách lạnh lùng và vô cảm như thế đã nhiều năm ở miền Bắc… Những cuộc xua đuổi, lẩn trốn, bán chui, ăn nhủi cứ thế diễn ra với mục đích là “lùa” tất cả mọi người vào những quán ăn của mậu dịch nhà nước ăn cái gì nhà nước cho ăn, uống cái gì nhà nước cho uống, xem cái gì nhà nước cho xem…
Cái quái thai “chuyên chính vô sản” trong quản lý xã hội này, khi đem vô miền Nam, cho đến bây giờ, đã bộc lộ hết những phi lý, những phản khoa học, những bất nhân của nó cho nên… Đổi Mới (như cũ!) đã ra đời!... Nhưng chẳng ai dám nói ra là những gì người ta làm trước kia đối với dân nghèo thành thị là “sai lầm chết người” cả, thậm chí vẫn còn đang tiếp tục quyết liệt hăng say hơn …để làm sạch bộ mặt thành phố?

Những gì tớ sẽ kể ra sau đây chỉ là những chuyện đau lòng mắt thấy tai nghe xung quanh cái “xã hội Sài gòn” nhỏ của tớ tức là cái building 23 Gia Long mà tớ đã được bố trí ở gần 20 năm trời. Tớ sẽ nói về những con người bị xua đuổi mà chẳng biết mình có “tội” gì!

XÓA SỔ HỆ THỐNG PHỤC VỤ CAO ỐC

Ngay từ những ngày đầu đến nhận căn hộ 346, tớ đã phải ngợp về hệ thống phục vụ cái cao ốc chỉ có 7 tầng lầu này. Chạy dài theo cả hàng ngang cao ốc là một loạt các quán hàng có mái che, có bàn ghế, điện nước, quạt máy… Nó gần như chỉ phục vụ cho dân cư trú tại cao ốc và những người đi thăm, nuôi bệnh nhân của bệnh viện Grall (khi đó mặt tiền còn ở đường Gia Long). Được sự đồng ý của chủ cao ốc, được cung cấp nước, điện, nó hoạt động gần như 24/24 giờ ngày. Người ta có thể xuống đường hoặc ngồi tại nhà cũng có thể có được từ tô hủ tiếu, chiếc bánh mỳ, thậm chí cả miếng bít tết với giá rẻ hơn các tiệm ăn lớn đến một nửa. Tớ cũng từng ăn cơm “không bụi tí nào” của thím Xoa, một người phụ nữ trạc 50 tuổi, lúc nào cũng vui vẻ tươi cười để lộ chiếc răng bịt vàng ở hàm trên bên trái.
Nằm giọc theo bờ đường bên phải là một thứ chợ chồm hổm của những dân buôn thúng bán mẹt nghèo khổ hơn... Đó là những bà bán xôi, (mà trong số họ, tớ biết có vợ của một cựu danh thủ bóng đá trước 75), một cặp vợ chồng nhà giáo “chạy loạn” vô Sài gòn rồi kẹt lại, để rồi trở thành, chồng: đạp cyclô, vợ: bán bún bò… chạy!
Một nhân vật mà tớ không thể quên nữa là chú Sơn, một hạ sỹ quân đội Cộng Hòa, thoát nạn cải tạo, người cao lêu đêu như sếu vườn, nước da tái xanh mầu sốt rét sau hai năm đóng quân ở Tây Nguyên, hàng ngày ngồi ngay dưới chân cột điện phía bên Thư Viện Pháp, chuyên sửa xe, lau ô-tô cho những cư dân cao ốc chúng tớ…
Mọi chuyện đều diễn ra bình thường và suôn sẻ… cho tới một hôm… “lệnh trên” (?) ban xuống: Dẹp mọi hoạt động buôn bán “mất trật tự” ở khu vực cao ốc và trước cửa bệnh viện! Người ta lấy lý do là cao ốc này sắp trở thành cơ quan nhà nước, không thể để một cái chợ tự do vô tổ chức này tồn tại được… Và thế là… cả cái cao ốc bỗng như một bộ máy bị tháo đi một con ốc nhỏ nhưng cần thiết và tiện lợi vô cùng.
Cả hàng chục quán hàng khang trang, sạch sẽ bỗng chốc bị giải tỏa để trở thành những người bán chui, bán chạy và “thượng đế” thì trở thành người ăn chui, ăn chạy luôn! Hậu quả là dân chung cư, kể cả tớ, mất nhờ vào cái hệ thống phục vụ tự phát rất cần thiết này. Những anh độc thân như tớ còn có thể phóng xe đi kiếm bữa ăn vừa túí tiền ở tận Chợ cũ. Những gia đình có con thì đành phải đốt lửa nấu bếp (mà lúc ấy thì làm gì có gaz!). Ai có dầu hỏa thì dùng dầu hỏa, ai không có thì dùng củi, dùng than. Có gia đình, để tránh khói, mang luôn cả bếp ra hành lang xông khói cả cao ốc luôn! …
Còn các ông bà ngoại quốc chờ ngày xuất cảnh thì lục tục “nhổ neo” đi nơi khác, nhường lại các căn hộ cho mấy “ông cơ quan”, ở không hết thì… nuôi heo ngay ở trên lầu 5!
Buổi tối từ đầu đường Hai Bà Trưng đi về nhà, đèn đường tối mò tối mịt, trở thành những nơi kín đáo cho các vụ mặc cả mua bán thịt người!... Sự xuống cấp của xã hội nhỏ của tớ là trông thấy, ngửi thấy, nghe thấy từng ngày...

Nhưng cái làm tớ luôn phải sống trong sự ăn năn bứt rứt về những việc mình không gây ra là: Số phận những con người bị xua đuổi đó sẽ đi đâu? về đâu? Họ sẽ biết ơn hay căm thù muôn đời những người đã xua đuổi họ, dồn họ về phía những người… khó mà có thể hòa hợp được sau này…
Trong số những số phận con người bị xua đuổi đó, cho tới giờ này, ai còn ai mất, ai sống ở trong nước, ai đã sang được bên Tây, bên Tầu, ai đã làm mồi cho cá biển Đông, tớ không thể nào biết hết. Chỉ có một số trường hợp đặc biệt đã ảnh hưởng đến cái đầu và trái tim tớ, tạo nên một thằng tớ luôn có những “suy nghĩ ngược chiều” và luôn đặt lại vấn đề của mọi vấn đề nảy sinh trong cả quá trình làm anh “cán bộ cách mạng” nhưng… chứng kiến quá nhiều cảnh bất công, mất mát của quá nhiều con người. Sau đây là những số phận nghiệt ngã đã dành cho những con người vô tội bị xua đuổi khỏi cái Building tớ đã sống 18 năm trời nhé) …
(Mai đọc tiếp nhé)


CHÚ SƠN SỬA XE

Sau ít ngày cố "trụ" lại với cái thùng đạn đựng ít đồ nghề, cuối cùng trong buổi bố ráp lần cuối, người ta tước luôn toàn bộ “công cụ sản xuất” của chú để “mời lên phường giải quyết”! Cũng chính cái buổi sáng hôm đó, tớ dắt chiếc Honda C50 ra khỏi nhà thì đạp mãi nó cũng chẳng chịu nổ cho. Tớ dắt sang bên kia đường định nhờ chú Sơn thì thấy chú đang nằm dạng háng ngay trên vỉa hè, rên rỉ một câu mà tớ đến hôm nay vẫn còn nhớ: “Trời ơi là trời!... Tui có làm chi hại các ông đâu mà các ông hại tôi thế này! Sống sao cho được đây các ông ơi! …”
Tiếng ngân kéo dài của ba tiếng “các ông ơi” đó có lẽ vang trong tớ suốt cuộc đời… Nó như một lời nguyền rủa, lên án chính bản thân tớ, một người rất thân thiện với chú Sơn vì chú thực sự “hợp” với ông Việt Cộng để ria Clark Gable đến mức tớ có thể giao xe cho chú hoàn toàn khi cần sửa chữa mọi hỏng hóc…

Đáp lại sự tin tưởng của tớ là những hành động tớ cảm được, nhận được từ chú. Như: xe tớ lúc nào cũng sạch sẽ, sáng loáng, mọi sửa chữa lặt vặt ít khi chú lấy tiền. Hằng ngày, mỗi lần gặp nhau, hai chúng tớ đều “Chú chú, cháu cháu” như có họ hàng thật.
Đôi khi Sơn còn xưng hô với tớ là "Bố bố, con con" nữa… Nhưng hôm nay, tớ đành bất lực, lặng lẽ dắt xe đi, không cất nổi một lời nào dù để chia tay chú vì cũng từ hôm đó, không còn bóng chú Sơn sửa xe ở góc đường Đồn Đất-Lý Tự Trọng nữa… Hình ảnh của một chú Sơn với câu than “Trời ơi là trời…” đầy đau khổ cũng phai mờ dần vì hàng vạn chú Sơn khác đã diễn lại tại chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, tại ngay trên các con đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Chợ Bến Thành… với những vụ ra quân tịch biên, tịch thu, kê biên... từ đôi dày, mét vải... đã át hẳn đi cái hình ảnh chú Sơn bị tước thùng đồ nghề sửa xe… (để rồi những thứ bị tước đoạt đó đi đâu, không ai biết?) …
Cho đến một hôm, đang ngồi chơi tại nhà một người bạn bên Quận 4 thì thấy ngoài đường có tiếng ồn ào, chửi rủa… Từ trên gác nhìn xuống tớ thấy một chú áo vàng vừa túm áo lôi kéo vừa không ngừng đấm đá một thanh niên mặc bộ đồ rằn ri bạc phếch… máu trên đầu rỉ xuống đỏ lòm cả mặt mày…
Tớ định thần nhìn cho kỹ: Đúng là chú "Sơn sửa xe" năm xưa của tớ đây rồi. Thì ra, từ một người sửa xe có lương tâm, có lễ phép, luôn mồm “Dạ, thưa, cảm ơn”, luôn yêu đời, khi rảnh rang còn biết nghêu ngao mấy câu hát “Đại bác ru đêm” của Trịnh Công Sơn, qua mấy lần bị xua đuổi đã trở thành… “Sơn Sếu” nổi tiêng trong giới anh chị ở quận 4! Đã nhiều lần, đồng bọn bị bắt gần hết, riêng Sơn sếu vẫn trốn thoát!
Nhưng lần này, Sơn Sếu đã rơi vào tay luật pháp sau nhiều giờ lẩn tránh thậm chí chống cự lại cảnh sát đến cùng! Tớ chạy vội xuống nhà, len lỏi qua đám đông đang "mượn gió bẻ măng" xỉa xói, chửi bới tên tướng cướp mà tớ quen. Như có một linh tính gì mách bảo, Sơn Sếu ngước đôi mắt một mí nhìn về phía tớ…
Và như một chú Sơn khác, Sơn Sếu bỗng cất lên tiếng rú cuối cùng của một con sói bị dồn đến đường cùng: “Khổ quá đi chú Hải ơi! Cháu có muốn như thế này đâu! …”. Tiếng rú đó cho đến nay vẫn vang lên trong tớ như một câu hỏi không lời đáp: Còn bao nhiêu chú Sơn nữa đã không được phép sống cho ra sống, sống như một con người?? Cho tới nay, không bao giờ tớ gặp lại Sơn sửa xe nữa. Cầu trời cho chú đừng bỏ xác ở một trại giam hay một trại cải tạo nào!


VỢ CHỒNG CHÚ TƯ

Hai vợ chồng chú Tư là những người đầu tiên giới thiệu mọi tiện nghi, mọi cách sử dụng máy lạnh, điện thoại của căn hộ cho tớ… Họ là những người không thuộc “biên chế” của chung cư nhưng từng làm người phục vụ buồng cho mọi chủ hộ ở cao ốc đã 10 năm. Quét giọn hành lang, giặt giũ, đổ rác… nghĩa là làm như một con sen, con ở của mọi nhà…
Chú Tư độ 60 tuổi, đi lính từ thời Bảo Đại cũng xì xồ ba tiếng Pháp. Thím Tư, trẻ hơn độ 10 tuổi, bao giờ cũng gọn gàng trong chiếc áo bà ba trắng tinh, có phủ ngoài một tấm tạp dề.
Thím Tư lại còn có ưu điểm là nói được đôi ba câu tiếng Anh thông dụng, rất thuận tiện trong việc giao dịch với khá nhiều khách ngoại quốc còn cư trú trong cao ốc…
Đối với tớ, hai vợ chồng chú đều có một cảm tình đặc biệt… Lý lịch của từng hộ ở cao ốc cũng do vợ chồng chú cho tớ biết qua loa cả. Có lẽ trong tướng mạo, cách ăn mặc, nhìn tủ sách và qua cách giao tiếp bỗ bã “ít có lập trường” của tớ mà hai vợ chồng chú thấy dễ gần hơn người khác chăng? Thông thường là mỗi lần giọn vệ sinh, thay chăn, thay drap, các hộ đều trả tiền cho vợ chồng chú. Riêng với tớ, dù tớ đã tuyên bố: : Tớ không quen cảnh người hầu, kẻ hạ lâu rồi. Mọi việc cứ để tớ tự túc”. Tuy vậy, khi có dịp là hai vợ chồng chú luôn tìm cách giúp đỡ tớ vì thương tớ “đơn độc một mình” …
Tớ cũng coi vợ chồng chú như người thân, thậm chí đi xa có thể giao chìa khóa cho thím Tư thỉnh thoảng vào làm vệ sinh, đóng, mở cửa... xem tình hình điện, nước… Có hai vợ chồng chú, tớ như có được hai người nhà thật sự…
Cho đến một hôm, chú Tư, miệng ngậm điếu thuốc sâu kèn muôn thuở, bước vào phòng tớ buồn bã nói: "Ban cải tạo nhà đất đã quyết định giải tán bộ phận service (phục vụ) của Building này. Ban quản trị mới sẽ do mọi người trong chung cư bầu ra… Vợ chồng tôi thì còn có quê mà về chứ bọn thằng Thu, thằng Việt, con Thanh… chẳng hiểu rồi chúng sẽ đi đâu?...

Tớ lại trở thành tên "tội phạm" nhận mọi lời trách mắng, đôi khi chửi rủa về một cái chủ trương phá, phá hết để sớm “vô sản hóa” cả cái thành phố “hòn ngọc viễn đông” này. Lại như mọi lần, tớ chỉ biết ú ớ, chỉ biết chúc hai chú thím về quê làm ăn mạnh khỏe, phát tài… Hẹn chú trưa mai sẽ cùng vợ chồng chú chia tay bằng một chầu “nhậu chay” ngay ở căn hộ tớ, nghĩa là... không bia rượu (Vì chú luôn bị thím cấm uống rượu do huyết áp cao, còn tớ thì ngửi mùi bia rượu là đã có dị ứng, gãi khắp người rồi) thì vào khoảng hai giờ đêm, thím Tư bấm chuông…
Vừa mở cửa ra thím đã nói trong tiếng nức mở: “Chú Hải ơi! Ông nhà tôi… đi rồi” … Tôi chưa biết nói gì thêm thì thím Tư đã rãi bầy… “Ông nhà tôi hay cả nghĩ lắm. Đã hay lên máu mà cứ động tới chuyện gì không vừa ý là ông ấy lại uống đến cả lít rượu… Tối nay, đang nhậu với lũ nó, thì ổng gục xuống bàn… Chở cyclô vào bệnh viện Bình dân thì không kịp nữa. Ổng đã “đi ngay” ở trên xe… Bệnh viện nói là đứt mạch máu não gì đó!...”.
Tớ lại câm nín, ngậm hột thị như mọi khi. Chẳng biết nên an ủi thím Tư như thế nào cho… “phải đạo”. Nhưng trong lòng tớ thì vang lên một câu hỏi không thốt lên được thành lời “Giá mà người ta đừng xua đuổi chú về quê, liệu chú có chết thảm thế không?....”
Còn thím Tư, do không gia đình con cái, tiếp tục bám lấy một quầy hàng chạp phô của một người bạn cùng quê ở Chợ Cũ, để kiếm sống qua ngày…
Tớ còn qua lại và được thím giúp đỡ khi mua cho lạng tôm khô, khi lạng sườn non… sau đó đến vài năm nữa… (tớ tự túc nấu ăn khi không còn khả năng ăn hàng những năm sau đó) ….
Bẵng đi vài tháng tớ đi công tác xa, trở về Sài Gòn, đi chợ, đến quầy hàng đồ khô mà thím Tư giúp việc thì bà chủ quầy đã hấp tấp báo cáo với tớ: “Chú Hải ơi! Thím Tư Lành chết rồi! Mà chết thảm lắm!” Thì ra thím đã trở về Tây Ninh, tìm đường vượt biên, may ra có cái qua trình “phục vụ Sở Mỹ” mà đổi đời không. Nhưng… số phận nghiệt ngã đã đổ xuống đầu cả gia đình chú thím. Trên đường vượt biên bằng đường bộ qua Campuchia, cả đoàn người đi tìm tự do đó đã rơi vào ổ phục kích của Khơ Me đỏ… Trừ một vài người thoát chết về kể lại, tất cả gần 20 con người, cả đàn bà, trẻ em đều bị chúng… chặt đầu, mổ bụng, moi gan…
Tớ nghe mà rùng mình... Nhưng rùng mình hơn là: ngay sau đó ít hôm, tớ lại đọc trên báo có tin “Đồng chí (?) Khiêu xăm Phan thăm HàNội!” và chỉ ít lâu thì lại có tin Xe-âu-Xét-Cu (Rumania) thăm Pnom Pênh và…. cũng chỉ sau đó vài tháng, ở bên Tầu, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học” bằng cách xua quân đánh thẳng vào Lạng Sơn Lào Cai… làm thành bình địa bao thị xã, nhà máy và giết chết không biết bao “đồng chí môi hở răng lạnh” Việt Nam…

Một lần nữa, hàng loạt những dấu hỏi lại như những cái móc kéo tớ ra khỏi cơn mê hoảng “Chủ nghĩa quốc tế vô sản” lại là chủ nghĩa không tính người như thế này sao…? Cái sự “mất lập trường vô sản” của tớ ngày càng nặng thêm kể từ khi “cải cách ruộng đất”, rồi cải tạo tư sản ở miền Bắc, rồi các chiến dịch X nọ, Z kia ở miền Nam…. được điển hình hóa bằng những số phận của hai cô sinh viên ở Lầu 2, rồi ba em học sinh bụi đời được giải thoát, đến cái chết của vợ chồng chú Tư rồi đến cái sự biến người lành thành kẻ ác của chú Sơn sửa xe, đã củng cố trong tớ một quyết định làm thay đổi cuộc đời tớ: Kiên quyết rời bỏ cái đất Sài gòn về tìm một nơi an thân, ẩn dật, … đọc sách, nghe nhạc đến cuối đời, khỏi phải nghe những điều dạy dỗ mà càng nghe càng thêm ghê tởm đến... buồn nôn, buồn mửa! …
Một quyết định hoàn toàn “tiêu cực” những năm đó, nhưng nào ngờ… nó lại làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của tớ những năm cuối đời…
Đó là tớ quyết định: Biến về Nha Trang, LẤY VỢ LẦN THỨ HAI ở năm 59 tuổi! Lấy vợ tự do, chẳng ai có thể ý kiến ý cỏ gì… chẳng phải xin phép xin tắc ai… chẳng để ý đến những lời đàm tiếu, dèm pha ác ý... khi không ít người biết được người vợ mà tớ chung sống cho đến hôm nay, chính là… cái “cô giáo miền núi bán bún bò chạy” ở cạnh chung cư tớ ở năm xưa, một người mà đến hôm nay, nếu không đến với tớ như một niềm an ủi, động viên, giúp đỡ lớn, chắc gì tớ đã sống được đến tuổi 82, mà cứ đơn độc, gậm nhấm cả ngàn vạn nỗi buồn đau, tiếc nuối, hối hận… về những gì mình không hề gây ra cho những kiếp người như vợ chồng chú Tư, chú Sơn, bác Sáu… và hàng vạn, hàng triệu con người mà tớ luôn coi họ là nạn nhân của hàng loạt chính sách sai lầm ghê gớm những năm 75-90 của thế kỷ trước…

Entry sau sẽ là một entry rất… khó nói vì nó đề cập đến “cuộc tình cuối” của chính tớ và… cô giáo miền núi bán bún bò chạy…Tớ sẽ cố thuyết phục bà xã bớt đi cái phần “bi” mà chỉ nói đến những gì là tốt đẹp của hai người mà thôi! Âu cũng là giải đáp một số thắc mắc của các friends về cuộc đời riêng tư của tớ…Các friends đừng sốt ruột nhé!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

56. Tớ đi tìm hạnh phúc
CHUYỆN TÌNH CUỐI CỦA TỚ
Tô Hải – 01/05/2008

Nhà văn quân đội - Đại tá - Nguyễn Khải, trước khi qua đời tuyên bố… “Miền Bắc đã cho tôi Độc lập, miền Nam đã cho tôi Tự do…”. Còn tớ, vẫn phải sống nhăn răng đây, tuyên bố: “Miền Nam đã cho tớ cả Độc Lập, cả Tự Do và cả Hạnh Phúc nữa”. Độc lập về tư duy, Tự do về viết lách và… không viết lách. Còn Hạnh phúc thì… độc lập và tự do tìm kiếm hạnh phúc cho mình… Tuy nhiên để có được ba điều thiêng liêng đó, tớ đã phải vất bỏ biết bao điều mà trước kia, có cho… kẹo cũng chẳng dám nghĩ, dám làm. Qua một loạt entries trước, các friends đã biết sơ qua những gì là tự do, là độc lập trong suy nghĩ của tớ. Hôm nay tớ kể về niềm hạnh phúc to lớn mà tớ đã có hơn 20 nnăm qua…

Cô giáo dạy văn bán bún bò… chạy… Tớ nhớ mãi cái buổi sáng se lạnh cuối năm đó… Như thường lệ, tớ xuống đường tập thể dục rồi kiếm cái gì đó ăn sáng… Ngạc nhiên trước cái cảnh chợ chồm hổm bên cạnh building tớ ở hôm nay sao vắng hoe?... Liếc qua những gì còn lại trên cái vỉa hè trống vắng đó, tớ đoán ra: lại có một cuộc bố ráp mới ngay từ lúc chợ chưa họp rồi: Những chiếc thúng bẹp, những đôi quang gánh chỏng chơ, những chiếc ghế gãy, và la liệt là bún, là bánh, là nước lèo còn đỏ màu hoa hiên còn đọng lại trên cở xanh… Một số người chạy thoát đang trở lại nhặt nhanh đôi đũa, cái bát, củ hành… Có người khóc thành tiếng… Có người lầm lũi lầm bẩm chửi thề… Bỗng nhiên từ phía trong hàng rào của một ngôi biết thự sát nách building tớ ở, có tiếng khóc kèm theo tiếng gọi: “Má ơi, má đâu rồi?” thật thương tâm…
Tớ không chịu nổi, vội tiến gần đến nơi có tiếng khóc… Đó là một bé gái chừng 3, 4 tuổi, được một cô chủ trong ngôi nhà của một cán bộ Sở Thể dục Thể thao dắt chạy trốn tạm vô trong nhà, trong khi má của em chạy nơi nào không rõ… Nhưng đã đến giờ cô chủ tốt bụng phải đi làm, và rất nhanh nhẩu cô nói: “Thôi, cô phải đi làm đây, cháu cứ đứng đây với Bác này! Mẹ cháu thế nào cũng sắp về đấy!”.
Rồi cô nhảy lên xe, đạp máy, phóng đi, để lại cho tôi một gánh… không nặng nhưng không biết sử sự ra sao? Muốn đưa cháu lên nhà để tắm rửa, thay quần áo đầy bùn đất, nước lèo cho cháu nhưng lại sợ mẹ cháu về thì hai mẹ con lạc nhau…
Cuối cùng, tờ đành giắt cháu sang bên kia đường, ngồi xệp xuống vỉa hè cố gắng an ủi cháu, hỏi han vài điều thì chỉ có một điệp khúc: “Má ơi! Má đâu rồi!” … được cháu nhắc đi nhắc lại cả nửa tiếng đồng hồ… Tớ bắt đầu sốt ruột thì… từ ngã tư Chu Mạnh Trinh, hớt hải chạy đến một phụ nữ, chân đất, áo quần xộc xệch…
Má của em đã về với hai tiếng “Má đây! Má đây!” sặc mùi Bắc Kỳ chính cống! Rồi hai mẹ con lao vào nhau, ôm nhau chặt lấy nhau, mặt đầm đìa nước mắt. Tớ ngẩn người ra trước cái Chân, Thiện, Mỹ của cảnh gặp nhau giữa hai mẹ con mới xa nhau chưa đến một tiếng đồng hồ này!
Họ gần như quên hẳn sự có mặt của tớ… Còn tớ tranh thủ những phút giây ngắn ngủi đó để quan sát, để tìm hiểu, để thấm thía thêm cái chất Người của con Người. Và tớ quyết định phải làm quen với hai mẹ con người đàn bà này… mọt việc làm mà nhiều người cứ hay gọi tớ là hay xử sự chẳng giống ai, suốt đời “ách giữa đàng mang quàng vào cổ!”.

Sau đây là tóm tắt cuộc đời người đàn bà đó.

- 20 tuổi đang là sinh viên Đại Học Sư Phạm Duyên Hải (sau 75, đổi tên thành Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang), A là một trong những hoa khôi của thành phố biển, và trở thành một trong những mục tiêu tấn công của không biết bao trang thanh niên hảo hớn của nơi này…
Gia đình cô lại là một gia đình nghèo, ông già là dân Lạng Sơn, người dân tộc chính cống, nên cả nhà thật thà như đếm. Cô càng thật thà đến mức… dại dột… Chuyện dại dột của cô kể lại ai cũng phải lắc đầu, thương hại… Sự dại dột quan trọng nhất cuộc đời cô là… lấy chồng quá sớm, một người chồng mê cô, yêu cô và… ghen cô đến mức… sẵn sàng “nổ lựu đạn chết cả nhà” nếu không lấy được cô!
Và cuối cùng, anh ta sau nhiều lần hăm dọa gia đình cô, kể cả làm liều đập vỡ vỏ chai bia mà tự rạch ngực… cô đành bước lên xe hoa… ngay sau khi hai người tốt nghiệp.

Sau đó, cả hai đều tình nguyện lên miền núi Đức Linh, cô dạy Văn và Anh Văn. Anh chồng thì… làm chủ nhiệm khoa hẳn hoi… Nhưng sự đời, con người, thời thế đã không cho họ tiếp tục… giấc mơ đẹp của lúc bồng bột tuổi 18, 20… Một đứa con ra đời…

Đồng lương sau giải phóng không đủ sống, sự phân biệt đối xử giữa giáo viên “cũ-mới” và nhất là cái tính “liều mạng chết thôi” của chồng cô đã đua cô đến cái dại dột nghiêm trọng thứ hai. Đó là bỏ trường về thẳng Sài Gòn kiếm con đường… sống khác… Đó là con đường: Anh chạy cyclô, chị… bán bún bò, sửa móng tay dạo! (sau khi trắng tay vì con đường “đi tìm tự do” thất bại)
Họ thuê… một cái giường, đặt ngay trên vỉa hè trên đường Chu Mạnh Trinh của một người cùng quê Nha Trang để làm nơi tạm trú qua đêm. Che mưa chắn gió chỉ là vài tấm tôn, mấy mảnh gỗ dán, vài cái vỏ thùng các tông.
Còn mái che là một miếng vải bạt lớn của các xe tải chở gạo cho Tổng Cục Lương Thực lúc ấy đậu đầy đường… Ba vợ chồng con cái ở đấy tận cuối năm 80 thì có lệnh giải tỏa thậm chí trục xuất vì lý do “an ninh trật tự” … mà người gây ra cái cảnh nửa đêm ầm ỹ đó chính là anh chồng của cô A…
Tất cả những ước mơ, thất bại trong cuộc đời kèm theo cuộc sống “đếch cần đời” của anh đã nhanh chóng biến anh thành một tay "anh chị đầu bò", suốt ngày say xỉn… đánh vợ, chửi con, thậm chí luôn có chuyện với công an, phường, khóm… Mỗi lần xảy chuỵện, cô đều đến nhờ chú Hải… khi thì gửi con, khi thì đến… ngủ nhờ để trốn chạy việc… kiểm tra hộ khẩu… Tớ sẵn sàng giúp đỡ hết mình trong phạm vi có thể. Tớ nhường luôn sổ gạo 13kg/ tháng cho mẹ con cô…
Không bao giờ lợi dụng dù chỉ là cầm lấy đôi tay hoặc giúp lau đôi mắt cực đẹp khi phải khóc vì bị chồng đánh, chửi thô bạo. Tuy nhiên, cái tật “nhát” của tớ nó vẫn làm tớ đôi khi phải run mỗi khi mẹ con cô chạy trốn vào nhà tớ.
Không phải sợ dư luận hàng xóm, (đã đồn về đến cơ quan), cũng chẳng sợ bọn bảo vệ lắm chuyện... Mà là sợ ông chồng cô nhỡ nổi khùng, xông vào nhà tớ mà gây scandal thì… khó mà ăn nói gì cho ai tin nữa. Và tớ quyết định khuyên cô nên trở về Nha Trang chấm dứt cái cảnh sống suốt đời bị xua đuổi vừa qua. Biết đâu chồng cô, xa cái đất Xè Gòn đầy cạm bẫy này sẽ trở thành người chồng tốt!
Tớ đã ôm cả lòng can đảm vào hai tay mà buông ra những lời khuyên này mặc dầu trong lòng tớ thì không tin được ở ngoài đó, cô sẽ gặp nhiều điều may mắn hơn ở gần tớ. Cái hôm hai mẹ con đến chào tớ để chia tay… tớ thấy hai dòng nước mắt lạ tuôn ra từ đôi khoé mắt buồn…
Và tự dưng, lần đầu tớ cũng để rơi nước mắt trước một người đàn bà mà mình rất thương, rất muốn giang tay ra giúp đõ thật nhiều, nhiều hơn nữa mà đành bất lực, … Hình ảnh của cô giáo miền núi với đôi mắt buồn cực đẹp, làn da trắng hồng, ăn nói hơi vụng về nhưng thiệt thà như đếm, có cái số phận không may ấy, thỉnh thoảng vẫn hiện lại trong tớ như ngày xưa, khi tớ gặp nhân vật của “Nụ cười sơn cước”. Nhưng lần này nó sâu đậm hơn, cụ thể hơn, bi kịch hơn nên nó làm tớ nhiều đêm trằn trọc… suy nghĩ vẩn vơ, nhất là những ngày tớ gần như chỉ có nghĩ suy về quá khứ, về cuộc đời, về thời thế và nhất là về cách đối sử của con người với con người...
Nói trắng ra là: Tớ đang... “mất lập trường” trầm trọng! …, Và phải thú thật là tớ đã thực sự nhớ, thực sự... yêu cô ta, và sẵn sàng lấy cô ta làm vợ nếu cô ta dám lấy một người hơn cô tới hai con giáp + 5 làm chồng! Thế rồi... thời gian qua mau và cái lý luận tự an ủi của tớ là “Người ta đang là gái có chồng” cũng giúp tớ vơi đi nỗi trống vắng cuối đời… Và cũng như một vài lần trước, tớ tự hô khẩu hiệu cho mình nghe: "Quên đi! Không gì sướng hơn Độc Lập Tự Do” … Thậm chí để tự lên giây cót, một lần có việc qua Nha Trang, tớ cũng không đi tìm hiểu thêm gì về cô ấy nữa, nhất là sợ cái tính Ghen đến vũ phu của anh chồng… Nào ngờ…

Cú quyết định cuối cùng của tớ.

Như các entries trước tớ đã viết: Tớ là một người khát Tự Do nên tự “đi tìm tự do” ngay khi còn sống ở Hànội, giữa hàng ngàn giáo điều phản lôgích khai tử mọi thứ tự do của con người, …

Cuốc sống gia đình đầu tiên bị đổ vỡ, tớ xin phép không được nói công khai vì đã hơn một lần, báo chí đã đề cập đến đời tư của tớ, đã bị phản ứng của cả hai bên (do phóng viên viết theo lời đồn), phải xin lỗi bằng giấy trắng mực đen hẳn hoi.
Chính cái ngày “giải phóng” miền Nam là cái ngày tớ thật sự “giải phóng” khỏi những sự đối phó với dư luận về cái “tội” hay “hoa lá cành” của mấy anh văn nghệ sỹ ở miền Bắc, trừ những anh biết “chùi mép khi ăn vụng”.! Một thứ đạo đức giả trắng trợn!
Tớ có thể kể ra hàng trăm trường hợp “ăn phở cũng ngon mà ăn cơm cũng tốt” này, mà tên tuổi thì cả nước đều biết cả. Nhưng đó là triết lý về YÊU của họ. Còn tớ đã hơn một lần, tớ đã có ý định quyết tâm “làm lại cuộc đời”, nhưng đều vấp phải cái lý luận “vợ cái con cột’, cho phép “ngầm”, anh có bồ…cứ việc! nhưng, “bỏ vợ là… thiếu đạo đức?!...
Vì vậy, có biết bao cặp văn nhân nghệ sỹ ở miền Bắc đã thật sự bỏ nhau thậm chí đã ra toà ly hôn chính thức nhưng… vẫn phải giữ bí mật, thậm chí vẫn ở chung nhà… Đối với tớ thì… Yêu tức là phải chiếm lấy cho riêng mình… Tớ chẳng bao giờ thay đổi. Vì vậy, với hoàn cảnh sống solo, một mình trong một căn hộ đầy đủ tiện nghi, với thời thế thay đổi, với quan niệm càng ngày càng “thoáng” về những vụ ly hôn, tái hôn, tớ thừa điều kiện để “xây lại cuộc đời mới” …
Thế nhưng không một ai có thể gây cho tớ niềm tin là họ yêu mình thực sự, là người có thể cùng mình dù nghèo túng, dù bệnh tật, dù gặp khó khăn cũng chung thuỷ với mình suốt đời thì… quả là hiếm. Diễn viên, ca sỹ, trẻ, đẹp, chủ cửa hàng, vợ tướng, vợ tá… cả miền Bắc lẫn miền Nam do tình cờ hay do giới thiệu đều đến chơi tớ, nghe tớ nói chuyện rồi… chia tay… Kệ cho mấy chú bảo vệ building xầm xì “Cái ông nhạc sĩ này không hiểu sao, khách đến chơi toàn… gái đẹp!”. Còn tớ, càng gần nhiều người đẹp thì cái quan niệm về ngưòi đẹp của tớ ngày càng được củng cố: “Mười người đẹp mặt, chỉ có một người đẹp tâm hồn!” … Và người “vừa đẹp cả mặt lẫn tâm hồn” đó có lẽ sẽ không bao giờ tớ gặp được… Ấy vậy mà…
Sau khi quyết định rũ bỏ mọi giàng buộc về tổ chức, tớ hoàn toàn sống Tự Do, đi đâu chẳng cần báo cáo, báo mèo gì cho ai, chẳng cần sáng tác theo nghị quyết, chỉ thị của ai, tớ bèn giải quyết “cái nồi cơm” (một việc mà trước kia, tất cả đều bị lệ thuộc mọt cách khốn khổ khốn nạn), bằng việc quay sang nghề… dịch sách…
Sách thời cuối 80, đầu 90 của tớ dịch ra bán chạy như tôm tươi, có cuốn đến 50.000 bản như “Khúc ca tang lễ cho người Di-Gan” (Exbrayat), “Bug Jargal, người nô lệ da đen” (V. Hugo), thâm chí cả truyện trinh thám, hình sự cũng được các nhà Xuất bản in đi in lại nhiều lần (“Tên Mẽo” – R. Borniche). Vậy là cứ lai rai 3 nhà xuất bản cho ra 3 cuốn sách dịch/năm, cộng với lương hưu (đủ sống được… 10 ngày), tớ yên trí đi tìm một nửa của tớ…

Cuộc gặp lại không hề bất ngờ

Đúng cái năm về hưu non đó (1986), cuộc hành trình đầu tiên tớ thực hiện lại là về miền đất biển Nha Trang, một nơi mà, Phùng Quán, khi gặp tớ cũng có ý đình về làm một “túp lều” ven biển sống những ngày cuối đời… (do có nhiều bạn văn nghệ ở đó sẵn sàng cho không đất). Tớ đi lang thang khắp nơi để dò hỏi tình hình cô giáo có đôi mắt đẹp nhưng số phận lại quá hẩm hiu…
Chưa gặp ai biết tông tích thì… một buổi chiều nắng đẹp, tớ rẽ vào một kiosque sách báo trên đường “2 tháng tư”. Đang nhìn trên sạp xem có cuốn nào sách của tớ dịch không thì bỗng vang lên một tiếng gọi: “Chú Hải!” Tớ ngước nhìn lên thì gặp ngay đôi mắt ngây thơ trong sáng quen thuộc nhưng mừng rỡ chứ không u buồn như ngày nào... Chính cô A đây rồi.! Vẫn “chú chú cháu cháu” như xưa, hai người hỏi thăm nhau về cuộc sống, về gia đình về... mọi thứ nhưng có một vấn đề tớ đang... "tế nhị" chưa dám mở miệng thì cô đã nhanh nhẩu báo tin: Cô đã ly dị “được” với anh chồng hồi đầu năm nhờ sự can thiệp của Tổ Dân Phố, Hội Phụ Nữ... sau nhiều lần bị thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Còn anh chồng thì đã nhiều phen gây ra không biết bao chuyện bạo lực nổi tiếng cả thành phố biển với cái tên “C. ch!” Bây giờ hai chị em cô đang làm chủ một kiosque sách báo và cho thuê truyện, sống cũng tạm đủ qua ngày. Cô chỉ buồn một nỗi vì cháu bé tòa xử giao cho ông bà nội. Lý do: bố không có đủ tư cách còn mẹ thì không có điều kiện kinh tế đủ bảo đảm nuôi con! Trời đất! Thế là cả hai chúng tớ đều đã trở thành hai người được… giải phóng… cả rồi!
Tớ theo cô về nhà. Gặp gia đình ở tận chân đèo Rù Rì. Một gia đình người Lạng Sơn thứ thiệt, ai cũng thật thà như đếm… đang sống nhờ mảnh vườn, con đứa đi Thanh niên Xung Phong, đứa đi bộ đội… Đặc biệt, ông bố lại là Đoàn quân người dân tộc thiểu số đi Bê đầu tiên của Sư Đoàn 316! Chiến đấu chưa được mấy trận thì bị bắt và bị đưa đi tù Phú Quốc… Sau đó được thả tại chỗ rồi lấy vợ, đẻ con, sinh cơ lập nghiệp ở cái đất Nha Trang này…

Hai người ôn lại chuyện xưa đánh Tây nổ như pháo rang, thật ý hợp tâm đồng, tuy ông già nói tiếng kinh chưa thật là sõi. Tớ rất mừng khi được nghe ông kể về chuyện ông định ra bắt lại liên lạc với "cách mạng” sau ngày 30 tháng tư nhưng được một ông văn nghệ sỹ quân đội có tên là Hà (?) nào đó bảo ông “Chớ dại! Đi học tập mút mùa đó (ở tù không án)!” Thế là ông bèn dấu nhẹm cái “quá trình cách mạng” của mình đi cho tới hôm gặp tớ ông mới tuôn ra về cả cái cuộc đời bị bầm lên dập xuống của ông…
Tớ ở chơi nhà ông “đồng chí” cũ đến cả tuần, vui hết xẩy! Sáng ra giúp chị em cô A dọn cửa hàng, ngồi đọc báo, chiều đi tắm biển, tối nói chuyện chiến đấu ngày xưa với ông già Nùng… Và thật là đột ngột, khi, một tối đang nói chuyện bỗng ông hạ giọng. “Này! Tôi hỏi thiệt! Đồng chí có ý định… lấy con gái tôi không đấy? Nó đã cực cả một đời chồng trước rồi. Nay lại có cả đống bọn ăn chơi, công an có, phi công có, thuế vụ có, giám đốc có… đang xoay quanh cái quán sách của nó đấy. Nhưng xem chừng nó chỉ thích… cậu mà thôi!”

Lúc nào cũng "Chú Hải! Chú Hải" nếu có ai gợi đến chuyện vợ chồng”! Lời tỏ tình với tớ lại chính do ông bố vợ tương lai thổ lộ…

Tớ và A, đêm sau, giắt tay nhau ra bờ biển và tớ đã hồi hộp hỏi thẳng A: “Có đúng là A muốn…lấy tôi không?” Vẫn cái giọng nói vụng về nhưng thật thà đến kinh ngạc: "Trên đời này, chẳng có người đàn ông nào có thể hơn chú ở cả mọi mặt… Không lấy chú thì cháu ở vậy suốt đời!”... Tôi ôm lấy A…và lần đầu tiên tôi thốt lên chỉ được một tiếng “Em!” Còn A cũng lần đầu gọi tôi “Anh!” Hai chúng tôi ôm nhau mà nghe tiếng hai trái tim đập rào rạt hơn cả sóng biển Nha Trang …

Và câu chuyện tình cuối của tớ được “đưa ra công khai” bằng một lễ cưới tại gia, đủ cả các bạn bè, chính quyền sở tại… Ai cũng chúc cho tớ được một cuộc sống hạnh phúc…

Suốt 22 năm nay, hai vợ chồng tớ, dù gặp muôn ngàn vất vả, vẫn không xa rời nhau nửa bước. Tớ về Nha Trang, quên hết quá khứ để tận hưởng cái hiện tại và tương lai… Chúng tớ thống nhất cho chào đời thêm một bé gái, nay đã 15 tuổi, thông minh và… bướng bỉnh, gần giống bố…

Nhưng cuộc sống hiện đại, giao lưu, thiếu thông tin lại thêm tai nạn bị què, bắt buộc tớ phải trở lại Sài gòn để được chữa trị… Năm 2000, tớ đã được "Đoàn Bác Sỹ Không Biên Giới", sau khi nghe tớ xông bừa vào khách sạn trình bày cái lý lịch... ngày xưa khai ra thì... hết ngóc đầu giậy được... giải phóng khỏi đôi nạng gỗ bằng cách thay hẳn một khớp háng nhân tạo bằng titan, hoàn toàn free! … Tuy đã đi lại được nhưng không thể bình thường như xưa, cho nên tớ chẳng mấy đời đi đâu, chỉ suốt ngày lang thang trên mạng đọc, viết đủ thứ, bài báo, tham luận, hồi ký, và gần đây là Blogging… Bà xã tớ năm nay đã 52 tuổi nhưng vẫn còn sức “hầu” tớ từ miếng cơm, bát cháo... đến giúp đỡ tớ Edit, sửa chữa lỗi chính tả mà tớ hay phạm phải… Không những thế bả còn là một fan của Blog tớ nữa.
Nhiều entry và nhất là qua nhiều comment ưu ái, thông cảm của các bạn gần xa, bà vẫn xúc động, ngồi thút thít, khóc như xưa. Nhưng những giọt nước mắt hôm nay không còn là những giọt nước mắt đắng cay của một con "người bị xua đuổi” mà là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của tự do…

Chao ôi! tớ thèm được sống thêm dăm mười năm nữa quá! Liệu Trời có phù hộ cho những con người có "trái tim không thành đá và luôn để ở... trên đầu" như tớ không các friends?

Dưới đây là những tấm hình vợ chồng tớ 20 năm trước và con gái tớ năm nay 15 tuổi.

Thursday May 1, 2008
o-o-o-o-o-o-o-o-o-


57. THÔNG BÁO KHÔNG KHẨN CẤP

Cho đến hôm nay ba cái thứ bệnh nó hại tớ không có triệu chứng thuyên giảm mà lại có chiều hướng xấu đi trông thấy!
1- Mắt cứ ngồi lướt web chỉ độ 3 phút là chữ bị có bóng rồi nhòe nhoẹt chẳng nhìn được chữ nào nữa. Phải nhờ bà xã đọc hết bài "Đi tìm cái tôi đã mất" của Nguyễn Khải (để lại sau khi chết),... mà vừa vui lại vừa buồn!
2- Cái tay phải không giơ lên cao được (đã mấy tháng rồi) vẫn chẳng thuyên giảm mà lại đau hơn sau khi uống hàng lô thuốc "nội" trị... thần kinh? và luyện tập phục hồi chức năng... thì nay lại thấy... đau hơn trước! ?
3- Lại mới đẻ ra thêm một bệnh mới là... dị ứng thuốc nên sẩn ngứa, nổi mụn khắp nơi, (trừ mặt). Ngồi đâu gãi đấy, trông rất mất vệ sinh và thiếu văn hóa...
Lại đi bệnh viện "đúng tuyến" (không có khả năng di bệnh viện tư của Tây) để làm lại các thứ test. Mới hôm qua 15/5, mới đến để mấy "cháu" bác sỹ kết luận. (Mỗi lần là một cháu mới toanh tiếp) rằng thì là:
Tất cả lục phủ ngũ tạng, huyết áp của tớ đều...TỐT. Máu cũng không có vấn đề gì! ? Chẳng qua là bệnh của người già mà thôi! Lại một cái đơn thuốc không phải trả tiền gồm: 1-BAR (?) chuyên trị về... gan 120 viên! 2-Fexidine 20 viên 3-Vitamine C (?) 20 viên (?) và cuối cùng là một tube Dermotar để bôi khắp người như thuở xưa khi còn là anh Vệ Quốc ghẻ Tầu vậy! Tất cả đều made in Việt Nam và hóa đơn để Bảo Hiểm Y Tế thanh toán ghi là 26.000 VNĐ tức là xuýt soát... 3 USD! Tớ chẳng còn thằng bạn nào là bác sỹ, giáo sư thứ thiệt sau khi Ngô Văn Quỹ qua đời ở tuổi 86 cả! Thôi thì đành phó thác cho mấy cháu bác sỹ XHCN... Tuần tới, con tớ nó hết học thi vào cấp ba tớ sẽ nhờ nó gõ máy theo tớ đọc vậy. Kể ra cũng mất cái khoái tự mình gõ lên những suy nghĩ và tình cảm của mình. (Thường thì mỗi entry tớ đều phải vừa viết vừa sửa chữa ít nhất là 4-5 tiếng nhưng khi hoàn thành thì "sướng" vô cùng chẳng khác gì xưa viết xong một tác phẩm âm nhạc vậy). Nhưng biết làm thế nào? Chứ mổ mắt thì tớ sợ lắm rồi sau hai vụ mổ thay khớp háng và mổ u sơ tuyến tiền liệt trong vòng có 3 năm.
Entry này có tính chất "thông báo... không có gì là khẩn cả" để các "friends ruột" của tớ khỏi lo tớ chắc... chết phen này!... nên gửi tin nhắn, Email, message thăm hỏi tới tấp. Còn lâu! Cứ đợi đấy! Tớ còn cả 1001 chuyện thực tế để đánh đổ mọi thứ lý luận ba lăng nhăng, mọi thứ ngụy biện của những kẻ dám tự xưng là "đỉnh cao trí tuệ" loài người!
Bài này tớ đọc cho bà xã gõ mổ cò, tớ cũng vâng lệnh bác sỹ, không nhìn lên monitor, nên mọi lỗi về chính tả bả ấy chịu trách nhiệm! Chúc các friends mắt sáng, tim sáng, óc sáng và mọi thứ đều.... sáng suốt ở thời điểm rất rất "tế nhị" hiện nay của đất nước!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

58. Văn nghệ sỹ hai miền, ai sướng, ai khổ hơn ai?
Tô Hải - 30/05/2008

Vậy là đã 29 ngày không được sờ đến ki-bót, 29 ngày không được phát huy cái vai diễn bờ-nốck-gơ “nhát sỹ bạo thử” ở tuổi ngoại bát tuần, 29 ngày bị trói tay, bịt mắt, dán băng keo vào miệng, không được “ xì” ra hết cái “túi ưu phiền”, cái “kho căm giận” nó óc ách quá lâu trong tim, trong óc của một “kẻ lạc đường” như tớ. Thôi thì, xin lỗi bác sỹ đã cấm tớ không được nhìn vào màn hình, nếu không muốn… mù hẳn, tớ cũng cứ túc tắc ngồi vào máy để xổ ra những gì tớ vẫn còn tích luỹ bấy lâu để khỏi bị các friends khắp nơi chờ đợi. Mỗi ngày viết một tiếng, vài ba ngày thế nào cũng xong một entry trên word rồi dán lên Blog sau.

Để chạy đua với thời gian, tớ xin chấm dứt với những “Thực tế sáng mắt đau lòng” đã diễn ra quanh cái xã hội Sài Gòn nhỏ 23 Gia Long của tớ để đi vào những thực tế đắng cay hơn, trần trụi hơn, những thực tế mà không ai có thể tin được đó là chuyện Thực, những thực tế mà gần đây, không ít các nhà văn, nhà báo đã dám phản ảnh một phần nhỏ, rất nhỏ, lên các tác phẩm có tính chất… “Di chúc” của mình. Kể từ “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn đến “Chiều chiều” của Tô Hoài đến “Chiếc bánh vẽ”, “Tôi? Ai?”, “Trừ đi” … của Chế Lan Viên cho đến “Ba người khác”, (cũng của Tô Hoài) và gần đây nhất là quả bom tấn “Đi tìm cái Tôi đã mất” của Nguyễn Khải, …
Hàng loạt những sự thật đắng cay, sự thật sừng sững hơn cả dãy Trường Sơn mà bao người cầm bút cứ phải nhắm mắt giả mù, thậm chí còn phải cắm đầu xuống viết là đất nước ta… không hề có núi (!), thậm chí có nhạc sỹ, bố bị thủ tiêu về tội “ phản cách mạng” mà con lại đang tâm viết “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng”, “Đảng đã cho tôi một mùa xuân”!! ??... Nói dối, nói láo, xuyên tạc sự thật, biến không thành có, biến có thành không đã trở thành cái “bản năng” của không ít những kẻ được mệnh danh là “kỹ sư tâm hồn”, những kẻ được nuông chiều, ưu ái thế nào để cuối cùng,...một “đệ nhất văn nhân XHCN”, được giải thưởng cao quí nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh, phải viết về cái giải thưởng ấy là “…Tôi nhận ra ngay đây là “MỘT TẤM BIA MỘ SANG TRỌNG” cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc!” … Rồi anh tự lo… “Tôi sợ rồi sẽ có ngày lịch sử sẽ trừng phạt mình vì cái tội muốn khôn hơn lịch sử, muốn đánh lừa lịch sử!” …

Những lời “Ai điếu cho một nền văn nghệ minh hoạ” (Nguyễn Minh Châu) lần này, đã được Nguyễn Khải nói toẹt ra là một “nền văn nghệ nói dối lem lẻm”, một nền văn nghệ có tội.
Nhưng… “Ngượng thì vẫn ngượng nhưng chả lẽ lại gác bút, gác bút thì nuôi vợ con bằng gì? Nghĩ tới miếng ăn, lại phải quên hết để... sự bán mình cho quyền lực được hoàn toàn.”. Dù không hoàn toàn đồng ý tất cả những gi NK đã “biện hộ” cho cái nhiệm vụ lo nồi cơm cho vợ, cho con của NK, tớ cũng phải tìm cho ra được “nỗi khổ” của NK suốt gần 60 năm “Phải nói dối lem lẻm.” Phải viết để kiếm ăn để lúc cuối đời anh đã thành thật “khai báo” (tớ đang chờ tập “Nghĩ muộn” hứa hẹn có nhiều điều thành thật hơn), tớ cũng tạm thời xếp anh vào loại khổ số 2, nghĩa là chỉ khổ về phần… sâu kín trong tâm hồn, trong lương tâm của một “người cầm bút chỉ vì miếng ăn” thôi.
Nói thẳng ra là NK là loại văn nghệ sỹ khổ hay không chỉ mình anh biết còn đối với mọi người khác, Anh Sướng đến mãn đời!
Tớ lại nhớ đến lời NK khi, lần cuối cùng gặp tớ tại bệnh viện Thống Nhất, khi tớ nhắc đến chuyện Talawas gần đây lại "tương" lên một loạt bài của những người kết án "bọn Nhân Văn" đằng đằng sát khí của các vị Hữu Mai, Đào Vũ, Nguyễn Khải… từ những năm 58, 59… chẳng biết có mục đích gì?... thi NK đã trả lời tớ, thâm trầm và… “muốn hiểu thế nào thì hiểu” như sau: “coup de grâce pour nous autres, les soi-disant écrivains et artistes communistes”.
Và tớ đã phản ứng lại tức thì là “Non, c’est à vous autres, pas à nous, les non-privilégiés de l’histoire”.
(Tạm dịch: “Đó là phát súng ân huệ dành cho chúng ta, những kẻ gọi là văn nhân, nghệ sỹ cộng sản” - “Không! Đó là dành cho các anh, không phải cho chúng tôi, những nguời không được ưu ái của lịch sử”).

