Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Tuần ký số 5 b

Tuần ký số 5 b
Thursday, May 28, 2009 7:59 PM


Vừa post lên tuần kí số 5 thì hôm nay (28/5/2009) có ông bạn mang đến tờ báo Văn nghệ công an chìa vào mặt tớ nói rằng: có tay công an văn nghệ nào nó chửi ông trên báo Văn nghệ công an đây. Dù đã đóan trước nhiệm vụ chửi anh em văn nghệ đầu tiên, phải là do các báo công an vậy mà tớ thật ngạc nhiên khi đọc xong thấy cái ông kí tên là Thiện Lương này  đúng là “Ác Lương” vì đã làm mất uy tín của tờ báo ngành công an văn nghệ một cách ghê gớm.
Tớ định viết một bài báo gửi tới tòa soạn của tờ báo này nhưng chắc chắn là chẳng bao giờ họ cho những người bị họbuộc tội được phát biểu nên đành phải nhờ tờ báo riêng của tớ (blog) mà “in” vậy. Bài báo của tớ có tên :

CHƯA CHI ĐÃ NGẬM MÁU PHUN NGƯỜI

“Hồi kí của một thằng hèn” của tôi được nhà xuất bản ở nước ngòai in và giới thiệu khá rùm beng trên một số trang web nước ngòai kèm theo những lời giới thiệu của một số đài như RFI, BBC,… phỏng vấn làm tôi đến phát điên lên (đọc lại entry “Làm người của công chúng ảo khổ thật”) vì tất cả những sự quảng cáo đó  đều nằm ngòai ý muốn của người viết. thì cái tên “Ác Lương” đó đã vu cáo cho tôi là “tác giả cho tải lên” (có lẽ để chuẩn bị một “đòn đánh” nặng hơn gì đây???)
Tôi xin trả lời quý báo  về sự cố tình xuyên tạc và  lên lớp  tôi của  kẻ gọi là nhà báo “vì nghiệp vụ” nên theo dõi và đọc nhiều bản thảo (chính tác rả tự giới thiệu khi vào bài) là:

1) Hãy cố tìm đọc (hay đã đọc rồi mà giả vờ như chưa biết?) “Đi tìm cái tôi đã mất” của đại tá nhà văn Nguyễn Khải giải thưởng Hồ Chí Minh- Đại biểu Quốc hội (nguyên) để tìm hiểu xem sự phủ nhận những tác phẩm viết vì miếng cơm manh áo, phủ nhận cả những tác phẩm của ông là “một mớ táp nham”, “chẳng có một chút giá trị văn học nào”, hơn thế nữa ông còn đánh giá giải thưởng Hồ Chí Minh của ông là một "tấm bia sang trọng cắm lên một cuộc đời văn chương đã kết thúc”…để biết nỗi đau và sự hèn hạ của những cây bút được phóng lên cao tít một thời…
Còn những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tuy chưa có những bản tổng kết về cuộc đời mình một cách đắng cay, đầy lí luận và nổi tiếng khắp thế giới như NK thì chí ít cũng đã có những bài thơ, những mẩu chuyện tổng kết cuộc đời sáng tác của mình.

Nhẹ nhàng như “Tôi? Ai?” (Chế Lan Viên):

“Mậu Thân hai nghìn người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có ba mươi
Ai chịu trách nhiệm cái chết hai nghìn người đó? - tôi!
Tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở một trận về sau mười năm ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ
Ai chịu trách nhiệm vậy? Lại chính tôi….(còn nữa)

Hoặc (Trừ đi):

“Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu?
Một nửa cái cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi…
Tôi giết cái cánh sắp bay trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngòai khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển
Giết mưa và giết cả cỏ…
Cho nên câu thơ tôi gầy còm
Tôi viết bằng xương thôi
Nhưng không có thịt của mình
Và rồi thơ này đến tay anh 
Anh bảo đấy là tôi”

Hoặc “Bánh vẽ":

“...Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn
cùng bè bạn cầm lên nhấm nháp….” 

Hoặc “Thơ trăn trối lúc chết”:

“Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vươn nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm.
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn …

(Thơ ai đấy có biết không? Nguyễn Đình Thi!!! -người lãnh đạo văn nghệ trực tiếp bọn tôi đấy. Tôi không tin là các ông chưa có những văn bản này!)


Còn cụ Tô Hoài đã viết gì trong những năm cuối đời?
Sau “Chiều chiều” thì cụ cho ra “Ba người khác”. Dù chỉ là bộ mặt thật của một đội cải cách thì ít ra nó cũng làm được một cái gì tiếp nối “Dế mèn phiêu lưu kí”. Nghĩa là nó không theo “truyền thống” văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa mà các nhà công an văn nghệ đang cố bảo vệ đến lúc nào…. hết chủ nghĩa xã hội mới thôi.

