Những thực tế làm tớ sáng mắt
Từ đây trở đi, tớ sẽ kể về những gì tớ đã tai nghe, mắt thấy, cảnh thật, việc thật, người thật… suốt thời gian 10 năm, tớ vẫn là một anh “văn nghệ sỹ cách mạng”, phấn đấu góp phần nhỏ bé của mình đem lại chút ít chân thiện mỹ cho đời…. Nhưng… không thể được vì càng cố gắng thì càng vấp phải nhiều thực tế phũ phàng nó cho tớ những cái tát tai tỉnh người và làm tớ… sáng mắt nhưng không thể nào sáng lòng được! Cuối cùng, năm 1986, tớ xin về hưu (sớm 1 năm) để khỏi dính líu tới mọi chủ trương chính sách, khỏi phải sinh hoạt liên quan đến bất cứ một hệ thống tổ chức nào, ngoài cái dính líu cuối cùng: hàng tháng lên phường lĩnh đồng lương hưu vừa đủ sống cho một thân mình, không vợ con, cha mẹ, độc thân giữa căn hộ 346 building 23 Lý Tự Trọng… TỚ CHỌN TỰ DO, TỰ DO HOÀN TOÀN, để được sống cho mình…
1001 cái thực tế đau lòng
Xã hội Saigòn sau 30/-4-75 thu nhỏ trong một cái building
Đó là một tòa cao ốc từ thời kỳ Pháp thuộc, chủ sở hữu là Nhà Chung, do một quản lý (gérant) có tên Lô-vợ đầm chỉ huy cả một bộ phận công nhân từ điện nước, mộc, nề tới gác dan, vệ sinh quét giọn. Nhà thờ đã dùng tòa nhà này để kinh doanh nuôi Nhà Thờ?
Chỉ biết là khi chấp hành chính sách, “tất cả những ai bỏ nước ra đi thì nhà cửa, tài sản để lại sẽ phải báo cáo lên ban Quân quản”, một số căn hộ ở building này, có hợp đồng cho thuê mà chủ đã chuồn trước 30 tháng 4 ra nước ngoài đã được phát hiện. Và thế là riêng Nhà Xuật Bản Giả…i Phóng chúng tớ gồm Phó Giám Đốc Huỳnh Minh Nhật, Trưởng Phòng Quản Lý Nguyễn Văn Long và chuyên viên âm nhạc Tô Hải bỗng dưng được “thả dù” vào một xã hội Sài gòn thu nhỏ 100%! Nghĩa là có đủ thứ văn minh lịch sự, hiện đại nhất cũng như đủ thứ đĩ điếm, ăn chơi, đủ loại Tây, Mỹ,Tầu, Ta.., nhà báo, nghệ sỹ…. đang còn kẹt lại. Và tớ đã phải sống chung với sự “đi xuống” không ngừng của cái building này suốt 18 năm trời.! Nó điển hình cho sự vô lý của việc …”biến tư thành công”, cha chung không ai khóc. Nhưng nó cũng điển hình cho sự xuống giốc nhanh chóng của CON NGƯỜI kể cả phía “bên này” và phía “bên kia”.
Như trên tớ đã kể, tuy cái building này có từ thời Pháp thuộc nhưng nó được thiết kế và tổ chức rất là khoa học. Em tớ đến thăm cho biết: Trước đó chỉ có những người ngoại quốc làm việc lâu năm ở Việt Nam, những nhà kinh doanh cỡ lớn, những tỷ phú, tướng lãnh lắm tiền thuê riêng làm nơi du hí và đặc biệt là nơi làm ăn của rất nhiều “điếm loại sang”. Trước tòa nhà là hàng loạt xe hơi, hàng quán bán suốt 24/24 … Và em tớ không khỏi lo cho tớ lạc vào cái thế giới này liệu có giữ được mình không? Tớ trả lời nó thế nào các friends có biết không?” Yên chí đi! Chỉ ba tháng nữa đến đây sẽ biết!”