Những người có số phận không được ưu ái đó, những người mà theo tớ thực tài của họ đã bị tiêu huỷ không thương tiếc, những nỗi oan khiên của họ ít được ai biết đến là Trần Dần, là Phùng Quán, là Lê Đạt, là Hoàng Cầm...
Họ là một Trần Đức Thảo bị đầy đi chăn bò, một Nguyễn Mạnh Tường phải bơm xe đầu đường, một Trương Tửu phải xoay nghề châm cứu để kiếm sống.
Họ là những người mà khi gọi đến tên, không phải không ít người chẳng hề biết họ là ai, nhất là lớp trẻ hôm nay, vì họ chẳng còn gì để lưu lại cho đời, ngoài MỘT TẤM LÒNG, MỘT Ý CHÍ, SỐNG, CHẾT CHỈ VÌ SỰ THẬT.

Và chỉ khoanh trong những người mà tớ từng quen biết, từng ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà thôi cũng đã có thể kể về họ ngày này qua ngày khác không hết. Tớ sẽ viết dần trong các entries tới… kẻo những "nhân chứng sống" như tớ chết hết, ai sẽ nghĩ đến họ để dành cho họ dăm bảy trang, hoặc chí ít cũng lấy vài chục dòng trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà? Tớ xin bắt đầu bằng:

PHÙNG CUNG, nhà văn bị tù 12 năm (trong đó có 11 năm biệt giam) chỉ vì có… một bài báo - Bài báo này có tên “Con ngựa già của chúa Trịnh” được tung lên ngay trên báo “Nhân Văn” số 4 tháng 10/1956. Lập tức nó được các nhà ný nuận Mác-Lê cơ hội chủ nghĩa coi là “cực kỳ phản động”, cực kỳ “xỏ lá”.
Thực tình mà nói, nếu bàì này xuất hiện trên những tờ báo chính thống như “Những người máy” của Lê Vinh Quốc hay “Cửa mở” của Việt Phương thì số phận đâu đến nỗi đưa đẩy Phùng Cung đến tận cùng của sự oan ức như anh đã phải chịu. (Tìm đọc trên Talawas tài liệu về “Nhân Văn Giai Phẩm” được lưu theo thứ tự A, B, C, …)

Người hiểu Phùng Cung và sau này, khi ra tù, đuợc thăm hỏi, giúp đỡ và có nhiều lần dẫn đến thăm tớ lại chính là Phùng Quán. Hai người cùng họ Phùng nhưng chẳng có giây mơ rễ má gì với nhau, mà chỉ thương nhau, mến tài của nhau mà coi nhau như thân thích.
Như tớ đã vài lần giới thiệu, tớ với Quán có nhiều tình nghĩa từ thời Quán còn là diễn viên hát, múa, kịch và đặc biệt là độc tấu số 2, (sau Thanh Tịnh) ở Đoàn Văn Công Bộ Tư Lệnh IV mà tớ là Đoàn trưởng suốt thời gian từ năm 1950 cho đến cuối 54.
Sau đại hội văn công toàn quân năm 54 ở chân Núi Hồng, Thanh Tịnh và Phùng Quán mới được điều về Phòng Văn Nghệ Quân Đội để… rồi Quán nổi tiếng "làm giặc" cùng với Tử Phác, Hoàng Cầm, Trần Dần… trong vụ án Nhân văn Giai phẩm.
Tớ rất mến Quán cả những khi Quán gặp khó khăn, bị bè bạn xa lánh. Nhà tớ là nơi Quán luôn dừng chân (kể cả sau này vô Sài gòn), nên “chuyện chưa ai biết về Quán” tớ còn cả kho để có dịp kể lại cho bạn bè nghe để cùng vui, cùng buồn, … Những nỗi khổ vô cùng tận của Phùng Cung mà tớ biết được cũng chính do Quán kể… Còn chính Cung, 12 năm tù, (không có án, không xét xử) đã biến anh thành một con người ngơ ngơ, ngác ngác, luôn sợ sệt, e dè, ít nói, cứ như luôn lo sợ có ai đó sẽ bắt lại mình bất cứ lúc nào.
Thì ra:
1-- Phùng Cung không hề thuộc “Nhóm Nhân văn”, chẳng dám hoặc chưa hề có cơ duyên kề vai sát cánh chống Đảng có tổ chức "như người ta cứ nống thêm tội” của anh lên. Đơn giản chỉ là vì anh luôn khiêm tốn hoặc rất ngại khi phải đưa tác phẩm của mình cho những “cây đa, cây đề” mà anh từng sống chung, làm việc chung từ thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc.
Một phần nữa, trong anh đã hình thành những tư tưởng văn học… phi xã hội chủ nghĩa. Anh phủ nhận những nhà văn “mù” như con ngựa già của chúa Trịnh, anh làm thơ không theo kiểu những nhà thơ mà anh thấy: “Tội nghiệp nhà thơ/ Hợm mình, lầm lạc/ Biết không biết sống/ Nên không biết chết/ Nửa thế kỷ/ Bị lưu đày/ Trong cõi tung hô” … Sáng tác của anh chưa mấy ai được đọc, được thấy bao giờ nhưng tiếng đồn về một nhân tài có một không hai, thậm chí có người còn cho là “nhất Đông Dương” đã làm các vị có tên tuổi nổi cộm nhất trong những trụ cột của Nhân văn Giai phẩm chú ý và đáng tiếc thay, ngay trong nhóm Nhân văn cũng có người muốn đẩy anh lên thành "vật tế thần"! … Bài “Con Ngựa già của chúa Trịnh”, Phùng Cung gửi cho báo Văn Nghệ, nhưng “chính Lê Đạt thấy hay quá đem tương lên báo Nhân Văn” chứ đâu phải Hoàng Cầm! (lời Phùng Quán kể với tớ)

… Và khi mở đầu chiến dịch đập chết “Nhân Văn”, học tập Cải cách Ruộng đất, nổ súng cho ra trò bằng vụ xử tử “địa chủ phản động” Nguyễn Thị Năm để lấy khí thế và răn đe những ai còn ngoan cố, người ta đã chọn một số cái tên để bắt bỏ tù ngay, không cần đấu tố, những cái tên mà kẻ địch không thể la lên là đàn áp văn nghệ! Đó là những Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An, Phan Tại, Trần Thiếu Bảo (Minh Đức) và… chính Phùng Cung, người viết văn làm thơ nhưng chẳng thuộc hội văn nghệ nào và cũng chưa mấy ai biết tiếng, biết tăm gì lại bị tù lâu nhất đã trở thành… những tiếng pháo lệnh mở màn chiến dịch! Định mênh nghiệt ngã đã bổ xuống đầu Phùng Cung như thế đó!
Suốt 12 năm bị giam cầm không án, không biết ngày nào được về với vợ con, Phùng Cung rất ít được người đời nhắc tới, cũng chẳng ai khen anh hay... chửi anh như khen hay chửi các vị Phan Khôi, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm… Chẳng có ai đấu tranh để anh được ân xá trước thời hạn vì có thời hạn đâu mà… ân xá!... Thế rồi, bỗng dưng anh được trở về, không kèn không trống, không một tin về “tên khủng bố hay gián điệp Phùng Cung nhờ lượng khoan hồng của Đảng và nhà nước nay đã được trả tự do”. Lặng lẽ như khi bị bắt cách đó 12 năm, anh ngồi trước cửa nhà số 135 Mai Hắc Đế, sáng giúp vợ rán bánh, chiều đập đe chan chát làm gia công đinh sắt cho một hợp tác xã gần nhà.

2-- Phùng Cung là người bị giam lâu nhất và cái án văn nghệ hãn hữu và có thật này đã và sẽ bị lịch sử chôn vùi nếu không có một ai ngay lúc này phanh phui nó ra bằng cách phổ biến toàn bộ những tác phẩm của anh viết từ trước khi anh bị bắt và cả những gì anh để lại gồm các bài thơ rất độc đáo, rất mới lạ mà anh viết “ngầm” (không ghi ra giấy) suốt thời gian bị biệt giam từ 1961 đến 1972.
Trong một lần Phùng Quán giắt anh đến chơi nhà tớ (từ nhà tớ, 39 Trần Quốc Toản đến nhà Cung ở 134 Mai Hắc Đế chỉ cách xa nhau độ 3, 400 mét). Chính nhờ có Phùng Quán động viên, anh đã đọc cho tớ nghe những bài "thơ tù" mà tớ thì rợn cả người, còn anh thì vừa đọc vừa trào nước mắt. Nghe đâu, Phùng Cung có giao lại cho con là Phùng Phú để Phú có dịp thì phổ biến cho bạn bè.
Cũng được biết, một số nhà xuất bản hải ngoại đã cho in 11 truyện ngắn và tập thơ “Trăng ngục” của anh. Nhưng tiếc thay, kèm vào đó là những bài bình luận không mấy khách quan, thậm chí thêu dệt về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và cuộc sống của tác giả gây ra nhiều sự hiểu nhầm, thậm chí làm chia rẽ ngay trong hàng ngũ những người đã yêu Phùng Cung cả trong cách sống và tác phẩm.
Tớ không phải là nhà phê bình văn học nhưng không nói láo, nếu tớ được giao toàn bộ những gì Phùng Cung đã không có điều kiện cho ra mắt đồng bào cộng với những gì tớ đã được nghe, được hiểu về Cung qua bạn thân nhất của Cung khi ra tù là Phùng Quán, bảo đảm tớ có thể viết được một “luận án tiến sỹ” không… dỏm chút nào về số phận một nhà văn bị dập vùi, mất tích thực sự suốt nửa thế kỷ vừa qua!
Bảo đảm khối người phải khóc vì thương cảm hoặc sục sôi ruột gan vì giận giữ. Nhà nghiên cứu phê bình nào dấn thân dám làm công việc này thay tớ đây? Và một câu hỏi tớ thường đặt ra khi có dịp trao đổi về vấn đề "Số kiếp của mấy anh văn nghệ sỹ miền Bắc" kể cả mấy anh sướng cả đời nhưng cuối cùng cũng phải nhận tội trước lịch sử như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải hoặc khổ cả đời như Phùng Cung, so với văn nghệ sỹ miền Nam trước 75, ai khổ hơn ai thì câu trả lời đã có ngay sau câu hỏi "Đúng là văn nghệ sỹ miền Bắc khổ thiệt! Khổ chưa từng thấy ở khắp thế gian này"

Tô Hải
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

59. Ai là người khổ nhất?

Sau khi post lên cái entry giới thiệu một nhà văn bị tù chỉ vì một bài báo, Phùng Cung, mà cho tới nay vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm về văn học nghệ thuật nào dám đưa 11 truyện ngắn và các tập thơ viết trong 12 năm tù trong đó có 11 năm bị tù biệt giam của Phùng Cung, tớ đã nhận được khá nhiều những cú phone và E mail hỏi rõ thêm nhiều chi tiết.
Tớ cũng thật bất ngờ về những phản biện về việc Phùng Cung đâu có phải là nhà văn KHỔ nhất. Và có bạn còn giới thiệu cho tớ bài viết của Ngô Minh đăng trên Talawas để hiểu thêm về một nhà thơ còn "khổ gấp trăm lần Phùng Cung”. Đó là Tuân Nguyễn, một người mà chính tớ cũng dự định đưa lên ngay sau entry Phùng Cung vì cả hai người, tớ đều quen biết, nhưng Tuân Nguyễn kém tớ 6 tuổi nên ít giao dịch hơn.
Tuy nhiên, những người cùng thời với Tuân Nguyễn hiện nay đang còn sống khá nhiều cho nên tớ cần “hỏi lại cho rõ” một số chi tiết nên bài viết về Tuân Nguyễn tớ phải đình lại. Entry này có thể lại có người thắc mắc vì đã đọc “Ba phút sự thật" của Phùng Quán, người đã từng lập 2 bàn thờ Tuân Nguyễn và… Võ Thị Sáu ở túp lều câu cá trộm tận ven Hồ Tây (?!).
Vì thưa các friends yêu quí! Ngay viết về mình, Phùng Quán cũng còn quên và lầm lẫn rất nhiều chi tiết, huống hồ khi viết về những "chuyện xưa", cái máu tưởng tượng, hư cấu của Quán nó cũng có thể thêm bớt, “điển hình hoá" lên gấp nhiều lần.
Chỉ riêng cái quá trình trưởng thành từ một diễn viên chuyên "văn vần hoá” các thành tích rất nôm na của các chiến sỹ thi đua để tự độc tấu phục vụ kịp thời bộ đội như "Đinh Công phá cầu" đến “Lời mẹ dặn”, tớ có thể khảng định là PQ đã trưởng thành nhờ suốt hơn 3 năm trời sống chung với những Thanh Tịnh, Xuân Bình, Ái Hoa, Minh Trâm, Nguyễn Phiên, Hoài Phiên, Vĩnh Cường, Phạm Thị Tần, … và nhiều nhiều những nghệ sỹ khác, chứ không phải chỉ nhờ có Tuân Nguyễn biết tiếng Pháp tiếng Anh và tốt nghiệp tú tài Toán toàn phần trường Pellerin (?!)
Vậy mà anh không hề đả động (hay quên?) cái thời gian khá dài làm diễn viên ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà với bọn tớ suốt một thời gian từ 1951 đến cuối 1954! Nhất là không nhắc gì đến Thanh Tịnh, người đồng hương, người thầy đã giúp đỡ anh rất nhiều trong cách châm biếm, khôi hài và cả trong phong cách phát âm, nhả chữ trong độc tấu…
Anh còn lầm lẫn cả ngày anh viết "Vượt Côn Đảo". Không thể viết tác phẩm này khi anh mới có 18 tuổi.! ?

Chính sau ngày về tiếp quản Thủ Đô, các Đoàn Văn Công Quân Đội (kể cả Đoàn văn công Bộ Tư Lệnh Liên Khu IV- mà anh là diễn viên), được sát nhập vào thành 3 đoàn văn công lớn… Phùng Quán mới được về nhận công tác tại Phòng Văn Nghệ Quân Đội do N/S Tử Phác phụ trách và được phân công đi trao trả tù binh ở Sầm Sơn mà sau đó, năm 1956, mới có tác phẩm điển hình cho tài… điển hình hoá của Quán, (Có rất ít bột mà gột nên hồ) mở đường cho một Phùng Quán, NHÀ VĂN.
Vậy thì, sinh năm 1933, Quán viết Vượt Côn Đảo vào lúc chiến tranh chống Pháp… chưa kết thúc sao?

Còn rất nhiều chi tiết nhất là những cây viết trẻ ra đời 10, 20 thậm chí 30, 40 năm "thêu dệt" về một số nhân vật đáng viết -nhưng đã qua đời- đã rơi vào những sai sót đến mức phi lô-gích. Nhưng xét cho cùng, tất cả chỉ vì hoặc lầm lẫn do tuổi tác (già quá hoặc trẻ quá) hoặc xuất phát từ một đông cơ, yêu mến hoặc muốn đề cao tí chút những con người đã phải chịu oan uổng thiệt thòi nên có sơ sót mà thôi. Bản thân tớ cũng không loại trừ có những sơ sót tương tự nhất là những con số, những địa danh…
Cho nên tớ cứ viết theo những gì mà tớ đã chứng kiến tận mắt, nghe tận tai, hoặc ít nhất cũng nghe qua những nhân chứng sống có quan hệ đặc biệt thân thiết với đối tượng mà tớ muốn giới thiệu với lớp trẻ hôm nay. Tớ xin chịu trách nhiệm về những gì tớ post lên... Đọc các entries của tớ, các friends yêu quí cứ coi như tài liệu tham khảo. Nó không phải là tài liệu chính thống nào đâu vì… càng chính thống có khi..càng là... lạc hướng đấy.

Tuân Nguyễn theo tớ biết-

Tuân Nguyễn theo tớ là người sẽ được xếp là khổ nhất theo như cách nói của Cao Xuân Hạo: "T.N sinh ra ở đời để đóng cái vai trò này. Nếu có ai kêu lên là tôi khổ nhất trên đời thì khi thấy Tuân Nguyễn, người đó sẽ thấy mình chưa phải khổ nhất thật!” Và câu này tớ cũng đã thấy là đúng, nếu chỉ thấy cái khổ cả đời cho đến cái chết "vô duyên" của anh, cũng phải thấy là anh KHỔ Nhất thật. Nhưng từ khi anh được tự do cho đến khi chết, đã không ít lần tớ thấy thơ anh được đề cao, nhiều bài báo lẻ tẻ đã giới thiệu một cách xa xôi chuyện anh bị ghép vào tội “xét lại” là… không đứng vững.
Hơn nữa những chi tiết về Hanội "có đồng nào anh toàn dành dụm để mua Dostoevpsky, Paoutovsky, Tchekhop, Plekhanop,... mà ghép anh là xét lại thì càng nhiều vô lý hơn!

Cho tới năm 2008 này, Hội Nhà Văn đã chính thức cho ra đời cả một tập 420 trang khá hoành tráng giới thiệu về anh và tác phẩm của anh, (như một lời cáo lỗi không chính thức?) thì tớ thấy có lẽ Phùng Cung còn lâu lắm mới có cái sướng này. Chỉ riêng những cử chỉ này, dù từ đâu đến, tớ cũng thấy… sướng hộ T.N rồi.

Còn như Phùng Cung? Chưa ai dám in lại 11 truyện ngắn của anh (trong đó có “Con ngựa già của chúa Trịnh”, chưa ai được đọc những tập thơ “Trăng ngục” gồm 35 bài viết “ngầm” trong tù! Và rõ ràng trên các comments gửi về, các bạn trẻ thậm chí cả các bạn già cũng chưa ai biết gì về Phùng Cung, nhưng đều có biết ít nhiều về Tuân Nguyễn.
Nhưng chủ yếu là biết qua Phùng Quán người được Tuân Nguyễn cưu mang ít nhiều trong lúc gặp nạn khi cầm bút mà “không chịu nói ghét thành yêu”.

Trái lại với Phùng Cung, Phùng Quán, dù kém 5 tuổi, (kém tớ 6 tuổi) thì Quán lại chỉ mê tác phẩm và nhất là nội dung trong những tác phẩm đó mang nhiều những tố chất “bất phục tùng mà phản kháng” rõ nét nhất, đồng điệu với Quán nhất! Cho nên khi Quán qua đời, người dọc điếu văn chính là Phùng Cung.

Tóm lại Phùng Cung là người có đầu óc đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức trong văn học mạnh nhất, thậm chí tớ dám nói là… vượt lên cả một số tướng sỹ, đứng đầu phong trào Nhân Văn. Tớ là người được học tập đấu tố "nhân văn" hết trong Quân Đội lại đến Toàn thể Hội Viên các Hội tập trung hơn một tháng trời "nội bất xuất ngoại bất nhập" tại lăng Hoàng Cao Khải, chưa bao giờ tớ nghe thấy ai nhắc gì đến Phùng Cung nhưng chỉ nghe "Con ngựa già" là “văn nghệ ba que xỏ lá”, là “đả kích tất cả anh em văn nghệ sỹ chúng mình”! (sic). Trong tổ tớ còn có ông phán một câu lạnh lùng: "Thằng nào chống Đảng xin cứ cho vào tù như bọn Phùng Cung, Phan Tại, Thuỵ An, Nguyễn Hữu Đang…
Phân tích học tập làm gì cho mất thời giờ!” Nghĩa là Phùng Cung ngay từ thời "tiền xét lại" đã tội to lắm lắm rồi.

Cho nên, sau này ai sẽ làm cái công việc khôi phục lại tác phẩm và danh dự cho anh? Kể cả các vị trong nhóm Nhân Văn nay còn sống? Vì thế tớ xếp Phùng Cung vào loại KHỔ NHÁT, KHỔ ĐếN HÔM NAY VẪN KHỔ… Còn Tuân Nguyễn? Tớ xếp vào LOẠI KHỔ THỨ HAI. Vì sao ư?

1- Tuân Nguyễn được may mắn hơn Phùng Cung nhiều thứ lắm. Này nhé: Tuân Nguyễn sinh ra (1933) được đi học cho đến hết 1950 ở trường giòng Pellerin Huế (có tài liệu lại viết anh học Providence cho đến hết tú tài toán toàn phần. Rồi lên chiến khu cầm súng đánh giặc.? (17 tuổi đỗ tài toàn phần, mà lại học Pellerin thì dân Huế thứ thiệt, dân Pellerin thứ thiệt điện cho tớ nói rằng không có chuyện đó được!) Thôi thì "yêu nhau cứ việc… thổi phồng nhau lên". Chỉ tiếc rằng những chi tiết sai có khi lại làm mất đi sự chân thật của bài viết và có hại cho người đuợc đề cao mà thôi. Nhưng thôi! Dù là tú tài toàn phần hay nửa phần, thậm chí chưa có phần nào đi chăng nữa thì Tuân Nguyễn cũng còn "sướng" hơn Phùng Cung ở cái đọc được nhiều, học được nhiều, kể cả trong những năm ở tù, vẫn còn còn học được thêm tiếng Nga mà chỉ nhờ có cuốn tự điển do người bạn cùng phòng, nhà văn Trần Phương Trà gửi vào trại cho.?

2- Tuân Nguyễn không bị ghép vào nhóm nhân văn giai phẩm mà cũng không bị ghép vào… xét lại, xét đi gì cả (mà có ra toà đâu mà bị kết vào tội gì) mà chỉ vì cuốn nhật ký bị ăn trộm ở căn phòng nhỏ phố Tràng Tiền cùng với chiếc nhẫn vàng.
Cho đến nay không ai biết cuốn nhật ký đó chứa đựng những gì mà người ta phải "bắt nóng" anh ngay tại cơ quan, làm ngay chi bộ phòng văn nghệ cũng không biết, thậm chí làm người nọ ngờ vực người kia là "chỉ điểm", mà chính Trần Phương Trà, tác giả cuốn sách mới xuất bản nói trên, giới thiệu công khai cuộc đời và tác phẩm của Tuân Nguyễn, lại là người bị nghi ngờ nhiều nhất (vì ở cùng phòng với Tuân Nguyễn! ?)!
Sau này vô Sài gòn, có một vài lần gặp lại các anh Mai Văn Tạo, Phạm (tớ hay nhầm ông với nhà thơ họ Bùi cùng tên) Tường Hạnh cùng sinh hoạt với Tuân Nguyễn ở Phòng Văn Nghệ Đài PTTNVN thời ấy, tớ cố dò la xem “Ai là kẻ đã đưa Tuân Nguyễn vào tù thì chỉ được các nhà văn ngoài 50 tuổi Đảng, ngoài 70 tuổi đời trả lời rất chi là dè dặt và... bí hiểm “Cái này chỉ có hỏi ông Trần Lâm! Chúng tớ cũng... ù ù cạc cạc!”
Chẳng biết lúc này ông Trần Lâm đang còn sống, con ông lại lên đến chức Phó Tổng Giám Đốc Đài Truyền Hình Việt Nam, trước những cử chỉ cởi mở đối với Tuân Nguyễn có được vài phút nhìn lại mà phán cho một câu: "Việc bắt giam T.N không xét xử là… "hơi quá” hay “sai lầm của lịch sử” không? Tớ tin là ông Trần Quảng Vận (tức Trần Lâm), cũng tú tài toàn phần và nếu tớ nhớ không nhầm còn có cả trong Hội Chuối Trường Bưởi nữa, ngày nay không còn chức Trung ương Uỷ Viên, Chủ Nhiệm Uỷ Ban Phát Thanh và Truyền hình, trước tình hình cởi mở này thế nào cũng có “đôi điều nói lại cho rõ” rằng ông không có chủ trương đàn áp văn nghệ sỹ theo kiểu bỏ tù không xét sử như thế thì… quí hoá quá! Noi gương ông Kiệt đi ông! Cuối đời cũng nên nói lên đôi điều mà khi còn ở chức vị kếch sù, ông có nghĩ dzậy mà không dám nói ra! Được thế thì tớ lại càng thấy sướng hộ cho Tuân Nguyễn thêm một tỷ tỳ ty nữa.

3- Về tác phẩm để lại, tớ thấy Tuân Nguyễn sướng hơn Phùng Cung cả trăm lần. Thơ T.N bay bổng, mơ mộng, trong sáng, hồn nhiên bao nhiêu thì thơ Phùng Cung quằn quại, đau sót, phẫn nộ, ai oán bấy nhiêu. Chỉ đọc những cái đề đã thấy người viết đã phải vật lộn với từng con chữ từng ý, từng tứ vất vả thế nào rồi!”Mạt Kiếp”, “Biệt tích”, "Mộ Phách” (trong tập Trăng ngục.) Còn Tuân Nguyễn thÌ… “Sóng sông Hồng bỗng xanh mầu Đa-nuýp/ Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao/ Trời lung linh khẽ trao mình theo nhịp/ Những người khác lạ phải lòng nhau/ v.v… v.v... Làm thơ kiểu Tuân Nguyễn có gì đâu mà xét lại xét đi, nếu không phải là những bài thơ "độc" viết bằng tiếng Pháp ghi trong cuốn nhật ký bị ăn trộm?? Vậy thì ai khổ hơn ai trong sáng tác nhỉ các friends yêu quí?. (tìm đọc trong VN Thư Quán, Talawas những tác phẩm của hai người)

4- Năm 1954, khi về Hà Nội, Tuân nguyễn còn được đi học đại Học Sư Phạm cùng Cao Xuân Hạo, Trần Quốc Vượng, Phạm Phan Hàm… và cũng không dính gì tới nhóm "Đất Mới" nên khi về Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam, anh được anh em quí mến, trừ cái tội hay... văng tục, bất cần đời, kể cả hay đi lại giúp đỡ tận tình những nhân vật “có vấn đề” như Phùng Quán, thậm chí dẫn cả Phùng Quán vào tận Phòng làm việc không sợ bị phê bình là "mất cảnh giác".

Với đồng lương cán sự 6, năm 1962, khi mà các biên tập viên khác ở Đài như Hồ Bắc Lê Lôi,... chỉ cán sự 3, 4, còn (tớ cũng chỉ có cán sự 5, Huỳnh Văn Gấm đại biểu Quốc Hội, hoạ sỹ cũng chỉ bằng lương Tuân Nguyễn) là hết nước. Điều này chứng tỏ tín nhiệm của cơ quan, Đảng bộ cũng như cá nhân ông Trần Lâm không hề coi thường anh… Cho đến ngày1/10/1964, anh bị bắt vì cuốn nhật ký chẳng ai biết trong đó có cái gì! ? Phải nói là thời kỳ "hoàng kim" của Tuân Nguyễn khá dài hơn Phùng Cung mặc dầu anh không sống thọ như Phùng Cung (chết năm 69 tuổi).

5- Về tinh thần, T.N có nhiều bạn bè, sống hạnh phúc cuối đời với bạn bè với một người vợ nghệ sỹ, được mọi người săn sóc. Khi anh ra đi vì một tai nạn lãng nhách do mải đi xe dạp chở báo cho vợ bán. Đã cận thị tới 7, 8 diốp lại bị cái đầu óc luôn phân tán về những chuyện mơ mộng đâu đâu nên tự đâm vào phía sau một chiếc xe tải đang đỗ (chứ không phải xe đang lùi) nên cặp kính cận không vỡ mà chỉ bị chấn thương sọ não, còn đủ súc về đến nhà mới phát hiện ra buồn nôn phải đi cấp cứu và qua đời ở bệnh viện chợ Rẫy.
Đám tang anh có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học sinh cũ (anh từng đi dạy học ở một Trường Miền Nam ở Hải Phòng trước khi được điều về Đài TNVN)! Tuân Nguyễn chết đúng “năm tuổi”: 49!

Còn Phùng Cung, tuy có thọ hơn Tuân Nguyễn nhưng đến năm anh qua đời, anh vẫn không được nhiều người quan tâm, không ít người vẫn xa lánh. Một dẫn chứng là anh không giao "di cảo" lại cho ai, ngoài cho con trai anh Phùng Phú.
Tiếc thay Phùng Phú lại chết trước anh, Bạn bè, kể cả một vài người trong đám nhà văn phản anh để tự cứu mình, anh cũng chỉ giữ thái độ im lặng, không chửi bới, tố cáo, im lặng cho đến khi qua đời. Phải chăng trong 11 năm biệt giam, anh đã mất hết lòng tin vào bạn bè, kể cả những người đồng chí hướng với anh đã phản anh sau này đã gặp anh để xin lỗi?! (Chuyện tự kiểm điểm, đấu tố nhau để "thoát thân", rồi viết "thu hoạch" lên án của bọn cơ hội trong các lớp "chỉnh huấn" nó "bẩn thỉu" và hèn nhát như thế nào, tớ có thể viết thành một cuốn "Hồi ký về những tên văn nghệ sỹ hèn" dài cả ngàn trang bằng những cái tên cụ thể, những bài viết, những lời đấu tố cụ thể mà Nguyễn Khải mới chỉ tổng kết một cách chung chung trong "Đi tìm cái Tôi đã mất" là... "Tôi đã đã biết níu chặt lấy thời thế mà leo dần lên..." là còn né tránh nhiều, nhiều lắm. Tớ chỉ xin thêm một ý ngắn nhưng vô cùng quan trọng là... "... níu chặt lấy thời thế, đạp lên xác người, và tên tuổi của bạn bè mà leo dần lên..." Hãy đọc những gì mà các vị đã viết để "đánh chết tươi" những anh em như Phùng Cung, Trần Dần, Lê Đạt để thấy cái chuyện "nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ thứ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì" nó nhẹ hều... Cái quá trình bị "abêtissé " (bị xúc vật hóa) này cần phải để lịch sử vô tư phán xét chứ không thể chỉ vài ba câu "phản tỉnh" lý luận chung chung được...

Tớ cùng quí mến hai người, nhưng phải nói thẳng là tớ phục Phùng Cung hơn nên tớ giới thiệu Phùng Cung trước là như vậy đấy!
Phùng Cung khổ cả về tinh thần lẫn vật chất. Anh không trở thành người điên đã là may lắm rồi! Với tớ anh là người khổ số 1, còn Tuân Nguyễn là người khổ số2 là thế đó!
Friday June 13, 2008 - 07: 47pm (ICT)
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

60. Có một Van Gogh Việt Nam ???
Tô Hải - 01/07/2008

Đáng lý, đáng tình, đáng lẽ ra, ở thời điểm này, các nhà lý luận, các nhà phê bình nghệ thuật có “tầm cỡ” phải làm cái việc “bạch hoá” cái chết của ông. Phải viết những sự thật về ông bằng những lới lẽ cụ thể, ít “ấn tượng chủ nghĩa”, ít “ trừu tượng chủ nghĩa, ít “xa xôi chủ nghĩa”, ít “lơ mơ chủ nghĩa” và ít… “hèn sỹ chủ nghĩa” hơn những bài đã được công bố thì… chẳng hiểu sao, chẳng anh nào dám cả gan nói lên cái sự thật mà ai cũng biết. Đó là: lần đầu tiên ở nuớc Việt Nam có một văn nghệ sỹ, sau khi xin ra khỏi Đảng, đã tự tử (hay tự xử?) mình bằng cách nhịn ăn và chỉ uống rượu trong 30 ngày (?), tiêu huỷ toàn bộ tác phẩm còn lưu giữ, tài liệu, thư từ, bản thảo, ghi chép… rồi ra đi không một lời nhắn nhủ gì cho bạn bè, hậu thế…
Hoạ sỹ Dương Bích Liên
(1924-1988)
Phải chăng vì ông đã trót “bị” (hoặc “được”?) trao giải thưởng cao nhất của Nhà Nước (giải thưởng Hồ Chí Minh) mà cái chết của ông phải được xếp vào loại “chết bình thường” ? Phải chăng viết về cái “tự chết” của ông sẽ gây nên những cú sốc lớn trong giới văn nghệ sỹ trẻ đương thời! Họ sẽ phải suy nghĩ về lương tâm và trách nhiệm của họ khi định mệnh đã giao cho họ làm “lương tâm của thời đại”, làm “kỹ sư của tâm hồn”, làm những “cánh chim báo bão” mà cuối cùng, chẳng làm được cái gì cả hoặc… lỡ ra, có ai đó lại bắt chước ông mà… “tự ra đi” nữa thì… nguy hiểm quá.! Với một niềm… KHÔNG TIN VÔ HẠN vào cái đầu, trái tim và… lá gan của mấy bố “văn nghệ sỹ công chức nhà nước”, (mà khối bố gần tuổi thấp tuần rồi đến hôm nay vẫn kiên trì tại vị “một tắc không đi một ly không rời”!), cũng như lớp “văn nghẹ sỹ kinh thế thị trường”, tớ nhân danh người gần nhà (cách chưa đầy 100 mét), người đã nghe, đã thấy, đã biết và đã kính phục ông: hoạ sỹ DƯƠNG BÍCH LIÊN, tớ cần phải viết lên đôi dòng theo kiểu: “Đi tìm cái tôi đã mất’’ nhưng không phải bằng cách Nguyễn Khải đã có ý thức tự nguyện đánh mất cái tôi để… “kiếm miếng ăn cho vợ con” đến tận cuối đời, nên chẳng bao giờ NK còn tìm được cái tôi khốn khổ ấy nữa! (!)

Ông, người hoạ sỹ vì KHÔNG CHỊU ĐÁNH MẤT CÁI TÔI mà chọn con đường câm lặng cho đến lúc trở về với hư vô! Xin lỗi hương hồn ông (may mà ông không vợ, không con nên tớ được thoải mái viết tất cả những gì tớ suy nghĩ về ông mà không sợ bị kiện ra toà, kể cả Ban Xét Duyệt Giải Thưởng Hồ Chí Minh nếu bây giờ mới té ngửa ra là: ông là người hoạ sỹ duy nhất KHÔNG CÓ MỘT TÁC PHẨM NÀO PHỤC VỤ CÁCH MẠNG CẢ (!! !) trừ bức “HÀO” thì bị đủ thứ “ý kiến”, rồi cuối cùng, dù đã có “hai quả tên lửa của cụ Nguyễn Tuân” thêm vào, vẫn bị loại khỏi cuộc triển lãm tranh chống Mỹ Cứu nước!

Cho nên, nhân danh một người đương thời cùng ông, (dù tớ sinh sau ông 3 năm), nhân danh một người vô cùng kính trọng ông cả trong nghệ thuật lẫn tư cách một nghệ sỹ, tớ đành phải “nhảy xổ” vào một lãnh vực mà không thiếu các vị học vị đầy mình, đến hôm nay, vẫn kiên trì với phương châm “im lặng là vàng!” Tớ đánh bạo, nêu lên những gì tớ đã nghe và thấy, sau cuộc triển lãm cuối cùng mà nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã tổ chức tại bảo tàng - nhà riêng của anh tại Sài Gòn nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất của hoạ sỹ Dương Bích Liên đáng kính. Mong được nhiều văn nghệ sỹ có mặt tại cuộc triển lãm tư nhân khá hoành tráng và cảm động này, trong thời thế khá thuận tiện hôm nay, hãy lên tiếng bạch hoá về cuộc đời “chẳng có gì là bí hiểm” của một người nghệ sỹ tài danh nhưng… BẾ TẮC… đến mức… phải chọn cách tự tử.

Có thật là Dương Bích Liên bế tắc không? Bế tắc về cái gi? Tại sao mà bế tắc? Nói với nhau thì nhiều nhưng chưa có ai dám viết, dám phân tích cho đến ngọn nguồn cuộc đời sáng tác và nhân cách của một văn nghệ sỹ mà cái giải thưởng to nhất nước tặng ông sau khi ông đã qua đời (1988) được 4 năm (2002) không hề là “tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc” như Nguyễn Khải tự nhận định về mình. Trái lại, ông xứng đáng là người được tôn vinh nhất trong giới văn nghệ sỹ miền Bắc vì ông đã chọn con đường SỐNG VÌ NGHỆ THUẬT ĐÍCH THỰC và là “người đầu tiên không hài lòng với các tác phẩm, với công việc sáng tạo của bản thân và tự kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhịn ăn…. cho đến chết” (*) … Ông không điên như Van Gogh “đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Bằng một ý thức rất rõ rằng ông thấy rằng không nên trì hoãn cuộc đời như vậy mãi…” (*) … khi “mọi niềm tin trong ông đều đổ vỡ dần. Và điều kinh khủng đối với ông là ông vẫn sáng suốt để chứng kiến sự đổ vỡ từng ngày… (*) Ông sáng suốt sáp xếp lại tư liệu, thư từ, ghi chép và còn biết dặn lại người bạn thân nhất của ông”, nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải là: “có nguyện vọng muốn được ra đi trong lặng lẽ, đưa tang có lẽ chỉ cần đặt quan tài lên một cỗ xe ngựa đơn sơ, và rời thành phố vào sáng sớm, theo tiễn chỉ cần một đứa trẻ ăn mặc chỉnh tề” (trích ghi chép của Nguyễn Hào Hải-cũng ở tài liệu trên) …
Vậy thì lịch sử sẽ nhận xét thế nào về DƯƠNG BÍCH LIÊN?

Với tớ thì:
DƯƠNG BÍCH LIÊN LÀ NGƯÒI NGHỆ SỸ ĐÍCH THỰC ĐAU KHỔ VÀ DŨNG CẢM DUY NHẤT CỦA MIỀN BẮC VIẸT NAM.

Muốn đánh giá đúng một Dương Bích Liên, tớ không dám bình luận gì nhiều về tác phẩm của ông.Vả lại có mấy ai đã được xem toàn bộ tác phẩm của ông, nếu không có cuộc triển lãm tư nhân Trần Hậu Tuấn tổ chức tại Saigòn năm 2003 mà bình với luận! Ở đây, có lẽ lần đầu tiên, một số người hâm mộ ông (trong đó có tớ), được mời đến để thưởng thức, suy nghĩ và cảm phục ông qua những tác phẩm còn lại trong tay bạn bè, người thân… Có tác phẩm bị “trôi nổi” sang tận nước ngoài cũng được trở về góp mặt. Có những tác phẩm người ta chỉ “nghe” chứ chưa “thấy” bao giờ! Tớ xin nhường phần việc đánh giá nghệ thuật cho các nhà lý luận phê bình thừa hiểu biết nhưng… viết chưa đến nơi.

Tớ chỉ có mấy nhận xét thật "liều mạng” như sau, ngay trong buổi tiệc đứng tại sân nhà Trần Hậu Tuấn:

1- Té ra: Suốt hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm, tuy “đi theo Cách Mạng”, Dương Bích Liên chẳng hề có một tác phẩm nào “chiến đấu và sản xuất” cả, ngoài tấm “Bác Hồ qua suối” mà khi xem thấy cứ vẫn buồn ơi là buồn: Một ông cụ già đơn độc và một con ngưa nhỏ tí giữa bạt ngàn rừng xanh xám và một giòng suối hung dữ! Không một bóng người nào bên cạnh một ông già nhỏ tí ti! ?!

2- Ngay cái vinh dự to lớn và thèm muốn của không biết bao người khác là được cử lên sống cạnh bác Hồ cả ba tháng trời để vẽ Bác, Dương Bích Liên cũng… chịu thua, và… rút lui trần xì có một bản ghi chép không bao giờ trở thành tác phẩm?!

3- Chẳng những trong kháng chiến chống Pháp, Dương Bích Liên cũng chẳng để lại gì, (dù chỉ là một esquisse) ngay trong cuộc chiến chống Mỹ, dù được tổ chức đi thực tế dưới bom đạn cùng Huỳnh Văn Gấm, Phan Kế An, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung (toàn là các “mét” cả). khi trở về, ông chỉ có một “Chiều biên giới”, mà theo tớ, nó buồn đến lạnh người, không một mầu sáng, trừ mấy cọng cỏ lau bị gió thổi sắp đổ ngã về phía bên kia biên giới không một bóng người! ? Chẳng thấy quân ta anh dũng tuyệt vời, chẳng thấy anh công nhân mỏ đang hì hục “mỗi người làm việc bằng hai” hoặc “rời hầm lò là sẵn sàng trên mâm pháo” như một số hoạ sỹ khác đã vẽ!.

Đây: "Hào". Bức tranh có lắm ý kiến! (chú ý "hai quả tên lửa
là của cụ Nguyễn Tuân" ở xa tít chân trời!
4- Tác phẩm có dính líu đến chiến tranh nhất lại là “tác phẩm có vấn đề” nhất! Đó là “HÀO”. Tớ đứng rất lâu trước tác phẩm này để cố “đọc” lên những gì mà tác giả muốn gửi gấm vào đây? Tớ chỉ thấy… Buồn và… lạnh đến rùng mình! Lần đầu tiên, tớ thấy trong tranh ông có bóng dáng Con Người. Nhưng là những con ngưòi bất động, súng không cầm tay mà đeo ngang lưng, chẳng ra tiến mà cũng chẳng ra lùi, dường như chấp nhận số phận sẽ đựoc “hào” chôn vùi, những đường hào quá sạch sẽ có góc vuông y hệt những… quan tài!
Đến một người yêu ông như tớ còn “phê bình nghệ thuật thật thà đến giết ông như chơi” như thế huống hồ mấy nhà “cầm cân nẩy mực” nghệ thuật chẳng lắm ý kiến đến nỗi “Hào” phải đi sơ tán ở những nơi “có tín nhiệm” như tạm trú tại nhà Tô Hoài, Nguyên Hồng,... để rồi cuối cùng, các “lái buôn tranh” tiếm danh “nhà sưu tập” (mà người kiếm chác nhiều nhất là tay Ngô Luân - mà anh em bị “mua tranh non” đều gọi chệch là… Vô Luân) bán nó sang nước ngoài.
Nhưng cuối cùng, nhờ có những nhà sưu tập đích thực, nó đã được trở về VN, cho tớ và một số người được xem và suy nghĩ về nó cũng như cha đẻ của nó: Dương Bích Liên!

5-Tại sao, sau “Hào” (1972), Dương Bích Liên lại “ở ẩn”, không vẽ, không tiếp xúc với bạn bè nữa? Tại sao cũng chính thời gian này ông lại “giải sầu” toàn bằng vẽ chân dung “người thật”.

Những cái tên “Bà Yến”, “Cô Mai”, “Đoàn Lê”, …, ông vẽ rồi cho, không bao giờ bán, hiện đang nằm ở khắp nơi… trừ bức tranh lần đầu ông tự hoạ ông nhưng chưa hoàn thành mà ông... (cố tình hay vô ý?) quên không huỷ nốt nó đi, nên may mắn nó đã trở thành “đứa con côi cút” duy nhất được nằm lại bên ông, trong căn phòng nhỏ ở 55 Bà Triệu, khi ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9 giờ sáng ngày 12 tháng 12 năm 1988.
Cái tên “Ngõ Cụt” của nó hoàn toàn sáng tỏ về những gì ông suy ngẫm lúc quyết tâm rời bỏ cuộc đời. Nó như hai tiếng “Chấm hết” vang lên bằng âm thanh cụt lủn của trống timpani bị bịt sfp trong phần kết thúc của một bản giao hưởng bi hùng. Nó động viên tớ, thôi thì không còn sức để viết nhạc về ông thì hãy đưa ra những nhận xét về cuộc đời và sự nghiêp, cũng như cái chết của ông mà chẳng mấy ai muốn nói lên cho… rách việc.

Tớ xin vái ông ba vái mà tuyên bố rằng:

Dương Bích Liên là một người nghệ sỹ đã vướng vào quá nhiều ngõ cụt của cuộc đời, tưởng sống để đi mãi trên con đường sáng tạo. Nhưng vướng phải ngõ cụt ở khắp nơi, ông thấy BẾ TẮC, “bế tắc toàn diện” trong cuộc đời, trong sự nghiệp… và, (xin lỗi hương hồn ông), không có đủ can đảm đạp bằng các “ngõ cụt”, ông đã phải chọn con đường “tự kết liễu cuộc đời” và không muốn ai nhắc đến tên một Dương Bích Liên đau khổ và "quyết liệt cô đơn nữa” (Dương Tường)

Chẳng biết có bao nhiêu người dám kết luận như tớ về cuộc đời, sự nghiệp và “cái chết tự xử” của ông như tớ? Cũng có thể có nhiều người chẳng muốn động vào những vấn đề “tế nhị”, dễ rút giây động rừng làm gì! Cũng có thể có nhiều vị thấy khoái trí khi có Tớ, người dám phát biểu thẳng thắn hộ các vị! Cũng có thể có vài vị cho là cái chết của Dương Bích Liên là cái chết tiêu cực.! Nhưng xin lỗi các quí vị này! Đối với tớ, cái chết của Dương Bích Liên, cách chọn “im lặng trong cô đơn” và “ra đi trong lúc mọi niềm tin đều đổ vỡ” của ông là cách lựa chọn TÍCH CỰC NHẤT trong hoàn cảnh mà toàn thể cả cái giới văn nghệ miền Bắc chọn kiểu “tích cực nửa vời”, “vẽ vậy mà không phải là vậy”, “viết vậy mà không phải vậy” … để tồn tại, thậm chí để thăng tiến (như NK tự thú trong “Đi tìm cái tôi đã mất”)

Vậy thì, ai tích cực hơn ai?

Lịch sử sẽ phải phán xét cụ thể tấn bi kịch Dương Bích Liên này!
Riêng tớ thì tớ bái phục ông sát đất vì ông không thể “sống hai mặt” như mọi ngưòi, không thể bẻ cong cây cọ, không “hèn sỹ” như rất, rất nhiều văn nghệ sỹ khác, trong đó có tớ, người đã từng công bố CD “Nửa trái tim tôi” trong đó một nửa là “để phục vụ hai cuộc kháng chiến”, một nửa là để nói về mình”.
Nhưng còn những kẻ cả cuộc đời chỉ biết “ngụp lặn trong cõi tung hô”, viết, vẽ theo chỉ đạo của người khác (dù "người khác" đó toàn diện đều kém hơn mình cả về bộ óc lẫn trái tim, sai lầm và ngu ngốc có hệ thống), liệu có lúc nào, trước khi chết, có thấy giật mình nhìn về sự nghiệp sáng tác của mình mà thấy được, ít nhất như Nguyễn Khải là: …"Tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ thứ tạp nham” (*) mà cứ tưởng là nghệ thuật!
Đố kiếm ra một Dương Bích Liên thứ hai ở quá khứ, hiện tại và tương lai đấy! Dương Bích Liên có cái Kết Thúc sự nghiệp và cuộc đời giống Van Gogh. Nhưng Dương Bích Liên không điên! Ông rất tỉnh táo, sáng suốt khi tự nhận thấy mình quá đơn độc, không thể có ai giúp ông, cùng ông đập bỏ mọi ngõ cụt của cuộc đời. Vậy thì… từ bỏ nó là giải pháp tích cực trong... tiêu cực nhất! /.
Tô Hải
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

61. – Tại sao có nhiều nhạc sỹ thứ thiệt bốc hơi dzậy ?
Tô Hải - 15/07/2008

Vài lời phi lộ.- Chẳng biết từ lúc nào, ở Việt Nam này, người ta cứ quan niệm là: ai đó có một hoạt động gì dính tới âm nhạc đều được các báo chí, thậm chí cả đến cái Hội Nhạc Sỹ cũng coi là… NHẠC SỸ tuốt! Bằng chứng là trong cuốn “Nhạc Sỹ Việt Nam” mới nhất của Hội, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội (1957-2007) liệt kê danh sách và tiểu sử của 1194 hội viên chính thúc của Hội thì có tới 2/3 là… ca sỹ, là nhạc công, là nghiên cứu, lý luận, phê bình…
Thậm chí có nhiều người, … tớ và các bạn trẻ, bạn già của tớ chẳng biết là ải là ai cả! … Một số thì đã “bốc hơi” từ khuỷa từ khuya ở Văn Điển, ở Bất Bạt, trừ có 2 người nhạc sỹ thứ thiệt có lẽ còn lâu mới bốc… mồ vì nằm tại… Mai Dịch (Huy Du và Trần Hoàn).
Trái lại, có khối ca sỹ, nhạc sỹ (sáng tác) hiện đang ăn khách, nổi đình nổi đám, nộp thuế hàng năm cả 6, 7 số 0, đang chiếm lĩnh thị trường Âm nhạc Sao Mai, Sao Hôm, Bài Hát Việt… thì chỉ có báo chí gọi họ là sao, siêu sao, là ai-đôn, là… đủ thứ (mả bên Tây, bên Mỹ hay gọi), thì lại… chưa được vinh dự đứng vào cái quyển “Tự Điển Nhạc Sỹ Việt Nam” dày tới 1340 trang này! Bởi vậy, thống nhất được với ngay cái Hội Chuyên Ngành (được Nhà Nước bao cấp cho tới hôm nay) còn khó, huống chi là cãi lại mấy ông nhà báo nắm trong tay mọi phuơng tiện, “canh gác” và…, xếp xó mọi ý kiến khác mấy ổng, thì càng khó bội phần.!

Cái chuyện không biết chữ mà trở thành nhà văn nổi tiếng ở ta chưa có, nhưng trong âm nhạc, chẳng cần học một nốt đồ rê mi nào, thậm chí chẳng ghi, chẳng đọc nổi cả đến cái bài mình mới... ề a ra (!) ở Việt Nam ta vẫn được mang danh nhạc sỹ, cho đến hôm nay vẫn là chuyện tương đối phổ biến, … có thiệt 100/100! Vậy thì gọi mấy ông thi sỹ, kiến trúc sư, mấy chú bỏ học thành lập các nhóm này nhóm kia rồi tự đặt bài hát, tự biểu diễn, tự thu đĩa rồi… nhờ (cái này thì không tự được nữa) mấy ông bố bạo (báo bộ) lăng xê lên và… nổi tiếng đùng đùng! Thế thì… không gọi họ là nhạc sỹ thì gọi là gì đây ới ông Hội Nhạc Sỹ Việt Nam, ông Hội Âm Nhạc thành phố Hồ Chí Minh và các ông Chi Hội Nhạc sỹ ở khắp nước?

Thôi thì, cứ tạm xếp các thứ định nghĩa thế nào là nhà soạn nhạc, là người viết ca khúc, là nhà âm nhạc học (các thứ composer, songwriter, musicologist, … mà bên các nước thuộc WTO người ta đã phân định từ khuya) … mà tạm dùng cái từ kép “Nhạc Sỹ” của… Tầu mà định nghĩa: bất cứ ai “nghĩ” ra, hoặc “chế” ra hoặc cụ thể là “ề a” ra được mấy câu lời ca (chẳng cần văn hoá, văn học gì) có giai điệu lên bổng xuống trầm (dù tự mình ghi hoặc nhờ ai ghi ra giấy cho), đều được gọi là NHẠC SỸ vậy! (nhất là ở cái thời nhạc (?) Rap, không có nốt nhạc, mà chỉ có lời nói liến thoắng này!) Sở dĩ tớ phải phi lộ về cái “danh nhiệp” nhạc sỹ dài dòng như vậy vì:

1- Sự ra đời của giới nhạc sỹ ở Việt Nam quả là… hiếm thấy trong lịch sử âm nhạc thế giới!

2- Việc đánh đồng giữa âm nhạc chuyên nghiệp và âm nhạc nghiệp dư, ở Việt Nam, cho đến hôm nay vẫn làm cho công chúng đã có nhận thức bất khả thay đổi là: âm nhạc tức là bài hát, và chỉ có bài hát mà thôi (thậm chí chỉ có đơn ca). Cho nên, phân biệt giữa “âm nhạc có nghề” và “âm nhạc không nghề” chỉ tổ làm nhiều người thêm… tự ái (không) nghề nghiệp.!
Và với sự… “chấp nhận một cách ấm ức” cái định nghĩa đó, tớ kể chuyện về sự “bốc hơi” của một loạt “nhạc sỹ” mà hơn 60 năm dính líu tới hoạt động âm nhạc ở cái vùng âm nhạc đặc biệt này mà tớ đã là một nhân chứng sống, mắt thấy, tai nghe và… cái đầu thì luôn suy nghĩ về những nguyên nhân của các sự cố nhạc sỹ “bốc hơi” đã xảy ra… mà tạm tổng kết cái sự bốc hơi đó như sau:

1/- BỐC HƠI VÌ… ĐI LẠC ĐƯỜNG

Đó là những nhạc sỹ tưởng rằng có sẵn một số vốn âm nhạc tự học hoặc học ở các trường dòng, nhà thờ, tu viện, hoặc có quá trình kiếm ăn trong các quán Bar dancing dưới thời đô hộ Pháp là thoả sức hành nghề dưới ngọn cờ cách mạng! Họ cũng mang hết nhiệt tình, cũng gối đất nằm sương, cũng hành quân cả ngàn cây số lên Việt Bắc, vào miền Trung để phục vụ nhân dân và bộ đội và được hoan nghênh nhiệt liệt (kể cả các cấp lãnh đạo).

