Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

NỖI TRUÂN CHUYÊN CỦA MỘT TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ CỦA NÓ

NỖI TRUÂN CHUYÊN CỦA MỘT TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ CỦA NÓ


Entry này không nằm trong chương trình “Kể chuyện xưa” của tớ.Nhưng ngày 3/3/2009, báo Thể Thao Văn Hóa đã đăng một bài viết của giáo sư Nguyễn Lân Hùng (với tư cách hội viên Hội Âm Nhạc Hà Nội),bày tỏ suy nghĩ về việc sử dụng tác phẩm trong chương trình kỷ niệm 50 năm bộ đội biên phòng.Tác giả bài viết có nêu lên một sự bất hợp lí khithấy một bản hợp xướng lớn được dàn dựng chào mừng ngày kỷ niệm lại không phải là “Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy” của Tô Hải( đã bị xếp xó lâu nay). Trái lại, “một dàn hợp xướng khổng lồ” của quân đội ­đứng oai nghiêm lại cất lên tiếng ca của một bài hớp xướng của một… ông tướng nào đó “có cái tên rõ dài nhưng phần đuôi vẫn có cụm từ người chiến sỹ biên phòng”. Tác giả vẫn hy vọng đó là bản hợp xướng của Tô Hải mà người ta đã giới thiệu sai đi (trích nguyên văn bài viết trên báo…)


Cả ngày mùng 3 và mùng 4 tớ nhận được hàng chục cú telephone và message gửi cho tớ bày tỏ sự bất bình và phẫn nộ.

Sự thật về bài hát “Tiếng hát chiến sỹ biên thùy” của tớ là : vừa ra đời đã có nhiều kẻ muốn giết nó rồi chứ đâu phải chờ đến ngày kỷ niệm 50 năm mới công khai thay thế nó. Lí do:

1) Tớ dám viết một hình thức âm nhạc chẳng “vô sản” tí nào, chẳng “đại chúng” tí nào, sặc mùi “ kỹ thuật thuần túy” giữa những năm 1957-1958, những năm mà giàn nhạc giao hưởng và hợp xướng chưa hề có ở Việt Nam

2) Nội dung thì thiếu tính chiến đấu, ca ngợi chung chung, tình cảm lãng mạng và nguy hiểm nhất là tại sao tớ lại nêu lên cái chuyện giữ gìn biên cương tổ quốc trong lúc biên cương giữa ta và Tàu đang “ Núi liền núi, sông liền sông”, “hai bên cùng nghe một tiếng gà gáy??? Còn biên cương với nước Lào, với miền Nam Việt Nam thì gần như ....không thấy đề cập gì?

3) Huy động cả bốn năm đoàn văn công lẫn quân nhạc và hơn một trăm diễn viên hợp xướng để dàn dựng một tác phẩm giữa những năm 58-59, nếu không là ảo tưởng thì cũng là….điên rồ!

4) Kèm theo đó là những thứ dè bỉu, chê bai của các vị “nhạc sỹ “mà sáng tác thì không cần…son-phe, tòan vận dụng những lý luận “văn nghệ Diên An” ra để ngăn cản tớ. Nào là “ quân đội ta không quen nghe những bài hát nhiều bè”, dàn nhạc giao hưởng là “sản phẩm của phương Tây”…!?. Thậm chí còn có kẻ ác ý cho rằng :tớ lợi dụng hòan cảnh của một số “ông to” đang có hướng… “xét lại” (cụ thể là Lê Liêm lúc này đang học sáng tác nhạc, Võ Nguyên Giáp cũng đang học piano) ủng hộ nên tớ đã tranh thủ thời cơ để … tự đề cao mình…!!!

Tuy nhiên, (như một entry tớ đã viết) trong lúc ":xét lại- xét đi", "bảo thủ-, tiến bộ" đang ở trong cơn tranh cãi không ai thắng ai, một số anh em văn nghệ sỹ chúng tớ đã dựa vào cái tình thế “nửa dơi nửa chuột” này mà cứ dấn tới.... và hơn thế nữa, hai chuyên gia dạy âm nhạc cho bọn nhạc sỹ quân đội chúng tớ (như Lương Ngọc Trác, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Nguyên Nhung, Văn An…)lại là người Triều Tiên, “con của bác Kim” chính gốc thì ai mà dám bảo rằng con bác Kim lại mang “âm nhạc xét lại” sang gieo rắc ở nước Việt Nam. Thế là đấu đá từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên để đi tới một quyết định có dàn dựng tác phẩm “Tiếng hát biên thùy “quá phức tạp” của Tô Hải hay không.?