Và quả là như thế, khi (nghe nói) Tổng Giám Mục Nguyễn văn Bình đã “hiến cho cách mạng” (?) đồng loạt với một số tòa nhà nào đó khác thì… một Ban Nhà Đất đã được hình thành, mà quản lý nó là một ông cán bộ tập kết, khi ở miền Bắc chuyên làm việc … phân phối vé đá bóng của Tổng Cục Bưu Điện (Khi gặp ông để ký hợp đồng thuê nhà trả tiền tớ đã gặp ông ta và ông thì nhận ra tớ (vì tớ là dân mê đá bóng) còn tớ thì chịu và cũng chẳng cần hỏi lại tên ông ta làm gì cho chặt chỗ cái bộ nhớ của mình! Dưới sự “lãnh đại và quản ný” của mấy ông này thì cái building đang sang trọng, lịch sự và quy củ như mọi building văn minh trên thế giới bỗng nhanh chóng “vô sản hóa” theo trình tự như sau:
1- Cho Ban Quản Trị nghỉ việc chỉ giữ lại có 4 người gác dan vì ở đấy còn cần bảo vệ một số cán bộ!
2- Ngừng ngay thang máy và các máy điều hòa nhiệt độ để tiết kiệm điện ! Khốn khổ cho ông phó giám đốc nhà tớ mỗi ngày 4-6 lần lội bộ vì ông thích ở lầu trên cùng cho khỏi bị ai ở trên đầu mình ! (có 7 lầu thôi) Có lẽ vì thế mà ông đau tim “đi” trước cánh tớ khi được điều về làm Tổng Biên Tập Báo Văn Nghệ Thành Phố (mới được “bầy” ra cho nó không thua báo Văn Nghệ Trung Ương!) Cái thang máy này, mười mấy năm sau cũng không thể chữa nổi vì là thang máy của Pháp, bỏ lâu không dùng nên các linh kiện đã hư hỏng hết! Cho đến gần đây, tớ mới biết : thì ra người ta đã có “kế hoạch” ỳ ra không thèm sửa chữa để “kinh doanh bất động sản ở một địa điểm vàng giữa quận 1. Căn hộ của tớ , nếu chịu đựng gian khổ cố ở tới giờ có giá tới ..14 tỷ VNĐ khi một công ty xây dựng nước ngoài định phá nó đi để xây nên một tòa nhà cao tầng mới!
3- Để chắc ăn, Ban Quản Lý Nhà đất còn cho người tới tháo tất cả các máy lạnh đi, để lại những lỗ hổng toang hoác mời gọi lũ chuột đang ngày một phát triển do khoang rác ở tầng trệt có khi cả tuần chẳng ai đến giọn đi!
4- Tiền thuê nhà với bọn tớ thì như … cho không nghĩa là chỉ tính có 5% lương. Nhưng tiền điện, tiền nước thì đôi khi cầm tờ hóa đơn mà phát lạnh người! Tiền điện công cộng gấp 10, 20 lần tiền điện của căn hộ. Nghĩa là bắt đầu có sự lưu manh, ăn cắp, câu điện… của nhiều gia đình… cán bộ lương ba cọc ba đồng! (Hiện tượng chưa từng có những tháng đầu khi tớ mới đến ở). Thế là chậm trả, Ông Điện cứ thẳng tay cắt điện. Mà ông Điện cắt Điện tức là cắt nước luôn vì cần điện để bơm nước từ tầng hầm lên nóc nhà! Chao ôi! sống giữa “Hòn ngọc Viễn Đông”, xung quanh toàn là Tây, Đầm xì xồ, nước hoa thơm phức hành lang, mà không có điện nước thì… ở trên rừng có lẽ còn sướng hơn nhiều! Thảm cảnh cao ốc không điện nước này, khi các ngoại kiều đã rút đi hết, nhường chỗ cho một cái công ty Vegetexco thì càng thêm phức tạp! Anh nào có thế, có chỗ quen biết thì “xin”kéo ngay một đường giây điện riêng về thẳng căn hộ mình. Sau đó mua một cái máy bơm riêng bơm nước lên nhà mình. “Mình vì mình kệ mẹ mọi người”. Cái máy bơm lớn của chung nằm đấy cho đến lúc hỏng hẳn chẳng ai thèm quản ný cả!
