Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Tuần ký số 9

Tuần ký số 9
Thursday, June 25, 2009 4:52 PM



Hai tuần qua, tuần ký của tớ bị những “kẻ xấu” những “lực lượng thù địch” phá đám nên có hơi tí bực mình phải trả lời một lần đầu cũng là lần cuối chomọi người ở nước ngoài cũng như trong nước biết bộ mặt thật của bọnđang làm gián điẹp 2,3 mang (có thể của cả Tầu khựa?) vớii âm mưu phá nát sự đoàn kết của cộng đồng người Việt nước ngoài cũng như bôii xấu mọi người nào có hành động,lời nói,bài viết có hại cho chính quyền đương thời bằng mọi sự bịa đặt dựng đứng mọi chuyện y như thật về những người mà cơ quan đặc vụ giao cho bọn này cần phải “hạ bệ” bằng đủ mọi cách.Và kể từ nay….rứt khoát là STOP!

Hôm nay lại trở về với con đường “kể chuyện xưa” cho các friends nghe. Định nói về cái sự “hèn” của văn nghệ sỹ chúng tớ nhân dịp có quá nhiều bài viết về cái sự hèn của các nhà gọi là nhà báo ngày nay để so sánh xem ai hèn hơn ai. Nhưng lục trong đống tài liệu để cung cấp cho tiến sỹ Jason Gibbs mới về VN có ghé thăm tớ hôm 20/6/009 thì lại phát hiện ra một chương trong “Hồi ký của một thằng hèn” đã được đánh máy gửi cho tòa soạn An ninh thế giới để thăm dò và cũng là theo yêu cầu của thư ký toàn soạn Hồng Thanh Quang. Chương nàyrất “hiền”, chẳng có “ vấn đề” gì ngoài câu “Chẳng thể có âm nhạc địch, âm nhạc ta, âm nhạc có lập trường, âm nhạc mất lập trường” Vậy mà… bản thảo đã bị xếp xó. Một lí do mà tớ cương quyết gửi ra nước ngoài in vì không còn hi vọng gì ở những tuyên bố của các cấp lãnh đạo cao nhất: “Chấp nhận ý kiến khác thậm chí cả trái chiều”nữa. Toàn bộ hồi kí thì đến nay tớ cũng chẳng còn nhớ viết những gì và cũng chẳng còn lưu lại trong máy,do đã bán cho ve chai rối. Thôi thì : “Còn lại chút này làm tin”. Tớ posst cái chương “hiền nhất” đã bị xuất bản nhà nước xếp xó để các friends đọc vậy.Chương này có tên:


XÚC CẢM VĂN NGHỆ ĐẦU ĐỜI


(Trích chương II Hồi ký của một thằng hèn)


... Trở lại với gia đình tôi…Bố tôi, dù gì đi nữa, đã là người có công khai tâm cho tôi về thẩm mỹ. Nhưng tôi đã không tiếp thu tất cả cái vốn hiểu biết của ông. Ông là một người mê âm nhạc, nhưng âm nhạc cổ truyền với ông là chủ yếu. Âm nhạc thế giới đối với ông chỉ là thời thượng (snobisme). Tới mãi sau này, tôi còn tiếc nuối: Giá mà biết say mê tiếng đàn bầu, tìm được cái hay trong những điệu hò Huế, điệu lý… học ông được cách “kim cổ giao duyên” từ sớm thì đỡ vất vả biết bao.
Tôi chỉ mê có nhạc cổ điển phương Tây, những bài hát hát bằng tiếng Tây, dù chẳng hiểu nó nói cái gì. Nhưng những giai điệu đẹp vô cùng của nó đã rung động tâm hồn nhỏ bé ngây thơ của tôi tới mức tôi như mê mẩn. Tôi vui, tôi buồn và có không ít lần, tôi khóc, khóc khi tự tay mình vê những câu nhạc “si đô rê, đô, rê, đô, rê, đô, rê”…trong bản Menuet của Beethoven trên cây đàn Mandoline. Ôi! Chỉ có hai nốt “đô…rê” nhắc đi nhắc lại để rồi đổ xuống cái kết “la son son fa fa la son mi rề”… đã gợi trong tôi biết bao nỗi buồn,…cho tôi biết bao tưởng tượng: Một chiều mưa rả rích…Những bước chân lê trên đường...Một nỗi cô đơn, lạnh lùng đến vô tận…
Thì ra âm nhạc có sức truyền cảm mãnh liệt, thần kỳ đến thế! Chẳng cần có lời lẽ, chẳng biết nó ra đời ở đâu, chẳng biết do ai sáng tác (lúc ấy làm gì tôi đã đọc nổi cái tên các nhạc sỹ Đức, Pháp, Ý)