Cuối cùng thì, phe ủng hộ đã thắng thế ….tạm thời.Và đúng ngày 22/12/1959. Tác phẩm Tiếng hát biên thùy đã được ra mắt công khai và rất hoành tráng giữa nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Đến dự, không thiếu một ai trong các vị lãnh đạo, (trừ cụ Hồ) Tòan bộ khán giả đứng lên vỗ tay hồi lâu …, Chuyên gia Mao Vĩnh Nhất-giáo sư dạy sáng tác và Triệu Đại Nguyên,g/s dàn dựng và chỉ huy- cúi chào khán giả và ngẩng lên lô giành cho tác giả -như ở các nước- ,thì... chẳng có ai vì ...tớ đâu có được mời !? (Các friends chờ đọc hồi ký của tớ)

Sau đó “dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng vay mượn tạm thời" đó còn được biểu diễn mấy tối tại “Nhà hát nhân dân” để đông đảo quần chúng được lần đầu tiên, thưởng thức "thử” hình thức âm nhạc mà người ta gọi là “xa lạ”, không “quảng đại quần chúng” và đầy “kỹ thuật chủ nghĩa” ,thậm chí "sặc mùi tư sản phương Tây"...này. Nào ngờ ,tất cả các phương tiện truyền thông (thời đó chỉ có báo chí và đài phát thanh) đều không tiếc lời khen ngợi. Đặc biệt, tất cả đều nhấn vào vấn đề: không phải là quần chúng không biết nghe âm nhạc nhiều bè, không biết thưởng thức ngôn ngữ của bộ gỗ, bộ đồng, bộ dây,vấn đề chỉ là nghe có hay hay không,có truyền cảm hay không?…Đặc biệt là khi Đài phát thanh TNVN tranh thủ thu thanh trước khi dàn nhạc và hợp xướng giải tán.Không có studio đủ sức chứa gần 200 con người thì..đưa nhau ra rạp chiếu bóng Tháng Tám, vẻn vẹn chỉ có 2 cái micro do kỹ sư Trương Tấn Mầu trực tiếp thực hiện. Và sau khi được phát lên sóng thì chiến sỹ ở đủ các quân chủng (đặc biệt là bộ đội biên phòng) đều gửi thư về khen ngợi tớ tới mức ông đưa thư cũng phát ngạc nhiên vì chưa thấy có cá nhân nào nhận một lúc nhiều thư đễn thế!.Và “bản hợp xướng mà hễ nghe dàn nhạc vang lên là cả hàng triệu người bỏ hết công việc đang làm để đón chờ…” như Nguyễn Lân Hùng đã viết, quả là có thật.Nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Thường, phụ trách chương trình âm nhạc theo yêu cầu của đài phát thanh TNVN cho biết: “Nếu cứ trên 10 yêu cầu mà phát thì “Tiếng hát biên thùy” của ông sẽ chiếm sạch chương trình của đài mất!”. Có những bức thư gửi về tổng cục chính trị đề nghj tặng thưởng cho tác giả Huân chương quân công cao quý nhất vì đã có công “nói hộ anh em chiến sỹ biên phòng những gì là sâu kín nhất trong trái tim người lính”

“Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy” do đó được quần chúng bảo vệ nên cứ tồn tại. Dù không ít kẻ “ ghen ăn tức ở” đã muốn “khai tử” nó ngay trong trứng nước. Nó tồn tại không chỉ trên bản thảo mà cả trong âm thanh nhờ đài phát thanh còn lưu giữ cho đến hôm nay . Nhà xuất bản Supraphon của Tiệp Khắc in riêng một đĩa 45 vòng/phút đã bán hết sạch năm nghìn đĩa trong một tuần….

Sau những ngày “hoàng kim” ngắn ngủi đó, các diễn viên hợp xướng, nhạc công được trả lại đơn vị cũ. “Tiếng hát biên thùy” chỉ tồn tại nhờ NSND Lê Đóa tại Đòan ca múa TCCT nhưng chỉ còn lại có...có hai chương 2 và 4. Chẳng kể gì đến hình thức âm nhạc chính qui ,chẳng cần đối tỷ đối tiếc gì hết!Miễn là “không làm mềm lòng chiến sỹ” ở cái chương 3. Hai chương được biểu diễn là hai chương theo một số người “không có vấn đề” gì lắm ,trừ mấy chữ cần sửa như “rừng biên cương xưa đã bao phen ngăn chân quân thù” thành “rừng biên cương xưa mến yêu xưa”… hoặc “rừng biên cương có tiến vang vang còi tàu”…. Tòan là những thứ “bới bèo ra bọ” chứ thật tình, tớ đâu có nhiều ý nghĩ sâu sắc gì về quân xâm lược Tàu như ngày nay đâu, (kể cả từ khóa VI khi người ta bỏ cái chữ Trần Quốc Tuấn ở trường lục quân của tớ đi,mà chỉ gọi là Trường Lục Quân 1,2…).Cái khái niệm về biên cương Tổ Quốc những năm 50 ,với tớ , chỉ là biên cương phía Bắc ,ranh giới cần bảo vệ giữa Ta va Tầu thôi mà,chứ miền Nam,Lào,và biển Đông thật sự không hề có trong tim,trong óc tớ như ngày nay (lúc ấy tớ mới chỉ có lên...29 thôi mà!)