Họ không hề biết đến cái gì sẽ xảy ra khi cái nhiệt tình trong sáng của họ sắp bị… lên bàn mổ (hoặc vào lò mổ thì đúng hơn), khi cái đường lối “Văn Nghệ phục vụ công nông binh”, cụ thể là cái đường lối Diên An về văn nghệ của Mao Chủ Tịch, từ những năm 50 trở đi đã dần dần triệt tiêu mọi hoạt động văn nghệ xuất phát từ trái tim ngây thơ của họ! Hàng loạt những bài hát về chiến đấu, về chỉnh huấn, chỉnh quân theo các điệu swing, blues, rumba, … ồn ào nhất, có đông người thưởng thức nhất đã bị “lên bàn mổ” trước tiên không thương tiếc! Nào là đi theo “đường lối văn nghệ tư sản, vô cùng độc hại” … Nào là “tiểu tư sản”, “lãng mạn”, thậm chí “đồi truỵ”, “phản động”, …

Thế là… chỉ trong một năm 1952-1953, hàng loạt nhạc sỹ theo nhau… bốc hơi!. Sau này trong các lớp học chỉnh huấn, bồi dưỡng lý luận văn nghệ vô sản, tớ luôn được vị lãnh đạo kết luận về họ là những “phần tử không chịu đựng được gian khổ, sợ chết, thèm bơ thừa sữa cặn của Đế Quốc sài lang” nên… “dinh tê-đầu hàng địch”. Lúc đó, dù không đồng ý nhưng cũng như mọi người, tớ cũng chỉ đành chấp nhận chữ “hèn” mà… câm lặng. Nhưng trong thâm tâm, tớ thấy họ rất chuyên nghiệp khi “bốc hơi” vì họ quyết tâm đi tìm con đường để hành nghề âm nhạc mà không phải lo sợ bị đấu đá, bị lên án này nọ, thành kiến, coi thường và nhất là được tự do… muốn viết gì thì viết! ….
Họ cũng chẳng quan tâm gì đến hai chữ “phản bội” hoặc “trở cờ’… Và không ít người trong số họ, đến hôm nay, dù còn sống hay đã qua đời chắc phải cười mỉm khi thấy những cái họ bị lên án ngày xưa, đến hôm nay lại “được phép” xuất hiện hoành tráng và… hái ra danh, ra tiền ở giữa cái đất xã hội chủ nghĩa này. Họ là ai? Bốc hơi để trở thành mưa hay bốc hơi vĩnh viễn? Chẳng cần kê tên tuổi ra, ai cũng biết! Thậm chí “Trở cờ rồi lại… trở cờ/ Lạc đường tí chút bây giờ vinh quang!” Đố biết là ai?

2/- BỐC HƠI VÌ… BÂT ĐẮC DĨ PHẢI LÀM NHẠC SỸ!

Nếu cái thời cách mạng Pháp chỉ nảy sinh ra có một ông sĩ quan công binh Rouget de Lisle, tác giả của La Marseillaise thì cái thời cách mạng Việt Nam xuất hiện khá nhiều “nhạc sỹ một bài” rồi… bốc hơi trên diễn đàn âm nhac. Đó là các nhạc sỹ Dinh Nhu (Cùng nhau đi Hồng binh), Phạm Công Nhiều (Tình Hận), Hoàng Văn Thái (Phất cờ Nam tiến), Vương gia Khương (Hò la), Nguyễn Ngọc Bạch (Cương quyết ra đi), Doãn Quang Khải (Vì nhân dân quên mình) và còn rất nhiều… nhiều nữa các cán bộ, dân thường… đã “phải làm nhạc sỹ” do yêu cầu của cách mạng, do không có bài phục vụ kịp thời yêu cầu của đường lối, chính sách nên họ đánh liều làm nhạc sỹ nhất thời! Nhưng sau đó thì… “tịt”, không thể tiếp tục “dám nghĩ dám” làm thêm khi đã tỉnh ra là: làm “nghệ thuật tử tế” không phải là chuyện dễ!

Cho nên lặng lẽ rút lui là chước tốt nhất. Tuy nhiên cũng có một số bài, do ra đời đã… gặp “vận”, đúng thời cơ lại còn được các cơ quan tuyên truyền, phát thanh quảng bá rầm rĩ, liên tục… đến mức cả nuớc nghe mãi phải quen tai (như tớ đã từng quen tai với tiếng tầu điện mỗi sáng chạy rầm rầm leng keng lóc cóc khi phải nằm ngay cạnh nó có 20 mét suốt 3 năm trời ở 26B phố Huế Hà Nội, đến khi bỏ tầu điện cho thủ đô được văn minh, lịch sự hơn (! ?) thì tớ bỗng dưng lại thấy... nhớ!).
Thế là bài hát đó trở nên quen thuộc mặc dầu anh bộ đội và quần chúng bình thường chả ai hát đúng nó như bản ghi son-phe bao giờ! (bài Vì nhân dán quên mình). Ở đây cũng phải nói đến một số bài hát… “tập thể sáng tác” như “Thời cơ đã đến”, “ Biết ơn Đảng và chính phủ” …, dù có tặng giải nhất (trên cả Vì nhân dân quên mình - giải2), dù cố tuyên truyền, phổ biến hết cỡ nhưng cả bài hát lẫn “tập thể tác giả” đều… bốc hơi sớm nhất! Cái nguyên nhân bốc hơi ở đây chính là cái sự lầm tưởng là âm nhạc cũng như mọi ngành văn học nghệ thuật khác, “quần chúng đều làm nên tất cả” …
Vậy thì tập thể lẽ nào chẳng hơn hẳn một vài sỹ nọ sỹ kia mà đa số đều xuất thân từ những thành phần không đáng tin cậy! Và khi đã trót lỡ bước thử vào nghề âm nhạc mới biết: không dễ có nhiều Rouget de Lisle ở cuộc đời này nên các “nhạc sỹ một bài”, các "mhạc sỹ tập thể" đó đã... tự… bốc hơi cho phải lẽ!
Nói một cách khác, họ đã tự biết mình, biết người, không có nghề thì thà đi làm việc khác có ích cho xã hội hơn là cứ vác một "trăm bó đuốc đi kiếm một con ếch âm nhạc"! Tớ tôn trọng và đánh giá cao việc tự mình nửa đường đứt gánh này! Một số không nhỏ những “nhạc sỹ bất đắc dĩ” này là bạn tớ, đồng đội của tớ, thậm chí cả những người “trở cờ”, “dinh tê” sau này, có dịp gặp lại tớ đều “khen” tớ là “khéo xoay chuyển” để tồn tại trong sáng tác ghê! Chẳng hiểu đây là lời khen hay lời mỉa mai cái thằng nhạc sỹ “muốn gì có nấy” như tớ đây?

Một số, khi đã thành đạt hoặc tồn tại trên lãnh vực khác thì không hề muốn mọi người nhắc đến những “tác phẩm” chẳng có một xu nghệ thuật nào của họ và “xin tha” cho họ hai chữ “nhạc sỹ” vì động tới nó thì càng thêm… xấu hổ!.
Đó là những Cao Xuân Hạo nhà ngôn ngữ học với tác phẩm mà ông không muốn ai nhắc tới như “Đảng là ánh đuốc”, “Vì hoà bình hãy nổ súng”! Đó là Hữu Hiệp “xin tha” cho cái chức danh nhạc sỹ dù từng nổi tiếng với “Trào lòng”, “An Châu” …
Đó là Doãn Quang Khải, người đồng đội nhiều năm của tớ, từ thuở Lục Quân Trần Quốc Tuấn cho đến khi về F 325 “bị” ép làm văn công nhưng đã tìm mọi cách để chuồn lẹ với sự góp sức của chính tớ… Và ngay cả với Nguyễn Đình Thi người “nhạc sỹ… với hai bài” nổi tiếng (“Diệt Phát Xít” và “Người Hà Nội”) cả nước biết tên cũng đã nhiều lần khước từ cái chức danh Nhạc sỹ khi Hội Nhạc Sỹ đã hơn một lần muốn kết nạp ông vào Hội cho… thêm rôm rả? (dù ở Việt Nam, một ông có tiếng là đa tài nhạc-hoạ-văn-kịch-báo sỹ là chuyện có thật và người ta rất vênh vang khi in trên cạc vi-zít một loạt Hội mà người ta đang là hội viên chính thức để khoe mẽ đến là… đáng nực cười!

3/- MỘT TRƯỜNG HỢP TỰ BỐC HƠI KHÁ THÀNH CÔNG

Đây là một người khá nổi tiếng, sinh sau tớ đúng 63 ngày, một ngưòi mà tác phẩm âm nhạc được truyền miệng khắp Bắc, Trung, Nam, khắp vùng “ta” lẫn cả… vùng “địch”, một người “nhạc sỹ đích thực” mà tớ luôn cảm phục (về nghề nghiệp).
Những năm 46-50, trong kháng chiến chống Pháp, không ở nơi nào mà có các cuộc biểu diễn văn nghệ lại không vang lên những: “Mời anh Vệ Quốc dừng chân bên quán” … hoặc “Đường về làng tôi xa xôi lắm” … làm rung động hàng vạn trái tim người. Đọc đến đây, những friends yêu âm nhạc từ tuổi 50-60 trở lên chắc đã đoán được anh là ai rồi. Đúng!
Đó chính là Việt Lang, cái anh chàng Vệ Quốc ở Liên Khu III đó đã nổi tiếng với những “Thu trên sông”, “Tình quê hương”, “Những hình bóng qua”, “Đoàn quân đi”, “ Mùa không biên giới” … trước cả những “Sơn Nữ ca”, “Nụ cười sơn cước”, “Anh đến thăm em một chiều mưa” cả hàng năm trời! … Bằng những lời ca, bằng những giai điệu thật trong sáng, đẹp cả về hình tượng âm nhạc lẫn văn học, Việt Lang đã đi sâu vào tâm hồn những người lính thời ấy, những “Bầy em tôi đang quay sa” … bằng “nhưng cô nàng, khăn hồng lệ thấm”, bằng những ước mơ của những người lính “Hẹn ngày mai chiến thắng chớ quên đường về làng xưa” hoặc “khi nao về xóm cũ, dò hoa thăm dáng xưa, biết người còn đó chăng, nói đôi lời thiết tha” …
Nghĩa là Việt lang đã “Nói Hộ” cho nhiều người cái mà mọi người không nói được. Việt Lang, những năm 45-50 của thế kỷ trước là một trong những nhạc sỹ được quần chúng tạch tạch xè cánh tớ coi như đàn anh trong nghề làm bài hát phục vụ con người…
Và chính cái Chân Thiện Mỹ không giai cấp đó đã làm khổ ông! Người ta bơi móc đủ điều. Nào là Việt Lang phục vụ ai? Quần chúng công nông binh hiểu gì khi nghe “Ai nghe tà áo rách vui ngày tháng/ Bầy em tôi đang quay sa! ?” hoặc “ai mong chờ ai” khi kết luận bài Đoàn Quân đi bằng “Em vẫn mong chờ tới ngày ấy đôi ta cùng mơ’”! ? Sao lại mơ? Thậm chí có kẻ độc miệng còn kết hợp cả việc một số tác phẩm đuợc phổ biến trên Đài Hà Nội tạm chiếm là… “Bài hát của Việt Lang bài nào cũng có thể dùng cho cả ta lẫn địch!” Tóm lại “Việt Lang hoàn toàn làm nhạc không phải cho giai cấp mà là cho… kẻ thù của giai cấp”. (Kết luận của một ông “quan văn nghệ” - nay đã ngoẻo củ tỏi nên cũng chẳng cần nêu đích danh làm gì) tại Lớp học của Văn Nghệ Liên Khu 3, 4 tại Kim Tân, Thanh Hoá năm 52

Đây là hai thằng Vệ Quốc năm xưa, gặp nhau tại Đại Hội Kỷ niệm
50 thành lập Hội Nhạc Sỹ Việt Nam (1957-2007)
(Ảnh chụp ngày 26 tháng 12/008 trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội,
Tớ đứng bên trái, Việt Lang bên phải)
Của đáng tội, Việt Lang cũng đã có lần thử sức trong thể loại âm nhạc “ùng oàng” và đã thành công không kém gì những bài êm dịu, trữ tình của anh.
Đó là bài: “Kìa Chicagô, tiếng thét lớp dân nghèo nàn…” mà người ta thường thay thế cho cái đề tưa nghe nó quá chung chung là “Bài ca Quốc Tế Lao động”, mà tới hôm nay người ta vẫn dùng phần âm nhạc nhưng không thấy phát lời ca bao giờ?... Có thể nói, nếu muốn tồn tại, muốn "trèo cao" trong hàng ngũ nhạc sỹ thì, Việt Lang phải từ bỏ cái sở trường để đi vào cái sở đoản.
Nghĩa là phải từ bỏ tiếng nói của trái tim mà lăn vào nhiệm vụ “làm âm nhạc theo yêu cầu”! Trước tình thế này, VL đã chọn con đường khá đặc biệt. Anh không dinh tê, không chuyển nghề, không đốt hết tác phẩm như hoạ sỹ DBL, không tự tử… mà xin ra khỏi quân đội, rồi xin thi lại Trung học chuyên khoa ở cái trường trung học phổ thông cao nhất vùng tự do lúc bấy giờ là Nguyễn Thượng Hiền, sau đó lại cặm cụi học tiếp Đại Học Sư Phạm rồi trở thành thầy giáo với cái tên không hề dính kíu đến những tác phẩm của anh là… LÊ HUY.
Anh không công nhận anh là Việt Lang, thậm chí nổi tự ái lên khi ai đó gọi đến cái tên Việt Lang. Anh ghi cả ngoài cửa phòng anh là “Ở đây, không có Việt Lang nào hết!” Thậm chí bạn bè cùng học còn kể lại là ông đã từng nổi khùng lên khi bị ép nhận tên Việt Lang là: Chính anh là Việt Lang chứ đâu phải tôi!”Chẳng biết Đoàn quân đi, đoàn quân đến nào hết!” Gần nửa thế kỷ trôi qua, trước những tin đồn thất thiệt “Việt lang đã chết!”, “Việt Lang đã dinh tê”, chính anh cũng chẳng thèm cải chính làm gì cho nỗi oan của cái tên Việt Lang mà anh đã quyết tâm xoá sổ! Rõ ràng anh muốn tự mình rũ bỏ cái quá khứ làm nhạc sỹ quá rắc rối (hay quá bất công?) đối với anh. Và cái tên giáo viên cấp ba, dịch giả của “Lão Goriot” của “Phia Tây không có gì lạ”, rồi trưởng đoàn chuyên gia giáo dục gần 10 năm ở tít Angola châu Phi xa xôi hình như đã làm anh đỡ bực mình với những kẻ muốn đi săn tìm một Việt Lang "tự bốc hơi" để vẫn tồn tại dưới hai cái tên mới Lê Huy hoặc Lê Quí Hiệp!!!

Cho đến những năm gần đây, dù anh không muốn, người ta vẫn đưa lên Đài, lên Báo, lên Truyền Hình nhiều tác phẩm mà vì nó anh đã phải tìm cách tồn tại bằng cách “Tự Bốc hơi” để có được yên tĩnh trong tâm hồn. Vậy mà trời xui đất khiến thế nào "những đứa con lâu nay bị xua đuổi" bỗng vụt đứng dậy, trước cả người cha đẻ ra nó!
Sau một thời gian quan sát thấy lũ con yêu của mình quả là được công nhận thực sự rồi, anh quyết định công nhận: Lê Huy chính là Việt Lang và anh đã công khai ra mắt tại Đại Hội Kỷ Niệm 50 năm thành lập Hội Nhạc sỹ Việt Nam với tư cách là… “khách mời”
Hai thằng bạn già gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Thế là cái kết “có Hậu” rồi!
Tuy nhiên tớ cứ ậm ừ mãi một câu góp ý chân tình khi anh đưa cho tớ mấy bài hát mới sáng tác (có cả bài viết lời bằng tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha dưới cái tên lại mới toe nữa là… Huy Lê!) rằng: “Chỉ nên để cái tên Việt Lang bên cạnh những sáng tác cũ để chúng được sống với công chúng, với thời gian. Còn nên dẹp các thứ “Chúc mừng năm mới”, “Chào mừng ÁSEM…” với cái tên Huy Lê lại (!) vì bây giờ cả nước đã biết anh là Việt Lang - Lê Huy rồi! Không nên để Huy Lê giết Việt Lang nữa!”Hãy cho Huy Lê bốc hơi đi kẻo nó sẽ làm hại Việt Lang đấy!” Vậy mà, dù rất quí ông bạn già, tớ vẫn không sao nói lên được thành lời… cho đến ngày phải rời Hà Nội để chốn rét hại! Chẳng biết có nên nói thẳng cái sự thật này ra với anh không nhỉ? Hay là cứ để cho cái tên mới Huy Lê nó… tự bốc hơi theo quy luật “kinh thế thị trường” ?

Hai cách sử sự với bản thân khi nhận thấy “Nghệ Thuật chỉ là nghệ thuật đích thực khi được nói lên Sự Thật từ Con Tim, không chịu sức ép của bất cứ một thế lực chính trị nào” bằng không thì… “tự bốc hơi” của hai nhân vật Dương Bích Liên (entry trước) và của Việt Lang, ai tiêu cực hơn ai? Ai “đáng nể” hơn ai?
Các friends hãy comment tha hồ thoả thích nhé!
Tô Hải
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

62. Tớ hắt xì hơi!
Tô Hải - 01/08/2008

Vậy là đã đúng 18 ngày tớ không sờ mó gì đến cái ky bót, đúng 18 ngày tớ nhận được không biết bao nhiêu là comment, message, Email, cú điện thoại... hỏi thăm về cái sự "im hơi lặng tiếng" của tớ. Nhiều Friends yêu thương tớ còn lo cho tớ liệu có "bị" gì gì đó không? Hay là lão già này ngỏm củ tỏi rồi chưa biết chừng ?.
Có bạn còn yêu cầu tớ nếu chưa có hứng viết gì thì hãy hắt hơi lên một tiếng cho mọi người mừng là bác vẫn chưa "chịu ra đi!” Bởi dzậy cho nên hôm nay tớ hắt xì hơi hẳn một tràng hắt xì, trước là để ra tín hiệu: tớ vẫn chưa có triển vọng được về với ông bà ông vải (không thể về với bố mẹ được vì cả hai cụ hiện nay đều yên nghỉ ở bên... Cali!) mà không qua được cái tuổi 83 (Ta) sẽ đến vào dịp 24 tháng 9//2008 này!

Tóm lại mấy cái bệnh người già chết tiệt nó hại tớ sau vụ "Bắc Du gặp... rét hại" hồi cuối năm 20007, làm phiền rất nhiều bạn bè khắp năm châu bốn biển tốn thời giờ, công sức, thậm chí cả tốn tiền mua thuốc gửi từ Texas, từ Duselldorf về cho tớ làm tớ vô cùng cảm động, nay đã giảm đến 90%. Trừ cái bệnh mắt bị mờ sau một lúc đọc sách hoặc lướt net thì bác sỹ kết luận là: Nguyên nhân chính là do tớ ngồi quá nhiều trước màn hình computer nên mắt làm việc quá sức, nó bị nhoè chứ chưa phải là... mù! Cách chữa duy nhất là: hạn chế tối đa làm việc bằng mắt, chủ yếu là nhìn... xa chứ không được nhìn... gần!
Thế là tớ đành phải nghe lời và làm việc trên máy tính theo chỉ huy của bà... xã! Nghĩa là bà bảo Thôi là thôi! bà cho Nữa thì cứ nữa! Nói chung là năng xuất viết lách nó có giảm đi 50% do sợ... mù... thông tin. Tuy nhiên tớ vẫn vượt quy định cho phép nếu hôm nào trên thế giới có lắm chuyện xảy ra... nhất là săn những thông tin gì mà Nhà Nước không muốn cho dân biết! Cái tính tò mò, thích làm trái lời bố mẹ tớ đã có từ thuở Tây học nó làm khổ tớ suốt đời là như dzậy đó.
Ngoài ra, thời gian vừa qua, có rất nhiều ý kiến hầu hết là chân thành góp ý tớ, chất vấn, thắc mắc, thậm chửi rủa tớ (không quá con số 10 trong 140.000 views) làm tớ phải suy nghĩ lại về cái bờ-nốc của mình sau một năm tồn tại. Tớ tạm tổng kết lại các ý kiến đáng phải suy nghĩ rồi xếp chúng vào hai loại để nhân dịp hắt xì hơi này tuôn ra luôn! Mong bạn bè khắp nơi cứ coi tớ như một thằng "con nít có râu" mà góp ý thẳng thắn nhé:

1-/ Tớ là ai?- Đọc từ cái entry đầu tiên đến cái cuối cùng, ngoại trừ phần đông lớp trẻ đều khoái tỷ khen tớ hết lời thì một số bạn bè, đồng nghiệp, ở cái tuổi U80 hoặc U70, 75, nhất là những đồng chí đồng choé cũ nay không còn ở Việt Nam đều thắc mắc thậm chí chửi tớ là một thứ "cộng sản phản tỉnh vào giờ thứ 25"! ?.
Có một bài trên một trang web hải ngoại còn xếp tớ là đồng bọn của "đặc công đỏ", nói hộ những gì Đảng "không thể" hoặc "không dám" nói ở cái thời điểm nhạy cảm này vì Đảng đã sửa chữa những gì mà các vị tiền nhiệm đã đối sử sai với văn nghệ sỹ rồi mà sao cứ còn ngoáy mãi vào cái thời ấu trĩ đó làm gì? Cụ thể là các vị Nhân văn Giai Phẩm cũ đều được "phục hồi không tuyên bố", các tác phẩm, tác giả xưa bị coi là "tiểu tư sản", "phản động", "đồi truỵ" thậm chí bị bỏ tù, bị coi là bọn "đĩ điếm, thất nghiệp, lưu manh, bám đít Đế Quóc kiếm bơ thừa sữa cặn" (những người bỏ nước ra đi) đến nay cũng được nhà nước "cho phép" xuất bản, thậm chí đề cao như những người "khổng lồ của thế kỷ XX".
Rồi những nghệ sỹ chống cộng khét tiếng một thời nay về nước (về hẳn hoặc về chơi) cũng được báo chí của Đảng tung hô hết lời, ra mắt cực kỳ hoành tráng. Vậy thì tớ cứ loanh quanh với mấy cái quá khứ không bao giờ có thể tái diễn ở cái đất Việt Nam này ra để làm gì! ? Có phải tớ đang... "cứu Đảng", đang làm cho nhân dân thấy được cái khác biệt xa vời về lãnh đạo văn nghệ của "Đảng ngày xưa với Đảng ngày nay?" Tóm laị, tớ chẳng bao giờ dám động chạm gì đến những gì đang xảy ra ngay trước mắt mình mà cứ vạch ra những sai lầm của "quá khứ", chẳng khác nào một anh cầm đèn chạy sau... đít ô-tô!, vừa chạy vừa la làng: "Sau lưng tôi là bóng tối, tối lắm, còn đằng trước là đường rộng thênh thang... trước mặt sáng sủa vô cùng!”

2-/ Một số thì khuyên tớ, đôi khi thách thức tớ, chê tớ: "Chưa dám gọi Mèo là con Mèo" một cách dứt khoát mà chỉ tưng tửng nói những chuyện "vô bổ" mà ai cũng biết là sai rồi (kể cả lãnh đạo). Vậy có giỏi thì lao vào ngay những đề tài nóng hổi của văn nghệ ngày hôm nay đi.
Ví dụ: hãy phân tích, phê phán, đánh giá thoải mái, công bằng về những tác phẩm đang gây nhiều tranh cãi vừa qua. Cụ thể, một ông đồng nghiệp tay mang tập "Đi tìm cái Tôi đã mất" của Nguyễn Khai 'leo' lên tận "động không tiên" của tớ mà yêu cầu: Trình độ tớ, cần phải lao vào cuộc tranh luận chưa được phép này.
Vài ý kiến của Vương Trí Nhàn, Huệ Chi, Bùi Tín... không có mấy tác dụng cho tất cả anh em văn nghệ cách mạng đang hết sức tung hô và tự tung hô mình! Chỉ một câu mà Nguyễn Khải viết về giải thưởng Hồ Chí Minh là "tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi kết thúc" hoặc "nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ thứ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì" cũng đủ làm rung động toàn thể giới văn nghệ sỹ "cách mạng" rồi! Tại sao không mấy ai dám lên tiếng... là "Láo", là "Đúng" là "đáng phục", là "đáng quật mồ" lên mà đánh cho mười roi để làm gương cho những thằng sắp chết khác.! ?

Tóm lại vẫn... Hèn, vẫn... Sợ, vẫn theo con đường tồn tại kiểu cụ Nguyễn Tuân "Tớ tồn tại vì biết... Sợ " mà thôi!

Và nói trắng ra thì tớ cũng như một vài "bờ nốc ghơ" khác vẫn chỉ là mấy anh... vô trách nhiệm trước thời cuộc nóng bỏng đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ngay trước mắt mình. Cái ông bạn già này còn động viên tớ là "Ông có xem và nghe Nguyễn Văn Tý - cũng giải thưởng Hồ Chí Minh cả đấy - tuyên bố thế nào trên DVD "hát với thần tượng" (Thuý Nga Paris) không? Ông ta hơn Nguyễn Khải ở chỗ còn sống mà dám nói, chẳng sợ ai túm gáy một thằng già 85 tuổi cả! Vậy ông có dám viết hẳn cái chuyện con "Mèo là con mèo" không? Bằng không thì... nên dẹp Blog kẻo mang tiếng là "phản tỉnh dỏm", tuyên truyền khéo cho "Đảng hôm nay".
Nói hộ Đảng hôm nay cái gì "sai lầm của Đảng ngày xưa"! Chả khác gì cái triển lãm tem phiếu, cục gạch thay người xếp hàng mua gao... thời bao cấp" chính là để đề cao cái đúng đắn, cái thành công tuyệt vời của cuộc sống hôm nay, của những người lãnh đạo đương thời! Nếu không sức mấy mà các ông Tuyên huấn hôm nay cho phép bôi xấu Đảng ngày xưa bằng một cuộc triển lãm có một không hai ở nước Việt Nam này".
Các câu chuyện xưa của tớ, theo ông bạn, "cũng chẳng khác chi cái cuộc triển lãm... bôi xấu chế độ... cũ vừa nói trên. Chẳng ai thấy hối hận hoặc có tội. Người kể chuyện dù có chứng cớ, dù là sự thật lịch sử 100% cũng chẳng bắn trúng cái đích nào, ngoài mấy cháu mới lớn thấy lạ lùng, thấy như chuyện không có thật mà có thật nên hoan hô ông rầm rầm.!” Ông bạn già từng 30 năm đánh đông dẹp bắc trước khi từ giã tớ ra về đã kết luận như vậy đó!

Hai cách đánh giá về tớ nói trên làm tớ phải suy nghĩ nhiều đêm để đi tới quyết định thực sự cầu thị là:

1-/ Phải tự đánh giá mình: Tớ là loại người nào cả quá khứ, hiện tại cũng như tương lai (dù còn ngắn ngủi)
2-/ Phải thay đổi cách làm Blog và phải "dấn thân" hơn nữa để khỏi bị đánh giá là "cầm đèn chạy sau đít ô-tô" mà cố gắng vượt lên chính tớ để... cầm đèn chạy trước ô-tô. Nào cố lên! Bạo lên hỡi anh già nhát sỹ!

Tràng hắt xì hơi của tớ quá dài rồi... Vả lại cái lưng của tớ nó không cho phép ngồi thêm, đôi mắt không cho phép nhìn thêm nữa rồi. Hẹn những entries sau (kỷ niệm tròn một năm tớ làm Blogger) sẽ có nhiều cái để mà comment, để chửi tớ hơn trước nhiều nữa!

Nói cho ngay, tớ cũng cảm thấy là Blog của tớ bắt đầu... có vẻ... thiếu... muối! (y hệt cái đất nước hơn 3000 c/s bờ biển mà phải nhập muối này), ít com-men, dù con số views đã lên tới 140.000, nhưng thăm kiểu phớt qua mấy tờ lá cải, lá mít, lá bàng xem có mấy con chó bị ô tô cán hôm nay mà thôi! Những người viếng thăm ruột đang có vẻ bớt đi hàng ngày so với những ngày đầu tớ mới liều mạng bước vào cái trò "đánh đu với tinh" này! Không cải tiến, đúng nguyên chỗ cũ thì là... chết!

Mà tớ thì vẫn chưa muốn chết! Thế mới khổ thân cái thằng tớ chứ!
Hát xì hơ...i...i... Hết!
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

63. Nếu tớ có quyền

Tô Hải - 09/08/2008

Thể theo sự gợi ý và cũng theo sự kiểm điểm sau một năm làm "Blogger già nhất nước" (theo báo E-Chip, chứ tớ không tự phong đâu nhé!), từ hôm nay tớ sẽ thử xông vào những chuyện đang diễn ra ngay quanh tớ chứ không chỉ "cầm đèn chạy sau đít ô-tô" chuyên kể chuyện xưa đã không còn tái diễn (?) từ khuya rồi! Tớ quyết định trình bày một số "mặt hàng mới", lấy ngay từ những tin mà tớ bảo đảm có thiệt lấy được từ báo chí, từ các hãng thông tấn có uy tín trên thế giới, đối chiếu kỹ lưỡng, xem vidéo clip, nghe các file audio... rồi sau đó mới thông tin kèm theo vài trăn trở, suy nghĩ cá nhân...
Vì vậy tin và bình luận của tớ đôi khi không được sốt dẻo. Tuy nhiên với những người chỉ có đọc "Báo Ta" thì là hoàn toàn mới, thậm chí là "tin mật" nữa. Tớ cũng vẫn tiếp tục "kể chuyện xưa" theo yêu cầu của một số bạn trẻ bị "quáng gà lịch sử". Nghĩa là vừa cầm đèn soi vào chỗ đã "sáng... một nửa" và soi thẳng vào những chỗ còn "tối mò"... Tớ bắt đầu...

TIN... MẬT NHƯNG... BÊN NHẬT ĐÃ BẬT MÍ.

Ngày 4/8/2008, cơ quan công tố Nhật đã bắt giam nguyên chủ tịch PCI (Pacific consultants International) Masayoshi Taga (62t), Tsuno Sakano (58t), nguyên giám đóc công ty nói trên tại... Hà Nội, cùng hai vị nữa vì đã nhận tội đưa hối lộ cho quan chức... Việt Nam để trúng thầu đại lộ Đông-Tây thành phố Hồ Chí Minh. (Báo Yomiriu Shinbun, NHK).
Tên của một quan chức Việt Nam ăn của đút đã được công khai hoá là Huỳnh Ngọc Sỹ. Số tiền mà vị này đã ăn cũng rất cụ thể là 620.000 USD. Báo chí nước ngoài cũng có thêm bình luận và "khen" ông này, khéo chùi mép chứ không dùng tiền hối lộ đi đánh bạc để phạm tội... "nhẹ nhàng" như Bùi Tiến Dũng PMU18! Vậy mà... tớ chờ mãi, lên mạng tìm trên các "báo ta" vẫn cứ thấy... im thin thít… Cứ làm như tớ cũng đui, mù, câm, điếc như nhiều người theo chủ nghĩa "mackêno". Thế là tớ mới liều mạng giả thử làm "người có quyền ảo", có thái độ trước tin này như sau:
Cử ngay một số cán bộ cấp tướng chuyên về điều tra cùng một số cán bộ “an ninh điều tra” để... điều tra lại mấy ông…. điều tra cho chắc ăn! Cái vụ này thật tình tớ mới được biết cũng là qua bài "giải thích" về vụ ông thứ trưởng Việt Tiến “không có tội” và hành động "có tội" của các nhà báo đã dựng đứng nhiều chuyện không hề có của ông Tiến với những “suy diễn, kết luận nguy hiểm…” ? (của trung tướng Hải Triều và ông Tô Huy Rứa). Hai đoàn này có nhiệm vụ bay ngay sang Nhật để "làm rõ vấn đề", nhưng không đi cùng lúc, không ở cùng khách sạn, làm việc hoàn toàn độc lập, cấm bàn bạc "thông... điều tra" cho nhau.
a-/ Nếu đây là tin "bịa đặt, tin do bọn thù nghịch muốn bôi xấu chế độ" thì ra lệnh mọi thứ mê-đi-à của ta phải đưa ngay tin, lên án quyết liệt những "kẻ xấu" này trên trang nhất, trong các giờ vàng, giờ bạc.!
b-/ Nếu là có bằng chứng phạm tội (dù bằng tiếng Nhật) cũng phải xin ngay về một bản sao (có công chứng, nếu bên Nhật cho phép) để “xin ý kiến” cho phép bắt nóng ngay cái ông Sỹ nào đó rồi dùng các “biện pháp nghiệp vụ” mà sớm đưa ra trước vành móng ngựa kẻo bọn chúng tẩu tán tài sản hoặc thông cung nếu có chia chác.
c-/ Cho một tổ trinh sát có nghề đi điều tra về tài sản của cái tên Sỹ nào đó xem hắn có bao nhiêu villa, bao nhiêu đất đai ở quê, tài khoản ngân hàng có bao nhiêu, sau khi đã kiểm kê công khai của cải tại nhà, tại cơ quan có bao nhiêu đô-la tiền mặt, vàng, kim cương, ô-tô, vật dụng đắt tiền để tiện so sánh với đồng lương thực tế mà hắn ta lĩnh trên cương vị hắn được giao để làm “bằng chứng không thể chối cãi” … vì cái bọn này chẳng mấy đời lại ký giấy biên nhận tiền ăn bẩn bao giờ mà đòi bằng chứng cụ thể (cái trò này bên Tầu người ta đã áp dụng để đưa khối anh khá to ra dựa cột ở pháp trường tại sao ta lại không học nhỉ?)
d-/ Giao cho Ban Chống Tham Nhũng vào cuộc, trước mắt là công khai hoá vụ án với lời hứa “quyết tâm sẽ chống tham nhũng đến cùng dù kẻ tham nhũng đó là ai, …”!
Tớ sẽ được toàn dân hoan nghênh hết xảy, chỉ lo…
Thôi! Để dành cho các bạn comment hoặc bắt chước tớ làm “người có quyền… ảo!”
.
TIN BUỒN THƯƠNG

Đúng ngày 27/7/2008 ngày thương binh liệt sỹ, tại số 15 đường 19a khu phố 4 Bình Hưng Hoà, Q.Bình Tân, có một thương binh cụt cả hai chân đã tự thiêu ngay trước cửa ngôi nhà đi thuê.
Vì chuyện xảy ra lúc 12 giờ đêm nên không ai biết, không ai kịp đến dập tắt lửa. Đến khi mọi người ngửi thấy mùi thịt khét chồm dậy thì anh chỉ còn là một khôi tròn đen ngòm và… lạ thay, vẫn còn thở, tim vẫn còn đập! Người ta đưa anh vào bệnh viện chợ Rẫy, anh được vào phòng “săn sóc đặc biệt”, không ai được tiếp cận. Cho đến 16 giờ chiều 28 thì bạn bè, đồng ngũ anh mới được báo tin: “Anh đã qua đời vì bỏng tới 90% thì không có cách gì cứu nổi”. Và người ta đưa anh xuống Nhà xác. Sáng hôm sau, bạn bè, đồng ngũ và con trai của anh làm nghề đạp xích-lô đến để “xin” xác anh về thì… mọi ngưòi mới té ngửa ra là: Phải nộp… 6 triệu đồng tiền săn sóc đặc biệt và ngủ một đêm khách sạn có gắn máy lạnh là “Nhà xác”!! ??. Gia đình anh đã định bỏ cuộc và “biếu” luôn cái xác thiếu hai chân đó lại cho bệnh viện nhưng bạn bè, nhất là đồng ngũ, cấp trên cũ của anh, nay có điều kiện kinh tế khá hơn anh đã điều đình với bệnh viện để cuối cùng chỉ phải trả có… 3 triệu! Cái xác cháy 90% đã được dưa “về nhà” để làm các thủ tục một đám tang quân nhân hy sinh như điều lệnh của Quân Đội Việt Nam… Cộng Hoà!
Thì ra, anh là thương-phế binh của phía “bên kia”! Tớ đã cùng vợ xem vidéo clip đám tang của anh, cũng có dàn chào theo kiểu nhà binh (trừ bắn súng chỉ thiên) và hai vợ chồng tớ không cầm nổi nước mắt. Tuy nhiên tớ cũng phải kiểm chứng cẩn thận qua nhiều trang web trong và ngoài nước, thậm chí gọi điện hỏi một người bạn của bà xã đang sinh sống gần đó và một đứa cháu họ đang công tác tại một cơ quan đóng tại Bình Hưng Hoà, thì đều được xác định là chuyện này có thật 100%. Chỉ có điều, dân ở vùng này đều không biết anh là thương phế binh “nguỵ” vì từ khi về đấy ở, người ta chỉ gọi ông là “ông già cụt” chẳng ai biết được cái tên thật của anh là Trần Văn Hoà, binh nhì thuộc Tiểu Đoàn 2, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân bị bắt buộc phải tử thủ ở An Lộc nên cụt cả hai chân!... Lý do anh tự thiêu thì ai cũng biết: Nghèo khổ và… tủi nhục vì sự lãnh đạm của “người đời”.

Cho nên NẾU TỚ CÓ QUYỀN… tớ sẽ phát triển và đưa vào đời sống cái chủ trương “Hoà Hợp và Hoà Giải” của Đảng và Nhà Nước bằng cách:

a-/ Sớm đưa ra một “tu chính án” trước Quốc Hội về các luật, các chính sách cần sửa đổi về thương binh, liệt sỹ để sớm coi những người đã chết của cả hai phía đều là “nạn nhân chiển tranh”, được đối xử như nhau hoặc chí ít, cũng được đối xử như mọi người dân thường “phía bên kia” nhưng đã may mắn không phải đi lính như anh Hoà.

b-/ Tớ sẽ nhân danh cá nhân đến thăm gia đình vợ con anh (vợ anh cũng bị tai nạn liệt giường) và tặng họ một món quà nho nhỏ thể hiện những gì mà các anh Triết, anh Dũng đã nói nhiều lần “Xoá bỏ quá khứ, hướng tới tương lai, hoà hợp, hoà giải" và nếu "ngoạn mục" hơn nữa là ra tận mộ anh (nhà anh cũng ở ngay sau nghĩa địa Bình Hưng Hoà thôi mà) đặt một bó hoa nho nhỏ. Việc này sẽ có tác dụng chính trị gấp trăm lần các khẩu hiệu “Hoà hợp, Hoà giải” mà chỉ thấy hoà hợp với mấy anh có tiếng tăm (cả tai tiếng) "việt kiều yêu nước… ngọt", kiểu Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy…

Tớ cũng chẳng có sáng kiến gì lắm trong cái vụ “hoà giải với người chết” này. Nhưng làm được như thế thì chắc chắn tớ sẽ nắm được quyền lâu hơn nữa. Phải không các bạn?
Tô Hải
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

64. Nếu tớ lại tiếp tục có quyền… ảo
Tô Hải - 10/08/2008

Thật bất ngờ khi mới post lên cái tiết mục “Nếu tớ có quyền… ảo”, chưa kịp Edit, sửa chữa lỗi chính tả đã có rất nhiều comments và cùng tớ …” gánh vác viêc nước” (ảo) đến thế. Vì vậy, nếu sức khoẻ cho phép, mỗi ngày tớ đưa lên mạng một tin (không vịt) để các bạn gần xa hoặc tự mình cũng thử làm người có quyền ảo mà giải quyết các vấn đề tớ nêu lên hoặc cùng tớ bổ xung cách giải quyết đến nơi đến chốn cái vấn đề đó. Chú ý: Dù là chuyện ảo nhưng hết sức tránh những phương pháp, những ngôn từ dễ làm những người đang có quyền thật sự, thay vì cảm ơn chúng ta lại quy kết chúng ta là “ Âm mưu này nọ nhé!

Tin… tức cái mình - Sáng nay, 10/8/008, vào mạng để đọc mấy cái đầu đề của báo Tuổi Trẻ (lương hưu của tớ làm sao mua nổi báo nhà nước mới rất lễ độ "xin phép người mua được... tăng giá!”) nên mỗi sáng chỉ vào mạng đọc qua các đầu đề của hai tờ có nhà báo bị bắt giam là đủ nắm được hết các tin "được phép thông tin" của Nhà nước rồi vì "báo nào chẳng giống báo nào, khác nhau toàn chuyện tầm phào vô duyên”.
Thế là tớ nổi khùng lên với ông Bộ Tài Chính! Ai đời ông lại ra một phát quyết định mới “đâm sau lưng” thủ tướng của chúng ta lần nữa! Lần trước thủ tướng vừa trịnh trọng tuyên bố “không tăng giá các mặt hàng như điện nước, xăng-dầu, xi-măng sắt thép, cước phí giao thông vận tải… thì đùng một phát anh Tài Chính quyết định… tăng hơn 30% giá xăng!! Một cú rơ-ve đau hết chỗ nói!
Ấy vậy mà gần đây trong lúc đi chỉ đạo chống lạm phát khắp nơi, kèm theo chỉ thị, công văn chỉ đạo “cương quyết không để tăng giá tuỳ tiện các mặt hàng… (báo chí trong và ngoài nước đều có đưa tin). Nếu vi phạm có thể rút phép kinh doanh vĩnh viễn. Ấy vậy mà đoàng một phát ông Tài chính lại cho phép tăng giá máy bay đến gần 20% (tớ chẳng biết tính thế nào cho ra số tiền tăng giá cụ thể khi báo chí đưa tin như ra một đề một toán: 'Từ 850km, nộp phụ phí 180.000 đồng'???)!
Nhưng có lẽ để lần này thủ tướng đỡ cảm thấy bị “sửa lưng”, báo chí (hay chính BTC được sự giúp đỡ của một “tiến sỹ ngôn ngữ học dỏm” nào đó mách nước ?), đã ra cái quyết định không số đó bằng một cụm từ rất chi là… nhẹ nhàng, lơ mơ… Họ không dám dùng chữ tăng giá mà “trả thêm phụ phí xăngdầu”! ?! ?. Thật ranh ma kiểu… trẻ con! Thử hỏi: nếu ngày mai tất cả các hàng ăn, các siêu thị và mọi cửa hàng trên khắp nước, đều có áp dụng cái “sáng kiến đánh lừa con nít” này mà đề vào các bảng giá cụm từ “chưa kể phụ phí xăng dầu” thì sao nhỉ?...

Lại một cú “đánh dưới thắt lưng” thủ tướng nữa. Chả biết ổng ấy có thấy đau không chứ tớ thì “nổi máu có quyền ảo” lên định đưa vấn đề “bất nhất” lần hai này lên bàn để giải quyết (cũng ảo thôi). Sau nhiều giờ suy nghĩ tớ định giải quyết như sau:
1-/ Gọi ngay mô-bai cho anh Tài Chính, bắt huỷ ngay quyết định, nếu có quyết định bằng giấy tờ tử tế!! Sau đó nhờ Ban Tuyên Giáo T. Ư, lô-phôn ngay cho hơn 600 tờ báo, báo nào đã đưa tin rất có hại cho uy tín của Nhà nước này phải cải chính ngay lập tức vì xét cho cùng kiếm thêm mỗi chuyến bay mấy triệu đồng thấm tháp gì với việc phải chi cho những chuyện lễ hội tế lễ, vê-sát, vê-sa khắp nơi! Đúng là tư tưởng “gà què ăn quẩn cối xay” đã làm hại đến uy tín của thủ tướng, đã làm nhân dân thêm mất lòng tin đang mất sẵn!
2-/ Bằng cụm từ này hay cụm từ khác, cho thay ngay cả bộ sậu Bộ Tài Chính này như đã làm với quân khu Thủ Đô với lý do nào đó, thậm chí chẳng cần lý do lý trấu gì cũng được!.
Tuy nhiên, sau khi nghĩ kỹ, tớ thấy… không ổn! Vì ngay thủ tướng thiệt (chứ không ảo như tớ) đâu có quyền cách chức bộ trưởng…? Nào phải thông qua tầng tầng lớp lớp những cơ quan, những cá nhân quyền hạn còn cao cả hơn thủ tướng. Nào phải giải trinh trước Quốc Hội mà cứ nhìn thấy mấy ông nghị ngồi nghe mà miệng cứ cười mỉm, hoặc nhắm mắt giả vờ chú ý nghiền ngẫm mà tớ phát ớn! Thế thì cái quyền ảo của tớ là quyền gì mà làm được hai điều trên???? Thế là tớ bi sắc bí! Quả là có quyền ảo cũng còn nan giải huống hồ là có quyền thật!
Liệu các friends gần xa có cách nào giúp tớ củng cố cái quyền lực ảo này không nhỉ! Xin chú ý lần nữa: Tớ không tán thành những ý kiến “thiếu xây dựng” như kiểu “hãy rút lui khỏi cái quyền lực ảo của ông đi vì thế này, vì thế nọ…” như có bạn đã mách nước cho tớ vì mặc dầu đáng xuống lỗ từ lâu, tớ vẫn còn ham… có quyền... ảo lắm./.
Tô Hải

65. Có quyền ảo tiếp tục (lần 3)
Tô Hải

Tin… cải chính… tin!!! - Trong entry viết về anh “thương binh tự thiêu”, do tớ quá nhiều dữ liệu ghi chép trong sổ tay và quá ham viết cho có kịch tính, hấp dẫn người đọc nên tớ cố tình giấu tên và, để làm người đọc cứ tưởng là thương binh… “bên này”, vòng vo tam quốc mãi tớ mới đưa ra cái “nút” của vấn đề cần “cởi”: Đó là một người lính trơn của “phía bên kia”, và khi bật mí cái tên của anh thì, do chủ quan, không coi lại sổ tay, tớ đã nhầm béng mất cái tên (lấy tên của phần ghi chép chuyện này sang tên người ở chuyện nọ!).
Tớ muôn vạn lần xin lỗi các bạn đọc mà xin cải chính như sau: Tên anh là: NGUYỄN VĂN BÁU chứ không phải là Trần Văn Hoà.. Hiện nay con anh, Nguyễn Thành Tâm, còn sống và làm “cycloman” đang cần sự chiếu cố của mọi nhà hảo tâm. (Chú ý! có giúp thì giúp… bí mật đấy vì hiện nay mới cấm mọi sự “hảo tâm tự phát” đấy!) …
Tuy nhiên, tớ thấy dù anh tên gì, anh cũng chỉ là đại diện điển hình cho hàng vạn con người “nạn nhân chiến tranh có cầm súng” cần được thấy sự “hoà giải-hoà hợp-xoá bỏ hận thù” trước khi… chết hoặc “tự chết” như anh BÁU... Đó cũng chính là mục đích của tớ khi viết entry này. Mong các bạn nào, các website nào trót hoặc sắp “repost” bài của tớ cũng cải chính dùm. Ngàn lần then-kiu!

Đến đây tớ xin phép vào nhiệm vụ "có quyền ảo" mới:

Tin buồn văn hoá - Vài năm một lần t/p Hòn ngọc Viễn Đông này mới tổ chức được một buổi hoà nhạc đúng nghĩa của chữ hoà nhạc, có cái tên rất chi là “Cách Mạng Mùa Thu”, có mời các danh cầm, danh ca, chỉ huy, … người ngoài gốc Việt hoặc người Việt gốc ngoài hoặc cả người không gốc Việt... về tham gia.

Vậy mà năm nay, theo báo Tuổi Trẻ ngày 11/8/008 đã trích lời bà Thế Thanh (hay Thanh Thế gì đó?) thì: do… không có tiền, không có ai tài trợ, do Nhà Hát Nhớn phải sửa chữa, do số tiền 1 tỷ đồng của nhà nước cấp quá eo hẹp nên Giai điệu Mùa thu năm nay sẽ không… hoành tráng như mọi năm!
Số tiền 382 triệu của chính quyền thành phố cấp cho chỉ đủ trả tiền máy bay cho các khách mời từ phương xa đến "hội ngộ" (chữ của T.T) mà thôi! Còn nơi biểu diễn chỉ có thể là phòng hoà nhạc của Nhạc viện với… 400 chỗ ngồi!
Chưa giải thích vì sao các Rạp Hoà Bình, các nhà văn hoá to tổ đùng như Nhà văn hoá Mạc Đĩnh Chi… các Nhà Thi Đấu… đòi tiền thuê quá cao hay cũng sửa chữa nốt, bà lại còn “tố” thêm là Truyền Hình Thành Phố cũng chỉ có thể phát trên HTV2, không có HTV7 hoặc 9 (luôn có nhiều khán giả trong những giờ vàng) như mọi năm! Không có tiền chi đủ cho Truyền Hình?... hay có sự nhận thức bất cập giữa cơ quan văn hoá với truyền hình về cái hay, cái đẹp, cái "ăn hay không ăn khách"??
Thậm chí cát xê cho các nhân tài biểu diễn được mời cũng chỉ sẽ là “tượng trưng” ?... Đọc xong mà thấy buồn tủi cho nền âm nhạc đích thực của nước nhà.

Thế là tớ lại nổi máu thèm quyền ảo lên mà giải quyết như sau:
1-/ Ra lệnh: trích ngay trong những số tiền thu được từ thuế doanh thu của các live show (chẳng biết lâu nay cơ quan thuế có biết thu khoản này không??? chứ ở bên Pháp live show của Madona, M.Jackson, … thuế doanh thu họ phải nộp tới… 60-70% vì các live show đều được coi là “sản phẩm của kỹ nghệ giải trí” cộng thêm phí quảng cáo cho mình, cho album của mình sắp ra hoặc đang… ế!) cộng cả tiền thuế thu nhập của các “sao, siêu sao” nội địa đã tự giác nộp để trích ra một số tiền, (dù chỉ là 1/10 tiền chi cho một cuộc thi Hoa hậu), để “bao cấp” ngay cho các cuộc biểu diễn "âm nhạc nâng cao dân trí" này.
Kẻ nào "trên tớ" mà không tin cách hành xử của tớ, cứ cử người bay ngay sang Pháp xem có phải họ “nuôi” các Nhà Hát Bastille, Grand Opéra de Paris… bằng chính những khoản mà “kỹ nghệ giải trí” nộp hay không. Không đúng tớ xin… từ chức liền! (Tớ, đã hơn một lần, đưa ra những con số cụ thể gọi là subvention de l’Etat của chính phủ Pháp cho các nhà hát này lên ngay các trang báo chính thống như "Sài-gòn giải phóng" để mong sao “Ta” có bắt chước được chút nào hay không khi đã bước vào kinh tế thị trường, hoà nhập vào Vê-kép-tê-ô… nhưng chẳng thấy có cái ép-phê nào!)

2-/ Ra lệnh biểu diễn một số buổi không lấy tiền hoặc lấy giá “cực rẻ” để nhân dân và nhất là thanh niên, sinh viên đến làm quen với thể loại “âm nhạc tử tế” này mà lâu nay người ta “bị” và “cố tình” hiểu nhầm: âm nhạc chỉ là bài hát pop, rock, rap! ? Việc này ngay ở các nước văn minh, tiên tiến, có lịch sử âm nhạc huy hoàng cả chục thế kỷ nay cũng đã và đang phải làm để nâng cao nền văn hoá âm nhạc của công chúng (culture musicale) trước sự xâm lấn của mọi thứ âm nhạc giải trí ngoại lai rẻ tiền, nhằm bảo vệ nền văn hoá của nước họ.
3-/ Ra lệnh mở một chiến dịch tuyên truyền chống mọi hiện tượng lợi dụng danh nghĩa “mạnh thường quân” để tự đánh bóng cho cá nhân, cho tổ chức của mình (trường hợp cái gì... pờ-sì-cô, nhà tài trợ đội bóng Sông Lam Nghệ An) hoặc để... kiếm chác, chấm mút nhưng sự thật thì tiền đổ ra vẫn là lấy của dân. Ví dụ: Nhà băng nọ, tổng công ty kia tài trợ cho đội bóng A, B cả tiền tỷ tỷ, liệu họ có lấy tiền túi của các ông tổng giám đốc hay lại là lấy tiền nhà nước đi làm Mạnh Thường Quân! ? Vậy mà, để nâng cao dân trí, các vị lãnh đạo có quyền mở két nhà nước giúp đỡ mọi người lại cứ giả mù giả điếc! ?

4-/ Cho soạn thảo một bộ luật về "Kỹ Nghệ Giải Trí" sau khi đã tham khảo luật của các nước gần xa và lấy ý kiến của các chuyên gia (thật) ở trong nước để sắp xếp các loại show-biz vào trật tự, không để tùm lum live show, “thi thố Ai đôn, sao nọ sao kia... có o bế, có chỉ đạo của chuyên gia nước ngoài” và… có lấy tiền vô tư như lâu nay nữa? Mục đích cuối cùng cũng chỉ nhằm khuyến khích và không khuyến khích loại hình nghệ thuật nào. "Tuổi Trẻ" (12-8-008) chuyên hua-ra các loại hình show-biz cũng phải la lên là “quá nhiều các thứ live show, quá nhiều các cuộc thi cử mà chẳng “nạo vét” (từ của chính tờ T.T) được mấy nhân tài!”

Cái chuyện văn hoá này tớ chắc ít người phản đối tớ vì phản đối chẳng hoá ra mình… kém văn hoá sao? Phải không các bạn? “Vi tín” ở cái quyền ảo của tớ lần này chắc sẽ… được nâng cấp lên một bậc là… cái chắc!

