Tuần kí số 2, May 30 - 2009
ĐỪNG NÍU KÉO NHỮNG CÁI GÌ KHÔNG NÊN NÍU KÉO
Nhân nói chuyện về âm nhạc, con tớ nó up lên một tấm hình nhạc sỹ chán đời. Liệu còn chút tư thế nào không các friends thân yêu???
Hôm nay, định kể chuyện xưa về những người “sáng tác ăn lương” của nhà nước đã phải “hèn” như thế nào thì lại cập nhật được một “chuyện hay” tren VTV1 do g/s Nguyễn Lân Hùng báo qua tô lô phôn. Đó là: một buổi tọa đàm về “âm nhạc truyền thống” của một ông thiếu tướng văn nghệ, một ông nguyên thứ trưởng kiêm ca sỹ, kiêm nghệ sỹ nhân dân và một nhà thơ + người viết ca khúc tên tuổi trong làng… báo. Thế là hai đề tài tớ cộng lại để viết luôn một entry có tên là:
ĐỪNG NÍU KÉO NHỮNG CÁI GÌ KHÔNG NÊN NÍU KÉO
Âm nhạc là tiếng nói của tình cảm. Nó trực tiếp đến người nghe nhanh nhất, tác động đến nhận thức và tâm hồn con người nhanh nhất. Nó là “tốc kí của tình cảm”. Do đó, ba yếu tố của văn nghệ nói chung và âm nhạc nói riêng là Chân, Thiện, Mỹ thì cái “chân” tác động nhanh nhất vào người nghe. Một bài hát “giả vờ” hay chân thật về tình cảm, người nghe nhận ra ngay tức khắc chứ không phải chờ đến khi gắp lai một cuốn sách hay màn ảnh hiện lên chữ THE END! Còn hai yếu tố “thiện” và “mỹ” có thể đến chậm, rất chậm vì nó cần qua cái đầu để suy nghĩ… Phê phán hay hoan nghênh nó tùy chỗ đứng của từng con người trong hoàn cảnh của mỗi người. Trở lại những câu hỏi mà rất nhiều friends trẻ muốn tớ nói chuyện là: Tại sao những bài hát về tình yêu thuở xưa của các bậc tiền bối, của các nhạc sỹ thế giới cũng như Việt Nam lại sống lâu và sống mãi với thời gian? Các bạn trẻ hôm nay vẫn thấy “Giọt mưa thu”, “Đêm đông”, “Tạ từ”, “Sơn nữ ca”….nó hay chính vì những tác phẩm ấy đã đạt được ba cái tiêu chuẩn Chân, Thiện, Mĩ rồi đó. Vì những người sáng tác đã rút từ trong lòng mình ra những gì cần nói lên bằng âm thanh (nếu là nhạc không lời) và ca từ (nếu là ca khúc) những tâm trạng của chính mình hoặc đã hóa thân (dédoublement) thực tài tình để nói lên tâm trạng của một hoặc cả ngàn vạn người khác mà mình đã thật lòng chia sẻ. Những âm thanh và lời ca đó phát ra lại được những tâm hồn đồng điệu đón nhận, yêu mến, biến nó thành tiếng nói của lòng mình. Và như thế, dù không biết một nốt nhạc nào, thậm chí chẳng trông thấy văn bản bao giờ, hàng triệu con người nâng niu nó, truyền khẩu cho nhau, biến nó thành tiếng nói của chính lòng mình. Thế là một loạt bài hát hay được lưu truyền mãi trong nhân dân ….như từ trứoc đến nay nhũng bài dân ca hay nhất, đạt đến mức Chân-Thiện Mỹ nhất, tồn tại chẳng kể thời gian hay không gian.chẳng kể nó là có “nhạc địch” hay “nhạc ta” như đã có những thằng đại ngu từng kết luận, vì cái Đẹp lý tưởng muôn đời chỉ có một! Rời xa ba yếu tố Chân Thiên Mỹ dùng văn nghệ vào mục dích ngợi ca cái Ác, cái Giả, cái Xấu thì trước sau các tác phẩm ...gọi là "văn nghệ" đó chỉ còn là ….những đồ bị lịch sử vứt vào sọt rác của “lãng quên”.không sớm thì muộn!
