Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

GẶP LẠI CÁC “CỤ CHIẾN SỸ” ...

GẶP LẠI CÁC “CỤ CHIẾN SỸ” CÒN SÓT LẠI THỜI 9 NĂM


Mấy tuần nay cái lưng khốn khổ của tớ không cho phép ngồi ki-bót “kể chuyện xưa” cho các bạn vẫn hàng ngày thúc giục tớ “Sao lâu thế?” “Cụ, ông, chú lại bị ốm à?”, "Quoi de neuf?"… Sự thật thì tớ chỉ chờ con tớ nó bớt bận học thi, học thêm, học.. đủ thứ vô bổ… giúp tớ gõ một vài entry nhưng nó không sao có thì giờ. Hôm nay, giỗ tổ Hùng Vương, thế là phúc… tổ cho tớ, nó bỏ được ít thì giờ ngồi vào keyboard... Đề tài thì quá nhiều, chuyện xưa chuyện nay, chuyện nóng hổi, chuyện thời sự, chuỵện "vô lý không có lẽ", chẳng biết nên ưu tiên cái gì. Thôi thì lại bắt đầu câu chuyện vừa “xưa” vừa “nay” vậy. Đó là câu chuyện về những số phận khác nhau của các ông tướng, ông tá thời kì kháng chiến 9 năm. Câu chuyện bắt đầu thế này.

CUỘC GẶP GỠ CỦA NHỮNG ÔNG GIÀ- CHIẾN SỸ BỊ “ĐẠN CHÊ”.

Tớ đang nửa nằm - nửa ngồi lướt net thì có chuông bấm…. Tập tễnh chống gậy ra mở cửa thì trời ơi, 7 lão già đều tóc bạc, răng rụng ùa vào. Ông nào cũng tươi vui cười hố hố. Có ông lại còn cất tiếng hát bài “Trường lục quân đang cần lính đánh Tây”của tớ “phịa” ra năm xửa,năm xưa… Tớ chỉ nhận ra được có 2 người đang sống tại thành phố HCM thỉnh thoảng có liên lạc với tớ bằng telephone. Còn lại mấy ông kia tớ chẳng biết là ai cả. Mãi đến khi họ tự xưng tên thì mới dần dần hình dung ra cái anh chàng Thiệp đẹp trai hát hay ở cùng đại đội tớ…, chú Vân bé nhỏ nhưng thoăn thoắt vượt nhanh lên đỉnh Bảng Vương trước cả mọi người trong các cuộc diễn tập công kiên chiến, nhận ra “sư cụ” Đắc Nho, luôn có bộ mặt mô phạm của một chính trị viên … Thì ra để chuẩn bị cho kỉ niệm 60 năm khóa tổng phản công (1949-2009), trường sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn, “Ban liên lạc” (chẳng biết do ai bầu ra, do ai tài trợ?) dự định làm 1 cuộc gặp gỡ truyền thống “ra trò”. Nghe đâu có công lớn của 1 đồng khóa có uy tín nhất trong xã hội và đã từng là đại biểu quốc hội, trung ương ủy viên, trung tướng tư lệnh trưởng quân khu, tổng thư ký hội cựu chiến binh Nguyễn Quốc Thước (nhưng tất cả đều là …“nguyên” thôi vì nay đã… “về vườn”hết cả rồi.). Nhân dịp đi tìm những nhân chứng còn sót lại, 3 cụ tận Hà Nội đã lọ mọ vô Sài Gòn. Và nhờ vào đứa con của một ông đại tá nay giàu lên do đổi mới mà trở thành… tư bản thời kỳ đổi mới, có trong tay cả ngàn công nhân nên các cụ có ô tô đi tìm người xưa còn sót lại giữa rừng cười,…rừng khóc…. Thật là cảm động khi nhìn thấy nhau: Những chàng thanh niên “có học” hay nói đúng hơn là những chàng trai “tạch tạch xè” thuở nào nay vẻn vẹn chỉ còn sót lại không quá 10 người ở cái đất Sài Gòn này. Ấy vậy mà cũng chỉ “vét’ được có 3 cụ đủ sức ngồi xe Tu-bin đi bàn nhau làm gì cho ngày kỉ niệm sắp tới? Còn lại 3 cụ thì một cụ điếc đặc chẳng nhớ ai vào ai nữa. 1 cụ kiên quyết không kỉ niệm kỉ niếc gì cả nên xin rút lui, một cụ thì đang nằm bất động hơn 1 năm nay do tai biến mạch máu não. Duy có mình tớ tuy xẹp 3 đốt sống lưng, tiếp khách nửa nằm nửa ngồi lại là người còn đầu óc sáng suốt nhất. Vì lí do này, các cụ còn sót lại đã chọn địa điểm là nhà tớ để đổ bộ vào lấy ý kiến quyết định có nên làm gì ở thành phố này không? Lợi dụng cơ hội hiếm có này lại lên cơn đau… buồn vì thấy mình quá cô độc, tớ mới tuyên truyền cho các “cựu chán binh” một lọat suy nghĩ về thời cuộc mà chỉ qua vài ý kiến thăm dò tớ đã thấy được các cụ đang còn quá… “ u u minh minh”