2) Cái ông “Ác Lương” nào đó (cùng giọng điệu với ông Văn Như (người) Hoa lên án tôi trên báo Sài Gòn giải phóng chủ nhật) là đã phủ nhận những tác phẩm cách mạng nổi tiếng. Còn đi sâu hơn và quyết liệt hơn, là tôi “thóa mạ chế độ” ngay khi anh ta chưa được đọc hết cuốn hồi kí của tôi? Vì trong cuốn hồi kí này tôi chỉ thóa mạ chính bản thân tôi  mà thôi. Cũng như Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi, đã tự thóa mạ họ  bằng văn thơ, Nguyễn Khải bằng tiểu luận chính trị….tôi cũng tập tọe làm văn bằng hồi ký! Thế thôi!

3) Tôi  chưa bao giờ nhận mình là nhà văn mà thật thấy xấu hổ khi đài BBC gọi tôi là nhà văn mà ông “Ác  Lương” đó cũng vu vạ và gièm pha tôi là làm nhà văn bao giờ??? (Có lẽ BBC “chơi chữ” khi phỏng vấn tôi trên danh nghĩa một nhà viết hồi ký chăng?

4) Trong bài báo lại còn in ảnh một số tác giả lớn thời kì ở Việt Bắc mà suốt nửa thế kỉ qua chẳng có một tác phẩm nào ra hồn. Chẳng lẽ lại đề cao Xuân Diệu và cho con em chúng ta học bằng những câu :

“ Bầy choa quyết đấu cho tan lũ mày
Bầy choa thắp đuốc đêm nay
Đấu cho vỡ mặt vỡ mày chúng ra…

hay:

“Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho đồng lúa tốt, thuế mau xong,
cho Đảng bền lâu
Cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tích, thờ Xta lin bất diệt….

hay:

“Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xta lin!?”

hoặc:

“Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một thương ông thương mười”...

Đa số các vị trong ảnh hỏi có gì còn lại với đời ngòai những tác phẩm viết trước năm 1945. Đâu rồi Nguyễn Công Hoan? Đâu rồi Xuân Diệu, Huy Cận? Đâu rồi Nguyễn Tuân? Các vị đàn anh của tớ nay chỉ "sống" bằng những gì thì một học sinh lớp 12 đều biết cả!

5) Riêng về âm nhạc thì đó là một loại hình nghệ thuật ”quần chúng” nhất nên số lượng "tác phẩm viết rồi bỏ" thì nhiều không biết bao mà kể. Liệu hôm nay có ai dạy cho con em chúng ta, kể cả các nhạc viện nhà nước những bài “Thằng Mỹ cút đi”, “Nếu Mỹ kia thò tay lên đất này, ta chặt ngay” Đánh đích đáng" "Lúa thoáí tô".... Thậm chí cả những bài vì viết theo đúng đường lối, nghị quyết, hiến pháp ..được hình tượng hóa khá tốt, biến âm nhạc thành vũ khí đấu tranh rất hào hùng, nhằm trúng ai là "kẻ thù nguy hiểm và trước mắt" (thời chống  bọn bành trướng Bắc Kinh, chống quân xâm lược Mỹ, những bài hát ca ngợi tình hữu nghị Việt Trung Xô cũng bị ...thời cuộc xếp xó hết.! Chẳng có nhà Đài nào, Tivi nào, Trung Tâm in băng in đĩa nào, sao, siêu sao nào thèm dựng lại, in đĩa thu băng thì..chỉ có mà điên. Riêng tôi, dám thách báo Văn nghệ công an cử người nào đến kho tài liệu tôi đang giữ xem có phải là đồ vứt đi cả đống không? Có đài nào, báo nào dám in lại, phát lại  hay không? Các ông Văn Hoa, Ác Lương…hãy thử tập hợp con cháu các ông lại để tôi dạy cho chúng nó mấy bài tôi được giải thưởng xem chúng  có chịu học không? Xin mời cả các ông đang dạy dỗ tôi đến học nữa! Các ông đâu có là người sáng tác trong hoàn cảnh đau khổ của chúng tôi mà cứ đọc một đống lý luận cũ rích để giáo dục và đe nẹt, vu khống chúng tôi?

