Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

PHẤN ĐẤU KÍ SỐ 47

.....Kỷ niệm 36 năm thống nhất đất nước, tớ muốn phát biểu thêm nhiều ý kiến nữa nhưng sau khi đọc lại những gì tớ đã viết cách đây nhiều năm thì thấy: Tốt nhất là post lại các bài mà tớ đã bị “Sinh Tử Lệnh” hay “Tần Thủy Hoàng” phá bỏ để các bạn nhất là các bạn trẻ thấy được:
- Việc bỏ chạy khỏi con đường xã hội chủ nghĩa của tớ là đúng, là được công khai vào loại sớm nhất.
- Chỉ có đi theo con đường tư bản chủ nghĩa mà cả thế giới đã hoàn thiện nó để nó khỏi “giẫy chết” thì mới có thể có được tự do, dân chủ, công bằng và văn minh được....


36 LẦN 30 THÁNG TƯ, 36 NĂM VẪN CHƯA HẾT NGƯỢNG!

Mấy hôm nay, trên các phương tiện truyền thông của Đảng-Nhà nước, người ta (lại có lệnh của “ai đó”):

- Tiếp tục đại ngôn về cuộc chiến thắng Đế Quốc Mỹ Xâm Lược và bọn “ngụy quân”, “ngụy quyền”…

- Tiếp tục bật mí về những “chuyện bây giờ mới kể”, mà kể ra thì những người như tớ đều đã… quá biết, hoặc lại biết thêm là: "lại xuyên tạc”, lại khơi thêm hận thù trong lòng người Việt hoặc cố tình hay vô ý biến nghị quyết 36 thành những điều giả dối, thủ đoạn ....đối với hơn 3 triệu người Việt phải ồ ạt lưu vong khắp bốn phương trời!

Kể cả những lời có đôi chút “đổi mới” khá mạnh mẽ như những dòng sau đây của nhà văn hùng hồn nổi tiếng Chu Lai: “ngay cả các tướng Saigòn, về mặt nào đó, trí tuệ, tâm hồn, phong cách còn dễ chịu hơn người phía bên này!” (để góp phần tiến thêm một bước đến “hòa giải-hòa hợp?”…thì câu tiếp theo “họ thua vì chủ thuyết và đường đi”(?) đã bộc lộ bản chất (xin mượn cụm từ của Nguyễn Khải trong Hồi Ký “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất”) “kiêu ngạo cộng sản” của Chu Lai”, cho mình thắng do chủ thuyết “đánh đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc...” là đúng chăng?

Còn đường đi? Chọn con đường "súng đẻ ra chính quyền” và cương quyết “thề phanh thây, uống máu quân thù” là con “đường vinh quang xây xác quân thù” dù kẻ thù giai cấp” đó là cha, là mẹ, là anh, là em cũng cứ “còn cái lai quần cũng oánh”. Tớ mà là tướng Sài gòn, thì cũng phải nổi giận về cái kết luận “sai về chủ thuyết và đường đi” này mà văng ra mấy câu chửi bậy, dù có lẽ hôm nay họ đều ở tuổi ngoài bát tuần.

- Cũng nhân 30 tháng 4 năm nay, có nhiều bài viết kỷ niệm đủ loại. Nhưng đọc xong, tớ thấy không mấy thuyết phục nhất là với mục tiêu hòa hợp hòa giải thì hình như càng đào sâu vào mối hận thù chưa từng có trong lịch sử của dân tộc Việt Nam từ 4.000 năm nay…

Mà theo tớ: chỉ khi nào có ai đó nhận lỗi trước lịch sử là:
- MANG LÁ CỜ BÚA LIỀM CỦA CỘNG SẢN QUỐC TẾ ĐI LÀM CÁCH MẠNG THẾ GIỚI LÀ MỘT TAI HỌA CHO DÂN TỘC VIỆT NAM!
Rồi:
- THẲNG THẮN VẠCH RA NHỮNG TỘI ÁC "TRỜI KHÔNG DUNG ĐẤT KHÔNG THA NHƯ “CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT, "NHÂN VĂN GIAI PHẨM", CẢI TẠO TƯ SẢN, BẮT TÙ KHÔNG ÁN CẢ GẦN TRIỆU CON NGƯỜI, ĐẨY GẦN 4 TRIỆU CON HỒNG CHÁU LẠC ĐI LƯU VONG NƠI ĐẤT KHÁCH QUÊ NGƯỜI VÌ KHIẾP SỢ HOẶC KHÔNG THỂ SỐNG CHUNG VỚI CÁI CHỦ THUYẾT CÁCH MẠNG VÔ SẢN TOÀN THẾ GIỚI….kia!

Rồi sau đó thay mặt những vị đã phạm tội nay hầu hết đã qua đời, xin lỗi toàn dân....

Lúc đó chuyện hòa hợp hòa giải mới có thể bắt đầu. Bằng không, mỗi lần 30 tháng 4 đến, mối hận thù dân tộc, thậm chí hận thù giữa hai miền Nam-Bắc chỉ có tăng lên mà thôi QUA NHỮNG LỜI LẼ, NHỮNG BÀI VIẾT RẤT KHÁC NHAU VỀ QUAN ĐIỂM TRÊN MỘT VẤN ĐỀ VẪN CỨ NGÀY CÀNG THÊM PHÚC TẠP.

Riêng tớ, năm nay, tớ cũng định có bài viết thêm về vấn đề này để nói rõ :

Ngay từ những ngày đầu, khi vào “tiếp quản miền Nam" tớ đã thấy :

A- Không có ai xâm lược miền đất này cả ngoài ….chủ nghĩa Mác Lê!

B- Cuộc chiến tranh này, nhất là từ 1962 đến 1975 thực chất là cuộc nội chiến giữa một bên trung thành với chủ nghĩa mác-Lenin với một bên chống lại nó!

C- Tất cả những thông tin về miền Nam như: “miền Nam đau thương”, “Bị kìm kẹp”, ”kinh tế nghèo khổ”, nền kinh tế thì: "lệ thuộc vào nền kinh tế Mỹ", “hào nhoáng bên ngoài”, "phồn vinh giả tạo" ...;về văn hóa thì: bị “ảnh hưởng nặng nề của văn hóa thực dân mới", với đủ thứ chủ nghĩa phản động như "hiện sinh", "cấu trúc", "trừu tượng…” (đều do mấy "chú" gọi Jean Paul Sartre là Giăng-Pôn-Xạc nêu ra mà bảo đảm chưa "chú" nào được đọc văn bản chính bằng tiếng Pháp cả!). . . . .đều là dối trá và xuyên tạc một cách hạ đẳng!

D- Còn cả ngàn chuyện làm tớ ngượng chín cả người và bị ngọng tại chỗ, (hơn hẳn mấy ý kiến của các chú bộ đội nông thôn khoe "Ở Công viên Lê-nin ngoài Bắc thiếu gì những máy lạnh!"), như gắn câu của Pascal vào mồm Gorki, dẫn chứng, kết luận "Bà Bovary", "Đỏ và Đen"... đều là những sản phẩm của bọn tư bản!

TẤT CẢ NHỮNG GÌ LÀ THỰC TẾ KHI TỚ VÔ SÀI GÒN ĐỀU LÀM TỚ NGƯỢNG, NGỌNG VÌ NHỮNG SỰ LÁO KHOÉT, XUYÊN TẠC, THẬM CHÍ LÊN ÁN, CHỬI BỚI MỘT TÁC PHẨM MÀ CHẲNG HIỂU NÓ HAY, NÓ ĐẸP, NÓ DỞ, NÓ XẤU Ở CHỖ NÀO MÀ CHỈ VÌ NÓ DO BÀN BÀN TAY VÀ KHỐI ÓC CỦA "KẺ THÙ" LÀM NÊN! (về chuyện định đập bỏ các tượng Thánh Gióng, Đức Thánh Trần ở Saigon ngay sau 1975 chẳng hạn....)

Chính những thực tế đáng xấu hổ trên đã làm tớ càng thêm vững chắc trong quyết tâm thay đổi lập trường một cách tự giác (cái mà các nhà chống cộng thường gọi là “phản tỉnh”). Còn tớ thì tớ có thể nói dứt khoát "Chính thực tế đời sống của miền Nam Việt Nam từ chính trị, kinh tế đến văn hóa đã giúp tớ TỰ GIẢI PHÓNG TỚ!

Một vấn đề khá khổ tâm cho tớ ngoài cái ngượng là tớ đang là một cán bộ văn nghệ, công cụ của Tuyên Giáo. Vậy làm sao thoát khỏi cái cảnh bị dồn vào chân tường mà cứ luôn mắc phải cái bệnh.... ú ớ hoặc câm tịt khi bị chất vấn về những điều “gian dối” không thể biện hộ về các lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo!
Như chuyện ông Trần Văn Trà hào hùng tuyên bố: “người Việt Nam chẳng ai thắng, chẳng ai thua, chỉ có đế quốc Mỹ là thua mà thôi”, hoặc “bất cứ gia đình nào có 1 người tham gia cách mạng thì gia đình ấy được coi là gia đình cách mạng”. ...Hoặc những thắc mắc của người thân như: "Tại sao lại nói dối mang lương thực và quần áo đi học tập 20 ngày rồi đi mút mùa luôn?"