INTERNET CÁI DZỐNG DZÌ DZẬY?

Nhân tiện laptop của tớ chưa shut down, tớ giới thiệu để các cụ xem một lô ảnh mà đồng hương Thanh hóa của tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã chụp nhân dịp đến thăm tác giả “Mênh mông tình dân”. Nhìn cặp ngà voi to tổ đùng đang ôm gọn tấm chân dung nguyên tổng bí thư. Nhìn cái trống đồng “O-la-zin” bầy chình ình giữa phòng khách…, nhìn bức tượng đồng nguyên TBT to gần bằng tượng Hồ chủ tịch ở nhà khách chính phủ, nhìn mảnh “vườn tự động” dành riêng cho bữa ăn của TBT…, các bạn có biết các cụ đã có những ý nghĩ khác nhau thế nào không?

- Cụ A: Có thiệt thế không? Liệu có phải là ảnh lắp ghép không nhỉ?

- Cụ B: Đây là bọn phản động nó bịa ra nhằm bôi xấu Đảng mình đó thôi!

- Cụ C: Có đấy! có đấy! Tớ mới được xem cái này tuần trươc do con tớ, thỉnh thỏang thấy gì “hay hay”, nó thường gọi tớ vào phòng riêng cùng nhau xem rồi bình luận rất là… dân chủ…! Tuy nhiên, vì nó đang là bí thư Đảng ủy của một công ty lớn nên nó luôn thận trọng dặn dò tớ: “bố biết vậy thôi. Chẳng nên nói lại làm gì, rách việc lắm, để xem "các cụ" xử lý thế nào khi chuyện này được tung hê lên internet. Quả là xấu xa nhục nhã cho một Tổng bí thư của một Đảng vô sản lấy chủ nghĩa Mác Lê Nin là mục tiêu đấu tranh suốt đời”!

