Blog này là của một nhân chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người. Blog này chỉ có nói lên sự thật, sự thật và sự thật. Blog tôi dành cho những người trẻ, hãy đọc và suy nghĩ về những gì mình đang chứng kiến trong cuộc sống....! không dành cho những kẻ HÈN, nghĩ một đằng làm một nẻo. Cấm những kẻ cơ hội, những tên phản động với Tổ Quốc tôi vào đây nói bậy!

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Tiếp tục thăm giầu hỏi sướng

Tiếp tục thăm giầu hỏi sướng

TỚ ĐI THĂM NHỮNG NGƯỜI ....KHÔNG CHIẾN BẠI.

Mới đầu, tớ chỉ coi những người không trực tiếp cầm súng ở miền Nam chống lại quân đội miền Bắc là những người không chiến bại....vì theo tớ, họ có vào sân đá banh đâu mà bảo họ thua...? Cho nên, giao tiếp với những gia đình, bạn bè không có con phải đi "học tập"nó làm tớ thoải mái hơn cả. Đỡ phải trả lời những câu hỏi mà chính các bố "tuyên bố một đằng làm một nẻo" cũng chẳng đủ sức trả lời! Tớ thay những phương châm dặn dò của Ban Thống nhất khi tiếp xúc với đồng bào, nhất là văn nghệ sỹ miền Nam là luôn ở "tư thế của kẻ chiến thắng", là "cần đoàn kết nhưng kiên quyết, cởi mở, nhưng cảnh giác "không để sa vào những cám dỗ vật chất của chủ nghĩa thực dân mới v.v... v.v... bằng một thái độ duy nhất: Đến với mọi người với cả một tấm lòng trung thực nhất, không bao giờ tỏ ra một người ở phe thắng tới với phe thua!


Tớ không thể hiểu nổi các nhà làm ra những câu như "thế ta là thế đứng trên đầu thù", những người chủ trương vừa tiếp quản thanh phố đã bắt toàn dân "treo ảnh lãnh tụ, treo cờ Tổ Quốc", đã đêm đêm bắt các em nhỏ phải đi tập trung học "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ!" có một chút nghĩ suy gì về tình cảm con người không chứ chưa nói đến tâm lý học. Làm sao mà người ta có thể bị áp đặt phải yêu những thứ mà người ta không những không thích mà còn sợ hãi, thù oán nữa? Làm sao mấy em nhỏ có bố đi "cải tạo"chưa có ngày về lại có thể mơ thấy gì ngoài bố chúng nó chứ! Tớ phải cố quên đi những lời hợm hĩnh kiêu binh (sufisance) trên đài, trên báo, trên những khẩu hiệu giăng đỏ đường để có đủ can đảm bước vào những gia đình mà tớ biết trước sẽ phải đối diện với trăm ngàn thắc mắc đủ loại...

Tớ không đến nỗi vào loại nói dối ngu ngốc là: "miền Bắc có cả trăm máy lạnh mắc ở công viên Lê Nin"! Tớ cũng không đủ can đẩm để nói miền Bắc sống xung xướng vì... không bị "kìm kẹp" dù không có tủ lạnh, tivi,xe máy..., dù miếng ăn nào cũng phải có phiếu có tem! Tớ muốn chửi cha cái thằng dám viết báo nói rằng "phong cách trẻ em khoanh tay, cúi đầu khi chào người lớn ở miền Nam là... rơi rớt từchế độ phong kiến!" Đặc biệt là đối với giới trí thức miền Nam, tớ luôn tâm niệm là: Họ có được cái đầu và trái tim phóng khoáng, tự do hơn chúng tớ nhiều. Hơn thế nữa họ có nhiều điều kiện để trau dồi trí thức, được đọc nhiều, xem nhiều, đi nhiều hơn hẳn mấy anh lý luận văn nghệ mà chỉ được đọc tác phẩm qua bản dịch, học lý luận qua các tổng kết triết học -chính trị-kinh tế học từ cuối thế kỷ thứ XIX! Và một điều tớ cho là văn nghệ sỹ miền Nam hơn hẳn mấy anh văn nghệ sỹ miền Bắc ở chỗ: 10 anh thì 9 anh dùng được từ 1 đến 2 ngoại ngữ để tự trau dồi kiến thức của mình. Điều này ở miền Bắc tỷ lệ dùng được ngoại ngữ là ngược lại 1/10! Mà hầu hết cái số 1 đó lại là ngoại ngữ học từ thời Pháp thuộc. Còn lại trí thức từ 50 tuổi trở xuống(tính đến năm 1975) thì... đều trông chò vào sách dịch nhỏ giọt mỗi năm dăm bảy cuốn. Ấy vậy mà các vị "kiêu binh văn nghệ" đó vẫn dám tổ chức tọa đàm,hội thảo đủ mọi thứ nghe có vẻ... " người lớn" ra phết : Nào " Sự khác biệt giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ", nào "Ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới tới văn học nghệ thuật miền Nam"... nào Hiện Sinh, Ca Muýt, Bôn Sác, tùm lum cứ như ta đây đã biết thừa "ba cái thứ bậy bạ" đó từ lâu rồi!