Còn cả ngàn câu hỏi về các ông lớn cứ "nói một đằng làm một nẻo" (như hôm trước vừa tuyên bố "không đổi tiền" thì hôm sau đã đổi tiền mà chỉ cho mỗi gia đình được phép đổi có 200 đồng!) cái sự “nói dối lem lẻm” (tớ lại trích Nguyễn Khải) "nói dối không biết ngượng", thay đổi lập trường hết 180 độ này sang 180 dộ khác của các “bố già” nhất là sau khi xảy ra vụ “nạn kiều” rồi vụ "giải phóng Campuchia khỏi bàn tay diệt chủng của bọn Polpot" đi đến cuộc chiến biên giới với ông anh Hai! Thù? Bạn? Bạn? Thù?....Chẳng còn biết đường nào mà lần.
Tớ quả là không sao giữ vững mãi "lập trường ....của các ông chủ" để thay đổi cách sống, cách nghĩ, để uốn cong giọng lưỡi, ngòi bút theo ngón tay chỉ đường nay Bắc mai Đông, của mấy ổng không chút hổ thẹn ...Nên cuối cùng, ngượng quá, bí quá ....tớ ....đành chào thua, tìm con đường tháo chạy: bỏ về trước khi đến tuổi về hưu 2 năm!
Mới đầu cũng định "kệ mẹ sự đời", trùm chăn yên nghỉ xa hẳn cái đất Sài Gòn mà tớ luôn phải đối diện với những vấn đề mà sự thật, nếu tôn trọng, nếu nói ra thì cả lò, cả ổ nhà tớ chắc chắn sẽ không còn đường sống.

Vậy mà “sau đổi mới” (tứ là đổi lại y như cũ, sic!) trong tớ lại nhen lên niềm hy vọng nhất là sau khi CNXH đã sụp đổ ngay trên cái nôi của nó và tất cả các nước chư hầu Đông Âu. Tớ bỗng như thấy mình trẻ lại và cần phải góp sức, cung cấp những bằng chứng không thể chối cãi của một nhân chứng sống bằng cách viết hồi ký...,viết những tham luận nảy lửa tại các Hội Nghị Văn Học Nghệ Thuật công khai và từ 2007 là viết Blog.
Mười năm chờ đợi, mười năm hy vọng sự xuất hiện của một Goocbachov, một Eltsin, một Triệu Tử Dương Việt Nam trong những nhà lãnh đạo trẻ chẳng dính líu gì về những tội lỗi trong quá khứ, những sai lầm của những ông già (đã chết gần hết) đưa nhân dân Việt Nam ra khỏi cái bãi rác của lịch sử: Chủ nghĩa Mác Lê Nin. Tớ đặc biệt hy vọng ở các người miền Nam, đã ít nhất một thời trai trẻ, được sống và học hành "tử tế", đã rút được những kinh nghiệm xương máu của những sai lầm trong quá khứ ở miền Bắc, sẽ mạnh dạn làm nên cuộc cách mạng này! hoặc như Medvedev của Nga đã công khai lên án "Stalin là tên giết người!", đã bay sang tận Ba-Lan dưới trời tro bụi núi lửa để xin lỗi người dân Ba-Lan về cái tội thủ tiêu 20.000 sỹ quan Ba-Lan ở khu rừng Katyn (tội mà khi Stalin gây nên thì Medvedev....chưa ra đời!)
Sao ở Việt Nam ta, chẳng ai có cái tâm và cái tầm của một nhà lãnh đạo chỉ đáng tuổi con mình như thế nhỉ?

Và tớ vẫn viết, viết với hy vọng ....

Nhưng than ôi! 36 năm đã trôi qua chẳng một ai làm nên chuyện cả! Người ta đã đi theo hướng tư bản chủ nghĩa nhưng vẫn kiên quyết giữ vững vũ khí chuyên chính vô sản với cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa!

Kỷ niệm 36 năm thống nhất đất nước, tớ muốn phát biểu thêm nhiều ý kiến nữa nhưng sau khi đọc lại những gì tớ đã viết cách đây nhiều năm thì thấy: Tốt nhất là post lại các bài mà tớ đã bị “Sinh Tử Lệnh” hay “Tần Thủy Hoàng” phá bỏ để các bạn nhất là các bạn trẻ thấy được:

- Việc bỏ chạy khỏi con đường xã hội chủ nghĩa của tớ là đúng, là được công khai vào loại sớm nhất.

- Chỉ có đi theo con đường tư bản chủ nghĩa mà cả thế giới đã hoàn thiện nó để nó khỏi “giẫy chết” thì mới có thể có được tự do, dân chủ, công bằng và văn minh được.

--------------------------
Mời các bạn đọc lại các Entry cũ cùng Chủ Đề (thời Yahoo 360) sau đây:


Đi thực tế miền Nam mới "giải phóng"
Đi Thăm...Giàu Hỏi... Sướng!

Tớ lợi dụng một loạt entries sau đây để giải đáp một số câu hỏi đặt ra về những vấn đề so sánh văn nghệ giữa hai miền mà người đọc chưa rõ, về sự đánh giá chưa chính xác của tớ về sự khác biệt giữa hai miền trong lãnh vực âm nhạc, về cái "gu" thẩm mỹ "không thể thống nhất"....vv..vv.. Vì thế, nếu có dông dài...các friends chịu khó đọc nhé. Blog chứ có phải viết tiểu thuyết, hồi ký, hồi kiếc,...gì đâu!

Có một điều cơ bản nhất của chủ trương "đi thực tế sáng tác" mà các nhà lãnh đạo văn nghệ vô sản không tính đến: Đó là những phản tác dụng mà bọn tớ còn gọi là "phản ứng ngược" mà rất nhiều những Thực Tế Thật (vérité vraie) đã vả vào mặt anh em văn nghệ những cái tát tỉnh người! Đó là những thực tế không giống hoặc hoàn toàn trái ngược với thực tế mà các vị ngồi một chỗ, tưởng tượng ra qua các báo cáo.. láo!
Khỏi nói đến Cải cách ruộng đất, đi thực tế để viết được ra một sự thật nhỏ (rất nhỏ) như "Ba người khác"của Tô Hoài, hoặc như bài thơ như "Tôi? Ai?, "Bánh vẽ", "Trừ đi" của Chế Lan Viên hoặc như "Nỗi buồn chiến tranh", "Mảnh đất lắm người nhiều ma" thì có lẽ các nhà chủ trương "xua" văn nghệ sỹ đi về với công nông sẽ... ra lệnh stop liền!

Buồn thay, chỉ vì ..."sợ" (chữ của cụ Nguyễn Tuân) nên những thực tế thật đó đều phải chờ cả gần nửa thế kỷ mới được phản ảnh thật (tuy chưa đến lúc thật 100%) lên giấy trắng mực đen...

Riêng tớ thì đã có lần viết một entry khá dài "Vì sao tớ mất cái mẩu hạnh phúc cỏn con" được nhiều người comment, được nhiều blog copy, được đăng lại trên cả những website của nước ngoài và cả trên "Ngôi sao net" nữa!
Chính cái thực tế gớm ghiếc của cải cách ruộng đất và của cuộc chiến ghê rợn trên đường Trường Sơn đã làm tớ không sao tiếp tục viết láo, viết để "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" được nữa mà chỉ viết những gì rung động của trái tim mình.
Thế rồi nào các phong trào xây dựng hợp tác xã cấp cao, nào "Sóng duyên hải", "gió đại phong", "cờ ba nhất", rồi "cải tạo tư sản"... Tất cả đều được động viên đi vào thực tế, nắm bắt thực tế để có những tác phẩm "xứng tầm thời đại"...
Nhưng hôm nay đây,có ai in lại "Mùa lạc" hay "Hòa Vang" của Nguyễn Khải, "Cái sân gạch" của Đào Vũ, hát lại "Miền Nam đau thương và anh dũng", "Không cho chúng nó thoát", "Tiến về Sài gòn"...?
Lịch sử đã chôn vùi hết những gì là văn nghệ phi nhân bản mà chính các tác giả của nó cũng phủ nhận và nhận "tội" lúc cuối đời như Chế Lan Viên, Nguyễn đình Thi và rồi đây theo tớ được biết, sẽ còn nhiều người nũa viết nhiều sự thật.

THẬT như những câu:

"Ai chịu trách nhiệm về 2.000 người đó/
Tôi! tôi người viết những câu thơ cổ võ/
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong/

....Ai chịu trách nhiệm vậy?/
Lại chính tôi/
Người lính kia cần một câu thơ giải đáp về đời/
Tôi ú ớ...
(xem toàn bài thơ trên entry nói trên)

Và tớ tin hoàn toàn vào những gì mà các bạn trẻ hôm nay và mai sau sẽ còn được đọc nhiều "những trang đời" rất thật của nhiều tác giả khác nữa sau này... trong đó có tớ!
Tóm lại là, như tớ đã viết trong một entry, văn nghệ sỹ miền Bắc chúng tớ, so với anh em ở miền Nam thì...thua đứt đi cái Tự Do Sáng Tác! Họ không phải viết theo yêu cầu của một cơ quan, đảng phái hay một tổ chức, nhà nước nào, không ăn lương của ai để làm văn nghệ! (tất nhiên không thể tránh được cũng có một số nào đó dùng văn nghệ để kiếm chác tí chính trị). Nhưng phải khảng định là họ tự do, tự do và tự do... kể cả tự do làm... hại cái chính thể mà họ đang phải sống! Có người còn mang tiếng "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản!?" (Tội nghiệp Trịnh công Sơn, cho đến nay vẫn bị gán là "Đặc công Đỏ" mà chết rồi vẫn chưa được Đỏ tặng cho một danh hiệu, một giải thưởng gì so với các nghệ sỹ cải lương Phùng Há, Diệp Lang, Bạch Tuyết!)!

