Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Tuần ký số 42

Tuần ký số 42
Feb 27, '10 7:49 PM 
CHẤM GIẢI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HÀNG NĂM?
VIỆC LÀM… LIỀU CỦA NHỮNG KẺ… HÚP LỬA

“Họ Trần, họ Đỗ, họ Tô (*),
“Vừa thi, vừa chấm, vừa… vồ giải luôn”

Đó là hai câu vè đuợc Nguyễn Hòa phổ biến trên báo Công An Nhân dân qua bài viết về tình trạng “lobby” trong việc trao giải thưởng hàng năm của các Hội Văn Nghệ xứ ta… Điều đáng mừng là bài viết lại được đăng trên một tờ báo chuyên… theo dõi những “sơ xảy” của anh em văn nghệ sỹ để… “uốn nắn” thì nay đã, lần đầu dám chạm vào cái điểm ung nhọt của cách tổ chức đánh giá tác phẩm của những nhà “cầm đầu văn nghệ” cả nước. Chỉ tiếc rằng cái nguyên nhân sâu xa của việc làm liều lĩnh và “thối không chịu được” này cũng như những tên tuổi, tác phẩm nào được trao giải một cách “liều mạng” thì tác giả còn né tránh… Cho nên, là một người  từng có trên nửa thế kỷ đã từng làm Ban Tổ Chức, thường trực Ban Giám Khảo các cuộc thi này, nọ, từng được đủ loại giải A, B, khuyến khích của nhiều cuộc “thi sáng tác” chẳng giống ai của xứ ta nó ra sao, tớ xin nói thẳng nói thật một lần cuối,… một vấn đề tớ đã “rải trình”, tham luận nhiều lần trước nhiều Hội Thảo, hội nghị, đã gửi đăng báo và bị góp ý là “cực đoan” là “thiếu quan điểm…Việt nam”, thậm chí là không chấp nhận “nghị quyết của  Đảng”… May ra… cái thời lý luận tù mù, rối canh hẹ này, các cuộc thi và chấm thi  có “đổi mới”, có “hòa nhập” được chút đỉnh nào không?

NHỚ LẠI VÀI CUỘC THI XƯA

Thôi thì bỏ qua những cuộc “thi sáng tác” mà có kể lại thì ngay đến những người chấm giải cũng như người được giải cũng chẳng muốn nhớ lại vì nó chỉ đạt cái mục đích tối thượng là tuyên truyền cổ động nhất thời đã bị “thời cuộc” hoặc chính đường lối chính sách thay đổi (như sáng tác trong cải cách ruộng đất, như sáng tác ca ngợi tình hưữ nghị Việt-Trung- Sô, ca ngợi Xít-ta-Lin, “bác Mao nào ở đâu xa, bác Hồ ta đó chính là bác…Mao” hoặc những giải nhất về âm nhạc như “Thời cơ đã đến” (sáng tác tập thể!?) vì động đến những sáng tác này là động đến nỗi đau của không ít người mà hầu hết đã chết cả người lẫn “rác phẩm” ….Tớ chỉ động đến vài trường hợp thi sáng tác từ những năm 60 mà tớ có tham gia như đã nói ở trên thôi:

Cuộc thi sáng tác đơn ca những năm 60 -Đây là cuộc thi sáng tác lớn nhất và lần đầu tiên có giải thưởng bằng tiền mặt hẳn hoi. Nó ra đời do:

     1-/ Sau 4, 5 năm hòa bình trên nửa nước… Đúng như Lương ngọc Trác đã nói “Hết La-ghe (la guerre=chiến tranh) hết nghề ăng-na-văng, mác xờ (en avant marche=Tiến lên đi đều bước!”). Và quả là như thế thiệt! Một nhà xuất bản nhạc in và đĩa hát duy nhất, một đài phát thanh TNVN duy nhất bắt đầu …bi sắc bí bài sau khi đã xử dụng hết cỡ các thứ ca ngợi chiến công đánh thắng giặc Pháp mà 99% đều là những loại hùng ca sặc khí thế oai hùng đến rách màng nhĩ của lỗ tai người nghe và rách luôn ba cái loa giấy mới được viện trợ từ  Ba-Lan, Hungary…(loa sắt của Tầu treo ở các đầu phố  léo nhéo cũng  đã bắt đầu gây khó chịu cho người dân)

     2-/ Yêu cầu tình cảm và sự đòi hỏi về thưởng thức văn nghệ của nhân dân đã thay đổi theo thời thế…

     3-/ Được phép của Bộ Văn Hóa mà người trực tiếp lúc ấy là Thứ Trưởng Nguyễn Đức Quỳ.

Một cuôc thi quy mô lớn về đơn ca được tiến hành gần 2 năm trời với các đơn vị Phát Thanh và Xuất bản chủ trì. Sở dĩ chỉ khoanh vùng ở hình thức đơn ca chính là để “nhẹ hóa”, “du dương hóa”, bớt “khẩu hiệu hóa” âm nhạc nên đã gãi đúng chỗ ngứa của cả người viết lẫn người nghe. Đã thế được giải laị CÓ TIỀN nữa chứ… Thế là chỉ trong có một tháng cơ quan xuất bản của tớ đã  nhận cả trăm bài đơn ca đủ mọi mầu sắc của hầu hết các hội viên Hội Nhạc Sỹ VN (lúc này chưa tới 100) và hàng trăm bài… thơ, văn, vè… của các "tác giả quần chúng" gửi đến yêu cầu… phổ nhạc vì… chỉ biết làm "nhời" chứ không biết viết nhạc! Khổ thân tớ, vì là “thường trực” (cùng với Lê Lôi bên đài phát thanh TNVN) nên phải đọc và cùng Hoàng Mãnh pianíst với  vài ca sỹ giỏi son-phe hát thử lên xem sao để lựa chọn 50 bài cho một Ban Giám Khảo gồm toàn các vị “tai to mặt lớn của ngành âm nhạc lựa chọn, cho điểm với  ý kiến, nhận xét bằng giấy tờ đàng hoàng… Để thật sự vô tư,.. không một vị giám khảo nào dự thi… Tất cả đều chỉ nghe qua băng đã được thu đàng hoàng và không cho biết tên tác giả. Ấy vậy mà… khi mở các “nhận xét và đề nghị xếp hạng” ra thì tớ thấy hết hồn vì:

     - Ý kiến khác biệt nhau đến như Nước với Lửa….
     - Không ít những ý kiến xếp hạng nhất một số bài hoặc loại bỏ một số bài thì thực tế cuộc sống đã trả lời hoàn toàn ngược lại. Tớ đố ai tìm được những bài “Cô thợ hàn”, “Bài ca ông lão xã viên”, “Mai đây con lại lên tầng”…(được giải ) bây giờ nó ở đâu? cái giống gì? Trái lại nhiều bài bị loại bỏ, tác giả “được” chuyển về địa phương để có thực tế hơn, bớt mơ mộng,bớt “ca ngợi bác Hồ như kẻ thất tình” đi hơn, thì... tới nay lại được phục hồi hoặc xử dụng dài dài! Tớ xin phép không kể tên mấy vị giám khảo mà tớ hoàn toàn tin tưởng là hết sức trung thực này vì cả cái Ban Giám Khảo đầy uy tín đó nay đã qua đời, mà chỉ kể tên một vài cái tên tác giả bị “xét oan” nay còn sống để nếu cần, làm nhân chứng. Đó là Nguyễn tài Tuệ, là Trần Tất Toại, là Bùi Đúc Hạnh, là Hồng Thao,…

Thì ra: CÁI HAY TRONG NGHỆ THUẬT, không thể nào cân, đong, đo đếm, bấm giờ.. như trong các cuộc thi nhaỷ cao, nhảy xa được! Hay không là tùy vào cái "thước đo" của từng ông giám khảo, mà cái thước đo này thì quả là phức tạp đến nỗi Fellini khi được mời vào giám khảo Giải oscar đã… sợ mà phải từ chối và trả lời thẳng thừng: (tớ chỉ còn nhớ được nội dung chứ không nhớ nguyên văn) “Làm sao tôi giám đánh giá một tác phẩm này của Kurosawa hơn tác phẩm kia của Vadim, hoặc không hay bằng của Polansky, những tác phẩm của những người mà tôi hết sức tôn trọng về uy tín và tài năng sáng tạo?" Rồi nhà đạo diễn lừng danh Fellini cũng từ chối đến nhận giải Oscar với phim “Tám rưỡi” của ông luôn!

Tuy nhiên ý kiến của tớ (lúc ấy mới hơn 30 tuổi) đã bị thuyết phục bởi các nhà có nhiệm vụ lãnh đạo đường lối âm nhạc của Đảng là “TA có cách làm của TA”. Cái hay của ta khác cái hay của thế giới chính là ở cái nội dung đi đúng đường lối của Đảng.” Cô thợ hàn”, và “Bài ca ông lão xã viên” đã đề cập đến những vấn đề công nghiệp và nông nghiệp, hai đề tài trọng tâm của miền Bắc” xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiếu cố Miền Nam” trong lúc này (Thời điểm chưa xảy ra chiến tranh Nam- Bắc). "Cái hay của Ta là cái hay có lãnh đạo” không thể là cái hay chung chung được!". Người ta còn đưa ra những cuộc trao giải Nobel nọ kia về văn học chỉ nhằm mục đích..chống cộng” (Bác sỹ Dzivago của Pasternak được đưa ra làm ví dụ điển hình). Hơn nữa, giải thưởng của TA còn nhằm khuyến khích phong trào sáng tác(?), phát động đông đảo quần chúng tham gia phong trào sáng tác văn nghệ nên không thể bắt chước cái kiểu chỉ mỗi năm đề cử dăm ba tác phẩm để các bậc “trưởng lão” bầu phiếu kín lấy có một tác phẩm mà thôi như các giải Goncourt, Bookers, Femina, Cannes, Venice… được. Vả lại, Nhà Nước đã... chi thì vạ gì không để anh em mỗi người được “mát mặt” chút ít….! Tất cả những lý do của tớ và một số anh em nêu ra để “tạnh” ngay cái chuyện một số người (gồm cả những vị chả biết cái chuyện sáng tác là gì nhưng rất nặng kí khi phát biểu!) đọc, nghe, hay xem qua các tác phẩm “chưa ai biết,chưa được phổ biến ở đâu (quy định thường gặp của các cuộc thi)” rồi kết luận là bài này hay bài kia dở, bức tranh lụa thiếu nữ kía không bằng bức sơn mài “gang thép ra lò”… cứ thế mà tiếp tục tồn tại và phát triển tới mức Tỉnh, Huyện, Quận, Phường, Bộ, Ngành, từ Ngân Hàng đến Khách Sạn, thậm chí đến cả Công ty vệ sinh (Hố xí hai ngăn),… cứ phát động thi sáng tác tùm lum và các Ban Giám Khảo cứ trao giải ….lấy được… cho đến cả hơn nửa thế kỷ sau, đến tận cái năm 2010 này!
  
CUỘC THI QUỐC CA

Phải nói ngay rằng đây là một cuộc thi ĐẠI THẤT BAỊ nhưng công bằng, dân chủ và vô tư nhất trong lịch sử các cuộc thi sáng tác ở nước ta. Nó công bằng vì:

     a-/ Nó khoanh vùng cho tài năng và trí tuệ cũng như cảm xúc vào có một thể tài, một hình thức (ca khúc) mà ngay trong ca khúc nó cũng khoanh vùng chỉ cho phép viết hành khúc trang nghiêm ngắn gọn, không có chỗ cho các thứ múa may kỹ thuật, uốn éo về tình cảm…

     b-/ Nó mở rộng cho mọi công dân với mong muốn “trăm bó đuốc sẽ bắt được một con ếch”, sẽ có một Rouget de Lisle Việt Nam, thay thế cái ông tác gỉa Quốc ca mà lại… “Nhân văn” đi!