Tớ nhớ mãi một buổi hội thảo về văn học nghệ thuật tại 190 Phan đình Phùng mà mấy vị hãnh tiến chiến thắng đứng lên ăn nói bậy bạ đã bị anh em phản đối bỏ ra về! Riêng tớ cũng đứng dậy ra về theo vì cũng cảm thấy bị xúc phạm luôn nhất là kẻ xúc phạm mình lại là một thằng Ngu! Ai đời phân tích một tác phẩm của phía mà anh ta cho là "người thua", mời người ta tới mà lại nói là:"Anh có bao nhiêu cái đầu để tạ tội với cách mạng ?" (Phan Khắc Lập phê phán cuốn "Tiền Đồn "của Thế Uyên).

Còn về âm nhạc thì còn có ông tệ hơn nữa, dám phát ngôn một câu là ; "Âm nhạc miền Nam là âm nhạc... vô học". Tớ nhớ mãi truyện này vì chính sau đó một hôm, nhạc sỹ Phạm Đình Chương, người tớ đã quen biết từ thời kháng chiến chống Pháp đã đến gặp tớ ở 23 Lý Tự Trọng để nhờ phản ảnh sự bất bình của anh em "tại chỗ" về thái độ lời ăn tiếng nói của một số "cán bộ cách mạng". Tớ đã nói chuyện với n/s PĐC gần 3 tiếng đồng hồ về những gì chúng tớ đã trải qua để tồn tại đén ngày hôm nay... Rồi cuối cùng...Các bạn có biết tớ đã khuyên ông ấy cái gì không: Anh Chương ạ! Tôi khuyên anh... nếu còn khả năng, hãy..."ra đi" đi! sớm ngày nào hay ngày ấy! Các anh không thể sống an lành với thái độ thẳng thắn này đâu. Hơn nữa, với cái đầu và trái tim quen với tự do rồi, các anh không thể làm nghề sáng tác được dưới thể chế chính trị này đâu! Và cũng chính với cái bài thuyết phục tích cực một cách cực kỳ... tiêu cực này tớ đã chỉ sửa đi mấy chữ "không thể buôn bán", không thể hành nghề", "không thể phát triển tài năng" v.v... mỗi khi đến đâu gặp những người thân đang có vấn đề bế tắc trong tư tưởng, đời sống, vật chất hay tinh thần... Có thể nói, gần như cả gia đình nội ngoại xa, gần nhà tớ, từ bà cô, bán phở Bắc ở chợ An Đông đén ông giáo sư Đại Học Trường Y Dược, sau này ra đi, đều có công "thúc đảy" của tớ ít nhiều. Riêng giới nhạc, những người còn ở lại do còn lấn cấn vấn đề vợ con, tài sản hoặc còn hy vọng điều gì đó thì, sau cuộc cải tạo tư sản đều ra đi hàng loạt. Riêng cái dàn nhạc đã từng cộng tác với tớ suốt những ngày đầu tiên cố làm nên một thứ "âm nhạc giải phóng" thì ...ra đi không sót lấy một người!