Cái thứ quý nhất trên đời đối với người nghệ sỹ là Tự Do, tớ sẽ kể dần dần trong những lần bọn tớ tiếp xúc với anh em"tại chỗ"!
Vì thế một loạt ẻntríes sau này có cái tên chung là "Thăm giầu hỏi...sướng"!! Và cũng chính vì những cái thực tế hiện hữu ở khắp nơi đang diễn ra trên khắp các ruộng đồng, nhà máy hiên nay ở cả hai miền đất nước mà gần đây, chẳng thấy mấy đoàn văn nghệ sỹ được tổ chức đi thực tế sáng tác như xưa nữa. Thậm chí, càng mong các nhà "kỹ sư tâm hồn" càng tránh xa thực tế càng...tốt!
Dẫn chứng gân đây nhất là nhà báo, (có thẻ đàng hoàng) Tùng Quang của báo Đại Đoàn Kết đi thực tế viết bài ở Quân 2, đã không những không được mời mọc, chiêu đãi như xưa còn bị chính quyền hạng bét nhất ở địa phương tịch thu luôn cả phương tiện hành nghề, câu lưu tại chỗ !!?!
Phải chăng thực tế THẬT đã khiến cho những người đang nhân danh cách mạng làm những điều hoàn toàn trái ngược với luật pháp, chẳng coi người cầm bút là cái...cục phân gì?
Thôi! Bỏ đi mấy cái chuyện nhức đầu thường ngày ở phường, ở quận,...trở lại với "chuyện xưa" để đọc mà ...ngẫm nghĩ cái sự đời "Xưa Sai Nay Đúng, Xưa Đúng nay Sai", nó đã "làm loạn" trong đầu biết bao người như tớ!

Thế là....sau khi dẹp tiệm "Nhà Xuất bản âm nhạc giải phóng", tiện có Đoàn nhạc sỹ của Trung Ương do chủ tịch Nguyễn Xuân Khoát và Tổng thư ký Huy Du vào, tớ có dịp nhập bọn đi thực tế miền Nam, đi sâu vào từng gia đình, họ hàng bà con, bạn bè cũ, mới.
Tớ đi ra tận đất mũi Cà Mâu, ăn dầm nằm dề cả tháng ở đồng bằng sông Cửu Long... Và đi đâu tớ đều thấy cái THỰC TẾ RÀNH RÀNH là miền Nam sướng gấp trăm lần miền Bắc, dù tiếng súng chỉ mới im lặng sau miền Bắc có hơn 2 năm trời (chỉ tính từ khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc). Hàng hóa, thực phẩm từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng thấy thừa mứa, rẻ rề.
Trong khi ở miền Bắc, miếng đậu phụ, lạng thịt cũng phải có phiếu thì ở miền Nam, bác ngư dân, Hai Tường, ở Cà Mâu có thể ngồi tại nhà quờ tay xuống nước vớt lên cả một cần xé cá, tôm đang còn giãy đành đạch, chiêu đãi đoàn nhạc sỹ cánh tớ nhậu suốt một ngày! Buồn cười Huy Du, có tiếng là thật thà còn hỏi nhỏ bác chủ nhà: "Ba bữa nhậu ngày, một bữa cháo rắn hổ mang đêm, thế này, có làm bác tốn kém lắm không"? Bác ta cười ha hả trả lời "Tôm cá dưới sông, rắn nằm trong bụi, có mất tiền mua đâu mà tốn với kém!" Nói rồi, bác cầm bao "555", rút một điếu, xé giấy, vứt đầu lọc, nhồi thuốc vào... nõ điếu thuốc lào, rít một hơi dài, rồi nói thêm trong khói thuốc: "các chú thế là chưa biết gì về miệt Cà Mâu này rồi! Chim trên trời, cá tôm dưới nước, thiên nhiên này nuôi sống chúng tôi bao đời nay! Chẳng lo phải thiếu miếng ăn đâu mấy chú ạ! Bây giờ hòa bình rồi, tha hồ mà đi khơi, đi lộng, chẳng lo tên bay đạn lạc, lo tàu Hải Quân xục sạo tìm Việt Cộng, cản trở làm ăn, thế là sướng rồi! Nào! nhậu đi mấy chú! "

Thế đấy, một người ngư dân bình thường đã "tuyên truyền" về cái sướng vật chất (và có lẽ cả tinh thần?) hơn hẳn của miền Nam bị "kìm kẹp", cho chúng tớ quá đơn giản nhưng cực kỳ .. thuyết phục!

Tớ không đến nỗi bất ngờ mà phải "ngồi xuống vệ đường mà khóc vì thấy mình bị đánh lừa" như Dương Thu Hương.

Trái lại tớ lo, lo cho tương lai của bác ngư dân này khi " bị" vào hợp tác xã, phải bán sản phẩm cho Mậu Dịch, phải cấm cả miệng mình ăn một con tôm do chính tay mình câu lên, (một trong những điều cấm của các hợp tác xã đánh bắt thủy hải sản ở Đồ Sơn,ở Cát Bà, Cát Hải mà Sở Thủy Sản Hải Phòng đã tổ chức cho một Đoàn nhạc sỹ chúng tớ đi thực tế để ...trái tim thấy nhiều lần nhói lên về cái thực tế phũ phàng này!)

Trên đường về, trên xe, một trong những đề tài thường được chúng tớ tranh luận là: Miền Nam có thể nào đi theo con đường tiến lên XHCN kiểu miền Bắc không? Và gần như ai cũng nhận thức được "Cái mảnh đất giầu có trời cho", cái con người miền Nam sống Tự do như dân vùng Cà Mâu này khó có thể chịu cái cảnh sống của ngư dân Đồ Sơn, Cát Hải được!

Trở về thành phố, lại lang thang đi khắp chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ...anh nào anh nấy đều ù tai, hoa mắt về những hàng hóa, về những câu chào hỏi "1 đồng (tiền mới) một mét mua dzô!"
Còn vào đên Chợ lớn thì ...cứ như ...lạc sang Tầu! Đặc biệt ngon và rẻ thì có lẽ không anh nào đã được hưởng cái thú ăn cơm Tầu như ở đây! Huy Du, 5 năm học bên Tầu cũng chưa bao giờ được hưởng những món sang trọng mà lại rẻ rề đến thế! Bữa ăn có cả bào ngư, kim tiền kê mà đứng lên trả tiền, 4 vị chỉ mất có 4 đồng rưỡi!...

Một giấc mơ? một ảo giác? Không, thực sự là như vậy!

Tuy nhiên, đêm đó tài căn hộ của tớ cũng nổ ra một cuộc tranh luận về đề tài: Liệu "Ta"có cải tạo tư sản,có cầm buôn bán, liệu có đóng cửa hết mọi cửa hàng ăn, các cafeteria, các bar như Rex, Givral, Maxim's,,, không? Chỉ riêng tớ là dám nói :"Sẽ cấm!" Còn tất cả đều ngờ vực... Vì tớ là một anh ăn nói liều mạng nhất nên tớ dám phát ngôn "vô trách nhiệm" là ...Trong tay ông X,ông Z thì... mười Chợ Lớn các ông ấy cũng phá tan như không! Chủ nghĩa xã hội đâu chấp nhận cái cảnh giai cấp trung gian (tức là thương nghiệp) đâu có chấp nhận công cụ sản xuất (nhà máy) nằm trong tay bọn tư sản!

Nhân đây cũng xin kể một chuyện vui mà có thật 100%. Em ruột tớ, nhân có dịp các văn nghệ sỹ miền Bắc vào cũng có ý "khoe" tớ và đám bạn bè tớ cho mấy anh em trí thức văn nghệ sỹ miền Nam, bèn tổ chức một bữa tiệc mừng tại Biệt Thự Tĩnh Tâm của bố tớ để lại. Trong lúc Tô Hiền đang còn dài giòng giới thiệu chưa xong thì, họa sỹ Lưu Công Nhân, bạn học của Hiền thời kỳ Pháp thuộc, bỗng cầm cốc rượu Napoléon lên, đứng phắt dạy, ngắt lời: "Này thôi thôi! Mời các vị nâng cốc uống mau đi, kẻo ít nữa chẳng có.. đéo gì nữa mà tiệc với tùng đâu!!" Cử tọa lặng người vì câu nói quá "bá láp" của cái ông họa sỹ cộng sản này !

Kể ra LCN nói cũng thiếu... văn nghệ một chút nhưng những điều anh nói ra rõ ràng là sau này trở thành sự thật (!) khi nhu yếu phẩm, từng lạng thịt, thìa bột ngọt cũng phải chia về cơ quan, khối phố!

Cũng xin nói thêm sau này chính anh là người thứ hai, sau Dương Bích Liên xin ra Đảng và còn cười giỡn và nói :"Tao vào Đảng sau mà lại được ra trước, khối thằng vào trước tao mà cũng chưa được ra!" Chuyện này trong giới văn nghệ miền Bắc còn kể cho nhau nghe mãi về sau... khi anh đã không chiụ "lệnh trục xuất" về Bắc của ông Bảy Bảo Định Giang (*) mà sẵn sàng ra khỏi biên chế để được ở lại miền Nam làm một anh "họa sỹ tự do" cho đến năm 2007 thì qua đời ở Đà lạt..

Thực tế ở miền Nam nó phản tỉnh vào tâm hồn con người văn nghệ sỹ bằng nhiều cách nhưng nói chung là mọi nhân sinh quan, mọi lập trường, quan điểm nó đảo lộn tất cả trong mọi cái đầu và trái tim của những người đã từng làm văn nghệ minh họa (mà đại tá nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết lời ai điếu).

Dẫn chứng gần nhất là lời tuyên bố của nhà văn nổi tiếng là khôn, Nguyễn Khải, trên giường bệnh lúc sắp giã từ cuộc đời được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 11/1/2008 là: "Miền Bắc cho tôi Độc Lập, miền Nam cho tôi Dân chủ và Tự do" ,"thì đủ biết THỰC TẾ MIÊN NAM đã giải phóng cái đầu và trái tim tụi tớ như thế nào!
Và... chẳng phải một mình giới văn nghệ, giới chính trị cũng phải nhận thức ra "Không thay đổi cách nhìn, cách lãnh đạo là...nguy to! Và... "Đổi Mới" đã ra đời...Cả hai miền đã đuợc... "cởi trói" tiến vào kinh tế thị trường nhưng....đang còn vướng cái đuôi...XHCN ????????