Và sau này, tôi càng khẳng định: Âm nhạc chỉ có hay và dở. Chẳng thể có âm nhạc địch, âm nhạc ta, âm nhạc có lập trường và âm nhạc mất lập trường…
Tất cả những nhận thức đầu đời này té ra hôm nay vẫn là chân lý! Những cái mà người ta lên án, vùi dập, “đổi mới” đã nghiễm nhiên trở lại chiếm lĩnh trận địa âm nhạc. Những bài hát “mất lập trường”, thương khóc người yêu, tiếc nuối một mối tình đã mất...ào ào nhảy lên sân khấu, tràn ngập trên băng từ, đĩa CD, VCD… Những nghệ sỹ chẳng theo ai (hoặc có theo vì…bắt buộc) hôm nay trở thành nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Còn những người đã “chính trị hóa âm nhạc” hôm nay thì ngồi chơi xơi nước, chờ chết với đồng lương hưu: nhạc sỹ- công chức! Những gì tôi tiếp thu được từ tấm bé trong gia đình về âm nhạc còn phải kể đến cái tập thể nho nhỏ ở “nhà dưới”. Nó gồm anh bếp Tý, anh xe (kéo) Lạc, vú Hiền, vú Bích và sau này đến vú Nga thì…nông dân không còn ở “nhà dưới” của gia đình tôi nữa! Lý do: Cách mạng đã nổ ra kiếp đi ở bỗng dưng tự nó chấm dứt.

Như trên tôi đã kể, do bố mẹ tôi quanh năm đi làm, tối về đi tiệc tùng, nhậu nhẹt, và sau này bố tôi còn bị rơi vào con đường “xoa” (mạt chược), mẹ tôi thì cả ngày ở nhà thương, giờ rảnh lại có cái thú vui tổ tôm nên mọi việc trong gia đình đều do một nửa tiểu đội người ở đảm nhiệm. Chính các bà vú già, anh bếp, anh xe, vú Hiền, vú Bích (mẹ tôi cứ đẻ xòn xòn vì đẻ xong đã có người nuôi)…đã là những người gần gũi nhất đối với anh em tôi. Nhiều người trong họ đã để lại cho tôi những ấn tượng khó quên, đã tạo cho tôi những rung động đầu đời trong lãnh vực “văn nghệ bình dân”. Người mà tôi nhớ nhất là anh bếp Tý, chủ nhiệm “câu lạc bộ pop” mà trụ sở là cái bếp nhà tôi, rộng độ 20 mét vuông, có tường và nền lát gạch men trắng toát. Ở đấy, cứ tối đến, những khi bố mẹ tôi vắng nhà “chẳng hẹn mà xuống”, tất cả những người “nông dân lên tỉnh” đã tập hợp nhau để trao đổi tâm tình. Tôi không thể quên những câu chuyện tiếu lâm tục mà thanh của anh bếp Tý. Nó gây cười cho cử tọa đến sặc sụa và người kể chuyện đôi khi bị mấy bà vú thưởng cho một cái phát nhẹ kèm theo câu : “khỉ gió cái anh này!” Anh chỉ cười, nhe đôi hàm răng vẩu và dặn tôi (lúc ấy cũng đã 5,6 tuổi) : “Đừng có về kể với ông bà nghe nhé!” Tôi phục nhất là cái tài bắt chước mèo đực, mèo cái đánh tiếng gọi nhau rồi gào lên như sắp phát điên. Từ cái cổ họng của anh, phát ra các tần số âm thanh, âm lượng, sắc thái, tình cảm lúc ngập ngừng, do dự, lúc mãnh liệt, sấn sổ, lúc nhẹ nhàng, êm dịu, lúc bốc lửa, dồn dập để đi tới cao trào…!
Sau này, học nhạc chính quy, để hình dung ra : p, mp, sf, con agitato…confuoco, crescendo, smorzando, Rall, Rit, Frulatto, Poco a poco, tôi thường nghĩ đến bài học của anh bếp Tý! Ôi giá mà anh biết tôi đã phải vất vả thế nào khi đánh vật với những bài học âm nhạc của ông thầy dòng (thầy Bích) : Moderato là chậm vừa? Allegreto là nhanh vừa? Allegro là nhanh? Vivace là hết sức nhanh? Nhưng nhanh thế nào? Vừa thế nào? Có lẽ chỉ có anh bếp Tý là người thực hiện được nó mà chẳng cần học hành gì ba cái tiếng Ý, mà càng dịch, càng giải thích càng…tối mù và xám xịt lí thuyết!...