Tớ vừa giả vờ “ngây thơ cụ”đặt ra một câu hỏi; “Nếu những tấm ảnh này là có thật thì sao nhỉ? ….” Thì chẳng cụ nào hỏi ý kiến cụ nào đều hăng hái phát biểu: “Thì cho “Nó” vào… tù chứ còn sao nữa. Tội tham ô tài sản quốc gia rõ rành rành như ban ngày. Chẳng còn đường chối cãi…” Có cụ còn nói: Cái thằng nào nó chụp những tấm ảnh chết người này quả là “chơi khăm” anh Phiêu và uy tín của Đảng dễ sợ!” Một cụ thận trọng hơn: “Để xem các bố ở Bộ Chính Trị xử lý vụ này thế nào!... Tớ vội báo cáo bổ xung: “Xử lý rồi, xử lý rồi!”…. Và thông một cái tin cũ với tớ nhưng… mới toe với các lão đồng chí của tớ biết rằng: “BCT đã giao cho ông Lê Hồng Anh ‘điều tra làm rõ’…. KẺ NÀO Đà CHỤP VÀ ĐƯA NHỮNG TẤM ẢNH CÓ HẠI CHO ĐẢNG LÊN INTERNET,… chứ không phải là điều tra xem chú Phiêu lấy đâu ra tiền mà sắm sửa những thứ đáng giá cả triệu đô la đâu!... Thế là gần như tất cả các cụ, chẳng ai bảo ai, đều buông tiếng thở dài: “Nếu thế thì… khốn nạn cho cả nước đến nơi rồi!...” Tuy nhiên vẫn có một cụ lẩm bẩm: “Nguy hiểm thật! Anh-te-nét, chị-te-nét làm gì để rồi… (xin lỗi tớ viết nguyên văn), đánh phát rắm cả thế giới cũng có thể biết tường tận! Theo tớ, Tô Hải cũng chẳng nên nét, niếc suốt ngày làm gì… Biết lắm thêm khổ mà thôi! Chẳng giải quyết được gì mà chỉ tổ lên tăng-xông mà chết bất đắc kỳ tử như mấy thằng Thái, thằng Bảo Tân… (đều dân khóa V, tổng phản công cả) năm vừa rồi mất. Hoặc ‘điên khùng’ như thằng Phạm Quế Dương, mới định ‘hoạt động’ bằng cách trả thẻ Đảng để lập Đảng này, Hội nọ… Chưa được cái tích sự gì thì đã… đi tù… mang tiếng là một đại tá ‘phản động’… Bạn bè chẳng ai dám đến thăm… Ấy vậy mà bây giờ vẫn cùng các bố ‘có vấn đề’ còn đứng ra làm báo ‘Tổ Quốc’… chui… mới… bỏ mẹ chứ! Đúng là… ‘khùng’ hết chỗ nói..”.

Thấy cuộc “thăm dò tư tưởng” những người bạn chiến đấu cũ như thế cũng khá đầy đủ, tớ bèn đóng laptop và chuyển sang một đề tài khác, khá là hấp đẫn với các cụ.

NHỮNG ĐỒNG ĐỘI XƯA AI CÒN AI MẤT?