     c-/ Nó thận trọng và nghiêm túc tới mức có cả một ban Thường Trực toàn là các nhà  lý luận, nhà văn ,nhà thơ, nhạc sỹ nổi tiếng nhất Việt Nam vì nó đã huy động được toàn thể hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam không ai không tham gia (tớ là người có bài với tốp cuối cùng vì đã phải ký nhận “tạm ứng” một số tiền bằng 100 bát phở không người lái). Chỉ trong vòng có hai tháng Ban Thường Trực đã nhận được ….5ooo bài, trong đó rất nhiều “tác giả” chỉ gửi trần xì những lời ca trùng nhau cả đến cái tên bài và các ý tứ đến… phát bật cười! Điều này xảy ra tương tự trong các sáng tác của các nhạc sỹ chuyên nghiệp… Riêng cái cụm từ “Vinh quang Tổ Quốc Việt Nam” hoặc “Truyền thống Việt Nam anh hùng” thì được các đồng chí ta xài đi xài lại của nhau đến phát… ngán. Vậy mà cuối cùng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thứ trưởng Cù Huy Cận, gần 100 diễn viên hợp xướng và giao hưởng cũng phải dàn dựng ngày đêm 12 (hay 15 tớ không còn nhớ chính xác?) “quốc ca mới” dưới hai hình thức nhạc không lời (tức là quốc thiều) và có lời (là quốc ca) để Quốc Hội nghe và biểu quyết chọn lựa! Chính nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát Ủy Viên Ban thường Trực sau đó nói lại cho anh em nghe như sau: “Dù có một cái” máy đo chất lượng bài hát” thì cũng… chịu! Nghe cả hai tiếng đồng hồ nhạc ùng oàng giống nhau như anh em ruột  như thế  thì..chỉ có nước... phát khùng! Thôi! Xin cứ để “các cụ” quyết định”… Và… sau hai buổi vất vả và... ù tai… quốc hội biểu quyết: Lấy bài quốc ca cũ của Văn Cao! Lần đầu tiên, Quốc Hội đã làm được một việc bác bỏ một chủ trương không hợp lòng dân  như thế! Cuộc thi quốc ca cực kỳ hoàng tráng và tốn kém tiền bạc của dân (chả ai biết là bao nhiêu?) đã thất bại hoàn toàn! Nhưng chẳng chết ai, chẳng Ban Giám Khảo nào bị đả kích! Không ai kiện ai rắc rối, bôi xấu nhau và mất đoàn kết như bây giờ! Vậy thì tại sao đến nay, ở cái nước Việt Nam này, người ta vẫn cứ tiếp tục chấm thi sáng tá.? Tớ lại phải đánh liều lên tiếng lần nữa như sau:
 
     1-/ Các tổ chức văn nghệ hiện nay chưa hề có một thay đổi gì trong cái nửa Kinh tế Thị Trường mà vẫn nằm ỳ trong cái nửa định hướng XHCN cũ mốc. Nói trắng ra là vẫn được bao cấp như xưa thậm chí hơn nhiều lần xưa. Tiền vẫn được Đảng và Nhà Nước đổ cho hàng năm cả trăm tỉ đồng, nhà cửa xe cộ, lương bổng,… đều là của… Chúa thì phải Múa tối ngày! Thế thôi! Tiền đầu tư sáng tác, tiền giải thưởng hàng năm, tiền tổ chức trại sáng tác, đi thực tế đã được “cho” thì phải lo mà... hoàn thành nhiệm vụ. Miễn là trên được vui lòng! Miễn là cuối năm phải kết toán cho hết! Thế là bắt buộc phải có Ban Giám Khảo để xét giải hàng năm, mặc cho các tác phẩm được giải mấy năm trời sau đó chẳng thấy trên sân khấu, trên Tivi (tivi có nhiều thứ giải riêng.đánh giá hầu hết khác với các Hội Chuyên Nghành?!). Mặc cho có người rút lui khỏi các cuộc trao giải, mặc dầu bị vạch trần là trao giải điên khùng cho tác giả khùng điên. Hãy đọc một bài giải nhất sau đây của một tiến sỹ- Mác Lê Nin- nhà thơ đã sáng tác những câu “Thơ” như sau để thấy sự điên khùng nó đã đến đâu:

“Một sớm mai trong thanh bình/ Cây cối tốt tươi đang mùa đơm hoa kết trái/ Tôi thấy những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Sơn Mĩ/ Nước mắt ròng ròng tội nghiệp/ Họ níu díu ôm nhau/… Mấy thiếu nữ ngoại quốc ôm nhau thắm thiết/ Nơi đây một buổi sáng lính Mĩ đã tàn sát 504 người dân vô tội/ Xác của họ vẫn nằm rải rác quanh đây…!!!”

Rõ ràng là thần kinh của các vị giám khảo đã có vấn đề. Không thể vì một lí do “đi theo đường lối chính sách” nào đó mà cho một tên khùng viết văn này giải thưởng được. Mấy đưa cháu tớ nó cũng kết luận như thế đấy!

Những câu "thơ" như thế mà được trao giải A thì... thử hỏi một em bé lớp 5 xem nó có công nhận đó là thơ hay không? Vậy mà ban giám khảo không những đã đưa nó lên "đỉnh cao của thơ mà còn cho tác  rả” đến nơi nhận phần thưởng phát biểu huênh hoang là: “Tôi là một thi sĩ chuyên nghiệp.., tôi là người đi đầu trong cách tân thơ…, phần thưởng này đối với tôi là xứng đáng vì những ai đã đến những nơi đổ máu mà không làm được thơ hay là đồ vô phúc” (???). Chuyện nghe như bịa mà mới xảy ra năm nay 100%!
         