*Ở miền Bắc, một số văn nghệ sỹ được "giải phóng sáng tác"
100%, nghĩa là ăn lương của Hội nhưng không phải làm việc gì ngoài sáng tác.Tuy nhiên, đi đâu, làm gì, kế hoạch sáng tác, sinh hoạt Đảng vẫn phải do Đảng Đoàn quản lý. Lưu Công Nhân, Phan Huỳnh Điểu... là hai văn nghệ sỹ tuy vào miền Nam rất sớm nhưng không thuộc bất cứ Hội nào của thành phố. Riêng LCN, vì "quậy" quá mới có cái "lệnh trục xuất" của Đảng Đoàn Hội Liên Hiệp V.H.N.T thành phố vô lý này...

24 tháng 3, 2008

* * *

Tiếp tục thăm giầu hỏi sướng
TỚ ĐI THĂM NHỮNG NGƯỜI ....KHÔNG CHIẾN BẠI.
Mới đầu, tớ chỉ coi những người không trực tiếp cầm súng ở miền Nam chống lại quân đội miền Bắc là những người không chiến bại....vì theo tớ, họ có vào sân đá banh đâu mà bảo họ thua...? Cho nên, giao tiếp với những gia đình, bạn bè không có con phải đi "học tập"nó làm tớ thoải mái hơn cả. Đỡ phải trả lời những câu hỏi mà chính các bố "tuyên bố một đằng làm một nẻo" cũng chẳng đủ sức trả lời! Tớ thay những phương châm dặn dò của Ban Thống nhất khi tiếp xúc với đồng bào, nhất là văn nghệ sỹ miền Nam là luôn ở "tư thế của kẻ chiến thắng", là "cần đoàn kết nhưng kiên quyết, cởi mở, nhưng cảnh giác "không để sa vào những cám dỗ vật chất của chủ nghĩa thực dân mới v.v... v.v... bằng một thái độ duy nhất: Đến với mọi người với cả một tấm lòng trung thực nhất, không bao giờ tỏ ra một người ở phe thắng tới với phe thua!

Tớ không thể hiểu nổi các nhà làm ra những câu như "thế ta là thế đứng trên đầu thù", những người chủ trương vừa tiếp quản thanh phố đã bắt toàn dân "treo ảnh lãnh tụ, treo cờ Tổ Quốc", đã đêm đêm bắt các em nhỏ phải đi tập trung học "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ!" có một chút nghĩ suy gì về tình cảm con người không chứ chưa nói đến tâm lý học. Làm sao mà người ta có thể bị áp đặt phải yêu những thứ mà người ta không những không thích mà còn sợ hãi, thù oán nữa? Làm sao mấy em nhỏ có bố đi "cải tạo"chưa có ngày về lại có thể mơ thấy gì ngoài bố chúng nó chứ! Tớ phải cố quên đi những lời hợm hĩnh kiêu binh (sufisance) trên đài, trên báo, trên những khẩu hiệu giăng đỏ đường để có đủ can đảm bước vào những gia đình mà tớ biết trước sẽ phải đối diện với trăm ngàn thắc mắc đủ loại...

Tớ không đến nỗi vào loại nói dối ngu ngốc là: "miền Bắc có cả trăm máy lạnh mắc ở công viên Lê Nin"! Tớ cũng không đủ can đẩm để nói miền Bắc sống xung xướng vì... không bị "kìm kẹp" dù không có tủ lạnh, tivi,xe máy..., dù miếng ăn nào cũng phải có phiếu có tem! Tớ muốn chửi cha cái thằng dám viết báo nói rằng "phong cách trẻ em khoanh tay, cúi đầu khi chào người lớn ở miền Nam là... rơi rớt từchế độ phong kiến!" Đặc biệt là đối với giới trí thức miền Nam, tớ luôn tâm niệm là: Họ có được cái đầu và trái tim phóng khoáng, tự do hơn chúng tớ nhiều. Hơn thế nữa họ có nhiều điều kiện để trau dồi trí thức, được đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều hơn hẳn mấy anh lý luận văn nghệ mà chỉ được đọc tác phẩm qua bản dịch, học lý luận qua các tổng kết triết học -chính trị-kinh tế học từ cuối thế kỷ thứ XIX! Và một điều tớ cho là văn nghệ sỹ miền Nam hơn hẳn mấy anh văn nghệ sỹ miền Bắc ở chỗ: 10 anh thì 9 anh dùng được từ 1 đến 2 ngoại ngữ để tự trau dồi kiến thức của mình. Điều này ở miền Bắc tỷ lệ dùng được ngoại ngữ là ngược lại 1/10! Mà hầu hết cái số 1 đó lại là ngoại ngữ học từ thời Pháp thuộc. Còn lại trí thức từ 50 tuổi trở xuống(tính đến năm 1975) thì... đều trông chò vào sách dịch nhỏ giọt mỗi năm dăm bảy cuốn. Ấy vậy mà các vị "kiêu binh văn nghệ" đó vẫn dám tổ chức tọa đàm,hội thảo đủ mọi thứ nghe có vẻ... " người lớn" ra phết : Nào " Sự khác biệt giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ", nào "Ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới tới văn học nghệ thuật miền Nam"... nào Hiện Sinh, Ca Muýt, Bôn Sác, tùm lum cứ như ta đây đã biết thừa "ba cái thứ bậy bạ" đó từ lâu rồi!

Tớ nhớ mãi một buổi hội thảo về văn học nghệ thuật tại 190 Phan đình Phùng mà mấy vị hãnh tiến chiến thắng đứng lên ăn nói bậy bạ đã bị anh em phản đối bỏ ra về! Riêng tớ cũng đứng dậy ra về theo vì cũng cảm thấy bị xúc phạm luôn nhất là kẻ xúc phạm mình lại là một thằng Ngu! Ai đời phân tích một tác phẩm của phía mà anh ta cho là "người thua", mời người ta tới mà lại nói là:"Anh có bao nhiêu cái đầu để tạ tội với cách mạng ?" (Phan Khắc Lập phê phán cuốn "Tiền Đồn "của Thế Uyên).

Còn về âm nhạc thì còn có ông tệ hơn nữa, dám phát ngôn một câu là ; "Âm nhạc miền Nam là âm nhạc... vô học". Tớ nhớ mãi truyện này vì chính sau đó một hôm, nhạc sỹ Phạm Đình Chương, người tớ đã quen biết từ thời kháng chiến chống Pháp đã đến gặp tớ ở 23 Lý Tự Trọng để nhờ phản ảnh sự bất bình của anh em "tại chỗ" về thái độ lời ăn tiếng nói của một số "cán bộ cách mạng". Tớ đã nói chuyện với n/s PĐC gần 3 tiếng đồng hồ về những gì chúng tớ đã trải qua để tồn tại đén ngày hôm nay... Rồi cuối cùng...Các bạn có biết tớ đã khuyên ông ấy cái gì không: Anh Chương ạ! Tôi khuyên anh... nếu còn khả năng, hãy..."ra đi" đi! sớm ngày nào hay ngày ấy! Các anh không thể sống an lành với thái độ thẳng thắn này đâu. Hơn nữa, với cái đầu và trái tim quen với tự do rồi, các anh không thể làm nghề sáng tác được dưới thể chế chính trị này đâu! Và cũng chính với cái bài thuyết phục tích cực một cách cực kỳ... tiêu cực này tớ đã chỉ sửa đi mấy chữ "không thể buôn bán", không thể hành nghề", "không thể phát triển tài năng" v.v... mỗi khi đến đâu gặp những người thân đang có vấn đề bế tắc trong tư tưởng, đời sống, vật chất hay tinh thần... Có thể nói, gần như cả gia đình nội ngoại xa, gần nhà tớ, từ bà cô, bán phở Bắc ở chợ An Đông đén ông giáo sư Đại Học Trường Y Dược, sau này ra đi, đều có công "thúc đảy" của tớ ít nhiều. Riêng giới nhạc, những người còn ở lại do còn lấn cấn vấn đề vợ con, tài sản hoặc còn hy vọng điều gì đó thì, sau cuộc cải tạo tư sản đều ra đi hàng loạt. Riêng cái dàn nhạc đã từng cộng tác với tớ suốt những ngày đầu tiên cố làm nên một thứ "âm nhạc giải phóng" thì ...ra đi không sót lấy một người!

Riêng đối với Nghiêm Phú Phi,một người tớ đặc biệt quan tâm, theo giới thiệu của Pham Trọng Cầu, tớ đã từng gặp để trao đổi nhiều về vấn đề có thể đẩy mạnh nền âm nhạc kinh viện (académique)ở Sài gòn này không thì ông cho biết :Ông đã có giấy tờ chính thức ra đi, không thể ở lại được, dù lúc đó người ta đã "cơ cấu" ông vào Ban Chấp Hành Hội Âm nhạc thành phố sắp được thành lập.Tớ mừng cho ông vì những thứ ông học mà tớ đã được biết (được xem và được nghe qua một cái quartet cho đàn giây ) quả là hiếm hoi ở đất Sài gòn này nhưng ông sẽ chịu sao nổi sự lãnh đạo của mấy ông đáng tuổi con, tuổi em ông đang sắp từ Liên Sô,Trung Quốc... trở về với cả một hệ thống tư duy về thẩm mỹ (và cả kỹ thuật nữa) hoàn toàn khác biệt, nhất là cái đầu óc hợm hĩnh (sufisance) mang từ "cái nôi của cách mạng tháng 10" về thì....chỉ có làm ông tăng-xông mà chết sớm!