4- An ninh trật tự, những ngày đầu, khi tớ mới đến phải nói là tuyệt đối, thì càng về sau càng thêm phức tạp. Chính nơi này đã xảy ra các vụ giết người, đâm chém nhau, đánh bạc, đĩ điếm mà điển hình là vụ Triệu Bỉnh Thiệt ở lầu 5! Thì ra, từ lúc bắt đầu có công an khu vực, từ chú Thoan, chú Sơn, chú Tư nhỏ, chú Cao…mà tớ còn nhớ rất rõ không sót một ai, (hầu hết là lính mới tò te miền Bắc mới được chuyển vội sang công an)…cùng tổ dân phố quản lý, thì…chẳng ai quản cái building này nữa! Nhậu nhẹt, chửi bới oánh lộn, chẳng kể giờ giấc… Vệ sinh, nước xả, vỡ ống chảy cả xuống những hộ dưới. Có vị cán bộ chạy được nhà riêng, trước khi đi đã tháo luôn cả lavabo, WC…để đến khi có nước, nước chảy ra ngoài, chui vào thang máy nổ đánh oàng như lựu đạn giữa thời bình, cho đi tiêu hẳn ba cái thứ văn minh thực dân mới!
Chỉ riêng câu chuyện thực tế quản lý một cái building có 7 tầng thôi, tớ muốn nói đến cái “tài” phá của ba ông gọi là cốt cán của cách mạng và sự cố tình phủ nhận phương pháp quản lý có bài bản khoa học của “giai cấp tư sản” thực sự làm chủ tài sản của mình! Tớ nhớ mãi lời tạm biệt của bác Sáu già, người được cách mạng giữ lại điều khiển ban bảo vệ, khi gặp tớ lần cuối cùng: “Tôi chẳng làm gì được nữa khi “người ta” (?) chẳng những không bảo vệ được cái gì mà còn phá, phá sạch trọi cái cao ốc này, nơi tôi đã gắn liền với nó trên dưới 20 năm! Buồn lắm nhạc sỹ ạ!! Chúc nhạc sỹ sớm có nơi ở mới!” Nơi ở mới? Ông già này muốn gợi ý gì cho tớ về ba chữ “Nơi ở mới” đây?
Sự thật thì tớ cũng đã “bỏ của chạy lấy người”, nhưng nơi ở mới của tớ không thể thoát khỏi cảnh cao ốc XHCN,:c/c Miếu Nổi Quận Binh Thạnh! Vì tớ không có thế, chẳng có tiền và cũng chẳng có anh Tư, anh Năm, anh Sáu nào đỡ đầu cả!
Đấy! Một trong hàng ngàn tấn bi hài kịch về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tay những kẻ vô trách nhiệm, vô lương tâm, cơ hội chủ nghĩa nó thể hiện cụ thể, kéo dài suốt 18 năm ngay trước mắt, trên đầu, dưới chân tớ. Nó tác động đến trái tim và khối óc tớ như những “dấu ấn đen” không thể nào tẩy rửa được… Tớ sáng mắt thêm ra, nhưng lòng thì tối xầm lại vì một lần nữa thực tế cái chuyện building này chính là cái “building lý tưởng” nó đã xụp đổ trong tớ từ lâu rồi!
Tô Hải
03-04-2008
Bài tới “Hai cô sinh viên Đại Học ở lầu 2″
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.