Trái lại, những tác giả có tác phẩm hay mà có người viết rằng “Nhà nước có đầu tư nhiều tỉ đồng cũng không mấy ai viết được bài thơ hay như thế” thì mới chỉ có xếp loại B thôi đã tự động xin rút lui khỏi giải vì có nhiều ý kiến ra vào, vì “thơ anh có vấn đề”. Đó là trường hợp bài thơ sau đây của Nguyễn Việt Chiến:

Thời đất nước gian lao 
NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Chúng đã ngủ cả rồi
những con hươu bị bóng đêm săn đuổi
chúng đang gác cặp sừng lên vầng trăng cuối tháng
rồi nằm mơ về một cánh rừng
không có thuốc đạn và súng săn

Họ đã ngủ cả rồi
những người lính bị chiến tranh săn đuổi
họ nằm mơ gặp lại bầy hươu
gác sừng lên người bạn vô danh
trên cánh rừng đã chết

Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ
chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi
chỉ còn lại câu thơ thầm lặng
về những người đã ra đi

Chỉ còn lại những gì không còn lại
bởi người  đau đớn nhất sau chiến tranh
không ai khác ngoài mẹ của chúng ta
những đứa con không trở về
hoà bình dưới mưa phùn
được đắp bằng cỏ non và nước mắt

*  *   *
Đêm đêm
những người con ngỡ đã đi thật xa
đang lặng lẽ trở về
họ lẫn vào gió vào sương đêm
không cần an ủi
họ chẳng ồn ào như lời ca sôi sục ngày ra đi

Họ còn nguyên tuổi trẻ
những người lính chưa tiêu phí một xu mơ ước
chưa tiêu hoài một đồng thanh xuân

Họ trở về tìm lại
trang sách học trò đêm đêm còn thao thức
trên  cánh đồng tiếng Việt ngàn năm

Mẹ lại thấy chúng con về
như cánh cò tuổi thơ lưu lạc
đã bao ngày phải xa rời thôn ổ yêu thương
chúng con trở về tìm lại
giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ

Một bên là núi sông ngăn cách
còn bên kia là bóng đêm chiến tranh
vẫn biết đạn bom không có mắt
vẫn biết hận thù không thể phân biệt nổi
đâu là hoa sen và đâu là bùn tối
nhưng các anh vẫn phải ra đi

Các anh phải ra đi
lời ru chùa Tây Phương
những La Hán mặt buồn
người thợ mộc xứ Đoài
lấy thân xác hom hem của mình làm mẫu vẽ
ba mươi sáu dẻo xường sườn
réo rắt tấu lên bản đàn tam thập lục
người gẩy đàn thì đau đớn
mà bản nhạc viết cho đàn lại reo vui

*  *   *
Mẹ đã sống dưới mưa phùn ảm đạm
những ngày dài nghèo đói quắt quay
Mẹ thiếu sữa sinh đứa con thiếu tháng
Tổ quốc xanh xaoTổ quốc hao gầy

Mẹ có mặt trong dòng người nhẫn nại
lặng lẽ xếp hàng từ mờ sớm tới đêm hôm
Mẹ lần hồi thời cơm tem gạo phiếu
nuôi lớn những người con
rồi gửi tới chiến trường

Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng Cỏ
những đoàn tầu hun hút tuổi hai mươi
một thế hệ hồn nhiên không biết chết
chưa từng yêu khi gục ngã cuối trời

Mẹ ở lại với sông Hồng tần tảo
áo phù sa lam lũ tháng ngày
câu quan họ cất trong bồ thóc cũ
sông Cầu trôi như một tiếng thở dài…

*  *   *
Tàu xuyên đêm
tiếng gió xé bánh xe lăn quần quật
đêm nay họ trở lại một thời gian lao
đường vào Nam hun hút những chuyến tầu
máu rất đỏ tuổi hai mươi nằm lại
câu hát bảo:
tuổi hai mươi những người đi trẻ mãi
câu thơ bảo:
đất nước hình cánh võng mẹ ru ta

Và ở hai đầu đêm võng mắc dọc rừng già
trăng cũng sốt rét rừng như ta sốt
trăng mất máu như bạn ta thủa trước
dọc cánh rừng na-pan

Sông Thạch Hãn
nước mùa này còn ấm
và các anh trong suốt
những người hy sinh thời gian lao

Mây Quảng Trị
mùa này vẫn một mầu huệ trắng
trên Cổ Thành
như  ngày các anh ngã xuống
những người hy sinh thời gian lao

Và mưa gió Trường Sơn
mùa này vẫn tắm gội
những người con nằm lại
thời đất nước gian lao
 
Những cánh rừngcuối thu ngủ dưới mưa phùn
đất nước tôi những người nằm trong đất
chất phác như bùn hồn nhiên như cỏ
buồn đau không còn thở than

Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm
người chép sử ngàn năm là bùn đất
kiên trì và nhẫn nại
máu của người là mực viết thời gian.        

Với các mặt nghệ thuật khác thì cũng đang xảy ra tình trạng “mỗi người một mẩu bánh ngọt”, “mưa đều mát mặt” cho đủ mọi người hoặc dàn dựng tác phẩm đoạt giải xong rồi thì xếp xó, đi kiếm ăn bằng những tác phẩm “dù rẻ tiền nhưng đắt khách” khác .

     2-/ Các ban giám khảo đã “lỡ bị cơ cấu” thì phải… mị hội viên mỗi người tí chút,” Của ít lòng nhiều”, ban phát mỗi người một lần, dù ban phát không đều mà điển hình là giải thưởng về bài hát, về ca khúc nghệ thuật(?) năm 2009 này lại toàn rơi vào các nhạc sĩ Hà Nội! (Có lẽ do sơ xuất?) Chuyện có Lobby trong các lần ban phát này không mà báo CAND đã nêu lên thì đã được chứng mình qua rất nhiều năm phát giải.