Một làn sóng văn nghệ sỹ, diễn viên ở cả hai miền di tản, vượt biên càng tăng lên khi có vụ "Nạn Kiều". Hàng loạt diễn viên của Nhà hát giao hưởng (cả gia đình họ hàng nhà Cóong (Trombone), Đài Phát Thanh (Vân Khánh,Mộng Dung.riêng Ngọc Tân..bị bắt,ở tù rồi được thả) Nhà hát Kịch (Giáng Hương,Phạm Bốn) Trường Nhạc (vợ chồng pianist Hàn -Vy-Hoa...V.Hiệp...) thậm chí cả sau này gia đình nghệ sỹ Nhân Dân Thái Thị Liên-Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt minh... theo tớ chẳng qua cũng chỉ là một thứ "di tản chính thức", được chấp nhận để họ có đủ điều kiện phát triển tài năng mà thôi! Còn họ phục vụ nhân dân được cái gì thì ngay cai "nhăn răng" tớ đây cũng chẳng được ba vị "nghệ sỹ lớn" quanh năm sống ở nước ngoài cho nghe lấy một nốt nhạc nào! Tớ chỉ ân hận có một điều là không giúp đỡ "giải thoát" được cho chính em ruột tớ:Tô Hiền.Một phần vì bản thân em tớ nó quá yếu đuối cả về tinh thần lẫn thể xác.một phần nó cũng hơi có tí..."cách mạng" hơn cả ông anh vì nó cũng đã từng trải qua những ngày sống với "cách mạng" thời học tú tài ở trường cấp ba Nguyễn Thượng Hiền, trong vùng kháng chiến. Phần nữa nó quá lo cho cuộc sống càng ngày càng khó khăn của một anh "giáo sư cấp ba" và một bà vợ giáo viên cấp 2 làm sao nuôi nổi 6 con ăn học trước tình hình ngày càng xuống cấp trầm trọng của xã hội những năm 76-77.

Có thể nói gia đình Tô Hiền,em tớ là điển hình cho một lớp trí thức tiểu tư sản thành thị bị "chết lây" bởi các phong trào cách mạng đánh vào...người khác! Thoạt tiên là bán đổ bán tháo cái ô-tô hàng ngày, giáo sư dùng để chở vợ con đi dạy, đi học và chở mình đến lớp! Sau đó là tậu ngay... 8 cái xe đạp, mỗi người một cái, ngày ngày cọc cạch đạp từ hẻm Long Vân Tự (Bình Thạnh) đi khắp các Quận đề học, để lên lớp, giảng bài! Mỗi lần tớ về thăm lại thấy thiếu đi một cái gì đó, thậm chí đến 3 cái quạt trần cũng từ từ đội nón ra đi. Bữa ăn thì toàn bo bo, bột mì...rau xanh là chính. Các cháu sinh ra ghẻ ngứa, mặt mày đứa nào đứa nấy ngơ ngác chẳng còn hột máu! Mỗi lần về, qua chợ bà Chiểu, tớ luôn xách theo cân thịt lợn, thịt bò về để bồi dưỡng cả nhà. Đang tính chuyện bán nhà để có "cây" vượt biên thì... ngay trên bục gỉảng tại trường phổ thông cấp Ba Nguyễn Huệ Quận 4, giáo sư Hiền đã gục xuống, đứng tim và không bao giờ tỉnh lại nữa! Đó là ngày 24 tháng 10 ta năm 1976, sau đúng có hơn một năm trời cố gắng làm anh giáo sư cấp 3 XHCN! ...Và vợ Hiền, sau đó ít năm, cũng chết vì tăng xông luôn... 6 đứa con nay đã trưởng thành, chẳng nên ông nên bà, có chức danh to lớn gì, nhưng cũng sống được, một phần vì có ba đứa đã quyết tâm làm "boat people" (may không đứa nào bị cá ăn thịt), hiện đang sống bên Canada, bên Mỹ, hỗ trợ ít nhiều! Đúng là tớ có cái "số" sống cô độc, không bà con họ hàng để luôn luôn có thời giờ mà... nghĩ ngợi, mà buồn chán cho cuộc đời, mà trao đổi với bạn bè những tình cảm,nghĩ suy... như tớ đang giải sầu bằng blogging hôm nay đây.

Trở lại với cuộc đi lang thang với nhạc sỹ Lê Thương (không có ông rất khó tiếp cận với các loại "sống ẩn" như Dương Thiệu Tước) tới rất nhiều các nhạc sỹ đang còn ở lại.Tớ luôn ca ngợi cái tự do của họ và nhận hết những gì mà người khác làm sai như của mình làm sai. Xong xuôi rồi, bao giờ tớ cũng tìm cách nhắn nhủ một cách tế nhị "Nên chọn con đường "ra đi" là tốt nhất vì các anh không có đủ sức chịu đựng được những gì chúng tớ đã chịu đựng đâu! Trừ một số anh quyết tâm ở lại vì đã quá già, trong đó có anh Lê Thương, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước...tất cả những người trẻ, trong đó có cả Duy Quang, trước khi ra đi đều đến chào tớ rất cảm động, chân thành. Tớ chỉ thương có một mình Y Vân, một con người nghệ sỹ quá tình cảm, quá bình dân và quá... nghèo, không sao có khả năng tìm đường "tự cứu" được. Ngay những năm 75, 76, anh cũng tự mình cuốn lấy thuốc hút, ăn mặc xuềnh xoàng. Anh thường đến tớ chơi trao đổi nhiều điều rất tâm tình (chuyện gia đình,chuyện vì sao anh làm ở Đài Mẹ Việt Nam ...Anh không được phổ biến tác phẩm ,không được kết nạp vào Hội cho đến ngày anh qua đời......)

Đối với tớ,không có nhạc sỹ phe ta hay phe nó gì hết. Chỉ có một cái chức danh đáng tự hào NGHỆ SỸ VIỆT NAM mà số phận đã bị các nhà chính trị đẩy họ đến chỗ phải cầm đàn, cầm bút, cất cao tiếng ...chửi nhau, gây nên chia rẽ, thù hằn cho mãi đến bây giờ vẫn chưa sao mà xí xóa đi cho được!

Vài năm gần đây, thỉnh thoảng có người trở lại cố hương, găp lại tớ, thấy tớ vẫn sống có phần thoải mái tự do, lại còn lên net, gõ blog hàng ngày, gặp bạn bè, mét xịch khắp bốn phương, tuy không có được nhà lầu,xe hơi nhưng vẫn vui tươi trong cuộc sống hoàn toàn tự do, thoải mái, tớ đã không ngần ngại tuyên bố :"Ngày xưa các bạn sống xướng hơn tớ nhiều ! Còn bây giờ thì đến phiên được bắt đầu cái sự... sướng tự tạo ra đây! Chỉ phải cái chữ "giầu" thì có lẽ không bao giờ tớ có được ở cái nền... kinh thế (!) thị trường quái đản này! Thôi thì thay "thăm nghèo hỏi khổ" tớ bằng... "thăm cái lão già nghèo mà sướng vậy"! 

* * *

Vẫn những chuyện thực tế làm sáng mắt... đau lòng

LỚP NGỪƠI BỊ XUA ĐUỔI

Cho đến bây giờ, tớ vẫn không hiểu nổi : Tại sao người ta thù ghét một lớp người mà sự tồn tại của họ không những chẳng làm hại ai mà chỉ làm lợi cho cuộc sống bình thường của một thành phố. Đó là lớp dân nghèo thành thị. Vì đói khổ, họ phải bỏ làng, bỏ xóm ra đi, lên thành phố để “hầu” mọi ai cần họ, từ việc làm ô-shin đến đạp cyclô, nấu bếp, trông trẻ…. Từ đội thúng xôi đến đẩy chiếc xe bánh mỳ, quẩy gánh bún bò,…. Tất cả đều như những bánh xe nhỏ của một bộ máy lớn khởi động mỗi ngày, làm nên hoạt động của một thành phố.
Ấy vậy mà, họ luôn là “cái gai” trước mắt những nhà “quản ný”. Dưới mắt mấy vị này, họ luôn là ” thành phần phúc tạp” nào là “ăn bám”, nào là “tư thương”, gian thương, là thành phần trung gian, buôn đi bán lại, không sản xuất ra của cải xã hội(?)… Nói chung là “thành phần phức tạp”, làm xấu bộ mặt thành phố…?. Và người ta tìm mọi cách để dần dần loại bỏ họ ra khỏi đời sống xã hội bằng những quy định này, chỉ thị kia.
Ở Hànội, trước 75, đã một thời gian dài, vắng bóng những người phụ nữ nông thôn hiền lành, sáng sáng đội trên đầu những chiéc thúng, thoăn thoắt trên đường tiếng rao lanh lảnh “Ai cốm vòng đây!”, ”Bánh cuốn Thanh Trì, chả quế đây!” Tất cả ai muốn ăn sáng thì xin cứ đến Mậu dịch xếp hàng, trả tiền, lấy phiếu rồi nhận một bát bánh phở đã bốc sẵn, đi qua một ô cửa chìa vào để cô mậu dịch đổ cho một môi nước (gọi là nước dùng), thế là xong! Ôi !nghĩ lại mà khủng khiếp cái thời ăn chui, uống chui, mua chui, bán chui…., cái thời muốn ăn một bát phở bò thứ thiệt phải đi vòng vo qua bao con hẻm toàn hố xí thùng, để đến được với cái quán phở Tạm thương, y như những kẻ ăn cắp, ăn trộm cả người mua lẫn kẻ bán!
Nghe nói trong cuộc triển lãm “cái thời bao cấp” ấy năm ngoái, có anh nào đó định chưng lên tấm ảnh mấy cụ Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu…ngồi bệt ngay xuống đất ở “Chuồng Cọp” (Nguyễn Bỉnh Khiêm), uống bia hơi “chui”, với vài củ lạc rang, của “tư nhân”, nhưng tấm ảnh này sau bị hạ xuống vì…trông nó …“dã man” quá !
Chỉ vì tác giả đã thu được vào ống kính cả một pha rất điển hình: một chú áo vàng đang túm ngực áo một phụ nữ gầy gò tay dằng lại can bia chui bị tịch thu, tay che ngực, miệng khóc mếu trước mặt mấy vị “kỹ sư tâm hồn” tiếng tăm thế giới mà chẳng ai dám giơ một ngón út tay can thiệp! Những cảnh rượt đuổi, tịch thu, thậm chí, đập, phá, đá, đổ… diễn ra cứ như có tà ma, voi dữ, về thành phố vậy, là chuyện diễn ra thường xuyên một cách lạnh lùng và vô cảm như thế đã nhiều năm ở miền Bắc…
Những cuộc xua đuổi, lẩn trốn, bán chui, ăn nhủi cứ thế diễn ra với mục đích là “lùa” tất cả mọi người vào những quán ăn của mậu dịch nhà nước ăn cái gì nhà nước cho ăn, uống cái gì nhà nước cho uống, xem cái gì nhà nước cho xem….
Cái quái thai “chuyên chính vô sản” trong quản lý xã hội này, khi đem vô miền Nam, cho đến bây giờ, đã bộc lộ hết những phi lý, những phản khoa học, những bất nhân của nó cho nên ….Đổi Mới (như cũ!) đã ra đời !…(nhưng chẳng ai dám nói ra là những gì người ta làm trước kia là “sai lầm chết người” cả, thậm chí vẫn còn đang tiếp tục để làm sạch bộ mặt thành phố?).