Trở lại với cái “câu lạc bộ bình dân” ở nhà tôi…Chính từ đó mà tôi đã sớm làm quen với đủ thứ… “bình dân” hay có, dở có. Từ những câu đố tục mà thanh, tục mà tục, những truyện tiếu lâm hòan tòan để mà cười, tiếu lâm đả kích…đến những bài hát ví, hát chèo bằng “người thật việc thật” (vừa hát vừa diễn) những điệu “sẩm soan”, “hề gậy” mà anh bếp Tý vừa hát vừa dùng đôi đũa cả gõ lách cách leng keng vào chiếc nồi rang. Sau này, khi tôi được chính ông Năm Ngũ, bà cả Tam truyền dạy, các bài Sẩm soan, Hề gậy đã “vào” tôi không mấy khó khăn vì tôi đã từng bắt chước anh bếp Tý hát thử, gõ thử: “Gió cát trăng lân cái đêm đông trường…” từ thuở còn thơ rồi.
Thì ra chính những con người cụ thể, hát những điệu dân ca cụ thể đã làm tôi nhớ hơn, tác động vào tâm hồn tôi gấp nhiều lần những đĩa hát phát ra từ cái diaphrame (thời ấy máy chưa có loa) lạnh lùng.
Nhưng khắc sâu đậm nhất trong tôi và tới mãi bây giờ chính là cái không khí giao hòa, cái không khí tâm đầu ý hợp, thương yêu nhau giữa những người cùng cảnh ngộ. Chính từ nơi ấy, tôi đã được chứng kiến rất sớm một…cuộc tình mà tôi cho là đẹp nhất, chân thật và trong sáng nhất cũng như hợp lý,và… lô- gích nhất. Đó là cuộc tình giữa anh bếp Tý và vú Bích!
Thì ra cả hai “cây văn nghệ” bình dân này đã… “phải lòng nhau” ở cái câu lạc bộ nhà bếp nói trên. Nó được bắt đầu ra sao? Thế nào? Từ bao giờ? Tôi không biết, nhưng chỉ biết họ “phải lòng” nhau qua một cuộc trao đổi giữa bố mẹ tôi mà tôi nghe được! Mẹ tôi: “Phải tống cổ cả hai đứa. Để chúng nó ở đây, có ngày ễnh ruột ra thì mang tiếng”… Bố tôi: “ Nhưng đã bắt được chúng nó “trai trên gái dưới” gì đâu mà đuổi chúng nó chứ? Con bé (em Bích) đang quấn vú nó, thằng Tý thì thật là khó kiếm ai thay. Nó tháo vát, khéo xoay xở, đổi món ăn, lo cho cả trên mười miệng ăn chỉ cái loáng một cái là xong. Đừng làm thế, tội hắn!” Mẹ tôi: “Ai ở nhà mà biết chúng nó làm gì nhau? Làm sao tránh khỏi chứ? Mấy hôm nay con bé (em Bích tôi) bắt đầu diarrhée (ỉa chảy) rồi đó! Không thể để nó bú sữa con này được nữa đâu”…
Ngay ngày hôm sau, khi đi học trường sơ về, vừa tới cổng thì tôi thấy vú Bích, tay ôm mấy bộ quần áo gói qua loa bằng một tờ nhật trình, nước mắt lưng tròng, đi ngược lại phía tôi. Vú cui xuống ôm lấy tôi, hôn vào hai má tôi, nói trong tiếng nức nở: “Thôi! Cậu Hải ở lại nhé! Tôi về quê đây, bà đuổi tôi rồi!” Tôi thấy thương vú quá nhưng chẳng biết nói gì nên vội vàng chạy vào trong nhà cầm một trong số 4,5 con búp bê để trên kệ đi- văng rồi đuổi theo vú: “Này, của em Hải cho vú đấy, vú mang về cho bé vú ở ngòai quê”. Vú vội vàng gạt tay, giẫy nảy: “Ấy chết! Chớ làm thế! Bà biết được lại đánh đòn cậu đấy!”…Rồi vú lủi thủi, gạt nước mắt bước đi…Cái bóng dáng người đàn bà nhỏ bé, chậm chạp lê bước trên hè phố, đầu cúi gầm, tay gạt nước mắt đó bỗng làm tôi trào nước mắt.
Tôi chẳng hiểu đây là thứ xúc cảm gì? Tôi đâu biết nước mắt của vú là nước mắt của một cuộc tình tan vỡ? Hay là sự oan uổng? Hay là nỗi đau khổ, sợ hãi trước một tương lai mờ mịt của một con người. Tôi thương, (thương hại thì đúng hơn), một người đàn bà nghèo, chồng bỏ đi Tân Thế Giới, gửi con mình đi nuôi con người khác, nay bỗng chốc mất việc. Và nhất là, tuy vú nuôi em Bích nhưng vú yêu quý tôi, chăm sóc tôi còn hơn cả mẹ tôi nhiều. Hơn thế nữa, tuy còn nhỏ tuổi, nhưng tôi cũng thấy được sự ra đi của vú Bích sẽ kéo theo sự giải tán cái “câu lạc bộ bình dân” mà tôi rất yêu, rất thích này.
Và…quả là như thế, anh bếp Tý nhờ sự “ô dù” của bố tôi, tuy vẫn được ở lại nhưng cũng từ ngày vú Bích ra đi, anh ít nói, ít cười hẳn đi. Cơm nước dọn dẹp xong là anh tắt đèn, lên chiếc chõng tre nằm nghe từng đôi thạch sùng đuổi nhau trên trần mà thở dài và thỉnh thoảng lại chồm dậy hút thuốc lào vặt. Không bao giờ cái câu lạc bộ ám cúng và vui vẻ ấy còn họp lại được nữa.