Thời gian qua đi… Lớp nhạc sỹ Hoàng Vân,Chu Minh,Đàm Linh,... từ các nhạc viện nước ngoài sau đó lục tục về nước,và thế hệ tiếp theo thuộc lớp con em chúng tớ như Đỗ Hồng Quân,Đặng Hữu Phúc,Trọng Đài...cũng tiếp tục theo nhau trở về...Họ đã viết được nhiều tác phẩm dài hơi,những loại hình sáng tác còn "kỹ thuật chủ nghĩa,-tư sản phương tây" hơn tớ nhiều.Nhưng kỷ niệm về cái thời xa xưa của "Tiếng hát biên thùy" những năm nước ta không biét gì về âm nhạc ngoài các bài hát đơn điệu hoặc đồng ca có bè (mà nhiều người cứ gọi nhầm là hợp xường )té ra vẫn còn trong tâm trí của khá nhiều người như giáo sư Nguyễn Lân Hùng...

Bao thế hệ chiến sỹ biên phòng ngày nay ,kẻ mất người còn liệu còn mấy ai nhớ tới “Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy” nữa? Ngay bản thân tớ cũng chẳng còn thắc mắc băn khoăn gì vì chẳng phải chỉ một mình tớ phải chịu “ ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh” cùng tác phẩm của mình.GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC của một tác giả của một tác phẩm (nếu nó thật là giá trị) thì dù có ai muốn vùi dập thế nào, trước sau sẽ được lịch sử ghi nhận và phục hồi.Gõ đến đây,tự nhiên tớ lại nhớ đến những đồng nghiệp ,đồng ngũ của tớ đã một thời "phục vụ quân đội giải phóng quê hương,nhưng vì không chịu nổi những cách phê phán ngu dốt và "lạp xường tù mù hách xì xằng" về "văn nghệ vô sản" mà đành phải gác bút,chuyển nghề thậm chí "come back to Hanội,to Saigon",mang cái tiếng là "phản bội",là "không chịu đựng được gian khổ" nên ...trở cờ...Tớ tự thấy mình đang còn có.. Chúa và nhiều người ủng hộ thật!

Tớ thật sự cảm động khi kỉ niệm 20 năm, 30 năm thành lập bộ đội biên phòng, đều được các “đồng chí” cũ, các lãnh đạo cũ gửi thư thăm hỏi thậm chí đến tận nhà tặng quà,tặng tiền và cùng tớ ngồi nghe lại bản cantate viết 52 năm trước .Câu: “Một vị tướng đã nói với tôi là khi nghe bản hợp xướng của Tô Hải nhiều anh em chúng tôi đã ứa nước mắt” (Của Nguyễn Lân Hùng viết trên TTVH) chỉ là một ví dụ có thật đã diễn ra ngay ở nhà tớ. Nhưng những giọt nước mắt đó đối với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng…Người thì nghĩ tới một thời oanh liệt xa xưa…nay còn đâu nữa..Người thì nghĩ tới những đồng đội đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất Tổ Quốc mà hôm nay không được ai nhắc tới,không được kỷ niệm lễ lạt gì….Đối với tớ,khi cùng nhỏ nước mắt với họ trong những dịp này ,chính là những giọt nước mắt nhớ về số phận truân truyên,lên voi xuống chó của những người văn nghệ sỹ muốn làm văn nghệ đích thực nhưng đôi khi phải đánh đổi bằng cả số phận khốn khổ,cay đắng của mình….Sự đánh đổi đó là:Những nhận xét sau đây trong lý lịch: "Luôn phản ứng có hệ thống đối với cấp ủy"...."luôn phản ứng với cấp trên" .Hai năm chịu đựng,ngậm đắng nuốt cay bị "đày"đến một đoàn văn công vùng đầu cầu giới tuyến Nam-Bắc,không gíao hưởng,không hợp xướng, không còn được viết những gì mà mình muốn viết...Nó đưa tớ tới một quyết định liều mạng là :Quyết tâm rời khỏi quân ngũ và rời luôn cái danh vị "đảng viên Đảng lao động Viêt nam" bằng mọi cách có thể....Và tớ đã tạm thời thành công trong một thời gian khá dài....(xin chờ đọc ở hồi ký tớ sắp công bố một ngày gần đây)_

Và đây, bản Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy thu từ thời mono, friends nào muốn hiểu quá khứ đau khổ của người sáng tác như tớ hãy dowload về mà nghe