Những gì tớ sẽ kể ra sau đây chỉ là những chuyện đau lòng mắt thấy tai nghe xung quanh cái “xã hội Sài gòn” nhỏ của tớ tức là cái building 23 Gia Long mà tớ đã được bố trí ở gần 20 năm trời. Tớ sẽ nói về những con người bị xua đuổi mà chẳng biết mình có “tội” gì!

XÓA SỔ HỆ THỐNG PHỤC VỤ CAO ỐC

Ngay từ những ngày đầu đến nhận căn hộ 346, tớ đã phải ngợp về hệ thống phục vụ cái cao ốc chỉ có 7 tầng lầu này. Chạy dài theo cả hàng ngang cao ốc là một loạt các quán hàng có mái che, có bàn ghế, điện nước, quạt máy… Nó gần như chỉ phục vụ cho dân cư trú tại cao ốc và những người đi thăm, nuôi bệnh nhân của bệnh viện Grall (khi đó mặt tiền còn ở đường Gia Long). Được sự đồng ý của chủ cao ốc, được cung cấp nước, điện, nó hoạt động gần như 24/24 giờ ngày. Người ta có thể xuống đường hoặc ngồi tại nhà cũng có thể có được từ tô hủ tiếu, chiếc bánh mỳ, thậm chí cả miếng bít tết với giá rẻ hơn các tiệm ăn lớn đến một nửa.
Tớ cũng từng ăn cơm “không bụi tí nào” của thím Xoa, một người phụ nữ trạc 50 tuổi, lúc nào cũng vui vẻ tươi cười để lộ chiếc răng bịt vàng ở hàm trên bên trái. Nằm dọc theo bờ đường bên phải là một thứ chợ chồm hổm của những dân buôn thúng bán mẹt nghèo khổ hơn. Đó là những bà bán xôi, (mà trong số họ, tớ biết có vợ của một cựu danh thủ bóng đá trước 75), một cặp vợ chồng nhà giáo “chạy loạn” vô Sài gòn rồi kẹt lại, để rồi trở thành :chồng; đạp cyclô, vợ: bán bún bò …chạy!
Một nhân vật mà tớ không thể quên nữa là chú Sơn, một hạ sỹ quân đội Cộng Hòa, thoát nạn cải tạo, người cao lêu đêu như sếu vườn, nước da tái xanh mầu sốt rét sau hai năm đóng quan ở Tây Nguyên, hàng ngày ngồi ngay dười chân cột điện phía bên Thư Viện Pháp, chuyên sửa xe, lau ô-tô cho những cư dân cao ốc chúng tớ…. Mọi chuyện đều diễn ra bình thường và suôn sẻ … cho tới một hôm… ”.lệnh trên”(?) ban xuống : Dẹp mọi hoạt động buôn bán mất trật tự ở khu vực cao ốc và trước cửa bệnh viện! Người ta lấy lý do là cao ốc này sắp trở thành cơ quan nhà nước. Không thể để một cái chợ tự do vô tổ chức này tồn tại được.. Và thế là…. cả cái cao ốc bỗng như một bộ máy bị tháo đi một con ốc nhỏ nhưng cần thiết và tiện lợi vô cùng. Cả hàng chục quán hàng khang trang, sạch sẽ bỗng chốc bị giải tỏa để trở thành những người bán chui, bán chạy và “thượng đế” thì trở thành người ăn chui, ăn chạy luôn!
Hậu quả là dân chung cư, kể cả tớ, mất nhờ vào cái hệ thống phục vụ tự phát rất cần thiết này. Những anh độc thân như tớ còn có thể phóng xe đi kiếm bữa ăn vừa túí tiền ở tận Chợ Cũ. Những gia đình có con thì đành phải đốt lửa nấu bếp (mà lúc ấy thì làm gì có gaz! ). Ai có dầu hỏa thì dùng dầu hỏa, ai không có thì dùng củi, dùng than. Có gia đình, để tránh khói, mang luôn cả bếp ra hành lang xông khói cả cao ốc luôn!…. Còn các ông bà ngoại quốc chờ ngày xuất cảnh thì lục tục “nhổ neo” đi nơi khác, nhường lại các căn hộ cho mấy “ông cơ quan”, ở không hết thì…nuôi heo ngay ở trên lầu 5! Buổi tối từ đầu đường Hai Bà Trưng đi về nhà, đèn đường tối mò tối mịt, trở thành những nơi kín đáo cho các vụ mặc cả mua bán thịt người!…
Sự xuống cấp của xã hội nhỏ của tớ là trông thấy, ngửi thấy, nghe thấy từng ngày.. Nhưng cái làm tớ luôn phải sống trong sự ăn năn bứt rứt về nhữngviệc mình không gây ra là : Số phận những con người bị xua đuổi đó sẽ đi đâu? về đâu? Họ sẽ biết ơn hay căm thù muôn đời những người đã xua đuổi họ, dồn họ về phía những người… khó mà có thể hòa hợp được sau này…. Trong số những số phận con người bị xua đưổi đó, cho tới giờ này, ai còn ai mất, ai sống ở trong nước, ai đã sang được bên Tây, bên Tầu? ai làm mồi cho cá biển Đông, tớ không thể nào biết hết.
Chỉ có một số trường hợp đặc biệt đã ảnh hưởng đến cái đầu và trái tim tớ, tạo nên một thằng tớ luôn có những “suy nghĩ ngược chiều” và luôn đặt lại vấn đề của mọi vân đề nảy sinh trong cả quá trình làm anh “cán bộ cách mạng” nhưng… chứng kiến quá nhiều cảnh bất công, mất mát của quá nhiều con người. Sau đây là những số phận nghiệt ngã đã dành cho những con người vô tội bị xua đuổi khỏi cái Building tớ đã sống 18 năm trời nhé…

CHÚ SƠN SỬA XE

 Sau ít ngày cố “trụ” lại với cái thùng đạn đựng ít đồ nghề, cuối cùng trong buổi bố ráp lần cuối, người ta tước luôn cả công cụ sản xuất của chú để “mời lên phường giải quyết”! Cũng chính cái buổi sáng hôm đó, tớ dắt chiếc Honda C50 ra khỏi nhà thì đạp mãi nó cũng chẳng chịu nổ cho. Tớ dắt sang bên kia đường định nhờ chú Sơn thì thấy chú đang nằm dạng háng ngay trên vỉa hè, rên rỉ một câu mà tớ đến hôm nay vẫn còn nhớ: ”Trời ơi là trời!…. Tui có làm chi hại các ông đâu mà các ông hại tôi thế này! Sống sao cho được đây các ông ơi!”…
Tiếng ngân kéo dài của ba tiếng “các ông ơi” đó có lẽ vang trong tớ suốt cuộc đời… Nó như một lời nguyền rủa, lên án chính bản thân tớ, một người rất thân thiện với chú Sơn vì chú thực sự “hợp” với ông Việt Cộng để ria Clark Gable đến mức tớ có thể giao xe cho chú hoàn toàn khi cần sửa chữa mọi hỏng hóc… Đáp lại sự tin tưởng của tớ là những hành động tớ cảm được, nhận được từ chú. Như : xe tớ lúc nào cũng sạch sẽ, sáng loáng, mọi sửa chữa lặt vặt ít khi chú lấy tiền. Hằng ngày, mỗi lần gặp nhau, hai chúng tớ đều “Chú chú, cháu cháu” như có họ hàng thật. Đôi khi Sơn còn xưng hô với tớ là “Bố bố, con, con” nữa.