Tin… què cụt - Đây không phải là tin về thương phế binh gì mà là tin về viêc... đưa tin! Đã định ém nhẹm thì thà cứ án binh bất động. Đã động tới những tin đang là đề tài hàng đầu của thế giới (à la une) thì đừng đưa tin què cụt hoặc xuyên tạc. Tớ muốn nói đến cái chết vừa qua của đại văn hào Nga Alexandre Solzhenysine, giải thưởng Nobel về văn chương...
Trong khi những nhân vật lớn nhất, những chính phủ, những vĩ nhân của thế giới không thiếu từ, tính từ trạng từ nào đẹp đẽ nhất để bầy tỏ lòng thương tiếc kể cả các nguyên thủ quốc gia lớn thì báo ta chỉ có vài dòng đưa tin nhạt nhẽo rồi chấm hết, im lặng như bị bịt mồm! Cứ làm như đây chỉ là cái “cáo phó có trả tiền” một anh cha căng chú kiếc nào đó!
Không một cây viết, một nhà văn nào dám có đôi dòng dám đánh giá hoặc “lên án” ông là người đã “góp tay đánh phá nhằm đánh đổ chế độ sô-viết” như xưa. Đã thế trên website eVan (Hội Nhà Văn Việt Nam? - lạy trời không phải!), đúng vào dịp này lại "tương" lên mạng một bài dịch… "giả", nghĩa là dịch tuỳ nghi cắt xét, xuyên tạc, thậm chí còn “sáng tác” vào bản dịch những câu không hề có của bản chính của báo Inđependent ra ngày 5/8/2008 (cũng tái bản bài phỏng vấn Solzhenýsine cách đây đã hai năm trên tờ Spiegel của Christian Neff và Mathias Scheff có nhan đề “I am not afraid to death”. Bài dịch… "mắc dịch" đó đã… cắt bỏ đi những gì là thành tích vĩ đại nhất của đại văn hào được nhân dân Nga cũng như tổng thống Međvedev, thủ tướng Putin vinh danh ông trong các điện chia buồn hoặc đọc ngày lễ tang. Lão "mắc dịch" này cũng quên dịch ý kiến rất khoan dung và cao thượng của Solzhenýsine về những năm bị tù đầy khốn khổ ở quần đảo ngục tù dưới thời Stalin, không dám kể đến cả tên những tác phẩm của ông đã làm ông trở thành người chiến sỹ đấu tranh bằng ngòi bút cho tự do và quyền được làm người... (Những tác phẩm mà, xin lỗi người dịch nhé, chúng tớ đã đọc nát ra từ những năm 60, khi tội ác của Stalin được phơi bày bởi chính Khơrúxep… khi mà những tài liệu của “bọn xét lại” đó được công khai bán ở cửa hàng ngoại văn Tràng Tiền Hà Nội vào cái thời điểm mà Nga hay Tầu đối với ta đều “nị hảo” và "Kha-ra-Sô" cả!... Đừng coi khinh và bịt mắt bọn tớ nhé) Đã thế ông dịch… giả (cầy) lại còn thêm vào những câu không hề có trong bản chính như “Ông (Solzhelnysine) là người thư ký trung thành của nước Nga thời Sô Viết?” để ra cái đều “hiểu biết về tài năng và công trạng của ông”! ?. Việc làm này đã bị nhiều người phanh phui cho thế giới biết về cái lương tâm què cụt của những kẻ chuyên đua tin cụt què nhằm lừa bịp mấy anh mù và điếc thật ở nước ta!

Tớ lại nổi máu có quyền (ảo) lên mà giải quyết vấn đề nhục quốc thể này (lần này thì quyền bé thôi, chẳng cần đến quyền to vừa, to thiệt to như các vụ trước)
Đó là:
Chẳng có 1, 2, 3 gì hết, rút ngay thẻ nhà… văn, nhà dịch (nếu có thẻ) và cấm làm nghề dịch suốt đời. Đồng thời bắt eVan đưa lại toàn văn bài phỏng vấn (do một “dịch thật” tử tế dịch lại) kèm theo lời xin lỗi chân thành tới mọi cá nhân và cơ quan bị… hại./.
Còn gì nữa không, các friends?
Tuesday August 12, 2008 - 02: 29pm (ICT)
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

66. Thư ngỏ gửi "đồng chí" Vũ Cao Quận

Tô Hải - 14/08/200

(Xin phép được xưng hô với anh như vậy vì đã lâu lắm rồi tôi không dám dùng hai tiếng đó bởi cứ mỗi khi nặng lời với ai người ta mới gọi nhau như thế hoặc gặp phải những tên không hề đồng chí hướng với mình. thì... đồng chí với họ có mà… điên!! Lần này, qua những bài viết hào hùng và rất văn học của anh, thấy được cái chí hướng rõ ràng của anh, tôi xin phép được xưng hô "đồng chí" với anh như những ngày xưa, cách đây 60 năm, khi chúng ta “lòng phơi phới đi xây dựng tương lai” đánh Pháp, đuổi Nhật, mơ tới một ngày nước nhà được đôc lập, “sạch bóng quan thù” … Vậy mà… hôm nay đ/c lại bị đối xử như một tên “phản động”, cùng đồng hành với những Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Trần Độ???… Tôi không tin và đến chết tôi vẫn không tin! Cho đến bài viết mới đây của anh (“Lại phải sống cùng với lũ thú”) thì tôi không thể không lên tiếng để ủng hộ và… phản đối đồng chí được. Mong sao, có ai đọc bài này qua Internet hãy làm sao chuyển được tới đ/c thì thật hạnh phúc cho tôi vô cùng. (vì tôi biết hiện nay mọi liên lạc với đ/c, người ta đã ra lệnh cắt đứt hết).

Thưa đồng chí!

Đáng lẽ tôi phải viết thư riêng gửi cho đồng chí, nhưng nhận thấy:

Thư ngỏ có lẽ sẽ lợi hơn về nhiều mặt như:
a-/ để mọi người trong nước và thế giới quan tâm hơn đến những người như đồng chí, một chiến sỹ già, quyết đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Tự Do, cho Dân chủ và quyền con người của cả dân tộc Việt Nam.

b-/ Để đánh động đến lương tâm của những cựu chiến binh thời hai ta, đang vì lẽ này hay lẽ khác mà không nhìn ra cái gì đang diễn ra trên đất nước đầy máu xương và nước măt, đầy những hy sinh của những Nguyễn Sơn Lâm, của Phó Bá Hùng, của cả một Đội tuyên truyền giải phóng quân của anh Đạo, của toàn thể Trung đội anh Nở bảo vệ nhà hát lớn, của Tự vệ Đông Khê, Khu 7… và của cả hàng ngàn con em đất Cảng đã ngã xuống để bảo vệ quê hương của đồng chí, (nơi mà tôi đã chiến đấu từ những ngày nổ súng đầu tiên trong đội hình bổ xung từ Phòng Quân Nhu Tài Chính Bộ Tư Lệnh CK3 cho Đại Đội 3 Lê Khắc Tư, cả hai đơn vị này đều đóng quân tại đường Cát Dài).

c-/ Để lớp trẻ hôm nay thấy được SỰ THẬT về những “hy sinh vô ích, ngây thơ và đáng thương” của lũ chúng ta đã và đang bị phản bội như thế nào mà tìm ra hướng đi đến cái đích của con đường mà chúng ta từng mơ ước.

d-/ Để cho bọn “khiêu khích chính trị” ở hải ngoại, nếu còn một tí ti lương tâm hãy thôi cái miệng gọi chúng ta là lũ “phản tỉnh vào giờ thứ 25”, gọi những người như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn xuân Nghĩa… là những nhà “dân chủ cuội”.
Đồng chí Quận thân mến!

Tuy tôi chưa được gặp mặt đ/c lần nào nhưng qua các bài viết của đ/c tôi đã vô cùng cảm phục vì:

1/. Nội dung của các bài viết đó đều phù hợp với chí hướng của tôi và rất nhiều bạn bè, đồng đội, đồng chí cũ. Nó chân thật, thống thiết, kêu gào cho Tự Do, Dân chủ cho công bằng xã hội biết chừng nào. Đây là điều mà tôi và nhiều người khác chưa làm được hoặc chưa dám làm... Bản thân tôi cũng chỉ loanh quanh trên cái Blog của mình với những chuyện kể “ngày xửa ngày xưa” với mục đích làm cho lớp trẻ biết được những gì mà một số chúng ta, do “bị quáng gà lịch sử” nên cứ tưởng chúng ta đều là những kẻ chiến thắng!!! Tôi chưa dám đụng đến những vấn đề nóng hổi đang diễn ra trước mắt như đ/c... Gần đây, tôi đã có tí chút can đảm đi vào những vấn đề xã hội, chính trị hàng ngày. Và cũng được các website hải ngoại post lên liên tục như họ vẫn đăng lại và xuất bản các bài viết của đ/c thành “Tuyển tập Vũ Cao Quận” hẳn hoi.

Rõ ràng đường của đ/c đi là con đường anh dũng hơn tôi nhiều lần. Vậy mà chỉ có một lần duy nhất, khi tôi có mặt ở Hà Nội, đ/c gọi điện thẳng cho tôi để khiêm tốn nhận là “đàn em” thì quả là tôi thấy… ngượng vô cùng! Kể cả về tuổi tác, dù tôi có hơn đ/c 5, 6 tuổi thật, nhưng cái gan tôi nó chẳng “đàn anh” chút nào... Tôi muốn tranh luận với đ/c riêng về điểm này nhưng không sao có dịp. Vậy hôm nay tôi xin nhắc lại: Đồng chí Vũ Cao Quận là bậc đàn anh của tôi! Và qua bài viết gần đây nhất của đ/c, tôi xin cúi đầu bái phục, bái phuc trước lòng dũng cảm, kiên trung, sẵn sàng chết để tiếng nói của lòng yêu nước chân chính của đ/c được vang lên khắp mọi nơi, vang đến muôn đời sau.

2/. Về hình thức, các bài viết của đ/c cực kỳ hấp dẫn, không cần lý luận dài dòng nhưng làm người đọc bị lôi cuốn và cảm thụ được là đ/c muốn thông điệp cái gì, muốn bác bỏ hay ủng hộ cái gì. Nghĩa là đ/c đã truyền những tư tưởng của mình vào người đọc bằng đường con tim trước khi đến khối óc. Nói thiệt, “nếu tôi có quyền” (một tiết mục mới trên Blog của tôi), tôi sẽ kết nạp ngay đ/c vào... Hội Nhà Văn và... "cơ cấu" đ/c vào hẳn Ban Chấp hành (vì quá 70 mà làm Tổng Thư Ký thì... chết đ/c!) Và sau này khi đ/c qua đời, thể nào tôi cũng để lại trong di chúc trong mục đặt tên lại những thành phố, những con đường, phải đặt tên con phố đ/c đang ở là Đường Vũ Cao Quận!

Tuy nhiên, phát huy tinh thần khát khao dân chủ của đ/c, tôi hoàn toàn phản đối cái tư tưởng muốn nhảy lầu của đ/c! Người ta còn mong gì hơn nữa? Sẽ khối anh xoa tay mừng rỡ vì đã khỏi phải mất thời giờ “săn sóc đặc biệt” từ nơi ở đến bước đi, từ lá thư đến cú điện thoại của một lão già gần kề miệng lỗ còn… bầy đặt viết lách đấu tranh, viết đơn xin phép biểu tình cùng mấy nhãi ranh, không chịu run sợ trước sự đe doạ về “cái chết tự nhiên” của vợ chồng Lưu Quang Vũ! Hành động nhảy lầu dù mới là trong tư tưởng của đ/c, là THỦ TIÊU ĐẤU TRANH (chữ mà chúng ta từng biết trong chỉnh huấn, chỉnh quân) là thiên hạ mất đi một cây bút-chiến sỹ kiên cường đấy!
Vả lại nhà đ/c có 10 mét cao, nhảy chưa chắc đã chết đâu mà lại… què quặt thì khổ vợ con, cháu chắt gia đình thôi! Đừng! Đừng! Dù có uất ức như thế nào chăng nữa đ/c vẫn phải sống, sống để tiếp tục đấu tranh, sống để viết nhiều hơn nữa và để… sẵn sàng vào tù vì đủ các thứ “tội” "chống phá”, “phản động” mà người ta sẵn sàng úp lên cái đầu bạc của đ/c. Một thằng tù gần 80 tuổi như đ/c, hoặc quá 80 như tôi chắc càng làm thế giới văn minh xôn xao và... cũng không… dễ phục vụ cho các anh cai tù đâu đ/c ạ!

Tôi chỉ có một điều phản đối kịch liệt đ/c đó mà thôi!

Cuối cùng CHÚC ĐỒNG CHÍ KHOẺ!
Tô Hải
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

67. Nếu tớ được có quyền như anh T.H.R.
Tô Hải – 15/08/2008

Từ khi tớ mở ra cái mục “Nếu tớ có quyền” này, không ít bạn bè bốn phương cật vấn tớ là “Quyền thế nào? quyền đến đâu? quyền ở cấp độ nào mà không nói rõ ra để mọi người cùng giúp đỡ gánh vác hộ cái thân già. Hôm nay, tớ xin trả lời như sau: Quyền là tuỳ thuộc vào vấn đề mà trên cương vị đó tớ sẽ thừa sức giải quyết cái rẹt!
Ví dụ chuyện “hớ hênh” (cố ý hoặc vô tình) của báo chí thì đó là quyền của anh… Đỗ Doãn Hợp! Còn cái chuyện khó khăn của một đêm ra mắt “Giai điệu mùa thu” thì chỉ cần của anh Lê Thanh Hải, của bà Thế Thanh, của mấy ông giám đốc các ngân hàng, các tổng công ty của nhà nước muốn tỏ vẻ ta đây… có văn hoá là cũng… xong!
Riêng cái chuyện Hoà hợp Hoà giải với “phía bên kia” bằng cách hoà giải-hoà hợp ngay với phía bên kia nhưng đang sống và tự thiêu ở “phía bên này” thì, tớ thấy… dù đứng vào cương vị ảo to nhất, nhì nước như anh Nguyễn Tấn Dũng, tớ cũng “bi sắc” vì… mắc ở nhiều... “khâu” ?…
Nhờ các friends com-men, giải quyết cũng chẳng thấy ai dám nhảy vào vì, … vì… cực kỳ phức tạp, vì trên tớ là những ai nữa thì tớ cóc biết!

Nhớ lại tại Đại Hội Nhạc Sỹ VN làn thứ VI, năm 2000, tớ đã từng liều mạng đọc một bản tham luận có nhan đề “Nếu tôi được làm thủ tướng lấy một tuần” (thời anh Phan Văn Khải) để tớ giải quyết các tệ nạn làm “ô nhiễm lỗ tai” toàn dân bằng các biện pháp cụ thể, đơn giản mà hiệu quả và không hề… mất dân chủ. Bản tham luận được cử toạ và cả các vị lãnh đạo T.Ư. vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt!
Nhưng sau đó “chó sủa đoàn người cứ đi”..., âm nhạc nói cho đúng hơn là BÀI HÁT VIỆT NAM, càng ngày càng tồi tệ vì được sự o bế (và cả ăn tiền) của các nhà trực tiếp quản ný… Tới Đại Hội lần VII, (2005) tớ lại nổ một phát “Tất cả là do vô văn hoá âm nhạc” vạch trần ra cái ngu dốt âm nhạc từ người nghe, từ báo chí, bị đánh lừa bởi một số những tên “nhạc sỹ tự phát”, chuyên viết bậy đang gieo rắc vào đầu óc con em chúng ta những triết lý sống bê tha, sa đoạ bằng các bài hát dạy cách… yêu tay ba, tay tư ra sao, đánh đề thì nên đánh số nào khi nằm mơ thấy con gì?! v.v...
Bài tham luận cũng được hoan nghênh nhiệt liệt (thời anh Nguyễn Khoa Điềm) và được anh Đào Duy Quát “xin bác một bản" hẳn hoi… với lời hứa sẽ nghiên cứu kỹ càng…
Vậy mà tới nay, đã 3 năm có lẻ, phong trào "âm rạc", lếu láo, não tình, bậy bạ, ăn cắp không hề sút kém mà có phần... “thừa thắng xông lên”, len vào khắp nơi hang cùng ngõ hẻm, kể cả vào nhà, vào tận buồng ngủ của các vị lãnh đạo lẫn dân thường, không chừa lũ con nít mẫu giáo cũng nằm lòng vài ba câu “hận đời, yêu, yêu, dù rằng gian dối! ?”... Vậy thì... “cái lày là cái gì?” Tớ lại thử có quyền ảo giải quyết ảo một vần đề “quốc nạn thật về âm nhạc” mà tớ thừa sức giải quyết nếu không có kẻ nào đó làm kỳ đà cản mũi.!

Từ những tin âm" rạc” đáng xấu hổ - Mấy hôm nay báo chí Xè-gòn liên tục nêu lên vấn đề đạo nhạc của mấy ông “nhạc sỹ” mà các báo này đã có thời dành cả trang báo để… tung hô!
Từ cái vụ “Rising sun” bị ăn cắp (có yếu tố nước ngoài), quần chúng thuộc nhiều pop, rock, rap up to date hơn lũ già chúng tớ nhiều, đã phát hiện ra cả lô cả lốc các “sản phẩm ăn cắp” nhưng được cơ quan nhà nước… “tiêu thụ đồ ăn cắp công khai”, cùng quảng cáo, lên sóng, lên đài rầm rộ.
Một số friends trẻ còn gửi cả link về cho tớ hai bài “giống nhau y hệt” của nhiều “ca-nhạc sỹ” đang hái ra tiền và được nhiều cơ quan truyền thông o bế… Thật là buồn khi các “quan âm nhạc” ở đây thì… câm miệng hến (vì dốt? vì đã “ăn theo” nhờn mép nhờn môi? vì mị dân để kiếm tí tình, tí tiền?) Nhưng xem ra những bài báo để “đánh” cái vụ này cũng chẳng hơn cái vụ “Tình thôi xót xa” là bao nhiêu!
Lại phê phán, phàn nàn loanh quanh, chẳng dám chạm vào cái tư cách và trình độ thiệt trần truồng của những tên ăn cắp và những kẻ bán đồ ăn cắp và góp tay góp sức cho bọn ăn cắp là bao! Cũng có thể sẽ lại có vài ông "già làng" có tên tuổi được mang ra để khuyên nhủ, động viên những kẻ ăn cắp là “hãy quay về sống bằng tài năng thật của… đồng chí “ (Lần trước, khi đọc bài viết về các "quan âm nhạc" phê bình kẻ ăn cắp nhạc trên báo T.T mà tớ phát khùng về cái ông nhạc sỹ già đầy bao dung và mị… ăn cắp kia)!
Không ai dám đụng đến nguyên nhân của mọi nguyên nhân mà tớ đã nhiều lần vạch ra công khai tại Hội trường nhạc viện thành phố Hô Chí Minh khi họp để bầu đại biểu đi dự Đại Hội Toàn Quốc Lần thứ VI (2000).
Và đến Đại Hội lần VII tớ cũng tiếp tục và thẳng thừng vạch ra cái điều cần nói mà chưa ai dám nói, cái nguyên nhân mẹ to tổ đùng mà ai cũng biết nhưng… sợ mất lòng, sợ mất miếng đỉnh chung nên lờ đi cho thêm tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết! ?
Với những dẫn chứng cụ thể bằng cách… tự hát lên hai bài giống nhau về các thứ ăn cắp thậm chí ăn cắp đến cả cái đầu đề (tittle)! Tớ cũng được hoan hô ra trò đấy nhưng… xem ra mấy anh “lãnh nhạc” (không phải các cấp uỷ đảng hoặc chính quyền gì to nhớn lắm đâu) không vừa ý vì thấy cái chuyện “rõ như ban ngày này mà sao ta không chịu thấy, chịu nói ra” thì quả là… “ta” xoàng quá! Tự ái nghề nghiệp ấy mà!
Càng ngày tớ càng hiểu ra: vì sao họ cho tớ “ra rìa” ở các cuộc thảo luận quan trọng về nâng cao chất lượng sáng tác, hoặc phê phán những kẻ ăn cắp nhạc. Riêng cái chủ đề này, tớ đã trình bày riêng trong cuộc họp các Hội Viên Hội Nhạc Sỹ Trung Ương ở phía Nam và gần đây nhất, trong cuộc phỏng vấn có ghi âm của phóng viên truyền hình VTC Thanh Phúc, nhân vụ nhạc sỹ VC kiện n/s TB về vụ ăn cắp nhạc của Shostakovich là:
Ăn cắp trong âm nhạc từ lâu đã được tổng kết và có hẳn một quyển Dictionnaire Des Plagiaires, trong đó người ta phân loại ra ba thứ

a/-Réminiscence (bị ảnh hưởng)
b-/Plagiat (thuổng) -lấy vài câu, vài khúc, vài đoạn phối khí, hoà âm, thậm chí cả vài ý nhạc, ý lời
c-/Pirate (ăn cướp) -lấy toàn bộ tác phẩm.

Chẳng biết sau đó VTC có phát hay không vì tớ chẳng có thời giờ và sức khoẻ để theo dõi. Nhưng tớ dám chắc có phát cũng chẳng dám để nguyên xi bài nói "vo" của tớ vì sẽ đụng chạm ngay đến cái dốt của chính các vị nãnh đạo âm nhạc của các Đài Truyền Hình, “đầu ra quan trọng bậc nhất” của mọi thứ âm nhạc hay, dở hiện nay mà tại Đại Hội Âm Nhạc Lần thứ VI tớ đã quyết định cải tổ ngay lập tức “nếu tớ được làm thủ tướng lấy một tuần!”.
Ấy vậy mà, đến hôm nay, qua ba ngày liên tục rồi, cái chuyện ăn cắp nhạc trên báo Tuổi Trẻ được nêu lên như “một căn bệnh trầm kha” (nghĩa là không có thuốc chữa?), ý kiến thì nhiều mà chẳng thấy có mấy vị bằng cấp, học vị đầy mình lên tiếng. Toàn những ý kiến chẳng trúng vào chỗ nào. Thậm chí có ông nhà báo chuyên viết về âm nhạc còn nêu lên thành... '"lý luận" ăn cắp nhạc mà thế giới đã tổng kết là… “theo chuẩn mực quốc tế, một ca khúc được xem như đạo nhạc khi trùng hợp 12 nốt liên tiếp” …..? (chẳng hiểu tác giả lấy ở đâu ra cái chuẩn mực này vì tớ có thể trong 5 phút biến 12 nốt trùng hợp đó thành đủ loại variations bằng nhịp điệu, trường độ, tiết tấu khác nhau, kể cả… biến một câu nhạc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn thành một câu nhạc khác mà vẫn giữ nguyên không chỉ 12 mà giữ nguyên cả đến 20, 30 nốt liên tiếp trong bài đó (như bài tập viết variation ở các nhạc viện ấy mà!).
Tất cả ba ngày liền, phơi bầy cái “mặt trái” của tình hình ca khúc pop, rock, rap, chỉ là dịp để quần chúng tỉnh ra mới biết mình bị lừa rồi góp sức phát hiện thêm nhiều mặt pirates âm nhạc mới. Không thấy có một ý kiến nào “đào tận gốc” cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân, trừ một lần độc nhất, Phạm Thành Nhân có nêu được một câu khá nhẹ nhàng và chung chung là… “sự thiếu trách nhiệm của nhà quản lý” (chứ không phải thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc “thiếu trách nhiệm do… dốt nát hoặc… ăn chia” và cái từ “nhà” ở đây lại cực kỳ… vu vơ nghĩa là ai cũng có thể được?! Tức quá thế là tớ lại nổi máu “gia ông điền” lên ngồi vào ky-bót nắm quyền ảo một tiếng để… giải quyết vấn đề thật rốt ráo!

Lần nay thì phải có quyền to hơn rồi, nên tớ đánh liều cho tớ cái quyền (ảo) của anh… Tô Huy Rứa!
Tớ sẽ:
1-/ Triệu tập ngay các vị Tuyên Huấn ở các tỉnh, thành phố về để xác định lại đường lối “Đổi Mới” trong văn nghệ không có nghĩa là chuyển ngoắt 180 độ, từ “văn nghệ tuyên truyền”, ” văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa”, ” văn nghệ Diên An”, “văn nghệ phục vụ công nông binh” sang cái thứ văn nghệ táp nham, bậy bạ làm hư con em chúng ta như hôm nay. Tớ sẽ vạch ra những sự lên án của nhiều nhà báo, đặc biệt là sự phỉ báng “nhục quốc thể” của vô số tờ báo giấy và báo điện tử nước ngoài, của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã làm việc trực tiếp với tớ về hiện tượng xuống cấp đến thảm hại của nền ca khúc Việt Nam hiện nay với những lời lẽ thật đau hơn… hoạn nhưng thiệt… đúng đắn về các bài hát “cà chớn” có chất gây ung thư MCPD (Võ Thiện Thanh), hoặc “quái thai âm nhạc” (Văn Quang) cái bài rap “Ái, ái, ái” …, các bài pop-rock “Kiếp đỏ đen”, “Kiếp xì-ke”, ” Kiếp lai rai”, “Kiếp số đề” … Tớ sẽ bắt các vị này phải nghe thử hàng loạt đĩa có những lời ca mất dạy như “Xin cho một lần nói yêu anh… ái, ái, ái” … hoặc “Đêm qua nằm mơ thấy con cầy nó cắn tôi… Nên bạn ơi, hãy bao lô con 11…” Tớ tin rằng: chỉ nghe xong vài đĩa kiểu này các vị phụ trách Tuyên Giáo phải sực nhớ ra là “nguy hiểm cho con cháu ngay trong nhà mình thật”, để rồi thấy rằng: chính mình đã vô trách nhiệm trong cả Tuyên lẫn Giáo!

2-/ Sau hội nghị này, yêu cầu các Ban Tuyên Giáo địa phương phải cải tổ lại các “đầu ra” của âm nhạc. Trước tiên phải xem lại các ông “quan âm nhạc” ở địa phương mình (nghĩa là các ông trực tiếp duyệt và ký các chương trình biểu diễn và thu băng, thu đĩa, phát sóng tiếng, sóng hình… Vì họ phải biết một điều cơ bản nhất của âm nhạc. Đó là: Âm nhạc chưa trở thành âm thanh (thu thanh, biểu diễn) chỉ là âm nhạc…chết!
Một bài hát bậy bạ kiểu “Ngã tư tình”, mới ghi trên giấy (mà thời nay chẳng thiếu những ông “nhạc sỡi” chẳng hề biết ghi nhạc lên giấy chép nhạc) chưa có thể gây tác hại đến ai cả) Trách nhiệm cuối cùng chính là những ai đã ký cho nó được thu đĩa, biểu diễn và phổ biến trên Báo, trên Đài? Ai? Sở nào? Phòng nào? Ban nào? Cá nhân nào phụ trách đầu ra nào đã ký duyệt cho các thứ âm nhạc bệnh hoạn đó ra đời? Có ăn chia không? Phải truy cứu đến nơi và kiên quyết "cho thôi chức vụ", thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lợi dụng chức vụ, gây hậu quả nghiêm trọng”, không được bao che, “giơ cao đánh khẽ”!
Trước mắt, tớ yêu cầu kiểm tra ngay các "trung tâm làm đĩa CD, DVD" đang mọc ra như nấm ở mọi nơi. "Trung tâm" nào không có người biết một tí ti nào về đồ rê mi mà chỉ là nơi giúp bọn ca-nhạc sỹ quậy phá và phổ biến các thứ triết lý sống bậy bạ cần rút phép kinh doanh vĩnh viễn.
Chỉ cần một vài hãng có người quản lý có nghề, có học luân lý quốc văn giáo khoa thư là đủ. Tớ cũng sẽ giáo dục cho họ biết là "trong nghệ thuật không thể đem lượng đổi thành chất" được và nếu cần, tớ quyết định thay cho các ông Sở địa phương: Chỉ cho phép có bao nhiêu cái "đầu ra" cực kỳ quan trọng nhưng cực kỳ nguy hiểm này.
3-/ Để thay thế những kẻ bị cho nghỉ việc, tổ chức ngay một cuộc thi tuyển công chức quản lý âm nhạc. Tiêu chuẩn phải là những người có am hiểu tối thiểu về âm nhạc bằng một cuộc thi công bằng trong đó chú trọng đăc biệt tới những thí sinh có trình độ thẩm mỹ âm nhạc, hiểu được đâu là Chân, Thiện, Mỹ của một tác phẩm văn nghệ, không kể đảng viên hay ngoài đảng. Cách thi cần có cả vấn đáp và làm bài. Ban giám khảo sẽ gồm các nhà âm nhạc học, các nhạc sỹ có tâm, có tầm… vừa phải, không nhất thiết phải có bằng tiến sỹ, thạc sỹ nhưng... cơ hội hoặc dốt như bò! Đề thi, sẽ do chính tớ ra để bảo đảm khỏi xảy ra lộ đề!
4-/ Riêng đối với các anh “rạc sỹ” ăn cắp, sau khi đã có sự phân tích cụ thể của một hội đồng giám định có thực tài và không có nể sợ ai thì… rút thẻ nhà… à quên, rút “thẻ hành nghề” (nếu có), đình chỉ vĩnh viễn sáng tác lẫn biểu diễn. Riêng đối với những ai đã trót kết nạp vào các Hội Nghề Nghiệp TƯ hay địa phương thì yêu cầu “đuổi cổ” ngay lập tức ra khỏi mọi tổ chức bị họ lừa bịp hoặc mua chuộc bấy lâu nay.

Với khối lượng công việc trên, có lẽ ít nhất tớ phải có quyền độ… một tháng!

-Với mục tiêu hướng tới cái Chân Thiện Mỹ, mà mọi thời đại, mọi chính thể trên thế giới này đều đang hướng tới,
-Với sự uốn nắn không hề bảo thủ, không tuyên truyền sơ cứng, không coi âm nhạc là một “công cụ của đấu tranh giai cấp”, tớ tin cách làm của tớ chẳng va chạm ai và sẽ được mọi người ủng hộ… trừ trường hợp... có một phe nào đó có "âm mưu chính trị xấu" mà hua-ra cái “Xấu” cái “Giả”, cái “Ăn cắp” để làm hư hỏng Thanh Niên ta mà lại chiếm thế thượng phong thì... tớ đành... pó tay và xin từ chức (ảo) ngay tút xuỵt!
Liệu các biện pháp tớ đề ra trong khi nắm quyền ảo có giúp gì cho anh Tô Huy Rứa đang nắm quyền thật không nhỉ?
Với nội dung như trên, đáng lý ra bài viết này phải được gửi cho “Tuổi Trẻ” nhưng tớ biết: dù tớ có bớt đi cái giọng cay chua, dí dỏm, mà nghiêm trang hơn mấy chăng nữa thì các thứ lính gác (nghe đâu có tới 7 chi bộ) cũng phải vứt nó vào sọt rác vì tớ đã dám… phạm thượng (dù rằng… ảo thôi). Tớ đành ngậm ngùi “tương” nó lên Blog vậy!
Friday August 15, 2008 - 07: 42pm (ICT)
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

68. Nếu tớ được làm bộ trưởng ngoại giao... Nhật!
Tô Hải - 17/08/2008

Kể từ ngày tớ quyết định mở thêm cái mục “Nếu tớ có quyền” trên tờ "báo điện tử tư nhân Blog 007”, bà xã tớ quyết định hy sinh mua cho tớ một tờ báo nào có lợi nhất cho nghề… “bán bánh mỳ chaỵ ở vỉa hè" của bả. Thế là tớ đỡ mất công, hại mắt vào mạng truy cập để tìm đề tài “xông vào những chuyện nóng bỏng đang diễn ra trước mắt hàng ngày như yêu cầu của các friends gần xa!” Và tớ đã có một kho đề tài ở ngay một “tờ báo sống live show”, có số trang dành cho “special advertising section” dày gấp 3 tờ báo thiệt ngay đầu giường khi ngủ dậy. Và từ hôm đó, tớ không thiếu chuyện để "xông" vào bằng những entries cấp tập.
Sáng nay, chủ nhật 17-8-2007, vừa mở trang báo đầu tiên đã bầy ra trước mắt tớ hàng loạt “vấn đề có vấn đề” mà tớ mới xông vào có ít bữa trước. Cùng lúc, lại phát hiện thêm bao nhiêu chuyện mới cần giải quyết, nếu tớ có quyền (ảo). Chẳng hiểu người ta có ý đồ “phản ứng ngươc” lại với các cách giải quyết của tớ không mà… chưa đọc xong tớ đã muốn ngứa cái… lưỡi chửi thề để rồi ngồi vào ky-bót ngay tắp lự.
Này nhé:
1/. Về vụ 4 quan chức PCI Nhật Bản đã nhận tội và bị bắt - Báo đăng 2 bài của T.T.X.VN và của thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn có tính chất cảnh báo và lên lớp "dạy cho phía Nhật Bản một bài học" về lãnh đạo báo chí. Rằng thì là:
- “Đưa tin thì phải khách quan, theo đúng quy định của pháp luật của… mỗi nước… Rằng thì là:
- “Báo chí Nhật Bản lại có một số bài viết không thật khách quan, cá biệt có thông tin không đúng sự thật” … Rằng thì là:
- “Cách viết như vậy không có lợi cho hai nước VN-Nhật Bản cũng như trong mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước hiện đang phát triển rất thuận lợi…” Rằng thì là:
- “Ban quản lý dự án nói không có hành vi tiêu cực như báo chí đã đưa…” (chả biết báo nào?- tớ tạm hỏi) … Rằng thì là:
- Đảng và nhà nước VN trước sau như một kiên quyết thực hiện phòng chống tham nhũng…” … “Mọi hành vi tham nhũng, đưa hối lộ cũng như nhận hối lộ đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng qui định của pháp luật, không loại trừ bất cứ ai…”
Tất cả hai bài đều toát lên:
a-/ Cái giọng kẻ cả dạy đời rất thiếu chất… ngoại giao… (mà sao lại là Bộ Ngoại Giao lật lại vấn đề nhỉ? Tớ cứ tưởng để Bộ Công An mà có lẽ để ông tướng nào có chân trong Interpol trả lời, đại khái như… “vấn đề đang trong vòng điều tra chưa có thể công khai hoá được ….” Thế là đủ và mới… đúng đường lối chứ!....
b-/ Nội dung phủ nhận không có sự việc làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị hiếm có của hai nước và lên án những kẻ làm báo "có ý đồ xấu" muốn phá hoại tình hữu nghị Nhât-Việt, thậm chí khảng định là “không có hành vi tiêu cực như báo chí đã đưa!” 2 bài báo không cho biết báo chí những nước nào, báo nào. Chứ riêng tớ, ít nhất tớ đã đọc cả trăm tờ báo, và website, Blog trong và ngoài nước, không một tờ báo, một hãng thông tấn uy tín nào trên thế giới không đưa tin và bình luận khá là “nhục quốc thể” về cái vụ “lùm xùm” quanh con đường Đông-Tây bị đòi 15% đáng xấu hổ này (trừ cái tầng lớp “mê-đi-gà mắc tóc” của nước ta, chắc vì chưa có lệnh đưa tin, chưa có anh Quắc anh Huynh nào để lộ tin cả!
Tớ nổi máu tự ái của người Nhật lên mà ước gì… TỚ ĐƯỢC LÀM BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO… NHẬT…! Thì tớ sẽ:
Ra lệnh cho cấp dưới tớ ra một bản tuyên bố (vì tớ là bộ trưởng to hơn ông thứ trưởng VN) với nội dung như sau: nhằm dạy lại cho phía đối tác một bài học. Rằng thì là:
A- Báo chí, nhất là các cơ quan truyền thông uy tín thế giới mà quí vị hay trích đăng như NHK, Niomuri Shibun, … ở nước tôi, đã từ lâu đều được nhân dân và chính phủ coi như “quyền lực thứ 4”. Họ luôn có trách nhiệm đấu tranh với cái xấu và phanh phui mọi khía cạnh tiêu cực của xã hội, bất kể nó nảy sinh từ đâu. Tớ sẽ đưa vụ “thịt bò Mỹ” vừa rồi đã làm chính phủ xuýt đi tong thế nào để họ đừng lầm tưởng là các “nhà báo đều viết láo ăn tiền” đâu. Họ có trách nhiệm lắm đấy và có đầy đủ tang chứng, vật chứng…, “người chứng” hẳn hoi… Có ghi âm, ghi hình, có biên bản, đóng dấu, chữ ký bắt người của Viện Công Tố, có lời khai nhận tội của người phạm tội đàng hoàng… họ mới dám đưa tin. Không có chuyện đưa tin bậy bạ với “ý đồ xấu” muốn phá hoại cái này cái nọ đâu. Rằng thì là:
B- Luật định ở nước chúng tôi không cho phép kéo dài điều tra, giam người quá hạn, phải đưa ra toà sớm các vụ tiêu cực xã hội, nghĩa là nếu cứ "ngâm cứu" và chờ... như phía: luật pháp Việt Nam XHCN thì… có khi báo chí nước tôi lại la lối om xòm lên là có vụ “đi đêm, ăn chia gì đây" cho mà xem! Cách làm việc “bí mật tuyệt đối”, “vừa làm vừa chờ chỉ thị ở mọi cơ quan có quyền cao hơn quí vị khiến các vụ án kéo dài, giơ cao đánh sẽ”, thậm chí nay “có tội”, mai lại… “không” chẳng thể tôn tại trong giới mê-đi-à ở nước chúng tôi đâu!
Cuối cùng, … theo thủ tục ngoại giao phải làm cái gì nữa thì tớ… bí vì tớ dốt đặc trong hành văn ngoại giao. Có friend nào thạo việc “hành chính công ngoại giao” (như Juriste đang học ở Toulouse chẳng hạn) viết dùm tớ một văn bản chỉnh tề với… Chú ý: Có viết thì phải nắm vững nội dung của tớ, nếu cần thì có thể bớt bớt những ý có tính chất mỉa mai sâu cay đi mà thôi vì dù sao tớ cũng chỉ là Bộ Trưởng Ngoại Giao… Nhật Bản Ảo mà thôi. Hai hồn, sáu vía của tớ vẫn còn nguyên chất Việt 100% đấy!

2/. Về vụ nhạc ăn cắp - Sau một ngày im hơi lặng tiếng, báo Tuổi Trẻ, có lẽ phản xạ với bài viết của tớ trên Blog đã cho đăng các bài rất chi là ný nuận cùn, ný nuận bịp của mấy anh chẳng có tí chút văn hoá âm nhạc nào nhằm… làm nhẹ bớt sự phẫn nộ của quần chúng bị lừa bịp đã trót "bầu hoa hậu cho một con đĩ tám tầng". Nổi bật và có thể có sức nặng nhất là lời tuyên bố xanh rờn của Chủ tịch Hội Đồng Nghệ Thuật An Thuyên khi ngài tuyên bố về bài “Mưa" của "nhạc sỹ" Minh Vương (mới được bầu "tốp của tốp" trong "Bài hát Việt 88" lại bị nhiều giám định viên và quần chúng kết luận là ăn cắp 80 - 100%), thì ngài chủ tịt cuộc lăng-xê không tiền khoáng hậu này lại nói rằng… “Nếu xét về luật thì không “bắt” được đâu vì nó không có đến 12 nốt giống nhau liên tục (!! ?) và còn ghê rợn hơn nữa là “Hội đông nghệ thuật (sau khi đã nghe và họp bàn cả một buổi!) đã đi đến kết luận rằng thì là: Tác giả (không có nháy nháy nhé) chỉ phải chịu sự chỉ trích của dư luận thôi” … và còn kinh khủng hơn nữa là: … “Bài hát vẫn có thể phát hành bình thường, trụ được hay không hoàn toàn do sự chấp nhận của công chúng. Pháp luật không can thiệp và các nhà chuyên môn cũng không can thiệp!!!! ????”

Ôi chuyên môn ơi là chuyên môn! Hội đồng ơi là hội đồng!. Có thể nói chưa bao giờ tớ nổi tự ái nghề nghiệp lên trước hành động bao che sự ăn cắp trong âm nhạc đến như thế và tớ... lại ước gì tớ có quyền của anh… Đỗ Doãn Hợp thôi để chỉ làm một việc cần làm ngay tút xuỵt. Đó là: Triệu tập ngay từ ông chủ tịt đến các thành viên của cái gọi là Hội Đồng Nghệ Thuật đến ngay văn phòng tớ để dự một lớp về "chuyên môn thứ thiệt", phân tích cho họ rõ các điều mà tớ đã viết ở entry trước về vụ này bằng cách "nói có sách, mách có chứng", dạy cho họ biết thế nào là ăn cắp trong âm nhạc.
Động tới Gounod viết Ave Maria trên piano của Bach, (sinh cách nhau gần 2 thế kỷ) cũng như Ravel viết thành Giao Hưởng “Những Bức Tranh trong Phòng triển lãm” của Moussorrsky viết cho piano… là ngu! đại ngu.! chí ngu! tuyệt ngu! Người viết đã lộ cái mặt chẳng hiểu gì về lịch sử âm nhạc thế giới mà dám ghép việc sáng tạo của các vị ấy vào “Vụ đạo nhạc thế kỷ” thì không những ngu mà còn là... bịp bợm nữa! Người trực tiếp lên lớp cho lũ ngu này sẽ là… chính... Tớ! Ai muốn dự thính xin... cứ việc!
Còn làm gì nữa, phê phán gì thêm nữa, mong các bạn yêu nhạc, hiểu nhạc hơn tớ, bằng tớ hãy thử làm người có quyền năm phút xem sao.
Bà xã lại vừa cảnh cáo “Sắp sửa đến giờ bóng đá thế giới đến nơi rồi. Các thứ Ma-Nu, Sen-xy-Bay-éc và các cơn "ảo mộng" này chặc sẽ bào mòn chút hơi tàn của ông mất!”
Thế là tớ nghĩ ra… "cũng có lý", nên tiếp thu và…. chấm hết!
Còn những vụ nóng bỏng như
- Ông điện Hiệp Phước lại sửa lưng thủ tướng bằng tuyên bố tăng gia 25% từ 1-9
- Vụ Sở GTVT cấm đường hàng loạt (dù báo chí Hội Đồng Nhân Dân đã cực lực lên án các vụ "đào bới tùm lum, gây ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt đời sống, thậm chí gây tai nạn chết người..."
-Vụ bỗng dưng giới thiệu "di cảo" Thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh? Mục đích gì? Tại sao lại chọn đăng "Lưu Quang Vũ tháng 5" giữa "tháng 8 cách mạng mùa thu" này? Vv..vv
Quả thật có quá nhiều đề tài để viết, quá nhiều vấn đề mà, nếu có quyền ảo, tớ cần phải giải quyết lắm! Nhưng thôi, lực bất tòng tâm, tớ xin nhường cho các bạn!

Tớ đặc biệt nhờ vả mấy ông nhạc sỹ trong Quân đội có biết sử dụng Internet như 2 đại tá bố con nhạc sỹ Văn An hãy chuyển bài viết này về Trường Cao Đẳng Nghệ Thuật cho ông Giám Đóc An Thuyên với câu: "Tớ thách đấu lý luận trực diện với mấy ông Hội Đồng... Tệ Thuật về chuyện ăn cắp nhạc được vuốt ve, bao che và... "chuyên môn không can thiệp" đấy!
Tô Hải
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

69. CÓ THỂ TỚ... TỪ CHỨC ẢO
Tô Hải - 03/09/2008

CÓ CHỨC CÓ QUYỀN... KHỔ THẬT!

Kể từ cái ngày tớ tự đặt mình vào các chức vị ảo để xông vào rải quyết các vấn đề nóng hổi của tình hình đất nước, đến nay, thực tình tớ bị xụt đi có đến 3 kilô!... Muốn cho thật up to date thì phải sát tình hình, phải biết những gì đang xảy ra ở trong nước và thế giới... Thế là phải đọc cả những tin... tức cả mình ở khắp nơi để rồi thấy... có ba đầu sáu tay, có được đến 14 cái đỉnh cao trí tuệ nhét trong đầu cũng... không sao vạch ra một cái phương hướng hoặc ra một cái chỉ thị mà trên bảo dưới nghe cho được.
Thậm chí còn vài ba ý kiến cho là tớ làm cái trò "mách nước-cứu đảng"- nói năng nửa nạc nửa mỡ... Chưa dám mơ làm "to" hơn mấy ông Hợp-Rứa. To nhất chỉ mới mơ được làm bộ trưởng Ngoại giao... Nhật! Thế là có những Blogger đã lập tức nhảy ra tranh chức ảo của tớ leo lên đến bộ trưởng bộ ngoại giao, làm thủ tướng Việt Nam và đứng ra rải quyết đủ thứ chuyện gai góc nhất trên đời (như vụ giáo xứ Thái Hà chẳng hạn)... Và tớ cảm thấy, trình độ của mình quả là kém cỏi, bản chất "dùng phòng thủ để tấn công" của tớ vẫn "không xứng với tầm thời đại". Vì vậy, kể từ nay, cái sáng tác "Nếu tớ có quyền" xin trao lại cho các bạn khắp bốn biển năm châu. Hoàn toàn free - Tớ lại quay về với tiết mục "kể chuyện xưa".

Tớ chỉ tham gia "chính quyền ảo" trong những trường hợp thật đặc biệt. Vả lại, làm cái nghề "ảo" này mà có trách nhiệm thì nó dễ mất ăn mất ngủ, tổn hại sức khoẻ thật chứ không ảo nữa! Thế là... bỏ mẹ thằng già đến nơi rồi! (Tháng 8 vừa qua viết nhiều tới mức có friend đã phải khuyên "đừng ham hố cái quyền lực ảo này nhiều quá, hại sức khoẻ") Dù sao tớ cũng thấy rõ thêm mấy cái chân... lý (mà bọn già Tây học bọn tớ thường dịch mỉa là "raison du coup de pied") đang bị dí xuống dưới chân.
Cụ thể là mấy vấn đề tớ định đích thân giải quyết nếu tớ có quyền (ảo) đều bị đánh chữ lơ huyền lờ (Vụ ăn cắp nhạc mà người có quyền về âm nhạc lại tuyên bố là không thể "bắt" (bẻ?) được... và cứ để cho phổ biến rồi... quần chúng đánh giá... nhà nước và chuyên môn... không can thiệp. Quyền của tớ mà không ảo thì bố bảo mấy ông "quan âm nhạc" dám trả lời trên báo chí như thế.
Hoặc chuyện vụ CPI, sau cả tháng trời im thin thít, bỗng dưng sau lời tuyên bố hùng hồn có tính chất phủ nhận và lên án việc đưa tin không có lợi cho tình hữu nghị của hai nước Nhật-Việt thì đồng loạt báo chí đưa tin vụ CPI, đủ tên tuổi các nhân vật đưa hối lộ nhưng lại viết là hối lộ cho... nước ngoài, chẳng có tên ông Tướng, ông Sỹ, Tốt nào của Việt Nam cả!
Thảo nào ngắm mấy ông có chức vị... không ảo trên Tivi, chẳng mấy ông vì dân, vì nước mà sụt cân đi như tớ cả. Vậy thì tớ cứ đánh bốc mãi với không khí, cãi nhau mãi với người điếc,... có khi tớ lại trở thành thằng già điên mất! Hơn thế nữa, rất đông các bạn trẻ ngày nay đều có những phương hướng giải quyết "mạnh tay và triệt để" hơn tớ nhiều. Vậy thì, tớ viết ra chẳng có lợi mấy cho ai cả. Tốn sức khoẻ, mắt thêm mờ, bà xã thêm lo vì tớ đã liều mạng vượt quá quy định của bác sỹ "không được ngồi trước computer quá 2 tiếng/ngày". Thôi thì, với cái vốn sẵn có đang còn in ở trong đầu, tớ quay lại viết những gì đã xảy ra gây đau khổ, thậm chí chết người mà tớ là một nhân chứng sống hiếm hoi còn sót lại... nhưng đã vượt... hèn, để kể lại cho con cháu và những người ở "phía bên kia" nghe cho... buồn về cái số phận không may của bọn tớ, những người ở "phía bên này" có phải là "kẻ chiến thắng", là kẻ sung sướng hơn phía bên kia hay không?

Bài tới tớ sẽ kể về "Vụ án 7 năm tù vì dám chơi Paloma, La comparsita, Tango bleu… giữa thủ đô Hà Nội.

o-o-o-o-o-o-o-o-o-

70. Vụ án văn nghệ... oan ức và... tức cười...
Tô Hải - 06/09/2008

…Ngày xửa ngày xưa, cách đây có đến gần nửa thế kỷ,
- Khi mà đất mước ta đang ở trong cảnh o ép của đường lối “văn nghệ tầu phù”,
- Khi mà đây đó cũng manh nha bắt chước “trăm hoa đua nở” để bắt “kẻ thù giai cấp” phải lộ diện mà.... triệt trừ ngay tức khắc,
- Khi mà "Nhân văn" đã diệt rồi, nhưng … “hậu nhân văn” (báo “Văn”) vẫn tiếp tục “ngóc đầu dậy”! chưa biết xoay sở ra sao…
- Khi mà “Đống rác cũ” (Nguyễn Công Hoan) rồi sau đó “Vào đời” của Hà Minh Tuân, (toàn những cây văn nghệ đáng tin cậy) bỗng… giở quẻ, xổ toẹt cái con đường "hiện thực xã hội chủ nghĩa" mà trở lại con đường của “Kỹ Nghệ Lấy Tây”, “Lá ngọc cành vàng” … được mọi người truyền tay, thậm chí chép tay (thời ấy làm gì có máy photocopy),
- Khi mà ở bên Liên xô - Anh Cả và các nước đồng chí anh em Đông Âu đã công khai vạch tội cái con người mà, ở xứ ta, Tố Hữu lại làm thơ khóc… Ông "bằng những vần thơ thống thiết” là “Thương cha, thương mẹ thương chồng, /Thương mình thương một, thương Ông thương mười, ” và càng tởm lợm hơn khi, từ trong bụng mẹ chui ra, tiếng đầu đời con mình không gọi cha, gọi mẹ mà lại gọi… Sịt-Ta-lin!
- Khi mà, … khi mà… còn cả 100 trang “khi mà” nữa để vạch hết mọi nỗi khổ của cái sự… tù mù từ trên xuống dưới của cả một thế hệ lãnh đạo cũng như kẻ bị lãnh đạo về “cái sai cái đúng chẳng biết đường mô mà lần”. Có dịp ôn lại cho nhau nghe, nhiều năm sau này, bọn tớ vẫn còn cười ra nước mắt.
- Khi mà, lợi dụng cái sự tù mù, ngu si, dốt nát, lợi dụng cái cảnh làm xiếc “đi hai giây muốn theo anh Hai, nhưng không dám chống công khai anh Cả”, bọn tớ đã thừa thắng xông lên kiếm tí chút thông tin ngoài BBC và VOA luôn phải nghe trộm! Đó là số sách báo của bọn "Xét Lại", đó là những tác phẩm văn nghệ, văn học, âm nhạc, hội họa, phim ảnh "xét lại" không dám cấm cứ ùn ùn vào VN bằng mọi con đường…
Chính bọn tớ được đọc Soljenýshine ngay trên các xuất bản phẩm của bọn xét lại vẫn đều đều hàng ngày qua VN, “cải tạo tư tưởng” cho những ai biết ngoại ngữ (Nga, Anh, Pháp) như cánh tớ.
Phim ảnh xét lại như “Bầu trời trong sáng”, “Sám hối” … thì chỉ… “xem nội bộ” ; còn báo chí và nhất là đĩa hát xét lại của “Melodia” (Liên Sô), “Eterna” (Đông Đức), “Supraphon” (Tiệp Khắc), Muza (Balan), Balkanton (Bulgaria) … thì chẳng những đã không… “nghe nội bộ” được mà “những âm thanh lạ” còn tràn ngập khắp phố phường, sau 6, 7 năm hoà bình chẳng ra hoà bình, chiến tranh không ra chiến tranh ở cái miền Bắc đang “xây dựng XHCN, chiếu cố (?) miền Nam”..

Chính trong cái bối cảnh lịch sử tù mù, giữa cơn khủng hoảng về lòng tin, sự bế tắc về ný nuận cách mạng đó mà có nhiều kẻ "tát nuớc theo mưa" hưởng… sướng, (như tớ đã viết trong cái entry “Một thời hoàng kim”), … được xem, được nghe, được đọc những cái chưa bao giờ có trên cái đất nước – hũ nút khốn khổ này. Nhưng cũng chính trong cái sự “phá rào không tuyên bố, không lý luận” này mà những kẻ cơ hội trong mọi lãnh vực phất cái gọi là ngọn cờ "kiên trì đường lối vô sản" lên để… diệt những ai mà chúng muốn diệt. Ngoài những vụ cho đi cải tạo hàng chục năm không xét xử mà cả thế giới đều biết thì có một vụ công khai đưa ra toà, một vụ án “văn nghệ đồi trụy” gọi là vụ Toán Xồm (bây giờ chắc được gọi là “nhạc sỹ” Nguyễn Thanh Toán là cái chắc) mà tớ là người được hân hạnh mời dự từ đầu đến cuối, để….học tập! (hay là để răn đe cũng rứa vậy thôi!), không phải ai cũng biết.