Tóm lại, cái nỗi đau vì một thời phải làm văn nghệ theo đường lối Mao Trạch Đông. Có người, có lúc, có cả tôi nữa, viết vì con tim lầm lạc, viết để tồn tại, để lên lương, để vào Đảng nên đã có “tội” với nhân dân cụ thể là những tác phẩm trong cải cách ruộng đất hoặc viết để "minh họa chính sách” nay sai- mai đúng”, khi cả hiến pháp lẫn điều lệ Đảng đều đảo ngược khi bạn trở thành thù, khi thù trở thành bạn nên tác phẩm của chúng tôi, giá trị kiểu gì cũng bị... đảo lộn rồi xếp xó luôn. Bản thân nhạc của tôi cũng đã có thời gian dài làm nhạc mở đầu cho buổi phát thanh Vì an ninh Tổ Quốc, được giải đặc biệt của Bộ Tư lệnh Biên Phòng đấy chứ! Nay đã còn đâu!!! Người ta đã thay thế nghe đâu bằng một bản hợp xướng rất hoành tráng của một ông tướng văn nghệ nào rồi! (Báo Thể thao-Văn Hóa)

Cuối cùng, xin các vị nhà báo nếu muốn viết về một giai đoạn văn nghệ của bọn tôi mà còn quá trẻ, hoặc bị ăn cháo lú vì bị nhồi nhét quá "đô" các lý luận giáo điều từ những năm….đút nút nào đó hãy:

a) Nhìn vào cách đối xử với văn nghệ của các nhà lãnh đạo ngày nay, suy nghĩ cho chín chắn rồi hãy đặt bút. Các vị hãy tự hỏi tại sao mấy năm nay lãnh đạo lại cho phục hồi tất cả những tác phẩm một thời bị lên án là “phản động”, “chống Đảng”, bị xếp xó hoặc cấm xuất bản- Tại sao những người coi như Việt gian, kẻ thù bị thủ tiêu, bị cấm sáng tác, bị đi “tù không án” lại dược long trọng in toàn tập như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Tuân Nguyễn, Trần Dần, Lê Đạt ?, một số còn được tặng nhiều giải thưởng cao quý, được đưa xác khi chết vào nhà tang lễ quốc gia nữa là đằng khác!

b) Hãy nghiên cứu vì sao mà các tác giả của “Màu tím hoa sim”, của “Thiên thai”, “Sông Lô” lại “tịt ngòi” cho đến chết. (Cuối đời Văn Cao có “Mùa xuân đầu tiên” nhưng đâu còn dấu ấn Văn Cao). Và còn nhiều nữa những tác giả rất có tài nhưng phải bỏ nghề, đi đẩy xe bò, đập đá, dán áo mưa...hoặc chọn cách tự tịt ngòi, đổi tên đi làm nhà giáo, buôn bán vặt. Thậm chí về thành, rồi di cư vô Nam?
Đâu có phải là họ không chịu đựng được gian khổ! Một thế hệ văn nghệ sỹ cùng vớí một mớ tác phẩm văn nghệ “táp nham” do tự nguyện hoặc bị ép buộc “đi theo con đường Văn Nghệ Diên An“ (Tầu) chính là nội dung tôi muốn kể lại cho thế hệ sau biết những sự trả giá của cuộc đời văn nghệ của  chính bản thân tôi. Hãy đợi hồi ký của tôi ra mắt rồi hãy đánh, hãy giết.

Tôi thách các vị bênh vực cho những tác phẩm nào là có giá trị nghệ thuật viết sau 45 của các ông Huy Cận Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan…,những bức tranh của các ông Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên vẽ trong kháng chiến là “tuyệt đỉnh nghệ thuật cách mạng”, công khai trên báo chí thành những cuộc bút chiến dưới thời….Pháp thuộc xưa giữa ông Hải Triều và ông Hoài Thanh về “Nghệ thuật vì nghệ thuật”, “Nghệ thuật vì dân sinh" đấy!

Đừng có bịt miệng, cầm sẵn còng số 8 rồi một mình lên án, bịa đặt, cắt xén, xuyên tạc để rồi tự do kết tội” phản động”, gián điệp”, ”làm tay sai, ăn tiền của các lực lượng thù địch, chống phá nhà nước” …hoặc nhẹ hơn cũng là “bất mãn”, bị "đuổi ra khỏi Đảng", khỏi cơ quan, "ăn cắp xe đạp" "Chuyên đi buôn lậu.,,chưa bao giờ là nhạc sỹ ,văn hóa lớp hai cũng học đòi viết văn làm nhạc" vv..và vv...

Tôi mong quý ban biên tâp trong đó có những người tôi biết có tài, rất nhiều tài, như Hữu Ước, Hồng Thanh Quang….hãy dạy cho các nhân viên hay cộng tác viên chuyên theo dõi chúng tôi, các chú công an mạng hãy biết mình, biết người, đừng có hồ đồ, đọc một đằng diễn giải một nẻo như đoạn vu cáo tôi khen ngợi Nixon thì quả là văn hóa quá kém, nghiệp vụ quá tồi (Nếu như đây không phải là chủ trương của chính quý Ban hay “ai” đó trên cả quí Ban?).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.