Nhưng hôm nay, tớ đành bất lực, lặng lẽ dắt xe đi, không cất nổi một lời nào dù để chia tay chú vì cũng từ hôm đó, không còn bóng chú Sơn sửa xe ở góc đường Đồn Đất-Lý Tự Trọng nữa… Hình ảnh của một chú Sơn với câu than “Trời ơi là trời…” đầy đau khổ cũng phai mờ dần vì hàng vạn chú Sơn khác đã diễn lại tại chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, tại ngay trên các con đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Chợ Bến Thành… với những vụ ra quân tịch biên, tịch thu, kê biên… từ đôi dày, mét vải .. .đã át hẳn đi cái hinh ảnh chú Sơn bị tước thùng đồ nghề sửa xe… (để rồi những thứ bị tước đoạt đó đi đâu, không ai biết?)….
Cho đến một hôm, đang ngồi chơi tại nhà một người bạn bên Quận 4 thì thấy ngoài đường có tiếng ồn ào, chửi rủa… Từ trên gác nhìn xuống tớ thấy một chú áo vàng vừa lôi kéo vừa không ngừng đấm đá một thanh niên mặc bộ đồ rằn ri bạc phếch… máu trên đầu rỉ xuống đỏ lòm cả mặt mày… Tớ định thần nhìn cho kỹ: Đúng là chú “Sơn sửa xe” năm xưa của tớ đây rồi. Thì ra, từ một người sửa xe có lương tâm, có lễ phép, luôn mồm “Dạ, thưa, cảm ơn”, luôn yêu đời, khi rảnh rang còn biết nghêu ngao mấy câu hát “Đại bác ru đêm” của Trịnh công Sơn, qua mấy lần bị xua đuổi đã trở thành… “Sơn Sếu” nổi tiêng trong giới anh chị ở quận 4! Đã nhiều lần, đồng bọn bị bắt gần hết, riêng Sơn sếu vẫn trốn thoát ! Nhưng lần này, Sơn Sếu đã rơi vào tay luật pháp sau nhiều giờ lẩn tránh thậm chí chống cự lại cảnh sát đến cùng! Tớ chạy vội xuống nhà, len lỏi qua đám đông đang “mượn gió bẻ măng” xỉa xói, chửi bới tên tướng cướp mà tớ quen. Như có một linh tính gì mách bảo, Sơn Sếu ngước đôi mắt một mí nhìn về phía tớ…. Và như một chú Sơn khác, Sơn Sếu bỗng cất lên tiếng rú cuối cùng của một con sói bị dồn đến đường cùng : ”Khổ quá đi chú Hải ơi! Cháu có muốn như thế này đâu!…”. Tiếng rú đó cho đến nay vẫn vang lên trong tớ như một câu hỏi không lời đáp: Còn bao nhiêu chú Sơn nữa đã không được phép sống cho ra sống, sống như một con người ?? Cho tới nay, không bao giờ tớ gặp lại Sơn sửa xe nữa. Cầu trời cho chú đừng bỏ xác ở một trại giam hay một trại cải tạo nào!

VỢ CHỒNG CHÚ TƯ

Hai vợ chông chú Tư là những người đầu tiên giới thiệu mọi tiện nghi, mọi cách xử dụng máy lạnh, điện thoại của căn hộ cho tớ… Họ là những người không thuộc “biên chế” của chung cư nhưng từng làm người phục vụ buồng cho mọi chủ hộ ở cao ốc đã 10 năm. Quét giọn hành lang, giặt giũ, đổ rác… nghĩa là làm như một con sen, con ở của mọi nhà…
Chú Tư độ 60 tuổi, đi lính từ thời Bảo Đại cũng xì xồ ba tiếng Pháp. Thím Tư, trẻ hơn độ 10 tuổi, bao giờ cũng gọn gàng trong chiếc áo bà ba trắng tinh, có phủ ngoài một tấm tạp dề. Thím Tư lại còn có ưu điểm là nói được đôi ba câu tiếng Anh thông dụng, rất thuận tiện trong việc giao dịch với khá nhiều khách ngoại quốc còn cư trú trong cao ốc.…
Đối với tớ, hai vợ chồng chú đều có một cảm tình đặc biệt… Lý lịch của từng hộ ở cao ốc cũng do vợ chồng chú cho tớ biết qua loa cả. Có lẽ trong tướng mạo, cách ăn mặc, nhìn tủ sách và qua cách giao tiếp bỗ bã “ít có lập trường” của tớ mà hai vợ chông chú thấy dễ gần hơn người khác chăng? Thông thường là mỗi lần dọn vệ sinh, thay chăn, thay drap, các hộ đều trả tiền cho vợ chồng chú. Riêng với tớ, dù tớ đã tuyên bố : ”Tớ không quen cảnh người hầu, kẻ hạ lâu rồi, Mọi việc cứ để tớ tự túc” Tuy vậy, khi có dịp là hai vợ chồng chú luôn tím cách giúp đỡ tớ vì thương tớ “đơn độc một minh”…
Tớ cũng coi vợ chồng chú như người thân, thậm chí đi xa có thể giao chìa khóa cho thím Tư thỉnh thoảng vào làm vệ sinh, đóng, mở cửa.. xem tình hình điện, nước… Có hai vợ chồng chú, tớ như có được hai người nhà thật sự… Cho đến một hôm, chú Tư,miệng ngậm điếu thuốc sâu kèn muôn thuở, bước vào phòng tớ buồn bã nói : “Ban cải tạo nhà đất đã quyết định giải tán bộ phận service (phục vụ) của Building này. Đến chiều mai là hẹn cuối cùng để bọn tớ rút hết. Ban quản trị mới sẽ do mọi người trong chung cư bầu ra… Vợ chồng tôi thì còn có quê mà về chứ bọn thằng Thu, thằng Viêt, con Thanh… chẳng hiểu rồi chúng sẽ đi đâu?…”
Tớ lại trở thành tên “tội phạm” nhận mọi lời trách mắng, đôi khi chửi rủa về một cái chủ trương phá, phá hết để sớm “vô sản hóa” cả cái thành phố “hòn ngọc viễn đông” này. Lại như mọi lần, tớ chỉ biết ú ớ, chỉ biết chúc hai chú thim về quê làm ăn mạnh khỏe, phát tài…. Hẹn chú trưa mai sẽ cùng vợ chồng chú chia tay bằng một chầu “nhậu chay” ngay ở căn hộ tớ. Nghĩa là …không bia rượu (Vì chú luôn bị thím cấm uống rượu do huyết áp cao, còn tớ thì ngửi mùi bia rượu là đã có dị ứng, gãi khắp người rồi) thì……vào khoảng hai giờ đêm, thím Tư bấm chuông … Vừa mở cửa ra thím dã nói trong tiếng nức mở :”Chú Hải ơi! Ông nhà tôi…đi rồi”… Tôi chưa biết nói gì thêm thì thím Tư đã rãi bầy… ”Ông nhà tôi hay cả nghĩ lắm. Đã hay lên máu mà cứ động tới chuyện gì không vừa ý là ông ấy lại uống đến cả lít rượu… Tối nay, đang nhậu với lũ nó, thì ổng gục xuống bàn … Chở cyclô vào bênh viện bình dân thì không kịp nữa. Ổng đã “đi ngay” ở trên xe…. Bệnh viện nói là đứt mạch máu não gì đó!… Tớ lại câm nín, ngậm hột thị như mọi khi. Chẳng biết nên an ủi thím Tư như thế nào cho… ”phải đạo”. Nhưng trong lòng tớ thì vang lên một câu hỏi không thốt lên được thành lời “Giá mà người ta đừng xua đuổi chú về quê, liệu chú có chết thảm thế không?”….
Còn thím Tư, do không gia đình con cái, tiếp tục bám lấy một quầy hàng chạp phô của một người bạn cùng quê ở Chợ Cũ, để kiếm sống qua ngày… Tớ còn qua lại và được thím giúp đỡ khi mua cho lạng tôm khô, khi lạng sườn non…sau đó đến vài năm nữa.. (tớ tự túc nấu ăn khi không còn khả năng ăn hàng những năm sau đó)…. Bẵng đi vài tháng tớ đi công tác xa, trở về Sài Gòn, đi chợ, đến quầy hàng đồ khô mà thím Tư giúp việc thì bà chủ quầy đã hấp tấp báo cáo với tớ : ”Chú Hải ơi! Thím Tư Lành chết rồi! Mà chết thảm lắm!” Thì ra thím đã trở về Tây Ninh, tìm đường vượt biên, may ra có cái qua trình “phục vụ Sở Mỹ” mà đổi đời không. Nhưng….số phận nghiệt ngã đã đổ xuống đầu cả gia đình chú thím. Trên đường vượt biên bằng đường bộ qua Campuchia, cả Đoàn người đi tìm tự do đó đã rơi vào ổ phục kích của Khơ Me đỏ…. Trừ một vài người thoát chết về kể lại, tất cả gần 20 con người, cả đàn bà, trẻ em đều bị chúng … chặt đầu, mổ bụng, moi gan…
Tớ nghe mà rùng mình… Nhưng rùng mình hơn là: ngay sau đó ít hôm, tớ lại đọc trên báo có tin “Đồng chí (?) Khiêu xăm Phan thăm HàNội! Và chỉ ít lâu thì lại có tin Xe-âu-Xét-Cu (Rumania) thăm Pnom Pênh và …. cũng chỉ sau đó vài tháng, ở bên Tầu, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học” bằng cách xua quân đánh thẳng vào Lạng Sơn Lào Cai… làm thành bình địa bao thị xã, nhà máy và giết chết không biết bao “đồng chí môi hở răng lạnh” Việt Nam…
Một lần nữa, hàng loạt những dấu hỏi lại như những cái móc kéo tớ ra khỏi cơn mê hoảng “Chủ nghĩa quốc tế vô sản” lại là chủ nghĩa không tính người như thế này sao…? Cái sự “mất lập trường vô sản” của tớ ngày càng nặng thêm kể từ khi “cải cách ruộng đất”, rồi cải tạo tư sản ở miền Bắc, rồi các chiến dịch X nọ, Z kia, ở miền Nam… .được điển hình hóa bằng những số phận của hai cô sinh viên ở Lầu 2, rồi ba em học sinh bụi đời được giải thoát, đến cái chết của vợ chồng chú Tư rồi đến cái sự biến người lành thành kẻ ác của chú Sơn sửa xe, đã củng cố trong tớ một quyết định làm thay đổi cuộc đời tớ : Kiên quyết rời bỏ cái đất Sài gòn về tìm một nơi an thân, ẩn dật,…đọc sách, nghe nhạc đến cuối đời, khỏi phải nghe những điều dạy dỗ mà càng nghe càng thêm ghê tởm đến… buồn nôn, buồn mửa!….
Một quyết định hoàn toàn “tiêu cực” những năm đó.nhưng nào ngờ… nó lại làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của tớ những năm cuối đời… .Đó là tớ quyết định : Biến về Nha Trang, LẤY VỢ LÂN THƯ HAI ở năm 59 tuổi! Lấy vợ tự do, chẳng ai có thể ý kiến ý cỏ gì…chẳng phải xin phép xin tắc ai… chẳng để ý đến những lời đàm tiếu, dèm pha ác ý … khi không ít người biết được người vợ mà tớ chung sống cho đến hôm nay, chính là …cái “cô giáo miền núi bán bún bò chạy” ở cạnh chung cư tớ ở năm xưa, một người mà đến hôm nay, nếu không đến với tớ như một niềm an ủi, động viên, giúp đỡ lớn, chắc gì tớ đã sống được đến tuổi 82, mà cứ đơn độc, gậm nhấm cả ngàn vạn nỗi buồn đau, tiếc nuối, hối hận… về những gì mình không hề gây ra cho những kiếp người như vợ chồng chú Tư, chú Sơn, bác Sáu…và hàng vạn, hàng triệu con người mà tớ luôn coi họ là nạn nhân của hàng loạt chính sách sai lầm ghê gớm những năm 75-90 của thế kỷ trước…
Entry sau sẽ là một entry rất… khó nói vì nó đề cập đến “cuộc tình cuối” của chính tớ và… cô giáo miền núi bán bún bò chạy…Tớ sẽ cố thuyết phục bà xã bớt đi cái phần “bi” mà chỉ nói đến những gì là tốt đẹp của hai người mà thôi! Âu cũng là giải đáp một số thắc mắc của các friends về cuộc đời riêng tư của tớ…Các friends đừng sốt ruột nhé!