     3-/ Các cơ cấu chấm giải, ban phát giải có lẽ không biết (hay giả vờ không biết?) là các cuộc thi (concours) chỉ giành cho biểu diễn như concours Chopin, Tchaikovsky, Marguerite Long & Thibault.. các cuộc thi tốt nghiệp của các học viện nghệ thuật? Còn các giải được trao hàng năm như Nobel, Goncourt Books, Pulitzer… đều có tính chất” vinh danh” (couronner) một tác phẩm hay nhất, được đề cử trong một số tác phẩm trong năm đã được phổ biến trong quần chúng và giới chuyên môn, sau đó qua một hội đồng toàn những lão trượng trong nghành bỏ phiếu kín và chỉ có MỘT TÁC PHẨM DUY NHẤT được tặng giải mà thôi! Mấy ai dám tự mình “ngồi trên” mà đọc, mà xem những sáng tác mới toe của đồng nghiệp có khi hơn mình cả  MẤY CÁI ĐẦU VỀ TÀI  NĂNG VÀ TIẾNG TĂM rồi tự cho phép mình  cho anh này được giải này, cụ kia dược giải nọ…

     4-/ Những văn nghệ sĩ có tên tuổi gần đây không tham gia vào các cuộc thi hoặc rút lui khi được chọn trao giải đã làm cho các ban giảm khảo không những không bị "chồn chân" mà trái lại càng tạo điều kiện cho các vị này tha hồ tung hòanh quyết định liều mạng chẳng sợ ai ý kiến ý cỏ, trừ ý kiến của… Tuyên huấn, (mà ở tuyên huấn, những người có quyền thì lại chẳng có ma nào làm văn nghệ cả.) Vậy là cứ việc thẳng đường đi tới, tránh xa cái dớp của thời trao giải cho những “Nỗi buồn chiến tranh”, Nhữmg “Mảnh đất lắm người nhiều ma” mà toàn Ban Giám Khảo kẻ kiểm điểm, kẻ mất chức là… là được, là "xong ngay”!

Xem ra cái chuyện giải giếc trong sáng tác hàng năm này khi Báo công an đá động tới thì đã “có chuyện”. Mong rằng công an “vào cuộc” điều tra thẳng thừng về các sự Lobby phi pháp nếu có!

Còn với các vị lãnh đạo cao nhất của đảng và chính phủ, tôi cũng xin "liều mạng già" có ý kiến như sau:

     a-) Muốn cho nền văn nghệ của nước này được phát triền, các giải thưởng nào cũng "ra giải thưởng" thì hãy ngừng ngay việc bao cấp cho các tổ chức "văn nghệ nhà nước". Hãy để họ tự do sáng tác trong "luật pháp quy định". Không nuôi "báo cô"... một số người làm láo báo cáo hay rồi cuối cùng năm nào cũng tổng kết chưa có tác phẩm "xứng tầm thời đại"

     b-) Cần có ngay một bộ luật kiểm soát mọi hoạt động văn nghệ bất hợp pháp như: Mang tính chất khiêu dâm, quảng bá, phổ biến mọi nếp sống vô văn hóa, kích động mọi hoạt động vô chính phủ, nói năng bậy bạ, lợi dụng thân xác đùi, vú...scandal để kiếm hàng triệu đô-la, làm hư hỏng cả một lớp trẻ đang khủng hoảng về lý tưởg và niềm tin, ... Tránh tình trạng hiện nay đang xảy ra là: một thứ văn nghệ quá tự do,quá ...ba-lăng-nhăng, quá ...bịp bợm đang lấn áp một nền văn nghệ đích thực kể cà nền "văn nghệ bao cấp" nữa 

Hãy để cho những văn nghệ sĩ có thực tài sống bằng chính tài của mình! Không có chỗ cho bọn văn nghệ "dỏm". Không cho bọn ăn bám, lừa bịp tiếp tục giở những trò "ma mãnh" trong văn nghệ nữa!

------------------------------

22 CommentsChronological   Reverse   Threaded
nuocvietoi wrote on Feb 27
Hãy đọc một bài giải nhất sau đây của một tiến sỹ- Mác Lê Nin- nhà thơ đã sáng tác những câu “Thơ” như sau:

“Một sớm mai trong thanh bình/Cây cối tốt tươi đang mùa đơm hoa kết trái/ Tôi thấy những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Sơn Mĩ/ Nước mắt ròng ròng tội nghiệp/ Họ níu díu ôm nhau….Mấy thiếu nữ ngoại quốc ôm nhau thắm thiết/ Nơi đây một buổi sáng lính Mĩ đã tàn sát 504 người dân vô tội/ Xác của họ vẫn nằm rải rác quanh đây…!!!”
Thời buổi này là kinh tế, hòa bình & hữu nghị, lo phát triển cho kịp các nước ko lo, cứ nhai mãi những giọng điệu hận thù (dù tối ngày khúm núm bắt tay xin xỏ). Trong khi đó thì cứ tâng bốc ca tụng thằng hàng xóm đại ca.
-thanh bình - có hay ko khi nguơì dân lúc nào cũng có thể bị trù dập, chặn đường đụng xe, đánh đập, theo dõi, vu oan giá họa...?
-đang mùa đơm hoa kết trái - có hay ko khi ô nhiễm khắp mọi nơi, rác ruởi sông ngòi, chim chóc cạn kiệt...?
-xác dân vô tội của lính Mỹ "tàn sát" thì còn, vậy xác của lính TQ, thằng đại ca "núi liền núi, sông liền sông" "lỡ giết" dân mình đâu hết trơn rồi..?
tadnat wrote on Feb 27
Thời đất nước gian ..."lao" mà bác! Tại cái thằng cơ chế thôi. Hồi chiều qua cảm thấy không đựơc khỏe, không biết có phải do đọc blog nhiều qua hay không hay là do tin "tốt" quá nhiều đầu năm, nên hát karaoke cho phây phả và có thấy bài Sông Đakrông mùa xuân về của bác?
songthu wrote on Feb 27
HIC! HIC!

( Cháu không biết nói gì luôn, chỉ biết chúc Bác nhiều sức khoẻ, mong vậy thôi...)
sea2com wrote on Feb 28
Rằm tháng Giêng (Ngày Thơ VN) năm nay xem có bài thơ nào được dãi không bác nhể :)
pgtmedu wrote on Feb 28, edited on Feb 28
HAI BÀI THƠ ĐƯỢC GIẢI A

Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ
Nguyễn Linh Khiếu


một sớm mai miền Trung thanh bình
cây cối tốt tươi đang mùa đơm hoa kết trái
tôi thấy những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Sơn Mỹ
nước mắt ròng ròng tội nghiệp họ níu díu ôm nhau
những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Sơn Mỹ
những da trắng da vàng da đen da đỏ
họ đến từ đâu trên trái đất này
có ai người Mỹ người Pháp người Nhật người Tàu và người Hàn Quốc
chiến tranh để lại đất này biết bao chứng tích đau thương
buổi sáng một dải miền Trung nắng gió thanh bình
những thiếu nữ ngoại quốc ôm nhau thảm thiết
nơi đây một buổi sáng lính Mỹ đã tàn sát 504 người dân vô tội
xác của họ vẫn nằm rải rác quanh đây
hồn của họ vẫn xếp hàng quanh chứng tích
mắt của những người bị giết vẫn nhìn ta im lìm
những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Sơn Mỹ
có ai là người Mỹ người Pháp người Nhật người Tàu và người Hàn Quốc
còn khóc được nghĩa là còn trong sạch
nước mắt có ngăn được tội ác
nước mắt có xoa dịu những chứng tích đau thương.
Quảng Ngãi, 22. 12. 2005

Hoa mộc miên biên giới

chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới
hoa mộc miên cũng rực đỏ triền sông rực đỏ vách núi rực đỏ tâm can
mộc miên đỏ một trời biên viễn
như máu tươi ròng rã ngàn năm
dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén
người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông
thanh vắng vẳng tiếng hoa tầm tã
khuya khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông
có ai trồng mộc miên biên giới
hay biên cương cây tìm đến mọc lên
hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái
cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương.

Hà Giang, 27. 2. 2009


VÀ:


PHÁT BIỂU CỦA NHÀ… ĐẠI THƠ NGUYỄN LINH KHIẾU

"...Làm nghề báo, tôi có dịp đến mọi miền đất nước. Tôi đã đến và xúc động với các chiến sỹ biên phòng Mèo Vạc, Đồng Văn, đến những bến cảng Năm Căn, Cam Ranh đến những chứng tích Sơn Mỹ, thành cổ Quang Trị, Đồng Lộc, Khe Sanh, Nghĩa trang Trường Sơn... và những bài thơ đã ra đời từ chính cảm xúc chân thành trong các chuyến đi đó. Khi đã đến đó rồi thì không nhà thơ nào có thể viết những câu thơ nhạt nhẽo, KHÔNG ĐƯỢC PHÉP VIẾT NHỮNG CÂU THƠ DỞ. Chỉ có kẻ vô phúc mới thấy những câu thơ viết về máu và cái chết là dở.

Tôi là một nhà thơ chuyên nghiệp. Hai chục năm qua tôi luôn được đánh giá là một trong những nhà thơ tiên phong cách tân và đổi mới thơ ca quyết liệt và đã đạt những thành tựu cách tân được ghi nhận. Hoa Mộc miên biên giới, Mưa rơi dọc Cam Ranh, Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ là những bài thơ mới nhất, hay nhất của tôi viết về người lính, chiến tranh cách mạng và tình yêu Tổ quốc. Trao giải cho các bài thơ này của tôi, Tạp chí Văn nghệ quân đội không chỉ trao giải cho những bài thơ hay viết về người lính, chiến tranh cách mạng và tình yêu Tổ quốc mà còn trao giải cho xu hướng đổi mới và cách tân thơ Việt Nam gắn liền với những vấn đề trong đại của Tổ quốc, dân tộc và thời đại. Ở góc độ này, cuộc thi đã rất thành công khi góp phần khẳng định và cổ vũ những giá trị văn hóa mới của dân tộc và thời đại..."

"KHÔNG ĐƯỢC PHÉP VIẾT NHỮNG CÂU THƠ DỞ". Vậy sao ông NGUYỄN LINH KHIẾU được phép? Đúng là tiến sĩ!
onsok wrote on Feb 28
haha
Vay thi toi phai " sang tac" mot bai tho
Noi day
Dai lo Kinh Hoang
Nguoi cong san dung khoc
Sam hoi
Da tan sat may van dong bao
Mua he nam ay
Bay muoi hai...
Chac toi cung duoc ho trao cho cai trao cai giai C ( giai cat co)
quangvinh81 wrote on Feb 28
"Tôi là một nhà thơ chuyên nghiệp. Hai chục năm qua tôi luôn được đánh giá là một trong những nhà thơ tiên phong cách tân và đổi mới thơ ca quyết liệt và đã đạt những thành tựu cách tân được ghi nhận." !!!! Thật là trơ trẽn khi tự ca ngợi mình như vậy,cám ơn bác
thangkhosg wrote on Mar 1
mấy cô gái Mỹ, rồi đến mấy ông lính Mỹ đứng khóc cho 504 oan hồn ở Mỹ Sơn, nghe cảm động quá. Chợt nghĩ có ai khóc cho 5000- 6000 oan hồn dân Huế quê tôi trong tết mậu thân 68. tội nghiệp cho những oan hồn dân Huế
thoaivtc wrote on Mar 1
Buồn quá bác Tô Hải ơi! Đọc xong bài của bác tôi thấy rơt nước mắt.
haiquamuckinh wrote on Mar 1
Chào Bác, đã đọc hết các bài ký của Bác nhưng đây là lần đầu ghé thăm. Chúc Bác và gia đình trong năm Canh Dần được nhiều may mắn và nhất là sức khỏe của Bác luôn dồi dào lướt qua mọi bệnh tật mà thời gian chi phối.
nguoivietnam475 wrote on Mar 1
BÀI THƠ ĐƯỢC GIẢI A

Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích TẾT MẬU THÂN



một sớm mai xứ Huế thanh bình
cây cối tốt tươi đang mùa đơm hoa kết trái
tại một nơi mồ chôn tập thể
tôi thấy những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích tết Mậu Thân
nước mắt ròng ròng tội nghiệp họ níu díu ôm nhau
những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích tết Mậu Thân
những da trắng da vàng da đen da đỏ
họ đến từ đâu trên trái đất này
có ai người Mỹ người Pháp người Nhật người Tàu và người Hàn Quốc
chiến tranh để lại đất này biết bao chứng tích đau thương
buổi sáng một dải miền xứ Huế nắng gió thanh bình
những thiếu nữ ngoại quốc ôm nhau thảm thiết
nơi đây một buổi sáng lính Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã tàn sát cả ngàn người dân vô tội
xác của họ vẫn bị chôn vùi nằm rải rác quanh đây
hồn của họ vẫn xếp hàng quanh chứng tích
mắt của những người bị giết vẫn nhìn ta im lìm
những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Mậu Thân
có ai là người Mỹ người Pháp người Nhật người Tàu và người Hàn Quốc
còn khóc được nghĩa là còn trong sạch
nước mắt có ngăn được tội ác
nước mắt có xoa dịu những chứng tích đau thương ?
nguoivietnam475 wrote on Mar 1
quangvinh81 wrote : "Tôi là một nhà thơ chuyên nghiệp. Hai chục năm qua tôi luôn được đánh giá là một trong những nhà thơ tiên phong cách tân và đổi mới thơ ca quyết liệt và đã đạt những thành tựu cách tân được ghi nhận." !!!! Thật là trơ trẽn khi tự ca ngợi mình như vậy,cám ơn bác "
-----------------------------------
Chắc có lẻ trong thời chống Mẻo cứu nước (nhưng kết quả là đuổi Mẻo bán đất biển cho Tàu)nhà thơ vỉ đại Nguyển Linh Khiếu đã tham gia bộ đội và trở thành chuyên viên về chất nổ. Nay đất nước đã hòa bình nhưng vẩn còn ngứa nghề thích cho nổ. Khi xưa mổi lần chuyên viên gài chất nổ là có chết người bây giờ cho nổ bằng mồm và trên giấy bút có chết ai đâu. Y học tiến bộ trên thế giới chưa có thuốc trị bịnh NỔ. Thật đáng tiếc.....
nsinguyen wrote on Mar 2
Tôi đã học Giảng văn VN (Kim văn, Cổ văn) lúc còn là học sinh Trung học. Sau này, để hiểu biết thêm, tôi đã đọc nhiều áng thơ, văn hay...cùng với tự sự của những nhà văn, nhà thơ..., hầu hết, các vị ấy đều khiêm tốn...
Có vị còn nói với tôi và nhắn nhủ với con cháu trước khi qua đời:

"Mười năm làm được trăm bài, chỉ mong có được vài bài là thơ!"

Vậy mà cái ông nhà thơ sặc mùi máu lửa này lại vỗ ngực xưng tên... thật là kinh khiếp... những vần thơ của ông ta... ôi, quái thai thú vật của thời đại...!!!

Đau xót thay cái thực trạng xã hội hiện thời của nước ta, ngay cả những gì thuộc về văn hóa, nó đã trở nên tha hóa quá đỗi, đến nỗi những "tác phẩn" bốc mùi ấy lại được trao giải... rõ ràng là cái "hội đồng... chuột" này... không biết phải nói như thế nào để miệng của mình không bị bẩn???
pgtmedu wrote on Mar 3
"còn khóc được nghĩa là còn trong sạch"

Thơ con cóc!
onsok wrote on Mar 3
gui nsinguyen, toi hoan toan dong y voi anh va voi anh nguoivietnam475 la bai tho quai go cua cai ten nha van "thuoc no vem" thoi khong chiu duoc...
Cu Nguyen Du ma doc duoc bai tho cua ten khung nay, chac Cu phai cuoi ra nuoc mat...Khon kho cho Me Viet Nam lam thay!!! con cua Me gio day qua nhieu lu dau trau mat ngua...
mongcaicamau wrote on Mar 3
Đọc song bài tho đạt giải A của đại thi sỹ Nguyễn Linh Khiếu tôi vô cùng tức giận.
Tôi tức giận cái hội đồng khoa khảo chấm giải A cái bài tho này.
Ở những câu trong phần đầu đại thi sỹ đưa ra hình ảnh những thiếu nữ nuớc ngoài đứng khóc tại chứng tich Mỹ Son.
"Tôi thấy những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Son Mỹ
nuớc mắt ròng ròng tội nghiệp họ níu díu ôm nhau
những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Son Mỹ"
Như cố công muốn diển giải cái sự sám hối tội ác do những nguời lính của đất nuớc các thiếu nữ này gây ra. Cho nên những thiếu nữ ngoại quốc này "khóc ròng ròng, phải níu dìu nhau " trong tâm trạng ngập tràng của sự ăn năn hối lổi. Trong đó đại thi sỹ muợn hình ảnh của những thiếu nữ ngoại quốc để nêu cao tình thuong của chính tác giả đối với đồng bào ruột thịt của mình qua cách miêu tả "Họ níu dìu nhau đi", nhu thể những nguời đa chết ở cái chứng tích kia là máu mu ruột thịt của chính những thiếu nữ đó. Và qua đó tác giả nhu nuốn nêu cao cái đức tính cao cả của mình, cái đức tính vị tha khi thấy cảnh nguời ta níu dìu nhau đi trong ngập tràng tôi lổi và sám hối.
Nhưng cuối cùng tác giả đã tát vào cái bản mặt mình, vào bản mặt của các khoa khảo, và vào bản mặt nguời CS một cái tát nhá lửa. Khi gần đoạn kết đưa ra cái câu
"Còn khọc đuợc là còn trong sạch"
Trong cuộc chiên VN không chỉ có mỗi cái chứng tích Mỹ son, và không chỉ có Mỹ, Ngụy là gây tội ác giết chóc thôi đâu. Bên phía của nguời CS cung giết biết bao nhiêu thuờng dân vô tội vạ. 5,6 ngàn dân Huế phần bị giết, phần bị chôn sống do ai gây ra..? Và rồi những trận đánh lớn vào các thành phố của Miền Nam, mà đầu tiên là những trận pháo kích bằng đại bác và rockét, không lẻ không gây chết chóc cho dân thuờng sao.! Không lẻ đạn pháo của nguời CS ngữi đuợc mùi dân nên tránh sao..?
Nếu như thi sỹ Nguyễn Linh Khiếu khóc thương cho Đồng Bào bị giết ở chứng tích Mỹ Son đuợc.!? Sao thi sỹ không khóc thương cho những cái chết vô tội vạ của Đồng Bào Miền Nam..! Nếu như những thiếu nữ nuớc ngoài kia có thể khóc ròng cho cái chết của Đồng Bào Nguời, thì tại sao Nguời lại không thể nhỏ một giọt nuớc mắt xót thương cho Đồng Bào bị chết lầm của Nguời vậy hở nguời CS..?!
Nếu như thi sỹ Nguyễn Linh Khiếu và nguời CS không khóc đuợc cho những cái chết của Đồng Bào Miền Nam, thì cũng nên để cho những nguời có lòng dựng nên một nơi để hương khói cho những con nguời sấu số kia. Như vậy mới phát quy đuợc cái tính trong sạch chính nghia của các Ngài, bởi vì "Còn khóc đuợc là còn trong sạch" mà. Như thế quá khứ mới đuợc quên đi, tương lai mới đến chứ. Những thiếu nữ ngoại quốc còn khóc đuợc cho Đồng Bào VN để đuợc trong sạch, không lẻ các Ngài không đuợc hay sao...!? Thiết nghi. Nếu làm đuợc như vậy mới bọc lộ cái lòng vị tha cao cả có các Ngài. Và nếu làm đuợc như thế thì câu hỏi của thi sỹ Nguyễn Linh Khiếu.
"Nuớc mắt có ngăn đuợc tội ác
Nuớc mắt có xoa dịu những chứng tích đau thuong"
Có câu trả lời là: Có. ; bởi vì đó mới đích thực là lòng vị tha.
kieugiang wrote on Mar 4
Nòi nhà Cộng lúc nào mà chả nổ đùng...đoành về đỉnh cao trí tuệ của mình... Nhưng tiếng gáy của tên Linh Khiếu, bàn dân thiên hạ ai nghe cũng thấy ăng...ẳng...Còn bọn chấm giải, đúng là lũ Chí Phèo mạt hạng... Chắc đã kiếm được chút lót tay từ tên háo danh rồi...Sao mà mấy chục năm nay, chúng nó vẫn nguyên ...như cũ vậy nhỉ !!! Thời gian ơi ! Người Tử Tế và có Nhân Cách phải đợi đến bao giờ ????????????????
langdu126 wrote on Mar 4
tin mới nhất-Do làm lobby cho phim The hurt locker (bằng Email thôi)Nicolas Chartier nhà sản xuất của phim đã bị cấm cửa không cho đến dự trao giải Oscar Cái bọn tư bản này ns không biết gì về chấm giải cả!
coolissimo wrote on Mar 5
chả biết bác khiếu hót bậy này cách tân, sáng tạo chỗ nào, chỉ thấy bácấy mang danh nhà báo, nhà thơ mà viết còn sai chính tả, chữ "líu ríu" (diễn tả trạng thái e dè, sợ sệt, hoặc cuống quít, ngại ngùng, phải nương vào nhau, tụ lại với nhau) của người ta mà bác viết thành "níu díu" !!!! thật làm hổ mặt cả hội nhà bác!
Comment deleted at the request of the author.
ngxxx1 wrote on Mar 5
Xin được post 1 baì mới đăng ở Vietbao