Kẻ nào có thể rung động trước những “Kiếp đỏ đen”, “Yêu nè! Không yêu nè”, “Yêu em đi dù biết anh dối lừa”, “Con cái nhà ai xinh đáo để”, “Ứ ừ em hổng chi…ị u đâu!” (!?), nếu không phải là những kẻ tâm hồn bệnh hoạn, như người “dặn” ra nó? Phải chăng họ đã đựoc khuyến khích làm băng hoại tâm hồn một lớp trẻ đã hư hỏng sẵn hoặc đơn thuần chỉ với mục đích ăn khách, kiếm tiền bằng bất cứ giá nào?… Những thứ tình cảm ma quỷ, “cực dỏm” đó, lại được quảng cáo mọi chỗ, mọi lúc, được phát trên TV, được in thành đĩa CD, VCD, DVD, được quảng cáo, mời mọc qua tin nhắn (mất tiền) mau mau tải về … “dế yêu” (mobilphone) để được sông, ăn, ngủ với những thứ tình cảm nổi loạn đó đêm ngày (VTC đã không ngừng dành cả 1/5 màn hình trong tất cả mọi chương trình để làm việc này)!!! Liệu có bao người thấy con tim rung động vì cái yếu tố đầu tiên là cái “Chân” đã mất, còn cái “Thiện” thì chỉ “thiện” với những kẻ dối lừa, hay đánh đề ‘đánh bạc…?
Trả lời về chuyện nhạc của Trịnh Công Sơn mà nhiều friends yêu cầu tớ lên tiếng thì… tớ cũng xin góp một đôi lời như sau:
1-Về phần tác phẩm của anh, nó cũng nằm ở trong những quy luật trên mà thôi. Trịnh Công Sơn đã nói lên cái tâm trạng của một người "chẳng theo bên nào". Gọi anh là “phản chiến” thì anh phản chiến cả hai bên tham chiến... Tuy nhiên, những gì con tim anh phát ra đã làm rung động ai, đến mức nào, và gây tác dụng hay tác hại cho chế độ nào đến đâu thì rõ ràng là tùy sự rung động của mỗi người. Lên án Trịnh Công Sơn là nhạc sỹ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” theo tớ, là... đề cao anh quá mức! Nhạc của Trịnh Công Sơn (đặc biệt là lời ca) đúng là có thể hớp hồn cả “bên này” lẫn “bên kia”. Có thể chỉ cần một “Đại bác ru đêm”, một "Hát trên xác người" là có thể ghép anh vào tội chửi “cộng sản” đồng thời cũng có thể ghép anh vào tội chửi “quốc gia” nếu đứng vào lập trường của phía bên này hay phía bên kia. Đó là cái “mạnh” của Trịnh Công Sơn. Anh không bao giờ nói anh đứng ở phía nào trong tác phẩm của mình, mặc cho ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Ngay cả sau 75 những “Hòn bi xanh”, “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, “Em ở nông trường em ra biên giới”…. Người yêu anh thì cho là anh đã lao vào con đường tuyên truyền cho cộng sản. Kẻ ghét anh thì có thể cho anh là vẫn “nước đôi”. Tại sao lại phải mỗi ngày chọn một niềm vui?! Tại sao lại “em ra đi nơi này vẫn thế?” Vẫn thế là thế nào? Thậm chí có người đã hát đồng ca “Mỗi ngày tôi nhậu một lần thôi! Nhậu từ sáng sớm đến chiều tối” cốt để mỉa mai anh về tác phong sinh hoạt của anh. Riêng tớ, mấy lần tiếp xúc với TCS thì tớ đều thấy rõ ràng: anh là một người hòan tòan độc lập về suy nghĩ và tớ có thể khẳng định là TCS nhậu từ sáng sớm tới chiều tới thì có. Còn định tham gia vào chính quyền, ham hố chức vụ thậm chí kiếm ăn bằng nghệ thuật thì TCS hòan tòan không để ý. TCS được mọi người nhớ tới theo tớ chính là vì anh là tác giả của những bài hát có đầy đủ những yếu tố Chân, Thiện, Mỹ, anh nói thật với chính lòng mình, chẳng đứng vào bất cứ “bên” nào cho đến chết mà thôi!
2- . Còn muốn “bôi nhọ” một người nghệ sỹ về đời tư thì kể cả trong lịch sử âm nhạc thế giới, một Beethoven, một Lizt, một Tchaikovsky, một Stravínky đã có cả hàng trăm cuốn sách nói về các khiếm khuyết trong đời tư của các ông (chưa kể đén cuộc sống bên các nhà ả đào, bên bàn đèn thuốc phiện của các văn nghệ sỹ tiền bối trước 1945). Nhưng rốt cuộc những gì là Chân, Thiện, Mỹ của họ đã được lịch sử ghi nhận cho tới ngày nay. Tóm lại, một tác phẩm âm nhạc mà một số friends hỏi tớ vì sao nó sống mãi với thời gian còn trái lại nhiều bản tình ca, thậm chí đã được tặng giải này giải khác, được những cơ quan nắm “đầu ra có quyền lực” nhất o bế cũng không sống được, dù chỉ lấy một năm ,là như thế đó !