(#)Tớ xin thành thật xin lỗi về cái tít đã bị con tớ gõ nhầm "tác giả thành tác phẩm" mà khi edit, tớ đã không chú ý.Mong cac trang web đã repost bài này hãy sửa chữa dùm

Và đây bài viết của giáo sư Nguyễn Lân Hùng, người đã từng là "hợp xướng viên nghiệp dư", từng đoạt huy chươngvàng trong các hội diễn cũng như các sinh viên thời đó như Hà sỹ Phu, Trần mạnh Hảo, Bùi minh Quốc,....nhờ yêu thích và bảo vệ tác phẩm THNCSBT:

 Nguồn: TTVH Saigon

(TT&VH) - LTS: TT&VH đã nhận được bài viết của ông Nguyễn Lân Hùng, và với tư cách Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, ông bày tỏ suy nghĩ về việc sử dụng tác phẩm trong chương trình Kỷ niệm 50 năm bộ đội biên phòng vừa qua. Xin được trích giới thiệu cùng bạn đọc:
Đêm 28/2/2009, đài Truyền hình Việt Nam đã truyền hình trực tiếp đêm giao lưu nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bộ đội Biên phòng.
Trên sân khấu, một dàn hợp xướng khổng lồ của quân đội đứng oai nghiêm. Tôi hồi hộp theo dõi. Ngỡ tưởng người ta sẽ trình diễn bản hợp xướng Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải. Đấy là bản hợp xướng mà hễ nghe thấy nhạc dạo vang lên là hàng triệu người sẵn sàng bỏ hết công việc đang làm để đón chờ. Bản hợp xướng tuyệt vời ấy sống mãi trong lòng biết bao thế hệ bộ đội biên phòng và mọi người dân của cả một thời oanh liệt. Đài Tiếng nói Việt Nam đã từng lấy nó làm nhạc hiệu…
Nhưng không, người ta đã đưa ra một bản hợp xướng khác. Bản hợp xướng này có tên rõ dài nhưng phần đuôi vẫn có cụm từ “…người chiến sĩ biên phòng”. Tôi vẫn hy vọng, đó là bản hợp xướng của N.S Tô Hải mà họ đã giới thiệu lệch đi.
Thế rồi, tôi hoàn toàn thất vọng. Người ta đã thay vào vị trí đáng lý phải là bản hợp xướng Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải bằng một bài hợp xướng khác... Cứ cho rằng bài hợp xướng này ngang bằng với bài của Tô Hải đi thì cũng nên nghĩ rằng, đây là một buổi giao lưu có tính chất lịch sử, đây là giờ phút tôn vinh truyền thống hào hùng của bộ đội biên phòng. Chúng ta phải biết nhường bước cho những người đi trước, những người đã có đóng góp to lớn vào lịch sử của bộ đội biên phòng trong suốt 50 năm qua. Tại sao trong dịp lễ trọng đại này, ta lại quên đi bản hợp xướng của nhạc sĩ Tô Hải.
Nếu bản hợp xướng mới này là hay thì ta hãy cho nó vào chương trình giới thiệu tác phẩm mới. Tại sao lại chen nó vào vị trí đáng lý phải là tác phẩm của nhạc sĩ Tô Hải.
Hồi trẻ, chúng tôi là sinh viên và đã tham gia dàn dựng bản hợp xướng của Tô Hải cho đoàn hợp xướng của trường đại học. Chúng tôi đã giành huy chương vàng trong nhiều hội diễn. Mọi người đều biết, giải thưởng mà mình được nhận một phần là do giá trị của tác phẩm. Cả về ngôn từ và giai điệu trong bản hợp xướng của Tô Hải đều rất tuyệt vời. Một vị tướng đã nói với tôi: “…khi nghe bản hợp xướng của Tô Hải, nhiều anh em trong chúng tôi đã ứa nước mắt…”. Điều ấy đủ để chúng ta hình dung nên giá trị nghệ thuật và nhân văn của tác phẩm mà Tô Hải đã để lại cho đời.
Rất tiếc, tôi chưa một lần được gặp nhạc sĩ Tô Hải. Tôi không hình dung được mặt mũi của ông thế nào. Chắc ông đã già. Cho dù nếu như thời gian đã làm cho hình thể của ông thay đổi, thì đối với chúng tôi, ông vẫn là một thần tượng, một con người mà chúng tôi hết sức kính phục và quý mến. Tác phẩm Bài ca người chiến sỹ biên thùy của ông là niềm tự hào chung cho nhân dân cả nước, cho lực lượng biên phòng mà suốt 50 năm qua không một lúc nào được rời tay súng.
Đến tận bây giờ, tôi cũng không biết nhạc sỹ Tô Hải sống ra sao. Nhưng với chúng tôi, ông sống mãi trong tâm can.
Nguyễn Lân Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.