Đây là một vụ án "đặc biệt nghiêm trọng" về văn nghệ, lần đầu tiên được đưa ra xét xử công khai vì vụ án Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo (Minh Đức), Thuỵ An, Phan Tại trước đó ít lâu, người ta không đặt tên là "án văn nghệ" mà gọi là vụ án “hình sự-phản động-có yếu tố nước ngoài liên quan tới gián điệp De bonfils” … nên giới văn nghệ không được mời (và có mời tớ cũng chẳng dám đi!) Vụ án này báo chí và các đài phat thanh “thù địch” đều gọi là Vụ án Nhân Văn, nhưng trong nước bọn tớ đều được ông Hà Huy Giáp (xếp trực tiếp cao nhất của cánh tớ trong hệ thống chính quyền), phổ biến là những kẻ bị ra vành móng ngựa kể trên "không phải là bị truy tố do hoạt động văn nghệ mà là… làm gián điệp!”, "Đối với anh em văn nghệ sỹ đã nhiều năm đi theo Đảng, nay có mắc sai lầm thì Đảng vẫn tiếp tục giúp đỡ cải tạo để tiến bộ…". (Và quả rằng chẳng ai phải ra toà cả mà chỉ phải… đi cải tạo chừng độ 5, 10 năm… và không cho phổ biến tác phẩm thôi!).
Nhưng đùng một cái các cơ quan văn hoá đều được thông báo “Ngày… tháng… năm…, tại Thư Viện Trung ưong (?) sẽ có phiên toà "xét xử công khai vụ văn hoá đồi trụy" do Toán Xồm và Kiên Già chủ mưu! Các cơ quan sắp xếp cho văn nghệ sỹ, đặc biệt là các nhạc sỹ, nhạc công… đến dự đông đủ….” Cầm tờ thông báo có chữ phê “đ/c Tô Hải bố trí toàn thể cán bộ biên tập đi dự đầy đủ…” của thủ trưởng Nhà xuất Bản âm nhạc Nguyễn Đình Tính (một người rất tốt nhưng chỉ phải mỗi cái tội chẳng biết âm nhạc nó là cái giống gi mà tớ đã có lần giới thiệu ở một entry trước), tớ giật mình cái thót năm bảy phát…
Lý do:
1- Ai chứ cái tên Toán xồm này tớ và một số nhạc sỹ có thẻ của Hội và ăn lương của nhà nước, thường hay lui tới thăm hỏi vì:
a/ Anh ta là một người tuy bề ngoài hơi… hippy một chút, râu chỉ lười cạo nên thường mọc tua tủa, chứ chưa… “xồm nhân tạo" như mấy cụ nghệ sỹ trẻ mà... làm ra xồm ngày nay đâu! Gọi anh ta là Toán Xồm kể ra cũng hơi oan cho anh ta thiệt! Nhưng Toán là một người tớ có thể khảng định là có văn hoá âm nhạc, hiền lành, dễ thương, và có văn hoá. (Dân Bac 1, lycée Albert Sarraut đàng hoàng chứ đâu phải dân tốt nghiệp lớp 10 ở rừng về!)
b/ Do có nhiều quan hệ gia đình hay bạn bè gì đó mà Toán luôn có máy nghe nhạc, có những đĩa hát rất “up to date”, thậm chí toàn là đĩa steréo ngay những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, khi mà cánh nhạc sỹ chuyên nghiệp cánh tớ đang phải nghe nhạc bằng những chiếc électrophone mono của Liên Sô, chỉ hơn cái máy quay tay Béka chút đỉnh! Nghĩa là đến Toán Xồm để được nghe nhạc cho ra nhạc nhờ… và thỉnh thoảng có cái đĩa nào thích thì… tán anh… mua lại!
c/ Nhà Toán ở cách cơ quan tớ không đến 30 mét, trên đường Tô Hiến Thành nên tớ vẫn nghe hàng ngày tiếng guitar điện (lần đầu tiên có ở miền Bắc XHCN), do Toán tự chế từ một guitar thùng, âm thanh được đưa vào một ampli cũng tự chế bằng một hộp bích-quy gồm 2 bóng đèn điện tử to tổ đùng, rồi dẫn tới một thùng loa một chiếc, có đóng bafle bằng gỗ thông, nghe cũng có bass có treffle tạo nên được các “âm thanh lạ” mô phỏng gần đúng các âm thanh ghi trên các đĩa của bọn… “xét lại”!

Thế là, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, nhà Toán Xồm càng ngày càng đông người lui tới đặc biệt là đám trẻ mới lớn lên lại càng mê anh Toán Xồm, nhất là từ ngày anh tập hợp thêm đuợc Lộc Vàng ca sỹ kiêm batteries tự chế từ những cái trống thiếu nhi, một vài cái cymbale còn sót lại từ thời “Đế Quốc Sài Lang” và “Kiên Ha-Vai” (guitare hawaienne).
Tiết mục chỉ là bắt chước trên các đĩa hát "xét lại" được phép bán công khai và phát oang oang ở ngay cửa hàng Ngoại Văn giữa phố Tràng Tiền! Chẳng cần đến ai “phối khí, hoà âm” gì như thời nay người ta thượng ngộ nhận!... Một "dàn nhạc nhẹ tư nhân không chuyên" đã ra đời “tự nhiên như không khí, chẳng cần lý thuyết, lý luận gì” (trích l’aventure Pop của H.Leproux) và được một “đa số tối thiểu” (Jacques Juillard) ưa thích vì đã quá ngán với những bài hát chiến đấu và sản xuất.

Tiếng "lành" đồn xa đã đến tai một ông giám đốc Công Ty Ăn Uống và ông đã dám mời Ban nhạc Toán Xồm ra biểu diễn live ở khách sạn Phú Gia mỗi tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Thế là chuyện bé đã xé ra to. Tiếng "dữ" đã đồn về mấy ông "tham mưu âm nhạc" cho Đảng… và nhất là những tay văn nghệ - chính trị - cơ hội đã không bỏ lỡ dịp này để leo lên bằng cách ngăn chặn và dẹp ngay cái thứ âm nhạc "phi chiến đấu tính, phi nhân dân tính, phi đảng tính" này ngay tắp lự… Và họ đã "ra tay" để cánh cáo những kẻ nào đang manh nha muốn làm cái thứ nghệ thuật… chỉ vì nghệ thuật…, chỉ để giải trí!

Toán Xồm là một con vật bị đem tế thần chung với một nhà nhiếp ảnh cùng thời với nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh: nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Kiên! Tuy nhiên, ở cái thời hậu Nguyễn Hữu Đang -Thuỵ An… những người biết “Sợ” như tớ vẫn nghĩ tới một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra cho Toán là… “có yếu tố chính trị nước ngoài”, thì lần này Toán chỉ có mà đi tù mút mùa.
Hơn thế nữa, những người hay ra vào nhà Toán, cũng như ông giám đốc Công Ty Ăn Uống, có khi cũng ít nhiều… bị liên quan chưa biết chừng nên… miễn bình luận là thượng sách.
Cho đến cái ngày nhận được “giấy mời” tham dự phiên toà tớ mới hiểu thêm: Đây là một vụ án văn nghệ đầu tiên được mang ra xét xử công khai. Không hề có chuyện chính trị, không có "bàn tay thù địch" nào kích động… Tất cả chỉ là làm văn nghệ không theo đúng đường lối của Đảng, “làm văn nghệ theo tiếng gọi của… thú tính cá nhân, sa đoạ, truỵ lạc, làm hư khiếu thẩm mỹ của thanh thiếu niên” v.v… và… v.v... (Trích các lời buộc tội, lời kết án của ông chánh án, lời xác minh của các giám định viên, mà tớ vừa nghe vừa muốn cười vừa muốn khóc). Một phiên toà hiếm có mà người buộc tội cũng như bị cáo đều như hai người… ngoại quốc, người này nói mà người kia chẳng hiểu là nói cái gì!...

Tớ xin trích vài câu hỏi và đáp của toà với "can phạm" để các friends cười năm phút:

Chánh án: -Anh có nhận là đã đánh nhạc của Tư sản, là đồi truỵ không?
Toán xồm: - Dạ! Thưa quý toà, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Sô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!
Chánh án: - Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?
Toán Xồm: - Dạ! Paloma là của nước bạn Cuba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!
Chánh án: - Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không? (chắc có một “thày dùi” nhạc sỹ nào đó mách nước)
Toán Xồm: - Dạ! Có ạ.! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cuba ạ!
Chánh án: - Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cuba hết hả?
Toán xồm: - Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá, vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước Xã Hội Chủ Nghĩa đều sử dụng cả ạ!
Chánh án: - Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác!! ? Đừng có ngụy biện!
Toán Xồm: - Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn,... chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
Chánh án: - Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố! Đồ…

Cái cuộc xét xử, toà án thì ở hội trường thư viện Trung ương, quan toà (một ông già tên Vinh hay Vĩnh gì đó) nói gần như hết buổi và khi thấy mình bị “hố” thì luôn sử dụng cái câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội.
Không hề có ai bào chữa (lúc này cái chức danh luật sư đã bị gạt ra khỏi tự điển Việt Nam).
Ngay thời điểm ấy đối với tớ cũng là một trò hề vô văn hoá. Nó phơi bày sự ngu dốt, kể cả trong biên bản giám định của Vụ Âm Nhạc (đuợc toà đọc lên chứ không có cá nhân nào đứng ra trình bày trước toà) đều toát lên cái ý đồ từ đâu đó muốn “dằn mặt những ai muốn xa rời đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh của Đảng mà thôi.!”
Đây chính là ý kiến của anh Văn Cao tâm sự với bọn tớ buổi chiều vào thăm anh trong bệnh viện khi anh được đưa từ Tây bắc về vì chảy máu dạ dày.
Và sau 3 ngày làm việc toà tuyên án Toán Xồm, Nguyễn Duy Kiên 7 và 11 (lâu quá tớ không nhớ đích xác) năm tù giam vì "tuyên truyền văn hoá đồi truỵ!” Không có đụng đến một chức danh nhạc sỹ hay nhiếp ảnh gia nào!

Vụ án khép lại và cũng chẳng cần đưa lên báo, lên truyền thanh, truyền hình như ngày nay.
Tuy nhiên, trong giới văn nghệ không ai không biết “Đây chỉ là một đòn cảnh cáo cho những ai muốn ôm lấy những tàn dư của văn hoá… Đế Quốc” hoặc… “Những ai muốn theo chân bọn xét lại… hãy coi chừng!”

Cho đến hôm nay, trước tình hình âm nhạc loạn cào cào mà còn được bảo kê công khai, nghĩ lại, thấy thương cho Toán Xồm, cho cụ Kiên vô cùng. Trước khi viết bài này, tớ có gọi điện hỏi thăm mấy người thân của Toán còn sống trên đường Tô Hiến Thành - Hà Nội thì được biết: Anh đã qua đời, không vợ con, thân thích cách đây 4 năm... Vì buồn, vì giải sầu bằng… rượu nên anh đã chết một cách rất thê thảm: "Chết đường chết chợ", ngay khi vừa ra khỏi một quán rượu nhỏ ven đô…
Người ta đưa anh vào nhà xác và ở đấy, không biết báo cho ai, người ta đã chôn anh như một cái xác vô thừa nhận. Nếu tin này là chính xác thì quả là số mệnh anh đúng bị ngôi sao quả tạ chiếu vào thật!
Một nén nhang thắp viếng hương hồn anh! Nỗi oan của anh hôm nay đã có tôi và nhiều người lôi ra ánh sáng. Mong anh “dưới ấy” thanh thản được phần nào.
Riêng nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Kiên, nếu nay còn sống chắc phải đã qua tuổi 100. Điều này không thể có với một "người tù oan sai" vì ngay khi nhận bản án, cụ đã 72 tuổi.
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

71. Trở lại với chuyện nóng bỏng
Tô Hải – 10/09/2008

TRỞ LẠI VỚI CHUYỆN “NÓNG BỎNG VỪA XẢY RA”

Tớ đã định nghe lời đa số các friends, giã từ các “chức vụ ảo”, thử xông vào giải quyết “các vân đề nóng bỏng đang diễn ra trước mắt” để trở lại “kể chuyện xưa” cho thế hệ trẻ nghe…
Vậy mà… vừa mới viết được một entry “Vụ Án toán Xồm…”, định tiếp tục với một vụ án oan sai khác thì một vấn đề nóng bỏng, cực nóng nó làm tớ muốn nổi khùng! Không phải là vụ các nhà đầu tư Đúc, Mỹ, tiếp bước các nhà đầu tư Nhật, nhận tội hối lộ các quan chức Việt Nam phải ra toà... Không phải là vụ Hoa Hậu dược bao che vượt điều lệ hay chụp ảnh nude để tự quảng cáo “khoe của kiếm chồng”.
Cũng không phải là vụ giáo dân Thái Hà bị “các thế lực thù địch lợi dụng”.
Đó là một vụ phá hoại nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị, một vụ liên quan trực tiếp tới tớ, công dân - nhạc sỹ Tô Hải, Blogger “Nhát sỹ bạo thử” đã không có phép (của… ai chẳng biết) dám tự tiện tặng cho Việt Kiều nước ngoài những tác phẩm đã được nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa trao giải thưởng Nhà nước (ngay dợt đầu) …

Câu chuyện này về bản chất cũng chẳng khác chi vụ án Toán Xồm nhưng nó tai hại hơn vì không thể bưng bít được thế giới như thời vụ Toán Xồm và nhất là nó sẽ được lan truyền nhanh trong khắp các kiều bào ở nước ngoài, rất tai hại cho nghị quyết về “hoà giải-hoà hợp” mà tớ đã cố gắng góp sức lôi kéo họ trở về xây dựng Tổ Quốc…
Đây là một vụ án inédit, chưa ai biết nếu tớ không lên tiếng trên hệ thông mạng toàn cầu và ba Việt Kiều em ruột tớ không thể không cùng con cháu, bạn bè chúng đi “phản tuyên truyền” về cái vụ nghị quyết 36 “nói dzậy nhưng không phải là dzậy”.
Câu chuyện nóng bỏng mà tớ là người có liên quan này tớ đặt tên là:

BA “KHÚC RUỘT (GIÀ) NGÀN DẶM” XUÝT BỊ ĐEM LUỘC CHẤM MẮM TÔM!

Số là, sau 33 năm “lẩn tránh” ông anh cả, một mình bỏ nhà ra đi cứu nước, chiến đấu liên tục suốt 43 năm dưới cờ đỏ sao vàng (tớ trừ đi 20 năm từ ngày về hưu kẻo mang tiếng là… công thần), mãi tới nay, nhờ nghị quyết 36, ba đứa em gái ruột tớ mới về gặp ông anh “Việt Cộng cỡ bự” xem sao! ? (Vì chúng nó lầm tưởng tớ là ông TÔ HẢI trùng tên tớ làm Vụ Phó Vụ Nghệ thuật (mà chẳng có một miligam nào nghệ thuật! ?) thời Cách mạng văn hoá đã từng lãnh đạo Đoàn Xiếc VN sang Tầu đi biểu tình hò hét phá phách cùng bọn Hồng Vệ Binh và tuyên bố với khắp thế giới là “Vinh dự được làm “tiểu tướng của Mao Chủ Tịch”. Tội cho tớ và cho gia đình tớ ở “ phía bên kia”! Cái thành kiến và “sợ” tớ kéo dài cho mãi tới khi thằng cháu, con đứa em thứ tư về "thử" Việt Nam thời mở cửa và tiến hành kinh doanh thành đạt cùng cái Công ty Bắc Việt, của nó đóng tại 23 Láng Hạ Hà Nội và 116 t/p Hồ Chí Minh...
Tiếp đó là mẹ nó, cũng trở về thăm dò, và điều tra ra rằng ông anh cả không phải là “Tiểu tướng của Mao Chủ Tich” mà chỉ là “Tiểu tốt của cái Đẹp Vô sản” thôi! Thế là chúng nó rủ nhau cả ba về gặp tớ cùng một lượt… Thật ra phải gọi chúng nó là… “ba cụ em” mới đúng! Vì Tô Ngọc Bích đã 79 tuổi (ngồi xe lăn khi lên máy bay), Tô Tuyết Nga 75 và út ít Tô Ánh Tuyết đã… 68! Ấy vậy mà, sáng 6/9/2008 vừa qua trong chuyến bay về Hoa Kỳ hồi 6 giờ sáng, 3 cụ Việt Kiều yêu nước thật sự đã bị một "lũ 5 tên”, không mặc quân phục, không đeo biển hiệu, không đến nỗi đè xấp đè ngửa, nhưng mỗi cụ đều bị gọi vào một phòng riêng để khám toàn bộ hành lý, nắn từng cái cạp quần, cái xú-chiêng-xi-lip suốt 2 tiếng đồng hồ! Tất cả đều phải khai lý lịch từ đời cha, mẹ, chồng, con, anh em, con cháu, làm gì?
Đến Việt Nam với mục đích gì? Cuối cùng, bọn chúng chỉ tịch thu được… toàn bộ tác phẩm của ông "anh-cách mạng" được Nhà Nước tặng giải và xuất bản, giới thiệu rộng rãi trên Đài TNVN, trên Tivi Trung ương và Saigòn! Tất cả đều do tớ bỏ tiền túi chuyển từ băng vidéo, cassette qua CD với bản thảo chép tay tặng 3 cụ em có chữ ký làm kỷ niệm để chúng nó về khoe với mọi “khúc ruột” khác là ông anh chúng cũng "được" viết tình ca như “Nụ cười sơn cước”, và cũng biết viết cả giao hưởng-hợp xướng 4 chương như “Tiếng hát biên thuỳ”. Cái thời bọn tớ "còn được coi trọng", làm gì đã có CD, VCD, DVD?
Tất cả chỉ là những băng được các cán bộ biên tập sau khi phát thanh, phát hình, in tặng cho một bản làm kỷ niệm, chứ làm gì có các trung tâm nào thèm in CD, VCD cho bọn nhạc sỹ cổ hủ - lạc hậu bọn tớ như đối với các siêu "ca-nhạc-sỹ không cần đồ rê mi" ngày nay! Muốn giữ làm kỷ niệm đều phải chuyển sang CD vì thời nay ai còn giữ ba cái máy nghe băng cối, băng cát xét!
Vậy mà họ cứ tịch thu, tuyên bố là… “hàng lậu” vì không có… dán tem! ? Em tớ, thuộc luật về xuất bản VN hơn cả bè lũ 5 tên này đã thuyết trình hết hơi với chúng nó rằng đây không phải là xuất bản phẩm mà chỉ là những băng của các đài nhà nước được anh tôi chuyển sang cho mỗi đứa hai đĩa CD kèm theo bản thảo hẳn hoi, 3 người đều được đề tặng công khai.
Chẳng buôn bán gì mà lậu với chẳng lị! Còn việc khai lý lịch tại sao chỉ áp dụng với chị em tôi, tại sao đưa hết thẻ nhớ của máy ảnh chúng tôi vào máy tính trong khi các người khác thì không? v.v... và v.v... Bọn này chỉ có ú ớ đánh trống lảng sang chuyện khác như "hỏi thăm sức khoẻ nhạc sỹ Tô Hải"? Biết lý sự mãi với “bọn” trương tuần thời hiện đại này chẳng có lợi gì nên cả ba cụ đều phải khai tuốt với ý đồ “Chẳng bao giờ quay lại đây để chúng mày có thể trù dập, bỏ tù hay vu vạ” mang “ma tuý”, súng lục để khủng bố, khủng mẹ ai ai đó nữa! Chẳng biết khi đọc đến những cái tên, chức vụ “bác học nguyên tử, giáo sư, “tướng nguỵ” có tên tuổi và cao cấp hơn cả Nguyễn Cao Kỳ, trong bản khai mà ba em tớ đành cắn răng ký cho xong kẻo lỡ chuyến bay, cấp trên của bọn 5 tên này sẽ chửi rằng chúng thiệt là ngu vì đã để cho 3 nhân vật quan trọng này "thoát", không giữ lại làm con tin trao đổi được khối thứ với chính phủ Hoa Kỳ, hay khen chúng vì đã biết được thêm cái "quan hệ phức tạp" của lão già Tô Hải này để mà có “ biện pháp” khi cần…
Riêng với tớ, nếu các friend nào chưa đọc, hãy click vào entry “Khai lý lịch thật thà” trên highlighted post để thấy rằng đã từ lâu rồi tớ chẳng sợ gì cái trò trù ếm vì lý lịch… “toàn gia theo... địch” cả!

Nhưng cái điều làm tớ ăn không ngon, ngủ không yên chính là ở hai vấn đề sau:

1-/ Có phải hành động trên là nhằm vào chính tớ, cái lão Blogger già nhất nước hay “cầm đèn chạy sau ô-tô” chuyên kể những chuyện mà người ta đang muốn quên đi để… âm thầm sửa chữa??
Nói trắng ra là: Tớ hay tố khổ về những sai lầm của thời quá khứ mà chính tớ “vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm”! Toàn là những sai lầm của “Đảng ngày xưa” Tuy nhiên “có ai đó” lại cho là… những gì tớ viết… có hại cho “Đảng ngày nay” chăng?! Nhất là từ cái ngày tớ dám chống gậy đi biểu tình… (hụt) lên án bọn Tầu Xâm Lược Hoàng Sa - Trường Sa, rồi lại còn phát biểu trên Blog những “ý kiến trái chiều với đường lối ngoại giao 16 chữ vàng” của Đảng… nên người ta lo sợ tớ chuyển tài liệu gì "phản động”, có hại cho nhà nước XHCN… chăng nên họ "hành" 3 cụ em tớ đặc cách như thế! ?
Nếu đúng vậy thì họ quá ư ngu, đại ngu, chí ngu, cực ngu vì nếu có những “tài liệu phản động” đó tớ dại gì mà cho ba em tớ mang qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất!
Thời đại vi tính này, chỉ vài ba thao tác trên computer, trình độ cà mèng về vi tính như tớ, cũng có thể phổ biến cả một cuốn “Trần Dần Thơ”, “Thời của thánh thần”, hoặc gần đây “Đì tìm cái Tôi đã mất”, (một luận văn lên án "văn nghệ vô sản” chưa từng có) của Nguyễn Khải ra khắp thế giới dễ ợt!. Ngay khi nhận được tin chẳng hay ho gì này, qua téléphone và Email của ba cụ em họ Tô (Tớ không thể ra tiễn vì sức yếu, chân què) tớ đã vội mail ngay và gửi tất cả những gì bị tịch thu bằng MP3 đã có sẵn trong CPU cho chúng nó, chỉ có diều không thể ký tên và đề vài câu “Thân yêu tặng em… của tôi, kỷ niệm ngày gặp mặt sau 62 năm xa cách” … mà thôi!

2-/ Đã từ lâu tớ luôn nghi ngờ có một “xã hội đen chính trị” luôn tìm mọi cách làm ngược với những gì mà nhà nước ra tuyên bố, Đảng ra nghị quyết lần này càng được tớ khảng định là: Có thật!
Này nhé:
a- Về kinh tế thì chúng cứ dùng tiền của các tập đoàn nhà nước tung vào các thứ kinh doanh chẳng có dính líu gì đến cái biển hiệu của chúng cả. Chỉ riêng cái chuyện cổ phần hoá chúng cố tình dây dưa và đánh giá tài sản rẻ hơn bèo để chia chác nhau những “đầu (cổ) phần sư tử” … Còn việc kê khai tài sản, dù quốc hội, báo chí nhắc đi nhắc lại cả trăm lần, bọn “tư bản đỏ” vẫn cứ lờ tịt mà chẳng ai dám động tới cái lông chân. Lâu đài, nhà đất, tài khoản của con cháu gửi ở trong và ngoài nước, xe cộ, máy bay, … từ thu nhập nào mà chúng có? Chẳng ai dám sờ tới… Còn hàng vạn chứng cớ sờ sờ ra đấy mà có đứa nào phải dựa cột như ở bên Tầu đâu? -Tớ dốt đặc về cái món kinh tế nên chỉ kể ra một vài thắc mắc lâu ngày qua những gì các ban thanh tra, các báo chí và cả quốc hội đã nêu ra. Thế thôi!
3-/ Về xã hội thì… (do tớ chẳng mấy khi “hạ sơn”, trừ đi bệnh viện) nên: chỉ đứng từ ban công quan sát cái khu Miếu Nổi của tớ đã thấy được là: Mỗi năm một xuống cấp. Đĩ điếm, ăn cắp, giựt dọc, ma tuý, côn đồ, đâm chém, giết người, tự tử… diễn ra rất vô tư trên hai bờ kênh Nhiêu Lộc! Cậu Ninh công an khu vực thú thật với tớ: “Không thể dẹp nổi! Có một mình cháu, Pó tay!”. Gần đây, chính quyền đã cho chặt bỏ hết những hàng cây rất đẹp trồng hai bên bờ vì… quá um tùm và dễ đồng loã với… tiêu cực!
4-/ Về văn hoá tư tưởng thì... ôi thôi! Không ai ngăn nổi các thứ văn hoá nghệ thuật nhổ toẹt vào đường lối dân tộc và hiện đại đúng đắn với bất cứ một thể chế nào trên thế giới này nữa. Phải chăng chính cái “xã hội đen chính trị” này đang khuyến khích và cho phép các thứ làm bẩn tâm hồn con em chúng ta bằng những triết lý sống, phong cách sống mất gốc, lai căng, qua những “sáng tác” mà người xem, người nghe có văn hoá đều phải đỏ mặt. Điển hình nhất là các vụ âm nhạc ăn cắp lại được “bao che” bằng những lời tuyên bố của một vị thiếu tướng, chủ tịch Hội Đồng Nghệ Thuật rằng thì là: “Chuyện này chính quyền không có ý kiến, chuyên môn không có ý kiến!”

Và điển hình hơn nữa đối với bản thân tớ là: Ngăn chặn các tác phẩm cách mạng nổi tiếng một thời, đã được phổ biến một thời, được tặng thưởng một thời lại, không được phép đưa ra nước ngoài! ? Vậy thì ai cố tình dìm chết bọn “văn nghệ sỹ cách mạng” cũ? ai cho phép các thứ rác rưởi văn nghệ được phép tung vào tận phòng ngủ chúng ta lẫn ra cả nước ngoài những thứ bậy bạ, lai căng, ăn cắp đến nỗi báo chí phải chỉ mặt đặt tên, Việt Kiều có lương tâm phải kêu lên vì xấu hổ với những nội dung vô luân, phong cách bắt chước đến dị hợm của một số sao, siêu sao mang chuông đi đấm… vào tai nước người… (trường hợp Bảo Yến, Kim Tiểu Long, Đàm Vĩnh Hưng… vừa qua) … Ai cấm cản? Ai cho phép? Nếu không phải là bọn “tuần đinh văn nghệ của bọn xã hội đen-chính trị?”

Bài này đã quá dài nhưng tớ vẫn cảm thấy chưa nói hết được cái nỗi lo lắng bức xúc của tớ trước tình hình đất nước đang ở trong tình trạng trống đánh suôi, kèn thổi ngược, trên nói một đằng dưới làm một nẻo. Những “lời vàng, ý ngọc” như “Tôn trọng ý kiến trái chiều”, “Quên quá khứ, Xoá bỏ hận thù, Hướng tới tương lai” của các chú lãnh đạo cao nhất nước, chúng nó đang rắp tâm làm ngược lại. Chẳng lẽ các chú lại ra lệnh cho chúng nó là “Việc tao, tao nói; việc chúng mày, mày cứ làm” hay sao? Tớ không dám tin vào cái điều bất hạnh này./.

Và đây là một số nhỏ đĩa CD chuyển từ các băng vidéo, audio của các cơ quan Phát Thanh, Truyền Hình nhà nước sang CD... Toàn là những tác phẩm của các tác giả (Huy Du, Trọng Bằng, Nguyễn Đúc Toàn, Tô Hải, Xuân Oanh…) được tặng những giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật của Nhà Nước; đã được phát thanh và phát hình toàn quốc. Nhưng do không bao giờ được các Trung Tâm CD, VCD, DVD của nhà nước (đã hoàn toàn “đổi mới tư duy nghệ thuật” chiếu cố, nên gần như ai cũng đành bỏ tiền túi ra thuê chuyển sang đĩa CD để làm kỷ niệm và tặng bạn bè, bà con thân thuộc.
Vậy mà lại bị gọi là xuất bản phẩm lậu không dán tem nên… bị tịch thu hở trời???? Có luật sư nào mách tớ cách làm đơn kiện ai đó được không? Liệu có nhà báo nào còn thương yêu bọn tớ, có friend nào dám đưa chuyện này lên báo không? Còn tớ, từ ngày làm Blogger văn phong không còn phù hợp với báo chí Nhà nước như cái thời tớ đã từng là cộng tác viên thường xuyên "ăn lương tháng đứng mục tuần" của "Sài gòn Giải Phong", cái thời từng bê giải nhất về báo chí của Hội Nhạc Sỹ VN dưới những bút hiệu Kính Viễn Vọng, Tô Hải Anh, T.H... đã chỉ còn là... quá khứ không bao giờ trở lại.
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

72. Văn nghệ “dán tem” ?
Tô Hải – 02/10/2008

Kể từ cái ngày ba cụ em tớ bị lục soát và tịch thu những tác phẩm âm nhạc của tớ "mến tặng", tớ lại nổi khùng một cách… vô ích với cái “bọn trả thù những người kháng chiến cũ” và bợ đít mấy con sao, siêu sao dỏm ra nước ngoài mà chẳng có phải khám xét bất cứ cái gì…
Tớ cứ mất ngủ liên tục, chuẩn bị mọi phương án đối phó với bọn này nếu "tình hình xấu nhất" có thể xảy ra. Rồi tức tối, bực bội, căm hờn nổi lên ngút trời… tớ đâm ra phát bệnh! Không ăn, không ngủ được, sốt rét ban đêm, sốt nóng ban ngày, xương cốt đau khắp nơi, ngồi một lúc là chỉ muốn... nằm.
Tuy nhiên, tớ vẫn cố gắng viết sẵn cả một bản tuyên bố trên word và trước thế giới về cách đối xử với tài sản văn hóa của cá nhân cũng như của cả một dân tộc bị coi như “hàng lậu” nếu “chưa có dán tem” (?!).
Tớ cũng yêu cầu các nước hãy lên tiếng về hành động vô văn hóa này đang cản trở mọi sự giao lưu về tư tưởng, về tình cảm, về khoa học kỹ thuật của mọi Người trên Cái thế giới phẳng này. Tớ cũng đặt vấn đề: nếu trong lịch sử tiến hóa của loài người, mọi tư tưởng, mọi nền văn hóa, đều phải…. “dán tem” mới được xuất nhập thì liệu hôm nay đây… có cái gì cho con em chúng ta học, có cái gì cho…. “các cụ nghiên cứu sinh” ở các học viện Mác-Lê đang hàng năm cho ra lò cả hàng ngàn giáo sư-tiến sỹ??

Và tớ thách thức các nhà nãnh đạo hãy chỉ ra một lước lào mà văn hóa muốn giao lưu cần phải được... "dán tem" như ở cái "thiên đường hũ nút" này chăng? Thật là nhục nhã cho những kẻ nào bầy ra cái trò kiểm duyệt văn hóa bằng cách dán tem (!) như trên một chai rượu, một cái nồi cơm điện, một cái mũ… bảo hiểm! Chỉ còn thiếu nước dán tem luôn…. quả tim và cái miệng những người như tớ! Và đáng buồn hơn là: Chính cái bọn được giao cho “dán tem” các tác phẩm văn nghệ lại là những bọn đang khuyến khích các loại văn hóa mất dạy, tình yêu, hôn hít, tay ba, tay tư, đánh đề, lừa dối… đề cao mọi thứ sa đọa, kể cả cho giải cao nhất cho những thứ văn nghệ ăn cắp, lai căng mà không biết nhục khi tuyên bố là “chính quyền không can thiệp”, “chuyên môn không can thiệp”!...
Tớ liệt kê, vạch mặt từng tên đĩ điếm văn nghệ, đi lại nước ngoài xoành xoạch, kiếm tiền một cách vô liêm sỷ ở nước ngoài mà, thậm chí quậy nát các nơi chúng biểu diễn, nhận cát-xê rồi chạy làng. Tớ vạch mặt luôn những tên “quan văn nghệ” đang nắm đầu ra của các thứ “sáng tạo” giết dần mọi tâm hồn, đạo đức, tư cách của con em chúng ta để… kiếm ăn, làm giầu, ngồi trên xe hơi, nhà lầu để “tham mưu” cho mấy ông lãnh đạo văn nghệ mà cả đời chưa từng biết… văn nghệ là cái giống gì!

Tóm lại, tớ đã mất bình tĩnh khi quyết tâm trực diện đối đầu với cái bọn “xã hội đen văn nghệ” này cho dù chúng có dựng lên một vài trò… đánh lừa con nít để đưa tớ ra tòa (như giam Điếu cầy 30 tháng về tội… trốn thuế!) Phải nói trắng ra rằng: Tớ định phen này liều mạng để đánh động cho toàn thể giới biết rằng: Ở đây, trên đất nước Việt Nam này, các nhà sáng tác văn nghệ, các nhà khoa học… muốn mang một sáng tạo gì ra nước ngoài đều phải có… dán tem!

Trên đây là tóm tắt hai cái entries có tính chất… di chúc gửi lại cho đời sau mà tớ đã viết sẵn trên word.

Thế nhưng… 10 ngày, 20 ngày đã qua đi… Chẳng thấy có “tình hình xấu nhất” nào xảy ra. Chắc bọn "tuần đinh văn nghệ" đã thay phiên nhau ráng nghe 2 cái CD của tớ nhưng chẳng tìm ra một câu chữ nào “chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa” mà chỉ toàn là những sáng tác đã được các ông, các bố, các bác, các chú nó duyệt cho phổ biến. Và nếu có một vài lỗ tai nào biết sơ sơ tí chút về âm nhạc chắc chúng phải giật mình khi thấy bỗng dưng lại có cả nhạc mở đầu cho buổi phát thanh “Vì an ninh Tổ Quốc” của chúng nữa! Thậm chí tớ lại còn biết cắt bớt đi những bài có thể làm “kẻ thù cũ” … động lòng, có hại cho đường lối “ngoại giao rộng mở xếp lại quá khứ, hướng tới tương lai” giữa ta và Mỹ nữa như “Sẵn sàng! Bắn!”, “Từ mặt đất thân yêu” … Không thể nào kết tội tớ là "làm ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao hiện hành" của Đảng và Nhà Nước!

Cho đến ngày 28 tháng 9 vừa rồi, trong một bữa tiệc cưới, không hẹn mà nên, tớ gặp lại một loạt các “cựu chán binh già”, khi biết chuyện tớ đang định trực diện đối mặt với bọn “dán tem sáng tác văn nghệ”, đều khuyên nhủ tớ nên… màn màn cái cơn nổi giận lại vì:

a-/ Chính tớ đã nhiều lần tuyên bố “không cãi nhau với người điếc”. Vậy mà hôm nay tớ lại nổi khùng với lũ người điếc có trang bị cả còng số 8, dùi cui điện và chó nghiệp vụ nữa thì quả là… muốn tự sát! Khổ vợ, khổ con thôi!
b-/ Cái LẼ PHẢI hiện nay là cái “lẽ phải của… kẻ yếu”, cho nên họ không cãi lý được với tớ đâu mà sẽ có những “biện pháp thích hợp” đối với tớ nếu tớ cứ quyết tâm thí cái mạng già, húc vào những bức tường đá vô hồn!
Như để chứng minh cho cái việc “tem hay không tem” chẳng là cái quái gì với những tên đã có lệnh khám xét, tịch thu những gì tớ gửi ra nước ngoài là nằm trong kế hoạch đã định sẵn. Tạ Tuấn, nguyên giám đốc Dihavina, người đã thu băng nhạc “Nửa trái tim tôi” của tớ (nay đã về hưu) còn cho biết: Ngay hôm nay, em vẫn có thể đưa tặng anh cả đống tem để anh dán vào mọi xuất bản phẩm khi cần gửi ra nước ngoài.
Thế nhưng, người ta vẫn có thể tịch thu để kiểm tra như thường với lý do: Vỏ đĩa với nội dung trong đĩa có thể không giống nhau! Anh bị “mạc-kê” rồi, ông anh ơi!

Luật pháp nào bằng luật pháp của những người đẻ ra luật pháp để... ngồi lên nó!???

Ra về, bà xã chở tớ trên cái xe Honda cà tàng, đến ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Hồng Thập Tự (Sô Viết Nghệ Tĩnh), đang dừng chờ đèn xanh, bỗng dưng bị một con mụ nạ dòng nhưng trông rất ác ôn, đâm xầm vào đít xe, làm tớ xuýt ngã ngửa, nhưng lại quay lại chửi bà xã tớ là “Đồ ngu! Đèn xanh rồi sao không chịu đi!”. Tớ lại nổi máu “chiến sỹ anh hùng” vung ngay chiếc gậy chống sẵn trong tay mỗi khi ra đường, định phang cho nó mấy gậy thì bà xã tạt ngay vào bờ hè… nói nhỏ… “Anh cẩn thận! Có thể nó gây sự cho mình cáu lên là mắc mưu nó đấy!”

Từ đó đến khi về đến nhà, tớ bỗng thấy bạn bè và bà xã có lý! Tội gì mà phải băn khoăn thắc mắc với lũ rắn độc khi chúng chưa trườn, bò vào nhà mình.

Và tớ quyết định: Delete 2 bài có tính chất trực diện đối đầu trên word, thôi post lên Blog và lại quay về với việc “kể chuyện xưa” cho các friends trẻ nghe kẻo tớ chết rồi, chẳng mấy ai biết hoặc có biết nhưng không “dám” kể lại vì…. hèn hoặc sợ bị “mác-kê” như tớ. /.
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

73. Có một giám đốc xuất bản tư nhân đi tù
Tô Hải - 04/10/2008

Chuyện xảy ra cách đây chỉ còn thiếu hai tháng nữa là đúng… 60 năm! Có một con người mê văn nghệ và yêu văn nghệ sỹ tới mức… luôn đi theo các bậc "tiền bối", những vị mà ông ta cho là các “trưởng lão” trong làng văn nghệ nước nhà để thực hiện những chuyện… “điếu đóm” cho các “thầy”, và sẵn sàng làm… “bà đỡ” cho các “đứa con” của các thầy khi chúng đã tới lúc cần cất ba tiếng khóc chào đời! Nghĩa là ông sẵn sàng bỏ tiền túi ra, ứng trước cho văn nghệ sỹ, sẵn sàng chạy nháo nhào bằng chiếc xe đạp cà tàng, từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, vào tận nhà dòng Bùi Chu để kiếm chỗ in bằng được những tác phẩm của các tác giả mà ông… mê! Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nhà nước lo đánh giặc, nhân dân lo chạy giặc, cơ quan lo… di chuyển liên tục để… khỏi rơi vào tay “Tây nhảy dù”.
Có ma nào lo cái chuyện "đỡ đẻ" cho tác phẩm? Vả lại, mới cướp được chính quyền, mới thành lập "chính phủ đoàn kết dân tộc", đã có ai nghĩ đến chuyện “quốc doanh hóa” cái nghề xuất bản. Thế là, đi kháng chiến, cứ theo hiến pháp, ông tự thành lập cái Nhà Xuất Bản tư nhân duy nhất mà ông vừa là giám đốc, vừa là biên tập, tổng biên tập, thủ quỹ, và cả… loong toong luôn.
Còn trụ sở thì… nay đây mai đó, sơ tán trong nhà dân. Ông cứ hay tìm về những nơi nào tập trung nhân tài văn nghệ nhất… để lo cho sự ra đời những đứa con của những người mà ông mến phục. Bởi vậy những năm 50-54, sau khi văn nghệ Khu III đã gần như “dạt” cả vào Khu IV hoặc… “dinh tê” về thành, ông lấy Thanh Hóa là nơi hoạt động xuất bản… “tự do như không khí”, chẳng cần phép tắc, chẳng cần hội đồng xuất bản, ban, bộ, cục kiếc… gì chỉ đạo, chẳng biết nộp lưu chiểu lưu chiếc cho ai. Vậy mà cái thời khó khăn, gian khổ mà lại… tự do đó, ông đã phổ biến, ít nhất cho cánh tớ một lô tác phẩm có giá trị bằng công sức mồ hôi và tiền bạc của chính ông…
Đến hôm nay, chẳng hiểu ai có còn giữ được những tập thơ, tập truyện ngắn, thậm chí cả kịch Lôi Vũ, Nhật Xuất… in trên giấy tự tạo vẫn còn nguyên sợi rơm của xưởng giấy thủ công ở Quần Kênh (Thanh Hóa). Bìa cũng như ruột, chỉ có một thứ giấy, một thứ chữ lem nhem, in từ cái máy minerve quay tay ra…
Ấy vậy mà, các vị trưởng lão trong làng văn đều chào đón nó với cả nhiệt tình và lòng biết ơn vì ít ra nó cũng có công duy trì được cái nền “văn hóa đọc” cho dân mình khi nhà nước chưa thể lo đến cái “thượng tầng kiến trúc” được. Vậy là ông đứng ra lo cái việc mà nhà nước chưa... cấm ông lo…
Và cứ thế, khó khăn biết mấy, ông cứ tiếp tục “hầu hạ” mấy ông anh văn nghệ sỹ nào mà ông mê nhất… chẳng cần đường lối, chính sách, chẳng phân biệt ai là cách mạng thật, ai giả, ai cơ hội, ai nửa vời… Vì ông luôn tự cho ông là người có toàn quyền chịu trách nhiệm cần đỡ đẻ cho ai, không đỡ đẻ cho ai. Chuyện này, chính ông nói với tớ trong một cuộc gặp gỡ tại nhà kịch tác gia - đạo diễn Lộng Chương ở chợ Neo (Thanh Hóa) khi bàn đến chuyện in vở “Ngưỡng Cửa” của Đinh Ánh.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Huy có đưa ra ý kiến “Nên in kịch Đoàn Phú Tứ trước! vì… vì… thế này, vì thế nọ. Ông đã buông một câu rất xác đáng: “Để nhường Đoàn Phú Tứ cho các Nhà xuất bản… trong thành! Trước mắt, tôi chỉ có khả năng "làm Đinh Ánh" đã!”
Và quả là “ông bảo như thần bảo”, một năm sau, gặp ông ở Kim Tân, ông hể hả nói với tớ: “Cậu thấy chưa? Cỡ ông Đ.P.Tứ đâu cần đến cái thứ “xuất bản du kích” của tớ! Phen này, về thành rồi, ông thiếu gì người chạy theo xin xuất bản! Nói thật tớ chỉ mê mấy anh sáng tác….nghèo! Giúp đỡ để họ có tác phẩm cho đời là mục đích của tớ khi làm cái công việc mà chẳng mấy ai chịu làm vì làm thì chỉ có nước… lỗ vỡ mặt! Chỉ mong sao, sau này, chẳng đóng góp gì được bằng tác phẩm thì ít nhất, người đời cũng còn nhắc tới tớ, Nhà Xuất Bản Minh Đức, và nếu hiểu chữ Nhà theo kiểu nhà báo, nhà giáo, nhà văn cho thì… cũng là vinh dự cho tớ lắm rồi vì tớ có bao giờ có... Nhà!”
Bọn tớ, lúc ấy cũng đánh giá ông như ông nghĩ: Ông chính là người đầu tiên, dưới chế đọ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đã làm cái công việc “đỡ đẻ” cho tác phẩm, không vì kinh doanh lời lãi. Ông dám tự mình đứng ra chịu trách nhiệm trước nhân dân về các xuất bản phẩm mà ông đã góp sức tạo ra. Đặc biệt nhất, ông là người tôn trọng, thậm chí tôn sùng những con người mà theo ông là đặc biệt nhất, là vĩ đại nhất là có tài nhất trong giới văn nghệ. Vì họ, ông sẵn sàng hy sinh cả tài sản, cả quyền lợi bản thân, chỉ mong sau này có những tác phẩm xuất sắc nhất ra đời lại có tên ông: “bà đỡ đẻ” Minh Đức…

Cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm kết thúc, ông trở về Hà Nội tiếp tục làm nghề xuất bản tự do… một cách vất vả vì lúc này các Nhà Xuất Bản của “địch” để lại đã nắm thế thượng phong do có nhiều tài lực và nhân lực và biết cách đối xử (có người sau này gọi là… “mua chuộc”!) hơn ông rất nhiều lần! Tuy nhiên, ông vẫn nắm vững phương châm hoạt động “xuất bản không phải là cách kiếm sống” mà là chọn đưa tới người đọc những gì là “của ngon vật lạ” nhất để họ thưởng thức…
Từ ngôi nhà ở nhờ một người bạn tại ô Quan Chưởng ông chuyển trụ sở về 25 Phan Bội Châu… Và chính “ngôi nhà định mệnh này”, nơi ông thường tổ chức các cuộc “tao ngộ chiến” trên bàn rượu, đã đưa ông đến với những Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Thụy An… và ông lại quyết tâm làm "bà đỡ" cho những người mà ông vô cùng cảm phục này. Số phận của ông từ đầu năm 56 đã được ông tự quyết định, không tính toán, không ân hận. Sẽ… vinh quang hay… "mạt rệp" cùng những con người này, dù ông chưa từng trực tiếp cầm ngòi bút, chưa hề có cao vọng lớn như các bậc tiên chỉ, đàn anh mỗi khi phát biểu hay viết lên giấy trắng mực đen! Nói chính xác: ông chỉ là người thực hiện phổ biến không quá 3 tập của Giai Phẩm và Đất Mới! Nghĩa là trong vụ Nhân văn-Giai phẩm, ông chỉ có xoay sở cho ra mắt bạn đọc được có phần… Giai Phẩm.
Còn Nhân văn, đã có ông bạn cùng quê Nguyễn Hữu Đang, với uy tín sẵn có, nhiều lính tráng cũ đang nắm các nhà in, lo cả!.
Đầu năm 1959, sau các vụ đấu tố, xử lý cho đi cải tạo, cấm sáng tác, cấm xuất bản hàng loạt văn nghệ sỹ… thì vụ án gián điệp thông qua một số văn nghệ sỹ và xuất bản Minh Đức do De Bon Fils (cái tên “Con trai tốt” này thật dễ nhớ!) chỉ đạo, qua gián điệp Thụy An, được mang ra xét xử… bí mật!.
Không có thông báo, không có “mời dự” như vụ Toán Xồm. Không biết nội dung diễn tiến cuộc xét xử. Tất cả đêu làm kín. Văn nghệ sỹ lại càng không có nhiệm vụ gì ở cái “vụ án gián điệp” này mà phải thông báo. Duy nhất chỉ có một vị Nghệ Sỹ Nhân Dân (nay còn sống) được mời đến để “đối chứng” nhưng tới nay... "thà chết cũng không xì ra nửa lời"! ?
Sau này, tại phòng họp A, Bộ Văn Hóa, Bí Thư Đảng Đoàn Hà Huy Giáp phổ biến về mọi “âm mưu thâm độc của kẻ thù” mới được rõ là: Đây không hề là một vụ án văn nghệ mà đơn thuần chỉ là một vụ án gián điệp. Riêng Nhà Xuất Bản Minh Đức thì bị coi như là người "nắm tài chính của kẻ thù cung cấp" để phá hoại tư tưởng ngay trong đội ngũ những văn nghệ sỹ của Đảng!!! Toà tuyên án riêng Giám Đốc Nhà Xuất Bản Minh Đức Trần Thiếu Bảo 11 năm tù giam…
Thế nhưng, chẳng hiểu sao (có lẽ bận việc chạy bom Mỹ? hay… do không cải tạo tốt?) mãi đến tháng 4 năm 1973, ông mới được trở về với gia đình. Vẫn đam mê với sách báo, ông mở một xạp hàng bán sách báo cũ tại số 5 Bát Đàn. Và chính ở cái sạp sách báo nhỏ xíu này mà tớ thường hay lui tới thăm hỏi nên "xuất bản gia" Minh Đức Trần Thiếu Bảo đã phổ biến cho tớ cũng như nhiều đồng hương, “đồng chí” cũ (Tớ sinh tại Hà Nội nhưng quê hương gốc gác lại chính là Tiền Hải Thái Bình) tất cả những gì là áp đặt, là vô căn cứ, là mớm cung trong cái “vụ án gián điệp chết người” mà nhóm các ông bị kết án.
Thậm chí cả đến việc ông cùng Nguyễn Hữu Đang tổ chức Hội văn Hóa Cứu Quốc cũng bị “quay” thành “âm mưu xâm nhập vào mặt trận văn hóa tư tưởng”! ? Ai ra lệnh cho Trần Thiếu Bảo mời những tên này tên kia vào Hội Văn Hóa Cứu Quốc? Tiền ở đâu mà dám đăng cai cả một cuộc “luận chiến văn nghệ” tại đình làng Khuốc? (Cổ Khúc - Tiên Hưng - Thái Bình) ăn nhậu, nói bậy cả 3 ngày, lại còn có cả món… “Nàng tiên nâu” cho các cụ trưởng lão.
Rồi đi kháng chiến, “Bazar Minh Đức” của ông anhTrần Văn Rư bị tiêu thổ kháng chiến sạch sành sanh, vậy tiền đâu mà ông em Trần Thiếu Bảo vẫn đứng vững trên nghề xuất bản? Nhưng gay go nhất là bị hỏi về những mối quan hệ với nhóm Nhân văn Giai phẩm…
Ai cung cấp thuốc phiện, bàn đèn cho Hoàng Cầm, Tử Phác… Tiền ở đâu mà tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm, nhậu nhẹt ở 25 Phan Bội Châu? Toàn những câu hỏi mà ông Minh Đức chỉ lỡ miệng một chút, là được… “cho đi dựa cột” ngay.
Ông nói: “Chết thì chết, tớ không bao giờ nhận cái tội phản bội Tổ Quốc, phản bội dân tộc. Tớ cũng khai ra các ông Việt Minh cỡ bự nào đã được gia đình tớ chăm sóc, nuôi dưỡng… Tớ chỉ kiên trì một ý: 'Tôi chỉ phục vụ những văn nghệ sỹ mà tên tuổi và tác phẩm đã nổi tiếng khắp trong nước và thế giới…
Nay mấy ông này không làm các vị vừa lòng, tại sao các vị lại giận cá chém… thớt là cái thằng làm xuất bản nghèo kiết xác như tôi…'“ Những câu hỏi, những bản kiểm điểm "trước sau như một" chẳng có gì thay đổi, đã bị trại giam xếp Trần Thiếu Bảo vào loại “ngoan cố, không chịu cải tạo” suốt 13 năm…
Cho đến cái ngày đầu tháng 4/1973, NHÀ XUẤT BẢN TRẦN THIẾU BẢO được trả tự do trước sự ngỡ ngàng xen chút mừng vui cho ông. Mặc dầu bản kiểm điểm hàng tháng của ông vẫn chẳng có gì là… “tiến bộ”! Ông nói với tớ: “Chắc có lệnh mồm từ đâu đó chứ mấy đời những vụ án chính trị này lại được giải quyết “không kèn không trống” thế này”. Ông không bị quản chế, không bị theo rõi… Thậm chí ông còn được vào Sài Gòn năm 1988, thăm bạn bè, người thân…
Và có một diều khá kỳ cục chưa có tiền lệ là: Con gái đầu lòng của ông, Trần Thị bảo Châu (sinh năm 1952) lại được… kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam (với cái lý lịch… "Bố bị tù về tội gián điệp” hay sao?)

Gặp ông lần cuối tại Sài Gòn, tớ nhớ mãi cái câu nói: “Xét cho cùng, chằng có cái Nhà Xuất Bản nào hiện nay “sướng” bằng tớ, tự do bằng tớ”. Ông vui vẻ, hoạt bát hẳn lên và không muốn ai nhắc tới cái vụ án “nhận tiền nước ngoài phổ biến những tài liệu chống Đảng” mà ông đã bị làm… “cái thớt” để hù dọa những “con cá” Nhân văn-Giai phẩm!

Ông tin rằng lịch sử sẽ được viết lại và những vụ án kiểu như ông bị tòa khép tội, sẽ được làm sáng tỏ.

Trần Thiếu Bảo sau khi ra tù

Tiếc rằng sau chuyến Nam Du đó, ông bị ngã bệnh và qua đời vào lúc 4 giờ sáng ngày 25/9/1988!

Cái mộng suốt đời “bưng bê” cho các nhà văn, nhà tư tưởng lớn, làm “bà đỡ” cho các tác phẩm giá trị của ông không thành mà còn mang đến cho ông biết bao tai họa… Mong rằng ngày nào đó, khi nước ta có tự do xuất bản (ít nhất cũng được như thời Pháp thuộc!), có một nhà xuất bản nào đó sẽ lấy cái tên Minh Đức để đặt tên cho cái “nhà” của riêng mình.