Chủ đề này cũng do tớ chủ động gợi ra. Nó có vẻ thuần túy “tình cảm” hơn là chuyện chính trị. Điểm danh lại tất cả những học viên “khóa V tổng phản công” xem thằng nào sống thằng nào chết có vẻ như chỉ là chuyện nhắc lại với nhau cái tình đồng đội thời “cơm, cơm, cơm, cơm…. cơm cà. cơm, cơm muối, cơm nước suối cùng là cà chua…”, nhưng mặn nồng tình đồng chí, ấm áp tình người mà thôi, nhưng hóa ra lại biến thành một cuộc điểm danh những cái chết đến… hồn nhiên, ngây thơ và đôi khi, đến …tội nghiệp của những con người đã quyết tâm ra đi mang theo ước mơ về một “Mùa Không Biên Giới”!.. Và thật bất ngờ khi nhắc tới tên những người quá cố của dân Lục Quân Khóa V, tổng phản công cánh tớ, chẳng một thằng nào được chết… có tiếng tăm, tất cả chỉ là những “chiến sỹ vô danh”, chẳng có chiến công nào có thể “đi vào trang sách các em thơ” như trong bài hát “Bế văn Đàn ơi” của Huy Du cả! Chẳng mấy anh được đưa tin, cáo phó… trên báo, trên Đài… Thậm chí, các cụ còn thông tin cho nhau biết những cái chết rất tức tưởi của đồng niên, đồng khóa của mình, những cái chết đã từ lâu gây nên 1 vị đắng giống nhau trong tâm hồn của 7 cụ già, nhưng chưa có dịp chia xẻ cùng nhau… Ngòai những cái tên ngã xuống nơi chiến trường ngay từ trận đầu, khi vừa tốt nghiệp ra trường như Nguyễn Xiêm, Đăng Ích, Minh Thái… thì chính những người chết trong hòa bình lại là những cái chết chua chát nhất trong những người đồng khóa của tớ. Đó là cái chết âm thầm không ai biết của Vũ Khuê, thủ khoa khóa tớ, được nhận thanh kiếm của Hồ chủ tịch, được cử vào miền Nam chiến đấu ngay đầu năm 51. Tiếc thay anh không chết nơi chiến trường mà lại… bị địch bắt đưa ra Côn Đảo. Đến năm 54, khi trao trả tù binh tại Sầm Sơn, sau 8 tháng “học tập”, anh cùng một số đồng chí khác bị tố là “đầu hàng địch” trong thời gian bị giam cầm. Và cuối cùng, anh bị tước hết mọi quân tịch, Đảng tịch, trở về thành một phó thường dân làm nghề… dập gác-đờ-bu, gác-đờ-xen xe đạp ở đầu đường Hàng Thao Nam Định! Khi anh chết, không một lời cáo phó, chẳng đồng đội nào biết tin mà có biết tin cũng chẳng dám đi đưa. Thật tình ra thì chuyện “đầu hàng” cũng chẳng hiểu là các "đồng chí" tố… nhau đúng hay tố sai nữa!? Có một điều ai cũng biết là: Khối kẻ tố đồng chí mình sau đó đều thăng quan tiến chức vù vù..!