Tô Hải
26-04-2008

-----------------------
Còn một loạt entries tớ kể chuyện về sự "thay sắc đổi màu" của tớ khi tớ được.... Sài Gòn giải phóng..! Thì xin mời Các bạn vào đây: Thư Mục TÔ HẢI hoặc vào to-hai.blogspot.com, tra ở "THƯ MỤC Tô Hải Blog" ở bên trái main page, nếu có thời giờ.

6 nhận xét:

  1. Chú ơi, cháu đọc những bài viết của chú mà nhiều lúc thấy muốn khóc quá.
    Cám ơn chú thật nhiều và chúc chú luôn mạnh khỏe.

    Trả lờiXóa
  2. TÔI CÓ ĐẢNG TỪ ĐÂY!
    Cả cuộc đời vì nước, vì dân
    Bị lạc lối, tôi nào có biết
    Tôi đâu quản khó khăn, sống chết
    Tưởng xông pha theo tiếng gọi của non sông…
    Nhưng đâu đâu cũng thấy đau lòng
    Cũng khổ ải, bất công, tội ác.
    Nước mất, nhà tan vì giặc Mac,
    Quê đau, dân khổ bởi gian tà.
    Bắc Nam cùng chung cảnh xót xa
    Cùng Đảng trị, bất công, xiềng xích.
    Những chuyện dã man năm cải cách
    Chuyện hồ Chí Minh giết cả tình nhân!
    Tôi vì dân, dân lại khổ gấp vạn lần
    Dân phấn đấu “ĐẢNG ta” lại cướp.
    Mỗi chi bộ, mỗi tên “mẹ đớp”
    Mỗi đảng viên, mỗi giặc Mac, Lê.
    Ngược xuôi, đâu cũng khổ ải trăm bề
    Dân mê muội trước những lời giả dối.
    Vẫn không thấy ngục lao, tăm tối
    Vẫn hò reo “mừng ĐẢNG, mừng xuân”!
    Lòng tôi nhức nhối đến tột cùng
    Tôi nguyện làm tỏ lòng dân, tình nước.
    Tôi nguyện, dù cho tôi phải chết,
    Đem tấm thân để đền đáp quê hương,
    Lần thứ hai, tôi dấn bước lên đường!
    *
    Tôi tìm ĐẢNG, tìm văn minh, ánh sáng
    Tìm chân lý, tìm con đường cách mạng.
    Để cứu dân ra khỏi xiềng gông,
    Để giữ vẹn toàn mảnh đất cha ông,
    Làm rạn rỡ bốn ngàn năm văn hiến.
    Tôi tìm ĐẢNG! ĐẢNG cùng tôi quyết tiến
    Tình anh em như đã hẹn tự ngàn xưa.
    Tôi lên đường, muôn khúc hát tiễn đưa
    Văng vẳng bên tai, ấy là lởi sông núi.
    Hỡi bạo tàn!
    Mi không ngăn được bước chân ta tiến tới!
    ĐẢNG kính yêu! Xin dâng ĐẢNG trái tim nầy
    Cuộc đời tôi: tôi có ĐẢNG từ đây.
    *
    Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ sẽ đổi thay
    Ngoại bang sẽ không còn tự do cấu xé,
    Chủ nghĩa hồn ma, dân không còn nô lệ,
    Không còn giặc ngày đêm chìm nổi rập rình.
    Mỗi cuộc đời là mỗi cuộc sống văn minh
    Mỗi trái tim là mỗi tình yêu đất nước.
    Tình đồng loại, tình giống nòi tha thiết,
    Quê hương sẽ không có cảnh đói nghèo,
    Không có dân oan, không có những tiếng kêu.
    Em gái không phải bán mình nơi xứ lạ,
    Em trai không phải lao nô vật vã,
    Kiếm miếng ăn nơi đất khách quê người.
    Con mẹ không phải bơ vơ nơi góc bể chân trời
    Mà khắp Năm Châu sẽ trở về đoàn tụ.
    Cuộc sống bình yên, không có mặt người dạ thú,
    Dẫu khó khăn, nhưng vẫn được yên vui.
    Mỗi người dân và mỗi cuộc đời
    Nơi quê mẹ sinh ra đều bình đẳng.
    Tất cả đều mang tình sâu, nghĩa nặng
    Anh em thân thiết bốn ngàn năm;
    Không hận hờn, không giai cấp, chia phân
    Cùng vì một quê hương đất Tổ.
    Con tiến bước không sợ gì cản trở
    Vì máu hồng còn nguyên vẹn trong tim;
    Và trong con đã có niềm tin
    Có ánh sáng, văn minh, chân lý.
    Con chiến đấu với bao Chí Sĩ
    ĐẢNG trong con luôn soi lối dẫn đường,
    Cùng với tình yêu đất nước, quê hương
    Con chào đón mẹ ở một ngày xuân mới!
    *
    Hỡi bạo tàn!
    Mi không ngăn nổi được bước chân ta tiến tới!
    ĐẢNG kính yêu! Xin dâng ĐẢNG trái tim nầy!
    Cuộc đời tôi: tôi có ĐẢNG từ đây!

    (*) - Bài thơ để ghi nhớ ngày tôi vào ĐẢNG
    - Đảng, “chữ đen” là Đảng Cộng Sản
    - Đảng, chữ xanh dương là DCMBXV

    Trả lờiXóa
  3. "Bằng không, mỗi lần 30 tháng 4 đến, mối hận thù dân tộc, thậm chí hận thù giữa hai miền Nam-Bắc chỉ có tăng lên mà thôi QUA NHỮNG LỜI LẼ, NHỮNG BÀI VIẾT RẤT KHÁC NHAU VỀ QUAN ĐIỂM TRÊN MỘT VẤN ĐỀ VẪN CỨ NGÀY CÀNG THÊM PHÚC TẠP."
    Tôi thường đồng ý với bác về nhựng sự thật trên trang mạng này. Thế nhưng lần này phải không đồng ý về khái niệm thù hận là vì quá khứ (hơn 36 năm rồi) Thật là vì cái hiện tại và tương lai. Nếu họ biết lỗi và sửa chửa cái xã hội hiện nay để các thế hệ mai sau còn có tương lai thì ai chửi rủa làm gì. Không làm được vì lòng tham không đáy nên họ đã cố gắng gán chữ hận thù cho những người đánh đổi mạng sống để được tự do. Tôi không ngờ bác cũng rơi vào cái bẩy đấy!
    Tôi đã qua tù cải tạo, đánh bạc với tử thần để đổi lấy tự do nhưng chưa về lại VN vì không muốn thấy những cảnh trái tai gai mắt.
    Ngụ ngôn có câu "thà làm học trò người khôn còn hơn làm thầy thằng ngu" thế mà dân VN ta phải làm học trò thằng ngu thì bác đã thấy nổi khổ cở nào rồi. Chính thân bác cũng mới được giải phóng vài năm nay thôi thì tôi tội tình chi phải về thăm lại một quê hương đã mất, để phải làm học trò thằng ngu.

    Trả lờiXóa
  4. Buồn cho vận nước .
    Chúc Cụ Tô Hải khỏe !
    Thương Cụ quá !

    Trả lờiXóa
  5. Một ngày nào đó.Bác Hải sẻ phải mất đi.Nhưng xin phép Bác tôi sẻ copy nhửng dòng bút ký nầy của Bác để lưu lại mai hậu cho con tôi ,cháu tôi .Lúc đó,không biết cái đất nước nầy sẻ ra sao.Nhưng nhửng ghi chép nầy chắc hẳn là một trong nhửng trang thê thảm nhất của đất nước mình.Phận Người còn thua Con Chó

    Trả lờiXóa
  6. Khác biệt còn , hận thù còn vì có những kẻ , như bác nói , còn hành dông như kẻ thắng trận , tự cho rằng chỉ có họ là yêu nước , rằng họ có chân lý và sự thạt. Rằng kẻ thua trận là bọn ngụy , sai lầm , hèn , ác ôn, bán nước....Ngày nào họ còn không tôn trọng lý tưởng của kẻ khác chiến tuyến thì vết thương se còn rĩ máu.
    Chúc bác sức khỏe, bình an.

    Trả lờiXóa

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.