SAIGON -- Một bài thơ đã thắng giảỉ nhất “cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long do các Hội Văn học - Nghệ thuật trong khu vực nầy liên kết tổ chức, tỉnh Cần Thơ đăng cai,” nhưng áp lực chính trị đã tước bỏ giải nhất này. Đó là chuyện mới xảy ra trong tuần naỳ, của năm 2010, tại quê nhà.
Trang blog của nhà văn Võ Đắc Danh và của nhà báo tự do anhbasg hôm 3-3-2010 đã ghi nhận về trường hợp giải thi thơ bị “xử lý” kỳ lạ như thế.
Không rõ lý do bị tước đoạt giảỉ nhất, nhưng có một vài chữ hay câu thơ nhạy cảm, thí dụ “nghẹn... nhiều cô gái rời quê, Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu. Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu...”
Bài thơ nhan đề “Trăng Nghẹn” của nhà thơ Hoài Tường Phong đã thắng giảỉ Nhất cuộc thi nói trên, và tình hình diễn biến như sau:
“TRĂNG NGHẸN là bài thơ của Hoài Tường Phong vừa đoạt giải Nhất cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long do các Hội Văn học - Nghệ thuật trong khu vực nầy liên kết tổ chức, tỉnh Cần Thơ đăng cai. Nhưng một sự cố lạ lùng chưa từng có đã xảy ra: Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, trưởng Ban Giám khảo cho hay, một số cơ quan "có thẩm quyền" ở thành phố Cần Thơ (thực chất là không có thẩm quyền) đã yêu cầu Ban Giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất, vì bài nầy u ám quá. "Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được". Ban Giám khảo đã quyết định không chấm lại, cuối cùng họ quay sang tác giả. Nhà thơ Hoài Tường Phong cho biết, mấy ngày nay chủ tịch Hội Văn nghệ Cần Thơ yêu cầu ông làm đơn từ chối giải thưởng với lý do "tôi không có gởi dự thi". Ông khẳng định rằng "tôi đã gởi dự thi", sau đó vị chủ tịch Hội Văn nghệ lại yêu cầu ông làm đơn xin từ chối giải thưởng với lý do "Thơ tôi có nhiều câu chữ không phù hợp với tiêu chí cuộc thi". Ông Phong nói "Đó là việc thẩm định của Ban Giám khảo".
Xin miễn bình luận về sự kiện nầy. Mời các bạn đọc bài thơ TRĂNG NGHẸN đã được công bố giải Nhất vừa qua.
Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
TIN MỚI NHẬN:
Anh Danh ! Chiều ngày 3-03-8010, Ban thường vụ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Cần Thơ đã họp và chính thức quyết định loại bỏ giải Nhất của bài thơ Trăng Nghẹn của Hoài Tường Phong. Rõ ràng đây là một sự lạm quyền hay lộng quyền thô bạo chưa từng có của một Hội văn nghệ địa phương vì đây là một giải thơ của khu vực ĐBSCL. Thật không còn gì để nói. Vì không có máy tính và không biết gởi mail nên anh Hoài Tường Phong nhờ tôi mail cho anh để biết.
Mến chào anh.
Phương Đông
Nguồn: Blog Võ Đắc Danh”
voteformevn wrote on Mar 7
Lau ngay nghe lai. Kinh chao bac!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.