Đôi lần, tôi có mon men xuống bếp đều bị anh Tý xua tay đuổi lên nhà: “Ông cấm! Không được xuống đây nghe chuyện bậy nữa đâu!” Chuyện bậy? Thế mà cũng là bậy sao? Cái “thắc mắc văn nghệ” đầu đời của tôi đã lần đầu nảy sinh. Còn chuyện anh bếp Tý và vú Bích cũng luôn làm tôi buồn và buồn mãi. Thương hại hai người, hai “vai chính” trong những đêm văn nghệ bình dân, đã mãi xa nhau, xa tôi. Thương anh bếp Tý trước vui vẻ, tiếu lâm suốt ngày nay cứ thờ thẫn như bị mất con, mất vợ.
Cho đến một hôm, anh gọi tôi xuống bếp, kéo tôi vào lòng nói nhỏ: “Ngày mai tôi đi rồi. Tôi đã xin ông bà nghỉ việc. Phải về quê làm ruộng thôi. Cậu ở lại học hành tiến tới nhé!” Tôi đủ thông minh để biết rằng anh nói dối: Anh không hề biết quê anh ở đâu. Chính bố tôi đã nhiều lần nói: “Thằng Tý mồ côi cha mẹ, đi ở từ thuở lên 5, nó chẳng có quê quán, họ hàng hang hốc gì nên nuôi nó trong nhà ít lo nó bỏ trốn!” Có nghĩa là anh không có quê, cũng chẳng bao giờ làm ruộng. Vậy anh về quê nào?
Mãi sau này, khi tôi đi bộ đội, trong một dịp hành quân qua một làng gì đó ở huyện Phù Dực, tình cờ tôi đã được gặp lại anh. Vẫn cái dáng người thấp nhỏ, cái bộ răng vẩu kể chuyện có duyên, tuy có già đi nhưng tôi vẫn nhận ra anh: Một chủ quán thịt cầy ở ngay đầu làng. Còn anh cũng nhận ra tôi: “Cậu Hải mỡ thuở nào”. Nhưng ngạc nhiên đến cùng cực là khi anh gọi to: “Bu mày ơi! Ra mà xem này, cậu Hải đã thành bộ đội này!” Khi “bu mày” bước ra, tay bồng một em bé độ 5,6 tháng tuổi thì tôi phải ngạc nhiên đến cao độ: chính là vú Bích!
Thì ra anh bếp Tý đã đi theo “tiếng gọi của trái tim”, đã bỏ nghề nấu bếp thuê, đi theo tiếng gọi của Tình Yêu. Tình yêu viết hoa hẳn hoi trời ạ! Anh đã về quê vú Bích, mở hàng thịt cầy, vượt mọi lời đàm tiếu, lấy hẳn vú Bích làm vợ, nuôi cả một đứa con riêng của vú Bích với người chồng đã bỏ xác ở Tân Thế Giới và còn sinh hạ được thêm 4 đứa con, đủ cả trai lẫn gái. Tôi thực sự mừng cho anh chị (lúc đó tôi đã gọi họ bằng anh chị).
Sau này tôi còn chứng kiến nhiều cuộc tình, nhưng chẳng có cuộc tình nào tôi thấy đẹp như cuộc tình của anh bếp Tý, vú Bích cả. Phải chăng cái câu lạc bộ bình dân ấy, cuộc tình đẹp và chân thật, chất phác, chung thủy tuyệt vời đó đã gieo trong tâm hồn tôi những cảm xúc nghệ thuật đầu đời. Cũng từ những nhận thức tự nhiên đó tôi đã tập tọe làm thơ rồi viết nhạc từ thuở 15,16 tuổi. Bài thơ “Thôi thế là tan giấc mộng vàng/ Nàng đi giữa lúc gió xuân sang…” đăng trên tiểu thuyết thứ bảy với bút danh Thái Bình Dương năm tôi 17 tuổi (1943) chính là tôi cảm xúc từ mối tình bếp Tý- vú Bích.
Bài hát “Có một nàng thôn nữ” (1944)…chính là tôi nói những tình cảm của tôi đối với những con người nông dân mà tôi yêu, tôi quý. Tôi cảm ơn cái “câu lạc bộ bình dân” ấy. Tôi cảm ơn cái mối tình ngang trái và kết thúc đẹp đẽ ấy, vì chính nó đã cho tôi những nhận thức, những tình cảm quý giá mà chẳng có một cuốn sách, một lớp học nào có thể mang lại cho tôi một cách sâu sắc và không phai mờ đến thế.
Những khám phá đầu tiên của Tình Yêu cũng từ đó bắt đầu. Tình yêu thật sự chân chính nghĩa là không kể tuổi tác hình thức, nghĩa là phải vượt mọi trắc trở, nghĩa là phải chịu đựng đủ mọi điều tiếng, nghĩa là phải mất để có, phải vượt để chiếm, phải giữ để còn…Cái anh bếp Tý nào có đẹp trai gì cho cam, người nhỏ thó, miệng răng hô, mắt toét nhèm…Vậy mà anh yêu một người phụ nữ đã có chồng, có con, hơn anh 3,4 tuổi. Còn vú Bích? Cái gì đã làm cho vú sớm quên đi anh chồng mất tích? Cái gì đã làm vú “phải lòng” anh bếp Tý? Nếu không phải mê anh về cái tài, cái duyên của một cây văn nghệ bình dân? Và họ đã thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái, thương yêu nhau đến lúc bạc đầu. Tôi nhận thức khá sâu sắc về tình yêu từ mối tình chất phác dễ thương đó…và đã thể nghiệm cả trong cuộc đời tình ái của bản thân. Nhưng đạt đến cái kết “có hậu” như cuộc tình bếp Tý + vú Bích thì quả là khó khắn, đôi khi vấp ngã đến tróc vẩy, trầy da mà chẳng tìm được tình yêu lý tưởng. Tôi sẽ kể lại trong những chương sau…
* *
*