ĐẶC ĐIỂM VỀ "CÁI HAY" TRONG ÂM NHẠC THỜI CẬN ĐẠI
Riêng về chữ “hay” trong âm nhạc đã có bao nhiêu cuộc hội thảo, đủ loại sách vở được trích dẫn để cố gắng áp đặt một thứ hay thống nhất như nhau. Vậy mà đến bây giờ thế nào gọi là hay vẫn không ai thuyết phục nổi ai. Đặc biệt là từ khi có một dòng nhạc chưa có trong các Tự điển âm nhạc hay Lịch sử âm nhạc thế giới. Đó là dòng “Âm nhạc cách mạng” dưới “ánh sáng” lý luận văn nghệ Mác-Lê(?), coi âm nhạc cũng là “Vũ khí đấu tranh giai cấp” được mang từ Liên Xô, Trung Quốc về! Thế là cái hay bỗng trở nên rối rắm, tối mò, thậm chí mọi thứ giá trị đều bị đảo lộn! Cái hay của anh khác cái hay của tôi. Cái hay của thời xưa khác các hay của thời nay. Cái mà anh thấy hay thì tôi lại thấy dở thậm chí quá dở. Cái mà anh cho là đáng được vào hàng tuyệt đỉnh thì tôi lại thấy là nên vứt vào sọt rác. Rút cuộc chỉ còn một cái Hay áp đặt, cái Hay mà "trên" hoặc một số "quan văn nghệ" bảo là... hay! Vì nó đã làm đúng chủ trương chính sách, đúng yêu cầu trươc mắt của Đảng! Với tớ thì tớ đã tuyên bố trên chương trình “Tô Hải- người nhạc sỹ chiến sỹ” phát trên VTV1 (và tớ đang còn lưu giữ băng vidéo đây) là: tớ chỉ có độ hai mươi đến hai mươi lăm tác phẩm thôi, ngòai ra hơn hai trăm “bức tranh cổ động bằng âm thanh” thì tớ xin đuợc... vứt nó đi vì nó đã hòan thành nhiệm vụ và xin các đài phát thanh truyền hình đừng phát nó nữa kẻo gây “sốc” cho đồng bào nhất là đồng bào miền Nam. Vì đâu mà tớ nỡ đối xử với các “con đẻ” của mình như thế:
1) Vì tòan bộ những “bức tranh cổ động bằng âm thanh” đó, chính "thời thế" đã bắt các nhà xuất bản, các Tivi và Phát Thanh xếp xó nó từ lâu rồi !, vì chính họ cũng đã gọi tên chúng là các “tác phẩm cúng cụ”! Chẳng lẽ quan hệ giữa ta và Mỹ, giữa Tàu và ta đang có nhiều “tiến triển tốt đẹp”, đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc đang là "quan hệ mười sáu chữ vàng" mà lại phát bài chống bành trướng, chống chiến tranh biên giới 79 mà bọn công chức- nhạc sỹ chúng tớ viết theo yêu cầu những khi còn coi những người anh em là kẻ thù được ghi trong hiến pháp và nghị quyết của Đảng hay sao? Riêng về những bài động viên thanh niên lên đường ra trận thì nay phát lên tớ càng cảm thấy “có tội” đối với hương hồn của hàng triệu sinh linh đã chết oan trong hai cuộc kháng chiến gần nhất: “chống Mỹ và giải phóng nhân dân căm-pu chia khỏi bàn tay Polpốt” vừa qua. Vậy thì, oang oang lên những "bài ca chiến thắng", tưng tưng lên trước mỗi lần kỷ niệm chỉ làm cho hàng triệu gia đình... có con em chết mất xác trên đương Trường Sơn hay ngoài Hoaàng Sa,Trường Sa càng thêm đau buồn mà thôi! Còn đối với hàng triệu ngừoi ở "phía bên kia" cùng với hàng triệu "khúc ruột ngàn dặm" thì nghe những bài hát "kiêu binh" đó đã trở thành một thư khiêu khích, phản tác dụng cho nghị quyết 36 là quá rõ ràng! Do đó, tớ đã viết trên blog của tớ những ý kiến cá nhân về “văn nghệ ca ngợi chiến tranh” dù bất cứ chiến tranh nào đều là không nên có và rất hiếm khi sống với thời gian. Đặc biệt với cuộc chiến tranh kéo dài gần nửa thế kỉ mà người Việt Nam bắn vào người Việt Nam thì nhiều chứ bắn vào kẻ thù Tây, Mỹ thì… ít. Tớ đã có những ý kiến mạnh bạo và độc đáo về chủ đề này trong entry “Vì đâu tớ mất cái mẩu hạnh phúc cỏn con”, (các bạn thử tìm đọc lại). Tớ chỉ xin nhắc lại một câu mà “Ngôi Sao Nhỏ” của VietNamnet cũng phải đăng lại kèm theo những lời bình là “…tại sao một bài viết hay như thế mà không đưa lên báo in để nhiều người cùng được dọc:..”