Người đồng đội, đồng khóa thứ 2 cũng có 1 cái chết trong hòa bình khá là bi thảm. Đó là Vũ Đắc Thế. Số phận của anh là cả một thiên tiểu thuyết hùng ít, bi nhiều. Đánh đông dẹp Bắc, “đạn chê”, nên anh không chết nơi chiến trận nhưng lại chết tại... “Xóm liều” nổi tiếng ở quận Thanh Nhàn Hà Nội. Số là: Ngày 3 tháng 12 năm 1970 anh đã được về hưu vì sức khỏe suy yếu với cấp bậc trung tá. Tưởng rằng trở về quê hương, sống những ngày tháng còn lại bên cạnh một người vợ là chị Lê Thị May cùng 2 con trai Vũ Đăng Lâm (6 tuổi) và Vũ Đăng Canh (3 tuổi) tại quê hương Phú Thọ sẽ là niềm hạnh phúc với anh đến cuối đời. Nào ngờ tai họa đêm 13/9/1971 ập đến! Giông tố, thần lũ bất ngờ phá đê sông Sỏi, tràn đê sông Thương, quét sạch một vùng dân cư, cuốn trôi tòan bộ nhà cửa của nhân dân ven đê. Anh Thế đi vắng nhưng khi trở về thì… vợ anh và 2 đứa con cùng tòan bộ gia sản đã trôi theo dòng nước. Nỗi đau mất tòan bộ gia đình và tài sản, trong đó có đầy đủ giấy tờ chứng nhận huân chương, huy chương,... của anh đều bị trận lũ cuốn đi không còn một… tang tích. Anh như chỉ còn như một cái xác không hồn. Hai bàn tay trắng, anh lang thang về Hà Nội tìm bạn bè, đồng đội cũ để xin chữ ký chứng nhận “mình là ai” thì lại gặp phải một nỗi đau lớn hơn là: Cầm một lô chư ký không dấu (về vườn cả, ai còn có dấu!) gõ cửa cơ quan có thẩm quyền nào Thế cũng chỉ gặp tòan những bộ mặt vô cảm, với những câu trả lời lạmh lùng “Không biết! Cục tổ chức cán bộ không quản lý cán bộ cấp Trung Đoàn!”. “Ở đây,không có tài liệu, sổ sách ghi chép gì về quá trình tham gia cách mạng của anh!”… Lang thang ờ nhờ bạn bè mãi cũng… kỳ. Anh bèn lặng lẽ đén “Xóm Liều” dựng một túp lều nằm… chờ đợi.. cả gần hai năm trời mà chẳng nhận được một hồi âm nào. Và anh đã thấy hết mọi hy vọng ở các tổ chức Đảng và quân đội với một “lớp trẻ”, chẳng hề biết ai vào ai, kể cả các tướng tá đã chứng nhận anh là đồng chí cũ, là bạn chiến đấu, là cùng đơn vị với anh. Hơn thế nữa, anh còn phải lo miếng ăn cho bản thân bằng đủ các thứ nghề, từ thợ nề, thợ mộc, từ dạy học không lương cho trẻ em Xóm liều đến làm công tác xã hội ở một diểm dân cư phức tạp bậc nhất Hanội .Ây vậy mà, khi biết tớ đang điều trị đông y tại bệnh viện bác sỹ Nguyễn Tài Thu, gần như sáng nào anh cũng tới thăm tớ với một chiếc bánh chưng lủng lẳng trên quai đeo của chiếc hòm thợ mộc rong. Anh chẳng nói gì dài dòng. Loanh quanh chỉ làmột câu: "Cố gắng! Sớm lành bệnh về với vợ con nhé!"... rồi vội vã ra đi… Đựoc biết nỗi đau, chồng chất nỗi đau của anh, tớ cũng không bao giờ dám gợi lại những vết thương khó có thể lành đang gậm nhấm con người hiền lành như đất ấy đươc. Điều đặc biệt là cả cái “Xóm liều” nổi tiếng đó đều quý mến anh và họ không có bao giờ làm “liều” gì với anh cả, Trái lại, anh đã mang lại cho “Xóm liều” nhiều việc tốt nhờ bàn tay khéo léo giúp người này sửa lại mái nhà, giúp người kia vá thêm tấm cửa. Thỉnh thỏang bạn bè, đồng đội cũ có đến hỏi thăm, giúp đỡ anh ít nhiều, tấm quần, manh áo hoặc ít tiền tiêu vặt, anh đều từ chối sự “thương hại” của bạn bè đó. Có lần đến thăm tớ, vừa đặt câu hỏi về chuyện “phục hồi các thứ” của anh đi đến đâu rồi thì anh cười chua chát, trả lời cụt lủn: “phục hồi cái con mẹ gì!” Thì ra đơn vị cũ của anh, từ ngày anh về hưu đến nay đã giải tán… Kẻ đã chết, kẻ đi B, đi K... chẳng còn ai ở cái đất Bắc này để chứng nhận cái ông trung tá về hưu tư năm 1972 nữa, nhất là chứng nhận cái giai đoạn "không sinh hoạt liên tục" của người “công dân xóm liều” Vũ Đắc Thế thì… hơi bị… khó!! Bè bạn đồng khóa đồng ngũ chứng nhận thì… tòan là những… cụ đã về hưu, chữ kí chẳng có một giá trị gì trước những bộ máy hành chính chỉ… “hành anh là chính” nên anh chẳng buồn đi lui, đi tới làm gì nữa. Và anh cam chịu sống kiếp không lí lịch, không chứng minh thư, không quyền công dân mà ở lì mãi tại… “Xóm liều”. Cho đến 1 ngày bạn bè đồng khóa với anh trong, đó có tớ, tới tấp gọi điện báo tin dữ cho nhau: Vũ Đắc Thế đã chết hồi 23h ngày 3/1 năm 2000 tại ngay căn lều anh tự dựng ở Xóm liều. Bạn bè ở Hà Nội và các vùng lân cận đều rủ nhau tới nhìn mặt anh lần cuối cùng thì được biết anh đã qua đời trên một chiếc chiếu rách, bên cạnh không một người thân, nhờ sự phát hiện khá sớm của một học trò "Thầy Thế", sáng nào cũng đến gặp Thế xin ít chữ! Nhờ sự vận động và uy tín một thời của một số tướng, tá bạn bè, đồng khóa, đồng niên với anh, thi thể anh đã được “chiếu cố” đưa về nhà xác của bệnh viên Thanh Nhàn để có chỗ cho người dân Xóm Liều và đồng đội cũ làm tang lễ cho người cựu trung tá, cựu sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn xấu số. (*) Điều kì lạ là sau đó 1 tuần thì trên ti vi bỗng có một thông báo tin buồn: “Trung tá Vũ Đắc Thế bằng này tuồi Đảng, bằng kia Huân Chương do bị bệnh lâu ngày, tuổi già sức yếu đã từ trần ở tuổi 73.” (!?) Tuy nhiên ở Xóm liều và trong bạn bè anh, ai cũng biết là anh đã…. tự tử nhưng bệnh viện khi khám tử thi thì kết luận là “chết do uống thuốc quá liều”. Có điều đến nay, cái chuyện Vũ Đắc Thế qua đời được đưa lên TV (thường “tiêu chuẩn” phải là đại tá trở lên) do ai, tổ chức nào?... thì đến nay vẫn còn là dấu hỏi. Phải chẳng cái chết của anh đã làm “cựa quậy” những trái tim vô cảm? hay đây là mở đầu cho một chính sách “Sửa sai, không tuyên bố, không xin lỗi” như đang diễn ra ngày một rõ ràng hơn những năm tháng gần đây?