Riêng đối với tớ, sau này do gắn bó với nghành “xuất bản có chỉ đạo” hơn 30 năm, mỗi lần có những chuyện "vô lý không có lẽ" xảy ra trong các khâu, xét duyệt, phổ biến tác phẩm, tớ lại nhớ đến cái thời “xuất bản tự do” của ông Minh Đức, và ước mơ được làm một “Xuất Bản Gia”, thấy thích, thấy hay thì cứ việc bỏ tiền túi ra mà phổ biến cho mọi người, chẳng lo bị ai đè đầu, cưỡi cổ, bị xét duyệt mà “kẻ xét” thường là những những kẻ “vô đạo” so với người “bị duyệt”.
Ước muốn không thành này tớ dồn vào các trang Blog, thoải mái viết lại những gì tớ chứng kiến trong quá khứ và hiện tại chẳng lo ai sửa chữa, cắt xén, …

Ấy vậy mà người ta lại đang lo sốt vó với mấy cái Blog bằng việc sáng chế ra một cái cơ quan có tên dài nhất thế giới: “Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử” để tiến tới khóa miệng luôn mấy anh Blogger Việt Nam! Rồi đây, chắc sẽ có khối "trại cải tạo Blogger" nếu anh nào biến Blog của mình thành nơi thông tin, phát biểu những tư tưởng, tình cảm về đất nước, về nhân tình thế thái, … Tớ lại nhớ đến câu nói của ông Minh Đức: Xuất bản thời tớ là… sướng nhất! mà buồn cho những gì đang và sẽ diễn ra trên cái lề bên phải của sự nghiệp xuất bản, báo chí nước nhà.
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

74. Trở lại sau 100 ngày xa em... Blốc!
Tô Hải

Vậy là sau gần 100 ngày, phải nằm liệt giường, xa rời Blog thân yêu… Hôm nay, tuy vẫn còn đau nhưng trước sự thúc giục nhiệt tình của các friends khắp nơi, tớ đành phải đọc cho con gái tớ post lên cho tớ một entry nhân dịp đầu năm mới... (năm mà tớ chính thức bước sang tuổi 82 tây và 83 ta) để nói lên những nỗi buồn và niềm vui của tớ trong những ngày bị “cấm khẩu”, xa bạn bè:

Có lẽ trong cuộc đời tớ có rất nhiều nỗi buồn, nhưng chưa bao giờ nỗi buồn cùng niềm vui lại đan xen trong tớ, gặm nhấm tớ dai dẳng và đau đớn như hơn 100 ngày qua

1) Không được phát biểu trên mạng cái TỰ DO NHỎ NHOI mà tớ mới tìm thấy sau khi làm Bloger, được nói lên 1/1000 sự thật của cuộc đời làm người “văn nghệ sỹ vô sản”. Một ý định đã có từ lâu nhưng chỉ trở thành hiện thực khi được tiếp xúc với Internet.
2) Tớ được sự ủng hộ của bạn bè khắp năm châu bốn biển mà ai tớ cũng muốn add nhưng con số 300 của yahoo đã hạn chế tớ. Trong con số 170.000 view chỉ nhận được đúng có 9 messages chửi tớ là “đồ ngu”, “già còn dại”, “ông già giở trò con nít” …
Còn lại tất cả đều hoan nghênh, động viên tớ tiếp tục nói lên những điều chưa ai dám nói về những trang bi kịch của đất nước và con người Việt Nam trong đó có tớ. Nhiều friends đã thân thiết với tớ như người trong gia đình tuy chưa hề gặp mặt. Những ngày tớ đau nằm liệt giường không biết bao nhiêu cú tel, messages thăm hỏi, động viên…
Có friends từ Mỹ, từ Anh còn gửi quà, thuốc từ nước ngoài về, có friend còn cử người nhà đang còn ở trong nước đến tận bệnh viện hỏi thăm. Nhiều nhất là những messages vấn an, cầu mong tớ sớm trở lại keyboard để cung cấp cho họ những trang lịch sử còn bị che giấu. Thật tình tớ không muốn im lặng lâu thế này vì quỹ thời gian đối với tớ còn quá ngắn. Nhưng bệnh tật đã bắt tớ phải im lặng. “Bà xã mổ cò” thì suốt ngày quần quật với xe bánh mì, con gái bận thi, học hành vất vả với cái chương trình học quá cồng kềnh với nhiều thứ vô bổ để mong được một tấm bằng chứ chẳng phải là để mở rộng kiến thức, mở rộng tâm hồn… như báo chí và các chuyên gia giáo dục trong nước đã từng lên án.

Tuy vậy, tớ vẫn vượt qua mọi cấm đoán của bác sỹ, nằm nghiêng lướt net để nắm được mọi thông tin trên báo chí các nước, và nhất là trên các Blog của các bạn ở trong và ngoài nước. Chính qua những con đường này, tớ càng thấy tin yêu cuộc sống và thèm sống để chứng kiến những niềm vui và góp sức vào những niềm vui.

Sau đây là những niềm vui mà tớ thấy được trong những ngày bị… "đóng đai” vào giường:

NIỀM VUI:

1) Tình hình thế giới và trong nước đang được bánh xe lịch sử vận hành đúng như những điều mà tớ và bạn bè tớ mong ước. Chỉ qua một cuốn tiểu thuyết “Thời của thánh thần” dày hơn 600 trang của Hoàng Minh Tường lại được chính nhà xuất bản của Hội Nhà Văn TW do Tổng biên tập Trung Trung Đỉnh và Nguyễn Khắc Trường chịu trách nhiệm xuất bản, (biên tập Tạ Duy Anh) cũng đủ thấy được cái chữ “Sợ” của cụ Nguyễn Tuân đã không còn nữa ở những nhà văn này...
Vậy là 1 số văn sỹ (sau Nguyễn Khải, Đào Hiếu, Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo…) đã đến lúc xuất hiện những tên tuổi mới, dám nói lên hoặc ủng hộ những cái gì mà lâu nay, vì…
Hèn mà đành “im hơi lặng tiếng!” Trên các Blog, dù đã có nhiều răn đe, nhưng mọi người vẫn cứ “nghĩ gì nói nấy” vì tất cả đều tin là mình đang đứng về phía sự thật. Tiện đây tớ cũng xin nhắn nhủ với tất cả các bạn trẻ hãy bỏ thì giờ vào mạng (Việt Nam thư quán) đọc cuốn tiểu thuyết nói trên. Với tớ, đó là những trang sử có thật của đất nước từ năm 45 tới đầu thế kỉ XXI này.
Các bạn sẽ gặp ở đó tất cả những nhân vật điển hình cho mọi thành phần giai cấp, đã sống qua cái bi hài kịch hãi hùng đau đớn nhất của dân tộc, của mọi gia đình, mọi tầng lớp: những điều mà không ít các nhà văn, nhà viết sử chân chính từng ấp ủ, từng mơ ước (cũng như bản thân tớ), chưa có “gan”, chưa có khả năng làm.

Quả là “hậu sinh khả úy”, khi một nhà văn sinh sau tớ cả hai chục năm lại viết được những gì mà chính chúng tớ cả gần nửa thế kỷ sống trong thực tế đau buồn, bi thảm kéo dài đó, đã anh dũng nói hộ lũ già nua hèn-kém chúng tớ! Dù có một số sơ xuất khi phải sử dụng tài liệu, nhân vật có thật xen lẫn với hư cấu, nên đôi chỗ, những kẻ “không ưa nghe chuyện cũ” có thể dễ khép anh vào tội “xuyên tạc”, “nói xấu” hoặc cho là anh “bịa”, nhưng tớ xin đem cái mạng già này ra mà bảo đảm rằng: “Tất cả mọi chuyện xảy ra trong cuốn “tóm tắt lịch sử Việt Nam 60 năm này” của Hoàng Minh Tường là hoàn toàn có thật! Nó rất đáng để các bạn trẻ đọc và tin ở nó! Nó có thể thay thế tớ đóng góp cho cái nhìn của lớp trẻ lâu nay bị “quáng gà lịch sử”, muốn biết rõ thêm về những điều mà các nhà viết sử chính thống muốn dấu kín! (Ý đồ của bản thân tớ khi Blogging cũng chỉ mong kể về “những chuyện có thật”, qua những entry “kể chuyện xưa” qua từng vụ việc, từng con người…)

Vậy là, tớ đã có đồng minh và nhiều đồng minh khác nữa sẽ thay thế tớ sau khi tớ không còn ở trên cõi đời này! Làm sao không vui được giữa lúc phải đóng đinh trên giường mà lại có trong tay một cuốn sách “cực kỳ” như thế để quên đi cái lão Thần Chết đang cầm liềm đứng ngoài cửa sổ muốn “hái” tớ đi.

2) Chính trong cái thời gian 3 người đồng đội, dòng dõi nhà vua của tớ khi xưa “ra đi cứu nước” lần lượt qua đời (Bảo Tân, Bửu Huyền, Vĩnh Cường) với danh nghĩa… “chiến sỹ lão thành - hưu trí - bạch vệ” thì chẳng hiểu sao, lệnh từ đâu (?) người ta lại công khai xét lại cách đối xử “không công bằng” với các triều đại của chúa Nguyễn, lên án việc hủy bỏ những cái tên đường phố như Lê Hoàng, Phan Thanh Giản, Tự Đức… là sai lầm, là ấu trĩ, giáo điều?
Mà nào có phải lời lẽ của 3 anh cầm bút trẻ người non dạ gì cho cam, toàn những giáo sư, tiến sỹ đầu ngành của Viện khoa học lịch sử nước nhà cả. Tiếc rằng mấy người bạn mang giòng họ Vĩnh, Bửu… nói trên không còn được hưởng cái “niềm vui mới” đó để dịu bớt đi nỗi đắng cay của những ngày người ta đấu tố mình trong các cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn, ép mình phải nhận rõ cha ông mình là… "Kẻ Thù giai cấp"!

3) Sau khi cho ra mắt các tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Trần Dần, Tuân Nguyễn… Người ta long trọng tổ chức lần đầu “100 năm ngày sinh của giáo sư Trương Tửu” tại trường Đại Học Sư Phạm, Hà Nội! Trong các bản tham luận hua-ra (có quay phim đưa lên VTV) các giáo sư, tiến sỹ có uy tín nhất nước đã công khai “tung hô” “tên tờ-rót-kít cực kỳ nguy hiểm”, “tên kích động sự bất phục tùng và phản kháng” trong giới văn nghệ sỹ, kẻ muốn “tách văn nghệ ra khỏi chính trị hàng đầu” … như là “người đầu tiên đi vào phê bình văn học cách mạng”, “giáo sư hàng đầu”, “người đặt nền móng cho khoa lý luận văn học trong trường Đại Học” … “nguời phát triền lý luận văn học cách mạng” v.v… và v.v…

Điều ngạc nhiên lại chính là những tiến sỹ, giáo sư đã từng là học trò của ông nhưng đã từng phải “tẩy não” để lên án thầy về “tư tưởng cực kỳ phản động” qua những điều ông nói và viết như “chất men bất phục tùng và phản kháng của người nghệ sỹ’, … “Nhiệm vụ lãnh đạo con tim của người cầm bút”! Cũng chính do những lập luận này mà không ít kẻ đã lợi dụng để “giết” ông, đẩy ông về vườn nhẫn nhục và câm nín làm nghề châm cứu trên 20 năm cho đến lúc qua đời (tìm tài liệu chửi Trương Tửu trên Talawas)

Những niềm vui nói trên, tới hôm nay, tuy vậy, vẫn chưa lấy gì làm vững chắc vì trên một số tờ lá cải vẫn còn không ít những kẻ (chẳng biết đi lề bên phải hay bên trái?), vẫn tung ra những bài phê phán ngược chiều! Cũng may, đó chỉ là những tên cầm bút vô tên tuổi, cơ hội chủ nghĩa, không một xu uy tín với người đọc, chẳng một gam tín nhiệm với lớp trẻ hôm nay. Nhưng cứ cho là có một áp lực nào đó phải cải chính lại “những niềm vui” của tớ đi thì ít nhất cũng là những “tiếng pháo cấm” đã đì đẹt nổ báo hiệu mùa xuân!

Và bây giờ nói đến NỖI BUỒN

Với một người ham sống, mê làm việc, đói thông tin như tớ thì 100 ngày qua là… 100 năm Buồn... Bực và một ngàn nỗi… Buồn Đau! Thôi thì chỉ kể ra những “nỗi buồn cơ bản” nhất.

1- Buồn vì, năm 2008 vừa qua, đời sống của nhân dân lao động trong đó có gia đình tớ chẳng thấy đuợc “tăng trưởng” dù chỉ 1, 2, 3%, mà chỉ thấy, theo bà xã tớ thì thụt lùi… thậm chí đến 100%! Bả đưa ra những con số mà đố ông thống kê nhà nước nào dám cãi lại. Đó là gạo năm ngoái bả mua có 5000đ một ký thì nay… 12.000! Thịt năm ngoái 35000đ thì nay là… 55-60000đ! Rau cải từ 1000đ nay vọt lên 3000 thậm chí có lúc lên dến 5000đ! Còn chuyện học hành của đứa con gái tớ, từ ngày lên cấp tú tài thì… bất kể!
Có tháng lên cả tiền… triệu! Tớ lại nghĩ tới hàng vạn công nhân thất nghiệp hoặc… “không có việc” (nhà máy đóng cửa, giám đốc nước ngoài bỏ trốn như báo chí đã không thể không đăng), nghĩ tới những người nông dân phải chở lúa, gạo lên Saigòn bán cho người tiêu thụ với giá rẻ mạt mà… buồn cười cho những con số thống kê chẳng có tác động gì đến nồi cơm của hàng triệu con người cũng như của gia đình tớ!
Tớ lại buồn và… bực cho những cảnh đời trái ngược khi nghĩ tới: năm 2008 có triệu kẻ đói, thèm miếng cơm ngay trên vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, (qua bài viết của báo Tuổi Trẻ), trên vùng Mã Pì Lèng -Tây bắc (qua VTV), thì trong các quán bar, nhà hàng, khách san, những đêm vui chơi thác loạn, những cuộc lễ hội hoành tráng kỷ niệm, kỷ niếc 100 năm, 120 năm thành lập Tỉnh này, Hội nọ, Ban kia… (dù cho Thủ Tướng đã gần như ra lệnh “hãy màn màn” để chống suy thoái, lạm phát...!) với nhưng chương trình chẳng ra múa, chẳng ra rước, chẳng ra kịch câm, arerobic, hay diễn võ-tuồng Tầu... dài cả, 5 chương, 7 màn… vẫn cứ diễn ra đều đều. (kỷ niệm “310 năm thành lập thành phố Biên Hòa-Đồng Nai (nơi có số công nhân đình công lớn nhất - vừa qua). Tớ lại liên tưởng đến số tiền người ta đổ ra để chỉ may mặc cho cả ngàn diễn viên, giá mà đem đổi lấy vài ngàn cái áo, cái quần để mặc cho mấy em bé người Mông trần truồng của một bản người Mông mà VTV đã cố tình đưa lên sóng khi quay về chuyến "vượt gian khổ đi xóa đói giảm nghèo" ở một cái xã rất khó đọc tên mà ông chủ tịch xã, người địa phương 100%, lại xuất hiện trước camera để “cảm ơn Đảng va Chính phủ” với com-lê cà-vạt và bộ mặt… chẳng đói tí nào…!
Tóm lại chỉ đọc báo nhà nước, xem Tivi nhà nước thôi rồi đối chiếu ngay với cái xã hội quanh tớ và ngay nhà tớ thì tớ chẳng còn tin gì ở những con số lạc quan được người ta tung hê ra mà biết chắc chẳng có ma nào kiểm tra nổi! Bị coi là con nít, bị coi là quần chúng vô học, dân trí thấp kém, dễ đánh lừa, dễ “bảo sao - nghe vậy”, làm sao mà không buồn và bực cơ chứ.
2- Về đời sống chính trị của xã hội thì tớ thấy càng buồn hơn: Thì ra... ở ngay sát ta, nước bạn Cămpuchia, người ta được tự do hơn hẳn cái nước “đã giải phóng họ khỏi nạn diệt chủng”,! …
Qua Internet, cứ nhìn và nghe thấy họ đã cho tự do lập Đảng, lập Hội, tự do bầu cử có Quốc tế kiểm soát, tự do báo chí để rồi cuối cùng cái Đảng Nhân Dân cách mạng của Hun Xen, với tôn chỉ và mục đích hoàn toàn “Đổi Mới” đã được nhân dân tín nhiệm tới mức mấy ông lãnh đạo Funcipec cũng phải xin gia nhập thì… ở nước ta, chẳng có gì tiến bộ mà chỉ có… thụt lùi,
Vẫn là “kiên trì đường lối Mác Lê-nin”, vẫn là “kinh tế thị trường” nhưng có định hướng “xã hội chủ nghĩa” ??? Trong khi đó, ở nước Tầu, họ đã khai trừ không tuyên bố mấy cái ảnh to đùng của Mác-Lê-Mao khỏi chủ tịch Đoàn Đại Hội Đảng… và trong các báo cáo văn kiện chính thức của họ sau Đai Hội, họ cũng không hề nhắc tới cái cụm từ “kiên trì đường lối Mác Lê-Nin Mao Trạch Đông”. Trái lại ở xứ này, người ta lại làm rùm beng trong những ngày sinh, ngày chết của các ông Mác, Ông Lê, ngày kỷ niệm CM thang 10… Thật là buồn nhưng sau đó là… buồn… cười! Tớ càng thấy bài thơ "Tại sao bố mình không giỗ lại giỗ bố thằng hàng xóm?" của Lê Phú Khải quả là... chí lý!
3- Sau cùng là nỗi buồn về sự “lật thế cờ” của cái Ác chống cái Thiện… Nỗi buồn này trong tớ là có thật. Nó có thể là nỗi “buồn… tiêu cực” nhưng tớ cứ nói ra… Mong các friends giúp tớ giải tỏa nó đi vì tớ cảm thấy nó sẽ theo tớ mãi mãi khi đã… vào lò thiêu, khó mà theo khói bay lên trời.
Cụ thể là:
Những vụ “tiêu cực vĩ đại” như PờMu18, vụ Nguyễn Đức Chi, vụ Điện kế dỏm, vụ PCI, Vụ Sừng Tê Giác, Vụ New Century,... Vụ Ăn cắp có tổ chức dính líu tới 58 người VN tại Nhật, … và còn hàng trăm vụ “nhục quốc thể” khác mà báo chí thế giới, và trong nước đã phanh phui, … đưa tới cắt viện trợ ODA, … vẫn ù lì giậm chân tại chỗ (có vụ kéo dài cả 4, 5 năm mà “Trên” vẫn họp bàn nên xử thế nào? xử ai”, “xóa tội” cho ai? vẫn chưa đến hồi kết thúc!
Thậm chí có vụ dư luận còn bị những cú “rơ-ve” đến tỉnh người như vụ thứ trưởng-đảng viên gương mẫu Nguyễn Việt Tiến! Thế cờ đã bị lật ngược bằng cách bỏ tù những ngươi đã “bịa” ra những tin tức không hề có cho ông ta! Gần đây, trên báo chí, các trang mạng chính thức của “Ta” đã cải chính công khai cho cái mà chính các nhà báo đã đăng tải là “New century, ổ ăn chơi sa đọa ngay sát công an Quận Hoàn Kiếm và Sở Công An Ha Nội suốt 4 năm trời…” là… chỉ có phạm “tội kinh doanh rượu không dán tem” mà thôi! Không những thế, chủ của cái tổ quỷ đó lại còn thách thức pháp luật trên các trang Net là: “Ngay cả tội kinh doanh rượu của ông ta cũng hoàn toàn hợp pháp mà nếu ra tòa, ông ta sẽ đủ giấy tờ chứng minh cho sự hợp pháp này. Ông ta còn lập luận về “sự cần thiết phải có chỗ vui chơi cho giới trẻ thủ đô trong thời đại văn minh tiến bộ của thế giới!” Tóm lại: Ông ta có công chứ không có tội. Còn cái việc huy động một lực lượng công an cả mấy trăm người để bắt gần ngàn các em về đồn thử phản ứng thuốc lắc là… có ai đó chủ tâm ghép ông ta vào cái tội tầy đình vì lắc hay không lắc là “chuyện của các em” chứ ông ta không kinh doanh những thứ đó…

Ôi! Đọc những tuyên bố hùng hồn của cái ông Đại Dương này mà buồn cho… những người đang ra sức tuyên truyền cho phong trào “học và làm theo Đạo Đức Hồ Chí Minh”, và ngượng thay cho Ai (?) đã chỉ huy cái lực lượng công An của Bộ đã đánh “nhầm” phải cái điểm “bất khả xâm phạm” này!
Liệu có bị ra tòa như các ông Quắc, ông Huynh không? Một lần nữa giữa cái Ác và cái Thiện có phải đã có một cuộc chiến mà cái Ác đã thắng?

Sau cùng, (cũng phải tạm sau cùng thôi vì tớ đã lợi dụng sức và thời gian học thi của con tớ quá nhiều rồi!)

Đó là:
Việc bắt bớ và ra tòa hoặc vào tù, hoặc phong tỏa, “mời làm việc”, khám nhà, tịch thu máy tính, điện thoại, cắt Internet của quá nhiều những người mà tớ luôn theo rõi lời nói, bài viết… trên các trang web, trên Blog của họ. Không một ai hô hào lật đổ, nổi loạn, … mà chỉ đòi hỏi những gì mà mọi người trên trái đất này cần có tối thiểu.

Đó là, tự do lập Hội, tự do làm báo, tự do phát biểu kể cả “trái chiều”, tự do được biểu tình phản đối bất cứ kẻ nào xâm lược dù một tấc đất của cha ông. Vậy mà, Phạm Thanh Nghiên, bị bắt giam chờ ngày ra tòa vì dám ngồi tại nhà (tọa kháng) với những khẩu hiệu (chỉ treo trên tường nhà mình) lên án nhà cầm quyền Trung Quóc xâm lược, sau khi cùng bạn bè làm đơn xin phép biểu tình "bị bác bỏ"... Còn Hoàng Hải… đã bị tù giam, (về tội… “trốn thuế cho thuê nhà”) -một bản án nặng nề chưa từng có tại Việt Nam vì có đến hàng vạn người đang cho thuê nhà mà không hề nộp thuế, kể cả các cán bộ cao cấp, về hưu mà tớ và bà xã tớ có thể “chỉ điểm” cho các cơ quan thuế hàng lô, hàng lốc!
Rõ ràng đây là cái “tội” dám làm chủ trang Web “Câu Lạc Bộ Các Nhà Báo Tự Do”, làm chủ Blog Điếu Cày và đã từng ba lần “phạm tội” giương cao khẩu hiệu đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa công khai giữa đường phố Saigòn giăng hàng ngang đứng ngay giữa thềm nhà hát thành phố.

Có lẽ cũng do vụ án quá bất hợp pháp này mà cái thông tư quản lý Blog đã ra đời để sau này có bắt ai thì đã có “luật pháp quy định” ? Kèm theo các lời giải thích của các vị có nhiệm vụ kiểm soát cái đầu và trái tim của hơn 80 triệu dân này thì, rõ ràng là một cái tóc cũng sẽ là một cái tội.
Vì Blog chỉ là nhật ký cá nhân, không có chức năng thông tin và nếu Blog lại trở thành “báo chí công dân” thì sẽ xử theo luật báo chí nghĩa là sẽ theo hai anh Hải-Chiến ra trước vành móng ngựa tắp lự! Báo nhà nước còn thế nữa là báo cá nhân!! Mới thấy cái roi mây đập mấy phát xuống giường kèm theo vài lời “Nằm xuống! Liệu hồn!” mà tớ đã thấy một số “giai téo” vội vàng “đóng Blog”, im hơi lặng tiếng cả mấy tháng trời! Có vị “giáo sư” còn vội vàng cải chính về những trang hồi ký tung lên mạng “có hại cho uy tín lãnh tụ”, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh đất nước là “tôi không hề tự tay tung lên Internet” (?) … là "tôi viết chỉ để… giải tỏa… không hề có ý này ý nọ"… Chỉ còn thiếu “Em lạy các anh công an! Em trót dại nghe các “thế lực thù địch” nên trót lỡ… Đừng bắt em, tội nghiệp!” Đọc những bản viết như thế sao mà không buồn, nhưng mà… buồn nôn!

Đã thế mấy trang web của người Việt Hải ngoại mà tớ thường hay lướt qua thì thấy… càng ngày họ càng… tự đánh phá nhau thậm tệ. Trang này chửi bới trang kia bằng những lời lẽ chưa hề có trong văn viết bao giờ. Đọc xong thấy lợm cả giọng. Và ở Mỹ, ở Pháp, ở Balan, nếu quả là có thật như những bài báo chuyên nghề chửi bới, vạch mặt nhau thì… "Phản gián Việt cộng quả là giỏi nhất thế giới!” một màng lưới “đặc công đỏ”, “dân chủ cuội”, “Công an trá hình” đã được phản gián Cộng Sản, dùng khổ nhục kế và dùng hàng triệu đô-la để cài người đánh phá “cộng đồng người Việt tự do” ngày càng ác liệt?! Cha! chả!... Còn “phong trào dân chủ”, khối 8406 trong nước ư? Toàn là những đồ “đi tù giả”, “dân chủ cuội”, “phản tỉnh vờ” … Chẳng một ai không bị chửi, kể cả hai nhà tu hành: Thích Quảng Độ và linh mục Nguyễn Văn Lý! ?

Thế đấy! tại quốc nội thì sự đàn áp ngày càng khắt khe, băng keo dán miệng đã cùng với cả một lô quyết định, thông tư, … sẵn sàng ban bố, kể cả CẤM TƯ NHÂN KHÔNG ĐƯỢC XỬ DỤNG INTERNET cũng có thể ra đời, đuổi cổ Google, Yahoo ra khỏi cái đất nước tự do theo kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là điều rất có thể!

“Mặc ai phản đối kêu trời,
“Nhân quyền, Dân chủ: kiểu tôi, tôi làm”!

Thách 10 bà Loretta Sanchez, thách trăm ông nghị EU, cứ vào đây coi… Tôi sẽ đếch cấp visa như 4 vị vừa qua với lý do "không bảo đảm an ninh" thì... cứ ngồi ở bên Tây, bên Mỹ mà đòi cái nhân quyền theo kiểu các vị!
Làm sao không buồn cho cái thế giới phẳng này đang bị đào bới, xới lộn, đặt “lô cốt”, kẹt xe... y hệt các con đường ở thành phố hòn… “Ngọc Viễn Đông” chẳng rũa chẳng mài này chứ!
Còn ở quốc ngoại thì "Người Việt Tự Do" bị chia năm xẻ bẩy! Ai cũng có thể trở thành “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, ai cũng có thể là “công an cộng sản nằm vùng”, là “đặc công đỏ”, nếu không theo đúng chủ trương, đường lối của nhóm này, nhóm nọ…
Bởi dzậy tớ mới… “Tớ buồn vì hiểu tại sao tớ buồn” và tớ nhắc lại cái mong ước của tớ bấy lâu bằng mấy câu văn vần đầu năm như sau (chẳng dám lạm dụng từ “Thơ” đâu nhé!)

“Mong sao cái món freedom,
“Sớm thành “món ruột” trên quê hương mình.
“Mong sao một buổi bình minh,
“Bên Tầu xuất hiện En-Xin kiểu Tầu
“Còn ta, nếu có Goóc-Ba, (chốp)
“Ta đâu chịu kém Liên Xô (cũ) ngày nào!
“Xét ra chỉ thiếu “cái đầu”,
“Đủ “Tầm” kéo cả Đoàn tầu vượt lên…!
“Tớ mà ở tuổi thanh niên
“Xung phong vai của En-Xin tức thì!
“Ai cười tớ, hãy làm đi!”
(Đọc cho con gõ và tự gõ đêm giao thừa đón năm 2009)
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

75. Nỗi buồn cuối năm
Tô Hải

Trong bài viết về những niềm vui và nỗi buồn cuối năm của một người đã sống quá đủ dưới bốn chế độ, đã chứng kiến tận mắt những chuyện đau lòng suốt 65 năm làm người “văn nghệ sỹ kách mệnh” tòan viết những thứ… “tạp nham chẳng có giá trị gì nghệ thuật” - (trích Nguyễn Khải trong “Đi tìm cái tôi đã mất”) Tớ “đánh bạo” dùng Blog để giúp cho con cháu biết thêm về những trang bị giấu kín trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà…

Tớ luôn tuyên bố là tớ chỉ là một anh “nhát sỹ” nay “ bạo thử” trên Blog chứ đâu dám đứng chung hàng ngũ những người như Tiến Sỹ Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Mạnh Hảo…, giáo sư Hoàng Tiến, kỹ sư Đỗ Nam Hải, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài…
Chuyện kể “ngày xửa ngày xưa” đúng là chỉ những chuyện “tép riêu” (?) chẳng bao giờ dám gửi cho một tờ báo nào ở trong cũng như ngoài nước. Vậy mà có đến hơn 10 tờ báo giấy ở trong cũng như điện tử hải ngoại lại cứ hay “chiếu cố” in lại, phát lại hoặc post lên, phát lên Đài, lên các trang web…
Tở ngại nhất là mấy nhà “đại cách mạng chống cộng” bằng đường lối trong bài thơ Tố Hữu “Giết! Giết! Giết nữa!..." cho đến tên cộng sản cuối cùng!... hoặc “đem ba triệu đảng viên chúng nó ra Biển Đông xử bắn!” … Sợ quá! (mặc dầu tớ đã và đang chỉ là anh cán bộ văn nghệ - bạch vệ cho đến bây giờ). Vì vậy, khi chạm tới sự đánh phá nhau ở nước ngoài và vu cáo, dựng đứng cho những người hơn tớ cả mấy cái đầu và tim to hơn tớ cả trăm lần (ở cả trong nước lẫn ngoài nước) là “đặc công đỏ”, là “phản tỉnh giờ thứ 25” (! ?), là “cộng sản trá hình” … tớ cũng chỉ nói qua loa, không dám nêu tên ai, vì sợ họ, khi đem quân về thay Mỹ tiêu diệt cộng sản sẽ bị chém đầu vì tội làm "đặc công" cho Đảng!

Ấy vậy mà hôm qua lướt web “Tin Paris”, tớ phải phát khiếp cái ông Nam Nhân hay Man Nhân nào đó vừa chửi tớ, vừa chửi những tờ báo nào (cụ thể là VN Exodus) đã đăng lại những entries toàn là những chuyện “tép riêu” của tớ. Ông hướng dẫn cho các tờ báo hải ngoại là “tớ đã cố tình dùng những chuyện tép riêu để đánh lạc hướng” những chuyện “đại sự” rồi xếp tớ ngang hàng với những “cha – con Nguyễn Thanh Giàng - Trần Khải Thanh Thủy” (?) “Giáo sư lớp 5” Hoàng Tiến, nhà văn “cộng sản trá hình” Dương Thu Hương (?) … và nhiều nhiều người nữa… là đều do công an cộng sản dàn dựng, đặc công đỏ tuốt luốt! Ôi! Hân hạnh cho lão già này quá!

Được ông Man Nhân này đánh giá ngang hàng với các vị Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, … và một loạt các nhà văn, nhà báo vào tù ra tội vì đấu tranh cho dân chủ, đa nguyên, thì thật là một vinh dự to lớn vô cùng với tớ…
Chỉ có một điều, ông Man Nhân này muốn mọi người tránh xa Blog của tớ nên ông đã trót đi vào một cái lãnh vực mà ông ta vu cáo quá lố! Nó rất hại cho "uy tín chống cộng triệt để, không khoan nhượng của ông ta" khi một em bé lên 5 cũng như ông già 80, ở trong và ngoài nước đều biết: ở nước Việt Nam này, gần một thế kỷ nay đã có hai ông nhạc sỹ Trần Hoàn và Tô Hải. Trần Hòan chưa bao giờ lấy tên của tớ, và tớ cũng chưa bao giờ “nhận vơ” tác phẩm của Trần Hoàn. Tớ là tác giả của “Nụ cười Sơn Cước” còn Trần Hoàn là tác giả của “Sơn nữ ca” mà gần một thế kỷ nay có cả trăm ngàn đĩa hát, bản in, có cả các ca sỹ từ thời Mạnh Phát, Khánh Ly, Hà Thanh… đã hát và chưa có ai vạch mặt tớ “nhận vơ” như cái ông muốn đánh tớ “một cú chết tươi” bằng cái tội ăn cắp tác phẩm người khác này.
Tớ mong các ca sỹ Mạnh Phát, Khánh Ly, các biên tập viên hải ngoại như Việt Hùng, Bích Huyền.... đã từng giới thiệu sơ sơ về tớ “nói lại cho rõ” dùm ông Nam Nhân thiếu hiểu biết về âm nhạc, kẻo ngày mai tớ có thể còn bị “tố điêu” như thời Cải cách ruộng đất mất như… “Tô Hải chính là một tên ác ôn, em Tô Hoài, cháu Tố Hữu, là tên đã tự tay giết chết bao chiến sỹ quân lực VNCH” … chưa biết chừng!
Vậy thì cái “phương pháp và thủ đoạn bôi xấu, vu cáo những người “không đồng quan điểm với mình” nhằm mục đích gì? Và là phương pháp đấu tranh tư tưởng của ai nhỉ? Nếu không phải như tớ đã viết về “một trong những nỗi buồn cuối năm” ? Một lần nữa, cái phương pháp đấu điêu, tố điêu trong CCRĐ lại được sử dụng với cá nhân tớ. Và sự đánh phá này rõ ràng đã… “thành công cực kỳ” khi trên “Tin Paris” nhan nhản những văn sỹ, tiến sỹ, luật sư cũng đều bị gán cho là “cộng sản nằm vùng” (???) phứa văng mạng, bằng những văn phong chưa từng thấy trên giấy trắng mực đen bao giờ!
Thật đáng buồn cho chủ bút một trang web như “Tin Paris” mà cho đăng cả những lời “vu cáo mạ lỵ lấy được” của cái ông ký tên Nam Nhân, cựu chiến sỹ QLVNCH này! Và để đỡ bực cái mình và khỏi mất thời giờ, tớ thề: Từ nay em xin “khinh như viễn chi” và mong ai cùng quan điểm với tớ hãy hô to: "Adieu! Les nouvelles de Paris”!

Tuy vậy, còn sức, còn sống ngày nào, tớ vẫn tiếp tục kể những chuyện “tép riêu” (theo tớ phải viết là “tép riu” mới đúng) để cung cấp tài liệu sống cho lớp trẻ hôm nay và ngày mai. Chắc cái ngày mà ông Nam Nhân này mang "quân đội của ông ấy" về VN để tiêu diệt sạch sành sanh những tên cộng sản cuối cùng, những tên “đặc công đỏ” những tên “phản tỉnh vờ”, những tên do "công an c/s dùng khổ nhục kế để trà trộn vào đồng bào hải ngoại và trong nước", tớ cũng chẳng còn sống để ông ấy… tiêu diệt, cũng chẳng còn mả cho ông ấy “đào mồ vất xác xuống sống” vì tớ đã dặn vợ là sẽ đốt tớ thành tro rồi "đào sâu chôn chặt”, chớ có rắc xuống sông kẻo ô nhiễm nước uống của 7 triệu dân Sài Gòn đang “khổ vì nước” này!

12/01/2009
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

76. Cú điện thoại vui cuối năm
Tô Hải

TỚ ĐƯỢC ĐỘNG VIÊN

(12 giờ đêm 13/1/2009… Chuông điện thoại réo... Nhấc máy ngay đầu giường lên nghe. Một giọng nói lạ hoắc vang lên: "allo! c’est toi! Tô Hải?" và cuộc điện đàm bắt đầu giữa một ông Tây (giọng Paris 100%) với một ông Việt Nam nói tiếng Tây bằng giọng… Hà nội... Sau đây là nội dung cuộc điện đàm được tớ tạm dịch (chắc ông Tây-Ta này sợ bị nghe trộm nếu nói tiếng Việt chăng?)
- A-lô, có phải mày đấy không Tô Hải?
- Phải! Nhưng ông là ai mà lại mày tao với tôi (tutoyer) một cách thân thiết quá như vậy?
- Mày còn nhớ "Thái Sérénata", Lục Quân khoá V không? chính tao đây!
- Trời đất! tao cứ tưởng mày đã bỏ xác ở nơi nào khi F320 của mày đi B rồi chứ?
- non! non! Sau khi tiếp quản Hà Nội, về thăm nhà, thấy chẳng còn ai, bố, mẹ, anh chị em đều "chuồn" cả nên tao cũng tranh thủ thời gian 300 ngày, đi theo bằng đuờng Hải phòng luôn. Tao tiếp tục đi hoc. Sau khi dỗ Baccalauréat, tao sang Pháp và hiện nay là bác sỹ... về hưu… Tao chẳng tham gia chính chị chính em gì, chỉ vì vài câu phát biểu không "triệt để chống cộng" cũng bị tụi khiêu khích (nguyên văn Provocateur) đánh phá thậm chí đe dọa, bôi nhọ, vu cáo tơi bời nhằm mục đích chia rẽ, gây nghi ngờ giữa người Việt với nhau...
- Nhưng chúng làm thế có kết quả gì không?
- Trước kia thì có đấy. Nhưng bây giờ thì lộ mặt hết là bọn lưu manh phá thối rồi... Chẳng ai thèm đọc những gì chúng tung lên cái tờ Tin Paris nữa đâu! Chỉ một cái hiện tượng là mọi trang web đều bị firewall VN ngăn chặn còn "Tin Bá Dị" thì không, đọc thoải mái, cũng đủ biết là nó có mục đích gì và nó là sản phẩm của ai?
- Tớ cũng nghĩ là như thế nhưng cũng buồn vì dù sao nó cũng đạt được mục đích chia rẽ đồng bào ta chứ...
- Chẳng chia rẽ được đâu vì khi chúng tố cáo là "Việt cộng nằm vùng" những cái tên như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế. Thậm chí cả Phan Nhật Nam, Vũ Thành An,... và gần đây là Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy… đều là những tên “công an gài đặt cả” thì chúng đã quá "lố" đến mức không ai có thể tin được nữa. Riêng giới trí thức Việt ở Pháp thì chúng tớ ngồi thống kê với nhau đã bị chúng "đánh" tới hơn 100 người. Trí thức thì chúng gọi là “trí thức ngựa”, tiến sỹ thì chúng dám gọi là "bọn có học mà ngu như bò", toàn bằng những giọng văn đểu cáng đầu đường xó chợ...
- Thế sao cậu biết tớ cũng bị chúng chửi?
- Thì cũng do cái Blog của cậu, tớ đã đọc hết các entry nhưng qua bài “Nỗi buồn cuối năm” thì tớ thấy thương cậu quá nên lập tức gọi điện thoại về theo số điện cậu đã công khai trên mạng để động viên cậu đừng để ý tới cái bọn “tép riêu” đó làm gì vì chúng chỉ có không quá... hai thằng! Tất cả những cái tên chúng ký khác nhau đều chỉ do có một hoặc hai tên viết mà thôi, riêng cái tên Nam Nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa thì tớ xin bảo đảm là không hề có ai đã ở trong quân đội này mà lại có cái giọng văn sặc mùi "Bắc kỳ cải cách ruộng đất" đó đâu...
- Mình cũng đoán là như thế, vậy thì cũng may là chúng không có hơn ba người mà trong đó một người tớ rất biết, lúc ký tên là Hùng Văn, lúc là Hùng Nguyễn, Trần Thanh, Việt Thường…, một người rất quen biết tớ và đã từng đi chơi với tớ khi hắn vô SG ở 45 hay 47 Catinat gì đó… sau 75... Rồi anh ta đi tham gia cải tạo tư sản trong chiến dịch Z này Z nọ... rồi không hiểu tại sao lại bị bắt, bị vào tù? Rồi cũng không hiểu tại sao lại được đi ra Bắc, rồi cũng không hiểu tại sao lại được đi bằng đường chính thức sang Anh? rồi cũng không hiểu tại sao lại chống cộng hơn cả những người chống cộng số một ở miền Nam xưa?!
Và thật lạ lùng, anh ta là người đầu tiên tuyên bố công khai trên trang web của anh ta là chỉ có "dựa vào quân lực VNCH mới có thể tiêu diệt được cộng sản" trong khi anh ta lại là "nhà báo" ở miền Bắc đi theo rõi công cuộc đánh tư sản ba Tầu ở Chợ Lớn???....

- Hố... hố... hố...!, bên này có mấy ông tá, ông tướng quân lực VNCH cũ, răng đã rụng hết xuýt chết cười vì những lời tuyên bố đó và đều gọi hắn là "thằng khùng!”. Dựa vào những người đều 60, 70, 80 trở lên để về giải phóng quê hương (?) và "không một thằng cộng sản nào dù đã phản tỉnh, dù đã bị buộc tội phản đảng, đi tù cũng đều là bọn dùng "khổ nhục kế" để chui vào hàng ngũ những nguời chống cộng đích thực cả! Và chúng chửi văng xi lô hết! … Đúng là đồ điên thật! Nhưng điên có mục đích đấy...

- Nhưng đấy cũng là chỗ hở của hắn. Nói lắm, vu vạ nhiều lại chính từ miệng một anh ở miền Bắc bị tù (không phải tù chính trị thì có ai mà tin?)

- Đúng vậy! Cho nên ông chả nên buồn làm gì, việc ông, ông cứ làm

- Tình hình chính trị trong nước và ngoài nước năm 2008 vừa qua bị bọn khiêu khích nó phá hoại mà mình thì gần “kề miệng lỗ rồi” nên buồn là buồn ở cái chỗ đó đấy!

- Giỏi thật, đáng khen! Nhưng không thể nào để mất thì giờ cãi nhau với những thằng khùng đâu, mong cậu đừng buồn và tiếp tục làm Blogger cho đến ngày hai ta gặp nhau trên... thiên đàng...
-
Còn vài chuyện thăm hỏi lặt vặt như... tớ cố hỏi xem "Thái sérénata", sau khi sang Tây Thái đổi tên là gì nhưng Thái cứ khăng khăng "cứ gọi tớ bằng cái tên xưa để giữa hai ta có thêm nhiều kỷ niêm đẹp. Tên mới của tớ, đối với cậu, chẳng nói lên điều gì.."

Biết có vấn đề "tế nhị" gì ở dây, tớ đành "Méc-xì, Ô-voa, Abiêng-tô" rồi cúp máy./.

14/01/2009
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

77. Làm văn vần cuối năm
Tô Hải

ỐI LÀNG NƯỚC BÀ CON XA GẦN ƠI!

Không hiểu sao cứ Tết đến là cái computer của tớ lại bị "hắc" khổ hắc sở. Viết bài trên Word, dán sang Blog rồi post lên đều bị rớt mạng? Viết thẳng vào "compose" chỉ được vài câu lại rớt mạng??!! Năm ngoái cũng y như vậy...? Mẹ con nó về quê ăn Tết. Còn tớ chẳng biết làm sao (dốt về vi tính mà). Hơn thế nữa, cứ ngồi quá 15 phút thi phải... nằm theo đúng lời dặn của Bác Sỹ. Đành chống gậy hạ sơn xuống quán Internet ngay dưới building tớ ở gửi lời chúc Tết đến bè bạn khắp nơi bằng bài "văn vần" đã viết sẵn trong đầu như sau:

"Gặm mãi chẳng xơi nổi thân già...
"Tớ vẫn sống qua tuổi 83
"Lũ chuột sắp đi, nhường Trâu đến
"Liệu có giương sừng húc blốc-gơ?
"Đầu trâu mặt ngựa"! Nghe cho rõ:
"Tưởng rằng kiểm duyệt Obama!
"Dễ như kiểm duyệt dân chơi Blog
"Thì trâu thứ thiệt cũng thua xa!
"Cùng với blốc-gơ toàn thế giới
"Cất cao lên nào tiếng Tự Do
"Sợ nhất chính là sợ... "Sợ Hãi"
"Tiến lên! Sự thật ắt về ta

Nhân đầu năm mới, gửi các friends nghe lại một bài hát tớ viết cách đây đúng 62 năm và thu thanh cách đây 45 năm để trả lời cho cái tên Nam Nhân nào đó, mạo danh quân lực VNCH vu cho tớ là "nhận vơ" của Trần Hoàn. Hà Thanh sẽ thay tớ bác bỏ lời vu cáo bẩn thỉu đó!
Thôi tớ ngừng đây kẻo lũ trẻ nghiện ghêm đã lục tục đến rồi! Tớ gửi lời chuc các friends lời chúc mừng riêng như sau "Hép-py-Niu Ia, Niu Bờ-lốc!”
Kèm theo bài viết này con tớ nó post lên bài "Nụ cười sơn cước" (đuôi .pps tức là file trình diễn của PowerPoint).
Click vào link này để down về máy nghe và xem nhé: oldcottage.net/slideshows/nucuoisoncuoc.pps

25/01/2009
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

78. Xuân Quý Tỵ, một mùa Xuân đau buồn
Tô Hải

NHỮNG NGÀY TẾT LONG TRỜI LỞ ĐẤT

Tính đến nay đã hơn 60 cái tết tớ không được sum họp với gia đình cha mẹ anh em. Trên 40 cái tết sống lang thang, ăn tết nay đây mai đó, khi có tết, khi không. Nhưng mỗi tết đều có những kỉ niệm khó quên: Tết chạy Tây, tết đói meo trên biên giới vì có gạo có thịt nhưng không có muối, nuốt thức ăn không trôi, tết… mất tết vì hứa hẹn về ăn tết với một gia đình mẹ chiến sỹ thường nuôi bộ đội. Nhưng khi về đến đầu làng thì nghe tin mẹ đã “tự đi xa” vì không chịu nổi cảnh đấu tố của ngay chính người con dâu mà chồng là bộ đội đang còn “kéo pháo vào kéo pháo ra” chuẩn bị cho cuộc tấn công tập đoàn cứ điểm Điên biên Phủ! (tớ đã phản ảnh trong bài viết nhân ngày 22/12/2007 trên báo QDND). Tuy nhiên, mọi kỷ niệm đau buồn, thất vọng, nhớ nhung, buồn tủi đến liên tục với tớ mỗi khi xuân về cũng dần phai mờ…
Duy nhất có một mùa xuân Con Rắn - xuân Quý Tỵ (1953) là mùa xuân kinh khủng nhất đời thì tớ không thể bao giờ quên được. Mỗi độ xuân về, cứ nghe tiếng trống ngũ liên của các đoàn múa lân nổi lên xung quanh chung cư tớ ở, tớ lại nhớ về cái mùa xuân mà tớ đặt là xuân “long trời lở đất”

CHUẨN BỊ TẾT TA THEO PHONG CÁCH … TÀU

Năm nào cũng vậy, mỗi khi tết đến, cánh văn công quân đội chúng tớ đều phải chuẩn bị một chương trình vui tết cùng nhân dân. Cái chuyện sáng tác kịp thời này thì đoàn văn công bộ tư lệnh liên khu 4 (thời này chưa có văn công quân khu vì đều trực thuộc lãnh đạo của liên khu ủy, không như tập san âm nhạc TW viết nhầm đâu) là “trùm”.

Năm nay chủ đề sẽ tập trung vào vấn đề đả phá tư tưởng dùng hàng xa xỉ phẩm và tư tưởng chủ quan cho rằng thời kỳ tổng phản công đã đến nơi rồi. Thanh Tịnh đã có một vở kịch mà ông đóng vai chính. Tất cả kịch bản đã có sẵn trong đầu ông, chỉ còn một nỗi lo là kiếm đâu ra mấy chục cái đồng hồ WYLER, bút máy PARKER, WEAREVER… làm đạo cụ!
Phùng Quán đang hí hoáy viết một bài độc tấu đả phá những tên buôn lậu hàng từ nội thành ra. Vĩnh Cường sáng tác hẳn một bài hát có bè bối hẳn hoi với cái nhan đề rất chi là… khẩu hiệu “Chống xa xỉ phẩm”. Nguyễn Phiên dựng cấp tốc vở kịch “Vợ chồng ông Táo lên chầu trời”.
Chương trình đã hòm hòm, tổng duyệt dự kiến vào đêm 28 tết… Bỗng dưng có lệnh của tư lệnh trưởng Lê Nam Thắng gọi tớ và chính trị viên Duy Đức lên tư lệnh bộ đóng ở nhà ông Trương Họat, Đảng ủy viên xã Thượng Thọ, Thanh Chương, Nghệ An để nhận chỉ thị mới.
Chuẩn bị ngay một chương trình ăn tết cùng các đồng chí cố vấn Trung Quốc. Chương trình biểu diễn tết sẽ gồm có cả: Chiếu phim “Bạch Mao Nữ”. Chỉ cần một số bài hát của Trung Quốc, một vài điệu múa Trung Quốc nào đó, ngoài ra không cần đến chương trình các cậu vừa chuẩn bị nữa. Chương trình này sẽ mang đi các địa phương để tuyên truyền về phương hướng đấu tranh mới mà các đồng chí Trung Quốc nhân dịp này sẽ phổ biến cho quân và dân liên khu ta…
Thế là công sức chuẩn bị một chương trình “vui Tết với nhân dân” coi như… vứt!
Tuy nhiên, cái trò sáng tác phục vụ kịp thời với những tên tuổi như tớ vừa kể trên, chỉ là… trò trẻ. Đã có cả đống “tác phẩm” phục vụ kịp thời làm xong đều xếp xó vĩnh viễn đó rồi. Công sức tạo dựng một "chương trình theo chỉ đạo" cấp trên thực ra có vứt đi cũng chẳng có mấy ai tiếc vì… có mấy ai làm ra nó bằng tiếng nói trái tim mình! Nhưng lần chỉ đạo này thì hơi bị… khó vì tất cả già trẻ lớn bé trong Đoàn, chẳng ai có tí vốn nào của văn nghệ giải phóng quân Trung Hoa, chưa ai được giáo dục gì về… đường lối dân tộc Tầu cả!
Giữa lúc đang "bi-sắc" về tiết mục theo chỉ đạo thì… may sao, ở phòng chính trị lại có một ông tiểu đoàn phó có tên là Ngư tốt nghiệp lục quân Trần Quốc Tuấn khóa IV, phân hiệu bên…Tàu mới về nhận công tác...
Thế là chúng tớ đành nhờ ông ấy "cố vấn" lại... Cái vốn ca-nhạc-múa của ông này không ngờ lại khá nặng ký. Vì thế ông rất nhiệt tình bày cho chúng tớ một số bài hát, một số bước nhảy ương ca và đặc biệt cả một điệu vũ “Bà Chu cho trứng” mà ông ta đã từng đóng khi tham gia phong trào văn nghệ của ta… ở bên Tàu.

Riêng về âm nhạc, ông còn dạy cho cả bài hát “Đông Phương Hồng”, ca ngợi Mao chủ tịch mà không ai không phải học thuộc lòng khi còn học ở bên đó. Dàn hợp xướng của chúng tớ lần đầu tiên học hát bằng tiếng Tàu những câu “tông phang hồng tài dằng suâng” … mà chẳng hiểu nó là mô tê răng rứa gì.
Riêng tớ lại cố lập thành tích, viết hẳn một bài song ca… ngợi ca mối tình thắm thiết Việt Hoa bằng thủ pháp “Đối vị” (contre-point) do hai diễn viên song ca, một hát nguyên xi bài “Đông Phương Hồng” và một hát phần đối vị là giai điệu của chính tớ! Bè chính vừa phát ra tiếng Bác Hồ thì ngay sau đó bè phụ lại vang lên hai tiếng “Bác Mao”!!!
Bài hát này, có nhiều tên “văn nghệ cơ hội” sau này trong các đợt chấn chỉnh tổ chức, cải cách ruộng đất đã mang ra để hòng “đánh tớ một cú chết tươi” bằng những phân tích rất “ný nuận vô sản”. Rằng thì là: “tên TH này xỏ lá, nó dùng bè chính là bài ca ngợi Mao Trạch Đông còn bè phụ là ca ngợi Bác Hồ, ý nói Bác Hồ chẳng qua chỉ là sản phẩm của Bác Mao mà thôi!”
Tớ bỗng giật mình vì tớ đâu có ý đồ chính trị gì to lớn đến thế! Tất cả chỉ là do sợ mất mạng vì cái lý lịch “toàn gia theo địch” mà tớ luôn cắn răng làm cái gì tỏ vẻ có lập trường hơn người để bảo toàn cái mạng tép riu của tớ mà thôi! (Chuyện này hiện nay còn nhạc sỹ Văn An đang sống có thể làm chứng vì đã cùng tớ hát đôi và cùng lăn ra cười về những ác ý... "trên cả mong đợi" nói trên, (bản thảo in lithô, tớ vẫn còn giữ làm kỷ niệm.) May thay tớ… không chết mà bọn đánh tớ lại đánh không trúng vì ngay đêm biểu diễn tớ đã được ba đồng chí Lã, Ngu hay Ngụ, Đẩu hay Đậu gì đó… vỗ tay thật lâu, xì xồ ba tiếng “hảo”!”hảo”!”hảo”! và sau đó còn được nhà thơ Tố Hữu khẳng định là Tô Hải hoàn toàn... "có ý thức tốt" bằng bài thơ không có đối vị mà chỉ có... một bè: “Bác Mao nào ở đâu xa, Bác Hồ ta đó chính là… Bác Mao…” Lên án tớ là lên án ông "Tốp" Hữu hay sao?