Mọi cuộc chiến tranh, theo tớ (dù chính hay tà) cũng chỉ là đi theo ý đồ của các nhà chính trị còn đối với cả tỉ tỉ dân trên Trái đất này thì chiến tranh chỉ có nghĩa là mất mát, là tang tóc, là máu chảy, xương rơi là đầu, óc, gan, tim, ruột, phổi phèo nát bấy dưới mưa bom bão đạn, là vợ mất chồng, cha mất con, là cửa tan nhà nát,…Còn đối với văn hóa thì chiến tranh đồng nghĩa với hủy diệt…Không thể có một sự Chân, Thiện, Mỹ nào tồn tại trong các tác phẩm ca ngợi sự đâm chém, bắn giết, dù đâm chém một con lừa hay một con bò! Và nguy hại hơn nữa là khi con người đã chai lì với những cuộc chém giết, khi “tâm hồn và trái tim đã hóa đá” đến mức phun ra những thứ triết lí chiến tranh kiểu “Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân” hoặc “Đi đánh Mỹ vui như là đi trẩy hội” hoặc do chẳng đi chiến trường bao giờ nên “lãng mạn hóa chiến tranh” kiểu “Đường Trường Sơn ta qua”… mà vẫn được ngắm “những con nai vàng ngơ ngác”? để rồi “ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi”. Văn nghệ kiểu này, sau khi đi Trường Sơn về tớ thấy là…TỘI ÁC, là đánh lừa người không biết mùi chiến trận, là cười cợt trên cái chết của hàng trăm, hàng ngàn người mỗi ngày, là ru ngủ một cách vụng về thậm chí ác độc trước những nỗi đau của các bà mẹ, của những người vợ đang khăn tang trắng làng, làng tớ, làng bạn, làng anh, làng chúng ta từ Nam ra Bắc. CHIẾN TRANH CÁI CON QUỶ PHÁ HOẠI, CÁI “THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ CUỐI CÙNG” TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ CỦA CÁC NHÀ CHÍNH TRỊ MONG SAO KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI TRÊN MẢNH ĐẤT KHÔNG MAY MẮN NÀY, KHÔNG MỘT VĂN NGHỆ SỸ NÀO PHẢI NHƯ TÔI ĐẶT BÚT ĐỂ VIẾT, VẼ VÀ CA NGỢI NHỮNG CON NGƯỜI ĐI VÀO CÕI CHẾT ĐỂ BẢO VỆ CHO MỘT LÝ TƯỞNG CHÍNH TRI MÀ MÌNH KHÔNG HỀ BIẾT NÓ LÀ CÁI QUỶ QUÁI GÌ CẢ.
2) Cho dù có những tác phẩm viết ra xuất phát từ lòng yêu nước đã đạt đến một mức Chân, Thiện, Mỹ nào đó thì nó cũng chỉ phù hợp với một thời điểm nào thôi. Vì thời thế không cho phép “bới” nó ra khi không thích hợp, Dẫn chứng cụ thể là: Những bài hát chống Mỹ “hay” như “Cô gái vót chông”, “Em là hoa P’ lang”, “Thắm thiết tình Việt Trung Xô”, “Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi sông liền sông” có lúc đưa ra đã phải sửa lời bỏ đi những chữ đế quốc Mỹ hoặc xếp xó khi xảy ra chiến tranh biên giới năm 79 nay bỗng dưng lại được phổ biến. Cái cách lãnh đạo quay ngoắt 180 độ đã biến những tác phẩm làm công ăn lương cũng hay-dở, dở-hay và sống- chết, cũng thay đổi bất kể lúc nào. Nhiều bài học trong lịch sử đã chứng minh điều đó. Bởi vậy dính líu càng sâu vào một phe phái, một đường lối chính trị nhất là chính trị độc tôn, thì cái chết của tác phẩm là cái chắc, khi cái đường lối chính trị bỗng quay ngoắt 180%!. Nguyễn Khải đã tự coi “Giải thưởng Hồ Chí Minh của mình là cái “bia sang trọng” cắm lên nấm mồ của sự nghiệp văn học đã đến hồi kết thúc” của anh là thế đó! Khi anh coi cả sự nghiệp văn học của anh đều là “một mớ táp nham không có một chút giá trị văn học” thì từ cái HAY (giải thuỏng HCM )anh đã tự nhận là: DỞ, CỰC DỞ. Giá trị đã lộn nhào ngay từ chinh trong nhận thức của anh! Lý luận thế nào đây?.
