Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Nhớ tiếng hát người chiến sĩ biên thùy

Và đây bài viết của giáo sư Nguyễn Lân Hùng, người đã từng là "hợp xướng viên nghiệp dư", từng đoạt huy chươngvàng trong các hội diễn cũng như các sinh viên thời đó như Hà sỹ Phu, Trần mạnh Hảo, Bùi minh Quốc,....nhờ yêu thích và bảo vệ tác phẩm THNCSBT:

Nhớ tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải

 Nguồn: TTVH Saigon

(TT&VH) - LTS: TT&VH đã nhận được bài viết của ông Nguyễn Lân Hùng, và với tư cách Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, ông bày tỏ suy nghĩ về việc sử dụng tác phẩm trong chương trình Kỷ niệm 50 năm bộ đội biên phòng vừa qua. Xin được trích giới thiệu cùng bạn đọc:
Đêm 28/2/2009, đài Truyền hình Việt Nam đã truyền hình trực tiếp đêm giao lưu nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bộ đội Biên phòng.
Trên sân khấu, một dàn hợp xướng khổng lồ của quân đội đứng oai nghiêm. Tôi hồi hộp theo dõi. Ngỡ tưởng người ta sẽ trình diễn bản hợp xướng Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải. Đấy là bản hợp xướng mà hễ nghe thấy nhạc dạo vang lên là hàng triệu người sẵn sàng bỏ hết công việc đang làm để đón chờ. Bản hợp xướng tuyệt vời ấy sống mãi trong lòng biết bao thế hệ bộ đội biên phòng và mọi người dân của cả một thời oanh liệt. Đài Tiếng nói Việt Nam đã từng lấy nó làm nhạc hiệu…
Nhưng không, người ta đã đưa ra một bản hợp xướng khác. Bản hợp xướng này có tên rõ dài nhưng phần đuôi vẫn có cụm từ “…người chiến sĩ biên phòng”. Tôi vẫn hy vọng, đó là bản hợp xướng của N.S Tô Hải mà họ đã giới thiệu lệch đi.
Thế rồi, tôi hoàn toàn thất vọng. Người ta đã thay vào vị trí đáng lý phải là bản hợp xướng Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải bằng một bài hợp xướng khác... Cứ cho rằng bài hợp xướng này ngang bằng với bài của Tô Hải đi thì cũng nên nghĩ rằng, đây là một buổi giao lưu có tính chất lịch sử, đây là giờ phút tôn vinh truyền thống hào hùng của bộ đội biên phòng. Chúng ta phải biết nhường bước cho những người đi trước, những người đã có đóng góp to lớn vào lịch sử của bộ đội biên phòng trong suốt 50 năm qua. Tại sao trong dịp lễ trọng đại này, ta lại quên đi bản hợp xướng của nhạc sĩ Tô Hải.
Nếu bản hợp xướng mới này là hay thì ta hãy cho nó vào chương trình giới thiệu tác phẩm mới. Tại sao lại chen nó vào vị trí đáng lý phải là tác phẩm của nhạc sĩ Tô Hải.
Hồi trẻ, chúng tôi là sinh viên và đã tham gia dàn dựng bản hợp xướng của Tô Hải cho đoàn hợp xướng của trường đại học. Chúng tôi đã giành huy chương vàng trong nhiều hội diễn. Mọi người đều biết, giải thưởng mà mình được nhận một phần là do giá trị của tác phẩm. Cả về ngôn từ và giai điệu trong bản hợp xướng của Tô Hải đều rất tuyệt vời. Một vị tướng đã nói với tôi: “…khi nghe bản hợp xướng của Tô Hải, nhiều anh em trong chúng tôi đã ứa nước mắt…”. Điều ấy đủ để chúng ta hình dung nên giá trị nghệ thuật và nhân văn của tác phẩm mà Tô Hải đã để lại cho đời.
Rất tiếc, tôi chưa một lần được gặp nhạc sĩ Tô Hải. Tôi không hình dung được mặt mũi của ông thế nào. Chắc ông đã già. Cho dù nếu như thời gian đã làm cho hình thể của ông thay đổi, thì đối với chúng tôi, ông vẫn là một thần tượng, một con người mà chúng tôi hết sức kính phục và quý mến. Tác phẩm Bài ca người chiến sỹ biên thùy của ông là niềm tự hào chung cho nhân dân cả nước, cho lực lượng biên phòng mà suốt 50 năm qua không một lúc nào được rời tay súng.
Đến tận bây giờ, tôi cũng không biết nhạc sỹ Tô Hải sống ra sao. Nhưng với chúng tôi, ông sống mãi trong tâm can.
Nguyễn Lân Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.