Riêng đối với Nghiêm Phú Phi,một người tớ đặc biệt quan tâm, theo giới thiệu của Pham Trọng Cầu, tớ đã từng gặp để trao đổi nhiều về vấn đề có thể đẩy mạnh nền âm nhạc kinh viện (académique)ở Sài gòn này không thì ông cho biết :Ông đã có giấy tờ chính thức ra đi, không thể ở lại được, dù lúc đó người ta đã "cơ cấu" ông vào Ban Chấp Hành Hội Âm nhạc thành phố sắp được thành lập.Tớ mừng cho ông vì những thứ ông học mà tớ đã được biết (được xem và được nghe qua một cái quartet cho đàn giây ) quả là hiếm hoi ở đất Sài gòn này nhưng ông sẽ chịu sao nổi sự lãnh đạo của mấy ông đáng tuổi con, tuổi em ông đang sắp từ Liên Sô,Trung Quốc... trở về với cả một hệ thống tư duy về thẩm mỹ (và cả kỹ thuật nữa) hoàn toàn khác biệt, nhất là cái đầu óc hợm hĩnh (sufisance) mang từ "cái nôi của cách mạng tháng 10" về thì....chỉ có làm ông tăng-xông mà chết sớm!

Một làn sóng văn nghệ sỹ, diễn viên ở cả hai miền di tản, vượt biên càng tăng lên khi có vụ "Nạn Kiều". Hàng loạt diễn viên của Nhà hát giao hưởng (cả gia đình họ hàng nhà Cóong (Trombone), Đài Phát Thanh (Vân Khánh,Mộng Dung.riêng Ngọc Tân..bị bắt,ở tù rồi được thả) Nhà hát Kịch (Giáng Hương,Phạm Bốn) Trường Nhạc (vợ chồng pianist Hàn -Vy-Hoa...V.Hiệp...) thậm chí cả sau này gia đình nghệ sỹ Nhân Dân Thái Thị Liên-Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt minh... theo tớ chẳng qua cũng chỉ là một thứ "di tản chính thức", được chấp nhận để họ có đủ điều kiện phát triển tài năng mà thôi! Còn họ phục vụ nhân dân được cái gì thì ngay cai "nhăn răng" tớ đây cũng chẳng được ba vị "nghệ sỹ lớn" quanh năm sống ở nước ngoài cho nghe lấy một nốt nhạc nào! Tớ chỉ ân hận có một điều là không giúp đỡ "giải thoát" được cho chính em ruột tớ:Tô Hiền.Một phần vì bản thân em tớ nó quá yếu đuối cả về tinh thần lẫn thể xác.một phần nó cũng hơi có tí..."cách mạng" hơn cả ông anh vì nó cũng đã từng trải qua những ngày sống với "cách mạng" thời học tú tài ở trường cấp ba Nguyễn Thượng Hiền, trong vùng kháng chiến. Phần nữa nó quá lo cho cuộc sống càng ngày càng khó khăn của một anh "giáo sư cấp ba" và một bà vợ giáo viên cấp 2 làm sao nuôi nổi 6 con ăn học trước tình hình ngày càng xuống cấp trầm trọng của xã hội những năm 76-77.

Có thể nói gia đình Tô Hiền,em tớ là điển hình cho một lớp trí thức tiểu tư sản thành thị bị "chết lây" bởi các phong trào cách mạng đánh vào...người khác! Thoạt tiên là bán đổ bán tháo cái ô-tô hàng ngày, giáo sư dùng để chở vợ con đi dạy, đi học và chở mình đến lớp! Sau đó là tậu ngay... 8 cái xe đạp, mỗi người một cái, ngày ngày cọc cạch đạp từ hẻm Long Vân Tự (Bình Thạnh) đi khắp các Quận đề học, để lên lớp, giảng bài! Mỗi lần tớ về thăm lại thấy thiếu đi một cái gì đó, thậm chí đến 3 cái quạt trần cũng từ từ đội nón ra đi. Bữa ăn thì toàn bo bo, bột mì...rau xanh là chính. Các cháu sinh ra ghẻ ngứa, mặt mày đứa nào đứa nấy ngơ ngác chẳng còn hột máu! Mỗi lần về, qua chợ bà Chiểu, tớ luôn xách theo cân thịt lợn, thịt bò về để bồi dưỡng cả nhà. Đang tính chuyện bán nhà để có "cây" vượt biên thì... ngay trên bục gỉảng tại trường phổ thông cấp Ba Nguyễn Huệ Quận 4, giáo sư Hiền đã gục xuống, đứng tim và không bao giờ tỉnh lại nữa! Đó là ngày 24 tháng 10 ta năm 1976, sau đúng có hơn một năm trời cố gắng làm anh giáo sư cấp 3 XHCN! ...Và vợ Hiền, sau đó ít năm, cũng chết vì tăng xông luôn... 6 đứa con nay đã trưởng thành, chẳng nên ông nên bà, có chức danh to lớn gì, nhưng cũng sống được, một phần vì có ba đứa đã quyết tâm làm "boat people" (may không đứa nào bị cá ăn thịt), hiện đang sống bên Canada, bên Mỹ, hỗ trợ ít nhiều! Đúng là tớ có cái "số" sống cô độc, không bà con họ hàng để luôn luôn có thời giờ mà... nghĩ ngợi, mà buồn chán cho cuộc đời, mà trao đổi với bạn bè những tình cảm,nghĩ suy... như tớ đang giải sầu bằng blogging hôm nay đây.