VÀ NHỮNG CÁI TÊN ĐÃ CHẾT NHƯNG NGỪƠI KHÔNG… HỀ CHẾT.

Còn khối cái chết trong suốt một ngày ngồi với nhau được kể lại như: chết vì buồn do bị dính líu vào “lí lịch có vấn đề”, chết vì bị “ngồi chơi xơi nước” rồi mời ra khỏi quân đội do gốc rễ là người Tầu (thời chống Tầu), chết vì quá… sung sướng do lắm tiền nhiều bạc, ăn nhậu, đàng điếm, chết ở nhà “bồ nhí” đến nỗi vợ con không thông báo, cấm cửa bạn bè, đồng ngũ đến phúng điếu…, cũng nhân dịp này, đều đượcmấy ông già sắp chết cho lên bàn, mổ xẻ khá là… hào hứng! Một điều thật đáng ngạc nhiên là: Có những cái chết do mất tên, mất lí lịch nhưng vẫn... sống ở bên kia trời Tây,trời Mỹ, cũng được các cụ thông tin cho nhau biết khá là sâu sắc!.. Đó là Võ Hải, Hồ Mậu Đề, Lê Hoan, Trần Lãm… đã trở thành những tá tướng ở “phía bên kia” với những cái tên hoàn tòan mới. Đó là những anh lính lục quân Trần Quốc Tuấn, sau chiến dịch Điện Biên về tiếp quản Hà Nội đã… tranh thủ thời gian 300 ngày, theo hiệp định Giơ-neo, được "tự do lựa chọn nơi làm ăn sinh sống" đã tranh thủ xuống Hải Phòng mà “một đi không trở lại”! Họ đã tự mình xóa bỏ mọi thành tích “chiến đấu giải phóng dân tộc” để tự nguyện chuyển sang hàng ngũ những người chống cộng hàng đầu! Ơi những “đồng chí” khóa V Tổng Phản Công còn sống hay đã chết ở “phía bên kia”(và đặc biệt nhiều là khóa VI tiếp sau đó), các bạn có biết các bạn đã góp phần củng cố cái quan niệm bất di bất dịch “tạch tạch xè, khó tin” của Đảng với lũ chúng tôi đến thế nào không? Chứng cớ; Cho tới nay,chẳng có thằng nào nên ông nên cha gì sau khi các bạn đã bỏ "lập trường vô sản" mà ra đi! Chẳng biết các bạn có cần "tìm dến một sự trung thanh nào mới" như ông J.P.Sartre đã nói và làm không, chứ riêng tôi, chỉ mong cái cộng đồng khổng lồ "vietnamese-juif-errant" đến 3,4 triệu người của các bạn hãy dặn dò con cháu: Phải trở về quê hương với tư thế "khúc ruột... chẳng có dặm nào", chẳng cần vi-da,vi thịt gì xất.. để xây dựng Tổ Quốc Việt Nam thật sự Độc Lập, Tự do và Hạnh Phúc...