Bản thảo đánh máy đầu tiên chỉ có thế, đuợc gửi đi”, hiền như ma-sơ”, để “thăm dò” xem người ta “đổi mới tư duy”, khuyến khích” không uốn cong ngòi bút”(tbt N.V Linh)…vv…và vv. Cuối cùng cũng không được chấp nhận….
Buộc tớ,10 năm sau bằng con đường ÚSB, gửi ra nước ngoài (với những sửa chữa bổ xung, quan điểm cứng rắn hơn nhiều) cốt chỉ để 6 đúa em và mẹ tớ (lúc ấy còn sống) hiểu ra rằng:Tớ không phải là cái ông TÔ HẢI, vụ trưởng Vụ Nghệ Thuật (trùng tên một cách lạ lùng) mà tha thứ cho thằng con lầm đường lạc lối mà giá đình xích lại gần nhau, yêu thương nhau như xưa. (Điều này đã thành hiện thực)
Di cảo còn lại, hôm nay theo yêu cầu của nhiều friends trong và ngoài nước, tớ chỉ” chiều” được có thế mà thôi. Ngoài ra xin chờ ngày..tái bản hoặc những ai có bản in chính đánh máy post lên Internet (ăn cắp một cách…dễ thương nếu không cắt cúp, thêm bớt, xuyên tạc).

Đây là toàn văn Email của Tổng Thư ký báo An Ninh Thế Giới xin lỗi về chuyện có môt tay viết bậy bạ về đời tư của tớ trên tờ ANTG, kèm theo mong ước sớm được đọc HKCMTH của tớ và tớ lập tức “đáp lễ vào….không khí”./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.