Trở lại với cuộc đi lang thang với nhạc sỹ Lê Thương (không có ông rất khó tiếp cận với các loại "sống ẩn" như Dương Thiệu Tước) tới rất nhiều các nhạc sỹ đang còn ở lại.Tớ luôn ca ngợi cái tự do của họ và nhận hết những gì mà người khác làm sai như của mình làm sai. Xong xuôi rồi, bao giờ tớ cũng tìm cách nhắn nhủ một cách tế nhị "Nên chọn con đường "ra đi" là tốt nhất vì các anh không có đủ sức chịu đựng được những gì chúng tớ đã chịu đựng đâu! Trừ một số anh quyết tâm ở lại vì đã quá già, trong đó có anh Lê Thương, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước...tất cả những người trẻ, trong đó có cả Duy Quang, trước khi ra đi đều đến chào tớ rất cảm động, chân thành. Tớ chỉ thương có một mình Y Vân, một con người nghệ sỹ quá tình cảm, quá bình dân và quá... nghèo, không sao có khả năng tìm đường "tự cứu" được. Ngay những năm 75, 76, anh cũng tự mình cuốn lấy thuốc hút, ăn mặc xuềnh xoàng. Anh thường đến tớ chơi trao đổi nhiều điều rất tâm tình (chuyện gia đình,chuyện vì sao anh làm ở Đài Mẹ Việt Nam ...Anh không được phổ biến tác phẩm ,không được kết nạp vào Hội cho đến ngày anh qua đời......)

Đối với tớ,không có nhạc sỹ phe ta hay phe nó gì hết. Chỉ có một cái chức danh đáng tự hào NGHỆ SỸ VIỆT NAM mà số phận đã bị các nhà chính trị đẩy họ đến chỗ phải cầm đàn, cầm bút, cất cao tiếng ...chửi nhau, gây nên chia rẽ, thù hằn cho mãi đến bây giờ vẫn chưa sao mà xí xóa đi cho được!

Vài năm gần đây, thỉnh thoảng có người trở lại cố hương, găp lại tớ, thấy tớ vẫn sống có phần thoải mái tự do, lại còn lên net, gõ blog hàng ngày, gặp bạn bè, mét xịch khắp bốn phương, tuy không có được nhà lầu,xe hơi nhưng vẫn vui tươi trong cuộc sống hoàn toàn tự do, thoải mái, tớ đã không ngần ngại tuyên bố :"Ngày xưa các bạn sống xướng hơn tớ nhiều ! Còn bây giờ thì đến phiên được bắt đầu cái sự... sướng tự tạo ra đây! Chỉ phải cái chữ "giầu" thì có lẽ không bao giờ tớ có được ở cái nền... kinh thế (!) thị trường quái đản này! Thôi thì thay "thăm nghèo hỏi khổ" tớ bằng... "thăm cái lão già nghèo mà sướng vậy"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- "Tô Hải Library" không chịu trách nhiệm về comment của bạn đọc.
- Hoan nghênh bạn đọc góp ý sát chủ đề mỗi Entry. Các comment "lạc đề" dù vô tình hay cố ý đều bị từ chối mà không cần báo trước.