Riêng tớ, tớ đã công khai phủ nhận những gì một thời được gọi là HAY từ lâu! Nhất là sau khi đi đường Trường Sơn về, cứ mỗi lần, những ngày” cúng cụ” họ phát lại những bài viết trong chiến tranh của tớ và các đồng nghiệp thì tớ đều biết là họ Phải phát vì nhiệm vụ chính trị chứ họ cũng thừa biết :thanh niên thời nay ai thiết nghe những chuyện chết chóc này thậm chí họ tắt máy để nghe “Ngã tư tình” nó up to date hơn. Vậy mà: Ngay sáng 1/5/2009 người ta đã tổ chức một cuộc tọa đàm về một vấn đề mà tớ không thể không lên tiếng trên blog vì biết rằng chẳng còn dịp để tớ tung ra những bản “tham luận bom tấn” như ở các kì đại hội nhạc sỹ lần 6, lần 7 nữa . Đó là:
CÓ NÊN NÍU KÉO NHỮNG CÁI CHẲNG NÊN NÍU KÉO KHÔNG?
Nhân ngày thắng lợi xuân 75. Với hàng loạt những bài cúng cụ được tung ra và hàng loạt “tác phẩm mới” ca ngợi “quân dân ta anh hùng”. VTV1 đã tổ chức một buổi tọa đàm để ba vị có tên mà tớ kể trong phần vào đề, đến trường quay để trình bày cho cả nước biết ý nghĩa và cái "Hay" của những "bài ca cách mạng" và quan trọng hơn là làm cách nào để những bài hát đó... "sống mãi với quần chúng". Ngòai câu chuyện “bốc thơm” những sáng tác mà theo quan điểm của tớ là nên xếp lại thì các vị đó lại còn có một sáng kiến “rụng rời”: đó là sẽ làm một… bảo tàng về…. âm nhạc cách mạng. Sợ rằng con cháu sau này không hay biết (sic). Nhân dịp nói chuyện với lớp trẻ về cái Hay trong âm nhạc này tớ xin thẳng thừng bác bỏ ngay lập tức và xin các vị nếu có quyền lực cho vào bảo tàng đó những tác phẩm đã được khen thưởng của tớ như “Chúng ta không muốn đói” “Nông dân biết ơn bác”, “Hướng về Liên Xô”, “Sẵn sàng! bắn!” (đều được giải thưởng không to thì “nhớn” cả đấy) thì tớ cũng xin vái lạy các cụ mà rút lui. Còn những ai thấy vinh quang trong cái bảo tàng đó thì xin cứ việc! vì những lí do gì thì tớ đã trình bày ở trên. Chưa kể đến việc tác phẩm ai sẽ được ở trong bảo tàng đó sẽ lại gây thêm rắc rối kiện cáo, chen lấn, xếp hàng hoặc rồi lại đầy nhóc những tác phẩm của các vị chẳng hề biết con đường Trường Sơn nó ơ đâu là gì, chẳng hề biết đi lính, đánh giặc ở nơi nào nhưng nay có chức có quyền thì lại xếp tác phẩm của mình vào bảo tàng không đáng có đó. Một vấn đề “tế nhị’ khác mà tớ cũng không thể không nói ra: Đó là việc “kiếm chác” của những người đề xướng để ... “ăn” vào nó như kiểu gặm nhấm ODA trong dự án đại lộ Đông Tây thành phố HCM vì chuyện này mà thực hiện được thì phải bỏ ra cả tỉ tỉ đồng của quỹ nhà nước và của các nhà tài trợ… Chuyện chia nhau các dự án văn hóa, chia nhau những giải thưởng đã là hàng đống minh chứng..
Vì vậy, tớ kêu gọi những công dân mạng nếu nghe tớ nói là có lí thì hãy ủng hộ tớ là: Bảo tàng âm nhạc Việt Nam thì được chứ bảo tàng âm nhạc cách mạng, âm nhạc chiến tranh thì xin thôi cho khỏi tốn tiền của nhân dân! Níu kéo những cái gì không đáng níu kéo thì nên dứt khoát vứt, vứt, vứt!!!!
Saturday May 2, 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.