Đêm biểu diễn phục vụ riêng các cố vấn chỉ diễn ra đúng nửa tiếng đồng hồ. Khán giả không quá 15 người hay nói một cách khác chỉ diễn cho có ba ông cố vấn cùng mấy ông lãnh đạo liên khu mà tớ nhớ nhất là cái ông trưởng đoàn có tên “Lã thoồng chí”, đầu húi cua lởm chởm, giọng nói oang oang giơ tay chỉ chân miệng cười hố hố bên cạnh các ông Hải Triều nhỏ thó, ông Hoàng Anh mặt trắng tóc đen, cũng đang cố vẽ lên những nụ cười nhạt thếch còn đầu thì gật gật liên hồi.
Điệu múa “Bà Chu cho trứng” do Đặng Văn Khoáng và Phạm Thị Tần vừa chấm dứt… Tớ chưa kịp bước ra giới thiệu Phùng Quán đọc bài tấu-thơ “Vượt Trường Giang” mà anh vừa sáng tác cấp tốc lúc chiều, (trò này thì Quán, dù trẻ nhất Đoàn nhưng là một "tay tổ") trong đó có hai câu mà tớ vẫn nhớ “Đôi chân ngàn dặm, hồng quân đuổi giặc thù, / đuổi mãi, đuổi mãi tận Trường Giang / chỉ thấy những cái lưng, những cái lưng, / Chúng chạy, chạy mãi chạy mãi…” (thực ra ý này là của thiếu tướng Nguyễn Sơn) thì bỗng dưng tư lệnh Lê Nam Thắng đứng lên tuyên bố: “Thôi thôi! Tạm ngừng! Tất cả các đồng chí diễn viên văn công ra đây, các đồng chí cố vấn có ý kiến!”
Dù hơi ngơ ngác, nhưng tất cả bọn tớ đều như trút được một gánh nặng trên vai vì còn gì khổ hơn là diễn cho những khán giả mà mình không thích diễn, hát những điều mình không thích hát, nhẩt là đối tượng chủ yếu trước mặt mình chỉ là ba ông người Tàu mà tớ cũng như đa số các anh em văn nghệ sỹ kháng chiến đều biết chắc họ sẽ tiêu diệt mọi thứ văn hóa đích thực, biến văn nghệ thành vũ khí đấu tranh giai cấp, hủy diệt mọi giá trị Chân Thiện Mỹ ngàn đời trong nghệ thuật và sẽ chỉ để lại cho đời sau “một mớ táp nham chẳng có một chút giá trị văn học nào” (trích Đi tìm cái Tôi đã mất” của Đại tá-Nhà Văn-Giải thưởng HCM Nguyễn Khải)!

Hơn ba mươi anh chị em chúng tớ lục tục ngồi xuống sân khấu (tức là cái sân gạch nhà đ/c Trương Hoạt) hướng về hiên nhà là nơi dành cho các vị khán giả đặc biệt vừa nói trên…
Và cuộc “liên hoan thắm tình hữu nghị Hoa Việt" bắt đầu. Mở màn bằng vài lời chúc tết do một chú phiên dịch Tàu nói tiếng ta làm chúng tớ lắm lúc muốn chết cười.
Ví dụ: "Năm nay năm con rắn" thì không hiểu sao hắn lại nói là… “cái lầy coong dắng lăm lay!” … hoặc “Rắn độc cắn chúng ta thì lại dịch là “chúng ta cắn rắn độc”!...Sau đó là đến mục “phát quà cho thiếu nhi” bằng kẹo Tàu, thuốc lá Tàu mà giá trị nhất có lẽ là mấy điếu thuốc lá “Đại Tiền Môn”.
Sau đó, tất cả đều đứng dậy, theo lệnh của ông Lê Nam Thắng, tức tốc hành quân đến đồi Rạng, cách đó chừng 7, 8 cây số, thưởng thức cùng nhân dân “siêu tác phẩm điện ảnh cách mạng” “Bạch Mao Nữ” mà các đồng chí cố vấn mới mang tặng Liên khu 4… Lúc này đã vào khoảng 9h tối, trời rất rét. Đoàn tớ, "sang" nhất chỉ là Thanh Tịnh, có một chiếc Va- rơi Mỹ chiến lợi phẩm, được ông Lê Liêm tặng thời ông còn ở Việt Bắc, còn tất cả trần xìn chỉ có một chiếc trấn thủ mỏng tanh…, hai hàm răng "sempre tremolo" cầm cập nhưng cũng phải ra biểu diễn mở đầu cho đêm chiếu phim, nổ phát súng lệnh cho cuộc phát động tư tưởng quần chúng đứng lên đánh đổ giai cấp địa chủ mà bựớc đầu tiên là cuộc phát động đấu tranh giảm tô, chấn chỉnh tổ chức ở ngay hai cái huyện Thanh Chương và Nam Đàn nổi tiếng… cách mạng này!!
Truớc lúc chiếu phim một người (được giới thiệu là của Trung Ương về) có mấy lời (Sau này tớ mới biết tay này chỉ là trung đội phó nhưng được chọn lọc kỹ trong giai cấp ba đời bần cố nông làm Đoàn Ủy Cải Cách và Chấn Chỉnh tổ chúc tại khu IV.
Hắn tên là Quảng còn họ thì tớ chẳng buồn nhớ làm gì, và sau này “Sửa sai” xong, khi phong quân hàm, dù tội lỗi chất chồng đến ngút trời, hắn ta vẫn được phong quân hàm vượt cấp lên Trung Tá!... Hắn ta “lói” ngọng nhưng la hét đến khản cổ về tội ác của giai cấp địa chủ, về số kiếp của “anh chị em bần cố nông ta”. Hắn kể tội cướp đất, chiếm nhà, chiếm cả vợ, con chúng ta” …
Hắn nói “phải kiên quyết chỉ mặt đặt tên những kẻ thù giai cấp, dù đó là cha, là mẹ là hàng xóm láng giềng họ hàng thân thuộc chúng ta”. Hắn đe dọa những ai “không biết căm thù bọn địa chủ cường hào gian ác là có tội, là không xứng đáng được đứng trong hàng ngũ “chủ lực quân của cách mạng”.
Trước mắt là “đập tan uy thế chính trị cua bọn kẻ thù giai cấp” … v.v… và v.v…. Và đây, hắn nói – “chúng ta hãy xem bọn chúng đã làm gì với giai cấp bần cố nông chúng ta ở bên nước… Trung Hoa vĩ đại. Xem để thấy bọn chúng dù bên Tây, bên Tầu hay bên ta cũng đều ác độc, tham lam, đều là những kẻ giết người, cướp của, cướp công anh em bần cố nông chúng ta thôi. Xem xong để củng cố lập trường, để quyết vùng lên, chỉ mặt đặt tên từng đứa ở làng mình, xóm mình, bắt chúng phải đền tội, bắt chúng phải trả lại ruộng đất, trâu cày, tiền bạc cho chúng ta!”…
Bài nói phát động của tên Đoàn Ủy CCRĐ được cả rừng người ngồi khắp một quả đồi hưởng ứng bằng những khẩu hiệu có kẻ xướng người họa đến khản cổ như “Đả đạo bọn địa chủ! Đả đả… o!” kèm theo là tiếng trống ngũ liên, tiếng phèng la, tiếng mõ, ở đâu bỗng nổi lên át cả tiếng người… cho đến khi mấy chú chiếu phim lưu động cho tắt mấy ngọn đèn điện le lói xung quanh nơi làm việc và bắt đầu cho máy chạy xè xè. Cuộc “cách mạng long trời lở đất" bắt đầu ở Liên Khu IV cánh tớ bằng một bộ phim Tầu là như vậy đấy.
Lịch sử điên ảnh thế giới sau này có lẽ cũng nên có vài trang nói về tác dụng nghệ thuật đến tư tưởng, tình cảm và hành động con người có một không hai của cuốn phim đen trắng Bạch Mao Nữ mà đến hôm nay, người ta đã cố tình hay hữu ý lờ nó đi! Số là khi phim chiếu lên các cảnh Bạch Mao Nữ bị tên địa chủ Hoàng thế Nhân bóc lột, hãm hiếp, đánh đập... phải bỏ trốn vào hang núi, ăn lông ở lỗ đến mức tóc tai, người ngợm trở thành một con thú mọc lông trắng thì… cứ vài ba phút lại phải ngừng lại vì “quần chúng” quá căm thù (! ?) đã chạy ào ào xuống màn hình (máy chiếu phim đặt ở chân đồi) đòi tiêu diệt tại chỗ kẻ thù giai cấp trong phim! …
Thậm chí có vài chú bộ đội bần cố nông vì “căm thù quá” nã đạn thẳng vào “kẻ thù ảo” làm nhân vật của cả bên ta lẫn bên nó đều bị trúng đạn rách te tua. Phải hơn một lần tắt máy, treo lại màn hình khác (té ra chuyện này đã có dự kiến sau nhiều lần chiếu ở Việt bắc, Khu III) và đ/c Đoàn Ủy lại phải lên tiếng qua micro tới 4 cái loa sắt treo ở 4 góc có khán giả ngồi… "Bình tĩnh! Bình tĩnh! Chúng ta hãy dành sự căm thù đó để trút lên đầu bọn địa chủ cường hào gian ác ở ngay làng mình, xã mình trong những ngày tới… Đây chỉ là phim thôi mà!.”...

Và “Bạch Mao Nữ” lại được trình chiếu tiếp. Tuy nhiên, vẫn thỉnh thoảng có tiếng thét, tiếng hô đả đảo, tiếng khóc, tiếng than, tiễng đập tay vào ngực, đập chân xuống đất bình bịch vì… quá căm hờn. (! ?) mà tớ biết tỏng ra rằng: đa số chỉ là căm hờn… giả vờ, căm hờn cho phải đạo!! Đơn giản là: Làm sao nhìn rõ được cái gì, nghe thấy ông cán bộ thuyết minh cái gì, khi từ đỉnh đồi nhìn xuông nơi đặt màn hinh, to lắm cũng chỉ bằng cái Tivi 21 inch thời nay! Vậy mà người ta vẫn... cảm thụ được nghệ thuật một cách trực tiếp và tuyệt vời đến thế! Đố mấy ông Frank Capra, John Ford, Julien Duvivỉer thời xưa cùng các ông Spielberg, Trương Nghệ Mưu thời nay hợp tác đạo diễn nổi một bộ phim có tác động tức thì tới người xem như thế!”Bạch Mao Nữ” rõ ràng đã đạt hiệu quả biến chuyển tại chỗ tâm hồn con người tới mức không một siêu phẩm điện ảnh nào có thể sánh kịp!
Một điều đáng buồn là… Ngay trong đoàn văn công của tớ, cũng có vài kẻ khóc lóc, xé áo, đập ngực thình thình… trong khi hầu hết đều chọn thái độ căm thù bằng phương pháp… bó gối, cúi đầu, thở dài thườn thượt vì đều thấy tất cả là giả tạo, là cường điệu là lừa bịp những người nông dân ít học mà thôi! Hai người trong Đoàn tớ, sau này, khi “sửa sai” đã thú nhận, họ phải đóng kịch như thế vì “thành phần giai cấp của họ đều “có vấn đề”, có thể sẽ bị mang ra đấu tố nếu không đóng kịch như thế! (Một bác còn sống nay đã 81 nên tớ miễn kể tên!! nhưng chắc là nếu bác biết sử dụng Internet và đọc được những dòng này, bác sẽ càng thấy xấu hổ vì cái sự “hèn quá mức của mình”!)

Những ngày sau đó, bọn tớ mới biết là, ngay sau “đêm Bạch Mao Nữ”, quần chúng bần cố nông đã được phát động đấu tranh ngay ở làng mình, xóm mình… Dù chỉ mới là đợt đấu tranh giảm tô… nhưng “khí thế của quần chúng” đã đốt cháy giai đoạn chuyển luôn sang “Cải cách ruộng đất đợt đầu” ngay tại cái đất cách mạng số một, có nhiều người nghèo khổ nhất nước nên tinh thần đấu tranh cũng cao nhất nước này! Kết quả là một tai họa lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã xảy ra… Đã nhiều tài liệu báo chí viết về cái thời kỳ đen tối này. Trong “sửa sai”, ông Nguyễn Chí Thanh, đích thân về Liên khu IV nhận lỗi với đồng bào, đồng chí. Ông nhấn mạnh đến cái vế CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC”.
Ông nhắc tới sự lãnh đạo đã không “nhạy bén” (! ?), không kìm nổi phong trào "tự phát vô tổ chức" đến nỗi “một số” đồng chí mình bị TỘI OAN!” (Sự thật thì không chỉ là “một số” như các vị thường nói mà là “Một Số Lớn” … Cụ thể là cả cái tổ chức Đảng của xã Thượng Thọ, nơi Bộ Tư Lệnh IV đóng quân đều bị Đoàn Ủy CCRĐ… giải tán! Bản thân Tư Lệnh Trưởng Lê Nam Thắng, các Trưởng Phòng Quân Sự (Thái Tứ), các Tỉnh đội Trương như ông Chương (Hà Tĩnh), ông La (Nghệ An) và nghe đâu đến cả các ông Trường Chinh, Vương Thừa Vũ ở T.Ư cũng bị các Đội lên danh sách gọi về địa phương để nông dân hỏi tội cả! Nhưng có điều: phát động quần chúng để đập tan cái “Đảng Lao Động Cải Lương” này để thành lập lại một Đảng Cộng Sản theo kiểu… Tầu thì ông không hề nhắc tới! Chấn chỉnh tổ chức đã biến hóa cái Đảng vì dân, vì nước thành cái Đảng gì? mục tiêu tranh đấu của nó nhằm vào ai? phục vụ cho ai?
Tớ sẽ có dịp kể lại cho lớp trẻ hôm nay trong những entries tới, vì tớ bảo đảm rằng ngay các vị lãnh đạo cao nhất ở Trung Ương hôm nay cũng không thể hình dung ra tất cả Sự Thật trần truồng, đắng cay, nhục nhã, dã man mà bọn tớ, những người đã qua tuổi 80 phải trải qua.
Lẽ tất nhiên là trừ các cụ đã "hóa thạch" ở tuổi xem xém 100 ở miền Bắc và các vị "sinh sau đẻ muộn", sống và trưởng thành ở Miền Nam, đã thoát khỏi cái "thảm họa dân tộc" là Cuộc Cách Mạng Long Trời Lở Đất… CCRĐ made in china mà toàn dân miền Bắc phải nếm mùi (vì lúc ấy các vị này hoặc mới chỉ 5, 7 tuổi, hoặc đang... mặc quần thủng đít, hoặc... chưa ra đời!).Cho nên nghe chuyện có thật xưa mà quí vị đó cứ tưởng rằng chuyện... "bịa", là cố tình "bêu xấu chế độ" hoặc là "luận điệu của kẻ thù".! ?! ?

Trở lại với những ngày đầu năm Quý Tỵ đáng ghê rợn ấy… Đoàn Văn Công của tớ sẽ còn phải đi theo phim Bạch Mao Nữ dài dài… nếu không được “cứu” bởi một cái chỉ thị của Tổng Cục Chính Trị: Tham gia bôn tập “nghi binh” cùng Trung Đoàn 101 suốt bờ biển hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa để đánh lạc hướng quân địch tạo điều kiện cho các sư doàn và hàng vạn dân công vận động lên bao vây lòng chảo Điện Biên… Sau cuộc bôn tập này, tất cả các Đoàn Văn Công Quân Đội đều được lệnh tập trung về chân núi Hồng để “Hội Nghị” nhưng thực sự là huy động toàn bộ lực lướng vào chiến dịch Điện Biên Phủ! Trên đường hành quân từ Nghệ An ra Thái Nguyên, qua trăm làng, ngàn bản của Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, chúng tớ đêm đi ngày nghỉ, không phải để tránh máy bay địch (lúc này đã chẳng còn mấy do phải tập trung vào việc củng cố, tăng cường cho “tập đoàn cứ điểm mạnh nhất thế giới”) mà chủ yếu là khỏi phải nhìn thấy các cuộc đấu tố (thường diễn ra vào ban đêm) đang tiếp tục dâng cao ở khắp nơi.
Tuy nhiên, những đêm đấu tố đuốc sáng rực trời, những hồi trống ngũ liên… thì cứ tiếp tục đeo đuổi, vang vọng trong tim bọn tớ như những kỷ niệm buồn đau mà không mấy dễ dàng xóa đi cho được.!

57 năm đã trôi qua… Vậy mà cứ mỗi khi có tiếng trống “tùng tờ rùng tùng xoèng” nổi lên là tớ lại… nổi da gà!, lại nhớ về cái “mùa xuân long trời lở đất” năm ấy! Phải nói thẳng ra rằng: Tớ rất ghét những tiếng trống, nhất là của các... đoàn múa lân! Vậy mà múa lân ngày nay có người còn “nống lên” thành một thứ "văn hóa dân tộc!” Còn tớ, … thì rứt khoát: Đây là “văn hóa Tầu, bắt đầu từ Chợ Lớn” nay đã lan ra cả miền Bắc, miền Trung với những cái tên chẳng Việt Nam tí nào như “Lân Nghĩa Đường”, “Tân Trung Đường”, “Đại Lâm Xuân", v.v…và v.v …

Xem ra sự thâm nhập của "mọi mặt Tầu” đang có mòi ngày càng phát triển… Kể từ ngày hàng triệu người Tầu được phép “du lịch không cần vísa” sang ta... để đón đuốc Ô lem-pích, từ ngày các công ty Tầu phát triển từ Lào Cai đến tận… Cà Mâu, từ ngày các anh em biểu tình chống việc sát nhập Hoàng sa, Trường Sa vào huyện Tam Sa hăng hái nhất bị bỏ tù, và gần đây nhất là việc thu hồi 10.000 tờ báo Du Lịch Xuân Quý Sửu (mà năm ngoái tớ đã "vô tình làm hại" họ bằng một bài viết "Niềm vui tìm thấy trong sọt rác", khen họ đã cung cấp cho tớ những niềm vui hiếm có)... do năm nay lại "dám" đăng "Hận Nam Quan" của Hoàng Cầm, thơ của nhà thơ bị cấm xuất bản Bùi Minh Quốc, cùng một bài báo công khai ủng hộ những anh chị em đứng lên chống sự bành trướng của Trung Quốc và lên án việc đàn áp những người thực sự yêu nước này... (của Trung Bảo), cùng với tin các cụ đồ "trải chiếu cho chữ" bị cưỡng bức giải tỏa ngay giữa Văn Miếu thủ Đô Thăng Long... thì tớ chỉ còn biết... tự đấm lưng mà thở dài… Đã thế, đối diện ngay building tớ ở, có một đoàn múa lân “made in china”, suốt những ngày trước và sau Tết cứ làm khổ tớ bằng những trận trống ngũ liên, đưa tớ về những ngày Tết Quí Tỵ năm xưa…, những ngày đầu tiên mà "Bạch Mao Nữ" đã nổ súng phát động một cuộc cách mạng “long trời lở đất” đầy bi thương và tội ác trên đất nước Việt Nam quê hương mình.
Ôi! khốn khổ không cho cái thân già đã mất sạch đến cả "cái không nên đánh mất nhất" là NIỀM TIN cơ chứ!

Entry này, vì con gái tớ về quê ăn Tết với bà ngoại đã gần 90 tuổi nên tớ phải tự gõ trong suốt 4 ngày, cứ 15 phút lại phải tuân lời bác sỹ tháo đai, nằm nghỉ… nên hơi bị lâu hoàn thành… và hơi bị dài vì không thể kể ngắn được. Mong các friends yêu quí tớ chịu khó đọc như đọc một "truyện ngắn không hư cấu" nhé!

03/02/2009
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

79. 17 tháng 2 ngày dzì dzậy?
Tô Hải

Từ sáng sớm tớ đã vào mạng... Đọc lướt qua các đầu đề các bài viết trên những tờ báo “nhớn” ra ngày 17 tháng 2/2009…Thất vọng! Bấm máy cho các "lão đồng chí" xưa gồm 3 ông đại tá, một ông trung tá đã về hưu từ thời bao cấp… Hỏi: Có biết hôm nay là ngày gì không? Cả ba đều trả lời: -Không nhớ!... Không biết!... Cúp máy. Gọi thẳng cho mấy ông có nhiều thành tích, có ít hay nhiều điều kiện dính líu tới sự kiện ngày 17 tháng 2 này! Đạo diễn Đặng Nhật Minh, tác giả “Thị xã trong tầm tay” …
Không ai bắt máy! Quay sang đạo diễn Nam Hà, Trưởng đoàn quay phim phóng sự về những ngày 12/2/1979 tới 6 tháng 3 /1979 (theo bài “kể chuyện cũ” của anh trên Blog-đã “treo” Linh Gia) …
Hỏi: -Mày còn nhớ ngày 17 tháng 2 là ngày gì không?
Sau một hồi ú ớ… trả lời: -Ngày gì? Sinh nhật ông à? - Của khỉ! Lú lẫn hết rồi à? Ngày mày xuýt chết cùng Takano trên Lạng Sơn, quên dễ thế à? - À, à, ừ, ừ, nhớ chứ, nhớ chứ nhưng nhớ mà làm gì thêm tổ… bực mình khi “người ta” đã muốn chúng ta phải quên đi!...
Thế rồi anh kể một lô, một lốc những chuyện cũ, những đơn vị, những con người, những địa điểm, những tên đồi có đánh số, điểm cao nào có hai đại đội đã hy sinh gần hết… mà suốt thời gian đi làm phóng sự tại chỗ, anh đã thoát hiểm để có được những thước phim, phát trên Tivi tố cáo "tội ác trời không dung đất không tha của quân bành trướng Trung Quốc"... được vài lần rồi… xếp kho.
Chỉ tiếc rằng hôm nay anh đã treo Blog vì nhiều lý do "tế nhị" nên không thể công khai nó bằng các entries khá hấp dẫn năm xưa… Và rồi, công việc kéo anh đi, người đời không còn ai để ý, anh cũng quên luôn như quên những năm tháng làm khẩu đội trưởng pháo của F367, đánh Điện Biên năm nào!
Thật buồn!... Tôi còn được giới thiệu số điện của nguyên Đại Tá Sư Doàn 346 (thời đó còn gọi là sư 3), đơn vị có nhiều “thành tích chiến thắng” quân Tàu khựa để làm một cuộc phỏng vấn không tiền khoáng hậu… chắc sẽ có nhiều chuyện hay ho hơn. Nhưng tính tớ không ưa ca ngợi chiến tích mà chỉ thích nhìn rõ cái mặt trái của chiến tích nên tớ quay sang đọc các trang mạng khác. May quá! Không ít những bài nói về cuộc chiến giữa ta và người “VỪA LÀ ĐỒNG CHÍ VỪA LÀ ANH EM NÀY”.
Đáng kể nhất là những bài của những con người trực tiếp nếm mùi “bài học” tại chỗ của chú Đặng, kẻ đã lên Tivi chửi các cấp lãnh đạo nước ta là “Đồ côn đồ (nguyên văn Hooligan) cần phải dạy cho chúng một bài học" (tài liệu của ông Dương Danh Dy, bí thư thứ nhất Đại Sứ Quán VN tại Bắc Kinh thời đó, đã nghe "được"nguyên văn và tại chỗ cả câu này).
Và ngay sớm hôm sau, ngày12/2/1979, Đặng đã xua 20 sư đoàn xâm chiếm, tàn phá, đốt hết, giết hết 6 tỉnh biên giới nước ta…, lộ nguyên mặt bành trướng… coi thường dân tộc Việt Nam.
Tớ cũng được biết thêm, qua những bài viết của các tác giả Trung Điền, Lương Sỹ Cầm, Trương Nhân Tuấn, Huy Đức, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Hồng Sơn, Trần Anh Kim..., những lời phát biểu của các nhân vật danh tiếng một thời như nguyên thứ trưởng ngoại giao, ủy viên Trung Ương Đảng, nay đã hết thời, Trần quang Cơ, … những con người mà theo tớ, không thể là những “phần tử xấu” muốn phá hoại "16 chữ vàng" của hai Đảng Cộng Sản "thắm tình hữu nghị truyền thống lâu đời" được.
Tớ cũng được xem ảnh “Nghĩa trang Vị Xuyên”, nhìn rõ những tấm bia mộ của 1600 chiến sỹ hy sinh vì cuộc chiến ngắn ngủi nhưng nhiều người bị giết hại nhất. Tớ cũng được nghe những lời phỏng vấn các bà mẹ như Hoàng Thị Lịch, 72 tuổi, đang còn là nhân chứng sống cho cuộc tàn sát đẫm máu tại thôn Tung Tháp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An- Cao Bằng. Ở đó: 43 người bị giết chết một cách thảm thương trong đó 21 phụ nữ (7 người đang có mang) và 20 trẻ em. Tất cả đều bị chặt bằng dao kiếm thành nhiều khúc rồi vứt xuông giếng và, khi đã quá đầy, chúng bèn vứt rải rác các mảnh xác người khắp hai bờ suối quanh làng…
Cũng được nghe chính ông Lương Đức Toa, bí thư chi bộ xã này thời đó nay còn sống (người đã tự tay mình vớt từng mảnh xác đồng bào mình từ giếng lên), giắt một Blogger có tên tuổi đi thăm lại cái "giếng căm thù ngày xưa", nay đã bị bỏ hoang, cây cỏ mọc rậm rịt che hết lối vào…
Và các ông Quế, mẹ Dự… những người có con là tự vệ công nhân đường sắt đã hy sinh ngay trong trận đầu khi ngăn chặn bước tiến của các "đồng chí bốn tốt" từ phương bắc tràn vào…, nói lên nỗi căm hờn kẻ thù truyền thống, … về nỗi oan ức của họ khi không được nhận bất cứ một danh hiệu "chiến sỹ thi đua" hay "anh hùng diệt giặc"...Tầu nào!
Và càng đắng cay hơn, khi đến ngày kỷ niệm "chiến thắng biên giới" như thường thấy trước khi "bình thường hóa quan hệ", người ta đã lờ tịt đi tất cả, coi như không hề có cái cuộc chiến này bao giờ! ? Tớ càng thấy xấu hổ khi đọc trên mạng, thấy các "đồng chí-anh em" vẫn dương dương tự đắc cho là cuộc chiến biên giới năm 79, là họ đã "chiến thắng", là họ chỉ cốt "dạy cho bọn côn đồ Việt Nam một bàì học" chứ nếu muốn, họ có thể “buổi sáng ăn cơm ở Lạng Sơn, buổi trưa ăn cơm ở… Hà Nội”.!
Mặc dầu họ cũng công nhận là cái giá của sự “chiến thắng” của họ là: 6000 người chết và 21000 bị thương (“10 năm chiến tranh Trung Việt” - nhà xuất bản đại học Tứ Xuyên, tác giả Lý Tôn Bảo) … Còn nhiều hình ảnh và bài viết trên các mạng đáng tin cậy. Tiếc thay, tất cả những bài viết tâm huyết đó chỉ được đăng, phát trên các đài, báo viết và báo mạng của... nước ngoài vì các tác giả đáng kính đó thừa biết là chẳng có ông Tổng Biên nào dám duyệt đăng, dù chỉ là cái tít, nếu không muốn mất chức tức thì! (trừ tờ báo mạng của "Saigon Tiếp Thị" dám đưa lên mạng bài của Huy Đức nhưng vẻn vẹn có 2 tiếng đã lập tức có lệnh phải "bóc ngay".
Cũng may là cả trăm tờ báo mạng khác đã kịp post lại, giúp cho những người như tớ, tranh thủ viết ngay những suy nghĩ của cá nhân mình về "cuộc chiến thứ ba bị bỏ quên" này! Nhưng thôi! Càng đọc nhiều, tớ càng thấy thêm buồn bực vì cái sự "im hơi lặng tiếng đáng xấu hổ" của hơn 700 tờ báo và gần 100 đài phát thanh truyền hình đã bị dán băng keo vào miệng một cách trắng trợn.

Để kết luận cho bài này tớ chỉ xin nhắc một ý của ông Dương Danh Dy khi đã về hưu gặp nguyên cố vấn Võ Văn Kiệt năm 2001 (lúc quan hệ hai bên đã được "bình thường hóa". Ông Kiệt nói với ông Hy bằng một câu ngán gọn nhưng "hơi bị sáng suốt": “Cẩn thận! mỗi khi có kí kết gì với "họ" là họ đều có “giăng bẫy” cả đấy!” ….

Cái "bẫy" đó rõ ràng hôm nay đã được giăng ra tới tận Cà Mau và nhất là gần đây, tại vùng Tây Nguyên với kế hoạch khai thác Bô-xit mà "tiền trạm" của người láng giềng 4 tốt đã có mặt đầy đủ như một đơn vị đặc nhiệm với tăng, bạt, đội bảo vệ... và các phương tiện truyền tin hiện đại. Có thật đây là một chuyện “tự nguyện mắc bẫy” ? hay đằng sau đó là một chuyện lớn gì đây???

Thôi thì, tớ đành tức cảnh bằng mấy lời văn vần như sau

“Hỡi ai yêu nước thương nòi”
Hãy nhớ muôn đời “mười bảy tháng hai”
Nhớ ngày “răng” cắn nát “môi”
Dạy cho dân Việt một bài học đau
"Mày không có chịu theo tao
Thì tao làm cỏ đồng bào chúng bay..."
Thế là từ đó đến nay
Mỗi năm mười bảy tháng hai lại về
Nhắc dân mình chớ quên đi
Tội quân bành trướng quyết thề khắc ghi...
"Im hơi, lặng tiếng" tội gì???...
.......................................
Đến đây thì... tớ lại "bi sắc rồi"..
...
Các friends viết tiếp cho vui….

18/02/2009
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

80. Nỗi truân chuyên của một tác giả và tác phẩm của nó
Tô Hải

Entry này không nằm trong chương trình “Kể chuyện xưa” của tớ. Nhưng ngày 3/3/2009, báo Thể Thao Văn Hóa đã đăng một bài viết của giáo sư Nguyễn Lân Hùng (với tư cách hội viên Hội Âm Nhạc Hà Nội), bày tỏ suy nghĩ về việc sử dụng tác phẩm trong chương trình kỷ niệm 50 năm bộ đội biên phòng.
Tác giả bài viết có nêu lên một sự bất hợp lí khi thấy một bản hợp xướng lớn được dàn dựng chào mừng ngày kỷ niệm lại không phải là “Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy” của Tô Hải (đã bị xếp xó lâu nay).
Trái lại, “một dàn hợp xướng khổng lồ” của quân đội đứng oai nghiêm lại cất lên tiếng ca của một bài hớp xướng của một… ông tướng nào đó “có cái tên rõ dài nhưng phần đuôi vẫn có cụm từ người chiến sỹ biên phòng”. Tác giả vẫn hy vọng đó là bản hợp xướng của Tô Hải mà người ta đã giới thiệu sai đi (trích nguyên văn bài viết trên báo…)
Cả ngày mùng 3 và mùng 4 tớ nhận được hàng chục cú telephone và message gửi cho tớ bày tỏ sự bất bình và phẫn nộ.
Sự thật về bài hát “Tiếng hát chiến sỹ biên thùy” của tớ là: vừa ra đời đã có nhiều kẻ muốn giết nó rồi chứ đâu phải chờ đến ngày kỷ niệm 50 năm mới công khai thay thế nó.
Lí do:
1) Tớ dám viết một hình thức âm nhạc chẳng “vô sản” tí nào, chẳng “đại chúng” tí nào, sặc mùi “kỹ thuật thuần túy” giữa những năm 1957-1958, những năm mà giàn nhạc giao hưởng và hợp xướng chưa hề có ở Việt Nam
2) Nội dung thì thiếu tính chiến đấu, ca ngợi chung chung, tình cảm lãng mạng và nguy hiểm nhất là tại sao tớ lại nêu lên cái chuyện giữ gìn biên cương tổ quốc trong lúc biên cương giữa ta và Tàu đang “Núi liền núi, sông liền sông”, “hai bên cùng nghe một tiếng gà gáy” ??? Còn biên cương với nước Lào, với miền Nam Việt Nam thì gần như... không thấy đề cập gì?
3) Huy động cả bốn năm đoàn văn công lẫn quân nhạc và hơn một trăm diễn viên hợp xướng để dàn dựng một tác phẩm giữa những năm 58-59, nếu không là ảo tưởng thì cũng là… điên rồ!
4) Kèm theo đó là những thứ dè bỉu, chê bai của các vị “nhạc sỹ” mà sáng tác thì không cần… son-phe, toàn vận dụng những lý luận “văn nghệ Diên An” ra để ngăn cản tớ. Nào là “quân đội ta không quen nghe những bài hát nhiều bè”, dàn nhạc giao hưởng là “sản phẩm của phương Tây” …! ?. Thậm chí còn có kẻ ác ý cho rằng: tớ lợi dụng hoàn cảnh của một số “ông to” đang có hướng… “xét lại” (cụ thể là Lê Liêm lúc này đang học sáng tác nhạc, Võ Nguyên Giáp cũng đang học piano) ủng hộ nên tớ đã tranh thủ thời cơ để… tự đề cao mình…!!!

Tuy nhiên, (như một entry tớ đã viết) trong lúc "xét lại- xét đi", "bảo thủ- tiến bộ" đang ở trong cơn tranh cãi không ai thắng ai, một số anh em văn nghệ sỹ chúng tớ đã dựa vào cái tình thế “nửa dơi nửa chuột” này mà cứ dấn tới.... và hơn thế nữa, hai chuyên gia dạy âm nhạc cho bọn nhạc sỹ quân đội chúng tớ (như Lương Ngọc Trác, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Nguyên Nhung, Văn An…) lại là người Triều Tiên, “con của bác Kim” chính gốc thì ai mà dám bảo rằng con bác Kim lại mang “âm nhạc xét lại” sang gieo rắc ở nước Việt Nam. Thế là đấu đá từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên để đi tới một quyết định có dàn dựng tác phẩm Tiếng hát biên thùy “quá phức tạp” của Tô Hải hay không?

Cuối cùng thì, phe ủng hộ đã thắng thế… tạm thời. Và đúng ngày 22/12/1959, Tác phẩm Tiếng hát biên thùy đã được ra mắt công khai và rất hoành tráng giữa nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Đến dự, không thiếu một ai trong các vị lãnh đạo (trừ cụ Hồ). Toàn bộ khán giả đứng lên vỗ tay hồi lâu…,
Chuyên gia Mao Vĩnh Nhất - giáo sư dạy sáng tác và Triệu Đại Nguyên, g/s dàn dựng và chỉ huy - cúi chào khán giả và ngẩng lên lô giành cho tác giả - như ở các nước-, thì... chẳng có ai vì... tớ đâu có được mời! ? (Các friends chờ đọc hồi ký của tớ)
Sau đó “dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng vay mượn tạm thời" đó còn được biểu diễn mấy tối tại “Nhà hát nhân dân” để đông đảo quần chúng được lần đầu tiên, thưởng thức "thử” hình thức âm nhạc mà người ta gọi là “xa lạ”, không “quảng đại quần chúng” và đầy “kỹ thuật chủ nghĩa”, thậm chí "sặc mùi tư sản phương Tây"... này. Nào ngờ, tất cả các phương tiện truyền thông (thời đó chỉ có báo chí và đài phát thanh) đều không tiếc lời khen ngợi. Đặc biệt, tất cả đều nhấn vào vấn đề: không phải là quần chúng không biết nghe âm nhạc nhiều bè, không biết thưởng thức ngôn ngữ của bộ gỗ, bộ đồng, bộ dây, vấn đề chỉ là nghe có hay hay không, có truyền cảm hay không?…
Đặc biệt là khi Đài phát thanh TNVN tranh thủ thu thanh trước khi dàn nhạc và hợp xướng giải tán. Không có studio đủ sức chứa gần 200 con người thì… đưa nhau ra rạp chiếu bóng Tháng Tám, vẻn vẹn chỉ có 2 cái micro do kỹ sư Trương Tấn Mầu trực tiếp thực hiện.
Và sau khi được phát lên sóng thì chiến sỹ ở đủ các quân chủng (đặc biệt là bộ đội biên phòng) đều gửi thư về khen ngợi tớ tới mức ông đưa thư cũng phát ngạc nhiên vì chưa thấy có cá nhân nào nhận một lúc nhiều thư đễn thế!.
Và “bản hợp xướng mà hễ nghe dàn nhạc vang lên là cả hàng triệu người bỏ hết công việc đang làm để đón chờ…” như Nguyễn Lân Hùng đã viết, quả là có thật. Nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Thường, phụ trách chương trình âm nhạc theo yêu cầu của đài phát thanh TNVN cho biết: “Nếu cứ trên 10 yêu cầu mà phát thì “Tiếng hát biên thùy” của ông sẽ chiếm sạch chương trình của đài mất!”. Có những bức thư gửi về tổng cục chính trị đề nghị tặng thưởng cho tác giả Huân chương quân công cao quý nhất vì đã có công “nói hộ anh em chiến sỹ biên phòng những gì là sâu kín nhất trong trái tim người lính”.

“Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy” do đó được quần chúng bảo vệ nên cứ tồn tại. Dù không ít kẻ “ghen ăn tức ở” đã muốn “khai tử” nó ngay trong trứng nước. Nó tồn tại không chỉ trên bản thảo mà cả trong âm thanh nhờ đài phát thanh còn lưu giữ cho đến hôm nay. Nhà xuất bản Supraphon của Tiệp Khắc in riêng một đĩa 45 vòng/phút đã bán hết sạch năm nghìn đĩa trong một tuần….

Sau những ngày “hoàng kim” ngắn ngủi đó, các diễn viên hợp xướng, nhạc công được trả lại đơn vị cũ. “Tiếng hát biên thùy” chỉ tồn tại nhờ NSND Lê Đóa tại Đoàn ca múa TCCT nhưng chỉ còn lại có... có hai chương 2 và 4.

Chẳng kể gì đến hình thức âm nhạc chính qui, chẳng cần đối tỷ đối tiếc gì hết! Miễn là “không làm mềm lòng chiến sỹ” ở cái chương 3. Hai chương được biểu diễn là hai chương theo một số người “không có vấn đề” gì lắm, trừ mấy chữ cần sửa như “rừng biên cương xưa đã bao phen ngăn chân quân thù” thành “rừng biên cương xưa mến yêu xưa” … hoặc “rừng biên cương có tiến vang vang còi tàu” ….
Toàn là những thứ “bới bèo ra bọ” chứ thật tình, tớ đâu có nhiều ý nghĩ sâu sắc gì về quân xâm lược Tàu như ngày nay đâu, (kể cả từ khóa VI khi người ta bỏ cái chữ Trần Quốc Tuấn ở trường lục quân của tớ đi, mà chỉ gọi là Trường Lục Quân 1, 2…).
Cái khái niệm về biên cương Tổ Quốc những năm 50, với tớ, chỉ là biên cương phía Bắc, ranh giới cần bảo vệ giữa Ta và Tầu thôi mà, chứ miền Nam, Lào, và biển Đông thật sự không hề có trong tim, trong óc tớ như ngày nay (lúc ấy tớ mới chỉ có lên... 29 thôi mà!)

Thời gian qua đi… Lớp nhạc sỹ Hoàng Vân, Chu Minh, Đàm Linh,... từ các nhạc viện nước ngoài sau đó lục tục về nước, và thế hệ tiếp theo thuộc lớp con em chúng tớ như Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài... cũng tiếp tục theo nhau trở về... Họ đã viết được nhiều tác phẩm dài hơi, những loại hình sáng tác còn "kỹ thuật chủ nghĩa, tư sản phương tây" hơn tớ nhiều. Nhưng kỷ niệm về cái thời xa xưa của "Tiếng hát biên thùy" những năm nước ta không biết gì về âm nhạc ngoài các bài hát đơn điệu hoặc đồng ca có bè (mà nhiều người cứ gọi nhầm là hợp xường) té ra vẫn còn trong tâm trí của khá nhiều người như giáo sư Nguyễn Lân Hùng...

Bao thế hệ chiến sỹ biên phòng ngày nay, kẻ mất người còn liệu còn mấy ai nhớ tới “Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy” nữa? Ngay bản thân tớ cũng chẳng còn thắc mắc băn khoăn gì vì chẳng phải chỉ một mình tớ phải chịu “ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh” cùng tác phẩm của mình. GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC của một tác giả của một tác phẩm (nếu nó thật là giá trị) thì dù có ai muốn vùi dập thế nào, trước sau sẽ được lịch sử ghi nhận và phục hồi. Gõ đến đây, tự nhiên tớ lại nhớ đến những đồng nghiệp, đồng ngũ của tớ đã một thời "phục vụ quân đội giải phóng quê hương, nhưng vì không chịu nổi những cách phê phán ngu dốt và "lạp xường tù mù hách xì xằng" về "văn nghệ vô sản" mà đành phải gác bút, chuyển nghề thậm chí "come back to Hanội, to Saigon", mang cái tiếng là "phản bội", là "không chịu đựng được gian khổ" nên... trở cờ... Tớ tự thấy mình đang còn có... Chúa và nhiều người ủng hộ thật!

Tớ thật sự cảm động khi kỉ niệm 20 năm, 30 năm thành lập bộ đội biên phòng, đều được các “đồng chí” cũ, các lãnh đạo cũ gửi thư thăm hỏi thậm chí đến tận nhà tặng quà, tặng tiền và cùng tớ ngồi nghe lại bản cantate viết 52 năm trước. Câu: “Một vị tướng đã nói với tôi là khi nghe bản hợp xướng của Tô Hải nhiều anh em chúng tôi đã ứa nước mắt” (Của Nguyễn Lân Hùng viết trên TTVH) chỉ là một ví dụ có thật đã diễn ra ngay ở nhà tớ.
Nhưng những giọt nước mắt đó đối với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng…Người thì nghĩ tới một thời oanh liệt xa xưa… nay còn đâu nữa... Người thì nghĩ tới những đồng đội đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất Tổ Quốc mà hôm nay không được ai nhắc tới, không được kỷ niệm lễ lạt gì…
Đối với tớ, khi cùng nhỏ nước mắt với họ trong những dịp này, chính là những giọt nước mắt nhớ về số phận truân truyên, lên voi xuống chó của những người văn nghệ sỹ muốn làm văn nghệ đích thực nhưng đôi khi phải đánh đổi bằng cả số phận khốn khổ, cay đắng của mình… Sự đánh đổi đó là: Những nhận xét sau đây trong lý lịch: "Luôn phản ứng có hệ thống đối với cấp ủy"... "luôn phản ứng với cấp trên"...
Hai năm chịu đựng, ngậm đắng nuốt cay bị "đày" đến một đoàn văn công vùng đầu cầu giới tuyến Nam-Bắc, không giao hưởng, không hợp xướng, không còn được viết những gì mà mình muốn viết... Nó đưa tớ tới một quyết định liều mạng là: Quyết tâm rời khỏi quân ngũ và rời luôn cái danh vị "đảng viên Đảng lao động Viêt nam" bằng mọi cách có thể... Và tớ đã tạm thời thành công trong một thời gian khá dài... (xin chờ đọc ở hồi ký tớ sắp công bố một ngày gần đây)

Và đây, bản Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy thu từ thời mono, friends nào muốn hiểu quá khứ đau khổ của người sáng tác như tớ hãy dowload về mà nghe nhé: http: //www.mediafire.com/?gmmkyq22ymg

07/03/2009
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

81. Nhớ tiếng hát Người chiến sĩ biên thùy
Tô Hải

Và đây, bài viết của g/s Nguyễn Lân Hùng mà tớ đã gửi link cho mọi người. Nhưng không hiểu tại sao lại không truy cập được. Tớ đành đưa bài báo này tớ được NLH gửi tặng lên Blog vậy. Chẳng biết có... vi phạm quy định về Blog của nhà nước hay không?
Thứ Ba, 3/3/2009, 15: 6 (GMT+7)
Nhân kỷ niệm 50 năm Bộ đội biên phòng
Nhớ Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải
Ông Nguyễn Lân Hùng, và với tư cách Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, bày tỏ suy nghĩ về việc sử dụng tác phẩm trong chương trình Kỷ niệm 50 năm bộ đội biên phòng vừa qua.
(TT&VH) - LTS: TT&VH đã nhận được bài viết của ông Nguyễn Lân Hùng, và với tư cách Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, ông bày tỏ suy nghĩ về việc sử dụng tác phẩm trong chương trình Kỷ niệm 50 năm bộ đội biên phòng vừa qua. Xin được trích giới thiệu cùng bạn đọc:
Đêm 28/2/2009, đài Truyền hình Việt Nam đã truyền hình trực tiếp đêm giao lưu nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bộ đội Biên phòng.
Trên sân khấu, một dàn hợp xướng khổng lồ của quân đội đứng oai nghiêm. Tôi hồi hộp theo dõi. Ngỡ tưởng người ta sẽ trình diễn bản hợp xướng Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải. Đấy là bản hợp xướng mà hễ nghe thấy nhạc dạo vang lên là hàng triệu người sẵn sàng bỏ hết công việc đang làm để đón chờ. Bản hợp xướng tuyệt vời ấy sống mãi trong lòng biết bao thế hệ bộ đội biên phòng và mọi người dân của cả một thời oanh liệt. Đài Tiếng nói Việt Nam đã từng lấy nó làm nhạc hiệu…
Nhưng không, người ta đã đưa ra một bản hợp xướng khác. Bản hợp xướng này có tên rõ dài nhưng phần đuôi vẫn có cụm từ “…người chiến sĩ biên phòng”. Tôi vẫn hy vọng, đó là bản hợp xướng của N.S Tô Hải mà họ đã giới thiệu lệch đi.
Thế rồi, tôi hoàn toàn thất vọng. Người ta đã thay vào vị trí đáng lý phải là bản hợp xướng Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải bằng một bài hợp xướng khác... Cứ cho rằng bài hợp xướng này ngang bằng với bài của Tô Hải đi thì cũng nên nghĩ rằng, đây là một buổi giao lưu có tính chất lịch sử, đây là giờ phút tôn vinh truyền thống hào hùng của bộ đội biên phòng. Chúng ta phải biết nhường bước cho những người đi trước, những người đã có đóng góp to lớn vào lịch sử của bộ đội biên phòng trong suốt 50 năm qua. Tại sao trong dịp lễ trọng đại này, ta lại quên đi bản hợp xướng của nhạc sĩ Tô Hải.
Nếu bản hợp xướng mới này là hay thì ta hãy cho nó vào chương trình giới thiệu tác phẩm mới. Tại sao lại chen nó vào vị trí đáng lý phải là tác phẩm của nhạc sĩ Tô Hải.
Hồi trẻ, chúng tôi là sinh viên và đã tham gia dàn dựng bản hợp xướng của Tô Hải cho đoàn hợp xướng của trường đại học. Chúng tôi đã giành huy chương vàng trong nhiều hội diễn. Mọi người đều biết, giải thưởng mà mình được nhận một phần là do giá trị của tác phẩm. Cả về ngôn từ và giai điệu trong bản hợp xướng của Tô Hải đều rất tuyệt vời. Một vị tướng đã nói với tôi: “…khi nghe bản hợp xướng của Tô Hải, nhiều anh em trong chúng tôi đã ứa nước mắt…”. Điều ấy đủ để chúng ta hình dung nên giá trị nghệ thuật và nhân văn của tác phẩm mà Tô Hải đã để lại cho đời.
Rất tiếc, tôi chưa một lần được gặp nhạc sĩ Tô Hải. Tôi không hình dung được mặt mũi của ông thế nào. Chắc ông đã già. Cho dù nếu như thời gian đã làm cho hình thể của ông thay đổi, thì đối với chúng tôi, ông vẫn là một thần tượng, một con người mà chúng tôi hết sức kính phục và quý mến. Tác phẩm Bài ca người chiến sỹ biên thùy của ông là niềm tự hào chung cho nhân dân cả nước, cho lực lượng biên phòng mà suốt 50 năm qua không một lúc nào được rời tay súng.
Đến tận bây giờ, tôi cũng không biết nhạc sỹ Tô Hải sống ra sao. Nhưng với chúng tôi, ông sống mãi trong tâm can.
Nguyễn Lân Hùng
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

82. Bản hợp xướng bị bỏ quên rồi được thay thế
Tô Hải

Đây là bản hợp xướng "bị xếp xó" cả nửa thế kỷ, khi mà biên cương giữa hai nước VN-Trung Hoa đang được người ta ca ngợi là... "núi liền núi sông liền sông... chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông (nghĩa là sẽ có hoàng hôn?) rạng đông… sớm sớm nghe tiếng gà gáy cùng"; hoặc "Bác Mao nào ở đâu xa/ Bác Hồ ta đó chính là... Bác Mao???"…
Theo yêu cầu của các friends trong cũng như ngoài nước, tớ cố gắng up phần hợp xướng, còn phần partitur của dàn nhạc giao hưởng thì tớ... pó tay, chẳng biết làm thế nào đưa cả mấy chục trang tổng phổ 24 portées viết tay lên mạng cả. Ai muốn có tài liệu xin cứ save về
Có hai nốt ở trang 3 bị mờ. Đó là phần Bass.Haqi nốt đó là mì-rê-mì.Còn chữ bị mờ la chữ "nhà" Trong bản in ÚSB ghi không rõ ngày biểu diễn. Xin đọc là 22 tháng12 năm 1959

o-o-o-o-o-o-o-o-o-

83. Gặp lạc các "cụ chiến sỹ" còn sót lại thời 9 năm
Tô Hải

Mấy tuần nay cái lưng khốn khổ của tớ không cho phép ngồi ki-bót “kể chuyện xưa” cho các bạn vẫn hàng ngày thúc giục tớ “Sao lâu thế?”, “Cụ/ông/chú lại bị ốm à?”, "Quoi de neuf?". Sự thật thì tớ chỉ chờ con tớ nó bớt bận học thi, học thêm, học... đủ thứ vô bổ… giúp tớ gõ một vài entry nhưng nó không sao có thì giờ. Hôm nay, giỗ tổ Hùng Vương, thế là phúc… tổ cho tớ, nó bỏ được ít thì giờ ngồi vào keyboard. Đề tài thì quá nhiều, chuyện xưa chuyện nay, chuyện nóng hổi, chuyện thời sự, chuỵện "vô lý không có lẽ", chẳng biết nên ưu tiên cái gì. Thôi thì lại bắt đầu câu chuyện vừa “xưa” vừa “nay” vậy. Đó là câu chuyện về những số phận khác nhau của các ông tướng, ông tá thời kì kháng chiến 9 năm. Câu chuyện bắt đầu thế này:

CUỘC GẶP GỠ CỦA NHỮNG ÔNG GIÀ- CHIẾN SỸ BỊ “ĐẠN CHÊ”

- Tớ đang nửa nằm - nửa ngồi lướt net thì có chuông bấm… Tập tễnh chống gậy ra mở cửa thì trời ơi, 7 lão già đều tóc bạc, răng rụng ùa vào. Ông nào cũng tươi vui cười hố hố. Có ông lại còn cất tiếng hát bài “Trường lục quân đang cần lính đánh Tây” của tớ “phịa” ra năm xửa, năm xưa… Tớ chỉ nhận ra được có 2 người đang sống tại thành phố HCM thỉnh thoảng có liên lạc với tớ bằng telephone.
Còn lại mấy ông kia tớ chẳng biết là ai cả. Mãi đến khi họ tự xưng tên thì mới dần dần hình dung ra cái anh chàng Thiệp đẹp trai hát hay ở cùng đại đội tớ… chú Vân bé nhỏ nhưng thoăn thoắt vượt nhanh lên đỉnh Bảng Vương trước cả mọi người trong các cuộc diễn tập công kiên chiến, nhận ra “sư cụ” Đắc Nho, luôn có bộ mặt mô phạm của một chính trị viên… Thì ra để chuẩn bị cho kỉ niệm 60 năm khóa tổng phản công (1949-2009), trường sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn, “Ban liên lạc” (chẳng biết do ai bầu ra, do ai tài trợ?) dự định làm 1 cuộc gặp gỡ truyền thống “ra trò”. Nghe đâu có công lớn của 1 đồng khóa có uy tín nhất trong xã hội và đã từng là đại biểu quốc hội, trung ương ủy viên, trung tướng tư lệnh trưởng quân khu, tổng thư ký hội cựu chiến binh Nguyễn Quốc Thước (nhưng tất cả đều là… “nguyên” thôi vì nay đã… “về vườn” hết cả rồi.).
Nhân dịp đi tìm những nhân chứng còn sót lại, 3 cụ tận Hà Nội đã lọ mọ vô Sài Gòn. Và nhờ vào đứa con của một ông đại tá nay giàu lên do đổi mới mà trở thành… tư bản thời kỳ đổi mới, có trong tay cả ngàn công nhân nên các cụ có ô tô đi tìm người xưa còn sót lại giữa rừng cười, … rừng khóc… Thật là cảm động khi nhìn thấy nhau:
Những chàng thanh niên “có học” hay nói đúng hơn là những chàng trai “tạch tạch xè” thuở nào nay vẻn vẹn chỉ còn sót lại không quá 10 người ở cái đất Sài Gòn này. Ấy vậy mà cũng chỉ “vét’ được có 3 cụ đủ sức ngồi xe Tu-bin đi bàn nhau làm gì cho ngày kỉ niệm sắp tới? Còn lại 3 cụ thì một cụ điếc đặc chẳng nhớ ai vào ai nữa, 1 cụ kiên quyết không kỉ niệm kỉ niếc gì cả nên xin rút lui, 1 cụ thì đang nằm bất động hơn 1 năm nay do tai biến mạch máu não.
Duy có mình tớ tuy xẹp 3 đốt sống lưng, tiếp khách nửa nằm nửa ngồi lại là người còn đầu óc sáng suốt nhất. Vì lí do này, các cụ còn sót lại đã chọn địa điểm là nhà tớ để đổ bộ vào lấy ý kiến quyết định có nên làm gì ở thành phố này không? Lợi dụng cơ hội hiếm có này lại lên cơn đau… buồn vì thấy mình quá cô độc, tớ mới tuyên truyền cho các “cựu chán binh” một loạt suy nghĩ về thời cuộc mà chỉ qua vài ý kiến thăm dò tớ đã thấy được các cụ đang còn quá… “u u minh minh”

INTERNET CÁI DZỐNG DZÌ DZẬY?