CUỘC BÀN THẢO KHÔNG CÓ KẾT LUẬN

Sau gần một ngày “ôn cố tri tân”, 7 cụ chiến binh già… mệt lử vì những chuyện buồn nhiều hơn vui, các cựu sỹ quan khóa V Lục quân Trần Quốc Tuấn, chẳng ai bảo ai, sau bữa cơm “có gì ăn nấy” do vợ tớ chiêu đãi, đều thấy oải cả về trái tim lẫn cái đầu. Mỗi cụ đều kíếm một chỗ ngả lưng tạm thời, chẳng mấy ai thấy còn… “khí thế” vì càng đi vào quá khứ thì càng thấy hiện tại đối với họ quá phũ phàng. Cuối cùng, tớ là người đầu tiên đưa ra kết luận: “Thôi thì các ông ở Hà Nội còn mấy người cứ làm gì thì làm, bọn tôi trong này, vẻn vẹn còn có 4,5 mống thì… xin miễn cho cái trò “tụ tập đông người không xin phép ấy!” Vả lại cái trò ôn lại “lịch sử oai hùng thời kháng chiến 9 năm” nhất là đối với cái trường lục quân đã mất tên Trần quốc Tuấn rồi. Chưa chắc đã được "người ta" ủng hộ. Nhất là, truyền thống khóa 5 tổng phản công lại có một lô, một lốc những vị chẳng có gì đáng biểu dương dưới con mắt của “người thời nay”! Kèm theo đó là những thành tích hiện tại của các vị học viên khóa 5 như Phạm Quế Dương, Nguyễn Trần Thiết, và cả…tớ nữa thì…. có khi lại là những cuộc tụ tập "có vấn đề" là đằng khác.

Cuối cùng, cuộc bàn bạc về ngày kỉ niệm bị bỏ lửng không lời kết… Nói cho đúng thì cuộc họp đã thất bại hòan tòan. Mỗi người ra về đều không có vẻ mặt vui tươi hồ hởi như khi đến, chẳng bàn được điều gì như dự định lúc ban đầu…

Riêng bản thân tớ là người buồn nhất vì:

1) Lại được thêm thông tin về các bạn đồng khóa cũ. Té ra chẳng anh nào có được một số phận, hòan cảnh “Độc lập tự do hạnh phúc” như mấy ông tướng tá trẻ, chẳng một ngày cầm quân, chẳng hề ngửi qua mùi bom đạn, ngày nay.

2) Sự khác biệt quá lớn về nhận thức và tình cảm của những con người đã bỏ hết sự nghịêp, tương lai, gia đình đi làm cách mạng mà đến cuối đời vẫn chẳng hiểu… là Cách mạng gì ?

3) Có qua nhiều cái đầu hoặc nghĩ một đằng nói một nẻo hoặc lấy phương châm “im lặng là vàng” cho những ngày còn lại của mình.

Vậy thì tớ và một số cụ “bàn ngang” bằng những chuyện quá khứ buồn hơn là vui để cuộc bàn thảo không đi đến kết luận là sai hay là đúng đây hở các bạn?

Sunday April 5, 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.