Nhân tiện laptop của tớ chưa shut down, tớ giới thiệu để các cụ xem một lô ảnh mà đồng hương Thanh Hóa của tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã chụp nhân dịp đến thăm tác giả “Mênh mông tình dân”. Nhìn cặp ngà voi to tổ đùng đang ôm gọn tấm chân dung nguyên tổng bí thư. Nhìn cái trống đồng “O-la-zin” bầy chình ình giữa phòng khách…, nhìn bức tượng đồng nguyên TBT to gần bằng tượng Hồ chủ tịch ở nhà khách chính phủ, nhìn mảnh “vườn tự động” dành riêng cho bữa ăn của TBT…., các bạn có biết các cụ đã có những ý nghĩ khác nhau thế nào không?
- Cụ A: Có thiệt thế không? Liệu có phải là ảnh lắp ghép không nhỉ?
- Cụ B: Đây là bọn phản động nó bịa ra nhằm bôi xấu Đảng mình đó thôi!
- Cụ C: Có đấy! có đấy! Tớ mới được xem cái này tuần trước do con tớ, thỉnh thoảng thấy gì “hay hay”, nó thường gọi tớ vào phòng riêng cùng nhau xem rồi bình luận rất là… dân chủ…! Tuy nhiên, vì nó đang là bí thư Đảng ủy của một công ty lớn nên nó luôn thận trọng dặn dò tớ: “bố biết vậy thôi. Chẳng nên nói lại làm gì, rách việc lắm, để xem "các cụ" xử lý thế nào khi chuyện này được tung hê lên Internet. Quả là xấu xa nhục nhã cho một Tổng bí thư của một Đảng vô sản lấy chủ nghĩa Mác Lê Nin là mục tiêu đấu tranh suốt đời”!

Tớ vừa giả vờ “ngây thơ cụ” đặt ra một câu hỏi: “Nếu những tấm ảnh này là có thật thì sao nhỉ?….” Thì chẳng cụ nào hỏi ý kiến cụ nào đều hăng hái phát biểu: “Thì cho “Nó” vào… tù chứ còn sao nữa. Tội tham ô tài sản quốc gia rõ rành rành như ban ngày. Chẳng còn đường chối cãi…” Có cụ còn nói: “Cái thằng nào nó chụp những tấm ảnh chết người này quả là “chơi khăm” anh Phiêu và uy tín của Đảng dễ sợ!” Một cụ thận trọng hơn: “Để xem các bố ở Bộ Chính Trị xử lý vụ này thế nào!..”. Tớ vội báo cáo bổ xung: “Xử lý rồi, xử lý rồi!” … Và thông một cái tin cũ với tớ nhưng… mới toe với các lão đồng chí của tớ biết rằng: “BCT đã giao cho ông Lê Hồng Anh “điều tra làm rõ” …. KẺ NÀO ĐÃ CHỤP VÀ ĐƯA NHỮNG TẤM ẢNH CÓ HẠI CHO ĐẢNG LÊN INTERNET, …. chứ không phải là điều tra xem chú Phiêu lấy đâu ra tiền mà sắm sửa những thứ đáng giá cả triệu đô la đâu!...”

Thế là gần như tất cả các cụ, chẳng ai bảo ai, đều buông tiếng thở dài: “ Nếu thế thì… khốn nạn cho cả nước đến nơi rồi!...” Tuy nhiên vẫn có một cụ lẩm bẩm: “Nguy hiểm thật! Anh-te-nét, chị-te-nét làm gì để rồi… (xin lỗi tớ viết nguyên văn), đánh phát rắm cả thế giới cũng có thể biết tường tận! Theo tớ, Tô Hải cũng chẳng nên nét, niếc suốt ngày làm gì… Biết lắm thêm khổ mà thôi.! Chẳng giải quyết được gì mà chỉ tổ lên tăng-xông mà chết bất đắc kỳ tử như mấy thằng Thái, thằng Bảo Tân… (đều dân khóa V, tổng phản công cả) năm vừa rồi mất. Hoặc “điên khùng” như thằng Phạm Quế Dương, mới định “hoạt động” bằng cách trả thẻ Đảng để lập Đảng này, Hội nọ… Chưa được cái tích sự gì thì đã… đi tù… mang tiếng là một đại tá “phản động” … Bạn bè chẳng ai dám đến thăm… Ấy vậy mà bây giờ vẫn cùng các bố “có vấn đề” còn đứng ra làm báo “Tổ Quốc” … chui… mới… bỏ mẹ chứ!... Đúng là… “khùng” hết chỗ nói..”. Thấy cuộc “thăm dò tư tưởng” những người bạn chiến đấu cũ như thế cũng khá đầy đủ, tớ bèn đóng laptop và chuyển sang một đề tài khác, khá là hấp đẫn với các cụ.

NHỮNG ĐỒNG ĐỘI XƯA AI CÒN AI MẤT?

- Chủ đề này cũng do tớ chủ động gợi ra. Nó có vẻ thuần túy “tình cảm” hơn là chuyện chính trị. Điểm danh lại tất cả những học viên “khóa V tổng phản công” xem thằng nào sống thằng nào chết có vẻ như chỉ là chuyện nhắc lại với nhau cái tình đồng đội thời “cơm, cơm, cơm, cơm… cơm cà, cơm, cơm muối, cơm nước suối cùng là cà chua…”, nhưng mặn nồng tình đồng chí, ấm áp tình người mà thôi, nhưng hóa ra lại biến thành một cuộc điểm danh những cái chết đến… hồn nhiên, ngây thơ và đôi khi, đến… tội nghiệp của những con người đã quyết tâm ra đi mang theo ước mơ về một “Mùa Không Biên Giới”!...
Và thật bất ngờ khi nhắc tới tên những người quá cố của dân Lục Quân Khóa V, tổng phản công cánh tớ, chẳng một thằng nào được chết… có tiếng tăm, tất cả chỉ là những “chiến sỹ vô danh”, chẳng có chiến công nào có thể “đi vào trang sách các em thơ” như trong bài hát “Bế Văn Đàn ơi” của Huy Du cả!. Chẳng mấy anh được đưa tin, cáo phó… trên báo, trên Đài…
Thậm chí, các cụ còn thông tin cho nhau biết những cái chết rất tức tưởi của đồng niên, đồng khóa của mình, những cái chết đã từ lâu gây nên 1 vị đắng giống nhau trong tâm hồn của 7 cụ già, nhưng chưa có dịp chia xẻ cùng nhau…
Ngoài những cái tên ngã xuống nơi chiến trường ngay từ trận đầu, khi vừa tốt nghiệp ra trường như Nguyễn Xiêm, Đăng Ích, Minh Thái… thì chính những người chết trong hòa bình lại là những cái chết chua chát nhất trong những người đồng khóa của tớ.
Đó là cái chết âm thầm không ai biết của Vũ Khuê, thủ khoa khóa tớ, được nhận thanh kiếm của Hồ chủ tịch, được cử vào miền Nam chiến đấu ngay đầu năm 51. Tiếc thay anh không chết nơi chiến trường mà lại… bị địch bắt đưa ra Côn Đảo. Đến năm 54, khi trao trả tù binh tại Sầm Sơn, sau 8 tháng “học tập”, anh cùng một số đồng chí khác bị tố là “đầu hàng địch” trong thời gian bị giam cầm. Và cuối cùng, anh bị tước hết mọi quân tịch, Đảng tịch, trở về thành một phó thường dân làm nghề… dập gác-đờ-bu, gác-đờ-xen xe đạp ở đầu đường Hàng Thao Nam Định! Khi anh chết, không một lời cáo phó, chẳng đồng đội nào biết tin mà có biết tin cũng chẳng dám đi đưa. Thật tình ra thì chuyện “đầu hàng” cũng chẳng hiểu là các "đồng chí" tố… nhau đúng hay tố sai nữa! ? Có một điều ai cũng biết là: Khối kẻ tố đồng chí mình sau đó đều thăng quan tiến chức vù vù!

Người đồng đội, đồng khóa thứ 2 cũng có 1 cái chết trong hòa bình khá là bi thảm. Đó là Vũ Đắc Thế. Số phận của anh là cả một thiên tiểu thuyết hùng ít, bi nhiều... Đánh đông dẹp Bắc, “đạn chê”, nên anh không chết nơi chiến trận nhưng lại chết tại… “Xóm liều” nổi tiếng ở quận Thanh Nhàn Hà Nội. Số là: Ngày 3 tháng 12 năm 1970 anh đã được về hưu vì sức khỏe suy yếu với cấp bậc trung tá. Tưởng rằng trở về quê hương, sống những ngày tháng còn lại bên cạnh một người vợ là chị Lê Thị May cùng 2 con trai Vũ Đăng Lâm (6 tuổi) và Vũ Đăng Canh (3 tuổi) tại quê hương Phú Thọ sẽ là niềm hạnh phúc với anh đến cuối đời. Nào ngờ tai họa đêm 13/9/1971 ập đến! Giông tố, thần lũ bất ngờ phá đê sông Sỏi, tràn đê sông Thương, quét sạch một vùng dân cư, cuốn trôi toàn bộ nhà cửa của nhân dân ven đê.
Anh Thế đi vắng nhưng khi trở về thì… vợ anh và 2 đứa con cùng toàn bộ gia sản đã trôi theo dòng nước. Nỗi đau mất toàn bộ gia đình và tài sản, trong đó có đầy đủ giấy tờ chứng nhận huân chương, huy chương,... của anh đều bị trận lũ cuốn đi không còn một… tang tích.
Anh như chỉ còn như một cái xác không hồn. Hai bàn tay trắng, anh lang thang về Hà Nội tìm bạn bè, đồng đội cũ để xin chữ ký chứng nhận “mình là ai” thì lại gặp phải một nỗi đau lớn hơn là: Cầm một lô chữ ký không dấu (về vườn cả, ai còn có dấu!) gõ cửa cơ quan có thẩm quyền nào, thì cũng chỉ gặp toàn những bộ mặt vô cảm, với những câu trả lời lạmh lùng “Không biết! Cục tổ chức cán bộ không quản lý cán bộ cấp Trung Đoàn!”, “Ở đây, không có tài liệu, sổ sách ghi chép gì về quá trình tham gia cách mạng của anh!” …

Lang thang ờ nhờ bạn bè mãi cũng… kỳ. Anh bèn lặng lẽ đến “Xóm Liều” dựng một túp lều nằm… chờ đợi. Cả gần hai năm trời mà chẳng nhận được một hồi âm nào. Và anh đã thấy hết mọi hy vọng ở các tổ chức Đảng và quân đội với một “lớp trẻ”, chẳng hề biết ai vào ai, kể cả các tướng tá đã chứng nhận anh là đồng chí cũ, là bạn chiến đấu, là cùng đơn vị với anh.
Hơn thế nữa, anh còn phải lo miếng ăn cho bản thân bằng đủ các thứ nghề, từ thợ nề, thợ mộc, từ dạy học không lương cho trẻ em Xóm Liều đến làm công tác xã hội ở một diểm dân cư phức tạp bậc nhất Hanội. Ấy vậy mà, khi biết tớ đang điều trị đông y tại bệnh viện bác sỹ Nguyễn Tài Thu, gần như sáng nào anh cũng tới thăm tớ với một chiếc bánh chưng lủng lẳng trên quai đeo của chiếc hòm thợ mộc rong. Anh chẳng nói gì dài dòng. Loanh quanh chỉ là một câu: "Cố gắng! Sớm lành bệnh về với vợ con nhé!”... rồi vội vã ra đi…
Được biết nỗi đau chồng chất nỗi đau của anh, tớ cũng không bao giờ dám gợi lại những vết thương khó có thể lành đang gậm nhấm con người hiền lành như đất ấy được. Điều đặc biệt là cả cái “Xóm Liều” nổi tiếng đó đều quý mến anh và họ không có bao giờ làm “liều” gì với anh cả. Trái lại, anh đã mang lại cho “Xóm Liều” nhiều việc tốt nhờ bàn tay khéo léo giúp người này sửa lại mái nhà, giúp người kia vá thêm tấm cửa. Thỉnh thoảng bạn bè, đồng đội cũ có đến hỏi thăm, giúp đỡ anh ít nhiều, tấm quần, manh áo hoặc ít tiền tiêu vặt, anh đều từ chối sự “thương hại” của bạn bè đó.
Có lần đến thăm tớ, vừa đặt câu hỏi về chuyện “phục hồi các thứ” của anh đi đến đâu rồi thì anh cười chua chát, trả lời cụt lủn: “phục hồi cái con mẹ gì!”. Thì ra đơn vị cũ của anh, từ ngày anh về hưu đến nay đã giải tán… Kẻ đã chết, kẻ đi B, đi K… chẳng còn ai ở cái đất Bắc này để chứng nhận cái ông trung tá về hưu từ năm 1972 nữa, nhất là chứng nhận cái giai đoạn "không sinh hoạt liên tục" của người “công dân xóm Liều” Vũ Đắc Thế thì… hơi bị… khó!!. Bè bạn đồng khóa đồng ngũ chứng nhận thì… toàn là những… cụ đã về hưu, chữ kí chẳng có một giá trị gì trước những bộ máy hành chính chỉ…” hành anh là chính” nên anh chẳng buồn đi lui, đi tới làm gì nữa. Và anh cam chịu sống kiếp không lí lịch, không chứng minh thư, không quyền công dân mà ở lì mãi tại…” Xóm liều”.
Cho đến 1 ngày bạn bè đồng khóa với anh trong, đó có tớ, tới tấp gọi điện báo tin dữ cho nhau Vũ Đắc Thế đã chết hồi 23h ngày 3/1 năm 2000 tại ngay căn lều anh tự dựng ở Xóm Liều. Bạn bè ở Hà Nội và các vùng lân cận đều rủ nhau tới nhìn mặt anh lần cuối cùng thì được biết anh đã qua đời trên một chiếc chiếu rách, bên cạnh không một người thân…, nhờ sự phát hiện khá sớm của một học trò "Thầy Thế", sáng nào cũng đến gặp Thế xin ít chữ! Nhờ sự vận động và uy tín một thời của một số tướng, tá bạn bè, đồng khóa, đồng niên với anh, thi thể anh đã được “chiếu cố” đưa về nhà xác của bệnh viện Thanh Nhàn để có chỗ cho người dân Xóm Liều và đồng đội cũ làm tang lễ cho người cựu trung tá, cựu sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn xấu số.
Điều kì lạ là sau đó 1 tuần thì trên ti vi bỗng có một thông báo tin buồn: “Trung tá Vũ Đắc Thế bằng này tuồi Đảng, bằng kia Huân Chương do bị bệnh lâu ngày, tuổi già sức yếu đã từ trần ở tuổi 73.” (! ?) Tuy nhiên ở Xóm Liều và trong bạn bè anh; ai cũng biết là anh đã…. tự tử nhưng bệnh viện khi khám tử thi thì kết luận là “chết do uống thuốc quá liều”.
Có điều đến nay, cái chuyện Vũ Đắc Thế qua đời được đưa lên TV (thường “tiêu chuẩn” phải là đại tá trở lên) do ai, tổ chức nào?... thì đến nay vẫn còn là dấu hỏi. Phải chẳng cái chết của anh đã làm” cựa quậy” những trái tim vô cảm? Hay đây là mở đầu cho một chính sách “Sửa sai, không tuyên bố, không xin lỗi” như đang diễn ra ngày một rõ ràng hơn những năm tháng gần đây?

VÀ NHỮNG CÁI TÊN ĐÃ CHẾT NHƯNG NGƯỜI KHÔNG… HỀ CHẾT.

- Còn khối cái chết trong suốt một ngày ngồi với nhau được kể lại như: chết vì buồn do bị dính líu vào “lí lịch có vấn đề”, chết vì bị “ngồi chơi xơi nước” rồi mời ra khỏi quân đội do gốc rễ là người Tầu (thời chống Tầu), chết vì quá… sung sướng do lắm tiền nhiều bạc, ăn nhậu, đàng điếm, chết ở nhà “bồ nhí” đến nỗi vợ con không thông báo, cấm cửa bạn bè, đồng ngũ đến phúng điếu… cũng nhân dịp này, đều được mấy ông già sắp chết cho lên bàn, mổ xẻ khá là… hào hứng!
Một điều thật đáng ngạc nhiên là: Có những cái chết do mất tên, mất lí lịch nhưng vẫn... sống ở bên kia trời Tây, trời Mỹ, cũng được các cụ thông tin cho nhau biết khá là sâu sắc!... Đó là Võ Hải, Hồ Mậu Đề, Lê Hoan, Trần Lãm… đã trở thành những tá tướng ở “phía bên kia” với những cái tên hoàn toàn mới. Đó là những anh lính lục quân Trần Quốc Tuấn, sau chiến dịch Điện Biên về tiếp quản Hà Nội đã… tranh thủ thời gian 300 ngày, theo hiệp định Giơ-neo, được "tự do lựa chọn nơi làm ăn sinh sống" đã tranh thủ xuống Hải Phòng mà “một đi không trở lại”! Họ đã tự mình xóa bỏ mọi thành tích “chiến đấu giải phóng dân tộc” để tự nguyện chuyển sang hàng ngũ những người chống cộng hàng đầu!
Ơi những “đồng chí” khóa V Tổng Phản Công còn sống hay đã chết ở “phía bên kia” (và đặc biệt nhiều là khóa VI tiếp sau đó), các bạn có biết các bạn đã góp phần củng cố cái quan niệm bất di bất dịch “tạch tạch xè, khó tin” của Đảng với lũ chúng tôi đến thế nào không?
Chứng cớ: cho tới nay, chẳng có thằng nào nên ông nên cha gì sau khi các bạn đã bỏ "lập trường vô sản" mà ra đi! Chẳng biết các bạn có cần "tìm đến một sự trung thành nào mới" như ông J.P.Sartre đã nói và làm không, chứ riêng tôi, chỉ mong cái cộng đồng khổng lồ "vietnamese-juif-errant" đến 3, 4 triệu người của các bạn hãy dặn dò con cháu: Phải trở về quê hương với tư thế "khúc ruột... chẳng có dặm nào", chẳng cần vi-da, vi thịt gì xất... để xây dựng Tổ Quốc Việt Nam thật sự Độc Lập, Tự do và Hạnh Phúc...

CUỘC BÀN THẢO KHÔNG CÓ KẾT LUẬN

Sau gần một ngày “ôn cố tri tân”, 7 cụ chiến binh già… mệt lử vì những chuyện buồn nhiều hơn vui, các cựu sỹ quan khóa V Lục quân Trần Quốc Tuấn, chẳng ai bảo ai, sau bữa cơm “có gì ăn nấy” do vợ tớ chiêu đãi, đều thấy oải cả về trái tim lẫn cái đầu. Mỗi cụ đều kíếm một chỗ ngả lưng tạm thời, chẳng mấy ai thấy còn… “khí thế” vì càng đi vào quá khứ thì càng thấy hiện tại đối với họ quá phũ phàng.
Cuối cùng, tớ là người đầu tiên đưa ra kết luận: “Thôi thì các ông ở Hà Nội còn mấy người cứ làm gì thì làm, bọn tôi trong này, vẻn vẹn còn có 4, 5 mống thì… xin miễn cho cái trò “tụ tập đông người không xin phép ấy!” Vả lại cái trò ôn lại “lịch sử oai hùng thời kháng chiến 9 năm” nhất là đối với cái trường lục quân đã mất tên Trần Quốc Tuấn rồi. Chưa chắc đã được "người ta" ủng hộ. Nhất là, truyền thống khóa 5 tổng phản công lại có một lô, một lốc những vị chẳng có gì đáng biểu dương dưới con mắt của “người thời nay”! Kèm theo đó là những thành tích hiện tại của các vị học viên khóa 5 như Phạm Quế Dương, Nguyễn Trần Thiết, và cả… tớ nữa thì… có khi lại là những cuộc tụ tập... "có vấn đề" là đằng khác.
Cuối cùng, cuộc bàn bạc về ngày kỉ niệm bị bỏ lửng không lời kết… Nói cho đúng thì cuộc họp đã thất bại hoàn toàn. Mỗi người ra về đều không có vẻ mặt vui tươi hồ hởi như khi đến, chẳng bàn được điều gì như dự định lúc ban đầu….
Riêng bản thân tớ là người buồn nhất vì:
1) Lại được thêm thông tin về các bạn đồng khóa cũ. Té ra chẳng anh nào có được một số phận, hoàn cảnh “Độc lập tự do hạnh phúc” như mấy ông tướng tá trẻ, chẳng một ngày cầm quân, chẳng hề ngửi qua mùi bom đạn, ngày nay.
2) Sự khác biệt quá lớn về nhận thức và tình cảm của những con người đã bỏ hết sự nghịêp, tương lai, gia đình đi làm cách mạng mà đến cuối đời vẫn chẳng hiểu… là Cách mạng gì?
3) Có quá nhiều cái đầu hoặc nghĩ một đằng nói một nẻo hoặc lấy phương châm “im lặng là vàng” cho những ngày còn lại của mình. Vậy thì tớ và một số cụ “bàn ngang” bằng những chuyện quá khứ buồn hơn là vui để cuộc bàn thảo không đi đến kết luận là sai hay là đúng đây hở các bạn?

05/04/2009
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

84. 50 năm cùng 'Tiếng hát biên thùy'
Tô Hải
Viết riêng cho BBC từ tp.HCM - 06/04/2009

Năm nay 83 tuổi, nhạc sĩ Tô Hải được coi là Blogger thuộc nhóm cao tuổi nhất ở Việt Nam, và ông cũng là tác giả của một bản hợp xướng giao hưởng đã song hành suốt 50 năm cùng lịch sử ngành biên phòng, cũng có thể coi là bản giao hưởng thuộc hàng đầu tiên của Việt Nam, một kỷ niệm mà ông muốn chia sẻ riêng với độc giả BBC tiếng Việt.

Đó là những năm 1957-1958:
- Khi Miền bắc Việt Nam vừa ra khỏi một cuộc chiến trường kỳ chín năm gian khổ,
- Khi mà nông thôn đã bị đảo lộn bởi cuộc "cách mạng long trời lở đất" là "cải cách ruộng đất + chấn chỉnh tổ chức" gây nên sự xào xáo, đảo lộn, đấu tố đến phá hoại mọi công bằng, đạo lý của toàn thể cơ cấu xã hội, gia đình... ở nông thôn,
- Khi mà người dân vừa mới cắm thẻ nhận ruộng lại bị bắt buộc nộp từ con trâu, cái cày đến miếng ruộng vừa được chia cho "tập thể" để hàng ngày nghe kẻng đi làm ăn công, chấm điểm,
- Khi mà ở các thành phố, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán đều bị cải tạo, tất cả chỉ còn là "quốc doanh". Từ cái tã cho trẻ sơ sinh đến cái tiểu sành khi cải táng, tất cả đều có tiêu chuẩn nhà nước quy định, có tem, có phiếu,
- Khi mọi sự cố gắng để giành lấy một chút tự do trong sáng tác mà điển hình là nhóm "nhân văn giai phẩm" bị lên án và đàn áp, cho đi cải tạo, đuổi ra khỏi biên chế, cấm sáng tác...
- Khi mà hầu hết các nhạc sỹ kháng chiến trở về thành phố với hành trang chẳng có gì ngoài mấy bài hát tuyên truyền động viên toàn dân kháng chiến, chưa một ai được học qua một trường lớp chính quy nào, chưa hề biết, chưa hề nghe một tác phẩm âm nhạc thuần túy nào, chưa biết dàn nhạc giao hưởng gồm có những nhạc cụ gì. Thậm chí có người chưa thể ghi chuẩn xác chính sáng tác của mình lên giấy.

Khủng hoảng lý luận

Và quan trọng hơn hết là cách mạng Việt Nam sẽ đi theo hướng nào đây: "theo Tây hay theo Tàu"?
Đặc biệt sau hội nghị các đảng cộng sản Bucarest (1956) ở Rumani thì chủ nghĩa cộng sản đã bị chia rẽ sâu sắc đến nỗi khẩu hiệu "Vô sản thế giới liên hiệp lại" đã được thay thế bằng "Vô sản thế giới giải tán đi" (Prolétaires de tous les pays, dispersez vous!) thì tại những cơ quan lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, "tiến nhanh, tiến vững chắc LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI" là thế nào đây???
Rõ ràng là... tùy nghi ứng xử. Nói trắng ra rằng, một cuộc khủng hoảng về lí luận chưa từng có đã làm chia rẽ ngay các vị lãnh đạo cao nhất, từ trong nhận thức đến hành động.
Do đó, ai nắm quyền ở lãnh vực nào thì cứ vận dụng lí luận theo kiểu mình hiểu.
Phải mãi đến khi người ta ra mặt chống chủ nghĩa xét lại và đi theo con đường của... Mao chủ tịch thì trắng đen mới thật rõ ràng.
Chính trong thời kỳ "nửa dơi nửa chuột" này mà giới văn nghệ mới có dịp làm quen với những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của thế giới, kể cả những tác phẩm sau này bị lên án là xét lại, thậm chí là "phản động", qua con đường công khai nhập vào Việt Nam bởi chính những đoàn nghệ thuật, những xuất bản phẩm, báo chí, những bộ phim, những tiểu thuyết của "các nước anh em" mà muốn phê phán, cấm đoán cũng... "há miệng mắc quai".
Lớp học kỹ thuật âm nhạc do các chuyên gia nước ngoài phụ trách để giúp những người viết ca khúc (song writer) Việt Nam trở thành "nhạc sỹ" đích thực (composer) được ra đời chính ở cái thời này chính là nhờ sự nhận thức khá đúng đắn của một số lãnh đạo cấp cao nhất như Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm...

Chuyên gia Bắc Triều Tiên

Không phải là không có nhiều ý kiến của những kẻ ngu dốt, cơ hội, cho rằng "âm nhạc Việt Nam không nên phát triển theo đường lối phương Tây. Phải dạy cho trẻ em hò, sừ, sang, cống, líu... chứ tại sao lại phải đồ, rê, mi, pha son? Sonate, giao hưởng, opera là sản phẩm văn hóa của giai cấp tư sản, việc gì ta phải bắt chước. Giai cấp vô sản không cần đến những hình thức nghệ thuật chỉ dành cho vua chúa và bọn tư bản làm gì"...
Cứ như thế, tranh cãi, đấu đá tới mức khi thành lập hội nhạc sỹ Việt Nam (1957), âm nhạc Việt Nam hiện đại vẫn chỉ dừng ở mấy bài "lời ca hát lên hát xuống" hoặc mấy "bài hát dài" với cái tên sáng tạo rất... Việt Nam là... trường ca như "Sông Lô", "Du kích Sông Thao"... mà chủ yếu là hát đồng ca, thỉnh thoảng có 2 bè đã là... "đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc" rồi.
Tóm lại, âm nhạc Việt Nam những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước vẫn chỉ là thứ âm nhạc của thế kỷ thứ XV- XVI của các nước tiên tiến, thậm chí còn đang nằm ở tình trạng "hát lên những câu ca dao" như kiểu các cụ ta thời xưa đã làm nên những bài dân ca truyền khẩu mà những gì hay nhất còn lại cho con cháu hôm nay cũng chỉ nhờ... truyền khẩu, chẳng hề có văn bản bao giờ.
Có thể nói, khi đặt vấn đề mời chuyên gia nước ngoài dạy hòa thanh, phối khí, phức điệu và các hình thức âm nhạc chính quy như rondo, sonate, symphony... trong bối cảnh lịch sử như đã trình bày ở trên là một thắng lợi của những đầu óc cấp tiến.
Tuy nhiên, cũng từ những thắng lợi bước đầu này mà nảy sinh ra những mâu thuẫn ngay trong nội bộ giữa những "nhạc sỹ có học", "nhạc sỹ chưa được học" hoặc "nhạc sỹ... không cần học".

Quá trình rèn luyện

Tôi thuộc lại nhạc sỹ "thèm học" nên đã đấu tranh bản thân, vượt qua mọi sự khó khăn, ép mình nuốt trôi tất cả các môn học kể trên trong 18 tháng.
Có ngày phải làm việc đến 16 tiếng mới lo trả đủ bài cho các thầy từ hòa thanh, phức điệu, phối khí, đến piano.
Mặc kệ mọi lời bàn ra tán vào, ý kiến ý cò, tôi đã chọn một hình thức âm nhạc vừa với sức mình, vừa dễ đến với công chúng để thể nghiệm tất cả các môn đã học là Cantate - vừa viết cho dàn nhạc vừa viết cho giọng người.
Để thực hiện được ý đồ "táo bạo" này, tôi đã phải dán các tờ giấy viết ca khúc lại để có được tờ tổng phổ 24 dòng, và cặm cụi suốt gần một năm trời viết cho một dàn hợp xướng bốn đến sáu bè (lúc này ở Việt Nam chưa biết dàn nhạc giao hưởng là cái gì).
Trước sự quyết tâm và say mê học tập để trở thành một "nhà soạn nhạc" đích thực, các thầy dạy tôi và một số đồng học như Nguyễn Văn Thương, Lương Ngọc Trác... và một số cán bộ lãnh đạo đã ra sức ủng hộ để tác phẩm được ra đời.
Chỉ riêng việc huy động một số lượng hơn 100 diễn viên và nhạc công ở nhiều đoàn nghệ thuật, kể cả quân nhạc, theo đúng yêu cầu của tổng phổ về tập trung tại 17 Lý Nam Đế để dàn dựng (dưới sự chỉ huy của chuyên gia CHDCND Triều Tiên) và biểu diễn báo cáo đúng ngày 22 tháng 12 năm 1959 đã là một việc làm chưa từng có trong bối cảnh xã hội và chính trị vô cùng khó khăn và phức tạp lúc bấy giờ.
Tác phẩm Tiếng hát biên thùy được ra mắt công khai và rất hoành tráng giữa nhà hát lớn thành phố Hà Nội.
Đến dự không thiếu một ai trong các vị lãnh đạo (trừ cụ Hồ), toàn bộ khán giả đứng lên vỗ tay hồi lâu.
Chuyên gia Mao Vĩnh Nhất (dạy sáng tác) và GS Triệu Đại Nguyên ̣ (dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc) cúi chào khán giả và ngẩng lên lô giành cho tác giả (như thông lệ ở các nước) thì... chẳng có ai. Vì tôi đâu có được mời.

Dư luận công chúng

Sau đó "dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng" vay mượn tạm thời đó còn được biểu diễn mấy tối tại "Nhà hát nhân dân" để đông đảo quần chúng được lần đầu tiên thưởng thức "thử" hình thức âm nhạc mà người ta gọi là "xa lạ", không "quảng đại quần chúng" và đầy "kỹ thuật chủ nghĩa", thậm chí "sặc mùi tư sản phương Tây"... này.
Nào ngờ, tất cả các phương tiện truyền thông (thời đó chỉ có báo chí và đài phát thanh) đều không tiếc lời khen ngợi.
Đặc biệt, tất cả đều nhấn vào vấn đề: không phải là quần chúng không biết nghe âm nhạc nhiều bè, không biết thưởng thức ngôn ngữ của bộ gõ, bộ đồng, bộ dây, vấn đề chỉ là nghe có hay hay không, có truyền cảm hay không ?
Sau khi được phát lên sóng thì chiến sỹ ở đủ các quân chủng (đặc biệt là bộ đội biên phòng) đều gửi thư về khen ngợi tới mức ông đưa thư cũng phát ngạc nhiên vì chưa thấy có cá nhân nào nhận một lúc nhiều thư đến thế.
Sau những ngày "hoàng kim" ngắn ngủi đó, các diễn viên hợp xướng, nhạc công được trả lại đơn vị cũ, Tiếng hát biên thùy chỉ tồn tại nhờ NSND Lê Đóa tại Đoàn ca múa Tổng cục chính trị.
Nhưng chỉ còn lại có hai chương 2 và 4, chẳng kể gì đến hình thức âm nhạc chính qui, chẳng cần đối tỷ đối tiếc gì hết, miễn là "không làm mềm lòng chiến sỹ" ở cái chương 3.

Ba chìm bảy nổi

Thời gian qua đi, lớp nhạc sỹ Hoàng Vân, Chu Minh, Đàm Linh... từ các nhạc viện nước ngoài sau đó lục tục về nước, và thế hệ tiếp theo thuộc lớp con em chúng tôi như Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài... cũng tiếp tục theo nhau trở về.
Họ đã viết được nhiều tác phẩm dài hơi, những loại hình sáng tác còn "kỹ thuật chủ nghĩa, tư sản phương Tây" hơn tôi nhiều.
Nhưng kỷ niệm về cái thời xa xưa của "Tiếng hát biên thùy", những năm nước ta không biết gì về âm nhạc ngoài các bài hát đơn điệu hoặc đồng ca có bè (mà nhiều người cứ gọi nhầm là hợp xướng), té ra vẫn còn trong tâm trí của khá nhiều người như GS Nguyễn Lân Hùng.
Bao thế hệ chiến sỹ biên phòng ngày nay, kẻ mất người còn, liệu còn mấy ai nhớ tới "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy" nữa.
Ngay bản thân tôi cũng chẳng còn thắc mắc băn khoăn gì, vì chẳng phải chỉ một mình tôi phải chịu "ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh" cùng tác phẩm của mình.
GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC của một tác giả, của một tác phẩm (nếu nó thật là giá trị thì) dù có ai muốn vùi dập thế nào, trước sau sẽ được lịch sử ghi nhận và phục hồi.
Gõ đến đây, tự nhiên tôi lại nhớ đến những đồng nghiệp, đồng ngũ đã một thời "phục vụ quân đội giải phóng quê hương", nhưng vì không chịu nổi những cách phê phán ngu dốt và "lạp xường tù mù hách xì xằng" về "văn nghệ vô sản" mà đành phải gác bút, chuyển nghề, thậm chí "come back to Hànội, to Saigon", mang cái tiếng là "phản bội", là "không chịu đựng được gian khổ" nên... trở cờ, tôi tự thấy mình đang còn có... Chúa và nhiều người ủng hộ thật.

50 năm lịch sử biên phòng

Tôi thật sự cảm động khi kỉ niệm 20 năm, 30 năm thành lập bộ đội biên phòng đều được các "đồng chí" cũ, các lãnh đạo cũ gửi thư thăm hỏi, thậm chí đến tận nhà tặng quà, tặng tiền và cùng tôi ngồi nghe lại bản cantate viết 52 năm trước.
Câu: "Một vị tướng đã nói với tôi là khi nghe bản hợp xướng của Tô Hải nhiều anh em chúng tôi đã ứa nước mắt" (của Nguyễn Lân Hùng viết trên TTVH) chỉ là một ví dụ có thật đã diễn ra ngay ở nhà tôi.
Nhưng những giọt nước mắt đó đối với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng.
Người thì nghĩ tới một thời oanh liệt xa xưa nay còn đâu nữa.
Người thì nghĩ tới những đồng đội đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất Tổ Quốc mà hôm nay không được ai nhắc tới, không được kỷ niệm lễ lạt gì.
Đối với tôi, khi cùng nhỏ nước mắt với họ trong những dịp này chính là những giọt nước mắt nhớ về số phận truân chuyên, lên voi xuống chó của những văn nghệ sỹ muốn làm văn nghệ đích thực nhưng đôi khi phải đánh đổi bằng cả số phận khốn khổ cay đắng của mình...
Sự đánh đổi đó là những nhận xét sau đây trong lý lịch: "luôn phản ứng có hệ thống đối với cấp ủy", "luôn phản ứng với cấp trên", là hai năm chịu đựng, ngậm đắng nuốt cay, bị "đày" đến một đoàn văn công vùng đầu cầu giới tuyến Nam-Bắc, không giao hưởng, không hợp xướng, không còn được viết những gì mà mình muốn viết.
Nó đưa tôi tới một quyết định liều mạng là quyết tâm rời khỏi quân ngũ và rời luôn cái danh vị "đảng viên Đảng lao động Việt Nam" bằng mọi cách có thể.
Và tôi đã tạm thời thành công trong một thời gian khá dài... (xin chờ đọc tiếp trong hồi ký tôi sắp công bố một ngày gần đây).
06/04/2009
o-o-o-o-o-o-o-o-o-

85. Là “người của công chúng” ảo khổ ơi là khổ
Tô Hải

Gần một tuần nay, tớ bỗng tự nhận thấy mình đã là “người của công chúng ảo”! Lý do: Mấy ông ở tủ sách “Tiếng Quê Hương” bỗng phát lên một số trang web lời tựa của nhà báo Lê Phú Khải và mấy trang mở đầu “Hồi kí một thằng hèn” của tớ viết từ năm 2000. Việc làm này tớ cũng chẳng biết nếu không có mấy ông bạn Blogger loan tin cho tớ ở trên mạng. Thế là, khốn nạn cho tớ, bỗng dưng tớ trở thành “người của công chúng”! Suốt ngày đêm tô-lô-phôn, i-meo từ Bắc vô Nam, từ Pháp, từ Mĩ, từ Anh gọi về làm tớ (vẫn trong tình trạng nửa nằm nửa ngồi khi sử dụng laptop như trên ảnh) phải trả lời phát… mệt. Tiếp theo đó lại thêm các trang web ở nước ngoài liên tục “tái bản” những trang viết nói trên, khiến tớ trở thành “người nổi tiếng” lúc nào không biết. Một số đài phát thanh ở nước ngoài còn phỏng vấn tớ đến cả tiếng đồng hồ khiến tớ phải trả lời… phát nóng cả... “mô-bai”!. Thế là tớ liền có một sáng kiến: lợi dụng ngay cái Blog này để trả lời cùng lúc tất cả người yêu tớ, ghét… tớ thậm chí "khai cung" trước với những kẻ chuẩn bị... roi để phát vào mông đít tớ rằng:

1) Đây là cuốn hồi kí có tên là “Hồi kí của một thằng hèn” tớ viết từ những ngày mới về hưu, xa rời mọi quy định, mọi phán xét của mọi tổ chức. Tớ phải viết trong tình trạng khó khăn như thế nào thì hãy đọc bài giới thiệu của nhà báo Lê Phú Khải. “Viết thì cứ viết mà run thì cứ run” … cho nên khi hoàn thành vào năm 2007, cuốn hồi kí, trước khi gửi đi, đã được tớ bổ sung thêm một chương “Lời phi lộ viết sau cùng” vì lí do: khi đọc lại tớ vẫn thấy cuốn hồi kí còn sặc mùi “hèn”. Và thế là, tớ lại viết thêm một chương “Tôi đã hết hèn”. Cuốn hồi kí trong USB được một “đồng chí” cũ của tớ, khi nhân danh “khúc ruột ngàn dặm” trở về Tổ Quốc, mang sang Mỹ thì... quả thật tớ vẫn còn “sợ” nên dặn ông bạn: chờ đến khi tớ chết hãy cho ra mắt. Y như Nguyễn Khải mà tớ đã viết trong một entry trước là “chẳng thể nào đánh được một xác chết” nữa, nghĩa là: Nguyễn Khải chỉ dám “hết hèn” khi mình đã chết, đã hưởng đủ mọi quyền lợi không ai có thể đòi lại được nữa!

Bản thảo của cuốn hồi kí đó, cho đến nay, tớ cũng chẳng dại gì mà lưu trong CPU mới (vì cái CPU cũ có lẽ nay đã trở thành đồ đồng nát), nên cũng chẳng còn nhớ mình đã viết những gì nữa. Vì vậy các bạn cứ hỏi tớ điều này, điều khác... nhiều khi tớ chẳng còn biết trả lời thế nào cho khỏi… “trước sau không như một” nữa!

2) Sở dĩ có chuyện “Hồi kí của một thằng hèn” lại ra đời vào năm 2009 này, khi tớ vẫn còn sống nhăn răng... giả ra như thế này chẳng qua vì tớ thấy trong mấy năm qua các nhà văn trẻ, các nhà tranh đấu cho dân chủ ở trong nước đã không hề hèn như tớ, dám cho ra đời ngay ở trong nước những: “Thời của thánh thần”, “Lạc đường”, “Mạt lộ”, “Rồng đá” …, dám viết những bài báo không theo... lề bên phải. Thậm chí Đào Hiếu còn có hẳn một trang web có tên “Lề bên trái” ngay ở trong nước với địa chỉ công khai “dao hieu.com”, bật lên có ngay, với những nội dung thiệt “hot” mà chẳng sao... Thế là tớ tự thấy cái gan cái mật của tớ so với họ chưa xứng đáng một phân, một lạng nào. Và tớ quyết định cho xuất bản ngay khi tớ còn sống. Ấy vậy mà sách chưa ra, mới chỉ có mấy trang giới thiệu đã có quá nhiều người tò mò cật vấn tớ nào sách mua ở đâu? nào nội dung nói những chuyện gì? Thậm chí đài BBC (phóng viên Hồng Nga ở Bangkok) còn lo sợ cho tớ rằng “Bác đang sống ở trong nước mà ra một cuốn sách ở nước ngoài như thế liệu có “việc gì” không?”

Và đây là tất cả những câu trả lời mà tớ đã công khai tuyên bố với phóng viên đài BBC:
a) Cuốn hồi kí này tớ chỉ nói về cái sự “hèn” của bản thân tớ hay nói một cách khác là tất cả những gì tớ đã trải qua trong suốt hơn nửa thế kỉ, mang tiếng là “kĩ sư tâm hồn” mà chỉ vì bảo toàn tính mạng, vì miếng ăn của vợ con mà trở thành một người “đầu độc tâm hồn” toàn dân bằng những lời nói, câu ca không xuất phát từ trái tim mình.
b) Tất cả những điều tớ nêu lên đều là một phần ngàn sự thật mà tớ “vừa là nạn nhân vừa là tội đồ”. Lẽ tất nhiên sẽ phải động đến cả một quá trình mà nền “văn nghệ vô sản” do Đảng lãnh đạo đã biến văn nghệ thành một công cụ đấu tranh giai cấp mà kẻ nào không theo đúng con đường đó thì sẽ bị “chuyên chính vô sản” trừng trị như mọi thành phần khác ngay tắp lự!
c) Tất cả những sai lầm hay sự hèn nhát mà tớ viết trong hồi kí đều được tớ giới thiệu dần dần trong Blog suốt từ tháng 8 năm 2007 vừa qua nhưng nó chi tiết, tỉ mỉ hơn nếu sau này các friends có dịp đọc “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”" của tớ.

Nhưng có một điều tớ cần nhấn mạnh: Hồi kí của tớ chủ yếu chỉ nằm trong thời gian tớ đang ở dưới sự lãnh đạo quá sai lầm, mà gây nhiều tội ác những năm còn dưới sự lãnh đạo của Đảng lao động như: Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, đấu tranh chống nhân văn giai phẩm, chống chủ nghĩa xét lại, bỏ tù cho đi cải tạo những người có tư tưởng muốn tách chính trị ra khỏi văn nghệ… Còn những gì đang diễn ra đang được sửa sai không tuyên bố thì tớ chưa đề cập tới vì, cho tới giờ này tớ vẫn đinh ninh là chủ nghĩa cộng sản hôm nay đã cụ thể không còn nữa trên cả lý thuyết lẫn thực tế. Cứ nhìn về mọi mặt về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, … chẳng phải người ta đang đẩy mạnh chôn vùi những khái niệm của Mác-Lê, bằng chính sách khuyến khích Làm Giầu.

Chẳng phải người ta đang góp tay đào sâu cái hố ngăn cách giữa giầu nứt villa, đổ building với nghèo “không miếng cơm ăn giữa vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long” đó hay sao? (đọc hàng loạt bài của nhà báo Võ Đắc Danh). Sở dĩ người ta không chịu đổi cái tên Đảng chỉ vì họ còn nắm chắc được một trong những vũ khí ác độc nhất được bảo lưu trong cái đống lý thuyết quái quỷ, giết người mà cả thế giới đã quá hiểu nó để bỏ nó vào thùng rác từ gần hai thập kỷ nay.
Đó chính là ba thứ vũ khí của “chuyên chinh vô sản" gồm Công An, Quân Đội và… Thông tin tuyên truyền mà rời nó ra thì… xã hội Việt Nam sẽ hiện nguyên hình là một xã hội không hề cộng sản! Các nhà lãnh đạo hiện nay nên gọi là gì? Xin để nhường cho các bạn, nhưng khi phê phán họ xin đừng gọi họ là cộng sản mà “oan” cho họ!

Họ đang cố gắng để có "thành tích" với nhân dân để có dịp họ sẽ đổi tên đảng và mục tiêu tranh đấu cho hợp thời hợp thế đấy thôi. Nhưng tiếc thay trên con đường "đổi mới”, họ đang vấp phải quá nhiều: "sai lầm mới" do cả phù thủy lẫn âm binh đều "cá đối bằng đầu" nên khi bị phản đối, biểu tình thì họ không thể nào không giữ lại cái vũ khí “chuyên chinh vô sản”! Họ cũng, không thể đổi tên cái vũ khí độc nhất vô nhị đó thành “chuyên chính tư bản” được! Đó là nội dung hay chủ đề tư tưởng của cuốn hồi ký cũng như các entries tớ đã viết!

Hơn thế nữa, tất cả những sự kiện đau lòng mà tớ viết ra cũng đã được các nhà cầm quyền đương thời tuy không viết được hồi kí như tớ (vì đa số đang còn quá trẻ để có thể chứng kiến những sai lầm này) đang sửa chữa một cách “không tiền khoáng hậu” bằng những hành động thật ngoạn mục. Từ việc phục hồi không tuyên bố nhóm “Nhân văn giai phẩm” còn sót lại đến tặng và... truy tặng họ “giải thưởng nhà nước”, đến đưa xác của họ vào nằm ở nơi vinh dự nhất là nhà tang lễ Lê Thánh Tôn… từ việc cho phục hồi những tác phẩm của Phan Khôi, Trần Dần đến việc kỷ niệm và cho in lại các sáng tác của nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” …
Từ việc cho phổ biến toàn bộ tác phẩm của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh... đến việc cho thảo luận lại về Hồ Chí Minh với những bản tham luận gây ngạc nhiên của những giáo sư tiến sĩ-đảng viên có tiếng tăm trong nước... Đến việc những trang web của những nick name gây shock bằng những bài tuyên bố, phê phán những sự kiện đang xảy ra hàng ngày… đến những tờ báo chui như “Tự do ngôn luận”, “Tổ Quốc” … chưa hề bị đình bản, bị mời lên “làm việc” … Tớ mới thấy… nỗi “sợ” cuối cùng của tớ (mà thật sự là sợ cho vợ, con) đúng là… vô duyên.! Vậy là tớ quyết định: Cứ cho ra mắt vào tháng 5 này đi!

Vả lại, họ có lí do gì mà… “gây sự” với tớ khi chính tớ là người làm những việc mà họ đã, đang và sẽ còn làm nhưng… rất khó nói!. Nói một cách khác, những điều gì mà Đảng lao động Việt Nam đã mắc phải những “sai lầm lịch sử” thì hôm nay ở cả miền Nam không hề xảy ra…, cụ thể là không có cải cách ruộng đất, không có đấu tố, không có đàn áp văn nghệ dù họ làm những điều mà trước kia chúng tớ nếu làm như họ thì chỉ có mà đi… cải tạo mút mùa. Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, từ chỗ kìm hãm, phê phán, cấm đoán... thì hôm nay... tha hồ xả láng, miễn là không đả động gì đến…"pô-li-tích! Chỉ riêng về âm nhạc thì thoải mái cóp pi, bắt chước, thậm chí cả ăn cắp của nước ngoài lẫn... của nhau.! Nào là “Con cái nhà ai xinh đáo để”, “Yêu nè, không yêu nè”, “Ứ ừ! Em hỏng chịu đâu”, “Kiếp đánh đề”, “Hãy yêu em dù anh dối lừa” … nào là rock, rap, breakdance đến “thuổng”, luận văn của nhau đều được tự do phát triển, thậm chí còn được khuyến khích, bảo vệ nữa.

Cho nên tớ mới nghĩ rằng sách của tớ có ra trong lúc tớ còn sống thì tớ đã làm một việc “có ích” cho các vị lãnh đạo đang chẳng muốn làm mất uy tín của các vị tiền nhân bằng những lời xin lỗi công khai. Bởi vậy sách chưa ra mà đã có kẻ chửi tớ là tớ đang làm một công việc “cứu Đảng”, “phản tỉnh vào giờ thứ 25”, thậm chí có kẻ còn cho tớ là “trùm công an văn hóa” ?! (đọc trên DCV online). Tớ chắc rằng đây là những người không hề đọc Blog của tớ, nhất là những entries tớ viết về những ngày đầu vào “Miền Nam giải phóng” như “Đi thăm giàu hỏi sướng”. Cũng có thể đây là những kẻ khiêu khích tớ để tớ nổi tăng-xông lên mà chết đột tử!

Thế đấy, bỗng dưng người của hơn 200.000 viewers trên Blog thì nay tớ bỗng nổi tiếng trong có một vài ngày (tăng thêm mỗi ngày cả ngàn view, làm cái thân già đang vui bỗng …” khổ” chưa từng thấy (!) Vì chỉ riêng việc trả lời email thì cái lưng khốn khổ của tớ đã muốn xẹp thêm mấy đốt còn lại. (xem ảnh mới nhất). Bởi thế cho nên nhân dịp này, tớ thi hành đúng quy định về Blog của nhà nước, viết một trang “nhật kí cá nhân" để trả lời cùng lúc nhiều người yêu tớ và dăm ba thằng ghét tớ.

Thôi nhé! nhật ký hôm nay xin phép xì-tôp!!

18/04/2009



TẠM HẾT TẬP I


4 nhận xét:

  1. Bac To Hai mot vi nhan cua vn, cho du Bao nam duoi Che do cs,Bac van giu duoc su tu do, va tu tuong rat con nguoi,con nguoi muon Tim chan thien my,Tim su that,chong lai gian tra va ap buc. Che cho giup do ke yeu the, ngheo kho khon cung.nguong mo Bac Vo cung
    Chau phan

    Trả lờiXóa
  2. Phụ kiện Macbook chính hãng
    ĐỊA CHỈ CÁC SHOP
    SỐ 65 Hoàng Văn Thụ, P.15, Q.PN tel: 38446595
    Hotline: 0938324656–Tư vấn: (08)39977765-38909705
    SỐ 08 CMT8 P. BẾN THÀNH. Q1 -Tel: 36023839
    Hotline: 0938324656–Tư vấn: (08)39977765-38909705
    SỐ 64 Điện Biên Phủ,P. Đa Kao, Q.1-Tel: 38206818
    Hotline: 0938324656 –Tư vấn: (08)39977765-38909705
    SỐ 02 Trần Quang Diệu, P.14. Q.3 - Tel: 36020595
    Hotline: 0938324656 –Tư vấn: (08)39977765-38909705
    SỐ 91A Đường 3/2, P.11, Q.10 - Tel: 36020599
    Hotline: 0938324656 –Tư vấn: (08)39977765-38909705
    SỐ 47/1 Trương Quốc Dung.P,8,Q.PN-Tel: 39977765
    Hotline: 0938324656 –Tư vấn: (08)39977765-38909705

    Trả lờiXóa
  3. hay cảm ơn blog
    nên tôn trọng điều đó
    Nhac tre

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn bác đã đưa thêm 1 thông tin tham khảo tốt

    Trả lờiXóa

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.